Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Có Thêm Con Trai Năm 71 Tuổi

27/07/201300:00:00(Xem: 213665)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với bài viết tựa đề “Viện Dưỡng lão và Viện Mồ Côi”, Trần Thiện Phi Hùng có tên trong danh sách nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2013. Tác giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; 12 năm 4 tháng đúng, tính đến ngày 30 tháng Tư 75, tự lái tầu vượt biển năm 1982, hiện định cư tại Úc. Tác giả cho biết “Bài viết cũng có khá nhiều chi tiết là chuyện thật, vì con gái tôi hiện là Y sĩ nhãn Khoa làm việc tại Melbourne. Nó sinh tại Bảo sinh viện Quân Đội ở Nha Trang và lúc Cháu sinh ra có bà vợ của một Trung úy Biệt Kích sinh đứa con lai Mỹ Đen rồi mang cho con. Nếu đứa bé là Mỹ trắng thì vợ tôi có lẽ nghe theo ý tôi xin nuôi rồi. Bài viết thứ ba của ông là chuyện tình nhà dưỡng lão, với người tình nửa thế kỷ con mắt con có đuôi

Sớm mơi hôm đó, một buổi sớm không gió cũng không mưa, một ngày đẹp trời để đi mua sắm, dạo phố hay dạo chơi ở Công viên. Con gái tôi âu yếm đỡ tay tôi xuống xe và nhẹ nhàng cầm tay tôi đi đến tận cổng giao cho viên Giám Đốc rồi vội vã vừa quay lưng trở lại đi ra xe đi làm, vừa đi vừa nói:

- Good Bye, Daddy.

Hôm nay “Tôi đi Học?” Không, nơi tôi đến là một viện dưỡng lão. Nhưng điều tôi muốn nhớ lại là chuyện xảy ra đã trên 65 năm trước, lúc Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi học ngày đầu tiên đến trường, học lớp vỡ lòng với một ông Thạc sĩ tốt nghiệp tại Phá. “Xạo hết chỗ che, khó ai mà tin nổi”. Thạc sĩ gì đi dạy lớp Năm và lớp Tư (tức lớp 1 và lớp 2 ngày nay). Vậy mà đây là chuyện thật 100%.

Khoảng năm 1949 hay 1950 gì đó; Thành phố Mỹ Tho trên Giếng nước cho cả thành phố xài là Xóm Hàng Còng và trên nữa là Đất Thánh Tây có những miếng ruộng, bao chung quanh là vườn cây ăn trái; Nhà ở đây gần giống như ở quê; có một dãy nhà lá hình như 4 hay 5 căn gì đó với nhiều bàn học bằng gỗ tạp từ những miếng ván bìa của cây xúc cưa ra chỉ để dựng vách, được đóng sơ sài làm bàn học và có đến 50 hay 60 học sinh từ 5 đến 7 tuổi nhà nghèo nhưng lại cho đi học “trường tư” vì lệ phí chỉ lấy cho lấy có; chứ mục đích của Ông Thầy chắc chỉ là muốn giúp cho những mầm non thiếu điều kiện đi học trừơng công. Học sinh trường này muốn mặc gì cũng được, quần áo rách tả tơi, không mang giầy dép, aó thung rách nát cũng vào học được; tất cả đều bình đẳng như nhau.

Gia đình tôi không nghèo mà phải nói là khá giả nữa là khác; nhưng mẹ tôi lại biết được xuất xứ của ông thầy có cái bộ tướng như một người ăn mày hơn là một người đạp xích lô. Một chân của ông teo còn nhỏ xíu còn chân kia cũng teo nhưng còn cất bước được. Dĩ nhiên chân ông thầy rất yếu không thể nâng được thân mình, nên chúng tôi gọi là Thầy Lếch (cho tới ngày nay tôi muốn tìm hiểu cho biết tên thật cũng không ai biết chứ nói chi đến tiểu sử của ông ta. Tôi chỉ nhớ từng nghe Mẹ tôi ngày xưa nói ông ta là bạn cùng Du Học Pháp một thời với Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Sau khi đậu Thạc sĩ hay Tiến sĩ gì đó, chánh phủ Pháp bảo ở lại làm việc cho Pháp sẽ được ưu đãi; nhưng ông không chịu nên trước khi về nước, người Pháp chích thuốc làm cho chân ông bị teo lại.

Thầy Lếch dạy học trò vô cùng nghiêm khắc. Ông đánh học trò bằng tre gai, cái roi dài gần 2 thước từ trên bảng quất xuống, trúng đứa nào đứa nấy ráng chịu ; phạt qùy gối bằng sơ mít nhưng qùy mãi chai đầu gối nên Ông đem Vỏ Sầu Riêng vào làm cho học trò sợ không đứa nào dám không thuộc bài; nếu không thuộc bài thì trốn học đi chơi đâu đó hết giờ thì về; nhưng hôm sau lại phải học gấp đôi vừa bài cũ vừa bài mới nên ít có đứa nào dám trốn học. 5 hay 7 tuổi mà học buổi trưa thì làm sao không buồn ngủ, nhưng nằm gục xuống bàn thì bị Ông ngậm nước phun vào mặt; người Ông đen thui, ốm chỉ còn bộ xương nên nước từ miệng Ông phun ra thì đứa nào cũng gớm ghiếc!

Tôi học được một năm và lên Sài Gòn học lớp năm khoảng 6 tháng rồi về Tầm Vu học lớp Ba.

Ông thầy tài thật, nhưng người tôi phục lại là Mẹ của tôi. Đến bây giờ tôi cũng vẫn tự hỏi tại sao cha mẹ dư điều kiện cho tôi đi học trường công lập ; nhưng sau lại chọn cho Tôi người Thầy đầu tiên quá đặc biệt không giống bất cứ vị Thầy nào sau nầy.

(Nếu có Bạn nào biết tên Ông Thầy nầy xin vui lòng cho biết. Cám ơn rất nhiều)

Nhớ chuyện xưa nhưng rồi cũng phải sống với chuyện nay.

Theo chân Viên Giám đốc Viện Dưỡng Lão đi nhận phòng, Tôi phải ở đây có lẽ sẽ trọn cuộc đời còn lại. Quần aó những thứ cần dùng con tôi đã đem vào từ mấy ngày trước, tôi không hề hay biết, nên hôm nay đi tay không vào như đi thăm viếng bạn bè vậy thôi. Tôi để nguyên quần aó nằm lên cái giường mới của tôi nhưng chắc là cũ của bao người đến rồi ra đi vĩnh viễn để lại.

Khi nào bạn được hay bị đưa vào Viện Dưỡng Lão thì bạn mới biết được cảm nghỉ thế nào là cuộc đời ấm lạnh, biết được thế nào là tình người, tình mẫu tử hay phụ tử. Đừng nghe những bài ca bài thơ bài viết Công ơn Cha Mẹ mà mê mà hy sinh thí thân, thí mạng. Rồi con đường nào cũng đi đến “ngôi nhà chờ chết” nầy mà thôi!

Tôi vì các con nên vượt biên; cày ngày cày đêm nuôi các con khôn lớn. Nay chúng bận đi làm cả nên đưa tôi vào Viện Dưỡng Lão!

Tôi buồn muốn khóc nhưng sao không rơi được nước mắt. Có lẽ đời đã tôi luyện tôi thành chai đá để chịu đựng bao nghịch cảnh nhứt là sau Tháng Tư Đen 1975. Tôi thiếp đi không mộng mị gì, cho tới khi có người gõ cửa phòng nói giờ cơm. Tôi ra phòng ăn tập thể và được một nhân viên khác giới thiệu với những người bạn mới. Phần đông thì già yếu hơn tôi nhiều. Tôi ăn qua loa rồi trốn ra vườn chơi phía sau ngồi hút thuốc. Tôi biết hút thuốc từ khi vào Trung Học (3 đồng bốn điếu Ruby hay Costab, Capstan) 18 tuồi vào Lính thì mỗi ngày một gói 20 hay 25 điếu, chưa kể khi đi nhậu hay đấu láo với nạn bè hay trò chuyện với các cô. Đang muốn mượn khói thuốc ôn chuyện thời xưa thì có tiếng động sau lưng. Tôi quay lại thấy một bà chắc cũng gần sắp sỉ 70 vì trong đây ít có người dưới 70; nhưng sao thấy bà nầy con mắt như có đuôi khi cười:

- Anh là Hùng. Trần Thiện Phi Hùng phải không? Anh nhìn kỹ tôi xem nhớ là ai không.

Tôi cố moi óc xem đã có gặp người nầy chưa. Nhìn kỹ, thấy trên mặt bà ta có vết thẹo chừng 2 phân bên trái. Đầu chợt sáng lên một hình ảnh xa xưa.


- Lan Chợ Đũi, Bàn Cờ; ở Phạm Ngũ Lão phải không?

- Trí nhớ của anh khủng kiếp thật, nửa thế kỷ rồi mà còn nhớ.

- Nhờ vết thẹo.

Thật ra vết thẹo đã chỉ còn như một vết mờ trên da mặt. Bà ta ngồi xuống ghế dài đối mặt. Tôi hỏi:

- Em vào đây lâu chưa?

- Em mới vào tháng rồi.

- Chồng con của em ra sao?

- Em vượt biên với đứa con trai duy nhứt cũng trên 30 năm. Nó mới cưới “vợ Tây” năm rồi. Vì thấy mình không thích hợp với bọn trẻ nên em xin vào đây. Còn Anh?

- Anh chắc cũng qua đây một thời như em; Cũng vượt biên rồi mới bảo lãnh vợ và 3 con, 2 trai 1 gái qua sau. Con gái và trai út không chịu có con. Thằng trai giữa có 3 cháu nội, 2 trai 1 gái mới bốn và hai tuổi. Anh thì bị đưa vào đây vi chân hay đau, lắm khi không đi được!

- Anh có còn nhớ anh sống với em năm nào không?

- Năm 64. Anh ra trừơng bị đổi xuống tàu và gặp em; nhưng sau em lại đổi chỗ ở. Anh đi công tác về không tìm lại được em.

- Sorry với anh! Anh là Lính Thủy đi 2 hay 3 tháng mới về mấy tuần là lại đi; nhiều khi chỉ mấy ngày; lập gia đình rồi có con thì em làm sao đâ?

- Nhưng sau đó chừng một năm, khi đang lái xe anh thấy bên kia đường một cô giống em mặc đồ màu đen đầu quấn khăn tang đi với một bà quấn khăn kiểu Bắc ở khoảng đường Lê Văn Duyệt. Xe đang chạy ngược chiều, anh quay xe lại tìm thì không thấy đâu nữa. Có phải người đó là em không?

- Em cũng thấy anh nên em dẩn mẹ chồng của em tránh không cho anh gặp.

- Lúc đó em để tang cho ai vậy?

- Chồng của Em! Anh ta là Trung Úy Biệt Kích chuyên nhảy toán. Em làm đám cưới ngay sau khi xa anh.

- A! thì ra chê anh là trung sĩ quèn!

- Không phải thế. Thư thả có dịp em sẽ nói anh biết.

- Sao không kễ bây giờ.

- Chưa phải lúc.

A, thì ra viện dưỡng lão cũng không buồn tẻ như tôi nghĩ. Ngay này đầu tiên đã thấy người tình 50 năm trước của tôi cũng ở nơi đây. Ai bảo trái đất này không tròn?

Một tuần nữa trôi qua rất nhanh,ngày nào Lan cũng gặp tôi, nhắc đủ thứ chuyện ngày xưa và kể công nào là phải thức sớm để hai đứa cùng ăn sáng rồi đi taxi đưa tôi xuống tận bến tàu; ngồi trên băng đá hai đứa nói chuyện cho tới gần giờ tập hợp Lan mới đi về ngủ tiếp để chiều phải đi làm đến nửa đêm. Còn kể khi xét bóp thấy hết tiền thì bỏ vào cho tôi $300 hay $500, ăn sáng còn gọi cho gói thuốc.

Chuyện cũ Lan nhắc lại làm tôi nhớ mẹ. Hồi ấy, có lần về thăm Mei, tôi nói:

- Con chắc chỉ có thể lập gia đình với người từng trải việc đời thì mới hiểu con được, chứ học trò, cô giáo, hay tiểu thư thì có biết gì cuộc đời như con rời vòng tay Mẹ từ năm lên sáu!

Mẹ tôi bảo:

- Gái giang hồ chỉ thích hợp khi con có tiền có địa vị; nhưng không sống chung thủy với con lúc con sa cơ thất thế; vì ngựa quen đường cũ.

Đời lính biển như tôi, coi 10 thằng có gia đinh thì ít nhứt cũng ba bốn đưa có vợ ngoại tình. Ngay cả Hạm Trường, Đại Tá, Trung Tá cũng lắm người đổ vỡ cuộc tình khi phải đi công tác liên miên 2 hay 3 tháng! Đời lính thuỷ chỉ thường cặp với các em bán Bars. Bến chính nào cũng có người tình để sẵn Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng là 3 Bến chính. Lắm Thằng có vợ có con mà vợ ở Sài Gòn hay các tỉnh miền Tây; có thêm Vợ nữa mà cả hai chẳng hề biết nhau; chỉ khi nào chết mới thấy cảnh hai bà đem 2 dòng con đến nhận xác chồng thì mới vỡ lẽ biết nhau!

Tôi sáu năm làm Lính Tuần Dương rồi mới đi học làm Quan. và trong 6 năm làm lính, tôi đến bến nào cũng có quán quen đào quen; khi vô Quán thì có cảm giác như về nhà, tha hồ mà ôm ấp như vợ chồng lâu ngày gặp lại. Tôi mấy lần bị các Quan tìm cách phạt vì Quan không được tiếp đãi như Lính ; mà bị phạt cũng phải, cái tội ăn chơi trội hơn Quan. Sau khi tôi đi học để làm quan thì các quán ngày xưa đã thay đổi, không còn được hoan nghênh như trước nên phải thay thường phục để đi chơi.

Vừa ra trường đổi về ở trên bờ; 28 tuổi rồi,gia đình khuyên nên có vợ. Ừ, thì lập gia đình. Lang thang Sài Gòn gặp lại người tình xưa bị từ chối; nay cô ta vẫn chưa lập gia đình nên liên lạc lại và mấy tháng sau là cưới.

Thường cuối tuần trong “nhà chờ chết” cũng có lúc rộn rịp, con cháu đến thăm, ông bà nội ngoại rộn rịp. Tôi cũng có ý trông nhưng chẳng thấy đứa con nào vào coi thằng Cha nầy ra sao. Đang buồn phiền trong phòng thì có thiếng gõ cửa.

- Em vào được không?

- Mời vào.

Chính là “người tình nửa thế kỷ con mắt còn có đuôi“ của tôi. Cùng vào theo sau bà là một gã khá lớn con khoảng trên dưới 50.

- Con trai của em.

À, ra đây là thằng con vừa lấy “vợ Tây” mà Lan kể.

- Chào Cháu. Chú là Hùng.

- Con Chào Ba. Con là Phi.

Lan tiếp lời con, không để Tôi kịp ngạc nhiên.

- Em vừa cho con biết. Bố nó là Phi Hùng nên tên nó là Phi. Đó là chuyện hôm gặp lại em không thể kể vì phải chờ gặp nó. Ngày xưa khi em xa anh thì mới phát giác em mang thai. Điều tưởng như không thể xảy ra với em nhưng lại xảy ra. Anh thì đã lên tàu đi biệt không biết chừng nào mới quay lại, nên em đành ưng ông Trung Úy Biệt Kích và đám cưới liền sau đó. Sinh con coi như thiếu tháng nhưng không ai nghi kỵ gì cả. Sau đó, chỉ một năm sau thì chồng em chết trận. Đó là lúc em đi nhà thờ với mẹ chồng là người Bắc mà anh đã thấy lần đó. Con của em cũng không biết. Sau này, em còn một đời chồng nữa nhưng anh ta cũng ra đi đã gần 10 năm rồi. Khi nãy em vừa cho con biết việc này và cho biết ba ruột của nó còn sống và cũng ở nơi đây. Nó muốn gặp Anh.

Thằng con tên Phi đột ngột đứng dậy đưa tay bắt tay tôi; Tôi cũng bắt tay nó thì nó chồm tới ôm tôi và nói:

- Biết rồi thì mình là Cha Con, phải không Ba?

- Chuyện xảy ra như tiểu thuyết; kể lại ai mà tin?

- Đâu cần ai tin. Mỗi tuần con thăm Mẹ là hai mẹ con sẽ cùng thăm luôn Ba. Tiện mà.

Ôm thằng con mà tôi nhìn người xưa. Cái đuôi con mắt bà ta đang cười cười.

A, đúng là số đào hoa như ngày xưa mẹ nói. Ngay cả khi đã 71 tuổi, bị ném vô cái nhà chờ chết này mà cũng thấy người tình, lại thêm bonus một thằng con nữa.

Nhưng làm sao giải thích với lũ con của tôi khi chúng vô thăm? Mà biết đến bao giờ chúng mới vô. Thôi, kệ... thằng cha nó. Mọi chuyện tính sau.

Lo nghĩ gì nữa, trái đất tròn mà. Cả ba chúng tôi đều cười vui với cuộc hội ngộ.

Trần Thiện Phi Hùng

Ý kiến bạn đọc
03/08/201320:05:25
Khách
chuyện vui thật
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,974,751
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai mươi mươi ba - gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bẩy 2021 tới 30 tháng Sáu 2023 - sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật 26 Tháng Mười Một 2023 tại Garden Grove, CA, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ ngày 30 tháng Tư năm 2000. Giải thưởng được tổ chức hàng năm, với các phần thưởng trị giá đến $35,000, gồm tiền mặt và tặng vật dành cho các giải vào chung kết, bán kết, giải danh dự, và một số giải đặc biệt. Riêng giải chung kết Tác Giả Tác Phẩm trong năm là $10,000;
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XV được tổ chức vào Chủ Nhật 17 Tháng Tám 2014, và 21 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên,
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh ở Bình Định, lớn lên ở Biên Hoà, học Trung Hoc Ngô Quyền 1965-1972.
Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng giới thiệu bài viết của Ông Đỗ Doãn Quế,
Tác giả người Mỹ đầu tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007 và rất có lòng với giải thưởng Việt Báo.
Tác giả cho biết cô họ Đoàn, đang ngụ cư ở Austin, TX, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn liên tục góp bài trong nhiều năm.