Hôm nay,  

Nghịch Lý America

05/01/201500:00:00(Xem: 11825)

Tác giả: Nguyễn Thế Bài
Bài số 4431-14-29831vb2010515

Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ mới định cư tại Mỹ ba năm. Với 4 bài viết, trong đó có "Người Đẹp và Quái Thú" ghi nhận nhiều chi tiết đặc biệt về tổ chức y tế, bệnh viện tại Mỹ, tác giả được bình chọn cho giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

- Tui vừa đọc bài viết "Hội làm vườn Việt Mỹ" của anh, thấy có nhắc đến hai anh bạn già người Huế nầy, cho nên gọi điện nói chuyện cho vui. Sắp tới, anh định viết chi nữa đây?

Ông bạn già người Huế của tôi có lẽ là độc giả trung thành số một của "Viết Về Nước Mỹ", vì theo như ông cho biết, ông chưa bỏ một bài viết nào suốt mười mấy năm qua. Từ ngày bài "Con chim choi choi" của tôi được đăng, mỗi khi có bài "viết về nước Mỹ" của tôi, là ông gọi điện chúc mừng ngay. Có ít nhất là một độc giả thân thiêt chia sẻ, động viên, tôi càng muốn viết thêm.

- Cám ơn anh. Ông đồng hương của tôi cũng vừa gọi điện, chê bài viết còn thiếu một chi tiết quan trọng liên kết hội làm vườn. Đó là dính vào miếng vườn chẳng khác nào tự ký án tù một năm: còn bận hơn con mọn, chẳng dám và cũng chẳng thể đi đâu xa vài ngày, bằng không, công khó bao ngày sẽ thành công cốc.

- Cái nầy thì tui hoàn toàn đồng ý. Ông mụ tui có mấy đứa cháu, mà đầu mình chân tay phải làm việc hết công suất suốt ngày. Nhiều khi muốn tới anh chuyện trò cho vui, mà đành chịu tệ. Đúng là nghịch lý nước Mỹ: mình tưởng tuổi già vui thú điền viên, nhất là ở xứ sở "chảy sữa và mật ong" nầy. Ai dè...!

- Cám ơn anh. Anh hỏi tôi sắp tới định viết gì. Anh vừa cho tôi ý tưởng thật hay. Tôi sẽ viết về đất nước chúng ta đang sống. Anh đã lăn lộn nơi đây vài chục năm rồi, có dư quan sát, có dư cảm nghiệm, suy tư. Tôi là dân mới đến, song cũng nghe, cũng thấy, cũng nếm không ít những điều xem ra hết sức nghịch lý. Vậy tôi sẽ lấy tựa đề là "Nghịch lý America". Hôm nay thứ tư. Hẹn anh thứ bảy, gặp nhau sẽ trao đổi nhiều hơn.

Đúng như lời hứa, trưa thứ bẩy, anh bạn già người Huế của tôi tới nhà tôi hàn huyên. Vừa nhập ngụm trà nóng, anh nói ngay:

- Nghịch lý đầu tiên là tui, là những người lính như bọn tui. Mỹ viện trợ giúp mình đánh việt cộng, rồi bắt tay với Trung Cộng bỏ rơi mình; rồi cũng lại chính Mỹ đón mình sang Mỹ, không chỉ sinh sống, mà thành hẳn công dân Mỹ. Tui đồng ý với anh trong bài viết "Từ DC đến Cali": giờ ni tui hoặc bất cứ người Việt nào mang quốc tịch Mỹ hoặc thường trú nhân, đều không có quyền gọi đất nước nầy là nơi "tạm dung". "Quê hương thứ hai" thì được, chứ gọi Hoa Kỳ là "đất khách quê người" hóa ra vừa vô ơn, vừa giả dối quá sao?

- Đúng vậy. Anh vừa nêu lên một nghịch lý, xuất phát từ sự giằng co tâm lý, tình cảm của những người con xa quê, nơi họ đã chôn nhau cắt rốn. Anh còn nhớ mấy câu trong Hòn Vọng Phu của Lê Thương không? "Ai ra đi mà không ước hẹn ngày về. Ai quên ghi vào gan đá bao nguyện thề..." Ai mà chẳng có những nỗi nhớ. Mơ về quê cũ cũng là chuyện bình thường thôi mà. Hàng tỷ đô la kiều hối gửi về Việt Nam hằng năm làm “phao cứu sinh” cho cái chế độ mà mình cũng nằm trong cái nghịch ý ấy.

- À, chút nữa thì quên. Anh mới tậu xe mới hả? Mừng cho anh chị. Chiếc Toyota đẹp quá, vậy mà ông bà giấu kỹ, không rửa xe.

- Bọn mình đang nói những chuyện nghịch lý. Đây cũng gọi được là chuyện nghịch lý trên đất Mỹ. Chiếc xe cà tàng mà anh thấy thời gian qua, đã theo ông mụ tui bao năm rồi, không hề ho hen, vậy mà mấy tuần qua đổ đốn cứ nằm vạ hoài. Mấy đứa thấy vậy,mới bàn nhau bỏ ra mỗi đưa dăm ba ngàn tậu cho chiếc xe nầy. Khi còn trẻ khỏe, làm hai "jobs", ba "jobs" thì xài cái xe cũ rích; nay về hưu, chẳng nên tích sự gì nữa, thì lại xài đồ xịn.

- Anh chị phải mừng vì con cái hiếu thảo chứ! Mấy tháng trước, vợ chồng tôi đi khám răng theo diện thẻ cam (orange card), chỉ phải co-pay ba mươi đồng. Chúng tôi gặp hai vợ chồng người Việt cũng đi khám, nhưng không có tiền trả, phải vay mượn cô nhân viên xã hội. Bà vợ cho biết họ sống ở apartment với con trai và con dâu. Họ ngồi trong nhà suốt ngày. Xe không có và không biết lái; tiếng Anh không biết nói; đường xá mù tịt. Ngoài ăn uống, con không hề cho đồng nào. Đi đâu cũng nhờ cậy người quen, nhưng đâu phải khi nào họ cũng rảnh rang hoặc sẵn sàng. Cũng như vợ chồng tôi, sang Mỹ ở tuổi nầy, còn mong kiếm công ăn việc làm gì nữa. Thật bất nhân, bất hiếu. Đầu tuần nầy, tình cờ gặp lại cả hai vợ chồng, hỏi thăm thì cụ ông cho biết đã xin được medicaid, trợ cấp và food stamps. Mừng cho họ quá.

- Mất gốc, anh ạ. Mất gốc là mất hết: mất dạy, mất nết, mất tiếng, mất trí. Đẻ con như rứa, thà đẻ hột vịt lộn, không ăn thì đem bán, còn có ích hơn. Đáng buồn là những thứ con cái như rứa không phải là ít.

Khi bực tức trong lòng, anh bạn già của tôi xổ rặt tiếng Huế. Anh nói tiếp:

- Tui dạy mấy đứa trong nhà: bây đi ra, nghe người ta nói ngày trước ở Việt Nam, cha mạ đặt mô con ngồi nớ; sang bên ni, con cái đặt mô, cha mạ ngồi nớ. Bây nhớ giùm tao một điều: nếu bây muốn cha mạ tôn trọng tự do của bây, thì bây cũng phải tôn trọng tự do của cha mạ. Tự do của cha mạ là đuổi những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch ra khỏi nhà và xé khai sinh, cắt đứt mọi quan hệ. Tại răng à? Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Nếu con cái muốn sòng phẳng, thì OK, hãy sòng phẳng. Hãy trả lại tiền tốn phí nuôi dưỡng mỗi đứa con, mà theo thống kê mới nhất, là 245 ngàn đô la, chỉ tính từ khi lọt lòng đến 18 tuổi. Công lênh mang nặng đẻ đau, vất vả ngày đêm, coi như free. Anh thấy ra răng?

- Đồng ý với anh cả hai tay. Nhiều khi quan sát nếp sống gia đình Âu Mỹ, tôi cứ thắc mắc và ngạc nhiên mãi. Khi còn nhỏ ra sao thì tôi không nhớ, nhưng từ lúc đoàn tụ đến khi thầy tôi mất, tôi chưa hề nghe ông nói một lời ngọt ngào; nói chi chuyện ôm ấp hôn hít. Những cử chỉ âu yếm nhất, là đi ăn cưới, ăn giỗ, thế nào cũng nhớ đem về cho tôi cái bánh, trái cây, có khi cả một gói thức ăn, lúc còn bé như thế và sau đó vẫn vậy. Nhưng tôi luôn thấy gần gũi, kính trọng và yêu mến, dù chúng tôi mất hai chục năm Bắc Nam xa cách (như đã có lần tôi kể anh nghe rồi). Cái chữ hiếu của dân Việt mình nó ăn sâu vào máu thịt, vào tâm hồn, không bị vật-chất-hóa, đáng trân trọng và giữ gìn dường nào. Người Âu Mỹ thì ngược lại: nhìn họ âu yếm con cái, vào hôn ra hít, tổ chức sinh nhật công phu, quà cáp Noel, nghỉ hè tốn kém, chăm sóc lo lắng đủ điều, những tưởng những đứa nhỏ sẽ gắn bó với gia đình gấp nhiều lần và thờ cha kính mẹ. Nhưng khi lên 18 tuổi, chúng tự cho mình đã đủ lông đủ cánh và tự lập, rời xa cha mẹ. Tự lập thì không ai nói gì, song chúng gần như quên cha mẹ. May mắn lắm là còn nhớ birthday hoặc Noel. Bậc làm cha làm mẹ dường như cũng quen lối sống nầy, coi như nợ đồng sàng, vay trả trả vay. Cái văn hóa "YOU", ai cũng "MÀY", cá mè một lứa, không có tôn ti trật tự, có lẽ là nguồn gốc của những điều nghịch lý ấy. Nói như anh: mất gốc!

- Mình nói cứng, chứ rồi đất không nghe trời, thì trời cũng phải nghe đất, cũng phải gồng mình học sống văn minh hợp thời, chứ cứ khư khư giữ cách nghĩ,cách làm như ở Việt Nam,thì cũng không được. Ngoài chuyện vốn thích hát nghêu ngao cho yêu đời, tui sắm cái giàn karaoke cũng là để con cháu khi về nhà, cùng đơn ca, song ca, tam tứ ngũ ca cho vui. Anh còn nhớ phong trào hippi những năm đầu thập niên 1970 không? Tui thấy tuổi trẻ Mỹ cứ như ngựa chứng, ưa nổi loạn và cả thác loạn nữa. Thế hệ người Việt thứ ba trở đi mà tiêm nhiễm lối sống đó thì thật tai hại.

- Tôi cũng thường hay suy nghĩ về khía cạnh xã hội nầy và nhìn nhận dưới góc độ phân tâm học: cũng có thể nói như anh, rằng tuổi trẻ ưa nỗi loạn và bị lôi cuốn vào nhịp sống cuồng loạn, thậm chí thác loạn. Song nếu đào sâu vấn đề, ta sẽ thấy đúng ra đó là những phản ứng, những vùng vẫy để thoát ra khỏi những dây nhợ, những trói buộc vô hình,mà xã hội áp đặt ngày một thít chặt, ngày một nặng nề, lên cuộc sống của chúng. Gọi đây là một nghịch lý cũng không sai: nước Mỹ tân tiến,kinh tế Mỹ phát triển giàu có, xã hôi Mỹ dân chủ,tự do, nhưng người dân Mỹ luôn cảm giác bất an,luôn phải quay theo guồng máy mà không biết lúc nào đó sẽ bị đào thải,bị hất văng ra. Ta cứ nhìn vào cái khá gần gũi với chúng ta:luật di trú. Hàng trăm,hàng ngàn điều khoản vô cùng phức tạp. Nhưng thấm vào đâu so với các luật về thuế má, nhà cửa, y tế, bảo hiểm và vô số luật khác. Bảo vệ người dân đâu chưa thấy, chúng như những dây thòng lọng, như những lưỡi gươm Democlès treo lơ lững trên đầu ta, lạnh lùng, không khoan nhượng. Anh vay tiền mua nhà. Không có tiền trả nợ, ngân hàng "kéo" nhà anh. Xã hội nầy làm gì có chuyện "tối lửa tắt đèn có nhau". Từ nhà anh đến nhà tôi, ở các chỗ đèn đỏ, vẫn thường thấy những người ăn xin bất đắc dĩ, tay cầm miếng bìa các-tông, ghi nghuệch ngoạc, đại loại: please help. Lost job. Three kids to feed. Homeless. Tuổi trẻ rất nhạy bén: chúng thấy mình như những con côn trùng nhỏ lọt vào màng nhện khổng lồ của vô số định chế xã hội, không có cách chi thoát ra khỏi, càng vùng vẫy càng bị thít chặt. Vì vậy chúng tìm mọi cách để phản ứng,phản kháng, qua âm nhạc kích động,qua lối sống buông thả không biết ngày mai, qua rượu mạnh, qua ma túy,mà những cơn say giúp chúng quên đi một thời gian những thực tại trước mắt. Đi xa hơn nữa là những hành vi bạo loạn,dùng súng đạn gây đau thương chết chóc khắp thế giới. Bọn tài phiệt không bao giờ bỏ lỡ cơ hội khai thác, làm cho tuổi trẻ ngày càng lún sâu trong trụy lạc.

Nếu không dùng cái nhìn phân tâm học để giải thích, thì thật khó hiểu được tâm lý của dân Mỹ và tuổi trẻ Mỹ. Anh thấy đó: phim Love Story năm 1970 do đạo diễn Arthur Hiller từ tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của Erich Segal là một hiện tượng, một ngoại lệ của điện ảnh Mỹ, không ướt át và đẫm nước mắt như các phim Hàn quốc, nhưng êm ái,cảm động. Và chỉ bằng ấy. Ngày nay, có thắp đuốc đi tìm, vẫn không thể thấy được một bộ phim Mỹ như vậy. Các phim bom tấn trong thập niên qua (và nay vẫn còn thời thượng) là những phim thuộc hai loại phim hành động và hoạt hình. Hết Batman (người dơi) đến Spiderman (người nhện) và nay là Antman (người kiến). Phim hoạt hình Frozen (2014) không chỉ mang về hai giải Oscar, mà còn là một trong năm phim có doanh thu cao nhất (1,25 tỷ đô la); Toy Story, Lion King, Finding Nemo, hoặc các phim Shrek đều là những phim hốt bạc. Dân Mỹ, trong vô thức, muốn những gương mặt anh hùng dùng tài nghệ siêu phàm và lòng can đảm để chiến thắng người ác, sự ác mà họ rất ghét,rất muốn tiêu diệt,nhưng chúng vẫn nhởn nhơ khiêu khích trước mặt, nhan nhản khắp nơi, trong mọi lãnh vực xã hội; mặt khác họ thèm khát sự an bình, giảm trầm cảm (stress) bằng nụ cười vui cùng các nhân vật hoạt hình dí dỏm, thoát khỏi ít nhất một vài tiếng đồng hồ - những áp lực cơm-áo-gạo-tiền và vô số các vấn đề kinh tế,xã hội,chính trị. Nghịch lý là ở đó: họ "mượn" cái áo khoác ảo tưởng, để choàng che cho bản thân khỏi những thực tại "nước mắt nhiều hơn nỗi vui, cay đắng nhiều hơn tiếng cười", để rồi sau những giờ phút ngắn ngủi ấy, khi phải trở lại đời thực, họ thấy "mình lại thương mình xót xa" (Nguyễn Du, Kiều)

Hai chúng tôi cùng im lặng uống trà. Bầu khí tự nhiên chùng xuống,nặng nề. Trời đổ mưa. Cơn mưa vừa dứt, anh đứng dậy bắt tay chào ra về, vừa mở cửa xe vừa nói:

- Nước Mỹ đúng là đất nước của những nghịch lý. Nghịch lý America! America toàn những nghịch lý. Nói khi nào cho hết. Hẹn anh dịp khác. Khi nào viết xong, anh cho tôi đọc trước,nghe!

Anh bạn già người Huế đi rồi, tôi vẫn thẩn thờ đứng nhìn theo bóng chiếc xe trườn nhẹ trên các khúc quanh dẫn ra đường chính. Nghịch lý America quả là đặc điểm của đất nước nầy. Đất nước Mỹ đâu phải yên lành gì: hết thiên tai lại đến nhân tai. Những khi ấy, hầu như không thấy ai gửi điện văn chia sẻ. Văn hào La Fontaine nước Pháp viết: "lý của kẻ mạnh hơn bao giờ cũng hay nhất" (ngụ ngôn Con Sói và Con Chiên),nhưng nước Mỹ mạnh nhất về kinh tế,quân sự, lại luôn cô đơn. Bão Katrina năm 2005 tàn phá cả vùng rộng lớn Miền đông nam Hoa Kỳ,gây thiệt hại to lớn về người và của, có ai tiếp cứu đâu. Khi nước Mỹ bị bọn mất tính người tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001, thậm chí nhiều nơi còn nhảy múa ăn mừng. Tuy vậy dù đang khốn đốn chuyện nhà,nhưng hể nghe đâu trên thế giới xảy ra tai ương,là nước Mỹ lo lắng chia buồn và gửi ngay vật chất cứu trợ với số lượng khổng lồ. Những tưởng sự quảng đại ấy sẽ được khắc cốt ghi tâm và khiến hình ảnh nước Mỹ được vinh danh trên khắp thế giới. Nghịch lý thay: nước Mỹ bị thù ghét ở mọi nơi. Động cơ thì rất nhiều, đa phần là do ghen ăn tức ở, do sợ mất ảnh hưởng chính trị, lo bị nền kinh tế Mỹ nuốt chửng,...

Nước Mỹ là nơi gần như ai ai cũng muốn đến, muốn được sinh sống, muốn được hít thở bầu khí tự do. Nhưng khi có được điều kiện, cơ may trở thành công dân Mỹ, thì không ít người ăn cháo đá bát, quay lưng phản bội: nhẹ thì sống bê tha, lười biếng, lợi dụng chính sách nhân đạo của chính phủ để ăn bám xã hội; vừa thì trộm cắp, nghiện ngập hoặc buôn bán ma túy,bạo lực phân biệt chủng tộc; nặng thì giết người, đặt bom khủng bố, âm mưu tiêu diệt đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận và cưu mang họ. Nhiều người không chỉ "ăn cây táo, rào cây sung", mà còn gia nập những lực lượng vũ trang khủng bố phạm những tội ác trời không dung đất không tha, mà mục tiêu tối hậu là chống lại và hủy diệt Hoa Kỳ.

Thống kê cho thấy năm 2013 trên thế giới có gần 1,500 tỷ phú có khối tài sản trên 5,4 tỷ đô la, trong đó 10 tỷ phú có tài sản trên 35 tỷ đô la (7 là người Mỹ), đứng đầu là Bill Gates. Nhưng khác với tỷ phú các quốc gia khác có cách kiếm tiền và tiêu tiền khác biệt, các tỷ phú Mỹ như Bill Gates hoặc Warren Buffett (hạng ba trên thế giới với 71,4 tỷ đô la) lại làm giàu hết sức minh bạch, sống rất giản dị, không hề xa hoa trác táng và đặc biệt là hiến gần như toàn bộ khối tài sản khổng lồ cho công việc từ thiện, cứu nhân độ thế, khác xa hình ảnh những tỷ phú ở các quốc gia trên thế giới làm giàu bằng thủ đoạn, mờ ám, đồng tiền tanh mùi máu và khi có tiền, là ăn chơi trụy lạc,tiêu pha xa xỉ không thể tả hết và chỉ biết vinh thân phì gia.

Tựu trung đó là kết tinh của một nền giáo dục nhân bản chỉ có nơi một đất nước, một dân tộc nhuần thấm thế nào là dân chủ và nhân quyền,thế nào là nhân phẩm được thăng hoa trong một đất nước tự do. Những điều nầy không thể hình thành tự nhiên, không phải có được ngày một ngày hai.

Nhớ lại sáng nay nhìn mấy đứa nhỏ chơi đùa như vớt vát những ngày Summer Holidays còn lại, trước khi bước vào năm học mới, tôi chợt thấy buồn cười: lại một nghịch lý nữa. Hơn một nửa trong các cháu bị chứng béo phì! Người Mỹ - gốc gì cũng vậy đều sợ cholesterol: một tí da dính vào thịt, cá,cũng lấy đi bằng được; một chút thịt mỡ là gạt sang ngay bên, nhưng ăn uống thì lại vô độ, ăn nhiều và ăn nhiều lần, mọi lúc, mọi nơi. Thân hình cứ thế mà phì ra. Rồi lại tìm đủ cách để giảm béo, bởi vì béo phì không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ,mà còn kéo theo bệnh tật.

Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên nước Mỹ, gặp khá nhiều đồng hương người Việt và thấy thật may người dân gốc Việt, đặc biệt phái nữ, đại đa số vẫn giữ được dáng thon thả, vẫn có thể bận áo dài dân tộc. Một phần do họ làm việc vất vả, chắt chiu tiết kiệm để lo cho tương lai, song có thể một phần do thức ăn Việt Nam tốt cho sức khỏe. Âu cũng là điều mừng.

Hết mưa, nhưng bầu trời vẫn u ám, tôi vào nhà và tự nhiên muốn mở Internet để xem Wikipedia định nghĩa "Dilemna" (nghịch Lý) ra sao:

Một nghịch lý là một vấn nạn đưa ra hai khả năng, nhưng chẳng có cái nào trong đó trên thực tế có thể chấp nhận được. Một người ở vị trí nầy theo truyền thống được mô tả là "tiến thoái lưỡng nan".

Chợt nhớ bài hát mà nhân vật Vương-Khởi-Minh trong cuốn tiểu thuyết "Người Bắc Kinh ở New York" (được dựng thành phim cùng tên,do Khương-Văn thủ vai chính) gửi đến mọi người như một thông điệp:

Nếu bạn yêu anh ta,
Xin hãy đưa anh ta đến New York,
Vì nơi ấy là thiên đường.
Nếu bạn ghét anh ta,
Xin hãy đưa anh ta đến New York,
Vì nơi ấy là địa ngục

Nguyễn Thế Bài

Ý kiến bạn đọc
08/01/201517:04:28
Khách
Không thíh nghịch lý ở Mỹ thì ở lại VN để sống trong thuận lý thiên đường XHCN cho vui đi
08/01/201507:25:55
Khách
- Cám ơn Bạn Tifany đã chỉnh giùm từ "Damocles".
- Bạn hen nguyen thân mến. Trái với nhận định của Bạn, chúng tôi chỉ đưa ra một số nhỏ những quan sát về đất nước lắm điều "lạ" nầy mà thôi.Tiêu chí và nội dung các bài viết do VIỆT BÁO đề ra, là VIẾT VỀ NƯỚC MỸ.Nếu Tòa Soạn cho VIẾT VỀ VIỆT NAM(về những cái xấu,nghịch lý,...),, e rằng không đủ nhân lực hoặc thời giờ nhận bài vở.
06/01/201522:56:41
Khách
Xin góp ý cùng tác giả : lưỡi gươm Damocles, chứ không phải Democles
06/01/201517:18:14
Khách
bài viết có vẻ như than về sự nghịch lí ở US , vậy thì làm 1 bài về nghịch lí ở VN đi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,466,866
Tháng 8 năm 1963, tôi xách chiếc va li nhỏ vào trường Sư phạm Quy Nhơn trước sự ngạc nhiên của bạn bè cùng lứa: "Con Hồng mà học Sư phạm Quy Nhơn ni à?".
Trước 1975, tác giả là một phi công chiến đấu. Tại Hoa Kỳ, nhiều bài viết của ông thường được phổ biến trên báo giấy, báo mạng trong sinh hoạt cộng đồng và các hội đoàn cựu quân nhân VNCH.
Trương Ngọc Anh đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001.
Khai bút đầu năm mới 2015 Đoàn Thị kể về chuyện vui duyên nợ với Viết về nước Mỹ. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1975, hiện là cư dân Westminster, công chức hồi hưu. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà kể về một tình bạn. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Toàn bộ câu chuyện và happy ending của Tượng Đài Tưỡng Niệm Cựu Chiến Binh cuộc chiến Việt Nam tại Austin, Texas, được kể lại bởi tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về NướcMỹ 2014.
Chuyện kể về người bạn cựu chiến Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Tác giả là cư dân San Dimas, California.
Bài viết là chuyện một tình yêu chung thuỷ cảm động trong ngày Tết Dương Lịch. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học.