Hôm nay,  

Tôi Tìm Tôi Tại Mỹ

30/11/200200:00:00(Xem: 142784)
Người viết: Mỹ Khê Huỳnh Tấn Lực
Bài tham dự số: 362-671-vb51128

Ông Huỳnh Tấn Lực sinh ngày 26-03-1954 tại làng Mỹ Khê, Phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, hiện cư trú tại Oakland, CA . Nghề nghiệp: đang làm là Thông Dịch Viên - Phiên Dịch Viên Y Khoa cấp III cho Trung Tâm Y Tế Quận Hạt Alameda, Bắc California và Nhiếp Ảnh Gia Digital. Đã phát hành thi tập “Quê Hương - Người Tình - Ước Mơ” năm 1993. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông.
+

Cũng giống như bao nhiêu người Việt khác, tôi đành bỏ nước ra đi tìm Tự Do tại Mỹ lúc bảy giờ tối ngày11 tháng 01 năm 1980, tìm sự sống trong cái chết sau năm lần vượt biển.
Thuyền nổi trôi, sáu ngày chạy lạc hướng, bồng bềnh vô định trên mặt đại dương sóng dữ, bao la, lương thực, nhiên liệu đều khô cạn, tuyệt vọng. Tôi đề nghị mọi người nên cầu nguyện tùy theo tôn giáo riêng của mình. Bỗng nhiên, như một phép lạ nhiệm màu, lúc đó trời vừa hừng sáng, nhìn xa xa tận chân trời có những ánh đèn nhấp nhô trên sóng. Mọi người mừng rỡ la lên, "Chúng ta sống lại rồi, sống lại rồi."
Ông thuyền trưởng vội vã cho thuyền chạy về hướng có ánh đèn, đến gần chúng tôi nhận ra đó là chiếc tàu lớn hiệu Mobile có lá cờ Mỹ và Trung Quốc đang khảo sát mỏ dầu ngoài biển khơi. Họ tiếp cứu nhiên liệu, lương thực và hướng dẫn cho thuyền chúng tôi chạy về hướng Hồng Kông.
Thuyền tôi gồm 64 người từ trẻ đến già được may mắn cặp bến Hồng Kông vào lúc nửa khuya12 giờ 30 sáng ngày17 tháng 01 năm 1980. Tạm trú ở trong trại tỵ nạn Kai Tak East, Kowloon, Hồng Kông mười ba tháng, mười bảy ngày vui buồn và suy tư, bao gồm ba tháng học về văn hóa và đời sống Hoa Kỳ.
Tôi đến Mỹ ngày 27 tháng 02 Năm 1981 thuộc chương trình tỵ nạn. Sau hai tháng định cư tại thành phố Seaside thuộc quận hạt Monterey, Califonia. Một hôm nhận được hung tin bằng điện tín từ gia đình ở Việt Nam gởi qua, với nội dung thật xót xa không cầm được nước mắt, lá thư cho biết là người anh bị truy nã nên trốn vào Sài Gòn, và người em trai thì bị bắt vì tội vượt biển, gia đình ly tán, tôi phải nghỉ học toàn thời gian và quyết định đi xuyên bang để tìm kiếm công việc làm tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas, thành phố nóng oi bức của những ngày hè năm 1981.
Nhờ một người bạn giới thiệu vào làm thâu ngân viên ở tiệm (seven-eleven) 7/11, làm ca ba từ 11 giờ tối đến 7 giờ sáng, lương được trả vào thời gian đó là $3.50 một giờ.
Sau 5 tuần lễ làm việc bình thường, bỗng một đêm vào lúc 1:30 sáng, tôi đang ngồi một mình trên quầy hàng và chăm chú đọc tờ báo Trắng Đen, tin tức rất nóng hổi với loạt bài tường thuật về ông Võ Đại Tôn từ Úc Châu qua Mỹ vận động người Việt hổ trợ cho côâng cuộc phục quốc của ông, bỗng nhiên có tiếng nói "hey" của một người khách lạ. Tôi ngẩng đầu lên nhìn hắn giống mẫu người thuộc các nước Trung Mỹ như: Guatemala, El Savador, Nicaragua, Costa Rica, Honduras. Hắn chỉa súng thẳng vào tôi với giọng nói ra lệnh bằng tiếng Anh. "Come to the cash register, take all money and give it to me - đến cái máy tính tiền, lấy hết tiền và đưa cho tôi."
Theo phản ứng tự nhiên, tôi giơ hai tay lên trời, bước đi run run và hồi hộp đến sát bên cái máy tính tiền, rồi bấm nút mở cái mâm tiền ra và hốt hết đưa cho nó. Bỏ tiền vào túi xong, nó ra lệnh và nói tiếp "lift the tray so I can see - nhấc cái mâm lên cho tôi nhìn". Vì chưa hiểu ý nghĩa của chữ "tray - cái mâm" vào thời điểm đó, nên tôi bị khựng lại vài giây trong lúc nó vẫn tiếp tục nhìn chăm chú vào chiếc máy tính tiền. May thay lúc đó tôi cũng còn đủ bình tĩnh và nói bằng tiếng Anh với nó rằng "Please don't kill me, I can do anything if you want me to do - Vui lòng đừng bắn tôi, tôi có thể làm bất cứ việc gì ông muốn." Nhờ đọc được ý của tên cướp, nên tôi liền nhấc cái mâm tiền lên cho nó nhìn vào để xem tiền có còn ở dưới đó không. Nó nhìn vào thấy không có tiền nữa, nên ra lệnh tiếp lần cuối. "Don't do anything before I leave, stand still - Trước khi tôi rời nơi này, đứng im." Hắn đi lui từ từ ra cửa tiệm, tay còn chỉa súng về hướng tôi. Ra khỏi cửa hắn đi dọc theo cái hiên, rồi mất hút trong bóng đêm.
Tôi hoàn hồn nhấc điện thoại gọi 911 và báo cáo vụ cướp vừa xảy ra, tả chi tiết về con người của nó cho nhân viên cảnh sát trên điện thoại, và khoảng chừng 7 phút sau có 3 chiếc xe cảnh sát từ ba hướng khác nhau đến tiệm liền, trong đó có một xe cảnh sát bắt một người chở đến cho tôi nhận dạng, nhưng rất tiếc người đó không phải là tên cướp vừa qua nên cảnh sát thả người bị bắt lầm ra.
Như thường lệ công việc hằng ngày là đúng 7 giờ sáng thì đổi ca, khi bà quản lý đến tôi bị bà ta phàn nàn vì không báo cho bà biết liền vụ cướp trong đêm qua, tôi trả lời là thật ra tôi không biết việc báo cáo cho quản lý là bổn phận của tôi. Tổng cộng tiền bị cướp là $47.00 đô la, số tiền bị mất tuy nhỏ nhưng tôi bị một phen hú hồn là chết hụt.
Sau khi tai nạn xảy ra vài ngày, tôi suy nghĩ rồi quyết định báo trước một tháng xin nghỉ việc vì những lý do như: bị khủng hoảng tinh thần, đồng lương không xứng đáng, công việc làm căng thẳng và bị kỳ thị chủng tộc bởi một số khách hàng.
Tôi trở về lại California mùa Thu năm 1981 với cái vốn liếng là chiếc xe đạp mua tại Dallas $146.00 đô la mà tôi yêu thích. Tôi dùng xe đạp làm phương tiện đi học và tập thể dục trong những ngày cuối Thu ở California. Dù mưa hay nắng, tôi vẫn bôn ba với chiếc xe đạp và cái túi (backpack) trên vai đi đến trường và đạp đi vòng quanh trên thành phố biển đong đầy kỷ niệm này.
Ở thành phố Seaside tôi tìm lại được tôi, bên cạnh bạn bè thân quen cùng bà con đồng hương tại đó và đăng ký đi học lại tại trường Monterey Penisular College. Đồng thời cũng từ thành phố này, nó đã cho tôi những ấn tượng thật đẹp khó quên của những tháng ngày đầu mới đến Mỹ định cự Hệ thống xa lộ (freeway) rộng lớn ở San Jose và những cây cầu vĩ đại chằng chịt đủ hướng bên nhau. Hải Học Viện Monterey Aquarium, tấp nập du khách hằng ngày, những cái chợ to lớn, trình bày ngăn nắp và đẹp mắt như Kmar, Lucky, Safeway v.v…...


Thành phố Carmel kế cạnh Seaside, Monterey, Bible Beach, biển xanh cát trắng, in đậm những dấu chân của du khách từ nhiều nơi về đây tạo nên một hình ảnh rất thơ mộng, hiền hòa, tươi mát như màu xanh của biển. Carmel một thời phồn thịnh dưới tài lãnh đạo của Thị Trưởng Clint Eastwood, chàng tài tử đóng phim cowboy nổi tiếng với điếu thuốc xì gà ngạo nghễ trên môi. Ở đó thời tiết mát mẻ, cũng có nhiều cây thông với những đường nét cong lượn độc đáo, mang đầy tính nghệ thuật chạm trổ mà thiên nhiên đã ưu đãi cho con người thưởng ngoạn, cho nên các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật đã về đây săn tìm và chụp lấy những cảnh đẹp của biển lúc mặt trời lên, bên cạnh những cây thông xanh đầy nét quyến rũ, gợi tình để in thành hình postcard và bán đi khắp thế giới đó đây.
Từ thành phố Monterey chạy xe trên xa lộ số 1 về hướng biển của thành phố Santa Cruz, nơi này nổi tiếng với những bãi tắm truồng (Nude Beach). Vì tính hiếu kỳ nên tôi cùng bạn bè đã tìm đến bãi tắm này. Tôi có cảm tưởng mình đang lạc vào cái thế giới thời thượng cổ, lúc mới có loài người xuất hiện trên trái đất. Mọi người ở đây bất kể nam hay nữ, già hay trẻ, đều trần như nhộng, không có một mảnh vải che thân. Đến đó tôi cứ tưởng mình đang ở trong trạng thái giữa thực và mộng, cảm thấy mình hoàn toàn xa lạ với thế giới loài người nơi đây, tôi nghĩ về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây.
Từ Carmel chạy xe thêm khoảng chừng 2 tiếng đồng hồ nữa theo xa lộ 101 về hướng Bắc thì chúng ta sẽ thăm được một trong 7 kỳ quan của thế giới, đó là chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate tại thành phố San Francisco (Cựu Kim Sơn). Thành phố sương mù nghe lành lạnh, với những tòa nhà cao chất ngất theo lối kiến trúc mới lạ và những ngôi nhà cổ san sát bên nhau như thiếu đất, nên không có vườn cây cảnh ở trứơc sân. Tuy nhiên phố Tàu (San Francisco Chinatown) thì lại rất hấp dẫn du khách quốc tế, điểm nỗi bật nhất là ngày diễu hành (parade) "Chinese New Year" theo truyền thống hằng năm thường tổ chức sau Tết Nguyên Đán khoảng chừng cuối tháng hai Dương Lịch do cộng đồng người Hoa tổ chức.
Những năm gần đây tại San Jose và Westminster, hai miền Nam Bắc tiểu bang California thì cũng có "Vietnamese Parade" do cộng đồng người Việt phối hợp tổ chức rất vui nhộn, được nhiều đoàn thể người Việt tham dự và rất đông đồng hương đón xem vào dịp Tết ta.
Nhìn chung quanh tôi rất lấy làm hãnh diện về những cái gương sáng thành công suất sắc của người Việt tại Mỹ trong các lãnh vực chuyên môn như: thương mại, khoa học, chính trị, luật pháp, truyền thông, điện ảnh, giáo dục, y tế, và xã hội.
Là người Mỹ gốc Việt Nam, tôi cảm thấy hãnh diện về những thành quả mà cộng đồng người Việt đã đóng góp và gặt hái được tại Hoa Kỳ, điều đó càng làm cho tôi tự tin và cố gắng hơn trong công việc đóng góp những tài năng sẵn có của mình cho những công tác thiện nguyện tại địa phương và những công việc nhân đạo cho đồng bào bị bão lụt ở bên nhà.
