Hôm nay,  

Nhất Nghệ Tinh Nhất Thân Vinh…

01/11/200700:00:00(Xem: 154834)

*Bài số 2136-1928-704vb53201107

 

Tác giả Trương Kim Loan là Giám khảo ngành Thẩm Mỹ (Board of Barbering and Cosmetology) tại Glendale CA, đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Bài mới nhất của bà là “chuyện cô út theo đuổi nghề thẩm mỹ”.

*

Hôm đó, Oanh con gái út tôi vừa bước vô nhà đã chạy ào vô phòng ôm tôi miệng thì nói liên tu…

-Má ơi ở bển thi lạ quá sao hỏng giống bên này!

-Ờ con mới về đó hả" Hỏng giống là sao con" Bộ ở bển thi khó hơn bên đây hả" Con làm bài được hông"

Tôi cũng hồi hộp hỏi nó luôn miệng làm con nhỏ hỏng kịp trả lời.  Nó nói:

-Má calm down (bình tỉnh) để con nói. Hôm qua con thức sớm sửa soạn xong xuôi rồi thì đi liền. Từ nhà bạn con tới đó cũng gần lắm.  Con tới trước 15 phút, chưa ai làm việc… Hồi hộp đứng chờ, cầm tờ thơ hẹn giờ thi coi đi, coi lại đúng là  7:00 giờ sáng, đi tới… đi lui cùng mấy người khác cũng cầm thơ đi thi như con.  Chờ và …chờ,  con nhớ lời má dặn đi, dặn lại hoài là "phải tới trước giờ, nhớ phải đem theo đầy đủ giấy tờ mà cũng đừng quên đem theo cái bằng chánh của California theo để rủi họ hỏi thì mình có sẳn". 

Nghe nó kể tới đây làm tôi cười thầm. Chắc tôi già rồi hay sao mà cứ ưa nhắc mấy nhỏ hoài giống y như má tôi ưa nhắc chị em tôi vậy. Tụi nhỏ nghe mẹ nhắc hoài, nhất là con Oanh này, ưa trả lời "dạ mẹ, piết dzồi, piết dzồi" thì tôi nín hỏng nhắc nữa.  Trở lại chuyện đi thi …

Oanh đả có bằng Cosmetologist của tiểu bang California rồi, đây là kỳ thi thứ nhì để lấy thêm cái bằng ở tiểu bang N., cách đây mấy tiếng, vì nó muốn thử thời vận ở đó. Oanh kể tiếp:

-Cả đám tụi con đứng chờ trước cửa phòng thi của tiểu bang N. cho tới 7:45 cửa mới mở.  Tất cả được vô một phòng, tổng cộng khoảng trên dưới 30 người. Đợi nữa… người này ngồi ngó người kia cho tới gần 8 giờ rưởi cô Giám thị (Proctor) mới tà tà đi vô… Cô giải thích vài điều cần thiết và cho tất cả thí sinh biết bài thi viết ngành thẩm mỹ này là 90 phút (Cosmetology written test) 110 câu hỏi và kết quả sẽ được gởi bằng thơ trong vòng 7 tới 10 ngày.  Mọi người được phát bài thi và viết chì tức là thi trắc nghiệm bằng viết chứ không phải bằng máy điện tử như California.  Cuộc thi bắt đầu, người nào làm xong đem bài nộp cho cô giám thị rồi về nhà chờ kết quả.

Làm xong bài, coi đi coi lại xong con nộp lên cô giám thị.  Cô hỏi con sao địa chỉ lại ở California"  Con nói " tại vì con muốn nhận kết quả ở tại địa chỉ đó vì chưa có địa chỉ mới ở đây"  Cô ấy nói " Vậy là có phiền phức rồi, chắc không gởi qua California được… nhưng để cô hỏi lại người xếp coi sao. Con ngồi chờ. Nhìn ra cửa thấy một người đàn bà đang đứng hút thuốc.  Cô giám thị nói chuyện với người ấy một lúc rồi cả hai cùng đứng hút thuốc hồi lâu… Con sốt ruột quá nhìn qua lại trong phòng… Mọi người còn đang chăm chú thi mà trong phòng thì không có giám thị… Hai người đàn bà đang đứng hút thuốc nói chuyện vui vẻ phía ngoài""" Con nghĩ trong đầu "rủi có ai gian lận trong lúc thi thì sao""" Sao lại khác với phòng thi ở California nhiều quá, con nghĩ đề thi rất quan trọng mà không ai cần canh giữ sao" Được một lúc chắc hút xong điếu thuốc, cô ấy trở vô kêu con đi về kết quả sẽ gởi về địa chỉ ở California

Thi xong rồi, vừa lái xe về mà trong đầu con cứ suy nghĩ "Không khó khăn như mình tưởng tượng, giờ giấc hẹn thi cũng co dãn như dây thun và bài thi cũng na ná như California… nhưng bây giờ bù lại mình phải hồi hộp chờ hỏng biết tới chừng nào nhận được đây"

Tôi phụ hoạ:

-Ừa. Hy vọng người ta đừng để ngâm tôm rồi tà tà gởi ra…từ từ.

Ngày hồi hộp đó rồi cũng đến… 12 ngày sau nhận được bằng cấp (cosmetology license) của tiểu bang N.  Oanh mừng quá gọi vô sở cho tôi hay liền. Chúc mừng cho con xong mà trong lòng buồn vui lẫn lộn.  Mừng là vì con được thêm một cái bằng còn buồn vì sợ con … bay xa…

Ngồi nghĩ lan man về mấy đứa con… Nhìn tụi nó mới thấy mình già tới nơi hồi nào không hay. Cái "hàng rào ấp chiến lược" trước "mặt tiền" của tôi, lúc trước đen thui bây giờ ngã sang màu lờ lợ trắng hỏng ra trắng mà đen cũng hỏng ra đen thành ra mái tóc cứ nhuộm đen đỏ hoài để đánh lừa cái tuổi đang tới của mình.

 Trong ba đứa con, Khanh thằng con trai lớn đã yên bề gia thất, có việc làm tốt không còn phải lo, tôi yên một mối. Phương đứa con gái thứ nhì, lúc trước nó vừa làm việc văn phòng, vừa đi học thêm. Thiệt tình tôi cũng hỏng biết nó học ngành nào là chánh mà thấy nó vừa làm vừa học cũng mệt lắm… Dì Phượng nó là cán sự điều dưỡng (Register  Nurse) làm việc ở nhà thương lớn ở Newport Beach cứ khuyên mấy nhỏ theo chân dì mà tụi nó cứ… ý với ẹ vì sợ máu với kim thành ra hỏng ai ép hết sợ tụi nó bỏ ngang thì phí thời gian và tiền học.

Cho tới một ngày kia Phương đi làm về, thấy cái mặt buồn hiu hỏi ra mới biết nó vừa mới được lên lương. Nó nói:

-Lên có chút xíu chẳng thà đừng lên, làm chỗ này gần bốn năm rồi mà họ lên lương như vậy, con sẽ bỏ việc làm này đi học y tá full time (toàn thời gian). 

Nghe con nói tui mừng trong bụng, tui không ép con để cho tụi nó tự nhìn thấy rồi tự quyết định để kiếm đường tiến thân,  sau này nó không nói như vài đứa bạn của tụi nó "con học cái này là học cho… ba má".

Tưởng nó giận nói làm xàm rồi thôi vì con nhỏ này nhát lắm, nhưng không ngờ nó làm thiệt. Hai tuần sau nó đưa lá thơ xin thôi việc cho tôi đọc kèm theo xấp giấy tờ lịch trình của mấy lớp học, kèm theo câu "Ba má phải support (nuôi) cho con hai năm rưỡi để con lấy cái bằng R.N. (Register Nurse), con đi học full time (toàn thời gian) nhưng trước hết con phải học cho xong phần LVN đã" (License Vocational Nurse.)

Con nhỏ thấy nhát vậy mà học được, chắc nó ráng. Có lúc thấy nó học nhiều, ngày, đêm, mặt mủi bơ phờ, tôi hỏi dò:

-Theo nổi hông con"

Nó nói sẽ theo tới cùng mặc dầu có ngày nó về học lại với tôi:

-Bữa nay trong lúc học coi bác sĩ rửa vết thương sâu con gần xỉu, cô giáo kêu con ra ngoài ngồi một chút, uống ly nước rồi trở vô học tiếp. 

Được gần năm nó nói:

-Con sắp xong LVN rồi, chừng nào họ làm lễ ra trường ba má phải đi dự nha.

Còn cái vui nào bằng", tụi nhỏ sanh ra ở đây thành ra tôi phải làm giống người Mỹ ôm con khen nó làm cho nó hảnh diện.  Tới ngày ra trường, mọi ngừơi sửa soạn sớm để đi dự ngày vui của cả gia đình.  Nhìn con trên sân khấu cùng nhóm bạn bè quyết chí theo tới cùng này trong bộ đồng phục điều dưỡng áo đầm trắng ngắn tay cùng cái nón trắng trên đầu làm tôi liên tưởng tới mấy cô điều dưỡng ngày xưa bên VN mà tôi đã từng ao ước được giống như vậy.

      Xong phần LVN, đợi thi lấy chứng chỉ xong nó sẽ vừa làm trong nhà thương vừa tiếp tục học lên để thi lấy cái bằng RN. Nghĩa là thêm hơn năm nữa và nó nói những phần thực tập khó khăn nhứt con đã qua rồi, con cũng hết sợ rồi vì nhìn những người già bịnh hoạn không thân nhân thấy tội quá có khi làm cho con muốn khóc nên con không còn sợ nữa…

   Còn con út Oanh này, lúc còn Trung Học có ước muốn làm cô giáo dạy mấy đứa nhỏ tiểu học vì ngày nào sau giờ học nó cũng tình nguyện ở lại tiếp với cô giáo coi chừng mấy đứa nhỏ hơn nó.  Cho tới một ngày nó đem con búp bê có tóc tai mắt nhắm mắt mở đàng hoàng về, nó nói:

-Má phải tiếp con, học lớp này cô bắt mổi đứa phải đem búp bê về săn sóc nó qua đêm giống như em bé thiệt nghĩa là phải thức dậy cho nó bú sữa, thay tã.  Nó khóc phải ẵm lên dỗ, xong ngày ghi xuống tất cả giờ giấc mình đã làm gì cho nó, cô giáo dặn phải làm một mình, đừng hỏi người khác phụ.  Tôi nói:

-Đúng rồi. Má đâu có thì giờ tiếp con được, con học lấy điểm thì phải thử một mình để sau này có con thì biết săn sóc, nếu có gì hỏng biết thì ghi xuống mai vô lớp hỏi cô, nếu má tiếp thì đâu có công bằng, phải không con".

  Con nhỏ nghe có lý nên xách giỏ đựng em bé đem vô phòng, xong trở ra xe ôm vô thêm nào là túi quần áo, tã, sữa… nghĩa là đủ thứ cần thiết cho em bé thiệt.

   Vừa ngồi xuống, nghe tiếng em bé khóc OA... OA...OA... trong phòng, nó chạy vô ẵm em bé lên vỗ vỗ lên lưng nó nín, bỏ xuống nó khóc lại, thành ra con Oanh vừa ăn vừa vác con nhỏ lên vai, êm thì nó nín, nhúc nhích nó khóc, nghĩa là y hệt như con Oanh hồi nhỏ. Tôi cười, nói:

-Nó giống y hệt như con hồi nhỏ.

Búp bê hành con Oanh đâu được 3, 4 tiếng.

Tối đó, không nghe động tịnh, tôi ghé nhìn vô phòng thấy con Oanh đang dọn dẹp tùm lum trong phòng nào bình sữa dơ, tã ướt… (Con búp bê nầy khóc thiệt, uống sữa thiệt, uống xong rồi tiểu ra tã cũng thiệt luôn! Ý là, chỉ tiểu thôi đó nha). Thấy tôi, Oanh thì thào:

-Má đừng nói lớn tiếng để cho em bé ngủ. Con mệt quá rồi, chắc con lựa nhằm con nhỏ khó chịu nó làm con bực bội.

Tôi cười thầm nhè nhẹ bước ra….

   Chiều hôm sau đi làm về, thấy con Oanh mặt mày bơ phờ nằm dật dựa ở phòng khách, tôi hỏi:

-Sao" Em bé tối qua có dễ hông con"

 Oanh nói:

-Nó đày con cả đêm, lúc khóc, lúc ngủ, thay tã, cho bú… Con có ngủ được đâu! Lúc êm hỏng dám đụng nó, nó khóc mà hỏng ẵm lên là nó khóc lớn hơn… Con không bao giờ đem về nữa!

 Tôi cười, an ủi con:

-Thì nó y hệt như con hồi đó, lớp học này hay lắm đó con, thử tưởng tượng nếu như nó là con thiệt của con thì sao, con đâu có đem trả lại cho ai được phải hông"

  Oanh nói:

-Giữ một ngày con biết rồi, mệt quá, có con cực muốn chết! con hỗng có con sớm đâu!

Tôi mừng thầm!  suy nghĩ trong đầu -sự giáo dục ở Mỹ có nhiều phần hay lắm, chẳng hạn như lớp nầy. Họ dạy học trò Trung Học biết cách giữ gìn giữa liên hệ gần gũi trai và gái vì đây là cái tuổi ưa tìm hiểu, nếu những đứa đã lỡ tìm hiểu và có kết quả rồi thì biết cách săn sóc cho con. Còn như chưa gì hết thì biết cách tránh. Cách dạy nầy thật hay vì nhớ lại mình hồi bằng tuổi tụi nhỏ đâu có hiểu biết nhiều về vấn đề ... đó, không được ai trả lời thẳng, thành ra...

  Nó ngủ một giấc qua tới ngày hôm sau, bỏ ăn tối luôn.

Gần tới ngày ra trường, tôi hỏi nó sau này nó muốn theo ngành nào, còn ý muốn học ra làm cô giáo hông"  Nó nói con hỏng muốn làm cô giáo nữa, có nhiều đứa con nít lỳ lắm má, con hỏng muốn theo ngành này, má để con từ từ suy nghĩ.   Sau ngày ra trường lớp 12, Oanh đòi đi học lớp trang điểm chuyên nghiệp. Thấy nó trang điểm khéo tay tôi nói :

-Bây giờ con chưa biết mình thích cái gì, thay vì học lớp trang điểm cũng mất vài tháng vậy thì con học luôn nghề làm tóc, dưỡng da, làm móng tay luôn toàn bộ rồi đi thi có bằng cấp đàng hòang, có giá trị nghề nghiệp hơn, sau này nếu thích thì học thêm nữa còn không thì cũng biết làm đẹp cho mình, chứ một năm qua lẹ lắm con.

  Con nhỏ chịu liền, ghi danh ở trường Community College toàn thời gian.  Trong thời gian học thấy con nhỏ vui lắm, cứ rủ bạn bè về nhà để thực tập nào là trang điểm, cắt tóc, rồi highligh chỗ đậm chỗ lợt, (tôi đưa đầu cho nó làm luôn!) rồi nhuộm màu tóc tím tóc xanh, nghĩa là nó thử đủ thứ hết, còn tôi thì móc tiền túi đều đều ra cho nó mua thuốc để tập…

Nói đúng ra, hồi trước,  nghe Oanh nói "Ra trường để con nghỉ ngơi thoải mái vài tháng rồi mới trở vô trường học tiếp"  sợ con nhỏ đi chơi phí thời giờ nên tôi xúi nó "Vài tháng nghỉ ngơi con đi học thẩm mỹ đi, biết làm đẹp cho mình mà lại có cái bằng trong tay, sau này nếu có trở ngại gì về nghề nghiệp thì cái nghề này đi đâu sống cũng được hết". 

Học xong, lấy được cái bằng con nhỏ thích luôn cái nghề… đòi đi làm.  Lúc đầu tôi cũng có hơi xót ruột vì thấy nghề này là "làm dâu thiên hạ".  Theo tâm lý thông thường, nhiều người hay nói  -Tụi nhỏ sanh đẻ ở đây, không trở ngại ngôn ngữ khuyên nó học nghề nào cao hơn, ngồi làm văn phòng cho sướng chứ nghề này để cho những người mới qua Mỹ, trở ngại ngôn ngữ mới học-   Tôi cũng có ý nghĩ hơi giống vậy, có nói ra, nhưng tùy theo ý thích của con thôi.  Sau đó vài tuần Oanh nói:

-Con có việc làm rồi. Con vô tiệm hồi đó làm tóc cho con, gặp người chủ con nói con có bằng rồi, tiệm có cần thêm người không" Ông chủ nhìn con tưởng con nói dỡn, con đưa cái bằng ra ổng mới tin và nhận con liền, con cho má hay để cho con thử một lúc nếu không thích thì con đổi học ngành khác. Ổng nói con trẻ, dễ thương mà lại ăn mặc đẹp theo thời trang và ổng cũng thích mái tóc của con lắm, ổng nói cần thêm mấy người nữa giống như con vậy! Đầu tiên con sẽ làm phụ cho khách riêng của ổng, trả tiền tính theo giờ chớ không trả theo phần trăm vì chưa kinh nghiệm, ông sẽ dạy thêm cách tự pha màu để tiết kiệm tiền, dạy thêm cắt và nối tóc cho tới khi rành nghề ông sẽ cho ra làm một mình.

Ngày hôm sau Oanh đi làm 9 giờ sáng tới 7 giờ tối.  Tuần đầu thấy coi bộ mệt. Nó nói:

-Ổng dạy con nhiều quá, đủ thứ hết nhất là cách pha màu không phải dễ như con tưởng, bữa trước dạy, bữa sau ổng bắt con làm thử một mình, con sợ làm hư ổng nói đừng sợ, nếu hư ổng sửa, phải tự làm mới nhớ vì trong trường chỉ học căn bản thôi, ra ngoài có nhiều điều con chưa biết.

Tôi nói với Oanh là nó rất may mắn gặp được người chủ tốt còn nếu không may thì có chỗ bắt mình gội đầu, tháo ống uốn, dọn dẹp cả một, hai năm lấy kinh nghiệm rồi mới được rờ vô làm nguyên cái đầu của khách đó chớ. Mà cũng lạ! nếu chủ không huấn luyện thêm và không cho làm thì bao giờ mới có kinh nghiệm" dọn dẹp thì đâu cần bằng cấp!!!.

   Ba, bốn tháng sau thấy con nhỏ thích thú với cái nghề này.  Tới một ngày nọ đi làm về nó nói "Bữa nay ổng dời con ra phía ngoài gần bàn của ổng và ổng nói bắt đầu ngày mai ổng đưa khách của ổng cho con tự làm một mình, tự quyết định chọn và pha màu, con nói con run lắm, ông nói "phải tự một mình".

Ngày đó nó làm êm xuôi ba cô khách Mỹ.  Dần dà có thêm khách mới của riêng nó, cô nàng tự tin hơn vì được khách khen thích và giới thiệu bạn bè đến hỏi tên nó. Ngày nọ ông chủ dặn tất cả mọi người ăn mặc đẹp, ổng bỏ tiền ra mướn thợ vô chụp hình tất cả để in thiệp lớn gởi ra ngoài quảng cáo.  Cách quảng cáo này đem thêm thiệt nhiều khách vô tiệm, thợ làm mỏi tay, tiền đầy túi.

Oanh về nhà tay chân rã rời.

Tôi xót ruột trong lòng.

Bữa nọ Oanh đi làm bộ móng tay về, buồn buồn nó nói:

-Sao mấy cô làm nail ưa hỏi con -sao hỏng đi học làm bác sĩ, dược sĩ, đi làm nghề tóc chi uổng quá vậy"  Con nói -tại vì con thích làm tóc, con hỏng thích làm việc văn phòng-  Mấy cô cứ nói -uổng quá.

Cho tới ngày nọ tôi vô tiệm nail.  Mấy cô xúm xít chung quanh nói chuyện, mấy cô này thích nghe tôi kể chuyện này nọ cười vui… Một hai cô hỏi tôi:

-Sao cô cho con Oanh đi làm tóc chi vậy cô" Tụi em thấy uổng quá, tiếng Mỹ như gió ngồi văn phòng cho sướng làm chi cái nghề này!

Tôi nói:

-Oanh nói thích làm đẹp cho mình, làm đẹp cho người, cái nghề này vui lắm, ngày giờ được tự do, gặp đủ hạng người khác nhau không thấy chán, nó không thích ngồi văn phòng. Nó nói sẽ lấy thêm cái bằng bên tiểu bang N., qua đó làm được giá cao hơn nhiều, dành dụm trở về đây nó sẽ mở cái tiệm cho riêng nó và sẽ nhờ cô ra giúp coi sóc tiếp, thôi thì để cho nó lựa chọn cái nó thích, nghề nail tóc đâu phải là cái nghề tệ đâu em . Nó còn tính là về sau đem kinh nghiệm của mình trở về trường dạy bán thời gian để tiếp nối với thầy cô của mình.

Nghề thẩm mỹ là nghề chuyên môn mà, biết được ý của khách rồi thì người ta theo mình chứ mình không đi kiếm khách nữa cũng giống như cô với Oanh ở xa muốn chết mà cứ theo tụi em vậy.  Nếu ai cũng thành bác sĩ dược sĩ thì lấy đâu ra ngừơi hớt tóc dưỡng da làm móng tay cho người" với lại còn gì "khoái" cho bằng"; nghề của mình có thể "bắt" Tổng Thống hay Tổng Thống Phu Nhân cúi đầu xuống cho mình vặn vẹo để hớt tóc nữa à!

Yêu quí nghề, bất cứ nghề nào, luôn luôn trau dồi và thu thập những điều mới lạ là mình thành công phải hông mấy em"  "Nhất Nghệ Tinh Nhất Thân Vinh" mà.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,223,007
Tác giả là một bà mẹ, những bài đầu tiên của bà là thư viết cho từng người con. Bài mới của bà lần này là chuyện chú chó nhỏ mang tên Rô Mô
Tác giả cho biết bà vượt biên, gia đình định cư tại Mỹ từ 1982, hiện là cư dân Virginia và làm việc trong một cơ quan chính phủ
Phi trường Tân Sơn Nhất không xa lạ lắm đối với người Việt Nam, nhất là những người có thân nhân đi nước ngoài hoặc những người Việt Nam
Anh Hoà không cần nhắc lại tên anh với những người đã gặp anh một hay đôi lần thì họ cũng chỉ nhớ sai được nhiều nhất về tên anh
Biến cố 30-4-75 đã gây cảnh đau thương, ly tán cho hầu như mọi gia đình của người dân ở miền Nam. Biến cố này cũng tạo ra một thời kỳ vô cùng đen tối cho các giáo hội ở quê nhà.
Mình thấy cái gì mình cũng ham hết. Ôi thôi, nào là bơ, nào là sữa, nào là kẹo, bánh, thịt thà đủ thứ hết...sao mà nó ê hề nhiều quá xá cỡ thợ mộc.
Có lẽ cũng không khác xa gì mọi người, đối với tôi, những ngày tháng cuối năm thường là thời gian bận rộn nhất trong năm
Khu cư xá Kiến thiết của tôi ngày xưa nay đã thay đổi khá nhiều. Con ngõ 281 đi sâu vào xóm Chuồng Bò với cái giếng nước trong veo
Tác giả cho biết bà qua Mỹ từ năm 1993. Hiện là Electronic Technician của Honeywell. Lần đầu gửi bài dự Viết Về Nước Mỹ
Bà Trương Ngọc Bảo Xuân là tác giả đã được trao tặng giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi".
Nhạc sĩ Cung Tiến