Hôm nay,  

Thấy Vậy Không Phải Vậy

02/03/200300:00:00(Xem: 316559)
Người viết: NGUYỄN HỮU THỜI
Bài tham dự số 3137-744-vb80302

Tác giả trước 1975 là giáo chức, quân nhân. Hiện là chuyên viên điện toán hãng Sypris Data Systems Co, California. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay những ngày đầu, năm đầu, cho tới nay ông vẫn liên tục viết và dành nhiều hỗ trợ quí giá cho sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Như mọi ngày, lúc ngủ dậy bà Năm ngồi nán lại trên giường ngả lưng tựa người vào cái "head board", chăm chú đọc tờ báo buổi sáng. Đọc chán, bà để tờ báo xuống giường, lên giọng dõng dạc gọi con nhỏ người làm:
-Bình ơi! Bình lên đây tao bảo.
Bình đang ở dưới bếp bận sửa soạn bữa ăn sáng dạ ráng lên một tiếng rồi vội vã bước lẹ lên nhà trên, giọng nó cung kính, lễ phép:
- Thưa bà gọi con.
- Ừ! Mày chạy qua nhà bà Tâm nói bà Cúc mới điện thoại cho biết hôm nay bà không đến tụ điểm được vì bận đi thăm thằng cháu nội bệnh trên Gò Vấp. Còn nữa, nói bả sai đứa nào đi mua cỗ bài mới chớ bộ bài hôm qua tao thấy đã sờn hết các góc và cũ lắm rồi. Chừng bốn giờ chiều tao qua đó.
Con Bình đã chạy ra gần tới cửa bà Năm còn nói đuổi theo:
- Nhắc bà Tâm kiếm người thay bà Cúc! Nghe không"
Tiếng con Bình dạ vọng nhưng không thấy nó quay trở lại.
Năm nay bà Năm đúng sáu mươi tuổi nhưng tóc đã bạc trắng. Bà thường nói với mấy bà bạn để vậy cho nó giống tiên cô, nhuộm nhiết vừa tốn tiền mà chất hóa học xài riết làm hư tóc, hư da đầu. Thường ngày dùng cơm trừ xong bà làm một giấc tới gần ba giờ chiều, ngủ dậy bà đóng bộ vào là đi qua nhà bà Tâm chơi bài tứ sắc cho tới mười giờ đêm mới về có khi tới nửa đêm hoặc nhiều khi tới sáng hôm sau.
Những lúc ăn bài thì bà tỏ ra vui vẻ, dễ dãi, hôm nào thua bài thường gọi con Bình lên mắng chưởi không duyên cớ hay làm khó dễ với nó: chê cơm nấu nhão, khô, canh nếm quá mặn hay quá lạc, cá kho cay quá, nhà để dơ chừ lau thỉnh thoảng còn trớn bà kêu tên tục ông Nam ra mà chưởi mặc dù ông lặn đi đã gần mười năm nay nhưng trong lòng bà vẫn còn cái hận mà có lẽ đến chết bà mới quên thôi.
Bà bắt đầu say mê đỏ đen chơi bài tứ sắc từ sau ngày Paulette người con gái độc nhất của bà 12 tuổi và được gởi lên Đà Lạt học trước năm 75. Paulette thông minh, đẹp. Tính nết hiền hậu, thùy mị.
*
Trước 1975, ông bà Năm có cái tiệm vàng ở đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định.
Trước 1975 ông Năm mánh mung chạy chọt sao không rõ, người ông trắng bóc như bông gòn, mạnh khỏe như voi, dáng dấp phương phi, đẹp mã nhưng trong ví ông lúc nào cũng có giấy miễn dịch vĩnh viễn. Mỗi khi đi đâu ông thường lái chiếc xe hơi Nhật Mazda sơn màu trắng, ông mang kiếng trắng mặc dù không phải là cận thị hay tới cái tuổi phải mang kiếng lão. Ông ăn mặc chỉnh tề, mùa nào thức ấy.
Ông thường nói với bạn bè quen thân "Quen sợ dạ, lạ sợ áo" tao cứ đóng bộ thật kẻng khi ra đường, lái xe hơi đời mới thì đố ai dám lôi thôi xét hỏi tra cứu giấy tờ gì của tao.
Hồi Cộng sản vào Saigon năm 1975 nhiều gia đình bạn thân tới rũ ông di tản, ông ra điều biết nhiều tin tức thời sự và lên mặt bảo:
- Các ông chạy đi đâu cho mệt. Nước nhà mình thống nhất rồi, hòa bình đã được lập lại trên quê hương ta rồi, ở lại mà làm ăn xây dựng đất nước gặp lại họ hàng bà con từ Bắc vào. Hơn nữa gia đình tôi là dân buôn bán có chi phải sợ mà chạy. Cộng sản cũng là người Việt Nam mà. Còn bên Mỹ, bên Tây, bên Úc họ đâu có biết xài vàng lá, nữ trang như mình, họ chỉ xài toàn đồ giả thôi. Qua đó để mà thất nghiệp chết đói à!
Gia đình ông Năm yên trí ở lại làm ăn buôn bán với Cộng sản. Ông cứ tưởng là cộng sản sẽ không bao giờ đụng đến ông nên ông vẫn yên trí làm ăn, nhưng tiệm nữ trang của ông ngày càng vắng khách.
Bà Năm càng ngày càng mê bài tứ sắc ít khi ngó ngàng gì đến cửa hàng. Mọi sựï xuất nhập trong tiệm đều trong tay ông Năm vàø Kim Liên, cô thư ký trẻ đẹp, đảm đương cửa tiệm. Nhờ Kim Liên bày mưu, sắp kế, ông Năm đã âm thầm cất giấu gần hết hai phần ba tài sản trong tiệm tính để cùng nhau lập tổ uyên ương riêng. Nhờ vậy, khi cộng sản đánh tư sản mại bản họ ùa vào cửa tiệm của ông bà nhưng không cướp được bao nhiêu cả. Người ta thường nói dịp may không tới hai lần nhưng trường hợp của ông Năm là ngoại lệ. Lúc đó bà Năm mới tỉnh, mới tá hỏa tam tinh thì cũng là lúc ông Năm đã chuồn êm về Cần Thơ ở với cô thư ký đảm đang ngày nào.
Bây giờ tuy cửa tiệm không còn nữa nhưng hàng ngày bà Năm vẫn ung dung, bước ra ngoài thì đã có taxi hay xích lô. Sở dĩ bà có cuộc sống sung túc nhàn nhã như vậy là bà trông vào cô Paulette Nguyễn người con gái độc nhất của bà đã vượt biên qua Mỹ hồi năm 1983.
*
Từ khi lên trung học, Paulette được gởi vào trường Tây ở Đà Lạt. Khi những người con cháu của Bác Hồ từ Bắc vào thì Paulette cũng bỏ học trở về Saigon sống với cha mẹ.
Tuy học trường Tây nhưng Paulette không se sua ăn mặc diêm dúa, không mê nhảy đầm ca nhạc hay khi nói chuyện không bao giờ ừ chêm tiếng Tây như những bạn cùng lớp. Nàng là người con gái mẫu mực thuần túy Việt Nam luôn luôn giữ nền văn hóa, đạo lý tổ tiên làm trọng. Đặc biệt hơn nữa Paulette là một người con thật chí hiếu.
Thấy cảnh cha theo dì Liên bỏ rơi mẹ con nàng, Paulette cảm thấy xót xa thương mẹ lắm và rất tủi thân cho mình nhưng nàng không bao giờ có một cữ chỉ hay lời nói tỏ ra bất hòa, bất kính với cha.
Một hôm hai mẹ con ngồi bàn chuyện gia đình Paulette lễ phép nói:
- Ba bỏ mẹ con mình đi với dì Liên con nghĩ một phần lớn cũng do lỗi của mẹ đó. Cả ngày mẹ cứ mê mẩn đánh bài tứ sắc mặc cửa tiệm cho cha và dì Liên, mẹ không bao giờ để ý đến, mẹ cũng không bao giờ săn sóc hay hỏi han gì đến cha, những lúc ông đau ốm, cô đơn hay gặp những chuyện khó khăn trong đời sống hàng ngày người mà đến chia xẻ giúp đỡ lại là dì Liên. Mẹ biệt tăm cả ngày với những con bài tứ sắc. Do vậy tình cảm của cha đối với mẹ lúc trước giờ lại chuyển qua hết cho dì Liên.


- Ranh con! Mày biết gì mà xen vào chuyện người lớn. Ba mày là dân hảo ngọt mày không biết sao" Tao ở với ổng đã hai mươi năm tao biết tật ổng quá mà! Thấy gái như mèo thấy mỡ. Con đĩ đó nó đẹp hơn tao, ông mê nó là cái chắc. Chỉ tội tao không biết trước mà đề phòng thôi. Tao quá tin con đĩ đó, tưởng nó thật thà đảm đương, con nhà nghèo thì chỉ biết lo làm ăn thôi, ai ngờ tao đã nuôi ong tay áo. Bây giờ nó cắn tao đau lắm rồi mày có biết không"
Nói xong bà òa lên khóc. Paulette đứng dậy, nàng lặng lẽ bỏ đi vào phòng mình ngồi suy nghĩ và buồn vô cùng!
Sau khi Việt cộng tổ chức đánh tư sản mại bản nhà không còn của cải gì hết lại thêm cha cùng dì Liên đã rút hết vốn liếng đi lập tổ ấm riêng. Cửa tiệm đành đóng cửa vĩnh viễn. Paulette xin đi làm công nhân viên ở hãng dệt tận khu kỹ nghệ Biên Hòa nhưng số tiền lương mỗi tháng kiếm được không thể nào sống nổi dù là cơm muối qua ngày. Nàng thường đem nổi khó khăn trong cuộc sống hiện tại của mẹ con nàng tâm sự với Loan, người bạn rất thân từ thuở còn học ở mẫu giáo. Bây giờ hai người cùng làm chung một hãng và cùng đang sống trong xã hội đầy bất trắc, bất công nên tình thương yêu và lo lắng cho nhau ngày càng thắt chặt hơn nữa. Một hôm nhân giờ nghỉ cơm trừ Loan gọi Paulette ra một chỗ riêng nói chuyện.
- Paulette ạ! Tao có chuyện này bí mật muốn bàn với mày, hỏi ý kiến mày.
- Chuyện gì vậy! Bộ mày tính làm đám cưới với anh Sơn sao!
- Khổ quá! Mày lãng mạn vừa vừa thôi chứ! Tới nước này mà mày còn nghĩ chuyện đôi lứa nữa. Chuyện đó gác sang một bên đã rồi từ từ tính sau.
Loan cúi người ghé tận tai Paulette nói rất nhỏ chỉ vừa đủ nghe:
- Tao và anh Sơn tính vượt. Như mày đã rõ anh Sơn là dân Hải quân từng được chính phủ VNCH gởi đi học ở trường hải quân Annapolis, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Anh bị cộng sản bắt đi học cải tạo ở ngoài Bắc tới bảy năm giờ mới được thả ra, ảnh vừa được về thì đã có gia đình người Tàu móc nối cần người để điều khiển chiếc ghe lớn đi biển. Ba má và các em anh ấy cũng đã vượt biên từ năm 79 và hiện định cư tại Mỹ. Anh đừ điều kiện với họ là anh có quyền dành ba chỗ trên ghe. Họ đồng ý. Tao nghĩ đến mày và bác. Mày về bí mật bàn với bác nếu dứt khoát cùng đi thì chiều mai tan sở cho tao biết ý kiến ngay nhé.
Tối hôm đó Paulette về bàn với bà Năm, bà nhất quyết không đi nhưng bà bảo Paulette cứ ra đi vì tuổi con trẻ, tương lai còn dài. Paulette hết sức khuyên giải lấy lời hơn lẽ thiệt nói với bà vì nàng không thể bỏ mẹ ở lại mà ra đi yên lòng được. Paulette nói:
- Thưa mẹ! Con đi rồi mẹ không còn ai ở lại với mẹ nữa. Con thấy lo lắm!
- Tao còn các cậu, các dì của mày nữa sao lại không còn ai.
- Nhưng ai nấy cũng đã có gia đình làm sao họ lo, họ giúp cho mẹ được.
Im lặng bà không trả lời, tâm trí bà đang nghĩ đến những cánh bài hấp dẫn đang chờ đón bà. Paulette vẫn nhẫn nại thuyết phục mẹ cùng đi với mình nhưng vô ích! Bà đã quyết tâm ở lại. Paulette không lay chuyển gì được nữa, không làm gì hơn nữa. Nàng đành gạt nước mắt ra đi và gởi mẹ lại cho các dì, các cậu.
Chiếc ghe vượt biên chở Sơn, Loan, Paulette và tám mươi hai người đã "thuận buồm xuôi gió" đến được đảo Paulau Bidong ngày 14 tháng 8 năm 1982. Paulette được một người bạn rất thân tên Vân bảo lãnh nên nàng không phải chờ đợi mất nhiều thời gian ở đảo như những người khác chờ người bảo trợ.
Vì có sẵn chút vốn liếng tiếng Pháp nên được vào học ESL nàng tiến bộ rất nhanh và chỉ mới hai tuần sau khi tốt nghiệp nàng đã có việc làm cashier ở một siêu thị Á Châu lương bắt đầu hơn lương căn bản mỗi giờ 1 đôla. Suốt ngày nàng đứng nơi quầy tính tiền chỉ nghỉ được 30 phút giờ ăn trừ. Tối về hai chân như tê cứng đi lại khó khăn, nặng nề, máu như đông lại nên đêm nào trước khi đi ngủ Paulette cũng đứng chạy tại chỗ nửa tiếng đồng hồ mới có đủ sức làm việc cho ngày hôm sau.
Ai đã từng làm cashier ở các siêu thị nhất là siêu thị của người Á Châu thì biết rất rõ. Mỗi năm có 365 ngày thì những siêu thị Á Châu mở cửa đúng 365 ngày. Lương tiền chỉ trả trên minium wage chút đỉnh nhưng làm việc phờ người... Paulette phải cắn răng làm việc vì hàng tháng phải gởi đều đều 300 đôla về cho bà Năm để sống và đi đánh bài.
Bà đâu có biết rằng người con gái bà đã đứng mỗi ngày 8 tiếng nơi quầy tính tiền và hai tay, hai mắt làm việc không ngừng, muốn đi tiểu đi tiêu phải chờ đến giờ nghỉ giải lao 10 phút, nếu khẩn cấp phải thông báo giám thị trước cả tiếng đồng hồ để họ tìm người thế. Lương Paulette một ngàn ba trăm tám mươi dôla, mỗi tháng (gross pay) trừ thuế liên bang, tiểu bang, thuế đô thị và bảo hiểm sức khỏe còn lại 900 đôla (net pay). Sau khi trừ tiền phải gởi về hàng tháng cho mẹ nàng chỉ còn 600, tiền share phòng 350 còn lại 250 để sống và trả các khoản tiền lặt vặt khác. Năm ngoái có anh Sáu nông nghiệp người cùng xóm dẫn vợ con về quê ăn Tết nàng có gởi tiền thêm và quà Tết để mừng tuổi cho bà Năm.
*
- Thưa bác, cô Paulette có gởi ít quà Tết và 100 đôla về mừng tuổi bác và gởi lời chúc bác năm mới mạnh khỏe.
Bà Năm nhìn anh Sáu từ đầu tới chân rồi mới nói:
- Cám ơn.
Bà dửng dưng nhìn vào gói quà và 100 đôla để nơi bàn ra điều chê là ít. Bà nói:
- Thắng Tám Nệ con anh Hai Thịnh theo ảnh chỉ đi diện H.O mới qua được một năm về cưới vợ mà tổ chức đám cưới lớn lắm. Cả xóm này ai cũng được mời tới dự. Trước khi trở lại Mỹ nó còn mua chiếc dream loại xịn nhất 9000 đô tiền tươi tặng cho vợ mới cưới và còn dặn chừng sáu tháng sau đem vợ qua nó sẽ sắm cho chiếc xe hơi và còn dặn con Thúy vợ nó ở nhà nên đi học lái xe ngay. Chiếc xe dream thì sẽ cho lại thằng Ngân em vợ nó. Còn nữa, thằng Bền nó là trung úy thời Cộng hòa đó, mới qua H.O được tám tháng mà gởi cho mẹ nó một lần 9000 đôla để mẹ nó cơi căn nhà lên lầu ba tầng đó. Anh về nói lại với nó tôi cảm ơn nhưng cũng nói cho nó biết làm như vậy bẽ mặt tôi với bà con lối xóm lắm đó.
Nghe bà Năm nói, anh Sáu không trả lời. Nhìn lên vách tường, anh thấy cái hình ông Hồ Chí Minh như đang muốnbiến thành hình ông Lincoln. Đang mơ mơ màng màng, anh giật mình khi nghe bà Năm lên tiếng hỏi:
- Vậy chớ chừng nào cậu trở về Mỹ"
Nguyễn Hữu Thời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,482,206
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến