Hôm nay,  

Của Đi Thay Người

07/06/201300:00:00(Xem: 304459)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ những năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Mấy tháng nay vàng xuống rẻ quá, ở VN thiên hạ ai có tiền dư cũng đua nhau mua cất phòng thân, sợ đổi tiền. Bên Mỹ cũng không khác.

Anh Ba tôi, hai năm trước sợ vàng lên, lo mua để dành giá cao quá, nên giờ lo đi mua giá rẻ để gỡ lại. Anh đã về hưu, nhà đã trả off, có tiền pension hàng tháng thong thả, sức khỏe tốt, nhưng tánh vẫn lo xa, ưa mua vàng để dành, phòng khi sau này đau nặng, mổ xẻ, hay sống thọ ngòai 80 bị con cái bỏ bê, bán có tiền ngay mà trả cho nursing home.

Sẵn balance chương mục tiền hưu anh tháng này dồn lại khá nhiều, sáng chúa nhật anh lái xe ra Phước lộc Thọ mua một lựợng vàng y hiệu "Nữ thần tự do" giá 1800$. So với thời giá 2100$ năm kia thì rẻ hơn đựợc 300$. Anh bỏ vô túi sau quần, lẫn với chùm chìa khóa, ghé một tiệm ăn sáng, mua ít rau quả, rồi lái xe về nhà ở Anaheim, quên không hề nghĩ tới miếng vàng. Khi mở cửa vô nhà, tụt quần ra, sờ lại túi, tính lấy ra cất thì hỡi ôi, túi xẹp lép. Vàng đã không cánh mà bay. Nó mỏng tanh, có mà như không có, rớt mất lúc nào không hay... Anh chạy ra xe, lục sóat khắp chỗ ngồi, seat belt, coi có rớt đó không. Không thấy. Chạy ra driveway coi có rớt xuống đất lúc mở cửa không. Không thấy. Gọi hỏi nhà hàng ăn lúc này có thấy rớt ở chân bàn không. Không thấy. Rờ khắp áo quần túi trên túi dứới, không thấy. Thôi rồi, chắc lúc móc xâu chìa khóa ra, nó lôi theo miếng vàng rơi xuống đất mà sơ ý không nghe tiếng rớt, không hay. Thôi rồi. Mất tiêu một tháng lương hưu.

Anh toan bỏ cuộc, nằm nhà, nhưng lại nghĩ biết đâu chịu khó trở lại kiếm, của nó còn nằm đó, bèn lái xe chạy ngay ra chỗ parking đậu ở Phước lộc thọ, rồi tới nhà hàng, rảo bứớc tới lui liếc mắt tìm kiếm cầu may, cũng chả thấy chi, sân đậu xe tráng nhựa ở Mỹ sạch bong. Thôi tìm mất công, cuối tuần các parking lots sức mấy mà có chỗ đậu, xe nối đuôi chen chúc, chắc đã có người khác "pull" xe vô đậu, thấy cái gì sáng sáng dưới đất, đã lượm mất rồi. Có ai trên cõi đời này khùng điên tới mức thấy vàng rơi mà đi nộp cho cảnh sát, hay kiếm người trả lại, mà biết chắc ai là chủ thật đây.

Anh về nhà lại, thở dài, nằm nghĩ ngợi, tiếc của rền rĩ đau đớn...Đem triết lý Đời, Đạo ra an ủi. Bên Vn kia kìa, có đại gia ở Saigon đi chơi xa, bị kẻ trộm cạy cửa lấy cắp hơn một trăm cây, về vẫn phây phây. Có người mất cả vài chục cây tỉnh bơ, báo đăng hòai, có chết ai đâu.

Thôi, "Tri túc tiện túc, tri nhàn tiện nhàn". Lâu nay anh cũng để dành nhiều rồi. Biết bao nhiêu mới cho là đủ, hễ cho đủ thì nó là đủ. Anh chưa cần tới nó mà. Anh có nghèo khó, bịnh họan đâu, còn nhà, còn pension, còn con cái khá giả.

Thôi, biết đâu cái họa này lại là cái phúc khác, như truyện "Tái ông mất ngựa" trong Cổ học tinh hoa. Hay cao thụợng hơn, cứ cho "người VN mất vàng thì lại có ngừời VN khác nhặt được vàng, có đi đâu mà mất", như vua nước Sở ngày xưa đã nói, khi đi săn bị mất cung trong rừng.

Hay biết đâu, như ông bà ta hay nói: "Của đi thay người". Biết đâu bị họa "tiểu hao"này lại tránh được cái họa "đại hao"khác sắp tới.

Anh Ba tự liên tục an ủi tới đó thì thấy khỏe khoắn bớt nhiều, 10 phần tiếc chỉ còn 3, lại sực nhớ kinh Phật nói còn "siêu đẳng" hơn nữa :"Mọi vật trên đời đều là hư huyễn, không có thật. Ngay cả thân ta còn chưa thật, huống chi các vật ngoại thân (như nhà cửa, đất đai, xe cộ, vợ con), thôi cứ coi "Sắc tức thị không,Không tức thị sắc"đi thì mọi sự sẽ bình an.

Tới đó thì "nỗi buồn gác trọ" anh Ba biến đâu mất hết, trong lòng thanh thản trở lại...bèn đi mua miếng mít vàng tươi 6 đồng ở quán bán trái cây góc Magnolia và Wesminster đem về, nhưng ngồi lái xe sẵn bụng trống thấy đói, ăn sạch hết, bỏ cùi vô thùng rác khoan khóai. Ở Mỹ 10 năm nay giờ mới đụợc ăn lại miếng mít ngon, thấy lại quê hương như chùm khế ngọt. Trưa chủ nhật anh ăn thì chiều tối lên cơn đau bụng anh ách, đau tê tái. Nhớ lại ở Trung Quốc và Việt Nam bây giờ nhà buôn ưa mua rẻ trái sống, bơm hóa chất độc hại một đêm thành chín, đem bán, mà giựt mình. Mít này là mít Mễ trồng đem qua Mỹ bán, hay nhập từ VN qua, quên không hỏi chủ tiệm. Thằng con anh và bạn bè vẫn hay cảnh cáo, ăn uống mùa hè phải cẩn thận, trời nóng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, coi chừng bị "food poisoning".

Tới 12 giờ khuya, anh Ba vẫn ôm bụng rên rỉ, bụng phình lên như con cóc chửa, muốn lấy kim đan đâm vào cho xì hơi ra rồi ra sao thì ra, thử làm ly nứớc gừng uống cho ấm bụng thì mấy phút sau, nước chua cuồn cuộn lên cổ, anh leo ra khỏi giường cúi đầu xuống bồn cầu ọc ra một đống nước lợn cợn mít vàng lăn tăn, lưỡi chua lè. Thấy nhẹ bớt một chút, ai dè lát sau lại buồn nôn, ọc thêm ra môt đợt nữa, bèn lên giuờng mở nệm điện, đắp mền ấm, tay "mát xa" bụng liên hồi cho bớt đau.

Cơn đau có lúc êm, có lúc lại quặn lên tới sáng. Năm xưa, anh cũng bị một lần ói mửa kinh hồn như vậy vì ăn bắp luộc và uông nứớc chanh, phải đi Emergency Room.

Gọi bác sĩ gia đình, bác sĩ bảo ra pharmacy mua Anticid ngoài quầy, hay kẹo TUMS nhai cho hút "gas" bớt trong bao tử ra. TUMS có làm cho êm dịu một lát, nhưng sau 10 phút, cơn đau trở lại như cũ. Thuốc dặn cấm không đuợc uống quá 7 viên 1 ngày nên anh không biết uống gì tiếp, bèn uống tiếp nước gừng nóng cho lõang "gas" ra, để cái của nợ lỏng bỏng kia chạy xuống hậu môn. Đau quá nên không có cảm giác đói, hay thèm ăn gì cả, mặc dù đã mửa ra gần hết vụn mít trong bao tử. Đi tiểu thấy xót đường tiểu, vì chất chua lên men còn nhiều trong bụng.

Cả ngày Thứ Hai không bớt, không thấy xì hơi hay buồn đi cầu gì cả, chỉ chốc chốc hơi gas đưa lên cổ ợ ra. Cơn đau dằng dặc làm át đi hết các cảm giác khác, cơ thể cảm thấy vô cùng yếu ớt.. Sáng Thứ Ba, anh lái xe tới office bác sĩ gia đình khám, bác sĩ gốc ngừời Pháp này nghe nói anh không hề đi cầu hay xì hơi thì ngạc nhiên, đoán có cái gì mắc kẹt giữa bao tử và ruột nên thức ăn không chuyển xuống thành phân, bèn "order" Reglan ngày uông 3 lần, và thuốc đút hậu môn suppositories ngày 2 lần cho thông ruột dễ đi cầu.

Mua Reglan xong, lên mạng coi, thấy thuốc này có nhiều biến chứng phụ nguy hiểm quá, như nhức đầu, mắt co giựt, không dám uống. Gọi ông bạn học cũ, bác sĩ giải phẩu bên Bolsa tên Kỳ, Kỳ kêu chịu khó 5 giờ chiều cố lái qua cho anh khám bụng mới biết được chắc chắn. Anh bèn gọi đông y sĩ Sơn, một bạn khác ở Brookhurst. Sơn hỏi có "xì hơi" hay đi cầu chưa, anh nói: "Chưa, đâu có ăn gì vô bụng mà đi cầu?" Sơn la hoảng: "Thôi chết rồi, anh có vấn đề rồi, nhiều bệnh nhân tôi cũng trên mửa, dưới bí, như anh mà cứ để yên không chữa, sau bị thúi ruột, đã phải đi mổ cắt bỏ một khúc đó. Anh vô Emergency Room (ER) gấp đi... Tôi nói thật đó..."

Anh Ba hơi hoảng, nhưng cũng bán tín bán nghi, tánh ông này xưa nay vẫn ưa hù dọa, phân vân chưa biết tính sao. Sơn nói tiếp:

- Cho dù không ăn gì vô, hễ có nứớc vô là bên dưới phải xì hơi ra. Đó là điều tự nhiên trong y học dạy. Ba đời ông nội ngoại tôi đều là thày thuốc, anh tin tôi đi, vô nhà thương gấp kẻo trị không kịp, chết oan mạng.

Bác sĩ gia đình gọi anh nhắn, "nếu uống thông ruột không có kết quả, phải vô ER". Anh bèn nhắm mắt đánh liều uống ực 1 viên Reglan, ăn liền nửa trái chuối sứ và bát cháo gạo lức cho thuốc khỏi hại ruột. Rồi đút hậu môn 1 viên, chờ hòai chả thấy biến chuyển gì.

Buổi chiều anh tự nhiên thấy mệt quá, nằm lì trên giường, bèn uống đại thêm viên thứ 2, uống liền nửa ly mật ong nóng (thay cho thức ăn lót bụng), mật bổ dưỡng, mà lại nhuận trường. Đút thêm viên "supp" thứ nhì duới hậu môn, lát sau cũng chả thấy rục rịch hơi hám gì. Coi đồng hồ thấy sắp 5 giờ, bèn gọi bác sĩ Kỳ xin lỗi, nói mệt, không lái xe tới office Kỳ đuợc. Kỳ hỏi đang uông thuốc gì, 3 ngày nay đã đi cầu hay xì hơi chưa...

-Chưa, không có xì hơi nữa, đâu có ăn gì mà xì, mà đi cầu... Đang uống Reglan, đút suppositoire...

Lập tức, bên đầu dây có tiếng Kỳ hốt hỏang la tóang lên:

- Chết rồi, ông đừng có uống tầm bậy cái gì hết, đừng đút đít gì hết, chắc chắn là ruột ông bị quặn, tắc, hay nghẹt trong đó, nên phân không xuống đuợc. Bác sĩ gia đình ông là dồ dởm, whacker, tầm bậy. Ông lái xe vô gấp ngay ER cho họ trị, nếu mệt thì nhờ vợ con chở. Tôi đã từng cắt ruột cho biết bao nhiêu ngừơi rồi như vậy, chỉ vì coi thường..

Anh Ba hỏang hồn, vén mền chồm dậy, lật đật mặc quần áo chạy xuống nhà, đem theo cell phone, buớc qua nhà anh láng giềng Mễ tên Pedro nhờ lái chở gấp lên ER.

Pedro nghe kể, sốt sắng chạy ra rồ máy xe truck. Anh mệt mỏi, dựa đầu ra sau nhắm mắt không buồn nói gì. Nhớ lần ói mửa, bụng sưng anh ách như vầy năm xưa, mình anh lạnh tóat, nằm quỵ duới sàn đau đớn hàng giờ, đụợc con trai chở vô E.R của Community hospital, họ bắt chờ 2 tiếng, cho mấy viên thuốc và chích 2 mũi, mà "charged" hãng Kaiser bảo hiểm anh tới 1000 đồng. Phòng đợi E.R lúc nào cũng đông bệnh nhân ngồi chờ, thấy có anh Mỹ trắng mù 2 mắt đứng chống gậy, vài ngừoi Mỹ ngồi xe lăn chờ. Anh nhân viên ngồi "front desk" hỏi anh bị gì, anh nói:

- Stomach.

Anh ta lựa một cái form thích hợp, đưa anh điền lý lịch bệnh trạng vô, ký tên. Mười phút sau, có kẻ bước ra gọi tên "Ba", đưa anh vô gặp 2 nhân viên y tá ngồi hỏi bệnh, một bà đánh "info" vô computer, còn ông kia ngồi bên nhìn ái ngại, an ủi:

-Don't worry, we'll take good care of you.

Một cậu Mễ đẹp trai thư sinh, da trắng, ngồi ghế cao, làm ở computer bên ngòai, chuyên về billing, đòi coi ID và thẻ bảo hiểm anh, gõ tên, họ, địa chỉ, phone, charge anh tại chỗ 65$ co-pay, rồi bảo ra ngồi chờ ở góc phòng với các bệnh nhân khác.

Một lát, một bác sĩ Tàu còn trẻ măng, mặc áo blouse trắng, ra gọi tên, đưa anh vô phòng khám, hỏi bị gì. Anh trình bày rõ ràng chi tiết, thời gian, nhăn nhó than đau lắm. Bác sĩ này tên CHING, gọi y tá đưa anh viên thuốc giảm đau. Anh vừa uống, vừa lén nhìn tên thuốc (để kỳ sau có đâu bao tử, ra tiệm mua) mà chả thấy tên, chả biết thuốc gì mà sao bác sĩ gia đình trước đây không cho mình dùng. Uống xong, đựợc đưa lên giường kê dọc vách tuờng nằm chờ, ba phút sau có ngay một ông chuyên viên X-ray tới gặp, đọc ID ở cổ tay cho biết chắc đúng là tên "Ba", rồi đưa anh vô lab ở cuối hành lang, bảo nằm xuống giường, tụt quần dài xuống đầu gối, rồi lấy chăn mỏng che bụng anh lại, bấm nút điều khiển khung máy CAT SCAN trên đầu rà qua rà lại chụp xuống vùng bụng, xong kêu về lại chỗ cũ nằm. Một lát bác sĩ Ching tới, nhìn anh nói nhỏ nhẹ mà nghiêm trang:

-Sorry. Chúng tôi coi hình SCAn, thấy ruột non anh bị stopped (tắc ruột) ở giữa, nên thức ăn bị nghẽn ở phần trên, đưa hơi GAS lên cổ. Đó là lí do tại sao 3 hôm nay bao tử anh đau anh ách, uống gì vô cũng mửa ra. Tôi buộc phải giữ anh lại đây tối nay để theo dõi bệnh tình.

Như vậy là cả bác sĩ gia đình và 2 ông bạn kia nói không sai. Ruột bị tắc nghẽn. Đường tiểu may sao còn thông thuơng, nên uống vô vẫn cho ra được, tuy nóng buốt. Anh tái mặt, lắp bắp:


-Chết... vậy rồi làm sao? ...Sao cho bao tử và ruột nó thông thương lại, bác sĩ?

Bác sĩ Chinh nhìn anh, ái ngại.:

-Có thể để tự nhiên, vài hôm sau, ruột tự nó tháo gỡ ra. Nếu không, phải giải phẩu, để gỡ ruột ra. Chưa biết được... Cần thời gian... Dù sao, đêm nay anh phải ngủ lại đây cho chúng tôi theo dõi, đo áp huyết, lấy nhiệt độ, thử máu...

Anh Ba rũ rượi thả phịch người nằm xuống, một anh y tá người Phi, da ngăm đen, tới bên kiểm tra vật dụng anh mang theo ghi vô giấy, bỏ vô bao nylon, bắt anh cởi quần áo ra bỏ vô bịch, đưa cái áo bệnh viện xanh, hở hang dây cột lỏng lẻo cho mặc, rồi làm IV (tức ghim cây kim nylon có gắn dây nhợ vô mạch máu ở khủyu tay anh, để lát khuya chuyền serum vô máu, thay cho uống nước), rồi đưa coi một cuộn tube nylon mới toanh, đường kính 5 ly, cắt nghĩa:

-Tôi sắp chuyền tube nylon này vô bao tử anh, qua lỗ mũi, để hút nước trong đó ra, cho ruột khô, ruột khô mới nở ra lại, OK? ...Sẽ hơi khó chịu đó, anh ráng chịu khó.

Hắn đẩy anh lên lầu 2, nhỏ nhẹ an ủi, rồi bôi dầu trơn lên tube, đút vô mũi. Anh Ba thất kinh vì cái tube to gần bằng lỗ mũi, mà thô cứng, chọc vô da non làm anh nhột đau khủng khiếp, như bị ai bịt mũi, bèn sợ hãi lôi ống ra. Hắn lại vỗ về, thử một lần nữa, nhẹ nhàng hơn, nhưng anh cũng không chịu nổi. Thà đau bụng còn chịu đựợc, đàng này cái tube chế ra cho dân Mỹ mũi cao, mà lại đút vô lỗ mũi xẹp của người Á đông nhỏ xíu, làm sao mà chịu nổi. Anh cương quyết đẩy ra.

- No, I can't stand it...

- Nếu anh không chịu cách này thì phải chịu giải phẫu thôi... không còn cách nào khác.

Hắn lại cố đút lần thứ ba, anh la to lên cự tuyệt, từ chối thẳng thừng, Hắn chịu thua, nói "Thôi, tùy anh, tôi chỉ làm theo order của bác sĩ, không dám ép". Hắn đẩy anh xuống lại tầng trệt, dọc theo vách tuờng, bỏ đi báo cáo bác sĩ.

Anh đang bàng hòang ôn lại cảm giác khó chịu ban nãy, không biết tính sao, nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Đầu óc anh nghĩ thầm: Chắc mai phải xin xuất vịện thôi, cho dù có chết trong vài ngày tới vì bí đại tiện cũng được. Phải lo làm di chúc dặn dò con cái, gọi vợ con về gấp.

Đang lơ mơ suy nghĩ trong lo sợ vì sắp bị mổ, mà mổ ở tuổi già thì dễ chết lắm, anh giựt mình nghe có tiếng người bứoc tới gọi tên anh, giọng Việt nam:

- Chú Ba...?

Anh mở mắt ra thấy một người đàn ông VN khỏang 50, mặc áo thường dân, có badge ở ngực: "Internal MD" (bác sĩ khoa nội). "Ủa... đây cũng có bác sĩ VN nữa à? Bác sĩ mà sao không mặc blouse trắng... Hay họ mời ông này ở đâu tới... ".

- Chú Ba đã có bao giờ bị giải phẩu chưa?

- Dạ chưa.

- Có ai trong gia đình, cha mẹ, ông bà, cô chú... đã có tiền sử bệnh tắc ruột bị mổ chưa? Hay tiểu đường? Đau tim?

- Dạ không. Mẹ tôi 86 tuổi, còn khỏe. Ba chết sớm vì tai nạn xe.

- Chú bao nhiêu tuổi rồi? Chú có bịnh gì trong người không?

- Tôi 69, tôi còn khỏe lắm, không cholesterol, tiểu đường, huyết áp gì cả... đi gym tập thể dục, đi bơi tuần 3 lần, ăn ngủ bình thừờng, đầu óc minh mẫn...

- Trời, 69 mà chú ngó trẻ như mới 50. Xin lỗi, chú đang làm nghề gì vậy?

- Tôi làm kỹ sư, về hưu 7 năm nay rồi..

- Họ CAT scan chú thấy chỗ ruột non chú bị nghẹt, có thể là bị "twisted", hay bị "folded", hay ruột dính vô da bên trong bụng, do đó, ăn vô bị mửa ra chứ không xuống ruột già ra hậu môn được. Chỉ có đút ống vô mũi thòng xuống bao tử để hút nước ra cho ruột khô lại mới "Untwist"nó đựợc..Nếu chú không chịu, thì chỉ còn cách duy nhất là surgery... gỡ ruột ra, cho khỏi tắc thôi.

Anh BA nghe cách nói chuyện, đóan bác sĩ Ching gọi ông bác sĩ VN này tới thuyết phục mình, vì giữa VN với nhau, thông cảm dễ hơn, nên hỏi:

- Nếu mổ thì mất mấy ngày xong vậy anh?

Anh bác sĩ có vẻ thất vọng vì thấy anh có vẻ nhứt định không chịu giải pháp đút ống vô mũi, nói yếu xìu:

- Mổ cũng phải mất mấy ngày thử máu, tim, gan, phổi... đủ loại... chứ không đơn giản đâu...

- Sao họ không chụp, hay chích thuốc mê khi đút ống cho mình khỏi cảm giác, như khi soi ruột già đó?

Anh ta lắc đầu nói "không", rồi lảng ra, lẳng lặng bỏ đi... Thấy một y tá đi ngang, anh Ba níu tay hỏi nhỏ thì họ bảo đó là bác sĩ giải phẫu, tới thăm và trao đổi với bệnh nhân trước, coi ý ra sao, vì "case" của anh sẽ giao cho ông phụ trách nay mai..

Anh hoảng kinh muốn khóc, thấy như sắp tận thế tới nơi. Con người muốn sống phải nuốt thức ăn vào ruột, rồi tống bã ra, cần có bộ máy tiêu hóa lành mạnh, bây giờ con đuờng tiêu hóa bị chặn lại có khác nào con đường sống bị cắt, chỉ chờ ngày tử vong. Cha mẹ ơi, sao lại sinh con ra với cái ruột quá mỏng như vầy, bị gấp xoắn lại như thế này, phải cắt bỏ mới sống đuợc?

Đèn trong nhà thương sáng suốt 24/24, và cũng chả đựợc ăn uống gì, nên anh Ba không biết lúc đó mấy giờ, chỉ thấy họ đẩy anh vô thang máy, vù vù lên lầu 5, họ đẩy anh tới trước một phòng có ghi số trước cửa, đưa anh vô nằm giường bên trong, chung phòng với một ông già khác, khỏang ngoài 80. Ông già nằm ngòai, anh nằm trong, cách nhau một tấm màn mỏng. Cô y tá Phi ra tự giới thiệu, "I am Esther, your nurse of tonight", lăng xăng chuẩn bị thay vớ cho anh, bắt anh tuột quần cho cô khám da coi có bị xây xát không, đo huyết áp, thử nhiệt độ, trích máu...

- Sao thử máu, đo áp huyết hòai vậy cô? I am OK.

- Thủ tục mà anh. Cứ mỗi 4 tiếng, tôi phải làm như vầy một lần, để theo dõi sức khỏe anh... Bây giờ anh Ok, nhưng tình trạng nội tạng bên trong anh có thể biến chuyển bất cứ lúc nào, phải theo dõi, keep track, để biết lí do tại sao... Khi nào anh cần, bấm số 4500 trên cái phone này, chúng tôi chạy vô.

Cô bỏ đi, anh Ba mừng thấy cô không đả động gì tới chuyện đút tube vô mũi như đã nói, nằm đắp chăn, nhìn đồng hồ thấy đã 12 giờ khuya. Một lát anh thấy khát nước, không hiểu sao họ chuyền serum vô tay mà vẫn khát, môi khô rang, bèn nhỏm dậy, thấy cái bình nước và cốc nước ai để trên thành cửa sổ (bên ông già cũng có một bình nước như vậy), bèn rón rén cầm nếm thử, rồi uống ba ngụm. Khỏang 1 a.m, tự nhiên anh nghe bên dưới "xì hơi" một cái nhỏ, vừa ngạc nhiên vừa khấp khởi mừng. Chẳng lẽ nứớc mới uống vô đã âm thầm "khai thông" chỗ ruột tắc? Bèn ngồi lên, uống thêm hai ngụm nứớc nữa. Anh khấp khởi mừng nghe tiếng nước chảy róc rách trong bụng, phía dưới bao tử. Gần 2 a.m, tự nhiên lại xì một hơi dài nữa, lần này kêu ra tiếng. Anh mừng quá, buớc vô restroom ngồi, biết đâu có "bowel movement", biết đâu đi cầu đựợc. Anh cảm thấy hậu môn ướt át, nhưng khi lấy giấy chùi, chỉ thấy màu trắng, không phải màu vàng của phân, nhìn kỹ lại đó chỉ là chất "suppositoire" đút đít còn sót trong ruột già ngày hôm qua.

Thất vọng, anh trở lại giừờng nằm, nghĩ có lẽ không ăn gì vô bụng mấy ngày nay nên chỉ "trung tiện", chứ không có "đại tiện". Dù sao, xì hơi được là có hy vọng rồi, là ruột được khai thông, khỏi cần đút tube nylon vô mũi, khỏi giải phẫu. Anh tiếp tục uống thêm nước trong bình. Họ cấm uống nước, mà lại sơ ý để cái bình nứớc ở đây, thật là may quá.

Từ 2 tới 3 giờ, anh lại "xì hơi" thêm 4 lần nữa, kêu vang như tràng súng đại liên. Bao tử anh xẹp xuống, không còn hơi "gas" anh ách nữa. Đúng 4 a.m., tự nhiên anh có nhu cầu phải đi cầu thực sự, hăm hở vô toilet ngồi, thì quả nhiên, xổ ra được ra 2 lọn phân vàng mịn màng. Rõ ràng đây là cháo gạo lức và chuối anh nhai nhuyễn hôm qua đựợc tiêu hóa, sau khi uống viên Reglan đầu tiên. Anh mừng quá sức, đi tới đi lui trong phòng, vặn người, lắc cổ, vung tay, đá chân, thấy sung sức như 4 ngày về trước, về lại giường nằm, chờ mau sáng để báo tin cho y tá bác sĩ biết tin vui.

Sáu giơ sáng, anh nghe ngòai kia dấy lên tiếng động rì rào của một ngày mới bắt đầu, tiếng các y tá trỗi dậy lăng xăng tới lui như chào mừng, chia xẻ niềm vui nhẹ nhõm khoan khóai nhen nhúm trong lòng anh. Anh đứng dậy lôi dép, quần áo ra mặc, nói chuyện rỗn rảng với ông già "roommate", lúc đó đã thức, ồ ề hỏi thăm. Ông nói ông 88 tuổi, bị "hernia"(sa ruột), ngồi xe lăn từ 4 năm nay.

Bảy giờ, anh nghe loa bên ngoài triệu tập các y tá tới họp để đổi 'ca" mới. Bẩy giờ ruỡi, cô y tá Esther bước vô, anh tươi cười báo tin đã "xì hơi" và đi cầu lại được rồi. Cô nói, "Really?" tươi cười chia mừng. Anh nói:

-I want to see the doctor and go home this morning.

Esther dẫn vào một cô y tá mới Mỹ trắng, rất trẻ, giới thiệu anh Ba và ông già, chỉ dẫn căn dặn cô một hồi, rồi bảobảo anh Ba:

-Tôi không biết bác sĩ Ching mấy giờ tới làm việc, mỗi ngày mỗi schedule khác nhau, nhưng anh PHẢI ký vô tờ "Refusal to medical advice"(Từ chối tuân theo lời khuyên bác sĩ) này trước khi về. Tôi sẽ đưa anh thêm một xấp giấy tờ chỉ dẫn phải làm gì sau khi xuât viện để anh đọc. Thực ra, anh cũng không cần gặp bác sĩ đâu. Chúng tôi có bổn phận báo cáo lại họ mà.

Anh Ba cầm bút vui vẻ ký cái rẹc. Cô y tá trẻ đưa anh ra thang máy, theo anh xuống tầng trệt, chỉ ra cửa cho anh về.

Nắng vàng ấm áp, xe cộ nhộn nhịp, không khí ban mai tươi mát, cây xanh bao bọc, anh Ba hít mấy hơi dài vô ngực, xua tan nỗi lo sợ tối qua còn đọng lại trong người, ung dung tản bộ ra về, trong ngừời khỏe khoắn như chưa hề bị đau bao tử.

Về nhà, anh nấu một ly sữa nóng uống, vô bồn cầu ngồi, tống hết tất cả số phân còn đọng lại trong ruột mấy ngày nay...rồi gọi báo tin mừng cho vợ con, hai bác sĩ Sơn và Kỳ...

Chín giờ, anh gọi cho thư ký bác sĩ gia đình. Cô này nói sẽ gọi nhà thuơng "fax" ngay một copy báo cáo tiến trình chạy chữa tối qua cho bác sĩ cô. Trở về nhà cũ quen thuộc thường ngày, ung dung ra vô, con người anh nhẹ tênh, hạnh phúc, vô lo, sung suớng như đang ở cõi tiên. Đúng là chỉ khi thóat chết, người ta mới biết quí cuộc sống.

Chỉ là một động tác nhỏ, một cái tắc ruột nhỏ bên trong cơ thể lặng lẽ tự gỡ ra, mà vô tình xoay chuyển tình thế 180 độ, chuyển nguy thành an, ngòai tiên đoán của các thày thuốc và cá nhân anh. Hạnh phúc đơn giản đến thế sao? Những chuyện nhỏ nhặt thường ngày như ăn, uống, đái, ỉa, nói, ho... bình thuờng chả ai quan tâm tới, lại có thể tạo nên hạnh phúc kỳ diệu như thế sao?

Bỗng anh sực nhớ tới lựợng vàng y 1800$ bị rớt mất mấy hôm trước ở Bolsa. Mất của xong, anh bị tắc ruột ói mửa tiếp, vô phòng cứu cấp. Đúng là "Họa vô đơn chí". Nhưng, trong Họa có Phúc. Chuyện "Tái ông thất mã" rành rành ra đó. Mất ngựa tuởng hao tài, ai ngờ ngựa dẫn thêm ngựa khác về cho chủ. Tưởng phúc, ai ngờ thằng con ham cỡi ngựa mới, té gãy chân. Tuởng họa, ai ngờ nhờ què chân mà thóat quân dịch, khỏi ra chiến truờng, giữ đụợc mạng sống.

Hay cũng có thể đây là chuyện "Của đi thay người". Nhờ anh mất vàng mà giữ được mạng sống..., không phải sao? Nếu tìm được của lại, chắc gì cái ruột non mở ra cho anh đại tiện, rồi thong dong xuất viện về nhà khỏe mạnh như vậy? Vàng với mạng sống, cái nào quí hơn? Cho nên, anh Ba nghĩ, "Đôi lúc, không nên quá đau đớn vì một bất hạnh, mất mát xảy ra cho ta, mà nên vui vẻ chấp nhận. Biết đâu sau đó, điều may mắn khác sẽ đến, không cách này thì cách khác.

Thượng đế vốn công bình với tất cả chúng sanh. Có ai trên đời này trọn đời được hoàn tòan hạnh phúc đâu.

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
07/06/201312:24:28
Khách
Bài viết quá hay, vừa dí dỏm, khôi hài, vừa hiện thực, lại vừa chứa đựng một triết lý sống lạc quan cho những ngừoi gặp tai hoạ và đang nằm ở biên giới giữa cái sông và cái chết.
07/06/201310:46:57
Khách
Cám ơn một bài viết hay và hữu ích cho cuộc sống về vấn đề bảo vệ sức khoẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,394,713
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô cho mùa Lễ Mẹ.
Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Nhân Ngày Lễ Mẹ, mời đọc bài viết về nước Mỹ thứ tư của Minh Nghĩa.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ," kể chuyện gia đình có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ.
Đây là bài viết “nóng hổi” về Boston, thành phố vừa xẩy ra vụ nổ bom trong ngày hội Marathon hôm 15 tháng Tư 2013. Trước đây 12 năm, Boston cũng là nơi xuất phát 19 tên không tặc từng tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Kông Li là bút hiệu của Phạm Công Lý,
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sang năm 2013, đầu tháng Giêng, tác giả góp thêm bài “Thiên Thần Đen”,
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của Minh Nghĩa.
Tác giả là Bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” ông góp cho Viết về nước Mỹ gần 3 tháng trước hiện đã có gần 20,000 lượt người đọc. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù công sản, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng