Hôm nay,  

Bên Kia Đồi

27/10/200600:00:00(Xem: 119902)

BÊN KIA ĐỒI


Người viết: QUANG THÁI

Bài số 1135-1744-457-vb5261006

Quang Thái là một bút hiệu mới nhưng đề tài bài viết đã là chuyện muôn thủa. Chuyện ẩn ức giới tính. Chuyện của lời ca “Lòng tôi có đôi lần khép lại. Rồi bên vết thương tôi quỳ..."

*

Đã hơn 20 năm rồi, từ lúc qua Mỹ đến giờ gã hay có thói quen lái xe tới một bờ biển vắng, rồi đi bộ lên một con dốc khá cao. Khi lên tới đỉnh là gã cảm thấy khoan khoái vô cùng vì nơi đó gã có thể nhìn được mặt biển bao la.

Bây giờ tuy đã ngoài 60 rồi, vậy mà gã vẫn thường tìm đến nơi đó. Tuy sức khỏe yếu đi nhiều và gã phải dừng lại nhiều lần để thở vậy mà gã vẫn lết được tới đỉnh đồi. Gã biết rằng có nhiều người nhìn gã cho rằng ông già này nếu không là một tên khùng thì chắc đang có ý định lên đó để tự tử.

Nhưng gã không phải lên đó để tự tử, chưa, chưa đến lúc phải làm điều đó.

Chiều hôm nay gã lại leo lên đỉnh đồi.

Trời chiều bãng lãng buồn, nhất là trời đã vào thu nên không gian tê tê tái tái làm sao. Vốn là một người có tâm hồn nghệ sĩ lúc nào gã cũng liên tưởng đến một khúc nhạc, một câu thơ. Gã ngồi trên thảm cỏ xanh đã bắt đầu thấm ướt sương chiều, rồi đưa mắt nhìn ra biển cả. Biển bao la một màu xanh thẳm, biển gờn gợn trong một chiều nhiều mây. Một cánh chim hải âu cố bay lên cao nhưng không gian ẩm ướt quá làm nặng nề đôi cánh nên nó phải chấp nhận bay xà xuống bãi cát màu đen xám.

Chiều nay rung rẩy tha đôi cánh

Một bóng sơn ca đến lạc loài (1)

Gã nhớ lại 40 năm trước khi còn là một học sinh của trường đại học sư phạm Huế, chàng sinh viên Trần nguyễn Sơn năm đó vừa 21 tuổi.

                                                         *                                      

Sơn đẹp trai, hát hay chơi đàn guitar rất giỏi mà chơi tennis cũng khá. Nhờ nét đẹp vừa thư sinh vừa phong trần, lại thêm tài ăn nói nên nhiều cô gái đã thương thầm nhớ trộm Sơn. Mùa thu năm đó, khi những chiếc lá vàng dọc theo con đường Lê Lợi ven dòng sông Hương đã rơi đầy góc phố thì Sơn đã sánh vai với người con gái đầu tiên trong đời. Cô ấy 20 tuổi tên là Diễm.

"Không, không phải là Diễm trong Diễm xưa của Trịnh công Sơn đâu"

Sơn đã phải phân trần rất nhiều lần với bạn bè. Nhưng cô Diễm thục nữ hiền lành của đất thần kinh này chỉ bước qua đời chàng trong một thoáng phù du, đủ để cho chàng nghêu ngao hát vài bản nhạc tình cho vài thằng bạn sinh viên thán phục. Rồi mùa hè tiếp nối, Sơn đã bỏ cái nóng bức cháy người của Hạ Trắng Huế để vào Saigon. Chàng làm nghề dạy học và thỉnh thoảng cũng làm thơ đăng báo.

Từ đó cho đến ngày miền Nam mất, chàng giáo trẻ đã trải qua khá nhiều mối tình. Bạn bè cho là tình yêu đôi lứa, nhưng đối với chàng nó chỉ là nguồn cảm hứng để cho chàng làm thơ và vẽ tranh. Không ai biết sự thật lòng chàng nghĩ gì, chỉ biết chàng có nhiều người con gái đi qua đời chàng. Những hẹn hò đây đó chỉ xảy ra nơi quán nước công viên để rồi cuối cùng những cô nàng xuân nữ phải ngậm ngùi đón Taxi hay xe lam về nhà trong khi nhà thơ vẫn âm thầm "chiều một mình qua phố".

Sau năm 1975 , Sơn lận đận với cuộc sống "lao động là vinh quang, lang thang là chết đói" những sáu bảy năm trời rồi cuối cùng mới đến được Hoa Kỳ. Sang vùng đất mới khi tuổi đã ngoài 30 vậy mà chàng cũng lết được 4 năm đại học để trở thành một kỹ sư điện tử. Chàng tậu được một ngôi nhà khang trang ở Woodside City. Chính ở cái thành phố này chàng đã khám phá ra ngọn đồi cho riêng chàng những lúc chàng muốn tìm thế giới "đi về một mình ta".

Nhưng khi rời đỉnh đồi đó, chàng là người của công chúng. Chàng có rất nhiều bạn bè đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Nhiều cô gái nhỏ hơn chàng 15, 20 tuổi cho đến các bà đứng tuổi cũng thích xem tranh chàng vẽ, đọc thơ chàng viết và cũng mê say đắm tiếng hát Trương Chi của chàng.

Sơn tiếp tục sánh vai với nhiều người đàn bà. Trong album của chàng đầy ắp hình những nàng thiếu nữ. Nhưng rồi cũng như các cô gái chàng đã từng hẹn hò ở Saigon, những kiều nữ "hải ngoại" đã đi qua đời chàng bằng những buổi ăn tối ở các quán phở hay tình tứ hơn là ở quán café Việt Nam, và gần đây nhất là café Starbucks.

Khi bạn bè hỏi "Có những người đàn bà sẵn sàng bỏ chồng theo mày, có những cô dược sĩ, nha sĩ, bác sĩ trẻ cũng mê mày, mày chờ đến chừng nào""

Lúc nào Sơn cũng dí dỏm trả lời bằng 4 câu thơ của thầy Thích Nhất Hạnh

"Tôi sợ tôi yêu chỉ một người

E rằng ít quá héo môi tươi

Nên tôi yêu hết người thiên hạ

Để có trong tôi rợp bóng người"

Nhưng có ai biết được bên ngoài cái thảm cỏ xanh mướt bình lặng đó là một hỏa diệm sơn nung núc lửa. Chàng cũng chỉ là một con người với những nhu cầu sinh lý như bao nhiêu người khác. Chàng không phải là một nhà tu hành biết cách khống chế dục vọng. Biết bao nhiêu buổi sáng chàng thức dậy mà lòng khao khát một tình yêu.

"Tình yêu như vết cháy

trên da thịt người

Tình xa như trời

Tình gần như khói mây

Tình trầm như bóng cây..."

Tình nào xa như trời" tình nào gần mà như khói mây"

Những câu hát của dòng nhạc Trịnh như một tấm gương soi cõi lòng chàng. Phải những người con gái đến với chàng quá nhiều mà đối với chàng họ chỉ là khói, là mây. Tình cảm của họ chỉ làm cho chàng hài lòng với chính mình, hãnh diện với bạn bè.

Nhưng tình nào thì có thể đốt cháy da thịt chàng"

Tình đó đã đến cách nay 25 năm hơn, lúc đó chàng 36 tuổi.

Một hôm có người bạn thân nhờ chàng cho hai người cháu của anh ta đến ở tạm khoảng một tuần. Nhà của chàng rộng đến 4 phòng ngủ mà chàng chỉ ở một mình. Đó là hai chị em từ tiểu bang Washington DC qua ăn đám cưới người bà con. Thủy là chị khoảng gần 35 và Dũng là em trai mới bước qua tuổi 30. Thủy xinh đẹp, đài các là một loan officer kinh nghiệm và giàu có nhưng vẫn còn độc thân. Dũng là một psychiatrist trẻ đang làm việc cho một bệnh viện tư.

Cô Thủy nổi tiếng là kín đáo ấy thế mà khi gặp Sơn cô cởi mở hẳn ra. Cô nói nhiều hơn một chút, và cô cười nhiều hơn chút chút. Không cười không nói làm sao được khi cả hai có quá nhiều điểm tương đồng. Họ say mê bàn về thơ Hàn Mặc Tử đặc biệt là những bài thơ có hình ảnh của trăng. Họ cuốn hút nhau trong thế giới của thơ, nhạc và hội họa để rồi trong một đêm trăng người con gái đang ở giai đoạn lững lơ giữa cốt cách và khao khát đã cởi bỏ xiêm y để cho chàng họa sĩ vẽ nên một bức chân dung tuyệt vời. Chàng đã đặt tên cho bức tranh này là "Từ khi trăng là Nguyệt"" dựa theo một câu hát trong bài Nguyệt Ca của Trịnh công Sơn.

Một buổi tối Thủy phải đi thăm một người bạn gái ở Milpitas. Sơn ở nhà cùng với cậu em trai của Thủy. Sơn xuống phòng vẽ để dọn dẹp thì Dũng xin đi theo. Dũng muốn xem những bức tranh của Sơn.

"Nhiều tranh anh đang vẽ dở dang tự nhiên lại mất cảm hứng, em xem làm gì""

"Biết đâu lại không góp ý được chút gì cho anh"

Dũng mang theo hai tách café. Họ vừa "nhâm nhi" café vừa trò chuyện.

"Anh đã trò chuyện nhiều với chị của em về âm nhạc, hội họa, thi văn. Em phải làm kẻ đứng bên lề chỉ lén lén nghe mà không dám hó hé gì. Hôm nay anh cho em cơ hội trao đổi với anh về nhạc Trịnh công Sơn được không""

Rồi họ say sưa nói chuyện về nhạc Trịnh công Sơn. Họ mổ xẻ nhạc của ông từ nhiều góc cạnh đời sống lẫn triết học. Sơn cảm thấy bị nhà tâm lý trẻ tuổi này thu hút.

Câu chuyện đang gây cấn thì đột nhiên Dũng đổi đề tài:

"Em hi vọng giữa anh và chị của em sẽ không chỉ dừng lại ở bức tranh. Với anh, chị của em đã thoát ta khỏi cái vỏ sò của sĩ diện và cốt cách. Em rất vui khi thấy chị em vui vẻ trẻ trung hẳn ra."

Sơn cảm thấy mình đang bị hiểu lầm. Dũng thấy rõ nét lúng túng sợ sệt của Sơn.

"Anh Sơn có chuyện gì vậy" bộ anh...anh không có "feeling" gì với chị em sao""

Sơn gật đầu rồi lại lắc đầu. Mặt chàng đỏ gay. Dũng kéo ghế tiến lại gần Sơn hơn rồi cười khẽ. Lối cười của Dũng chứa đầy vẻ ngạo mạn.

"Wow, có lẽ em hiểu rồi"

"Em hiểu gì" Làm sao mà em hiểu được"

Dũng càng kéo ghế sát lại gần Sơn hơn, gương mặt của Dũng chỉ cách Sơn không hơn một gang tay.

"Thế anh có vẽ tranh khỏa thân đàn ông chưa""

"Chưa, làm sao có cơ hội chứ."

"Thế anh dám không""

"Tôi có thể vẽ bất cứ vật gì nếu có cảm hứng"

Dũng đứng dậy, ưỡn ngực ra hít một hơi đầy vào lồng ngực rồi không một chút ngượng ngùng, anh chàng cởi bỏ áo sơ mi, cởi luôn chiếc áo thun lá màu trắng rồi đứng sừng sửng trước mặt Sơn.

"Anh là họa sĩ mà, thử vẽ đàn ông khỏa thân xem sao""

Không đợi Sơn nói, Dũng cởi luôn chiếc quần jean. Sơn đứng dậy tiến tới bàn vẽ rồi lấy bút chì than ra để mài.. Tay chàng run run và hơi thở dồn dập. Một vài giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán.

Chàng đưa mắt nhìn lên người thanh niên trẻ đang ngạo nghễ thách thức mình. "Được rồi, cậu em hãy xem tôi đây, tôi sẽ cho cậu em biết tôi không dể bị đàn áp đâu. Cậu lầm tôi rồi đấy"

Sơn bắt đầu vẽ. Tay chàng run run, rồi không còn run nữa. Chàng tập trung, tập trung phác họa thân thể người thanh niên cường tráng đang đứng trước mặt mình, những nét vẽ từ từ di chuyển theo cái nhìn thách thức của cả người vẽ lẫn người được vẽ. Sơn biết được điều đó mỗi khi mắt chàng chạm vào mắt Dũng. Mỗi lần như vậy, Dũng càng giương đôi mắt lên diễu cợt với chàng. Và đã đến lúc Sơn phải vẽ đôi mắt ấy.

Họ đối thoại với nhau bằng đôi mắt.

"Anh Sơn, tôi đã biết anh là ai, anh muốn gì."

"Cậu lầm rồi cậu à, tôi có thể vẽ những gì đang đứng trước mặt tôi, tất cả đối với tôi chỉ là một object, một vật thể mà tôi là một họa sĩ, thế thôi."

"Anh cũng đừng đánh giá tôi thấp quá anh à, đừng quên tôi là một nhà tâm lý, tôi có thể đoán được cảm nghĩ của người đang đứng trước mặt tôi."

"Thế thì nhà tâm lý này đã đoán lầm. Cậu xem đây tôi đã vẽ xong rồi"

"Vậy sao, vậy hãy để tôi bước đến gần anh mà xem chân dung của tôi chứ."

Dũng tiến tới, tiến tới. Anh đi vòng qua phía sau rồi dừng lại phía sau Sơn. Đôi cánh tay rắn chắc của Dũng choàng qua đôi bờ vai Sơn. Sơn cảm nhận lồng ngực vạm vỡ của Dũng chạm vào lưng mình mỗi lúc mỗi chặt hơn trong khi đôi bàn tay Dũng đang với lấy bức tranh trên giá vẽ. Một hơi gió nóng thổi nhẹ qua vành tai Sơn.

"Anh vẽ bức tranh này đẹp hơn tranh của chị tôi nhiều. Có lẽ vì anh vẽ bằng sự rung đọng thật sự của trái tim."

Bút vẽ rớt xuống đất. Sơn mơ hồ nghe những âm thanh phấn chấn của tiếng thác nước đang ầm vang trong đêm tối

                                              *                                           

Gã xoay người nhìn sang ngọn đồi bên kia vực thẳm, nơi đó có một cây thông già đứng lẻ loi một mình. Gã có cảm tưởng rằng chỉ có gốc thông già đó hiểu được tâm sự của mình. Ở đây mọi thứ đều di chuyển, chim cũng bay qua bay lại, cỏ mọc rồi chết, sỏi đá cũng bị soi mòn. Chỉ có cây thông già lúc nào cũng đứng đó, lần nào cũng như lần nấy không đi đâu cả.

Trong một thoáng gã cảm thấy hận chính bản thân mình. Gã thù ghét cái nhu nhược hèn yếu của mình. Gã còn nhớ cái nhìn ngơ ngác của Thủy khi gã đột nhiên thờ ơ với nàng. Khi Sơn và người bạn đưa hai chị em ra phi trường suốt đoạn đường đi Thủy mím môi như uất như hờn.

Sau đó Dũng liên tục gọi điện thoại cho gã. Gã dè dặt trả lời. Dũng nói đã yêu gã nhưng gã sợ lắm vì bạn bè ở đây ai cũng kính trọng gã. Gã đã im lặng để rồi sự kiên nhẫn của Dũng cũng phải phai tàn theo thời gian. Đó cũng là quan hệ cuối cùng của gã. Gã nhớ quá, thèm quá cái xiết mạnh của đôi vòng tay, cái êm ái của mơn trớn và những câu nói ngọt ngào tình tứ.

"Ngày xuân bước chân người rất nhẹ

Mùa xuân đã qua bao giờ

Nhiều đêm thấy ta là thác đổ

Tỉnh ra có khi còn nghe.." (2)

Gã đứng dậy hét lớn như một tên khùng. Tiếng sóng biển của buổi chiều chợt mãnh liệt hơn. Tiếng sóng mạnh như tiếng thác làm cho gã thấy như bị thách thức. Gã biết rồi, ngày đó mối tình của Dũng chính là bước chân của tình yêu đã đến nhẹ nhàng trong khu vườn mùa xuân tuổi trẻ. Vậy mà gã đã tránh né vì sợ dư luận. Gã chưa kịp chơi cho đã cái trò chơi sĩ diện mù lòa thì tuổi trẻ đã qua tự bao giờ. Phải rồi cái bóng đêm trong bài nhạc ma quái đó chính là cái tuổi già hiện tại mà giờ đây sự thèm khát yêu đương lại mãnh liệt như tiếng đổ gầm của thác.

"Lòng tôi có đôi lần khép lại

Rồi bên vết thương tôi quỳ"

Gã quỳ xuống ôm lấy vết thương lòng quằn quại như một con chim vừa trúng đạn. Đau đớn quá, chua xót quá, gã cảm thấy đời thật bất công. Tất cả những người bạn ngày xưa đã làm cho gã sợ sệt để phải dấu diếm giới tính thì ngày nay họ đã có gia đình, có vợ có chồng, có con có cháu. Tất cả bọn họ đã đi đâu mất chỉ còn một mình gã, trong cái lẻ loi mênh mông của tuổi già. Bọn họ và những lời cay cú khắc nghiệt đã giam hãm đời gã. Người đời có thể chấp nhận một chàng trai trẻ đồng tính, nhưng mấy ai chấp nhận một ông già đồng tính như mình. Sự rộng lượng của loài người cũng còn nằm trong cái “khung” của mỹ thuật.

"Tại sao lại phải van xin người đời" Nếu có người đàn ông nào cho ta yêu bây giờ, ta sẽ cóc cần dư luận. Ta sẽ không sợ ai hết."

Rồi gã đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người nào. Trước mặt gã chỉ có trời nước mênh mông, và một sự im lặng hãi hùng.

Gã lại đứng dậy thét lớn, thật lớn:

"F....you guys,...F...the world"

Sóng biển vẫn mạnh.

Trời tối hẳn.

"Phải về thôi. Leo lên đỉnh đồi đã khó mà xuống đồi còn khó hơn."

Gã đưa tay vẫy cây thông già. Bước chân gã chậm chạp dẫm lên từng ngọn cỏ xót xa.

"Tôi như con chim chiều

Mang đầy nắng quạnh hiu

Trên đôi vai u sầu

Tìm về nơi cuối đèo" (3)

(1) Thơ Văn Cao

(2) Bài nhạc Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh công Sơn

(3) Bài nhạc Như chim ưu phiền của Trịnh công Sơn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,519,317
Máy chụp hình được đặt trong một hộp trắng, đi kèm với một hệ thống đèn flash, được dựng ở bốn góc
Ông buồn lắm! Sang tới đất nước này, lòng ông càng trĩu nặng. Ông đã tính không đi. Người ta bảo, sang bên đây buồn, nhất là những người già như ông. Nhưng đám con ông nó nghĩ khác
Từ sáng, người bạn sponsor thả vợ chồng con cái Nguyên xuống Sở Xã Hội này để làm thủ tục "đầu tiên" (xin trợ cấp tị nạn) với chính quyền, rồi hẹn khoảng năm giờ
Sau năm 1975, một số dân tị nạn chúng ta vô nghề làm móng tay móng chân và đắp bột. Nghề nầy hồi trước dân địa phương đã chập chửng khai thác rồi nhưng rất đắt tiền. Một bộ móng tay
Nơi này, hôm nay, ông Thành đang bước đôi chân nhẹ nhàng , thong thả mà thẫn thờ, vơ vẩn, trên đường Magnolia và góc Bolsa, trong khu phố chợ ABC. Ông đi vật vờ ngắm cảnh hơn là
Trong cái mát lạnh của một buổi sáng cuối tuần, vừa uống cà phê, thả mấy cụm khói thuốc bay lơ lững và tan hoà vào không gian. Nhìn ánh nắng mai vàng tươi, le lói xuyên qua mấy cành dừa
Đời sống, sinh hoạt, giờ giấc mỗi người mỗi khác mạnh ai nấy sống; nhiều khi cái tình "lạt như nước…. lã". Người Mỹ có câu "Eat together, stick together" có ăn chung thì mới gắn bó với nhau
Tác giả sinh năm 1935, là một nhà giáo kỳ cựu. Tại Việt Nam trước 19775, bà là giáo chức Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, Saigon. Tại Hoa Kỳ, bà hiện là giáo chức thuộc Coachella Valley Unified
Lại đêm qua, tôi ngồi với ông gìa đầu bạc mà tôi quen biết cũng đã lâu. Chuyện kể của ông, nhắc lại tin tức hôm nào mà chỉ mình tôi nhớ. "chuyện đêm qua."
Đây là bài viết đặc biệt được dành cho Ngày Lễ Tạ Ơn. Tác giả là trưởng nữ một gia đình thuộc sắc tộc Chăm (Chàm) đang sống tại Việt Nam, đến Mỹ do sự can thiệp đặc biệt của bệnh viện U.C Davis
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến