Hôm nay,  

Nước Mỹ Không Là Của Riêng Ai

26/12/200200:00:00(Xem: 121410)
Người viết: SONG TRANG
Bài tham dự số: 385-694-vb61227

Tác giả tên thật là Trương Tấn Thục, 76 tuổi, đã về hưu, hiện cư trú tại Fresno, California. Lần đầu viết về nước Mỹ, ông góp hai bài viết. Bài thứ hai, “cái giá của sự quyết tâm” sẽ được phổ biến trong những ngày tới.

Lời mở đầu: Tôi muốn tìm hiểu tên bản nhạc đài hiệu của "Tiếng Nói Động Viên" của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuở nào nhưng không tìm đâu ra. Tôi e. mail hỏi tất cả bạn bè quen biết thì có một chiến hữu từng làm việc tại Phòng Tổng Thanh Tra của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho biết là bản nhạc đó đã do một vị tướng đứng đầu của Nha Động Viên chọn nhưng anh ấy quên không nói rõ tên bản nhạc đó trong phim nào.
Cũng may là người con rể của tôi thấy tôi thích xem phim Viễn Tây Mỹ nên mua gởi cho tôi một bộ ba DVD trong đó có một cái tựa đề: The GOOD, The BAD and The UGLY do Clint Eastwood đóng (Bản nhạc cùng tên với phim).
Phải rồi! Bởi vì Quân Đội là một xã hội thu hẹp ví như một bàn tay năm ngón lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ngón có một vai trò. Khôn Ngoan, Ranh Mãnh hay Khờ Khạo thì rốt cuộc cũng cùng chung một tập thể, như năm ngón tay trên một bàn tay. Không lý mình lại ...
Từ ý nghĩ đó, tôi viết bài sau đây:
*

Bốn mươi tám (48) năm làm công dân, trong đó có hai mươi bẩy (27) năm làm lính của một Quốc Gia hình chữ "S", mà theo truyền thuyết thì đã có hơn bốn ngàn năm (4k+) lịch sử.
Từ thuở ấu thơ đến lúc vào đời, tôi luôn luôn tin yêu Đất Nước và Con Người Việt Nam.
Mặc dù được sinh ra trong một gia đình rất nghèo, nhưng vẫn thường xuyên được sự giúp đỡ của những người, tuy cùng cảnh ngộ nhưng lại có lòng từ tâm. Nhờ vậy nên tôi mới có khả năng thi vào Trường Võ Bị Đà Lạt và tốt nghiệp trong số một phần tư đầu của danh sách trúng tuyển.
Trong cuộc khởi đầu binh nghiệp, ước mơ của nhiều sĩ quan trẻ là được du học các khóa "Tu Nghiệp Sĩ Quan" như Căn Bản và Trung Cấp (Basic, Advanced Course) tại Hoa Kỳ, chớ đâu có bao giờ hoài vọng để sinh sống tại xứ sở nầy! Nhưng sự mơ ước đó đã không bao giờ đến!
Thế sự của hai nền Đệ Nhứt và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đã đưa đẩy tôi khắp ba Vùng Chiến Thuật I và II và III với nhiều nhiệm vụ khó khăn phải thi hành!
Và rồi, sấm sét đã đổ lên đầu chúng tôi - ngày 23-3-1975 - khi mà trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I/ Quân Khu 1 ra lệnh cho chuẩn tướng Nguyễn văn Điềm, tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh "Hãy triệt thoái toàn bộ sư đoàn về bảo vệ khu đông dân cư Đà-Nẵng! Đó là lệnh của Tồng Thống. Thi hành ngay đi" (Nguyên văn mà tôi lắng nghe được trên intercom).
Từng là một vị tướng trước khi lãnh trọng trách Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thế mà mà ông không lường trước được hậu quả sẽ thế nào khi ban cái lệnh quái ác đó!
Chuẩn tướng Điềm òa lên khóc và trách cứ sự nhẫn tâm của thượng cấp. Rồi thì, chỉ trong nháy mắt, sự hoảng loạn đả bùng ra. Chín mươi tám phần trăm (98%) quân nhân gốc địa phương Huế "rã ngũ", chạy về lo di tản gia đình! Chỉ còn lại tôi và Đại tá NHL, tham Mưu Trưởng Sư Đoàn (gia đình của chúng tôi ở trong Nam).
Cuối cùng, chúng tôi tự động "cuốc bộ" xuống cửa Thuận An và cùng với hai quân nhân thân tín, lên một chiếc xuồng câu (1m50x4m00) xuôi về Tiên-Sa (Đà Nẵng).
Thế rồi cuộc diện Miền Nam như cờ Domino mà - Binh Biến đã đóng trọn vai trò trực tiếp tiếp tay cho bọn cộng sản nằm vùng, giúp cho lực lượng chủ lực của chúng vào "tiếp thu" các thành phố Miền Trung mà không phải tốn hao lực lượng!
Chúng tôi vào đến Vũng Tàu bằng thuyền đánh cá sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Đang bơ vơ không biết nương tựa vào đâu thì cơ may và ruổi cùng ập đến một lúc! Thân tín cho biết là Tổng thống NV Thiệu ra lệnh câu lưu các sĩ quan chỉ huy cấp Sư Đoàn 1,2,3 và Quân Đoàn I để truy tố ra trước Tòa Án Quân Sự Mặt Trận vì đã không thực thi được kế hoạch "gom quân" của ông.
Như tất cả chúng ta, những người Miền Nam, đều biết là đa số quân sĩ của các Đại Đơn Vị đều là người địa phương, nên khi nghe được lệnh thượng cấp "rút bỏ địa phương của mình" thì có ai tự đoạn lìa cốt nhục tình thâm của mình để đi bảo vệ một địa phương khác! Nên như nước vỡû bờ, trong nháy mắt không còn hàng ngũ nữa nên dù có "thiên tài chỉ huy" cũng không thể nào ổn định được tình hình. Vậy lệnh câu lưu của vị Tổng Tư Lệnh Qưan LựcViệt Nam Cộng Hòa có hợp lý không"
Những ngày đói khát lênh đênh trên biển, từ Huế vào Vũng Tàu, của một đại gia đình, cặp bến được trong sự an toàn là một phước đức lớn lao nhưng soát lại hành trang thì chỉ có những bàn tay trắng! Trong lúc đang bơ vơ thì có tin viên Lãnh Sự Mỹ ở Tokyo (Nhựt Bổn) bay về Sài gòn để di tản gia đình bên vợ đi Mỹ. Sau khi tiếp xúc thì ông ấy cho biết: "Mọi sự đã được an bài" (Everything's settled). Nếu muốn lánh nạn thì ông ấy tìm cách giúp gia đình chúng tôi rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi cùng đáp chuyến bay đó với gia đình bên vợ của ông.
Chiếc C.141 rời Tân Sơn Nhứt lúc 7 giờ 30 tối ngày 24-4-1975 với số hành khách khoảng 300 nam-phu-lão-ấu, ngồi la liệt trên sàn máy bay, trong đó có gia đình thi sĩ C.T.
Phi cơ đáp xuống phi trường Anderson - Guam vào 2 giờ sáng ngày 25-4-1975. Cảnh đón tiếp thật là nồng hậu! Đầy ấp tình người! Từ ăn uống, áo quần, chăn mền, đồ dùng vệ sinh cá nhân, cho đến tã lót cho trẻ em cũng như băng vệ sinh của phụ nữ đều có đầy đủ. Bác sĩ, Nha sĩ, Y tá đến săn sóc sức khỏe của từng người để đoan chắc là khi lên máy bay vào nội địa là không ai bị bệnh đau nào trầm trọng! Tiếp theo sáng hôm đó, sở Di Trú (INS) xúc tiến thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện Di-Cư Tỵ-Nạn và một "cầu không vận" đưa chúng tôi vào ba trại trong lục địa Hoa Kỳ.
Chúng tôi vào trại 8 của Camp Pendelton, California và tạm trú tại đây để chờ "Cá Nhân /Hội Đoàn Bảo Trợ". Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ sức khỏe, vệ sinh và ẩm thực. Mỗi ngày ba bữa ăn, sáng trưa chiều đầy đủ. Khi gia đình nào có Bảo Trợ rồi thì mới được cấp thẻ I-94 để xuất trại. Từ đó, cuộc đời của người tỵ nạn có thênh thang nhung lụa (mượn lời văn cuả ông Nguyễn Ngọc Ngạn) hay là ngược lại thì đó là một việc khác, không thuộc lãnh vực của bài viết nầy.


Chúng tôi tự nguyện là: Đã chấp nhận ra đi thì "một liều ba bảy cũng liều". Ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, miễn là gia đình có được cơm no áo ấm, con trẻ được học hành là tốt rồi, nên tất cả thành viên trong gia đình có thể lao động được đều sung vào công việc làm do Người Bảo Trợ (Sponsor) chỉ định, trong một cơ sở Du Lich phía Nam Công Viên Quốc Gia Yellowstone, Tiểu bang Wyoming. Nhưng năm (5) người chúng tôi làm việc mỗi ngày mười tiếng đồng hồ mà theo chủ nhân giải thích thì tiền lương của chúng tôi không đủ trang trải cho gia đình gồm hai vợ chồng và bảy đứa con sinh sống!
Hai tuần lễ sống tại đây (Pinedale, Wyoming), sau khi khấu trừ tiền lương xong, chúng tôi còn mắc nợ lại họ 250 đô-la!
Thấy nguy cơ có thể làm mọi không công suốt đời nên tôi cầu cứu Hội Thiện Nguyện Lutheran Immigra tion & Refugee Services, New York (LIRS-NY) với lý do ở đây lạnh quá (tháng Tám mà ban ngày vẫn 40F) còn trường học thì xa quá trong khi gia đình tôi không có xe để đưa đón trẻ con đi học. Nghe hợp lý nên họ quyết định giúp tái-định-cư chúng tôi đến một nơi ấm áp hơn. Một tuần lễ sau, gia đình tôi bay qua California.
Mặc dù với một căn nhà tuy là nhỏ -chỉ có 1200 squarefeet - nhưng được các thành viên của nhà thờ đến tân trang, sơn phết lại rất sạch sẽ, trang nhã. Trong nhà có đầy đủ tất cả những thứ cần dùng cho mọi người trong gia đình. Bà Jeane Maxwell (J.M) vợ ông Mục sư của Bethel Lutheran Church giao chìa khóa nhà cho tôi và nói đùa: “Everything's for you... but the house! (Tất cả mọi thứ đều là của ông và gia đình.... ngoại trừ căn nhà!)
Tôi đang mơ hay tỉnh" Tôi kêu tất cả gia đình ra để nói lời cảm ơn quý vị đạo hữu của ba Nhà Thờ thuộc Lutheran. Bà vuốt ve mấy cháu gái của tôi và nói: “Tôi rất yêu quý các cô bé xinh xắn nầy. Nếu quý vị có cần thứ gì xin vui lòng điện thoại cho chúng tôi biết.”
Những ngày tiếp theo, tuần tự nhi tiến, đạo hữu của nhà thờ Bethel, luân phiên đưa trẻ con tới các trường khác nhau trong thành phố như Mẫu giáo, tiểu học, trung học và City College và chỉ cách dùng xe Bus của nhà trường để đi học. Còn tôi, họ đưa đến Department Motor Vehicle of California để thi lấy bằng lái xe. May mắn thay, tôi đã gặp giám khảo là một cựu chiến binh từng tham chiến tại Cao Nguyên Việt Nam. Ông ta nói một câu chí lý: "Nếu ông tự lái xe đi làm thì đó là một điều rất tốt và sẽ đỡ gánh nặng cho công chúng (Public Assistance). Đâu có phải ông có bằng lái là luật lệ sẽ tha cho ông nếu ông phạm luật.“
Có cái bằng tạm trong tay, tôi ra hãng xe Dan Day ở Downtown mua cái xe Pontiac Wagon cũ, dài thườn thượt để có thể "chở" cả gia đình. Chỉ trong một ngày vừa thi lấy bằng lái vừa mua xe. Có lẽ không ở đâu -ngoại trừ Mỹ Quốc- có được như vậy! Về đến nhà, cả gia đình vui hẳn lên vì mọi sự đều suông sẻ.
Ba đứa con lớn, ngoài giờ học, chúng xin việc bán-thời-gian. Còn tôi xin vào làm cho hãng sản xuất dây an toàn cho xe hơi (car seat belt).
Khi đi làm mới có dịp đi đây đi đó, ngó quanh ngó quất, mới thấy mình đang ở trong khu phố không mấy an ninh, nên nhòm ngó ở những khu vực khang trang và an ninh hơn. Có lẽ những người trong bổn đạo Lutheran nhận ra điều đó nên sau bốn tháng làm việc và cố gắng dành dụm được một ít tiền, bà J.M hỏi thăm dò tôi: "Hình như gia đình ông muốn tìm chỗ ở tốt hơn chăng"" Tôi hỏi lại: Sao bà biết" Tôi tới thăm gia đình ông hằng tuần mà lần nào cũng chỉ thấy những tập quảng cáo bán nhà trên Tea Table nầy. Vậy ông đã chọn được căn nhà nào chưa" Bà ấy vừa hỏi vừa nhìn tôi chăm chăm để xem phản ứng tôi ra sao. Cảm ơn bà đã quan tâm. Gia đình gồm hai vợ chồng và bảy đứa con (5 gái + 2 trai) mà nhà chỉ có hai phòng ngủ nên phái nam phải ngủ ở phòng khách còn phái nữ chia nhau hai phòng ngủ trong nhà. Tôi đã chọn được một ngôi nhà đơn lập (single family home) 4 phòng ngủ với giá 23 ngàn (thời giá tháng 2-1976). Họ đòi tôi đặt cọc mười phần trăm của giá mua cộng với lệ phí kết toán (closing cost) nhưng tôi chưa có đủ tiền. Bà J.M nói: "Đàn bà ở xứ nầy phải góp ý kiến quyết định vào việc đầu tư quan trọng nầy. Vậy ông đưa bà nhà đến gặp tôi ở đó để xem nhà. Nếu bà nhà đồng ý mua thì tôi sẵn sàng giúp tiền đặc cọc (hai ngàn ba trăm đôla $2,300.00). Số tiền của gia đình ông dành dụm được thì mua sắm thêm những thứ cần dùng không tên khác khi dọn vào nhà mới!"
Sao mà họ tốt với chúng tôi vậy!Như từ trên cung trăng rớt xuống, tôi hỏi lại bà J.M: Số tiền đó lớn quá đối với gia đình tôi, nhất là chúng tôi là người tỵ nạn đến đây với hai bàn tay trắng. Vậy tôi phải hoàn lại số tiền đó như thế nào"
Với một nụ cười rất nhân hậu, Bà J.M nói: "Mọi người trong gia đình ông tỏ ra rất tự trọng và có quyết tâm tự lực mà không muốn nhờ cậy đến ai nên điều đó làm cho tất cả chúng tôi mến phục. Với ba nhà thờ Lutheran có tất cả hơn hai ngàn bổn đạo thì chỉ cần một lời kêu gọi của chồng tôi trong buổi lễ sáng Chúa Nhật thì thừa sức giúp gia đình ông toại nguyện".
Nói là làm! Bà J.M bảo tôi: Ông cứ thoải mái đi làm đi! Tôi sẽ thay ông lo mọi việc mua nhà. Hai tuần lễ sau, bà kêu hai vợ chồng tôi đến ký giấy tờ mua và nhận chìa khóa nhà. Chúng tôi dọn vào "nhà của chúng tôi" đúng bảy tháng sau khi rời trại 8 của Camp Pendleton. Đạo hữu của ba họ đạo Lutheran Church cùng đến chúc mừng chúng tôi "An Cư Lạc Nghiệp".
Có việc làm. Có nhà riêng. Có xe đi lại. Có trường để cho con học. Còn gì hơn!
Bây giờ nhìn lại sự thành đạt chung của gia đình, chúng tôi thấy rằng "Thiên Đường" là do một nỗ lực phi thường với một tinh thần tự trọng của mọi người trong gia đình, trong một xã hội nhân bản, dân chủ và tự do nầy. Những ai ỷ lại thì sẽ không bao giờ đến được đó.
Dù muốn hay không, sống lâu trên xứ sở nầy, mọi người cũng phải nhận ra không những chính chúng ta mà cả giới trẻ của chúng ta đã thấm nhuần sinh hoạt đó.
Phương ngôn Mỹ có câu: "Give a man a fish, and you feed him for a day. Teach a man to fish, you feed him for life." (ý nghĩa có lẽ tương tự như "Nhứt Nghệ Tinh, Nhứt Thân Vinh).
Xứ sở nào cũng có cái hay, cái dở. Chúng ta hãy loại bỏ cái nào không phù hợp với trào lưu tiến hóa để thích nghi với tiến bộ của khoa học. Nhờ đâu mà Đất Nước nầy chỉ mới hơn hai trăm năm từ ngày lập quốc mà đã trở thành "siêu cường" duy nhứt trên thế giới hiện nay thì với tư cách là công dân hay cư dân, chúng ta không đáng để hãnh diện hay sao"
Hãy công bằng với chính mình trước khi đòi hỏi người khác phải xử sự công bằng với mình.
Thành thật cảm ơn quý vị đã dành thì giờ để đọc những hàng thô thiển nầy.
Trân trọng,
SONG TRANG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,401,303
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến