Hôm nay,  

Em Tôi

10/11/200500:00:00(Xem: 138922)
- Người viết: PHAN TỊNH TÂM

Bài số 867-1458-294-vb6110905

Tác giả đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bà sinh năm: 1950 tại Đà Nẵng, định cư tại Hoa Kỳ năm 1993 diện ODP. Hiện là cư dân Los Angeles. Bài viết mới lần này là chuyện về người em có cửa tiệm ở Galveston Island, nơi vừa bị bão Rita tràn qua.

*

Ngày 21 tháng 9 tin bão Rita sẽ đánh vào Galveston Island, điện thoại sang Galveston hỏi thăm em, em bảo tôi cứ an tâm, gia đình đang chuẩn bị về nhà riêng ở Clear Lake, nhà em ở Clear- Lake khoảng giữa đường đi Houston và Galveston, tối hôm đó tôi đã mất liên lạc với em lòng tôi như muối xát, chỉ biết lần chuỗi và niệm kinh cầu xin gia đình em tai qua nạn khỏi.

Năm 1998, gả con gái xong tôi khăn gói quả mướp sang Galveston Island làm cho em. Tôi đang làm Nail ở Cali chẳng mất lòng ai trong tiệm nhưng cứ vài ba ngày tiệm Nail lại cải lộn và đôi lúc cả đánh lộn giữa bạn thợ với nhau, tôi đã nhìn thấy cảnh hai bà thợ Nail cỡ tuổi tôi, tuổi lần tràng hạt để chuẩn bị....Về cõi vĩnh hằng đánh nhau vì dành khách, hai bà đã cãi nhau một trận muốn nứt toác luôn tiệm Nail, tưởng yên nhưng không, sáng hôm sau hai bà đến tiệm, cả hai đều để tóc dài, dài đủ để nắm tóc nhau đánh lộn, 1 bà bối tóc gọn sau gáy, lấy kẹp cài tóc thật kỹ xong... "a lê hấp" nhảy qua chụp tóc bà kia xoắn, vừa xoắn vừa gào:

- Lần nầy tao sẽ đánh mầy mang tật suốt đời, quần nhau trong tiệm còn hơn võ sĩ đô vật, chị manager của tiệm hoảng quá, tông cửa chạy ra đường cầu cứu"

- Heo mi....heo mi...

Hai ông Mỹ đen to đùng chạy vào kéo mãi mới lôi được hai bà ra, tôi cũng là dân bán chợ trời từ Việt Nam sang nhưng thấy cảnh hai bà đã lớn tuổi quần nhau vì miếng ăn vừa khiếp vừa chán ngán cho kiếp người.

Tối về nhà, em Dung từ Galveston Island điện thoại sang hỏi thăm tôi làm Nail có khá không"

Tôi kể em nghe, nghe xong em nói:

- Thôi, chị nghỉ đi, sang đây với em, chị phụ với ông anh em coi tiệm Groccery và Liquor, ăn ở em bao, chị lãnh lương chỉ việc để dành.

Thế là tôi sang, ba của tôi và mẹ của em là anh em kết nghĩa, chị em tôi biết nhau từ tấm bé.

Năm 1998 sang làm với em, em đã có mấy cửa tiệm trên đường Seawall, con đường chính của Galveston Island, những kỷ niệm, những vui buồn ở Galveston Island vẫn còn đầy trong ngăn ký ức của tôi, giờ nghe tin Galveston Island sẽ chịu cơn bão có thể lên đến cấp 5 tôi thật bàng hoàng, tôi nhớ những ngày còn làm ở Galveston năm nào cũng lo tránh bão, đang bán hàng ở tiệm Goody 28, em Dung từ tiệm Goody 24 gọi sang biểu anh em tôi đóng cửa nhanh về nhà tránh bão, từ tiệm về nhà lái xe chỉ mất 5' và 5' là cơn bão tràn về, hai anh em về nhà lo lục giấy tờ tiền bạc, áo quần bỏ giỏ xách chuẩn bị chạy nếu bão đến, nhưng rồi mùa này sang mùa kkhác, bão đến rồi bão đi và nếu không có bão Katri na thì có lẽ dân Galveston nói riêng và dân Texas nói chung sẽ chẳng hè nhau chạy vì dân Galveston đã quen đón bão.

Mùa hè, dọc dài đường Seawall, du khách tắm biển vàdạo biển thật đông, đã nữa đêm, những xe Snow cone bán trên lề đường, du khách vẫn còn xếp hàng mua, tiệm Goody 28 cũng có bán snow cone nên năm nào City cũng cho nhân viên đến xét vệ sinh tiệm, suốt ngày đứng tiệm nên tôi nấu ăn luôn tại tiệm, về nhà chỉ việc ngủ, những ngày City cử nhân viên xuống tiệm xét, tôi không dám nấu vì sẽ bị phạt nặng, đã 11 giờ trưa, trời nóng như đổ lửa, tôi lấy bếp điện cắm, nấu nồi chè đậu xanh cả nhà ăn giải nhiệt, giờ lunch nên tôi nghĩ giờ nầy nấu sẽ an toàn, cẩn thận tôi để sẵn thùng bên cạnh bếp, lấy cây lau nhà nhúng nước bỏ vô thùng, city xuống xét tiệm thì sẽ dấu bếp điện vô thùng, đậy cây lau nhà lên trên, nồi chè vừa chín tới vừa kịp bê ra khỏi bếp điện, anh Lâm đứng ở quầy nói tiếng Việt vừa đủ tôi nghe, nói nhưng không nhìn vô bếp:

- Nó xét tiệm nghe em.

- Dạ! anh, em nghe rồi.

Miệng dạ! anh, tay tôi vội lấy bếp bỏ vô thùng, đậy cây lau nhà ướt nhẹp lên trên, cô nhân viên vô bếp xét thấy nồi chè nóng sôi để trên kệ bếp nhưng nhìn quanh không thấy bếp đâu, cô quay hỏi anh Lâm:

- Mày nấu nồi gì" Sao tao không thấy bếp đâu"

- Nồi Soup, food Việt Nam, tao nấu ở nhà vừa bê ra tiệm thì mầy đến

- Sao còn nóng"

- Nhà tao ở gần đây

Huề cả làng.

Tiệm Goody 28 nằm ở ngã 3 đường Martin Luthe King và Seawall, hàng xóm toàn Mỹ đen, bạn hàng xóm của anh em tôi có Nancy còn trẻ nhưng ghiền bạch phiến và rượu mạnh, những lúc thiếu thuốc và thèm rượu, Nancy sang tiệm mua nhưng bước không nổi, tôi phải lấy nước coca mở cho Nancy uống. Ngày tôi về Cali, anh Lâm gọi sang báo tin Nancy đã chết vì thiếu thuốc.

Nhớ Nancy, tôi nhớ có lần Nacy từ bên biển băng qua đường ngang qua tiệm, Nancy kéo con cá dài cả thuớc vừa câu được, đuôi cá lết trên đường đi, Nancy khoe với tôi về nướng cá đãi các bạn đến dự lễ Birhtday của Nancy. Sống khổ quá, thà là chết để được giải thoát.

Những lúc vắng khách nhìn sang biển, trưa hè tôm cá búng khỏi mặt nước như cơm sôi, dân trên đảo và cả khách du lịch cứ ra cầu đá trên biển buông cần câu là có cá. Có hôm tôi thấy đàn cá cả chục con bơi vòng trên biển, bơi rất gần bờ, vây cá đen thui nhô lên mặt biển cả thước, nhìn vây đủ biết đàn cá lớn cỡ nào. Chiều, tàu đánh cá về cảng, trên khoang tàu từng đàn chim hải âu bay theo ăn cá trắng cả biển, tôi nhớ ngày còn đi học, đã học câu rừng vàng biển bạc, giờ nhìn biển Galveston, tôi đã hiểu thế nào là biển bạc.

Trên đường đi bên biển đặt những tượng đài, có tượng đài cá heo với chú cá heo đang tung mình lên cao, ngang qua tượng đài kỷ niệm những nạn nhân chết vì bão, tôi đã đứng lặng người trước hình ảnh người mẹ ôm đứa con nhỏ của mình vào lòng, vợ nép mình vào ngực chồng và người chồng chỉ biết đưa cao tay cầu xin thượng đế chở che.

Em tôi di tản sang Mỹ năm 1975, định cư tại Texas, một thân một mình em tự kiếm sống, nuôi chồng học luật, nuôi mẹ già và nuôi anh đang tù cải tạo tại quê nhà,cầm mãnh bằng luật sư trong tay chồng em đã nói lời chia tay lúc em đang mang bầu với lý do không hợp tánh, em một mình nuôi dạy con, mới 6 tuổi con gái em đã biết giúp mẹ đứng bấm máy tính tiền, những lúc khách bụi đời vô tiệm nhiều, bé Thùy đã biết ra đứng giữa tiệm thỏ lỏ mắt đứng canh hàng cho mẹ, giờ bé Thùy đã lớn, đã ra trường tháng rồi cháu đã đính hôn với người bạn Mỹ, cả hai đã yêu nhau 6 năm.

Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nhưng cháu rất ngoan, đi thưa về trình, xin phép mẹ đi chơi với bạn, mẹ dặn 5 giờ chiều về nhà clean nhà, đúng 5 giờ chiều cháu đã có mặt ở nhà dọn dẹp nhà cửa.

Làm cho em được 3 năm tôi phải về lại Cali giữ cháu ngoại vì không đành lòng để cháu ngoại đi baby sister, tối hôm chia tay, em hỏi tôi tại sao tôi bỏ về, em có gì để tôi buồn hay không"

Tôi trả lời em tiền thì ai cũng ham nhưng còn gia đình con cháu, chị không thể ích kỷ chỉ biết kiếm tiền cho riêng mình.

Về Cali mấy tháng sau em điện thoại báo tin em đã bán bớt căn tiệm Goody 45, nghe xong tôi nói với em:

- Đừng mua thêm tiệm, nghỉ ngơi bớt, làm ít thôi để giữ gìn sức khỏe.

- Dạ, chị.

Nhưng dạ! chị thì dạ, mấy tháng sau em lại mua thêm khách sạn và tiệm cơm của người bạn Đài Loan bán lại để về nước, những buổi tối hết khách sớm, anh Lâm đóng cửa tiệm, hai anh em sang tiệm 24 nơi em đứng bán, anh Lâm phụ em bán hàng, tôi lặng lẽ kiếm bao ny long chui vô phòng lạnh lôi hết những hộp đồ ăn của em ra xét, có hộp đã lên men, mốc cời, bỏ hết vô bao vứt thùng rác, em bán hàng không có thời gian nghỉ, mùa hè em chỉ chợp mắt vài tiếng còn thì thức suốt, giờ thêm khách sạn và tiệm cơm em lại càng vất vả hơn.

Có hôm rãnh về Houston, ra chợ Hồng Kông tôi mua cá rô về kho, bới cho em ăn, chỉ cơm nóng với cá kho nhìn em và cơm vẻ cá ăn ngon lành, tôi vừa thương vừa giận em, chẳng biết em làm rồi để ai ăn, con em đã ra trường cầm mảnh bằng trong tay kiếm sống dễ dàng, anh em ai cũng có gia đình riêng giàu có, nhưng thôi, người mình vẫn nói vui là bị đô la....hành.

Đọc báo Người Việt, bài viết của Hoàng Khởi Phong tường trình từ Texas viết về Galveston Island, một thành phố hoàn toàn bỏ ngõ, bên cạnh bài viết có đăng hình anh chàng Benny Salas ngồi trên xe đạp tại "một bến cá ở Galveston" hình của Reuter/ Rick Wilking, nhìn hình tôi đã bật cười, vì đó là tiệm bán nước và đồ ăn nhẹ để du khách vào uống nước, nhìn trời, nhìn biển và buông cần câu cá...chơi chứ không phải một bến cá ở cảng Galveston đâu.

Từ chuyện bến cá, tôi nhớ hôm chia tay em về Cali nuôi cháu ngoại, đầy tháng cháu ngoại tôi mời gia đình anh Hai và gia đình chị Tư tôi đến để ăn lễ đầy tháng cháu tiễn gia đình chị Tư tôi ra xe về, tôi đi với chị Tư và cháu rễ, cháu rễ tôi hỏi:

- Dì ở Galveston bán cá được không dì"

nghe cháu hỏi tôi cười lớn và hỏi lại cháu:

- Rứa ai nói với con dì qua Galveston bán cá"

Chị tôi vội vàng bước nhanh ra xe trước.

Tôi nói với cháu là dì sang Galveston phụ với chú Lâm bán Liquor, Groccery và cho mướn xe, không phải sang đó bán cá.

Vào lại nhà tôi lại bật cười vì thấy mình ngớ ngẩn, nhưng đó là phản ứng tự nhiên của người Việt mình, nghe bán cá là nghĩ đến mụ đàn bà áo quần xơ xác ngồi trước rổ cá bán, còn bên Mỹ ni muốn bán cá bán tôm phải có vốn ít nhất 500 ngàn, làm kho lạnh dự trữ cá tôm mới được cấp giấy phép bán, còn tôi đầu thai 3 kiếp chưa chắc đã có vốn bán cá trên đất Mỹ.

Sang làm với em 1 thời gian, con trai tôi từ Las Vegas điện thoại sang thăm mẹ báo tin cậu Hai gọi điện thoại lên Las Vegas hỏi thăm cháu là tôi sang Galveston làm có được lãnh lương không"

- Cậu Hai nghe dì Tư nói là má sang Galveston làm không lương, cậu xót má cậu điện thoại hỏi con.

Năm 1993, tôi sang Mỹ diện ODP, anh Hai tôi bão lãnh, ba mẹ con tôi xuống phi trường Los Angeles với bộ đồ dính da, riêng tôi có thêm chiếc áo len mua được ở chợ Hòa Hưng với giá 20 ngàn, 2 cháu thì không có áo lạnh, anh Hai trước khi ra phi trường đón em và 2 cháu đã lo dọn trống cốp xe để có chỗ cho 3 mẹ con để valy, đứng chờ em và 2 cháu anh Hai biểu đi nhanh lấy valy, nhưng tôi nói không có valy chỉ có chiêc ba lô con cóc con trai tôi mang sau lưng, nhìn em gái và 2 cháu mặt mày xanh xao vì thiếu ăn, sang Mỹ chỉ với bộ đồ dính da, anh Hai tôi đã đứng như trời trồng giữa phi trường Los Angeles.

Trên đường về anh nói cô Tư sang nói với anh, em ở Việt Nam buôn bán giàu có nên anh cho quanh mà chẳng cho 3 mẹ con em.

Trận bão Katrina vừa qua và trận bão Rita vừa rồi, di tản không mua được nước uống, xăng không mua được, trong số hơn 2 triệu người di tản bão Rita không thiếu người có trong tay bạc triệu, không phải lúc nào đồng tiền là trên hết, có tiền mua tiên cũng được, không hẳn vậy, làm người ai cũng có từ tâm, mẹ góa con côi mấy mươi năm sang Mỹ có thời gian 3 mẹ con nhưng tôi ở Cali, con trai tôi ở Las Vegas và con gái tôi ở Indiana Polis, anh Hai tôi biết chuyện:

- Ừ! Nước Mỹ không phải là quê hương mình, đâu làm ra tiền mẹ con em cứ đi.

Tôi bỏ con gái ở lại Cali sang Galveston làm cho em, em hay là ai khác cũng chẳng nỡ lòng nào ăn lường công của tôi như chị Tư tôi tưởng tượng.

Ở Galveston, chị em tôi ít bạn nhưng bạn của em rất tốt, vợ chồng Đoàn có cửa tiệm ở Sown -Town Galveston, gia đình đình em cần gì, giúp được vợ chồng Đoàn giúp ngay, trước khi về Cali tôi nói em tiền thì lúc không lúc có nhưng có bạn như vợ chồng Đoàn rất hiếm.

Có lần tàu đánh cá nhà Đoàn cập bến, Đoàn đem đến tiệm cho con cá ngừ thật tươi, tôi đã xẻ cá, bỏ thịt rọi, ớt xanh kho cả nhà ăn bún, đảo biển nên cá, tôm, mực, ghẹ tươi của bạn bè từ tàu đánh cá đưa cho luộc ăn trừ cơm vẫn không hết.

Đảo Galveston có bác sĩ Đinh Văn Tùng trước 1975 ở Đà Nẵng quê tôi, giờ là giáo sư bác sĩ rất được giới y khoa tại Galveston Island nể trọng.

Tôi đã cho con gái út bác sĩ Tùng mướn xe và đã cho vợ chồng Dương Phục mướn xe đạp dạo biển Galveston. Galveston Island, nơi tôi sống và làm việc, nơi "Biển bạc" cới những thùng hải sản bạn bè chia xẻ, nơi có những người bạn da đen nghèo nhưng tốt bụng.

Tháng 4 hàng năm, Galveston Island có lễ hội Kapa dành riêng cho thanh niên nam nữ Mỹ đen vui chơi, lễ hội mà trước đó mấy ngày cư dân trên đảo lo đi chợ mua thức ăn dự trữ để đến ngày lễ chính lo trốn trong nhà, lễ hội Kapa mà đến ngày lễ, chợ, khách sạn đều đóng cửa nhưng mấy cửa tiệm Goody 11,24,28,45 của em tôi vẫn mở cửa đón khách.

Ngày đó, bãi biển đông vui vì thanh niên nam nữ Mỹ đen tụ về ăn uống vui chơi, 6 giờ sáng cả gia đình ra mở hết các cửa tiệm chia nhau bán, bên kia biển và cả dọc dài đường Seawall thịt nướng, bánh trái, hàng kỷ niệm của đảo biển Galveston hàng bán không kịp.

Tháng 2 hàng năm là lễ hội mùa xuân, từng đoàn xe hoa diễn hành trên đường seawall, từng chùm xâu chuỗi đủ màu trên các xe hoa tung ra hai bên đường để du khách và cư dân trên đảo lượm đeo vào cổ xâu chuỗi may mắn đầu năm theo tục lệ của cư dân trên đảo.

Giữa hè, Galveston Island lại có lễ hội đua thuyền hàng ngàn chiếc thuyền buồm tụ trên biển Galveston, những cánh buồn đủ màu chập chờn trên biển như đàn bướm khổng lồ.

Trưa thứ Hai (26/9) tôi đã liên lạc được với em, gia đình em tôi đã về lại đảo bình an, em đã mở tiệm, chỉ có thực phẩm em mua dự trữ để bán cơm là bị hư vì mất điện.

Bức tượng kỷ niệm các nạn nhân của trận bão năm 1900 trên đường Seawall, bó hoa được treo trên bàn tay tượng người đàn ông, bó hoa của cư dân Galveston Island chào mừng ngày trở về bình yên.

Tiệm Goody 24 của em tôi cũng có tượng người đàn ông mình người đầu cá mập rất dễ thương, mỹ nhân ngư thì nhiều nhưng nam nhân ngư thì chỉ có 1 tiệm Goody 24 của em tôi trên đường Seawall.

Cầu xin thượng đế gìn giữ cho Galveston Island mãi mãi bình yên, nơi có gia đình em tôi, bạn bè Việt Nam của chúng tôi, hàng xóm nghèo nhưng rất dễ thương của anh em tôi sinh sống, xin được mãi mãi bình yên.

Phan Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 40,519,485
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo