Tác giả Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ. Bằng lối viết trực tiếp, giản dị mà tinh tế, mỗi bài viết của cô là một đề tài riêng biệt, sống động đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, một truyện ngắn về đời sống hôn nhân hợp chủng.
*
Tức ơi là tức, nhà gì mà chỗ nào cũng đầy đồ, giữ thì không xài, bỏ thì không được, chán muốn chết. An vừa càu nhàu trong lòng, vừa đi từ góc này đến góc khác trong nhà để tìm mấy món đồ cần dùng. Hai đứa làm đám cưới đã 3 tháng rồi mà đến giờ đồ đạc của An đa số còn nằm trong mấy cái vali và túi xách chất ở góc kẹt trong nhà Jim!
Thật ra An đâu phải là người vô gia cư, sống lang bạt kỳ hồ nay đây mai đó đâu kia chứ. An có nhà hẳn hoi kia kìa. Mấy năm trước, ở nhà thuế mãi mỗi năm đến mùa khai tax lại chẳng thấy lợi lộc gì, An nghe theo lời cố vấn của bạn bè mua một cái condo để ở. Mua nhà xong chừng nửa năm thì An bắt đầu quen Jim. Từ lúc An quen Jim đến lúc Jim ngỏ lời cầu hôn là cả một thời gian dài, đủ để đồ đạc trong cái condo của An sinh sôi nảy nở ra như một hàng tạp hóa nhỏ. Và bây giờ thì đa số của An vẫn còn ở tại nhà An, nản hết sức! Phải hai nhà gần nhau cho cam, đằng này nhà An cách nhà Jim đến gần 30 miles, lái vù vù ngoài highway mà không kẹt xe cũng mất hơn 40 phút mới tới được.
Sau ngày hai đứa đính hôn, Jim đã ra điều kiện với An: "Anh không có ý định dọn đi đâu hết. Anh không muốn bán căn nhà đang ở. Em đồng ý lấy anh thì mai mốt đám cưới xong em sẽ dọn qua ở bên nhà anh, còn nhà em thì túy ý em định đoạt, muốn cho thuê hay muốn bán tùy em". Lấy chồng thì phải khăn gói theo chồng. An nghĩ vậy. Thành ra An đồng ý với đề nghị của Jim ngay. An đồng ý dọn qua bên nhà Jim mà quên bẵng đi một chuyện quan trọng là nhà Jim, cái townhouse 4bedroom, 3 badroom finished basement, chỉ có một người ở mà phòng nào cũng chật ních đồ là đồ. Quên bẵng đi là Jim không hứa hẹn gì về chuyện dọn dẹp nhà cửa để An đem đồ của mình qua hết. Há miệng mắc quai!
Tính An ngăn nắp đâu ra đó. An không màng đồ furniture đắt tiền, cầu kỳ sang trọng, nhà cửa đồ đạc rẻ tiền An cũng chịu, miễn sao sạch sẽ, gọn gàng đâu ra đó là được. Cái mà An sợ nhất là đồ đạc chất đống để bụi bậm nhện giăng, nhìn là muốn ngộp thở, chưa nghĩ tới chuyện ở luôn trong môi trường như vậy, đi ra đi vào khó chịu không để đâu cho hết!
Ngày xưa lúc mới quen Jim, nếu bước vào nhà chàng mà thấy đồ đạc ngổn ngang như bây giờ chắc là An đã ca bài "ba mươi sáu chước, tẩu vi thượng sách" từ lâu rồi. Nhà Jim ngày xưa cũng gọn ghẽ, ngăn nắp lắm. Rồi bố Jim qua đời để lại một căn nhà đầy ắp đồ tích lũy sau hơn bốn mươi năm cho Jim và cô em gái tùy nghi định liệu. Mẹ Jim đã mất vài năm trước đó. Và thế là đồ đạc từ nhà bố mẹ Jim cứ từ từ, từ từ đổi hộ khẩu đến ở tại nhà Jim. Thùng giấy này kế tiếp thùng giấy kia, mỗi lần Jim về thu xếp dọn dẹp nhà cửa bố mẹ chàng để chuẩn bị bán căn nhà đó thì lại chở đồ đạc về chất đầy trên chiếc xe hơi của chàng.
An biết là Jim thương bố chàng nhiều lắm. Nghe Jim kể ngày xưa Jim mua nhà này, ông cụ lặn lội đường sá lái xe cả 7, 8 tiếng đồng hồ đến thăm Jim, chở theo trên xe không biết bao nhiêu là đồ nghề để phụ sơn phết lại căn nhà của cậu con trai đầu lòng. Jim từng hãnh diện chỉ cho An xem cái phòng ăn ông cụ sơn, những chiếc lá thanh mảnh như lá trúc tỉ mỉ vẽ lên mấy vách tường là dấu vết còn lưu lại của bàn tay tài hoa của bố Jim. Jim từng tự hào chỉ cho An xem cái lò sưởi ông cụ sơn màu xanh da trời nhạt điểm những hoa văn thanh thoát màu trắng tựa như những đóa quỳnh. Rồi Jim chỉ cho An xem mấy cái tủ trong bếp, theo lời chàng kể thì ông cụ mất cả tuần lễ nhuộm cho mấy cánh cửa bằng gỗ có cái màu nâu đỏ ánh lên sóng sánh như rượu vang trong ly để dưới ánh đèn.
Bố Jim mất, mọi góc trong căn nhà của Jim đều gợi lên hình bóng của ông cụ, An biết vậy. An tôn trọng ý định của Jim khi chàng kiên quyết không muốn bán ngôi nhà chàng đang ở. An thông cảm với Jim khi thấy chàng không muốn bỏ đi những vật dụng bố mẹ chàng dùng ngày xưa. Những nỗi đau của Jim trước cái chết của bố mẹ chàng, bao giờ mới nguôi ngoai"
An không có cơ hội gặp mặt mẹ của Jim. Bà mất trước khi An và Jim quen nhau. Mất thình lình vì heart attack không có dấu hiệu gì báo trước. Jim thuật cho An nghe, chàng bận rộn công việc ở chỗ làm, mấy tuần liền không có lúc rảnh rỗi gọi điện thoại thăm mẹ. Vả lại Jim nói chàng định lấy vacation 2 tuần về thăm bố mẹ chàng, lúc đó dư dả thời gian để chuyện trò. Đùng một cái mẹ Jim mất Jim ray rứt không nguôi, vì gần 6 tuần chàng có bao nhiêu là cơ hội gọi điện thoại thăm mẹ mà không bao giờ gọi viện lẽ bận ở chỗ làm, và rồi chẳng bao giờ chàng có dịp nghe tiếng nói của mẹ chàng nữa hết. Sau khi mẹ Jim mất, chàng gọi điện thoại thăm bố thường xuyên hơn. Nhiều lần An đến nhà Jim nghe Jim và ông cụ nói chuyện điện thoại khá lâu, hai người có khá nhiều điều tương đắc.
Mùa football năm kia, Jim dẫn An về quê chàng xem football, tiện thể giới thiệu An với bố chàng. Bố của Jim An thấy trong mấy cái hình treo ở nhà Jim, là một ông cụ phương phi tốt tướng, gò má đầy căng, chọn đóng Santa mùa Christmas là hợp vô cùng. Jim bảo với An là sau khi mẹ chàng qua đời chừng nửa năm thì ông cụ bị heart attack, may là qua khỏi được nhưng sau đó người ông cụ sút đi rất nhiều. Đến lúc An gặp bố Jim thì mới thấy rõ điều Jim nói. Ông cụ già hom hem mở cửa cho An và Jim không còn giống những hìnhAn thấy ở nhà Jim chút nào hết. Ông cụ chỉ còn là cái bóng, nữa cái bóng của ngày xưa mà thôi. Hai gò má hóp, da nhăn nheo, bước đi yếu ớt, chậm chạp vô cùng. Chỉ có đôi mắt sáng, tinh anh, hói hỉnh là còn giống với ảnh chụp mà thôi. Ngày hôm đó An và Jim theo bố Jim ra thăm mộ mẹ chàng. Bên cạnh phần mộ mẹ Jim, bố Jim đã dành cho mình một chỗ. Trong ánh nắng chiều ở nghĩa tranh, bóng Jim và bóng bố chàng chiếu nghiêng nghiêng xuống thảm cỏ xanh, dáng người con cao ráo, vững chãi, dáng người bố ốm yếu, mong manh.
An và Jim đi ăn tối với bố Jim, ngày hôm sau hai đứa còn đi ăn sáng với ông cụ trước khi ra về. Lúc gọi món ăn sáng. Anh nhớ đến món khoai tây chiên có dạng những sợi nho nhỏ đan vào nhau mà tiếng anh là gì thì bỗng nhiên An quên mất. Nhìn vào menu, thấy có mấy options để lựa, trong đó có grit và hashbrown. Cuối cùng An order món grit để rồi thấy hai mắt tròn xoe của Jim nhìn mình. Jim hỏi An, you có sure là muốn ăn món đó hay không và An gật đầu chắc như đinh đóng cột dù thật sự trong lòng đang đánh trắc nghiệm a, b, c xem cái món khoai tây chiên An thích tiếng Anh gọi là gì. Hỏi Jim ngay trước mặt bố Jim thì An sợ bố Jim sẽ cười chê cái vốn tiếng anh chưa đầy ba lá mít của An, sợ sẽ để lại ấn tượng không đẹp về An với ông cụ, sợ ông cụ sẽ bàn ra không đồng ý cho Jim quen Anà.
Tim An thót lại khi món ăn được dọn ra. Những sợi khoai tây chiên giòn vàng rụm đan vào nhau như một tấm lưới mà An mong chờ không thấy đâu hết. Trước mặt An là một cái chén nhỏ có mòn gì màu trắng sền sệt như cháo đặc, một món ăn An chưa thử bao giờ. An không kìm được, quay qua Jim nói nhỏ với Jim là An không có ý định order món này, để rồi thấy Jim cười thích thú. Jim nói với An vậy thành ra hồi nãy anh mới hỏi, hồi đó tới giờ em toàn order hashbrown thôi. Chết, mình order lộn rồi, An kêu thầm trong bụng. Quê quá xá là quê. An cảm thấy choáng váng. Nhìn qua bố Jim, ông cụ cười hiền hòa, bảo An cứ ăn thử món grit đi cho biết. Cả Jim và bố chàng đều cười khi thấy An nếm thử món grit rồi nhăn mặt vì An không thích và rồi An cũng cười theo. Giá An hỏi Jim ngay từ đầu thì có phải đỡ quê hơn nhiều không chứ!
Ngồi ăn chung với bố Jim từ hôm trước tới giờ. An để ý ông cụ ăn uống vẫn còn được khá nhiều, nhưng sức khỏe có vẻ sa sút quá đỗi. Mẹ Jim mất đi, có lẽ nữa hôn nữa xác của ông cụ cũng đi theo bà luôn rồi chăng" Lúc Jim lái xe về bố chàng còn đứng tựa cửa vẫy tay theo. An liếc nhìn Jim, thấy mắt chàng đỏ hoe. Chàng khóc lặng lẽ, nước mắt chảy dài đọc theo gò má.
An chỉ gặp bố Jim chỉ một dịp duy nhất đó thôi. Ông cụ nói với Jim sẽ thu xếp nhà cửa trên đó rồi sẽ dọn xuống ở với chàng một thời gian, còn hứa là sẽ giúp chàng thay mấy cánh cửa trong nhà, chuyển từ cửa kim loại qua loại cửa gỗ mà chàng thích. An với Jim đo kích thước mấy cánh cửa. Đi cả mấy tiệm Home Depot lựa tới lựa lui mãi mới tìm được mấy cánh cửa vừa ý. Đợi bố anh xuống chơi, Jim hào hứng nói với An rồi bố anh sẽ chỉ cho em và anh cách nhuộm màu mấy cánh cửa này nữa, ông cụ nhuộm màu gỗ sành lắm.
Mơ ước, tính toán, mong chờ, mọi thứ tan như bong bóng xà phòng mấy tuần sau đó.
Trời mùa thu, bố Jim ra vườn quét dọn đám lá rụng, bị cảm lạnh. Cảm lạnh dây dưa chuyển qua sưng phổi ông cụ ngày kia khó thở quá, kêu xe cứu thương chở vào bệnh viện rồi qua đời trong nhà thương. Cô em gái Jim nghe tin bố vào nhà thương thì lái xe vào, nhưng đã quá trễ khi cô vào đến bệnh viện thì ông cụ đã qua đời nửa tiếng trước đó. Jim gọi điện thoại cho An, báo tin bố chàng mất, giọng sũng nước mắt.
Tháng 10/2003
Karen N. Nguyễn