Hôm nay,  

Mẹ Ơi, Con Xin Lỗi!

14/05/201300:00:00(Xem: 248510)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô cho mùa Lễ Mẹ.

Ba năm trước, bà Liên đem hài cốt của chồng về quê hương thì gặp nó trong quán nước gần chùa. Nó là thằng bé bán vé số dạo, ăn nói rất lễ phép dễ thương và điều làm bà chú ý là nó có gương mặt rất giống thằng con trai của bà lúc nhỏ với cặp mắt hình như thị lực cũng rất yếu. Mỗi lần khách yêu cầu chọn những vé số đẹp, nó đưa xấp vé số lên sát mắt và nheo lại nhìn cũng y như con bà khi chưa đeo kính. Khi thằng bé đến gần, bà Liên bảo:

- Cháu bán cho bác 2 lố tối nay xổ nhé.

Thằng nhỏ cúi đầu cung kính:

- Dạ! Bác chờ một chút con sẽ tìm cho bác mấy số đẹp.

- Thôi khỏi. Số nào cũng được. Bán hết số đẹp rồi số xấu cháu bán cho ai.

Rồi bà nói thêm giọng thân mật:

- Cháu ngồi xuống bác hỏi thăm một tí. Cháu tên gì? Mấy tuổi rồi mà giờ này không đi học lại đi bán vé số vậy?

Thằng bé khép nép ngồi và trả lời:

- Dạ cháu tên Huy nhưng mọi người đều gọi cháu là thằng Hí. Năm nay cháu 8 tuổi. Hồi nhỏ cháu có đi học nhưng ngồi bàn đầu mà cũng không nhìn thấy được những gì cô viết trên bảng nên cháu nghỉ học.

- Ba Má không đưa cháu đi bác sĩ khám mắt à?

Thằng bé bùi ngùi:

- Ba cháu chết rồi, chỉ còn Má mà nhà cháu nghèo lắm nên không có tiền đi bác sĩ.

- Vậy chớ cháu có nhìn được mặt bác không? Có thấy được bác đang mặc quần áo màu gì không?

- Dạ cháu chỉ thấy mờ mờ thôi chứ không thấy rõ được. Bác đang mặc áo màu xanh và quần màu đen phải không?

Bà Liên hỏi tiếp:

- Nếu được sáng mắt cháu có thích đi học không?

- Dạ thích lắm chứ. Cháu muốn được biết đọc chữ để đọc truyện tranh khỏi phải nhờ bạn cháu đọc hộ.

Bà Liên nảy ra một ý định, bà dặn:

- Bây giờ bác có công chuyện bận. Ngày mai cỡ giờ này cháu ra đây, bác đưa đi đo mắt thử xem sao nhé.

Hôm sau đúng hẹn, bà Liên kêu xe taxi cùng thằng Hí ra tiệm kính đo mắt và bảo làm ngay một cái kính đeo mắt thật tốt cho nó. Thằng bé cận nặng đến 8 độ nên lâu nay chẳng nhìn thấy rõ là phải. Thằng Hí đeo kính mới vào, reo lên:

- A bác ơi. Cháu thấy được rõ mặt của bác rồi. Cháu thấy được con chim đang đậu trên cây kia kìa. Cháu cũng nhìn thấy được móng chân của cháu nữa. Thích quá!

Bà Liên như vui lây với niềm vui của thằng Hí. Bà xoa đầu nó cười:

- Vậy là cháu có thể thấy được chữ cô giáo viết trên bảng rồi đó.

Thằng Hí rất vui, nó cười toe toét:

- Dạ, mai cháu sẽ nói Má dắt cháu tới trường xin học. Khi nào biết đọc biết viết cháu sẽ viết thơ cho bác đọc.

Bà Liên viết tên cùng địa chỉ của bà lên một mảnh giấy nhỏ rồi đưa cho thằng Hí:

- Cháu cất địa chỉ của bác kỹ nhé. Khi nào biết đọc biết viết thì nhớ viết thơ cho bác. Bác cho cháu thêm ít tiền để mua sách vở đi học đây.

Bà Liên về lại Mỹ ít ngày sau. Bà hay nghĩ tới thằng Hí và thầm mong một ngày nào đó sẽ nhận được thơ của thằng bé. Nếu nhận được thơ chứng tỏ nó thật tình muốn vươn lên bà sẽ tìm cách giúp đỡ và tạo điều kiện cho nó học hành tới nơi tới chốn.

Nhưng thơ của thằng Hí vẫn bặt tăm! Kỳ này bà Liên về nước để thăm người chị và nhân dịp đến chùa thăm hài cốt của chồng, bà tìm trở lại quán nước cũ. Thằng Hí vẫn khẳng khiu và vẫn bán vé số dạo. Cái mắt kính bà cho dạo đó chẳng thấy nó đeo. Nó vẫn phải nheo cặp mắt để dò tìm những con số đẹp. Khi đến bàn của bà Liên nó giật mình thảng thốt khi nghe giọng của ân nhân ngày nào:

- Thằng Hí. Cái kính đâu sao cháu không đeo?

Thằng Hí cúi gầm mặt không dám nhìn lên, lí nhí:

- Dạ mắt kính của con bị mất rồi.

Cô chủ quán nói chen vào:

- Cô vừa cho nó hôm trước là hôm sau Má nó lột đi bán chơi số đề ngay. Còn đâu mà đeo.

Thằng Hí nghe cô chủ quán nói, nó òa lên khóc bỏ chạy ra ngoài. Cô chủ quán nói tiếp:

- Má nó lấy cái kính bán đi làm thằng nhỏ khóc sưng cả mắt phải nghỉ bán mấy ngày. Vậy mà có mấy người không thương tình còn chọc ghẹo mỉa mai nó là không an phận muốn trèo cao, con cú muốn thành phượng hoàng. Thật tội nghiệp thằng nhỏ!

Bà Liên lắc đầu buồn bã:

- Má nó sao kỳ vậy? Đẻ con ra bị yếu mắt không lo được cho nó thì đổ là tại nghèo cũng không trách được. Ai đời con mình vừa may mắn có được cái kính mắt nhìn được bình thường mà lại nhẫn tâm lấy bán chẳng khác nào móc con mắt của con mình vậy. Thật quá tệ!

Hôm sau bà Liên lại đến quán chè, cố ý chờ thằng Hí để xem có cách nào giúp thằng nhỏ nữa không nhưng chờ hoài không gặp. Chắc nó mắc cở và tự thấy hổ thẹn không giữ được lời hứa với ân nhân nên tránh mặt chăng. Bà Liên hỏi cô chủ quán:

- Cô có biết nhà thằng Hí ở đâu không? Tôi muốn gặp má nó nói chuyện phải quấy và khuyên nhủ đôi lời. Xem có cách nào giúp được thằng nhỏ không chứ thấy nó mà thương quá.

- Cô không khuyên được má nó đâu và cũng không nên vào xóm đó vì họ thấy cô là Việt kiều là làm thịt cô luôn đó. Xóm đó mất an ninh toàn dân mê cờ bạc và đầu trộm đuôi cướp không thôi. Không biết thằng Hí có phải là sen mọc trong bùn không mà chỉ có nó là hiền lành nói năng lễ phép. Nó còn có hiếu với má nó lắm, mỗi lần cháu cho nó đồ ăn nó đều để dành đưa về cho mẹ mình.

- Bộ chính quyền không ai can thiệp hoặc giúp đỡ những đứa trẻ như nó sao? Con nít phải bắt đi học chứ?

Cô chủ quán lấm lét nhìn quanh:

- Trời ơi, cô tưởng đây là đâu. Mấy ông trên toàn lo chuyện bóc lột, cưỡng chiếm đất của dân chứ ai ở không lo ba cái chuyện dân trí. Sinh ra không đúng chỗ và không nhằm thời thì ráng mà chịu thôi.

Bà Liên trầm ngâm:

- Tôi thấy thằng Hí muốn tránh mặt tôi chứng tỏ nó còn nhỏ mà biết tự trọng lắm đó. Tôi hỏi nó sao không đeo kính thì nó nói là kính bị mất chứ không méc là má nó lấy tức nó biết thương và bảo vệ cho mẹ mình. Thằng nhỏ này được ghê mà không giúp được nó đổi đời thì tội lắm. Sau này lỡ nó bị lây nhiễm bởi môi trường sống xung quanh mà thành cờ bạc trộm cắp thì uổng một kiếp người.

Cô chủ quán ra vẻ hiểu biết:

- Làm sao cô giúp nó được? Chẳng lẽ cô nhận nó làm con nuôi và bảo lãnh nó qua Mỹ? Nghe nói thủ tục nhận con nuôi rất khó khăn và hơn nữa nó còn mẹ sờ sờ ra đó ai cho cô nhận. Nói cho cô hay chứ thằng Hí này còn mẹ con hủ hỉ với nhau là còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác bị cha mẹ bỏ rơi trong trại mồ côi hoặc lăn lóc chợ đời ngủ bờ ngủ bụi. Có nhiều đứa trẻ không may hơn còn bị cha mẹ hành hạ hoặc giết chết tội nghiệp hơn nhiều. Trên đời này đâu phải người mẹ nào cũng là từ mẫu!

Không giúp được thằng Hí bà Liên rất buồn. Không hiểu sao bà rất mến thằng nhỏ, có phải vì nó hiền lành chịu khó, lễ phép và biết thương mẹ mình, hoặc vì nó tật nguyền tội nghiệp, hoặc có lẽ vì nó có gương mặt và cận thị nặng giống y con trai của bà chăng?


Con trai của bà chỉ có gương mặt và bịnh yếu mắt là giống thằng Hí nhưng số phận lại hoàn toàn khác. Nó có đủ cha mẹ chăm sóc nuông chiều không thiếu thứ gì; được qua Mỹ và cặp mắt được chữa trị tốt nên thị lực dường như bình thường với cặp kính đúng độ. Con trai bà học giỏi được giấy khen thường xuyên nên cha mẹ rất nuông chiều lo làm hết mọi việc trong nhà không cho cậu quí tử mó tay vào việc gì để có thời giờ lo việc học. Ngay cả đến khi chồng chết, bà Liên một mình làm việc kiếm tiền và về nhà là tất bật lo đủ chuyện dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước để con mình khỏi phải vất vả ảnh hưởng đến chuyện học của nó. Cũng may, cậu ấm tốt nghiệp đại học với số điểm cao, kiếm được việc làm tốt, lương cao, tương lai sáng lạng nên mẹ cậu rất hãnh diện cho con mình.

Bà Liên nay đã về hưu, dành toàn thời giờ chăm sóc con. Bà vẫn dành làm hết công việc nhà vì con bà dù không bận việc học nữa nhưng công việc của công ty rất bận rộn và nhiều áp lực, về nhà cần thì giờ để nghỉ ngơi. Bà về Việt Nam mấy hôm nay nhưng tâm trí cứ để bên cậu con trai lo lắng không biết ai sẽ lo cơm nước chăm sóc giặt giũ cho con mình.

Nhìn đồng hồ mới 11 giờ trưa tức là mới 9 giờ tối CA, bà Liên gọi phone cho con trai. Tiếng phone reng thật lâu rồi giọng anh con trai vang lên gắt gỏng, khó chịu làm bà Liên giật mình, ngỡ ngàng:

- Hello! Má làm gì gọi hoài vậy?

- Tại sao con lại nói vậy? Bộ Má quấy rầy con lắm hở? Xin lỗi! Má….

Chưa kịp nói hết câu đầu dây bên kia tắt cái bụp. Phone đã ngắt. Dứt khoát!

Bà Liên cầm phone chờ hy vọng con trai sẽ gọi lại nhưng phone vẫn im bặt. Buồn tê tái!

Lâu nay bà hay bị con trai gắt gỏng càu nhàu nhưng bà cứ nhịn vì nghĩ có lẽ tại mình nay già yếu lẩn thẩn gặp lúc tâm trạng của con không tốt vì áp lực công việc nên làm nó bực mình. Nhưng nghĩ kỹ đâu phải chỉ những lúc bực mình cậu ấm mới nặng lời với mẹ mà hình như đã từ rất lâu cậu ăn nói với mẹ như kẻ bề dưới của mình. Vì bà Liên không giỏi tiếng Anh và không rành về văn hóa, phong tục, sinh hoạt cũng như luật lệ xứ người nên thường hay nhờ vả con trong việc giao dịch với xã hội. Cậu con thì có lẽ thấy mẹ mình “kém hiểu biết” hơn nên lần lần mất đi sự tôn trọng. Thêm nữa mẹ thì càng ngày càng lớn tuổi lẩm cẩm nên cậu con cũng nhiều lúc bực mình gắt gỏng và la rầy mẹ, ăn uống cũng phải coi chừng vì bà bị cao mở, cao máu, cao đường mà chẳng kiêng cử gì cả. Quan hệ của hai mẹ con từ từ như trở thành đảo ngược. Mẹ rất sợ con buồn, sợ con không vừa ý nên cứ nín nhịn, nhẫn nhục, phục tùng, coi con như xếp. Con thì trở thành bề trên la rầy, sai bảo. Nhiều khi hai mẹ con có dịp ra ngoài cùng nhau, muốn làm gì hoặc ăn gì hầu như bà cũng phải dò ý con cho phép mới dám làm, dám ăn.

Bà Liên càng ngẫm nghĩ càng buồn. Thằng Hí không đi học, không được sống trong môi trường lành mạnh nhưng nó lại ăn nói lễ phép, hiếu đễ với mẹ mặc dù mẹ nó đối với con không tốt. Còn con của bà được ăn học đầy đủ, được phát triển trong môi trường lành mạnh nhưng lại vô phép bất lễ với mẹ thật là đáng hổ thẹn. Có lẽ vì cưng chiều con quá nên nó lờn mặt mẹ chăng.

Bà Liên đến quán internet thuê máy gởi email cho con trai. Phải cho nó biết để nó sửa đổi thái độ đối với mẹ mình. Bà dò trên mạng và gởi kèm theo email một đoạn phim ngắn trong youtube với tựa đề “cha, con và chú chim sẻ” http://www.youtube.com/watch?v=gvfKf4Dkp-E).

Đoạn phim này mỗi lần xem lại bà đều bùi ngùi thấm thía chảy nước mắt, nhớ đến ngày xưa mình cũng đôi khi gắt gỏng vô lễ với mẹ hiền. Bất cứ ai trước khi làm cha mẹ thì cũng đã làm con và phạm lỗi lầm. Nhiều khi nhận ra thì đã muộn, muốn chuộc lỗi cũng không còn cơ hội!

Bên kia nửa vòng trái đất, anh con trai của bà Liên vừa hoàn tất xong một dự án nhỏ của công ty. Cái dự án này làm anh nhức đầu cả tuần nay, ngày nào cũng phải đem về nhà suy nghĩ và sửa tới sửa lui. Anh thở phào, tự thưởng mình một ly whisky rồi mở email xem trước khi đi ngủ. Xen lẫn trong hàng chục cái email anh nhận ra cái email của mẹ mình gởi. Chợt nhớ lại hồi nãy mẹ có gọi từ Việt Nam và anh đã bực mình cáu gắt tắt phone chưa kịp nghe mẹ nói hết câu. Anh mở email xem mẹ đã nói những gì thì chỉ thấy một cái hình mặt người buồn thiu và một đoạn phim ngắn trên youtube.

“Đoạn phim tả cảnh người con trai ngồi đọc báo bên cạnh cha già trong vườn, dưới bóng cây xanh. Cha anh ta có lẽ đã lãng tai và mắt cũng không được tinh tường nữa. Ông nghe tiếng hót của chim và khi con chim đậu trên bụi cây gần đấy vang lên tiếng xào xạc, ông hỏi người con:

- Con gì thế?

Người con thả tờ báo xuống, nhìn cha mình rồi nhìn con chim và nói:

- Con chim sẻ.

Người cha như nghe không rõ, ông hỏi lại:

- Con gì thế?

Người con hạ tờ báo xuống, nhìn cha và trả lời lần thứ hai, lớn tiếng hơn và giọng hơi khó chịu:

- Con vừa nói với cha đó là con chim sẻ!

Con chim nghe tiếng ồn bay đi lại gây lên tiếng xào xạc. Người cha ngẩn ngơ, hướng theo chim, tay che mắt nhìn xa lại hỏi lần thứ 3 là con gì thế. Lần này người con rất bực mình, nhìn cha và lớn giọng nói đó là con chim sẻ. Rồi anh gằn giọng đánh vần từng chữ. Có lẽ ngạc nhiên vì thái độ của con mình, người cha nhìn con hỏi lần nữa:

- Cái gì vậy?

Lần này anh con không thể dằn được cơn tức giận của mình, anh quát lên với cha:

- Cha không biết à? Tôi đã nói với cha nhiều lần đó là con chim sẻ. Cha làm sao vậy?

Người cha buồn bã lẳng lặng đi vào nhà. Lát sau ông đi ra cầm 1 quyển nhật ký, lật đến đúng trang rồi đưa cho con trai bảo anh ta đọc lớn lên:

- Còn vài ngày nữa là con trai bé bỏng của tôi lên ba. Hai cha con đi công viên chơi và một chú chim sẻ đã bay tới đậu trước mặt chúng tôi. Con trai hỏi tôi 21 lần đó là con gì và tôi đã trả lời nó đúng 21 lần đó là con chim sẻ. Tôi vừa ôm nó vừa vui vẻ trả lời đúng 21 lần câu hỏi ngây thơ đó. Con trai bé bỏng của tôi thật đáng yêu!

Người cha nghe con đọc, gương mặt hiền từ mỉm cười nhớ đến ngày xa xưa con mình còn bé. Anh con trai lặng im, thấm thía và ôm cha xin lỗi.”

Phim đã hết nhưng anh con trai bà Liên vẫn ngồi lặng im một lúc thật lâu. Anh nghĩ đến lúc nãy mình đã gắt gỏng với mẹ mà không một lời hỏi thăm, rồi nghĩ đến nhiều lần trước kia cũng vậy, cứ bực mình nhăn nhó la rầy mẹ như la…con nít. Anh cầm phone, bấm số của mẹ bên Việt Nam và dịu dàng nói:

- Mẹ ơi, con xin lỗi! Nãy giờ mẹ làm gì vậy hở?

Cũng cùng một thời điểm bên Việt Nam, thằng Hí đang mồ hôi nhễ nhãi chạy đi tìm mẹ nó ngoài chợ để đưa tiền và một bị nước mía. Mẹ nó cầm tờ 20 ngàn và quát lên:

- Thằng khốn nạn! Sao chỉ có bao nhiêu đây vậy? Sáng giờ mày lo đi chơi phải không?

Và thằng Hí cũng nói:

- Má ơi, con xin lỗi!

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
18/05/201317:14:30
Khách
rất tốt để giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ ở Mỹ hiện nay
14/05/201320:52:29
Khách
Rat hay va cam dong
16/05/201303:23:44
Khách
Chuyện cảm dộng quá, TM.
Nhưng nếu là tôi thì sẽ sửa đoạn kết lại. Thuyết phục bà mẹ đánh số đề cho thằng Huy làm con nuôi 1 ông MỸ giàu không con, để bảo lãnh nó qua Mỹ nuôi ăn học. Như vây chuyện có hậu, tuy rằng không đúng ngoài đời thừong tí nào.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,249,525
Tác giả là một cô giáo dạy Việt ngữ cho nhà chùa, cho biết cô “viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ gởi đi. Bài đầu tiên tôi gởi thử nhân ngày Mother's day. Tôi chỉ muốn chia xẻ môt câu chuyên có thật.” Mong cô tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Nhân Ngày Lễ Mẹ, mời đọc bài viết về nước Mỹ thứ tư của Minh Nghĩa.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ," kể chuyện gia đình có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ.
Đây là bài viết “nóng hổi” về Boston, thành phố vừa xẩy ra vụ nổ bom trong ngày hội Marathon hôm 15 tháng Tư 2013. Trước đây 12 năm, Boston cũng là nơi xuất phát 19 tên không tặc từng tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Kông Li là bút hiệu của Phạm Công Lý,
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sang năm 2013, đầu tháng Giêng, tác giả góp thêm bài “Thiên Thần Đen”,
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của Minh Nghĩa.
Tác giả là Bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” ông góp cho Viết về nước Mỹ gần 3 tháng trước hiện đã có gần 20,000 lượt người đọc. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù công sản, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng
Nhạc sĩ Cung Tiến