Hôm nay,  

Thị Trấn Ven Trời (phần I)

26/11/200200:00:00(Xem: 199417)
Người viết: Minh Tường

Bài tham dự số 87\VBST

Người viết là một y sĩ Việt hành nghề tại một thị trấn nằm cạnh xa lộ I-40, nối 2 miền Đông-Tây Hoa Kỳ. Cộng đồng Việt trong vùng chỉ có 4 gia đình, thân ái, tử tế, nhưng cũng nhiều đổi thay.


Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nay đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm...
Thâm Tâm

Lúc vợ chồng Ngoạn dọn đến thành phố Cảnh Tân, thời tiết đã vào hè. Nắng như đổ lửa. Không khí lúc nào cũng nóng hâm hấp như lò nung. Cũng may là căn nhà chàng đang ở, do chính phủ cung cấp, có máy lạnh. Điện, nước xài thả cửa, không phải trả tiền. Nên dù ngoài trời nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ lên đến hơn 100 độ F, nhưng trong nhà chàng luôn luôn mát rượi như Đà Lạt.
Thị trấn nằm trên một ngọn đồi, cạnh xa lộ I-40, nối liền hai miền Đông-Tây nước Mỹ.
Xưa kia, thị trấn là một thành phố sầm uất, tấp nập, nhộn nhịp, vì có nhiều mỏ dầu hỏa đang khai thác. Dân tứ xứ đổ về đây rất đông đảo. Lúc đó có tới 30 gia đình Việt Nam "xin chọn nơi này làm quê hương". Nhưng từ dạo dầu hỏa xuống giá, các công ty dầu hỏa thôi không khai thác dầu ở đây nữa. Công việc làm không có, dân chúng lần lượt bỏ đi. Các gia đình Việt Nam hầu hết dọn đi Cali. Thị trấn trở thành tiêu điều.
Bây giờ chỉ còn lại ba gia đình Việt nam, cộng với gia đình chàng nữa là bốn. Thành phố nhỏ xíu, "đi dăm phút đã về chốn cũ", y như bài hát "Còn chút gì để nhớ" của Phạm Duy. Bài hát mô tả thành phố Pleiku trước năm 75. Ca khúc đã trở thành niềm an ủi cho các anh chàng lính chiến đang đóng quân ở các thành phố nhỏ buồn hiu hắt. Bây giờ Ngoạn đem áp dụng vào tâm trạng mình lúc này, thấy sao hợp tình, hợp cảnh quá. Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố xá không xa, nên phố tình thân. Cả bốn gia đình Việt sống trong một thành phố nhỏ, không mấy chốc, trở thành thân thuộc nhau như anh em cùng một gia đình.
Gia đình Lộc chỉ có mình anh. Anh làm việc trong nhà bếp bệnh viện. Danh từ "hiện đại" gọi là "anh nuôi".
Lộc qua Mỹ từ hồi 75, là cựu lính thủy quân lục chiến. Quê anh ở tận Quảng Ngãi, Miền Trung nước Việt. Những ngày cuối tháng tư 75, anh đang đóng quân ở Vũng tàu. Theo bạn bè, anh leo đại lên tàu đậu ngoài khơi, ra đi với nước mắt đầm đìa. Vợ con anh còn kẹt lại ở quê nhà, một thôn làng hẻo lánh.
Qua Mỹ anh được bảo lãnh về thị trấn này. Chân ướt chân ráo vào Mỹ, với vốn liếng chữ nghĩa lớp tư trường làng, chưa được học bao nhiêu tiếng nước người, anh lại phải đi làm ngay. Chân phụ bếp giúp anh có tiền sống qua ngày.
Nhờ cần cù, siêng năng, lại tằn tiện, anh dành dụm mua được căn nhà khang trang và chiếc xe hơi cũ, nhưng còn tốt. Do bạn bè chỉ dẫn, anh nhờ USCC giúp bảo lãnh vợ con qua. Công việc đang tiến hành. Ban ngày anh đi làm, tối về mở video xem phim bộ.
Mặc dù ở Mỹ đã trên 10 năm, giọng nói của anh vẫn không thay đổi, chân thật và âm hưởng địa phương nặng nề. Anh hay chạy sang nhà Ngoạn chơi. Chuyện của anh là chuyện thời còn đi lính. Ông tướng này chịu chơi, ông tá kia xử đẹp. Nói quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu chuyện. Nhiều khi anh vừa mở miệng là Ngoạn biết anh sắp kể chuyện gì! Tuy nhiên, tính chàng vốn cả nể, không muốn làm mích lòng ai, nên cứ hứng chuyện một cách vui vẻ, mặc dù trong bụng chán phèo! Nhưng không vì thế chàng xa lánh Lộc. Đồng hương ở đây được mấy người" Người ta cần mình để giải tỏa tâm sự, mình lại xa lánh là có tội, là chối bỏ tình đồng hương, nghĩa đồng bào. Vợ chàng cứ cằn nhằn mãi cái tính hay cả nể của chàng, nhưng chàng cứ phớt tỉnh. Có mấy ai hiểu được lòng chàng"
Gia đình ông bà Xuân thì khá đông. Bà Xuân cũng là "chị nuôi" trong bệnh viện, nơi chàng làm.
Cũng như mọi bà mẹ Việt Nam khác, bà vừa đi làm, vừa săn sóc chồng con vẹn toàn. Bà biết nấu nhiều món ăn ngon, lại hay bày vẽ, nên thỉnh thoảng cuối tuần, bà mời vợ chồng Ngoạn sang thưởng thức tài nội trợ của bà. Bà lại thích chỉ vẽ cho Lan, vợ Ngoạn, mấy món ăn độc đáo của bà, như: chè xôi nước, chè đậu xanh "táo xoọng", mì vắt tươi "Chợ Cũ", mì vịt tìm "Hải Ký Mỳ Gia". Lan cũng thích nấu nướng, lại có thầy để học nghề, nên rất tương đắc với bà Xuân. Hai bà chạy qua chạy lại lăng xăng. Khi thì tiệc ở nhà Ngoạn, lúc thì tiệc ở nhà ông bà Xuân. Nhờ vậy, tỉnh lẻ với dăm ba gia đình Việt, mà không khí lúc nào cũng nhộn nhịp!
Ông Xuân là mẫu người độc đáo. Trước năm 75, ông là công chức sở khí tượng. Do méo mó nghề nghiệp, hoặc quá yêu nghề, các con ông đều mang tên có hơi hướm chữ nghĩa của đài tin tức khí tượng: Lôi Vũ, Phi Vân, Nhược Thủy, Đại Phong, và Hải Triều. Người cũng như tên đều khôi ngô, đẹp đẽ, học hành giỏi dang, lại hiếu đễ với cha mẹ.
Tính ông điềm đạm, sâu sắc. Thú vui của ông là câu cá, và chăm bón vườn rau. Ông làm việc trong một hãng chế tạo phân bón, nên vườn rau của ông lúc nào cũng xanh um. Rau thì lá nào lá nấy thật to. Cà pháo thì trái nào cũng như trái ping pong, trông thật mê.
Vợ chồng Tâm, Hồng là cặp trẻ nhất trong đám dân Việt ở đây. Tâm khoảng ba mươi, người dong dỏng, da xậm, mặt xương. Tuổi còn nhỏ, nhưng trông rất phong trần.
Có thể cuộc đời Tâm cũng nhiều gian truân. Tâm làm chuyên viên điện tử cho một hãng nhỏ ở địa phương. Tâm nói tiếng Anh rất khá, nhờ có học trung học ở Mỹ. Tâm, có thể có một quá khứ đau buồn, nên ít thố lộ tâm sự cùng ai. Ngoạn chỉ biết hiện tại của Tâm. Đối với chàng, như thế cũng đủ.
Sau khi tốt nghiệp chuyên viên điện tử, do sự mai mối của một người đồng hương, mà Tâm xem như là anh nuôi, Tâm kết hôn với một thiếu nữ mồ côi do các ma-sơ đưa qua Mỹ.
Hồng, người thiếu nữ không biết dĩ vãng của mình, làm vợ Tâm trong một sự chấp nhận gọn gàng, không cần đắn đo. Lập gia đình để thoát khỏi cuộc sống gò bó, trật tự, ngăn nắp, buồn tẻ của cô nhi viện.
Ngày cưới là ngày đẹp nhất của đời nàng. Đám cưới có áo cưới cô dâu trắng muốt, dài lê thê, với chú rể mặc tuxedo. Có xe Limousine trắng làm xe hoa dài thậm thượt. Tiệc cưới được tổ chức ở một nhà hàng Tàu sang nhất thành phố. Kết thúc bằng một buổi dạ vũ thật tưng bừng, vui nhộn.
Tất cả những điều đó, Tâm đã thực hiện không mấy khó khăn đối với đồng lương của một chuyên viên, không quá cao nhưng không thể gọi là thấp.
Đám cưới xong, hai vợ chồng đi Cali hưởng tuần trăng mật. Lúc trở về, làm việc được vài tháng, Tâm xin đổi qua Cảnh Tân, vì lương lậu hậu hĩ hơn. Đời sống tỉnh nhỏ lại đỡ tốn kém, nhờ vậy dành dụm được.
Một năm sau, Hồng sinh được một đứa con gái, đặt tên là Cathy, âm nghe mài mại như Cảnh Tân, để kỷ niệm tên thành phố, hai vợ chồng bảo vậy.
Tâm mua được căn nhà nhỏ làm tổ ấm. Lại tậu được một chiếc Buick Century mới toanh. Cuộc đời hai vợ chồng thật huy hoàng. "Giấc mơ Mỹ Quốc" không thể nào đẹp hơn được nữa! Cuối tuần, hai vợ chồng lái xe xuống thủ đô, nơi có nhiều đồng hương, tham dự các buổi dạ vũ gây quỹ giúp đồng bào tị nạn còn kẹt ở đảo, hoặc giúp kháng chiến. Hai vợ chồng có dịp ăn diện và nhảy đầm.
Khi đứa con đầu lòng được một tuổi, Hồng lại mang thai. Đứa con thứ hai là con trai. Thằng John, chỉ là một cái tên Mỹ. Thế là Tâm lại huy hoàng hơn nữa. Một ngôi nhà khang trang, một vợ hiền và hai con, trai gái đủ cả. Còn gì đẹp hơn"

Một tuần trước Tết, Ngoạn bàn với ông Xuân:
"Ông nghĩ xem, thành phố này chỉ có bốn gia đình Việt Nam, tối ba mươi tụ họp lại ăn Tết cho vui. Chứ cứ ai ở riêng nhà nấy, âm thầm ăn Tết một mình, buồn thỉu buồn thiu. Chán chết! Tụ tập ở nhà ông hay nhà tôi cũng được, không thành vấn đề. Mỗi gia đình đóng góp một ít thức ăn, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Còn lại tôi lo cả. Sao" Ông nghĩ thế nào""
Ông Xuân vui vẻ:
"Còn nghĩ thế nào nữa! Mình phải tổ chức ăn Tết tập thể, cho quên cuộc đời tha hương này chứ!"
Ông Xuân nhận phần tổ chức, với lý do:


"Nhà tôi đông người, chung quanh hàng xóm lại ở xa. Mình có cười đùa qua trớn, rượu vào lời ra, nói toàn tiếng Mít, hàng xóm cũng không nghe. Còn nhà ông, ở trong khuôn viên nhà thương, ông lại là bác sĩ, không nên để tai tiếng."
Nghe ông Xuân lý luận vững, Ngoạn đành để ông làm "khổ chủ". Chàng khuân đến mấy chai Hennessy, bia, nước ngọt. Lan làm chả giò, thịt nướng, gỏi tôm thịt và bánh phồng tôm. Còn lại, những món ăn khác, gia đình ông Xuân, Lộc và vợ chồng Tâm-Hồng thêm vào.
Lúc gia đình Ngoạn đến, còn sớm, thực khách chưa có ai. Chàng ra sau nhà để xem khu vườn rau quê hương của ông Xuân. Phải nói, ông là một nhà trồng tỉa có hạng! Những luống rau cải ngọt xanh mướt, lá nào lá nấy to như cái quạt. Những bông cải vàng đong đưa trước gió xuân, và bầy bướm đủ màu sắc đang lượn vờn quanh, đã đưa hồn Ngoạn trở về với dĩ vãng, về với quê hương xa cách ngàn trùng.
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Sau khi Miền Nam thất thủ, Ngoạn vẫn còn ở lại. Cũng như mọi người dân khác, chàng phải chịu cảnh đổi đời.
Căn nhà ba tầng của chàng, ở phía sau có một cái sân lát gạch rất rộng. Chàng đã cậy mấy hàng gạch sát tường, bóc lớp vôi vữa đi, và đổ thêm đất vào, làm vườn trồng rau. Chàng trồng rau đủ loại, nào cải ngọt, bạc hà, mồng tơi, mướp. Mặc dầu chàng đã bón nào là đầu và xương cá, cùng đủ loại rác rến cho đất có thêm màu mỡ. Nhưng rau quả chỉ èo uột, chứ không to và mướt như của ông Xuân.
Nhớ lại cái cảnh sống sau ngày 30 tháng tư bảy lăm, chàng thở dài. Cái chế độ gì kỳ lạ. Chỉ chuộng cái giả dối. Con người ta ai không muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao, cửa rộng và sống một cuộc đời sang trọng, tiện nghi" Thế mà ở cái xã hội đó, phải che dấu mọi ước mơ của mình! Dốt nát, nghèo hèn là điều hãnh diện! Sống như vậy, sao đáng làm người" Xã hội Cộng Sản giống như xã hội của ông vua tai lừa, trong truyện cổ tích. Con người luôn luôn sống trong sự giả dối, ấm ức, đến đê hèn.
Nghe tiếng người nói, Ngoạn quay lại. Ông Xuân đang đứng sau lưng chàng, miệng cười tủm tỉm:
"Anh đang mơ mộng phải không" Tôi cũng thường như vậy! Mỗi chiều ra vườn rau, cứ nhìn những luống cải hoa vàng, nhìn quả cà pháo, hoặc ngửi thấy mùi rau thơm, là lòng tôi lại rộn lên những kỷ niệm về quê nhà. Trí tôi lại lan man bay bổng, quên hết thực tại. Nhờ vậy, tôi thấy mình đỡ cô đơn nhiều lắm! Tôi thật chịu không nổi, nếu mình bị Mỹ hóa. Ở những thành phố có đông người Việt, mình còn có cơ hội để sống lại cái văn hóa dân tộc. Còn ở cái thành phố nhỏ chỉ có toàn Mỹ này, mình dễ bị đồng hóa quá."
Ông Xuân làm Ngoạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông trầm tĩnh, ít nói, nhưng tâm hồn thật phong phú. Con cái ông, nhờ được thừa hưởng tâm tính của cha, nên từ hành dộng đến cách ăn nói còn nặng tính quê hương lắm. Họ qua từ năm 75, hồi còn nhỏ xíu, trên dưới 10 tuổi, hiện tất cả đang hoặc sắp vào đại học, mà vẫn còn nói tiếng Việt rất sõi. Ngoạn bắt lấy ông như người tri kỷ:
"Ông nói đúng! Ông ở đây đã trên 10 năm, còn tôi, cũng đã gần mười năm. Thế hệ mình còn giữ được bản chất Việt của mình, còn đám con cháu, tôi thấy quả khó khăn. Các con ông còn nói và hiểu trọn được tiếng mẹ đẻ, quả thật quí hóa!"
"Ở nhà tôi, các con tôi đứa nào giở giọng nói tiếng Mỹ là tôi mắng át ngay... Tôi nghe như có tiếng lục đục trong nhà...Có lẽ vợ chồng Tâm và Lộc đã đến. Thôi, mình vào nhà đi!"
Hai người chậm rãi bước vào nhà. Vợ chồng Tâm-Hồng và hai đứa con nhỏ đang ồn ào cười nói. Có cả tiếng Lộc phụ họa nữa. Lại có thêm một người khách mới, Ngoạn chưa gặp bao giờ. Một người con gái Á Đông thật đẹp, mắt to đen nhánh, mũi thẳng, da trắng, tóc cắt ngắn, ăn mặc thời trang. Không để mọi người thắc mắc, Tâm giới thiệu luôn:
"Xin giới thiệu với các anh chị, đây là cô Kim, tôi tình cờ gặp ở một tiệm convenience store. Kim là người Việt chính tông, nhưng qua Mỹ từ hồi nhỏ, trước năm 75. Biết mình là người Việt Nam, nhưng cô không nói được tiếng Việt. Chồng cô là người Iran. Cô muốn đến ăn Tết với đồng hương..."
Tâm chưa dứt lời, mọi người đã vỗ tay tán thưởng. Kim ngượng nghịu cười, trong đầu mù mờ về những lời giới thiệu bằng tiếng Việt của Tâm.
Kim biết mình là người Việt Nam, điều ấy rất rõ. Nhưng nàng không nhớ cha mẹ mình là ai. Hình như ông bà đã chết hết cả thì phải.
Từ lúc bắt đầu hiểu biết, nàng thấy mình đang sống giữa bầy trẻ em mồ côi của Cô Nhi Viện An Lạc, đường Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Bà giám đốc thật hiền lành, nhân đức. Hai cô con gái bà vừa xinh đẹp, lại giàu tình thương. Ba mẹ con xem bầy cô nhi lạc loài như là những đứa con, đứa em ruột thịt của mình.
Gia đình của Kim là cái gia đình cô nhi rộng lớn, với tiếng cười xen lẫn tiếng khóc, những bài học và những bài hát, những điệu múa và những giờ tập thể dục, giờ ăn cơm và giờ đi ngủ. Tất cả xảy ra ngăn nắp, đều đặn và tập thể.
Thế rồi năm lên 9, 10 tuổi gì đó, nàng được một cặp vợ chồng Mỹ hiếm muộn đến xin nhận làm con nuôi, đưa qua Mỹ. Cuộc đời nàng bỗng đi qua một khúc rẽ khác. Nàng lớn lên giữa xã hội Mỹ, không tiếp xúc một hình bóng người Việt nào. Nàng thèm nói và đọc tiếng Việt. Nhưng có ai mà nói. Có sách Việt đâu mà đọc. Tiếng Việt, giọng nói Việt Nam ngọt ngào đã dần dần chìm vào quên lãng.
Khi cha mẹ nuôi nàng qua đời trong một tai nạn trên xa lộ, nàng vừa học hết bậc trung học. Thế là nàng bôn ba ra đời tự kiếm sống một mình, không người thân thích, không quê hương, không nguồn cội!
Gặp một thanh niên Iran hiền lành, cũng tứ cố vô thân, ngỏ ý thương, nàng liền chấp nhận, để có người chia ngọt sẻ bùi. Nhưng hai văn hóa cách biệt. Một bên là Ba Tư huyền bí với những tập tục lạ kỳ. Một bên là Mỹ gốc Việt, vừa khép nép vừa buông thả, vừa lãng mạn vừa ngại ngùng. Nàng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, muốn tìm người đồng hương để nghe lại giọng nói ngọt ngào của những người đã sống với nàng một thủa trong Cô Nhi Viện An Lạc ngày nào. Nhưng khi gặp một người Á Đông, có vẻ là đồng hương, nàng lại không nói được một câu tiếng Việt nào cho gẫy gọn, rõ ràng.
Nàng chới với trong khoảng cách ngôn ngữ bất đồng. Nàng không hiểu mình là người gì nữa. Khuôn mặt xinh đẹp của nàng rõ ràng là Á Đông, không thể lầm lẫn được. Nhưng nàng chỉ biết nói tiếng Mỹ! Thế rồi, nàng lưu lạc cùng chồng đến thị trấn nhỏ bé này.
Nàng những tưởng sẽ không bao giờ gặp lại một người đồng hương nào nữa. Nào ngờ nàng tình cờ gặp được Tâm, và được ăn Tết với người đồng chủng.
Cậu chuyện kể của Kim làm ai nấy bùi ngùi, cảm động. Do sự hiện diện của Kim, bữa tiệc tuy đơn giản, nhưng vô cùng ấm cúng và mang nhiều ý nghĩa.
Ông Xuân đã hái hết cà pháo và cà bát trong vườn làm tiệc đãi khách. Những quả cà pháo muối dưa còn trắng phau, chứng tỏ bà Xuân là tay muối dưa thiện nghệ. Cà bát hấp chín, dầm nước mắm tỏi, ớt. Cải ngọt xào thịt bò. Canh rau đay nấu cua đồng.
Vợ chồng Tâm-Hồng có món thịt bò nhúng dấm cuốn bánh tráng, rau sống, chấm mắm nêm.
Vợ chồng Ngoạn, ngoài những món đã tính trước, còn có thêm cặp bánh chưng do mẹ chàng từ Cali gửi sang cho. Anh Lộc cũng khéo tay tự làm lấy giò thủ, nem chua đem sang góp phần.
Ngoạn chưa bao giờ nói nhiều như thế. Từ ngày bỏ xứ ra đi, đã gần mười cái Tết trôi qua. Tết nào vợ chồng chàng cũng thui thủi cúng ông bà và ăn Tết một mình. Năm nay, dọn đến thành phố buồn hiu này, chàng lại ăn Tết lớn, có đồng hương tụ tập nói, cười. Không có pháo, không có mai vàng rực rỡ, nhưng có đồng bào ruột thịt, nói cùng một ngôn ngữ, cùng nhắc lại dĩ vãng ở quê nhà. Sao mà đằm thắm, thân mật, mà cảm động! Mỗi người ăn một góc bánh chưng với dưa món, cái ngon nó kéo lên tận óc! Thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Nêu cao, tràng pháo,
bánh chưng xanh.
Miếng bánh chưng ở quê nhà, thường quá! Ở Mỹ, lại ở một thị trấn vắng vẻ như Cảnh Tân này, sao mà ngon lạ lùng! Ngoạn cắn miếng bánh mà lòng nao nao cảm động. (còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 68,561,989
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo