Hôm nay,  

Trại "Cải Huấn" Thiếu Niên Phạm Pháp

27/12/200700:00:00(Xem: 396033)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 2165-1957-733vb2031207

*

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Nguyễn Trần Phương Dung đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Sau đây là bài viết mới của cô về nhà tù thanh thiếu niên phạm pháp ở vùng Bắc Cali, nơi có 10% là các thiếu niên Việt phạm pháp.

*

7 giờ 35 sáng.

Duy quẹo xe vào cổng trại "cải huấn" James Boys Ranch. Bãi đậu lưa thưa xe. Chàng nhận ra vài chiếc quen thuộc của những đồng nghiệp làm việc ban đêm. Còn sớm chán. Gần nửa tiếng nữa mới đến giờ làm việc của chàng. Văn phòng chính phủ thường bắt đầu lúc 8 giờ. Chàng có thói quen đến sớm, bao giờ cũng có mặt trước ít nhất 15 phút.

James Boys Ranch nằm ở thành phố Morgan Hill, phía nam của vùng vịnh. Dù ở sát nách với San Jose là một trong những thành phố phồn thịnh và đông dân cư nhất của tiểu bang California, Morgan Hill vẫn bị coi là một thành phố nhỏ miền quê. Có lẽ vì 20 năm trước Morgan Hill còn là những nông trại trồng rau cỏ và cây ăn trái. Người tị nạn Việt Nam đã một thời xuống đây hái dâu, hái ớt, cắt trái cây kiếm sống. Khi kinh tế của vùng thung lũng điện tử đi lên, người Việt cũng giả từ nông trại đưa nhau đi làm ở những hãng điện tử. Những năm sau này giá nhà vùng vịnh đua nhau lên vùn vụt. Đất đai hiếm hoi, nhà thầu nườm nượp kéo dần về hướng nam mua lại những nông trại rồi xây nhà. Nhiều người hóm hỉnh nói Morgan Hill đang trở thành "Mortgage" Hill. Sát cạnh James Boys Ranch là những ngôi nhà đồ sộ đáng giá bạc triệu. Dù vậy, khi nói đến thành phố này, người Việt vẫn bĩu môi chê "vùng khỉ ho cò gáy".

James Boys Ranch nằm trên một khu đất khá lớn sát chân đồi Morgan Hill, cạnh hồ Anderson Lake thoáng mát. Không khí buổi sáng ở đây thật tinh khiết dể chịu. Duy thường đến sớm đi bộ lòng vòng khu trại một lúc trước khi bắt đầu ngày làm việc. Hôm nay vướng ly café mới mua ở 7 Eleven nên Duy chỉ đứng một nơi, đưa mắt ngắm cảnh vật xung quanh trại. Hơi mát của trận mưa đêm qua như còn đọng trên cây cỏ. Những ngọn đồi trước mặt mới mấy tuần trước còn khô cằn cỏ dại mà hôm nay đã xanh tươi sức sống. Tiếng róc rách của suối nước Coyote Creek chảy từ đập nước của hồ Anderson Lake làm tâm hồn chàng thư thái dễ chịu. Duy thích cái không khí yên tỉnh nơi đây, dù đôi khi cũng cảm thấy hơi buồn. Thời gian đầu về làm việc, nhất là những hôm mưa rơi rã rích, chàng không nghĩ là mình sẽ "chịu đựng" được lâu. Tưởng chỉ làm tạm một thời gian. Vậy mà đã 6 năm trôi qua. Bây giờ thì chàng không còn nghĩ đến chuyện trở về nghề cũ nữa.

Sống ở thung lũng điện tử, Duy không ngoại lệ làm việc nhiều năm trong những công ty high-tech. Những tưởng sẽ về hưu với nghề Quality Control nhàn hạ, nào ngờ cuộc khủng hoảng "dot com" đã đưa sự nghiệp của chàng qua một ngã rẻ khác. Bước qua thiên niên kỷ mới chưa bao lâu, nền kinh tế Mỹ đang ở trong thời kỳ cực thịnh bỗng dưng tuột dốc cái ào. Thị trường trứng khoán đang từ màu "xanh rì" chuyển sang "đỏ choét". Hiện tượng "bong bóng bể" xẩy đến với nhiều công ty mà trước đó không bao lâu còn được đánh giá cao với giá cổ phần tăng vù vù ngay từ ngày đầu tiên ra trình làng. Hy vọng làm giàu nhanh, về hưu sớm của nhiều người phút chốc bị đập tan. Cổ phần xuống giá, hãng xưởng lỗ lã đua nhau sa thải nhân viên. Nhiều hãng còn phải khai phá sản và đóng cửa. Duy không may lọt vào danh sách dài thòng của những người "được" nằm nhà ăn tiền thất nghiệp.

Làm "Mr. Mom" bất đắt dĩ được 2 tháng, đang "rầu thúi ruột" thì nhận được cú điện thoại của thằng bạn làm trong văn phòng Mental Health của quận hạt Santa Clara. Ê, có muốn làm social worker coi đám thanh thiếu niên phạm pháp không" Chàng phì cười. Có lộn không, background của tao là high-tech, biết gì về xã hội mà làm" Sao không, thằng bạn cãi. Không phải mầy mười mấy năm nay theo các cha các sơ "vác ngà voi" tổ chức tỉnh tâm, trại hè cho giới trẻ à" Cái đó không phải là công tác xã hội thì là gì" Mầy không có bằng chuyên môn về ngành này nhưng có kinh nghiệm. Người ta đang cần người biết tiếng Việt để chăn đám ranh con da vàng mũi tẹt và giúp cho gia đình của chúng. Ngoài những trở ngại về ngôn ngữ, rất nhiều người, kể cả những sắc dân khác, không rành về luật lệ và thủ tục "ủ tờ". Cứ thảy resume cho tao, kêu mấy ông cha mấy bà sơ của mầy viết thêm vài lá thư giới thiệu. Được nhận rồi buổi sáng đi làm, buổi chiều đi học khóa cấp tốc 9 tháng "Empowerment Skills for Family Workers" là thành chuyên viên ngay.

Và Duy trở thành nhân viên xã hội thật thụ. Chàng làm việc ở trại cải huấn thanh thiếu niên phạm pháp, được trả lương và hưởng đầy đủ phúc lợi để giúp giới trẻ chứ không còn "rảnh hơi vác ngà voi không công" như thằng bạn thường chọc.

Khi vào làm cho quận hạt rồi Duy mới thấy tổ chức luật pháp của Mỹ rất qui mô, dù là cho trẻ em vị thành niên. Nếu như không rành về thủ tục và không biết kiếm thông tin ở đâu, gia đình của những em phạm pháp rất dễ bị hoang mang bối rối.

Một trong những nhiệm vụ chính của chàng là giúp đỡ cho những gia đình có con em trong trại cải huấn về thủ tục và thông tin liên quan đến các em trong suốt thời gian bị tại giam và khởi tố.

 

Thủ tục pháp lý với trẻ

vị thành niên phạm pháp

 Đây là loại pháp lý khá phức tạp. Khi một thiếu niên dưới 18 tuổi phạm pháp, quá trình phải trải qua như sau:

1. Arrest - Bắt giam.

2. Arresting Officer Options - Người Sĩ Quan Bắt Giam có những lựa chọn như sau:

- Để đứa nhỏ hay để nó tự về nhà cha mẹ, hay dẫn nó về nhà hay về lại chổ bị bắt. Có thể lưu giữ lý lịch của người liên lạc (contact person).

- Giới thiệu đứa nhỏ qua một Văn Phòng Xã Hội (Social Office) lo chỗ ở, chăm sóc, giải trí lành mạnh, hay cố vấn tâm lý.

- Bắt đứa nhỏ lại Ty Cảnh Sát (Police Department) hoặc Văn Phòng Quản Chế (Probation Department).

- Cho cha mẹ và đứa nhỏ Lệnh có Mặt (Notice to Appear), và cho biết những gì phải làm và khi nào.

- Bắt giam đứa nhỏ trong tù tạm thời (Juvenile Hall), trường hợp này cũng được gọi này là "tại giam" (In-Custody). Nếu đứa nhỏ bị giam giữ, người cảnh sát phải liên lạc cho ba má nó biết là nó đang bị tại giam và hiện bị nhốt ở đâu.

3. Probation Department Options - Văn Phòng Quản Chế cũng có những lựa chọn. Khi đứa nhỏ gặp người Sĩ Quan Quản Chế (Probation Officer) lần đầu tiên, một trong 3 điều sau đây có thể xẩy ra:

- Sĩ Quan Quản Chế có thể khiển trách đứa nhỏ rồi cho về nhà mà không phải liên hệ với Tòa Án dành cho Thanh Thiếu Niên (Juvenile Court).

- Sĩ Quan Quản Chế có thể đề nghị cho đứa nhỏ một chương trình tự nguyện thay vì phải ra tòa. Thường thường nếu đứa nhỏ hoàn thành một cách mỹ mãn chương trình đề nghị (thí dụ như học những lớp đặc biệt hay dự chương trình cố vấn lạm dụng rượu bia hay ma túy, làm công tác xã hội, dọn dẹp rác rến&) thì không cần phải liên hệ với Tòa Án dành cho Thanh Thiếu Niên.

- Sĩ Quan Quản Chế có thể giới thiệu hồ sơ qua Luật Sư Địa Hạt (District Attorney). Sau đó luật sư sẽ quyết định có nên đệ trình kiến nghị (file a petition) hay không. Nếu như đứa nhỏ bị tại giam, kiến nghị phải được đệ trình trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Phiên tòa phải được tiến hành trong vòng 24 tiếng sau khi luật sư đệ trình kiến nghị.

Ghi chú: Nếu Tòa Án Thanh Thiếu Niên không liên hệ, đứa nhỏ sẽ không bị hỏi có nhận những tội bị cáo buộc hay không, và những cáo buộc cũng sẽ không bị lưu vào hồ sơ.

4. Office of District Attorney - Văn Phòng Luật Sư Địa Hạt quyết định có đệ trình kiến nghị hay không.

5. Detention Hearing - Tại buổi hầu tòa này, một luật sư sẽ được chỉ định để đại diện đứa nhỏ. Thường thường Tòa sẽ ra lệnh cho Văn Phòng Quản Chế chuẩn bị một bản báo cáo về tiểu sử của đứa nhỏ ở nhà và ở trường để có thể giúp Tòa quyết định có cần can thiệp vào đời sống của nó hay không. Nếu không thể giải quyết vấn đề trong lúc này, hồ sơ sẽ được lên lịch để qua Pre-Trial Conference.

6. Pre-Trial Conference - Tại đây, đứa nhỏ có thể nhận những tội bị cáo buộc. Nếu không, hồ sơ được đưa ra Jurisdiction Hearing ở Juvenile Court để xử.

7. Trial or Jurisdiction Hearing - Tại đây, nhân chứng sẽ được gọi lên và luật sư hai bên sẽ trình bày những tranh luận. Quan tòa sẽ quyết định Luật Sư Địa Hạt có chứng minh được những cáo buộc, vượt qua những hồ nghi hợp lý, hay không.

8. Disposition Hearing - Nếu đứa nhỏ nhận tội, hay nếu Quan Toà nhận thấy những cáo buộc là đúng, tại buổi Disposition Hearing này Quan Tòa sẽ quyết định phải làm gì để cải huấn đứa nhỏ. Quan Tòa có thể ra lệnh đứa nhỏ về quản chế tại nhà, đến một nhà dành cho thanh thiếu niên (Placement Home), vô trại cải huấn (Juvenile Rehabilitation Center/The Ranch), ở lại trại tù tạm thời của quận hạt (Juvenile Hall) để chờ tòa tuyên án hay sắp đặt, hay trong những trường hợp tội nặng, tới nhà tù thiếu niên của tiểu bang (California Youth Authority).

9. Review - Duyệt xét lại hồ sơ.

Trong tất cả các trường hợp liên can đến trẻ em vị thành niên, Tòa sẽ cố gắng cân nhắc những nhu cầu đặc biệt của từng em, để tìm cách giúp các em trở lại với cuộc sống lành mạnh bình thường, trước khi quá trể. Tòa có thể ra lệnh các em vào các chương trình cố vấn, học tập hay công tác thiện nguyện. Tùy theo mức thu nhập, gia đình các em có thể phải trả lệ phí và hoàn tiền lại cho chương trình. Các em cũng có thể được ấn định cho một người Sỉ Quan Quản Chế trông nom.

Nếu các em được đặt dưới sự chăm nom của Tòa như những vị thành niên phạm pháp, Tòa sẽ có những lệnh để bảo vệ cho các em và cộng đồng. Các em có thể được:

- sống ở nhà dưới sự giám sát của tòa.

- sống ngoài nhà của gia đình, ở một facility bị khóa hay không khóa, tùy thuộc vào tuổi của đứa nhỏ, tính chất nghiêm trọng của tội đã phạm, và quá khứ tội phạm.

Trong trường hợp tội nặng, Luật Sư Quận Hạt có thể yêu cầu trẻ em vị thành niên bị xử như người lớn.

Vào trại cải huấn

Khi được đưa vào Trại Cải Huấn, các em thiếu niên được đặt dưới quyền trông nom của những người Cố Vấn Quản Chế, được dạy dỗ bởi những thầy cô dạy các chương trình học tập, giám sát bởi những chuyên viên Sức Khoẻ Tinh Thần, cai rượu và xì ke ma túy bởi Cơ Quan Pathway, và nâng đỡ bởi những nhân viên Xã Hội. Ngoài ra, còn có một số người lo những chương trình đặc biệt, nấu ăn và dọn dẹp phòng vệ sinh trong trường học cho các em. Đây là một tổ chức qui mô, với sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa các văn phòng chính phủ và tư nhân.

Quận hạt Santa Clara vùng Bắc California hiện tại có hai trại cải huấn giam thanh thiếu niên phạm pháp: Muriel Wright Residential Center nằm ở phía nam San Jose. Và James Boys Ranch nằm ở Morgan Hill. 

- Muriel Wright Residential Center giam cả nam lẫn nữ thiếu niên. Nam từ 13 đến 15 tuổi rưởi, nữ từ 13 đến 18. Trung bình trại giam từ 30 đến 40 em, khoảng 1/3 nam, 2/3 nữ. Các em được ghi danh vào chương trình học theo nhu cầu của từng cá nhân và có thể đủ tiêu chuẩn để thi lấy bằng General Education Program. Ở đây chú trọng đặc biệt đến những em cần những dịch vụ ngoài chương trình học vấn thường, được cung cấp bởi những cơ quan Contracted Agencies bên ngoài. Những chương trình này bao gồm: Giáo Dục về Rượu và Thuốc, Trị Liệu Bịnh Lạm Dụng Thuốc, Những Người Ghiền Rượu Vô Danh Alcoholics Anonymous, Điều Khiển Cơn Nóng Giận, Bạo Hành Trong Gia Đình, Cấp Cứu CPR/First Aid, Lạm Dụng Tình Dục, Khả Năng trong Đời Sống, Sức Khỏe Tinh Thần, Nuôi Nấng Con Cái, Dịch Vụ về Đạo, Điệu Nhảy Dân Tộc Los Lupenos và Can Thiệp Chống Băng Đảng.

-James Boys Ranch giam nam thiếu niên tuổi từ 15 rưởi đến 18. Trung bình trại giam từ 60 đến 80 em. Ở đây ngoài chương trình Trung Học Blue Ridge High School Program mà các em có thể lấy bằng General Education Program, các em còn có thể tham dự vào các chương trình làm việc trong và ngoài trại. Các em làm những công việc của quận hạt Santa Clara Valley Water District, và những công việc xã hội community work. Ngoài những chương trình đặc biệt như của Muriel Wright Center kể trên, James Boys Ranch còn dạy về Kỷ Thuật Xây Cất, Sửa Xe, Thể Thao, Hàn, Chương Trình Trồng/Chie^'t Cây từ Hạt, và Thuyết Trình về Chương Trình Cải Huấn Thanh Thiếu Niên của Tiểu Bang. Những em thuộc băng đảng có hình xâm trên người có thể yêu cầu phá đi qua chương trình Tattoo Removal.

*

Duy là nhân viên Xã Hội của văn phòng Mental Health của quận hạt Santa Clara. Chàng chia giờ làm việc ở cả 2 trại James Boys Ranch và Muriel Wright Residential Center. Chàng cộng tác chặt chẽ với nhân viên thuộc tất cả văn phòng khác đang làm việc tại trại cải huấn để tìm ra nhu cầu và bịnh tình của các em để tìm phương cách điều trị. Chàng gặp gỡ các em thường xuyên để quan sát, theo dõi, nâng đỡ, cố vấn tinh thần và ghi danh các em vào những chương trình học tập thích hợp.

Duy hài lòng với công việc mang tính cách giúp đỡ người khác.

Trẻ em vị thành niên

phạm pháp người Việt

Nhóm Xã Hội của Duy coi sóc cho tất cả các em trong trại. Duy đặc trách cho nhóm Á Châu. Tất cả những hồ sơ Việt Nam đều thuộc trách nhiệm của chàng. Trẻ em vị thành niên phạm pháp người Việt bị giam trong trại cải huấn của quận hạt Santa Clara chỉ vài phần trăm so với những sắc dân khác. Thời gian đông nhất có khoảng 10 em Việt Nam, chừng 10% tổng số. Các em phần đông bị giam vì tội đánh lộn, thuộc thành phần băng đảng, ăn cắp, trộm cướp, hay dùng xì ke ma túy.

Các em Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần. Có em từ các gia đình khá giả, ba mẹ là những người có máu mặt trong cộng đồng, cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng thiếu thốn tinh thần. Có em mới qua chưa bao lâu, ba mẹ phải đi làm đầu tắt mặt tối không có giờ hướng dẫn các em. Có em cam phận mồ côi trong khi cha mẹ còn sống sờ sờ, phải ăn mày tình thương của bà con họ hàng, tủi phận và bất mãn bỏ nhà đi hoang, gia nhập băng đảng. Có em thuộc gia đình "chắp nối", tức cha kế, ghét mẹ ghẻ, "quậy" tưng bừng cho bỏ ghét. Có em cuộc sống gia đình không có gì chê trách nhưng rãnh rỗi kết bè kết lũ tập hút thuốc, chơi xì ke. Có em hiền lành ngoan ngoãn nhưng đi học bị đám du côn ăn hiếp, lâu ngày tức nước vỡ bờ, kêu anh kêu em rình rập tìm cơ hội trả thù để rồi chính mình vào tù mà đám du côn vẫn nhởn nhơ sống thảnh thơi.

Duy có bổn phận liên lạc với phụ huynh các em để tìm hiểu về gia cảnh và giúp đỡ cho họ những gì cần thiết. Hầu hết tất cả mọi người chàng gặp đều rất đàng hoàng. Mỗi gia đình một hoàn cảnh riêng nhưng ai ai cũng thương yêu con cháu và mong mỏi cho chúng nó nên người. Cái thành kiến "con cái hư là vì gia đình không ra gì" chỉ đúng với một thiểu số nhỏ. Vấn đề lớn là làm sao dạy dỗ để chúng nó không đi lạc đường.

Gian đoạn tuổi vị thành niên dở dở ương ương tự nó đã là một thử thách cam go cho cả phụ huynh lẫn thanh thiếu niên. Hai thế hệ lớn lên từ hai môi trường khác biệt Tây và Ta càng khó cảm thông cho nhau. Xã hội ngày nay lại có quá nhiều cám dỗ cạm bẫy. Càng ở những thành phố lớn, nơi có nhiều chỗ ăn chơi, càng nguy hiểm. Con cái bước chân ra đường là ba mẹ ở nhà đứng ngồi không yên. Cho đi thì lo mà không cho đi thì không được. Nhu không được mà cương cũng không xong. Bất cứ chuyện gì cũng có thể bắt ngòi cho những hiểu lầm, bất hòa giữa hai thế hệ. Làm sao để hiểu nhau" Làm sao tìm được quân bình giữa phong tục "bảo thủ" Việt Nam và "thoải mái tự do" của Mỹ" Điểm "trung" giữa "nắm tay dẫn dắt con cái để chúng không vấp ngã vào những sai lầm mà ba mẹ đã nhìn thấy trước" và "để con tự lập, tự phạm sai lầm và học hỏi từ những sai lầm của chính mình" ở đâu" Thế nào là quá khắt khe, thế nào là quá dễ dãi" Những gì nên nói chuyện với con, những gì nên để cho nhà trường dạy hay để chúng lớn lên "tự biết"" Khi nào là lúc nên nói với chúng về những vấn nạn thời đại như tình dục, ngừa thai, bạo động, xì ke ma túy" Đây là những ưu tư hàng đầu của những bậc làm cha làm mẹ chứ không riêng gì của những người có con em bị giam trong trại cải huấn.

Càng thấy nhiều trường hợp thanh thiếu niên Việt Nam hư hỏng Duy càng đâm lo. Không bao lâu nữa các con của của chàng sẽ đến giai đoạn vị thành niên. Chàng rút tỉa học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương của những đứa trẻ và gia đình chàng đang giúp, lòng cầu mong gia đình chàng sẽ không phải lâm vào trường hợp tương tự.

8 giờ 30 sáng.

Ly cà phê trên bàn nguội ngắt. Duy lay hoay viết báo cáo cho những việc làm ngày hôm qua và chuẩn bị cho những việc làm hôm nay. Chàng dự định dành trọn ngày cho các hồ sơ Việt Nam.

Có tiếng bước chân ngoài hành lang. Anh chàng Probation Counselor người da đen thân thiện hiện ra nơi khung cửa với một cậu bé chừng 16 tuổi. Duy tươi cười:

- Chào Martin. Khỏe chứ"

- Còn đi làm là còn khỏe. Tôi đi qua cafeteria mua ly cà phê, luôn tiện đưa "lính mới" qua gặp bạn đây.

- Tôi đang chuẩn bị đi qua bên bạn đón cậu bé đó chứ. Cám ơn bạn đã đở cho tôi một chuyến cuốc bộ.

- Có gì đâu, tiện thể mà. Lát nữa bạn đưa cậu bé về nhớ ghé tôi nha. Mình ra ngoài hít thở không khí buổi sáng.

Martin nháy mắt rồi bỏ đi. Duy nhìn theo lắc đầu cười. Cái "ống khói" đi tìm bạn đồng hành đây. Chàng bỏ thuốc lá đã lâu nhưng thỉnh thoảng cũng ra đứng nói chuyện tầm xào và "ngửi khói" với Martin. Những hôm trời âm u xam xám như hôm nay, chàng cảm thấy thèm điếu thuốc lá, nhưng ráng nhịn để "chìu vợ và làm gương cho các con".

Thằng bé vẫn đứng tần ngần nơi cánh cửa. Duy chỉ cái ghế trước mặt:

- Vào đây ngồi. Tony phải không"

- Yes, Mr. Nguyen.

À. Thằng bé đã biết tên mình. Không biết nó để ý thấy bảng tên trên bàn hay hỏi ai khác" Khá lắm. Chàng hỏi tiếp, vẫn bằng tiếng Anh:

- Tony nghe và nói được tiếng Việt không"

- Yes, Mr. Nguyen.

Chàng chuyển sang tiếng Việt:

- Gọi "chú" được rồi. Tony sinh ở Mỹ, biết tiếng Việt chắc là ba má nói tiếng Việt ở nhà hả"

Thằng nhỏ cười, khoe hai chiếc "răng thỏ" thật dễ thương. Con nít lớn lên ở đây dinh dưỡng đầy đủ nên đứa nào đứa nấy có những chiếc răng cửa to khổng lồ. Hai hàm răng của Tony trắng đều chứng tỏ đã được niềng và chăm sóc kỹ lưỡng. Nó nói một hơi:

- Dạ, ba má con bắt nói tiếng Việt ở nhà. Hồi đó con còn đi học tiếng Việt ở nhà thờ mỗi thứ bảy nữa. Nhưng sau này ba má bận công việc nên không ai chở con đi nữa&

Thằng nhỏ bỗng im bặt, ánh mắt lộ một thoáng buồn. Chàng nhỏ nhẹ:

- Còn nói được tiếng Việt như vậy là giỏi lắm. Vậy thì mỗi lần gặp nhau mình có thể nói tiếng Việt hoặc tiếng Anh, tùy Tony thấy cái nào thoải mái hơn.

- Dạ, con thích nói tiếng Việt.

Chàng nhìn thằng bé ngạc nhiên. Tony mặt mày sáng sủa, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép. Theo như trong hồ sơ thì Tony con nhà khá giả, bố doanh nhân, mẹ dược sĩ. Tony sinh ở Mỹ, đang học Trung Học ở một trường công thuộc khu nhà giàu. Điểm học của Tony khá, không một lời phê phàn nàn nào từ các thầy cô, không một "vết đen" nào cho đến hết năm lớp 10. Niên học năm nay bắt đầu được hai tháng thì Tony đột nhiên dở chứng, liên tục vô cớ gây chuyện trong trường. Sau mấy lần bị "cảnh cáo", Tony bị Tòa cho vào trại cải huấn 6 tháng với lý do "đánh lộn".

Nói chuyện một hồi Tony mới thổ lộ là ba mẹ nó bận rộn quá, suốt ngày lo làm ăn. Nó là con một nên chẳng có ai để chơi chung và trò chuyện. Nhà nó trên ngọn đồi Evergreen. Muốn đến nhà nó phải đi qua cổng có security gác. Bạn bè nó ngại đến thăm. Ba má nó cũng không muốn ai đến lúc ông bà không có ở nhà. Ngoài giờ học, nó đi ra đi vào căn nhà đồ sộ, làm bạn với máy vi tính, máy video games và TV. Làm bài cũng mở TV, ăn tối cũng mở TV, đi ngủ cũng mở TV. Nó muốn được nghe tiếng động. Nó thèm được nghe tiếng người. Nó nghe nói ở trong trại cải huấn vui lắm. Đám nhóc được chia thành từng nhóm, sống và sinh hoạt chung với nhau cả ngày. Ban đêm ngủ chung trong một căn phòng tập thể. Tuy mang tiếng bị nhốt nhưng chúng được ăn, được học, được chăm sóc đủ thứ. Ngày 24 tiếng lúc nào cũng có Cố Vấn Quản Chế và nhân viên Xã Hội bên cạnh lo cho chu đáo. Nó cố tình đánh lộn để bị bắt vào trại cải huấn một lần cho biết.

Tony kể chuyện đi tù như con nít kể chuyện đi thăm park Disneyland. Cũng với điệu bộ hào hứng,  nét mặt hí ha hí hửng như mình đang làm cái gì hay ho lắm, như đi tù là cái gì sung sướng lắm. Thằng bé có đời sống vật chất quá thừa mứa trong khi tinh thần thì đói khát. Nó thèm khát tình liên đới với người khác đến độ phải tự đưa mình vào tù để có bạn. Duy thấy lòng xót xa, vừa giận vừa thương thằng bé.

10 giờ 30 sáng.

Duy đưa Tony về dãy nhà ở. Buổi gặp mặt đầu tiên bao giờ cũng lâu. Cần bỏ giờ làm quen, quan sát, tạo tin tưởng lẫn nhau. Duy ghé ngang văn phòng của những người Probation Counselors. Văn phòng "cubical" với những vách thấp được ngăn ở một góc phòng ngủ tập thể để tiện việc canh chừng lũ nhóc. Martin đang thầm thì gì đó với những người counselors khác. Thấy Duy, Martin quay qua nói với họ:

- Tôi đi nghỉ giải lao đây. Chút xíu sẽ trở lại.

Ra ngoài, Martin đứng hút thuốc, Duy ngồi nhìn dòng suối tìm một chút thư giãn. Im lặng một lát, Martin lên tiếng:

- Bạn biết chuyện gì xảy ra cuối tuần vừa rồi chưa"

Duy lắc đầu nhìn Martin chờ đợi. Martin rít một hơi dài rồi tiếp:

- Còn nhớ thằng Jose H. không"

- Thằng nhỏ vừa xong chương trình của trại và được về nhà 2 tuần trước"

- Đúng rồi. Thứ sáu vừa rồi nó tụ tập ở một tiệm fast food nơi khu vực phía đông San Jose với đám bạn, cãi nhau sao đó với một đám khác và bị bắn chết.

Duy đứng như trời trồng. Thằng nhỏ người Mễ to con hay rủ chàng đánh ping pong mỗi lần gặp mặt. Thằng nhỏ láu cá lần đầu khinh địch đòi chấp chàng và bị chàng dũa te tua 10 ván liên tục. Thằng nhỏ cố gắng tập luyện hy vọng có ngày thắng được chàng, để chàng mua cho nó cái Quarter Pound Meal của McDonald's. "Mấy người nấu ăn trong trại làm French fries dở ẹt, chỉ McDonald's là làm ngon và giòn nhất," nó vẫn thường nói với chàng như vậy. Thằng nhỏ lần nào cũng thua nhưng chàng thương tình thỉnh thoảng buổi trưa vẫn ra mua McDonald's đem vô cho nó ăn. Thằng nhỏ trước khi được thả ra còn cười toe toét khoe với chàng là nó sắp được làm cha. Lúc nó bị bắt vô trại cải huấn con bồ 15 tuổi vừa báo tin có thai...

Duy cảm thấy chóng mặt buồn nôn. Phải mấy phút sau chàng mới lấy lại được bình tỉnh. Chàng ra dấu cho Martin đi trở vô. Chàng còn cái hẹn với một cậu bé Việt khác. Martin dập tắt điếu thuốc rồi nhìn sâu vào mắt chàng:

- Còn nữa. Thằng bé bắn chết Jose đã bị bắt. Nó đang bị giam ở Juvenile Hall. Có thể tụi mình sẽ bị yêu cầu qua bên đó để gặp và giúp nó. Chuẩn bị tinh thần đi nhé.

11 giờ sáng.

John ngồi đong đưa 2 chân, nét mặt 17 tuổi nhìn non như 15. Cuối tuần vừa rồi John được về thăm nhà, trở lại thấy vui vẻ hẳn lên.

Bằng một phương pháp khách quan, mỗi tuần các em trong trại được phê điểm cho những tiến triển của việc học, sự tham gia trong những chương trình đặc biệt, công việc phải làm trong trại và hạnh kiểm. Sau khi nhập trại 30 ngày, nếu điểm phê tốt, các em được về nhà một hay cả hai ngày cuối tuần. Em nào không được về thì ba mẹ hay người giám hộ có thể vào thăm vào ngày Chủ Nhật, từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Chàng hỏi nó:

- Ba má khoẻ không, John"

- Dạ khỏe. Má con gửi lời thăm chú. Ba nói hôm nào chú rảnh ghé nhà con nhậu với ba một bữa.

- Ừ, lát nữa chú gọi cám ơn ba má. Vài bữa nữa chú ghé thăm, nhưng đi nhậu thì chắc là không được...

- Chú sợ bị cô la hả" Thằng nhỏ tài lanh cắt ngang.

Duy nhìn nó trìu mến. Thằng nhỏ trắng trẻo bảnh trai, nói năng lễ phép, chỉ phải tội cộc tính. Nhà bốn anh em trai thì hết ba thằng nếm mùi tù. Thằng anh cả, Jeff, bị tội gia nhập băng đảng. Lúc nó bị giam trong trại cải huấn, chàng chưa vào làm việc ở đây. Mấy năm sau đến thằng thứ hai, Jake, vô vì tội đánh lộn trong trường. Chàng có coi Jake trong thời gian nó bị giam. Jake về chưa được bao lâu thì đến phiên John vào. John tính tình hiền hòa hơn hai thằng anh. Nhưng thường thường đứa nào hiền thì hay cộc. Nhà ở trong khu lao động. Nó hay bị đám Mễ ăn hiếp. Một hôm tức quá nó hẹn với hai thằng anh, lừa thằng Mễ ra sân trường sau giờ học, cầm cây sắt phang thằng con tét đầu, máu chảy lêng láng. John bị tòa bắt vào đây 6 tháng và bắt học chương trình Điều Khiển Cơn Nóng Giận (Anger Management). Thằng em út, Jeremy, 14 tuổi, cũng bảnh trai và lễ phép như những thằng anh, đang học lớp 9. Duy hy vọng sẽ không có ngày phải "chăm sóc sức khoẻ tinh thần" cho nó trong trại cải huấn.

12 giờ trưa.

Duy đưa John qua cafeteria giao cho Cố Vấn Quản Chế để nó ăn trưa với nhóm. Ở trại có người nấu ăn nhưng chúng nó phải chia nhau dọn dẹp và rửa chén sau khi ăn. Đây là một cách để tập cho chúng có tinh thần trách nhiệm. Hôm nay đến phiên John rửa chén. Chàng muốn nó có đủ giờ ăn uống trước khi phải làm việc.

Từ cafeteria, Duy trở về văn phòng ngồi thừ nghĩ ngợi. Từ sáng đến giờ chỉ có nửa ly cà phê nhưng chàng không thấy đói. Morgan Hill không có bao nhiêu tiệm ăn Việt Nam. Trại cải huấn lại nằm tuốt phía trong gần chân đồi nên chạy ra ngoài mua đồ ăn khá mất công. Ngoại trừ những ngày hẹn với ai đi ăn ngoài, mỗi ngày chàng được vợ giở đồ ăn trưa cho. Hôm nào không đem theo gì thì qua cafeteria mua gì đó ăn tạm. Hôm nay có cơm với thịt kho tàu và dưa giá, món mà chàng rất thích, nhưng chàng không có lòng dạ nào để ăn. Chàng cứ nghĩ đến Jose và món French fries của McDonald's mà nó ưa thích.

1 giờ chiều.

Lũ nhóc vào lớp học.

Duy gọi phone hỏi thăm vài gia đình Việt Nam. Chàng hẹn chiều nay sẽ ghé thăm một gia đình bị bịnh tâm thần và đưa ba mẹ của thằng bé 17 tuổi đang bị tam giam trong Juvenile Hall ra hầu tòa.

Chàng gọi hỏi thăm thêm bà mẹ có thằng con bị giam trong trại James Boys Ranch năm ngoái vì tội gia nhập băng đảng. Thằng con được thả về không bao lâu thì ông bố bị giết. Đêm đó thằng nhỏ đến nhà bạn chơi không về. Bố nó ngủ trên lầu. Mẹ và em gái nó ngủ dưới nhà. Sáng sớm em nó lên đánh thức bố dậy chở đi học thì thấy ông đã bị đâm chết. Cảnh sát điều tra nói cái chết dính líu đến băng đảng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Thỉnh thoảng chàng gọi phone hoặc ghé thăm gia đình. Tội nghiệp mấy mẹ con. Từ ngày ông bố bị giết, thằng con hình như tỉnh thức nên đỡ quậy phá.

Nói chuyện xong, chàng tranh thủ viết báo cáo về 2 buổi họp mặt với John và Tony cho xong.

2 giờ chiều.

Duy đến trại Muriel Wright Residential Center. Trại nằm ở phía nam San Jose, cách James Boys Ranch 15 phút lái xe. Chàng vào "vấn an" bà xếp xong qua gặp Anne, cô bé Việt lai Mỹ 15 tuổi, bị bắt vì tội cất giữ và xài bạch phiến.

Anne thuộc loại con gái "quậy", bỏ nhà đi hoang nhiều lần. Lần nào gia đình cũng cầu cứu cảnh sát nhưng vì Anne tự động bỏ nhà ra đi nên cảnh sát không đi tìm như trường hợp mất tích hay bị bắt cóc. Mỗi lần Anne về, gia đình phải đưa lên trường năn nỉ xin cho nó đi học trở lại. Khi học sinh bỏ học một thời gian không lý do chính đáng, nhà trường có thể gạch tên ra khỏi danh sách học sinh. Anne có ra tòa và hứa sẽ đi học đàng hoàng trở lại nhưng được vài tháng, nó lại chứng nào tật đó bỏ đi. Lần cuối cùng cảnh sát vô tình hốt được Anne ở một tiệm nước ngoài khu Senter, nơi họp mặt có tiếng của các nhóm băng đảng. Trong ví nó có bạch phiến. Vậy là 8 tháng nằm trại cải huấn.

Duy vào lớp học xin cho Anne ra ngoài nói chuyện. Mặt con bé dàu dàu. Khi ra ngoài, nó hỏi chàng bằng tiếng Anh:

- Sao mấy tuần nay không thấy you"

- Chú vẫn đến Wright Center một tuần 2 ngày đó chứ. Nhưng chú gặp các bạn khác. Trại hơn 30 em, chú phải chia giờ gặp gỡ tất cả, Anne biết rồi mà. Lúc không thấy chú, cần gì Anne hỏi Probation Counselor hay Therapist...

Con bé vùng vằng cắt ngang:

- Con không thích họ. Họ chỉ lo trừ điểm để con không được về nhà mỗi cuối tuần chứ chẳng tốt lành gì.

Chàng cười nhẹ:

- Nếu Anne không làm gì sai thì họ đâu có lý do để trừ điểm. Có đúng không"

Anne không trả lờì nhưng tỏ vẻ không phục. Duy lờ đi chuyển sang đề tài khác. Con bé tuổi "ngọ" này nổi tiếng "chứng" trong trại, chàng tự nhắc mình phải kiên nhẩn và khôn khéo để "thuần" nó.

3 giờ 30 chiều.

Ông bà Long cột dây an toàn. Duy nhấn ga dzọt lẹ. Nửa tiếng nữa phiên tòa bắt đầu. Ông bà và 3 đứa con qua Mỹ chưa đầy 1 năm, tiếng Anh không biết, đường xá chưa rành. Thằng con trai lớn 17 tuổi, mặc cảm qua sau thua kém bạn bè, cầm dao đi ăn cướp ở một tiệm rượu trong vùng và bị bắt. Hôm nay toà sẽ định đoạt số phận của nó.

5 giờ 30 chiều.

Duy gõ cửa căn apartment hai phòng vùng North Valley của San Jose. Bà cụ người nam đon đả mời chàng vào, lăng xăng đi rót nước. Chàng xua tay:

- Không cần đâu bác, con không có khát.

- Lâu lâu cậu mới ghé thăm, ở lại ăn cơm nghe. Để tui nấu canh chua, cá kho tộ cho cậu ăn.

- Để hôm khác nhe bác, hôm nay con ghé thăm gia đình một chút rồi phải về.

- Việc làm bận quá hả" Cậu thiệt tốt bụng, làm việc phúc đức giúp đỡ người khác. Hồi đó không có cậu tui thiệt không biết phải làm sao. Gia đình tui mang ơn cậu hết sức.

- Đừng nói vậy bác ơi. Con làm công việc của con thôi. Không có con thì có người khác. Bác cứ cám ơn làm con áy náy quá...

Duy vô tình quen bà cụ trong một lần đứa cháu ngoại nổi cơn la hét đập phá, bị hàng xóm gọi cảnh sát tới còng. Bà cụ không biết tiếng Anh nên cảnh sát gọi kiếm người thông dịch. Họ gọi tới gọi lui sao đó rồi cuối cùng gọi đến chàng. Dĩ nhiên là chàng hăng hái đến giúp, dù việc này không thuộc trách nhiệm của văn phòng chàng.

Gia đình này mới thật đáng thương. Bà cụ kể năm Mậu Thân Việt Cộng đánh vào khu họ ở. Ông cụ chết banh xác trước cửa nhà. Cô con bị miểng đạn ghim vào óc. Bác sĩ không giải phẫu lấy ra vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Từ đó cô trở thành không bình thường. Bà cụ phần bị cái chết của chồng ám ảnh, phần phải lo lắng cho con gái, nên đâm ra "lãng trí", nói trước quên sau, làm đâu quên đó.

Hai mẹ con qua Mỹ. Cô con gái không biết bị ai lợi dụng mà một hôm vác cái bụng bầu về. Thằng bé lớn lên không biết cha là ai. Mẹ như vậy. Bà như vậy. Nó đâm ra lầm lì ít nói, tính tình kỳ quặc. Nó hay sắn quần sắn áo dọn dẹp chùi rửa nhà cửa hàng giờ mặc dù nhà đã sạch bóng. Thỉnh thoảng nó lên cơn điên la hét đập phá đồ đạc trong nhà làm cho bà và mẹ nó hoảng sợ.

Sau khi Duy giải thích hoàn cảnh của họ, cảnh sát không bắt nhốt thằng nhỏ, chỉ đem nó bỏ vào nhà thương tâm thần, đến khi bớt bớt thì cho về.

Ba thế hệ "không bình thường" ở chung một nhà. Ba thế hệ cùng ăn tiền "bịnh". Thật tội nghiệp. Lâu lâu Duy dành chút giờ ghé thăm họ. Cô con gái và thằng cháu hôm nay không có ở nhà. Chàng ngồi nghe bà cụ nói chuyện một lúc rồi từ giã ra về.

6 giờ 30 tối.

Duy bước chân vào nhà. Thân xác mệt mỏi. Tinh thần rã rời. Mấy đứa con chạy ra mừng. Chàng ôm con vào lòng. Xiết chặt. Thật lâu.

11 giờ đêm.

Các con đã ngủ yên từ lâu. Chàng ngồi dán mắt vào TV nhưng hình như không nghe thấy gì . Vợ chàng đọc xong cuốn sách quay sang hỏi, tắt đèn ngủ chưa anh" Ừ, thì đi ngủ.

Rất lâu sau chàng vẫn trăn trở, thỉnh thoảng lại khe khẽ thở dài. Vợ chàng hỏi trong bóng đêm, anh sao vậy, ở trại xẩy ra chuyện gì" Duy im lặng không nói. Nhiều hình ảnh chập chờn hiện ra trong đầu chàng. Nét mặt trẻ con của John. Ánh mắt lì lợm của Anne. Giọng nói lễ phép của Tony. Nụ cười tươi sáng của Jose khi chàng đưa cho những bịch đồ ăn của McDonald's. Băng đảng. Bạch phiến. Những đứa trẻ vật vã trong cơn nghiện. Nét mặt đau khổ của người mẹ, tiếng thở dài của người cha, khuôn mặt vô cảm của đứa con trai khi tòa tuyên án. Dao. Súng. Tiếng hét của đứa con gái khi nhìn thấy xác cha mình trên vũng máu. Đứa trẻ sơ sinh với người mẹ 15 tuổi, không cha...

Hình như Duy nấc lên. Vợ chàng chồm dậy, anh có sao không" Duy xoay người úp mặt lên ngực vợ, hay là mình dọn ra khỏi Cali, tìm một nơi nào thật yên, thật vắng, thật tốt để nuôi con nha em"

Vợ chàng chợt hiểu. Lấy nhau hơn 10 năm. Cùng làm việc thiện nguyện giúp giới trẻ lâu hơn. Cùng mắt thấy tai nghe biết bao nhiêu chuyện đau lòng về trẻ vị thành niên. Thêm 6 năm nghe chàng kể chuyện trại cải huấn và thanh thiếu niên phạm pháp. Làm sao nàng không hiểu thấu những ưu tư trong câu nói của chàng"

Từ ngày có con, bao nhiêu đêm hai vợ chồng thao thức tìm giải đáp cho câu hỏi hóc búa là làm sao tránh cho các con những vấn nạn thời đại để chúng đừng làm những chuyện điên rồ phá bỏ tương lai, làm hại chính mình và người khác, và trở thành những con sâu con bọ đục khoét hủy hoại xã hội" Duy và vợ nhận ra rất nhiều điều có thể làm để dẫn dắt các con. Nhưng đi đúng đường hay không còn tùy thuộc vào từng đứa. Người xưa chẳng nói, "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" đó sao" Còn ảnh hưởng môi trường" Môi trường tốt có tạo con người tốt không" Hầu như vậy, nhưng không chắc chắn. Thật nan giải. Thật điên đầu!

Ngực áo nàng ươn ướt. Nàng xoa lưng chồng. Đừng buồn nữa anh. Thanh thiếu niên hư hỏng chỉ là thiểu số. Còn rất nhiếu đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, có lòng. Nếu xã hội và mọi người tiếp tục lưu tâm và săn sóc giới trẻ, chúng sẽ nên người. Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay...

Một thoáng hy vọng lóe lên trong đầu Duy. Ngày mai sẽ là một bắt đầu mới. Ngày mai với những tia nắng ấm áp, những cơn gió nhẹ thổi tan đi làn mây đen xám âm u. Như những ngọn đồi nơi trại cải huấn bị nắng hè đốt cháy khô cằn, những hạt mưa xuân đã tưới mát và bừng lên cho nó sự sống xanh tươi. Những thanh thiếu niên phạm pháp sẽ có lúc bừng tỉnh và trở thành những con người đàng hoàng hữu ích. Những thanh thiếu niên khác sẽ lấy đó làm gương và cố gắng sống lành mạnh. Gia đình, xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.

Và chàng lâm râm cầu nguyện...

Nguyễn Trần Phương Dung

Ghi Chú: Tin tức về thủ tục pháp lý được tác giả trích dịch từ thông tin trên mạng của quận hạt Santa Clara: www.sccgov.org.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,644,457
Tôi được sanh ra ở đất Mỹ này khi Mẹ tôi vừa hai mươi bốn tuổi. Mẹ tôi vừa xong đại học và có việc làm vững chắc.
Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California
Với 11 bài viết trong năm, trong đó có tới 4 bài vào "top ten" về số lượng người đọc nhiều nhất trên Vietbao Online, Quân Nguyễn là tác giả đã nhận giải
Xóm nhỏ của Em hồi ở Việt Nam chỉ mỗi độc nhất một ông bác sĩ Ngôn. Nam phụ lão ấu trong vùng ít nhiều gì cũng phải đặt chân đến phòng mạch của ông một lần
Tác giả 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, công việc: Civil Engineer, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt, trong số này có "Rằng Xưa Có Gã Làm Nail,"
Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Ông hiện là cư dân Westminster, vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Sau đây là bài viết thứ năm  của ông, với nhiều nỗi cay đắng.
Địa chỉ nhà tôi có chữ CT (Court) sau tên đường, tức là trong vòng lẩn quẩn của mươi căn nhà, tạo thành một vòng tròn đồng tâm là cái công viên nhỏ nhỏ
Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007
Tác giả vượt biển, định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",