Để chia sẻ cái xót xa của tận cùng đau khổ, với nỗi khoắc khoải ưu tư và đặc biệt quan tâm đến đồng bào nạn nhân bị bão lụt ở bên nhà, tôi đã mạnh dạn viết điện thư để tỏ lòng biết ơn gởi đến Tổng Thống Bill Clinton và Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Rodham Clinton, đồng thời cũng để xin thêm viện trợ nhân đạo cho đồng bào nạn nhân bão lụt thuộc 7 tĩnh miền Trung năm 2000. Khi biết được lá thư email của mình có ảnh hưởng đến Tổng Thống và đã được Đệ Nhất Phu Nhân trực tiếp trả lời bằng thư riêng cho tôi vào ngày 14 tháng 01 năm 2000, tôi đã vui mừng chia sẻ thành quả này với người thân, bạn bè và cộng đồng nơi tôi đang sinh sống.
Bên cạnh những thành công của người Việt tại Mỹ trên mọi lãnh vực, dĩ nhiên chúng ta cũng còn nhiều bất đồng quan điểm giữa người và người cũng như đoàn thể và đoàn thể. Đó cũng là qui luật tất nhiên trong xã hội dân chủ thực sự, mà tất cả chúng ta đều phải tôn trọng theo luật định, chấp nhận học hỏi để cùng bắt tay nhau xây dựng một cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành một khối vững mạnh hơn.
Tôi đặc biệt ước mong là bà con ta lưu ý hơn tới việc sử dụng lá phiếu của mỗi chúng ta cho mỗi kỳ bầu cử của các cấp chính quyền, những anh chị em có tài năng nên mạnh dạn ứng cử vào các chức vụ của chính quyền các cấp, từ cấp thành phố, tiểu bang đến liên bang. Có được tiếng nói đại diện của người Mỹ gốc Việt trong hệ thống chính quyền các cấp thì quyền lợi của cộng đồng người Việt mới thật sự được tôn trọng và chia sẻ. Lá phiếu là quyền lực mạnh nhất, có tính quyết định quan trọng trên tất cả, vì nó đã ảnh hưởng vào đời sống thiết thực hằng ngày của chúng ta tại đây bởi luật pháp.
Tại Mỹ, tôi tìm thấy được cái giá trị nhân bản đích thực cho tương lai đời mình, được tiếp tục theo đuổi và phát triển tài năng học vấn của mình đến địa vị cao nhất, được sống và hít thở không khí tự do, được luật pháp thực thi và bảo bệ các quyền tự do cho người dân một cách nghiêm chỉnh như tự do sinh sống, tự do kinh doanh, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng v.v...
Buổi sáng thức dậychuẩn bị đi làm, tôi nhìn tôi trong gương, thấy mình là hai khuôn mặt của một cuộc đời... nửa đời ở Mỹ, nửa hồn Việt Nam. Tôi hãnh diện là người Mỹ mang dòng máu Việt Nam. Do đo,ù đôi khi tôi thầm gọi tôi hay tha thiết với con cháu tôi và thẳng thắng hơn với bạn bè về ước mơ của tôi là: “Dòng sông nước chảy xuôi về biển, để biển cùng sông khỏi lạc dòng. Dầu sao đi nữa! Đó cũng là nguyện vọng của đời tôi khi tôi tìm ra tôi hay chưa tìm ra tôi tại Mỹ.

Mỹ Khê Huỳnh Tấn Lực

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,486,168
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến