Hôm nay,  

Nước Mỹ Trong Mắt Ai?

14/06/200600:00:00(Xem: 146032)

Người viết: DIÊN HỒNG

Bài số 1033-1642-355-vb3130606

*

Tác giả tên thật là Linh Trần, sinh năm 1962, từng tốt nghiệp kinh tế và luật tại Việt Nam, hiện là cư dân Santa Ana. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông lần này đặc biệt chú ý về quan hệ giữa cha mẹ-con cái trong các gia đình Việt tại Mỹ.

*

Cuộc sống mới nơi xứ người thật không đơn giản!

Nước Mỹ nơi mang đến cho những người nhập cư một khái niệm "Tự Do" đầy nhân bản, cũng là nơi có quá nhiều thử thách trước nhu cầu "hội nhập", một  yếu tố quyết định để xây dựng cuộc sống mới trên Xứ Cờ Hoa. Người Việt mình không nằm ngoài quy luật ấy.

Tôi đã nghe ai đó nói... Nước Mỹ tựa như một lò luyện, nó có thể nấu chảy  mọi thứ được đưa vào trong lòng của nó, điều này có ý nghĩa rất riêng mà khi sống ở Mỹ chúng ta mới cảm nhận được.  Phong cách Mỹ và Văn Hóa Mỹ là những nguyên nhân sâu xa tác động mạnh mẽ đến cuộc sống mới của Người Việt định cư ở Mỹ. Gia đình tôi đến Mỹ hơn chục năm nay, quá trình hội nhập vào cuộc sống mới nơi đất Mỹ vẫn tiếp diễn... mà có lẽ, những gia đình  Người Việt khác cũng thế, có khác chăng con đường đi đến mục đích ổn định cuộc sống và vươn lên của họ đều có những nét đặc thù chưa hẳn ai giống ai tùy môi trường và hoàn cảnh.

Tôi hơi đi lòng vòng một chút, để khởi đầu cho những cảm nghĩ và cảm nhận về một Nước Mỹ siêu cường trong mắt mọi người và trong chính mắt tôi, thông qua khía cạnh việc giáo dục con cái trên Nước Mỹ. Có lẽ những điều tôi viết ra đây không xa lạ lắm với người sống ở Mỹ lâu năm nhưng nếu gọi là kinh nghiệm hội nhập thì nó thật có một giá trị đúng nghĩa trước sự thật va chạm mạnh mẽ trong đời sống người mới nhập cư,  sau những ngày đầu ngất ngây sung sướng khi mới đặt chân đến Mỹ với một tâm trạng đầy hạnh phúc và tự do... Những câu chuyện kể nơi đây dĩ nhiên chưa thể là ý hay nhưng khả dĩ có những cái mà chúng ta có thể cùng nhau ngẫm nghĩ...

*

Tôi đã chứng kiến lời đối thoại giữa mẹ và con gái, của gia đình một người bà con:

- Mẹ vào phòng con phải gõ cửa chứ!

- Mẹ... mẹ... xin lỗi. Mẹ chỉ muốn thăm chừng con... ra sao mà...

Một câu nói đơn giản như vậy nhưng vô tình làm người mẹ chưng hửng nhìn con gái đến nghẹn ngào và ấp úng trước lời chất vấn ấy.

Bọn trẻ đến Mỹ dù muộn nhưng vẫn nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở Mỹ, hơn hẳn người lớn tuổi chúng ta, đó là một sự thật không thể phủ nhận.  Nước Mỹ là đất nước tự do, ai cũng có thể nói điều gì mình muốn và đang suy nghĩ, không tùy thuộc vai vế, tuổi lớn nhỏ. Điều này ít nhiều trái ngược với nề nếp gia phong tôn ti trật tự trên dưới trong gia đình mà người Việt mình xưa nay từng được giáo dục. Vì vậy, va chạm và sự buồn vui trong cách cư xử đôi lúc nghiêng hẳn gánh nặng về cho người lớn. Chúng ta dễ hoang mang trước sự đổi thay của con cái, thậm chí có người còn kêu lên:  "... Chúng (bọn trẻ) bị "Mỹ hoá" hết rồi!".

Thử nhìn lại cái mới mà bọn trẻ gốc Việt ở Mỹ được "thụ hưởng": được thi lấy bằng lái xe từ năm 16 tuổi;  con gái ở Mỹ cũng chẳng khác biệt gì con trai, con trai làm gì con gái cũng có thể làm, thậm chí hút thuốc và cả uống rượu (dĩ nhiên là phải đủ tuổi thực hiện hành vi mà pháp luật cho phép). Con gái Việt ở Mỹ dạn dĩ hơn, có mặt ngoài xã hội nhiều hơn... thực sự vượt thoát khỏi quan niệm "kín cổng cao tường" thuở nào. Con gái tự lập đi làm kiếm tiền, dù có khi còn đi học và sau này dù có chồng vẫn có khả năng tự nuôi sống mình không lệ thuộc vào chồng... Ngần ấy cái mới cùng sự lạ lẫm và cuộc sống trên đất Mỹ đã tạo nên cho bọn trẻ những tính cách rất Mỹ: chủ nghĩa cá nhân (individualism) được đề cao, bởi một người Mỹ được coi là mẫu người lý tưởng khi có tính độc lập cao và luôn tự tin;  bộc trực và thẳng thắn đến lạnh lùng; chủ nghĩa thực dụng (Materialism) phổ biến, bởi người Mỹ thường đánh giá cao người thành đạt, thành công và giàu có mà; tư tưởng bình đẳng, không lễ nghi, khách sáo... là dấu ấn đậm nét trong phong cách sống ở Mỹ... mà có khi người Việt lớn tuổi ở Mỹ phải thốt lên lời than:  "Chúng (bọn trẻ) đơn giản... đến độ you, me cả với cha mẹ của chúng đó!"... Vậy chúng ta, những người lớn tuổi, làm cha mẹ (hay thậm chí ông bà)... nên vui hay buồn trước hiện tượng này"

Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng quan niệm Á Đông "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" là không còn phù hợp trên đất Mỹ rồi. Nước Mỹ là đất nước của tốc độ, của sự cạnh tranh vươn lên không ngừng; quan hệ giữa con người với nhau ở Mỹ hình như mang nặng sắc thái lý trí hơn là giá trị đạo đức vì chỉ có vậy mới thích ứng với môi trường pháp trị mà xã hội Mỹ chủ trương, nhiều lúc gần như vô tình đưa đến tính vô cảm trong cách thức đối xử với mọi người xung quanh. Rất nhiều người Việt sống ở Mỹ rất ngạc nhiên khi thấy trong trường học ở Mỹ không hề có môn học giáo dục công dân như từng có ở Việt Nam mình trước đây. Vì thế, sống ở Mỹ một thực tế rất quan trọng là tính cách bọn trẻ gốc Việt chịu ảnh hưởng tốt hay xấu rất nhiều vào sự giáo dục khéo léo trong gia đình và hoàn cảnh sống của chúng ở Mỹ. Đã có nhiều bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học gốc Việt trẻ ở Mỹ rất thành đạt... không thể nói đó chỉ là kết quả của nền giáo dục Mỹ mang lại, mà phải nhận thấy rằng đằng sau sự trưởng thành đó... có bóng dáng của sự nâng đỡ, tạo mọi điều kiện tốt cho con cái ăn học của những bậc cha mẹ âm thầm chịu đựng mọi hy sinh vì con cái mình. Họ có thể làm nhiều job, làm ngày làm đêm, vất vả với nghề nail, cơ cực trong shop may, trong chợ... để nuôi dưỡng tương lai cho con cái mình trong cuộc sống hội nhập đầy cam go ở Mỹ.

Trở lại với mẹ con người bà con tôi kể từ đầu câu chuyện... tôi lại có dịp đi dự đám cưới của cô bé sau ngày cô ta tốt nghiệp bác sĩ Nhi Khoa ở Mỹ. Một thoáng tình cờ, trong ngày vui ấy, tôi thấy cô bé đã nói với mẹ mình trong ngày xuất giá với hai hàng nước mắt:

- Con cảm ơn mẹ... Vì có mẹ... con mới có được ngày hôm nay!

Thật cảm động và không có gì có thể khác hơn phải không các bạn. Đó mới chính là tình cảm thật sự mà người Việt mình còn có thể gìn giữ được - rất riêng Việt Nam- trong lòng cuộc sống ở Nước Mỹ. Gíao dục con cái được như vậy.... chính là cách làm tốt nhất... để hội nhập vững chắc và thành công vào cuộc sống đa dạng ở Mỹ Quốc!

*

Một chiều nọ cách đây vài năm, tôi lại chứng kiến cảnh một người cha la rầy con trai:

- Tao thật xấu hổ vì mày... học hành chẳng ra sao lại lười biếng... lớn lên mày chỉ có nước đi ăn mày. Nước Mỹ này không có chỗ cho những đứa kém cỏi như mày !"... -  Vừa hét ông ta vừa lao đi toan tìm gậy đập cho thằng bé một trận nên thân.

Tôi vội vàng ngăn anh bạn đang nóng giận vì con học kém và nháy mắt ra hiệu cho cậu bé xin lỗi cha mình. Cậu bé sợ hãi quỳ xuống nói trong hai hàng nước mắt:

- Con... con xin lỗi Ba... nhưng thật ra con đã cố gắng lắm rồi...

Đợi cho anh bạn hạ cơn nóng giận, tôi nói vui với anh ấy:

- Có chuyện gì thì từ từ ông à... Ông làm quá... nó sợ... gọi 911 là gay to đấy.

- 911 à... tôi đóng kín cửa, xong mới đập cho nó một trận... Nó chỉ có nước chạy trời!...

Tuy anh nói vậy nhưng tôi biết bạn mình rất thương con. Anh làm ở tiệm Phở công việc bưng bê cực nhọc cả ngày, mọi niềm hy vọng anh đều dồn cả vào đứa con trai. Anh tạo cho nó mọi điều kiện từ thời gian cho đến vật chất, để nó học hành, vậy mà nó kém cỏi quá không như ngày nào ở Việt Nam, nó luôn học đứng đầu lớp làm cha mẹ rất hãnh diện.  Hai vợ chồng anh bạn tôi vốn đều là giáo viên cấp 2 ở Việt Nam, sang Mỹ chồng làm cho tiệm Phở, vợ đi làm Nail... cuộc sống đổi thay 100%. Họ chỉ biết hy sinh làm lụng để đứa con trai duy nhất tiếp tục ăn học thành tài. Cho nên thấy các cháu học hành kém hơn trước, việc bực dọc là điều không thể tránh khỏi.

Đây cũng là tình trạng mà không ít gia đình Người Việt mới sang định cư ở Mỹ gần đây gặp phải. Mọi cái thường đều xuất phát từ sự yếu kém tiếng Anh làm các cháu chưa thể học khá, học giỏi như ngày nào ở Việt Nam. Mọi cái đều cần có thời gian mà... cái chính là chúng ta cần biết dùng tình cảm khuyên nhủ động viên các cháu cố gắng hơn, có thái độ khoan dung khích lệ khi các cháu có sai sót vấp ngã.

Những lời lẽ buộc tội, chỉ trích thực ra chẳng mang lại lợi ích gì, nếu không muốn nói có khi mang lại tác dụng ngược không ngờ. Đã từng có những cháu bỏ nhà đi theo kẻ xấu, gia nhập băng đảng... chỉ vì cha mẹ thường rầy mắng mà không có sự cảm thông, yêu thương đúng mực trong việc giáo dục con cái nhất là khi chúng có lỗi lầm hay yếu kém.

Nước Mỹ từng có những câu chuyện như vậy, không phải chỉ có trong đời sống của riêng người dân nhập cư đến Mỹ như Người Việt mình. Ngài Bengamin Fraklin khi còn nhỏ rất vụng về và kém cỏi nhưng nhờ có sự yêu thương giúp đỡ, giáo dục tốt của cha mẹ mình, mà sau này trở thành một sứ thần Hoa Kỳ nổi tiếng tại Pháp được ca tụng là người giỏi giang và thông minh.

*

Làm cha mẹ, dù sống ở Mỹ với nhiều nỗi lo toan hàng ngày, chúng ta đều cần nhận thức rằng chỉ trích là vô ích, nó thường làm bọn trẻ có thái độ chống cự lại, tự bào chữa hay nói dối để lấp liếm, thậm chí có khi còn làm chúng "nổi loạn". 

Tấm gương cuộc sống và sự nghiệp của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln cũng cho chúng ta những kinh nghiệm sống quý báu ở Mỹ. Thời trẻ ông vốn là người thích chỉ trích người khác, bất kể là ai. Ông đã nghĩ ra cách chỉ trích người khác khá lạ lùng, làm những bài thơ trào phúng châm chọc chế giễu đối tượng xong rải khắp đường phố cho người qua kẻ lại nhặt được đọc chơi cười nhạo. Rồi một lần cũng từ thói quen ấy, chút nữa vô tình dẫn đến một cuộc đấu gươm sanh tử  tưởng như không thể tránh khỏi.  Từ kinh nghiệm đau lòng này, ông tự uốn nắn mình và rèn luyện nhân cách một cách nghiêm túc hơn và trở nên một vị Tổng Thống nổi danh có tài lãnh đạo quần chúng tốt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có nhiều người từng hỏi ông về kinh nghiệm sống và thái độ trước cuộc sống ở Mỹ, ông thường trả lời bằng một câu châm ngôn độc đáo: "Đừng xét người, nếu ta không muốn người xét lại ta".

Vậy đó, người Việt mình hay có câu nói:  "Thương cho rơi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" xét trong đời sống hội nhập ở Mỹ, nó không phải là không còn có giá trị. Có khác chăng nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen mà cứ đè con ra mà đập hay chỉ biết chỉ trích con nặng nề, thì chẳng khác nào chúng ta tự mình đào sâu hố ngăn cách giữa con cái với cha mẹ. Mà hãy ngẫm nghĩ nhiều hơn đến nghĩa bóng của câu nói bất hủ này, chúng ta biết hy sinh làm lụng dành mọi tình thương, những gì tốt đẹp nhất, ngon nhất cho con cái nhưng đồng thời cũng biết độ lượng khoan dung trước sai sót của chúng, động viên con nổ lực tiến bộ dần trong quá trình tự lập và cạnh tranh trong cuộc sống ở Mỹ. Sống ở Mỹ, chúng ta sẽ dần hiều rằng xã hội Mỹ luôn đề cao những người thành đạt và dám cạnh tranh.  Khi còn học ở nhà trường từ nhỏ tới lớn, nền giáo dục Mỹ luôn hun đúc cho lớp trẻ tính cạnh tranh.Thử hỏi con cháu chúng ta mới đến Mỹ, "còn lạ nước lạ cái" tiếng Mỹ thì chập chờn trong khi tiếng Việt còn chưa thông, các cháu hoàn toàn bở ngỡ bước đầu, việc học có phần sa sút là điều khó tránh khỏi, các cháu cần sự động viện và lấy lại sự tự tin, do vậy sự la mắng chỉ trích thái quá chỉ sớm làm các cháu sợ hãi và thụt lùi thêm mà thôi.  H.L. Mencken, một nhà báo có tiếng của Mỹ từng nói:  "Một người Mỹ là một cá nhân độc lập. Hai người Mỹ sẽ dẫn đến cạnh tranh. Ba người Mỹ sẽ dẫn đến thi đấu". Biết được điều này, chúng ta càng cảm thông với những áp lực mà đời sống mới ở Mỹ đã và đang đè nặng lên từng bước chân của các cháu dù mỗi ngày chỉ cắp sách đến trường, trong nỗ lực vươn lên tự lập và khẳng định mình bằng những thành công, thành đạt trong tương lai. Các cháu cũng có những lo toan, khó khăn như chính người lớn chúng ta đang trải qua của những ngày tháng định cư tại xứ sở mới này.

Tôi lại lan man với dòng cảm nghĩ mới... biết sao được, nghĩ về nước Mỹ là chuyện dài, nói mãi không thể hết mà... trở lại với bố con anh bạn của tôi, khi nhận được tin anh báo mời đến dự  buổi tiệc mừng ngày con anh tốt nghiệp Nha Sĩ, tôi cảm thấy thật vui và có hậu. Vậy là chú bé nhút nhát ngày nào, hay bị bố la mắng học hành kém cỏi trong những năm tháng đầu định cư ở Mỹ, nay đã trở thành một Nha sĩ với bằng cấp Đại Học hẳn hoi do Mỹ cấp. Không hiểu những lời can gián của bạn bè thuở nào khuyên anh đừng chỉ trích con, có phải là có tác động tích cực giúp anh có cách giáo dục con hữu hiệu hơn không"  Nhìn cậu bé ngày nào nhỏ ốm rụt rè nay cao lớn đẹp trai trong bộ đồ đen thẳng nếp của buổi lễ tốt nghiệp đại học, mọi người ai cũng trầm trồ khen ngơi. Thật thú vị làm sao, tôi chợt nhớ đến một bài học rất hay mà trong sách Đắc Nhân Tâm từng dạy: "Muốn lấy mật đừng phá tổ ong", các bạn hãy cùng ngẫm nghĩ lại với tôi, chắc có nhiều điều lý thú phải không các bạn" Cuộc sống hội nhập ở Mỹ đã có cơ may thêm một kinh nghiệm giáo dục con cái ở Mỹ rồi!" ...

*

Có một lần, một anh bạn khác của tôi, đến gặp phàn nàn về cậu quý tử của mình, anh một mực đòi tống cổ nó ra khỏi nhà hay từ nó gì đấy... đại khái là vậy. Hỏi ra mới biết nguyên do, có một lần anh đi vắng nhà, do bỏ quên đồ cần mang theo, anh đột ngột quay trở về nhà thì... hỡi ơi... anh bắt gặp thằng bé (15 tuổi) con anh... dang dán mắt chăm chú xem tivi mà khi anh đứng cạnh nó cũng chẳng hề hay. Thằng bé đang xem phim sex của người lớn. Chúa ơi! Anh kêu lêu đầy giận dữ. Tôi ngạc nhiên hỏi kỹ:

- Phim nó tự mua hay mượn"

- Không nó lấy trong tủ của tôi"

- Tủ của anh"

- Không.... không phải vậy. À... có một người bạn cho tôi mượn mấy đĩa phim Tàu... tôi bận quá cũng chưa xem qua đĩa nào cả... không hiểu sao trong đó lại có lẫn một đĩa phim sex của người lớn mới chết không chứ" -Bạn tôi phân bua.

- Ra vậy!...

Tôi đành lựa lời khuyên bạn dằn con thịnh nộ. Bởi ở Mỹ này, nghe nói chuyện từ con không đơn giản đâu, không phải như ở Việt Nam thời trước, muốn từ là từ cái rụp. Hơn nữa, tôi còn lý giải thêm, nghe nói theo luật Mỹ... đúng là chuyện người lớn xem phim sex là không bị cấm nhưng luật Mỹ cũng qui định rõ người lớn phải có trách nhiệm không để những đĩa phim ấy lọt vào tay con trẻ. Nếu xảy ra, mà bị phát hiện, có khi phải chịu trách nhiệm pháp lý... tôi nói vậy và anh bạn tôi sợ quá không còn dám nói "từ con nữa".  Sau này gặp lại anh, anh kể bữa đó anh quay về nhà tính kiếm thằng nhỏ để nhỏ to giáo dục lại nó. Thì trời ơi, thằng nhỏ không còn quỳ ở góc phòng - một hình phạt mà anh bắt thằng bé gánh chịu về tội lỗi của mình. Ngay cả mẹ thằng bé đang nấu cơm trong bếp cũng không hay nó bỏ nhà đi từ lâu rồi.  Thằng bé vì sợ quá khi bị anh phát hiện sự việc, đã vội vàng bỏ nhà đi lang thang trên đường phố với chiếc xe đạp con trong trời mưa tầm tả.

Vợ chồng anh cuống quít đổ xô, mỗi người một chiếc xe hơi, chạy khắp nơi để tìm thằng bé. Đường phố Mỹ xe hơi chạy đầy khắp, tìm thằng nhỏ như mò kim đáy biển vậy. Lúc đi tìm con, anh cảm thấy hối hận vô vàn, khi nhớ lại những lời đe nẹt anh tuôn ra khi nóng giận với thằng con. Thằng nhỏ xem chỉ vì tánh tò mò, khi nó vô tình phát hiện đĩa phim trong đống phim đĩa ba nó bỏ trong tủ thôi. Có lẽ ở một chừng mực nào đó, thằng bé chưa hiểu hết mức độ nghiệm trọng dẫn đến sự giận dữ của của ba mình trước sự việc. Trong câu chuyện này, anh đã tâm sự với tôi khi sự việc đã được giải quyết xong:  "Mình đã có lỗi khi vô tình đem đĩa phim ấy về nhà, là nguyên nhân làm phát sinh cớ sự đó!" Vợ chồng anh tới tối mịt mới phát hiện được thằng bé và phải dỗ ngon ngọt mãi thằng bé mới chịu theo về nhà, sau khi nó đã mệt lã vì đói khát.

Mẹ nó đã hỏi: 

- Vì sao con bỏ nhà đi, con không thương bố mẹ à"

- Con thương... nhưng con sợ ba đánh con... (nó vừa nói vừa khóc tức tưởi ngon lành)

Vợ chồng anh bạn tôi bỏ cả buổi tối để tâm sự an ủi con. Anh bạn tôi đã nói với con, anh không trách phạt nó nữa nhưng yêu cầu nó phải hứa từ nay về sau, sẽ không xem những phim loại này nữa. Thằng bé đã hứa một cách nghiêm túc.  Anh bạn tôi đã dùng tình thương và sự độ lượng để giáo dục con cái. Đồng thời anh cũng nhìn nhận cái sai phần nào ở anh khi vô tình đem đĩa phim độc hại về nhà và lọt vào tay con trẻ.

... Thấm thoát trôi đi vài năm, gặp lại anh bạn cũ, nghe nói cậu bé con anh đang học Đại Học Y Khoa, anh cười nói vui với tôi:

- Ông biết không... ngày đó... nếu đứa con đi mất biệt... chắc vợ chồng tôi sẽ ân hận suốt đời mất!

- Hà hà! Ông vẫn là người bố tốt và con ông vẫn là đứa con ngoan mà... Ông thật bậy khi đòi từ con đó! - Tôi nói vui chọc bạn.

Anh bạn tôi xem ra vẫn còn ái ngại khi nhớ lại chuyện cũ. Chúng tôi bèn rủ nhau đi ăn phở, món ngon tuyệt của người Việt trên đất Mỹ. Anh em tôi cười vui và đồng ý kiến với nhau rằng: "Giáo dục con cái trên đất Mỹ là phải có nghệ thuật ! "...

*

Thay lời kết:

Mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả lo toan, nuôi con từ tấm bé đến khôn lớn.

Tình Cha cũng bao la, tha thiết không kém Tình Mẹ nhưng thường sâu kín ít bộc lộ hơn.

Làm cha mẹ ở Mỹ hay ở đâu đó trên thế giới này cũng vậy, người Việt Nam mình luôn biết cách giáo dục con cái trên tinh thần tạo tính tự lập cho con, tạo mọi điều kiện cho con trưởng thành và thành đạt.  Truyền thống, phong tục tập quán và ảnh hưởng của nền văn hóa Việt Nam trong nghệ thuật giáo dục con cái, luôn được gìn giữ và thích ứng với từng hoàn cảnh của từng gia đình Người Việt trên đất Mỹ. Nói đến kinh nghiệm hội nhập trên đất Mỹ, mà không nói đến khía cạnh của kinh nghiệm giáo dục con cái là chưa đầy đủ phải không các bạn" 

Nước Mỹ trong mắt ai ra sao tuỳ mỗi người, riêng tôi Nước Mỹ vẫn luôn có cái đẹp và cái để chúng ta phấn đấu vươn tới, nói theo ngôn ngữ Mỹ là để cạnh tranh và thành đạt (Competition and Achie-vement)

Xin mạo muội giải bày đôi điều cùng bạn đọc, qua một cuộc thi độc đáo "Viết Về Nước Mỹ" xoay quanh khía cạnh giáo dục con cái... rất mong được sự đồng cảm của các bạn khắp nơi.

DIÊN HỒNG

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,481,814
Tác giả, theo bài viết cho biết, có học vị tiến sĩ vật lý, tại Hungary, thuộc viện khoa học Việt Nam, nguyên trưởng phòng nghiên cứu vật lý hạt nhân, từng đại diện VN ký kết và thực hiện hợp đồng với Cơ Quan Nguyên Tử năng quốc tế (International Atomic Energy Agency) cộng tác nghiên cứu các phản ứng tổng hợp
Thêm một lần 30 Tháng Tư đang trở lại, với biết bao hồi tưởng. Nhân thời điểm đặc biệt này, tác giả Đào Như, giải Viết Về Nước Mỹ 2005, "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất", với các bài “Tự Khúc”, “Dấu Chân Người Lính” vừa góp thêm 3 bài viết đặc biệt về người lính VNCH. Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể.
Thêm một lần 30 Tháng Tư đang trở lại, với biết bao hồi tưởng. Nhân thời điểm đặc biệt này, tác giả Đào Như, giải Viết Về Nước Mỹ 2005- "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất", với các bài “Tự Khúc”, “Dấu Chân Người Lính”- vừa góp thêm 3 bài viết đặc biệt về người lính VNCH. Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể.
Tác giả tên thật Ngô Thị Bạch Huệ, định cư ở Mỹ từ 1980, cư dân Orange County, đã được trao tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài "Người Mỹ Di Động". Đây là một tự truyện đầy tính lạc quan: 7 lần dọn nhà, 12 lần đổi job, không ngán. Công việc thứ 12 của bà là thành lập công ty consulting firm
Tác giả tên thật là Nguyễn Cảnh, cựu đại uý pháo binh VNCH, hiện là cư dân Garden Grove, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ. Gần đây, nhân vụ bão lụt New Orlean, Biloxi, ông có ôn lại việc cố tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jeffersson năm 1803 đã mua lại toàn bộ vùng Louisiana của Napoleon với giá 15 triệu
Vì chưa ở Mỹ bao lâu, chưa từng đi đâu ra khỏi SanJose, mặc dù cả nhà đều mong mỏi có ngày đến được Little Sài Gòn, thủ đô của người Việt tỵ nạn C.S. nhưng điều kiện chưa cho phép. Hôm nay tôi chỉ có thể đóng góp một bài viết về một chút kỷ niệm của tôi với những người Mỹ thời thơ ấu, gọi là đáp lại ân tình
Vợ đi làm về ngồi phịch xuống sofa, than vãn: - Không biết mắc cái chứng gì mà hôm nay tiệm em đông khách kinh khủng, làm em phải chạy tới chạy lui y như dzịt, bắt mệt . Chồng quàng vai vợ ra chiều thông cảm: - Tại vì đổi mùa cho nên người ta bịnh nhiều. Tiệm nào cũng vậỵ
Vì chưa ở Mỹ bao lâu, chưa từng đi đâu ra khỏi SanJose, mặc dù cả nhà đều mong mỏi có ngày đến được Little Sài Gòn, thủ đô của người Việt tỵ nạn C.S. nhưng điều kiện chưa cho phép. Hôm nay tôi chỉ có thể đóng góp một bài viết về một chút kỷ niệm của tôi với những người Mỹ thời thơ ấu, gọi là đáp lại ân tình
Karen N. Nguyen , sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia . Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước My và đã được trao tặng một giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của một tác giả cư dân Virginia . Công việc của ông là phục vụ cộng đồng trong lãnh vực tư vấn. Ông đã góp cho Viết Về Nước Mỹ 4 bài viết: Buổi Chiều Rất Ngắn, Bình Hoa Tan Vỡ, Chân Dung Của Núi và Đôi Bạn Chân Tình. Mỗi bài một đề tài tiêu biểu: đồng tính, ngoại tình, tình dục, tình bạn
Nhạc sĩ Cung Tiến