Hôm nay,  

Thiếu Nữ

30/12/200700:00:00(Xem: 403037)

Người viết: TRÂN NGUYÊN

Tác giả: Duy Tâm

Bài số 2188-1980-755vb7291207

*

Tác giả Trân Nguyên sinh năm 1970, cư dân Monterey Park, Nam California, đang làm việc tại St. Joseph Providence Med. Center; Nghề nghiệp: siêu âm. Với bài viết "Chuyện Cấm Đàn Ông" và một số bài đặc biệt khác, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Bài viết mới nhất của cô lần này là một truyện tình lãng mạn, từ giấc mơ y khoa tuổi nhỏ ở Việt Nam tới khung cảnh của các bệnh viện Mỹ.

*

Xóm nhỏ của Em hồi ở Việt Nam chỉ mỗi độc nhất một ông bác sĩ Ngôn. Nam phụ lão ấu trong vùng ít nhiều gì cũng phải đặt chân đến phòng mạch của ông một lần. Ông thấp người, cục mịch nhưng khả ái và vui tính nên ai cũng mến và nể ra phết. Em là người túc trực thường xuyên ở đó, bởi sanh ra được "Nội Ngoại" quí như trứng mỏng nên Em èo uột xanh xao hơn những đứa "trời sanh, trời dưỡng" đồng trang lứa. Cũng có thể gọi là con...  cầu tự, vì cha mẹ lấy nhau gần 10 năm mới sanh được em, nên mới đặt: Ấu Thiên (đứa nhỏ trời ban)

Năm đó em 10 tuổi gì đó. Bà Nội Em hùng hồn tuyên bố: Con nhỏ nay mai phải gả cho một thằng bác sĩ thôi. Một tháng bệnh hết 28 ngày rồi. Rồi bỗng dưng đem Em ra so sánh với bà bác sĩ Ngôn...  Bà Ngôn ngày xưa chỉ là một cô Lành lam lũ, con nhà Tư Tiêm bán café ở đầu ngõ. Lúc nhỏ, đầu tắt mặt tối , quần ống thấp ống cao, nước da xám xỉn...  Lớn lên một chút cũng không khó gì cho cam...  Vậy mà nhảy một bước nghiễm nhiên bà Bác sĩ như ai. Nghe đâu ngày xưa bác sĩ Ngôn ở Đức Hoà, Đức Huệ, Long An lên Sài Gòn trọ học, ở ký túc xá đường Nguyễn Kim (Chợ Lớn), gần quán cóc của ông Tư Tiêm. Ngày ngày ra quán đọc sách, uống café...  thiếu, riết rồi lấy luôn con gái ông chủ để...  cấn nợ! Câu chuyện được mấy bà cắp giỏ đi chợ kể thuộc lòng như đọc truyện Kiều, ai cũng thuộc được vài câu. Em... , hồi đó còn nhỏ như hột tiêu mà đã biết: bà Bác sĩ Ngôn đi chợ, mỗi lần lựa chuối phải nắn cho dập đến nải thứ 10 mới mua, mà trả giá kỳ kèo, ỉ ôi...  Người ta đã chắc chắn giá 4000 vẫn còn tiếc nuối thôi...  3900. Mấy bà già ngoài chợ xuống câu như hát cọng cổ: Rửa chưa hết phèn!!! Bà Nội em lên giọng: Bà Ngôn mà còn làm bà Bác sĩ được thì...  Con Ấu Thiên nhà mình gả...  Mỗi lần như vậy là Em dẫu môi: Con học giỏi như dzầy, tự làm bác sĩ như chơi, cần gì phải gả(")

Mà Em học giỏi thiệt, năm nào cũng lãnh bằng khen danh dự, năm lên lớp 7 còn được danh hiệu "học sinh giỏi nhất khối". Hôm đi lãnh bằng khen, cả nhà hả hê. Được hỏi: Tương lai con định làm gì hở...  Trần Phạm Ấu Thiên.

- Thưa... Con sẽ làm bác sĩ, người nghèo và thầy cô giáo tới khám con sẽ không lấy tiền. Mọi người tấm tắc: "Con nhỏ làm mấy thầy cô mát ruột, mát gan...  mặc dầu, tương lai ai mà hỏi trước được...

Rồi Em dần lớn lên, cái vẻ xanh xao, èo uột cũng mất dần. Em hồng hào, khoẻ mạnh và ít cần thăm viếng bác sĩ Ngôn hơn. Năm đó Em 13 tuổi...  anh Trọng con cô Năm, y tá tốt nghiệp Y khoa, rồi anh "cu Tí" con cô Ba Mai Lan cũng tốt nghiệp năm kế đó. Bà Nội Em đứng ngồi không yên:

- Phải chi "nó"... 16 tuổi!

Còn Em vẫn hồn nhiên ăn học và cái mộng làm bác sĩ. Năm nào cũng có bằng khen làm cả nhà hãnh diện. Chỉ có bà Nội, tối ngày chắc lưỡi:

- Con gái... chỉ cần...

Ngày tháng qua đi, Em lớn lên trong nỗi khốn khổ của gia đình, những năm tháng "ăn độn" triền miên khoai sắn. Đồng lương giáo viên của mẹ một tháng không đủ để bao nhà đi xem hài kịch một đêm. Ba thì tất tả ngược xuôi vẫn không chỗ đứng trong chế độ mới. Cuối cùng đành theo chú Diễm lối xóm, đóng thuyền...  vượt biên. Thời đó có câu " Học tài thi ...  lý lịch". Bà Nội có lẽ cũng không sai:

- Lý lịch của con mà "lọt" vào Y khoa, Nội đi bằng đầu xuống đất!!

Em có giao động, hoang man đôi chút, nhưng chỉ dăm ba bữa...  cuối năm Em đoạt "Học sinh giỏi toàn diện" được tuyển thẳng vào lớp 10 và đại diện trường đi dự hội giao lưu Sinh viên Học sinh toàn Quốc. Lần đầu tiên em mặc áo dài, áo dài của mẹ nên có phần ...  "thon thả" nhưng lại làm dáng đi uyển chuyển hơn. Bước ra đầu ngõ, ai cũng tấm tắc khen, cứ như đi chùa Hương "Em tuy mới 15, mà đã lắm người trông... "

Bà Nội vừa vấn thuốc Cẩm Lệ, vừa đắc ý: con gái Huế mà lị. Em thong thả vén mớ tóc đang loà xoà trước trán, cẩn thận dắt tà áo vào ghi-đông, đạp một mạch đến ...  Nhà Văn Hoá Thanh Niên. Chỉ trong vòng mấy phút đồng hồ, Em lập tức bị bộ ba anh chàng Sinh Viên Đại học bám lấy, Tuấn - Hùng Bách Khoa, Dũng Y khoa...  Nói gì cũng không cản nổi họ đưa về tới tận ngõ.

Ban đầu mẹ có hơi ái ngại, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích học tập của Em, nhưng Em cứ đường đường đứng đầu lớp, nên mọi người cũng quen dần với việc Em đã có bạn trai đến thăm. Do "cố vấn" của mấy cô, dì...  và.. nhất là bà Nội, hai anh chàng Tuấn - Hùng (Bách khoa) lần lượt "lọt" sổ còn lại Dũng sinh viên năm thứ 2 đại học Y Dược dẫn đầu bàn thắng vô ...  lí do. Em thấy làm người lớn cũng "ngồ ngộ", được người ta sáng chiều đưa đón, quan tâm. Dũng dắt Em vô trường Y khoa coi giảng đường, khuôn viên toàn màu trắng và chữ thập đỏ... Em thấy cũng hay hay...  Hình như cái chỗ hẹn hò này, hay do ám ảnh lời bà Nội, Em thấy tình yêu của Em với Dũng có mùi vị hơn. Mùi ...  Ê te. Má Dũng "kết" Em lắm, vì bà nói là...  "đẹp đôi" với Dũng. Em cũng ngầm cảm thấy như vậy. Nhưng gặp gỡ vài lần hỏi thăm "thân thế", thì mới biết ba của Em vượt biên "lọt" rồi, đang làm giấy bảo lãnh. Bả buồn lắm, tiếng Nam nghe ngọt xớt mà thấy đau lòng, não ruột: - "Tao thương mày lắm, nhưng thằng Dũng là con trai một, tao không cho nó "đi" đâu hết. Mày thương nó thì phải lựa chọn, một là qua "bển" với Ba Má, hai là ở lại với... "Nó". Có nghĩa là...  Em bàng hoàng, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xa lìa Mẹ Cha. Ba vượt biên mà Em đã khóc đến cả năm, cho đến khi thùng quà đầu tiên gửi về, Em mới hiểu được sự ra đi của Cha, để cho Em đổi chén cơm thay vì phải ăn "độn"...

Vậy là Em và Dũng âm thầm tránh mặt nhau, Dũng đau lòng lắm, Em hình như cũng ... vậy mà...  Mấy tuần sau đó, anh trai của nhỏ bạn mới quen lúc vào lớp 10, lớn hơn Em 4 tuổi, cũng đang học Y khoa, đến chờ Em trước cổng trường, Em thẹn đến ...  đỏ mặt và lập tức nhận lời mời đi xem hội diễn văn nghệ ở trường Y khoa với nhỏ Minh Trang cái ...  rụp, xem anh nó hát hợp ca, mà quên mất sự hiện diện của Dũng ở cùng một ngôi trường. Em mặc áo đầm trắng muốt, cột cơ cao để lộ bờ vai, cổ gáy trắng ngần, dáng đi đã bắt đầu đong đưa thiếu nữ. Anh Minh anh của nhỏ Trang đưa hai đứa vô bằng cổng sau, cổng chỉ dành cho Sinh viên hội diễn. Anh Minh phấn chấn giới thiệu: - Minh Trang em gái, còn đây...  Anh nhéo mắt với lũ bạn:

- Ấu Thiên, em... .nuôi.

Anh cười thân thiện, Em cũng cười.

Suốt bản hợp ca Em chỉ chăm chú nhìn có một người, mặc dù bài "Trần Quốc Toản ra quân", anh Minh không phải đóng vai người Anh hùng đó.

Khuya về, trời Sài Gòn như dịu lại, bước đi đầy lá me và tiếng ve sầu râm ran. Anh đạo mạo bước bên cạnh Em, nhỏ Minh Trang ý tứ lùi lại phía sau. Em líu ríu, bẽn lẽn:

- Dạ...  vâng ( khi anh Minh đề nghị, anh đèo em bằng xe đạp của Anh. Để Minh Trang đạp một mình cho ...  nhẹ!) Em ngồi một bên, nép vào cẩn trọng ...  Để lại đằng sau bao nhiêu là đôi mắt, tiếng cười - lũ bạn tinh nghịch của anh Minh. Thì bất thần Em gặp bóng dáng Dũng, anh cũng vừa quay lưng nên em không hiểu Anh có nhìn thấy Em(") Em phân vân...  Cũng khoảng được nửa năm gì đó, anh Minh vẫn thương yêu và chăm chút cho Em như ngày đầu gặp gỡ, bên cạnh đó anh lại rất thân với chị Hải. Cháu gái của bà Nguyễn Thị Hội một nhân vật tiếng tăm trong Bộ Y tế, hai người học chung, thí nghiệm chung, thực tập chung và nhiều lần sau giờ học Em nhìn thấy anh Minh đèo chị Hải trên chiếc Cup cánh én "láng cón" của chị Hải: - " Hai người tâm đầu ý hợp hơn Em", em nói, thì anh kêu: "Đúng thật là phụ nữ... Tụi Anh chỉ là bạn học." Mà đúng thật ha, vì ngoài chị Hải ra anh còn rất thân với chị Kim Ngân, con gái của bác sĩ Ngô Văn Duy trưởng khoa Tiết niệu của bệnh viện Bình Dân. Anh Minh còn có cả chìa khoá mở cửa thư viện gia đình họ Ngô. Một tình bạn đầy hứa hẹn cho sự bổ nhiệm sau khi tốt nghiệp (anh Minh giải thích) Vì thời gian đó, ngoài tài năng ra còn phải Nhất thân Nhì thế, không thôi bị bổ nhiệm về nơi rừng thiêng nước độc như chơi. Sanh vào buổi này, Em không những cần phải thông minh mà còn phải có cơ hội nữa, anh vênh mặt tự đắc...  Còn Em, không làm sao chấp nhận được ngày sinh nhật của Minh Trang - em gái của Anh, chị nào cũng đóng vai chị Dâu, em không ra gì hết (Em giận dỗi) thì anh dỗ dành: Hãy tin Anh, tất cả chỉ vì tương lai chúng mình.

Em cũng có thể tin Anh, nhưng không tin vào hạnh phúc chung thân nếu phải gửi gắm đời mình cho một người thực dụng như anh Minh. Vậy là...

Em nhanh chóng nhảy lên xe Quang, một người bạn trong nhóm đồng ca của anh Minh đã sốt sắng với Em từ lâu. Quang thấp người, hơi thô, tướng " Ngũ đoãn", nhưng chân chất, hiền lành, Quang cầm đàn Guitar ca hát " coi cũng tám" Đi chơi với Quang thú vị lắm, hai đữa đạp xe xuống tít Lái Thiêu, vào vườn trái cây của ...  Bà Ngoại Quang , leo tót lên cây chùm ruột, cây trứng cá ngồi vắt vẻo trên đó trò chuyện, Quang có tài ca vọng cổ giống...  Thành Được (Bà nội anh nói dzậy) . Mãi cho tới xế chiều, bà Ngoại bưng ra một khay đủ thứ cho hai đứa "ăn no bụng rồi lấy sức đạp về!"...  Lúc đó hai đứa mới chịu leo xuống, làm nháy mắt...  sạch trơn. Bà Ngoại móm mém trầu khen: - Tụi bay thiệt giỏi hết sức ha. Nhà Quang người miền Nam, miệt "dzườn" thứ thiệt!!! (Quang hay nói vậy) khiến người ta có cảm giác yên ả lạ đời, khác với nhà Nội của Em trồng toàn cây kiểng, kiểu cách đến từng cây tăm xỉa răng...  làm em mệt xỉu. Một cuối tuần với gia đình Quang thiệt thênh thang gió nắng, ấm áp tình thương, làm cho Em cứ ngỡ đây là bến đỗ. Mặc dù Em chưa từng mất ngủ vì Quang, nhưng...

Nhưng có một lần hai đứa đạp xe đạp bên nhau, Quang tâm sự anh sắp sửa đi...  chuyên khoa, và Anh nhất định chọn khoa sản. Thứ nhất Anh rất yêu con nít, thứ hai Anh muốn anh phải là người đầu tiên đỡ lấy ẵm bồng những đứa con của ...  chúng ta. Em tự nhiên rùng mình, nhìn qua Quang Em tự phát hiện giữa mình với Quang chỉ đơn thuần là hai người bạn rất quý mến nhau, không...  hề có cảm xúc của trai với gái. Nghe anh nói đến "con của chúng ta" thay vì rung động , xao xuyến , Em lại thấy bất thường , vô cảm và cả ghê sợ nữa. Xin lỗi Quang, em chỉ có thể mến Anh như một người Anh, xa hơn nữa, Em thì không thể... . Vậy là...

"Vậy là"...  5,7 lần...  "vậy là" rồi, Em cảm thấy mệt mỏi quá đi. Đứng trước cả nhà, Em dõng dạc tuyên bố:

- Từ rày về sau không thèm bồ bịch, trai gái gì nữa ráo,...  phải chú tâm học hành để lọt vào ngưỡng cửa Y khoa mà không cần dựa hơi ai hết. Tương lai quan trọng hơn cả.

Bà Nội ngó em lom lom: - Mi nói thì phải làm cho được đó nghe. Vậy mà, đâu đã được yên thân, chỉ vài tháng sau đó, bà Nội trợt chân té trong nhà tắm, bầm hết mặt mũi...  phải cấp cứu Chợ Rẫy. Vị bác sĩ "non choẹt", khả ái đón băng ca ngay từ cổng cấp cứu...  bác sĩ Viễn.

Bà Nội được hồi tỉnh, mở mắt ra trầm trồ khen ngợi...  - Con nhà ai mà sạch sẽ rứa mi...

Chẳng lạ gì anh Viễn chăm sóc bà Nội từng li từng tí. Ngày xuất viện, bà Nội cầm tay anh Viễn:

- Anh có muốn làm cháu của bà Nội không" - Dĩ nhiên là muốn! Bà Nội đã bình phục hẳn, nhưng lại là lúc anh Viễn ghé nhà chơi thường xuyên hơn, khi thì tiêm thêm thuốc bổ, khi thì xoa bóp cho Nội, khi thì kiểm tra huyết áp ...  À há,...  thì ra trong nhà của Nội còn có còn có một nguyên nhân chính đáng khiến anh Viễn "quên mình": Con bé có đôi má lúm đồng tiền sâu ngoắm, mỗi lần bưng nước ra chỉ cười mà không nói gì. Nụ cười lúng liếng thiếu nữ làm Anh ngất ngây, anh đánh liều:

 - Nội, con muốn mời Ấu Thiên đi chơi, được không"

Bà Nội vui như trúng số:

- Anh đã là cháu của bà Nội, anh muốn chi bà cũng chìu hết.

Em dậm chân, dậm cẳng:

- Con sắp sửa thi rồi, nghỉ hè rồi hẵn hay (Em lần lữa câu giờ) vì em chưa có tí ti tình cảm nào với anh chàng này cả. Bà Nội thương cháu dỗ dành:

- Được làm bạn gái của bác sĩ chấn thương chỉnh hình "oai" phải biết. Con nhà người ta mơ mà không được đó con à.

 Em ậm ừ...

Anh Viễn điềm nhiên: - Hè chỉ còn 4 tháng nữa thôi. Ấu Thiên cứ lo thi cử cho xong đi...

Em cứ đem hết bà chị họ này , đến chị bạn kia ra làm mai cho anh Viễn nhưng đều không thành công. Cuối cùng...  sự kiên nhẫn của anh làm Em chạnh lòng.

Mùa hè hoa phượng nở đỏ khắp các nẻo đường, ngày cuối cùng tan học, anh Viễn đến đón Em. Lũ bạn gái tinh nghịch, nháy nhó: - Ở đâu mà "lòi" ra nhiều cái đuôi rứa, chia bớt cho tụi tao với chứ...

Em cười hãnh diện. Bữa nay tự nhiên thấy Viễn đẹp trai ghê. Anh chở em sâu vào cư xá Bắc Hải gần trường, tìm một quán nhỏ có giàn ti-gôn. Em ngạc nhiên:

- Bác sĩ chấn thương chỉnh hình như Anh mà cũng có ...  "hồn" ghê. Anh cười: Chứ Ấu Thiên nghĩ sao"

Ba điều bốn chuyện không lâu, anh nhìn sâu vào mắt em thành khẩn: - Ấu Thiên, anh nhất định kèm cho em thi đậu vào Y khoa, đợi cho Em đạt thành mộng ước rồi anh sẽ...  thưa gửi...  chuyện trăm năm với gia đình Em sau. Em bất thần nhận ra, anh là một mẫu người đoan trực, khí khái có lối nói chuyện hoàn toàn thuyết phục, lôi cuốn,"trói" người ta lại nhẹ nhàng, mà khó lòng 'mở" ra. Em nghẹn lời:

- Anh Viễn , anh tốt với Em quá. Từ nay em sẽ cố gắng học, cho dù em có trở thành được bác sĩ hay không, em cũng sẽ mãi mãi ghi nhớ câu nói ngày hôm nay của Anh. Cảm ơn Anh. Nhưng...  -Em cắn môi đến bẫm máu-  Nhưng...  Em sắp "qua bển" với Ba.

Anh, thừ người ra: ừ... thì...

- Anh cũng đã đoán có ngày hôm nay, nhưng mà thôi, miễn là Ấu Thiên có tương lai tốt đẹp, trở thành một cô bác sĩ giỏi bất kì ở đâu, anh cũng sẽ ủng hộ và thương mến em. Thú thật, mảnh giấy xuất cảnh không ngăn nổi: Anh yêu Em.

Đột ngột quá! Cả hai cùng thảng thốt, lẽ ra phải là một đêm thơ mộng. Nhưng sau cùng, đây chỉ còn là một ngày khó quên. Thôi đành, chào biệt Sài Gòn của một thời hoa niên thơ mộng...  Chào biệt Anh, anh Viễn...  chào biệt.

Sang xứ người Em không thể xây mộng làm bác sĩ được, khó quá! Em đành lùi lại một bước: Y tá. Thôi đành đàng nào thì cũng là cứu người, Em bằng lòng như vậy.

Ngày đầu tiên thực tập, Em đã có "cái đuôi": Charles Cheung, một bác sĩ Hồng Kông có cái nhìn rất là bác học, mắt kiếng rất dày, mảnh người và xanh xao, nhưng chìu chuộng Em rất mực. Em không hề nói "Yes" hay "No", chỉ chịu ngồi ăn lunch mỗi ngày với người ta. Charles giúp Em rất nhiều trong việc học, soạn cả bài vở cho Em đi thi rất là chu đáo. Ban đầu, Em đặt Charles là Bác sĩ Con cú (đương nhiên là Charles không biết), nhưng dần dần em thấy chàng cũng dễ nhìn và ấm áp. Mà chắc cũng nhờ sự hiện diện của Em mà Charles trở nên hoạt bát, hồng hào và vui vẻ hơn nhiều. Em nhận thấy Charles có nụ cười trẻ thơ, không thể có hai chữ "đểu giả" viết trên gương mặt ngây ngô đó. Nhờ vậy mà Em vượt qua nhiều...  kỳ thi một cách dễ dàng. Quà của chàng tặng cho Em toàn là sách vở. Em thấy chàng giống y hệt trong...  film! Nhưng không sao, Em là người "tâm hồn bay cao hơn thể xác" nên chỉ thích như vậy. Mẹ không bài bác cũng không ưng thuận:

- Hổng lẽ, con không tính lấy người...  "mình" sao Thiên"

Em lấp lửng:

- Con cũng không biết nữa...

Một ngày cuối năm thời tiết ảm đạm, một cái ngày lạnh lẽo và rộn người nhớ đời. Letty, cô bé vị hôn thê của Charles do gia đình xếp đặt từ lâu...  tự tử vì biết Charles có người yêu khác. Xác tím bầm của cô ta được chở ngay vô phòng cấp cứu nơi em đang thực tập. Cũng may con bé được cứu sống, em không trách Charles, ai cũng có một thời để nhớ. Em chỉ thầm chúc phúc cho họ, Letty đáng được sống và hạnh phúc. Cô ta đơn thuần quá, chỉ có Charles hèn nhát, anh không gánh vác nổi một người có thể chết vì mình. Anh chọn cách...  trốn chạy sang giảng dạy ở một đất nước xa xôi: Dominican Republic. Sau đó không lâu em cũng hoàn tất luận văn tốt nghiệp, ra trường và được nhận về làm ở mot bệnh viện khang trang, Hollywood Kaiser Permanenr Med. Center.

Nhìn những bóng áo trắng qua lại, làm em chạnh nhớ đến những bóng áo trắng đã lần lượt đi qua trong đời. Hình như, em không có duyên với mấy anh chàng bác sĩ như bà Nội từng kì vọng, xin lỗi Nội.

Ngay tuần lễ thứ hai đi làm, Em đã gặp Sin, anh chàng bác sĩ cùng khoa "vai ba thước rộng, thân mười thước cao" mắt tin hin, nhưng có duyên ngầm, to lớn, vạm vỡ và tất nhiên có biệt tài với phái nữ hơn Charles nhiều. Đôi mắt anh sóng sánh nóng lửa khi nhìn thấy bóng dáng Em làm Em bối rối. Sin nói: Chờ một người như Em đã từ lâu lắm rồi. Dẫu biết đó chỉ là lối tán tỉnh một sách một vở của bọn đàn ông, nhưng vẫn cứ làm gương mặt Em đỏ ửng. Ở bên Anh sao Em cứ thấy "tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt...  cứ hoài tháng sáu trời mưa". Anh tuyệt lắm, bên Anh mỗi ngày đến bệnh viện và trời vẫn mưa...  Mẹ thở dài: - Lại thêm một thằng ...  Tàu. Em bênh vực: - Miễn là ăn được nước mắm! Đó là thời gian ngỡ là đẹp nhất! Sin là một người tỉ mỉ, chu đáo, ngọt ngào đến cả ánh mắt nhìn.

Nhiều hôm trời lạnh, biết thể nào em cũng dấu tay vào túi áo, chàng tinh nghịch bỏ lén vào một chú gấu bông vừa chạm nhẹ vào đã vội ré lên: I Love You, I Love You. Rồi lật đật giải thích:

- Nó tên ... . Sin

Em nguýt dài:

- Hèn chi...  xấu xí...

Anh khoác vai em bước ra ngoài sân, nắng râm ran hạnh phúc, Sin cầm tay em tán tỉnh:

- Hay là mình chọn ngày lành, tháng tốt (")

Em dúi đầu vào ngực anh lắc nhẹ:

- Mình chỉ vừa mấy tháng thôi mà.

Anh nhìn em say sưa:

- Vậy thì anh đợi thêm...  mình còn cả trăm năm lo gì!

Vậy là trên xe của Em có gắn thêm quả châu lóng lánh màu hồng của Sin...  được cẩn thận khắc thêm hai chữ BE MINE (hãy thuộc về Anh) như một lời đính ước. Vậy mà, có lẽ là duyên số. Em lại gặp "Anh" một lần ở hội thảo chuyên ngành, biết nhau là người Việt Nam, nên chỉ chào hỏi qua loa...  rồi thôi. Vậy mà mấy ngày sau, đi bộ ra ngoài ăn lunch , thì lại gặp Anh ngồi ăn chung với một đồng nghiệp Đại Hàn, còn em thì ngồi với Sin. Lại chào nhau bằng...  mắt.

Lần thứ 3, là ngay đúng vào lúc Em tránh một chiếc xe khi bước từ nhà thương qua parking lot, thì chiếc xe đó chính lại là của Anh: - Người với người mà không hẹn mà gặp nhau đến lần thứ ba, thì đó phải là số mệnh sắp đặt, anh dứt khoát. Em phì cười, anh cũng cười. À ha, em phát hiện anh có cái cười nửa nụ, dễ thương ghê...  Đàm Khoa Nam, bác sĩ nhi đồng, Children Hospital, ngay bên cạnh nhà thương em đang làm việc.

Em hãy còn phân vân thì Mẹ thúc:

- Ưng đi cho rồi...

"Ưng đi cho...  rồi" mấy chữ đó cứ lởn vởn trong đầu óc em, theo em đến chỗ làm, chui tọt vào giấc ngủ, lần hồi...  mộng mị chiêm bao. Ừ đúng ha! Anh Nam chỉ là người đến sau, còn bằng không thì...

Và rồi Anh cũng bắt đầu chờ đợi, đưa đón...  thề thốt...  như bất cứ một người đàn ông nào đang lấy lòng người tình, mặc dù Anh mang một vẻ gì lãnh đạm, băng giá hơn những người mà em đã gặp. Nhưng chính vì vậy mà lại làm em bồn chồn, nôn nao, rối rắm hơn lần nào hết. Vậy là...  Đám cưới. Lũ bạn ngạc nhiên dò hỏi: "Sao nhanh vậy""" Em nhún vai lắc đầu: "Không biết nữa... "

Hai năm sau, Asley rồi Amy lần lượt ra đời, em bận bịu tay bế đến quên cả bản thân. Còn Anh, Anh không thích bạn bè đám đông, mỗi ngày chỉ say mê nghiên cứu về không gian, vũ trụ, đọc sách về y khoa, vật lý...  Sau tuần trăng mật ở Hawai hệt như hầu hết mọi đám cưới bây giờ, Em bị nhốt quanh quẩn trong nhà, cái không gian ngột ngạt mà mà anh nôm na gọi là "lồng son", để cho anh yên tâm trực gác liên miên ở bệnh viện. Có sinh nhật của nhỏ bạn thân, Em năn nỉ, " Anh cũng muốn đi cùng, nhưng ngặt còn cuốn sách dày cộm đang còn đọc dở... "

- Thôi thì Em cứ yên tâm vui với bạn bè, để hai nàng công chúa ở nhà đã có chị Vú lo!!!

Em phụng phịu: Em qua 20 năm rồi mà chưa được về Việt Nam lần nào thì Anh dốc thúc:

- Phải ha, Em cứ thu xếp rồi đưa Bố Mẹ về cùng, còn Anh hãy còn bận lắm... 

Anh làm Em tiu nghỉu...  Ngày sinh nhật, ngày cưới, ngày Valentine... Anh bận rộn tới mức quên mất bông hồng và kẹo chocolate cho Em như ngày đầu mới quen làm Em khóc ấm ức. Chắc Anh nghĩ: Em không cần những thứ đó nữa. "làm như vậy con sẽ cười ngất" mà anh không màng đến khuôn mặt Em buồn đến méo xệch! Em thắc mắc thì Anh ôn tồn giải thích:

- Bà bác sĩ như em đâu thiếu thức gì, có phải em luôn tiêu xài toàn loại bậc nhất thiên hạ, khiến lũ bạn Em còn phải trầm trồ ghen tị cho Em là người may mắn hơn cả. Em coi chừng: đứng núi này trông núi nọ mà khổ Anh!!!

Nghe Anh nói em cũng mềm lòng, đúng vậy ...  kết hôn với anh đã 7 năm rồi mà đâu ngày nào Em phải nhọc tâm lo chuyện cơm áo, đâu bao giờ phải tiếng to, tiếng nhỏ... 

Anh chu toàn, mẫu mực, êm ả đến ngay cả việc âu yếm chúng mình thì em còn đòi hỏi gì thêm nữa" Hay là Em có tâm linh" Mỗi ngày em sợ mình không thể nuốt trôi những món sơn hào hải vị mà chị Vú bày biện, chờ Em gật đầu khen ngon để mát lòng "ông chủ". Muỗng nĩa cải nhau trong thinh lặng, Em uể oải cho xong. Khi Anh dán mắt vào tivi theo dõi và chiếc máy cấp cứu có thể gọi Anh trở lại nhà thương bất cứ lúc nào.

Ngày tháng cứ tiếp tục ảm đạm trôi như những áng mây vô định hướng...  Ashley, Amy bận rộn với sách vở, trường lớp, Anh thì chúi mũi vào những nghiên cứu y học và công việc vô bờ bến, chỉ mình Em rơi vào trầm cảm đến mức suy kiệt...  hồi nào không hay.

Một hôm đắn đo hồi lâu, Em dè dặt đề nghị: - Con lớn rồi, hay để Em đi làm lại. Không ngờ Anh gật đầu: - Nếu như mà Em thích!!! Nhưng mà partime thôi nhé (Anh phì cười như là em giỡn) Em nghiêm mặt: Em đang nói thật. Anh cốc nhẹ vào đầu Em: Sao mà vợ tôi ngốc thế, Em không cần kiếm thêm tiền mà chỉ cần đếm tiền anh mang về đã đủ phồng ngón tay rồi. Anh kiêu hãnh đùa. Vâng Em biết, Em quá đầy đủ, đầy đủ đến thừa mứa, một sự no ngấy chán chường không tả. Em cần một thứ gì oái oăm, vô hình lắm mà những tấm check Anh mang về không thể mua nổi. Em cần tìm lại cảm giác thiếu nữ đã bị đánh mất bấy lâu...

Vậy là em được thoát kén, xổ lồng. Nhà thương mới nơi em làm việc cảnh trí đẹp như trong ciné, rất hợp với những người sống bằng ảo vọng như Em (lũ bạn nói thế) Em thức khuya, dậy sớm hơn...  như hồi sinh trở lại không còn tiêu cực, nản trí nữa. Và rồi...

Và rồi, Em lại gặp "Anh"- một người đàn ông bí ẩn, ở phòng ăn bệnh viện. Đối diện Em, anh ngồi ở góc bàn đó mỗi ngày, cách em một khoảng nhỏ đủ để nhìn thấy mặt. Lần nào cái nhìn của Anh cũng khẩn khoản chờ... Em ngước lên...  để khẽ chào bằng mắt. Đôi mắt lạ lẫm...  Dường như cả biển tình trên thế gian này chìm vào đôi mắt ấy. Ánh mắt Em bất giác, có thói quen rà tìm, mỗi khi không thấy bóng dáng Anh ở phòng ăn. Hôm nào không chạm mắt, cúi chào, lòng Em lại thấp thỏm bất an. Hôm nay Anh bận gì (") Nhà thương lớn quá, Anh ở khoa nào" Khoảng cách không cho Em đủ nhận ra được tên họ và tittle của Anh. Biết đâu Anh cũng là người...  Việt Nam" Bao nhiêu câu hỏi cứ làm em bận rộn, hiếu kỳ...  cả bấn loạn tâm trí.

- Em cho họ cái "notice", làm đến hết tháng này thôi, rồi nghỉ.

Giọng đầy uy nghiêm, Nam nói, làm Em choáng váng.

 - Em đi làm lại đâu có mấy tuần mà thấy xanh xao gầy guộc, tinh thần không ổn định, hay có ác mộng về đêm. Có lẽ, hoàn cảnh bệnh viện không thích hợp với "lá ngọc cành vàng" của Anh.

Em cãi:

- Ngày xưa...

Anh cắt ngang:

- Đó là câu chuyện ngày xưa. Em quên giờ thân phận mình đã khác, Em đã là...  bà...  ( anh bỏ lửng)

Chữ "bà" làm Em cháy lòng. Cảm giác thời thiếu nữ chưa kịp tìm lại đã vội vuột bay. Hình như có một việc gì đó Em chưa kịp làm xong.

Hành lang...  trăng toát, Em lặng lẽ bước những bước hoang mang, nhìn lại cảnh vật lần cuối, thôi đành chào biệt những điều dễ thương vừa mới bắt gặp.

Nắng đẹp vời vợi, có tiếng dương cầm thánh thót đâu đây, không gian đầy kịch tính. Em vò đầu, trưa nay có tiệc chia tay trong khoa làm Em không có dịp xuống phòng ăn bệnh viện, nơi có một chút kỉ niệm bồng bềnh nơi đó ...  Giờ thì tất cả đã im lìm, vắng tanh, muỗng nĩa yên ngủ, góc bàn kia cũng ngả nghiêng ,trống vắng...  Chỉ còn lại hoài tưởng, chỉ còn lại Em yếu đuối, bẽ bàng... 

Tiếng dương cầm như đâu gần lại, thôi miên Em đi về một hướng.... Ngôi Chapel nhỏ xinh xắn nằm ở cuối con đường, bên cạnh thư viện và ngay sau khu dưỡng bệnh của người Cao Niên. Làm việc ở đây mà Em chưa bao giờ khám phá ra một khung cảnh dễ thương đến thế. Tiếng nhạc thánh thót, Đức Mẹ hiền hoà trên cao, Em thốt lên:

- Lạy mẹ từ bi, sao lòng con cứ mãi ngổn ngang, xin Mẹ dẫn dắt cho con gặp để nói lời chào biệt với...  với một người, một người con vẫn chưa biết tên...

Đức Mẹ dang tay mỉm cười, còn lòng Em thẹn đỏ...

Ngôi Chapel với chiếc dương cầm phím trắng, nốt đen...  Đâu có ai đàn, chắc chỉ cõi lòng Em miên man, thánh thót. Em nhỏ xuống phím đàn những lời tình tự

- " Có những niềm riêng làm sao nói hết, như mây, như mơ, như sóng biển khơi... "

Có tiếng nho nhỏ hoà theo từ đằng sau gáy áo "và niềm riêng như nước vẫn đầy vơi..." làm Em thảng thốt quay lại. Người đàn ông với đôi mắt có lửa mà...  Đức Mẹ thương lời thỉnh cầu mang lại cho Em câu trả lời ở góc trái áo: Dr. Kyle Du_ Anesthesia (gây mê). Em ấp úng: Ông có phải người Đại Hàn không"

- Xin gọi tôi Du Minh Khải- Anh dõng dạc chìa tay. Hân hạnh.

Còn Em một chữ cũng không ra lời, chết trân!!!

Một văn hào nào đó đã nói: "true love" chỉ cần 3 giây đông hồ là có thể nhận ra...

Em phải cắn chặt răng để khỏi bật khóc cho đôi chân teo tóp, phải nhờ vào cái nạng để đứng của Anh. Lúc lên 9 tuổi, một lần sốt cao đã để lại di chứng là đôi chân teo tóp, ngặt nghèo và cũng chính từ đó Anh chỉ nuôi một hoài bão là có thể trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho người và cho...  mình.

Nước mắt Em như một lời tự thú, Em mấp máy muốn nói tên mình...  thì Anh thay lời, mạnh dạn:

- Theresa (Ấu Thiên) Tran, khoa phóng xạ (Radiation Therapy). Tôi biết từ lâu rồi. Anh cười bí ẩn: Em dạo đàn tiếp đi.

Em ảo não lắc đầu như người sắp từ giã cõi đời:

- Không kịp nữa rồi.

Tiếng Anh trầm buồn, kiên nhẫn: Bữa nay không kịp thì...  ngày mai. Tôi chờ. Tôi sẽ chờ Em ngay tại nơi này nhé cô Tiên nhỏ.

Em trao cho Anh cái nhìn lần cuối. Sẽ không còn một ngày mai nào nữa. Vĩnh biệt Anh, Du Minh Khải.

Em ù chạy, những nốt nhạc đuổi theo vướng vấp. Khung trời không còn nắng, ánh mắt hoàng hôn tối lại, màn đêm buông qua nhanh. Những vì sao ngỡ ngàng như những dấu chấm lửng...  chạy dài và sau cùng là một dấu CHẤM HẾT.

Ý kiến bạn đọc
06/12/202300:49:31
Khách
Câu chuyện dễ thương nhưng sao lòng người lắm những đa đoan..... rãnh rỗi sanh nông nổi
Khổ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,644,530
Tôi được sanh ra ở đất Mỹ này khi Mẹ tôi vừa hai mươi bốn tuổi. Mẹ tôi vừa xong đại học và có việc làm vững chắc.
Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California
Với 11 bài viết trong năm, trong đó có tới 4 bài vào "top ten" về số lượng người đọc nhiều nhất trên Vietbao Online, Quân Nguyễn là tác giả đã nhận giải
Tác giả 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, công việc: Civil Engineer, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt, trong số này có "Rằng Xưa Có Gã Làm Nail,"
Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Ông hiện là cư dân Westminster, vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Sau đây là bài viết thứ năm  của ông, với nhiều nỗi cay đắng.
Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida
Địa chỉ nhà tôi có chữ CT (Court) sau tên đường, tức là trong vòng lẩn quẩn của mươi căn nhà, tạo thành một vòng tròn đồng tâm là cái công viên nhỏ nhỏ
Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007
Tác giả vượt biển, định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",