Hôm nay,  

Chuyện Tình Du Học Sinh

15/11/200900:00:00(Xem: 248885)

Chuyện Tình Du Học Sinh

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2785-1628856- vb8111509

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60 , cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ." Đây là bài thứ tư trong loạt bài ông viết về đề tài du học từ Việt Nam vào Mỹ.

***

Vào khoảng năm 1996 sinh viên Việt Nam đến Mỹ nhiều nhất theo diện F1 (Du học tự túc không giới hạn thời gian, một diện du học đông sinh viên nhất và phổ thông nhất), rồi từ từ giảm dần.  Đến năm 2006 số sinh viên qua Mỹ tăng lên chút đỉnh, rồi lại giảm cho đến bây giờ. Năm 2006 tôi xin trường cho khoảng 18  sinh viên và trên một nửa được cấp chiếu khán (visa).  Thùy Trang là một trong số những sinh viên may mắn này.  Tôi xin mở ngoặc nói thêm về thành phần gia đình sinh viên du học tôi trách nhiệm, vì việc này phần nào có liên quan đến chuyện tôi sắp kể. Từ năm 1996 tôi bắt đầu làm dịch vụ du học cho sinh viên Việt Nam qua Mỹ học tại các trường cao đẳng (College) theo diện F1 .  Công việc của tôi là xin trường và gởi giấy tờ trường nhận học về cho anh họ tôi, người có văn phòng dịch vụ du học tại Việt Nam. Để được nhận học, sinh viên  thường phải kèm theo đơn ít nhất các loại giấy tờ sau đây: Bản sao bằng Phổ thông Trung học (Tức bằng Tú tài) hay học bạ; Chứng nhận Ngân hàng (Bank Statement);  Bảo trợ Tài chánh (Affidavit of Support); Chứng chỉ TOEFL có số điểm trên 450 (Nếu xin học tiếng Anh, khỏi nộp chứng chỉ này).  TOEFL, viết tắc của "Test of English as a Foreign Language" ( Thi tiếng Anh như là một ngoại ngữ). Đây là chương trình thi chính thức của Mỹ, nhằm đánh giá trình độ tiếng Anh của sinh viên ngoại quốc xin học cao đẳng hay đại học. Tất cả các loại giấy tờ phải được dịch ra tiếng Anh và phải được công chứng (notary public).  Anh tôi đã làm sẵn hồ sơ trên và  gởi qua cho tôi bằng bưu điện hay nhờ "Việt Kiều" đem qua. Khi cần gởi hồ sơ khẩn, anh tôi lên phi trường, gặp ai đi Mỹ cũng gởi, có khi năn nỉ rớt nước miếng và bị mắng. Sau này hồ sơ trên được "quét" (scan) vào computer, kèm email gởi cho tôi. Có nhiều trường không chịu nhận hồ sơ "quét" này, yêu cầu phải nộp bản chánh.  Tôi hay tò mò tìm hiểu gia đình sinh viên du học thuộc thành phần nào.  Việc tìm hiểu rất dễ dàng qua hồ sơ tài chánh, qua điện thoại gọi cho gia đình sinh viên, qua ông anh họ tôi và qua các sinh viên. Tôi thấy đa số gia đình của các em thuộc thành phần buôn bán kinh doanh  như chủ tiệm vàng, chủ tiệm thuốc tây, chủ các cửa hàng... Thành phần này có tiền, chứ không hẳn là giàu.  Họ thường là thị dân của Miền Nam trước đây, tiếp tục công việc làm ăn cũ của chính mình hay của cha mẹ. Thành phần gia đình kế tiếp có thân nhân ở Mỹ. Thân nhân cho sinh viên mượn tiền để làm dịch vụ du học, để mua vé máy bay và để đóng tiền học. Thành phần thứ ba  là những gia đình cán bộ khá giả. Thành phần này rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi làm dịch vụ du học trên 10 năm, chỉ thấy có ba hồ sơ thuộc thành phần này.
*
Trở lại chuyện Thùy Trang. Trang là con gái độc nhất của  Diêu, quen thân với tôi. Diêu trước đây là Thiếu úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vì cấp bậc nhỏ, Diêu ở tù cải tạo chưa đủ 3 năm, không được đi Mỹ theo chương trình HO.  Diêu vẫn ấm ức chuyện này, dù có điều kiện làm ăn buôn bán khá giả.  Ngay từ khi nghe phong phanh về chuyện du học Mỹ, Diêu đã cho Trang học tiếng Anh. Trang đã có điểm TOEFL khá cao, 490.  Diêu còn gọi điện thoại cho tôi, nhờ tôi mai mối cho Trang kết hôn với một người có quốc tịch Mỹ để Trang ở lại Mỹ nếu Trang được đi du học. 
Thùy Trang qua Mỹ khi vừa đúng 20 tuổi.  Tôi cho Trang ở tạm nhà  tôi cho đến khi Trang thuê được nhà. Cũng như phần lớn các sinh viên du học khác, những ngày đầu ở Mỹ, Trang rất vui vì được trông thấy tận mắt, được sống thực trong cảnh vật mà Trang chỉ thấy trên màn ảnh, trên các tấm hình hay nghe kể lại; nhưng  vài ba ngày sau mặt mày Trang ủ dột trông thấy rõ. Tôi nghĩ Trang cũng như những sinh viên khác, sẽ chóng thích hợp với môi trường mới. Tôi mua cho nó một thẻ điện thoại gọi về Việt Nam với giá rẻ.   Có thẻ điện thoại, Trang mừng lắm.  Gần như lần nào gặp Trang, nhất là vào buổi tối, tôi cũng thấy Trang gọi điện thoại. Chỉ sau một ngày Trang nhờ tôi mua thêm 2 thẻ điện thoại nữa. mỗi thẻ 20 đô. Lần này Trang xài được 3 ngày.  Sau đó nó đưa cho tôi 100 đô nhờ mua 5 thẻ.
-Con gọi gì mà nhiều vậy, tốn tiền chết!
Tôi vừa nói vừa giao 5 thẻ điện thoại cho Trang.  Nói vậy nhưng tôi nghĩ Trang gọi nhiều thì tốn tiền của nó, đâu có tốn tiền của mình mà mình sốt ruột.  Nhưng không phải đơn giản như vậy. Có rất nhiều nơi, ngay cả cảnh sát, than phiền không liên lạc được với gia đình tôi, điện thoại luôn luôn bận.  Tôi cho Trang biết trở ngại vừa rồi, bảo Trang không nên gọi nhiều.   Trang hạn chế gọi ban ngày và buổi tối, chờ cho đến khi cả nhà đi ngủ rồi mới  gọi.  Có lần, vào khoảng 3 giờ sáng, vợ tôi tình cờ đến gần chỗ Trang ngủ, nghe nó đang rầm rì với cái điện thoại, vừa rầm rì vừa khóc.
-Chắc nói chuyện với bồ rồi.-Vợ tôi nói với tôi.
-Không biết nó nói gì mà nhiều vậy. Nó còn chat nữa mà. Đôi khi mình muốn dùng computer, thấy nó đang chat, cũng không nỡ bảo ngưng.
Trong vòng hai tháng Trang nhờ tôi mua đúng 27 thẻ điện thoại, giá tổng cộng 540 đô. Một hôm cha Trang gọi điện thoại thăm tôi, nhân tiện hỏi Trang học hành ra sao, có hay đi chơi không, có nghe lời tôi không v.v...Tôi nói Trang ngoan lắm, chỉ có...
-Sao anh" Cứ nói thiệt cho tụi em biết đi!
-Chỉ có cái...tật gọi điện thoại nhiều.
-Chắc chắn nó gọi cho thằng Thắng, con lão Chiến. Tụi em đã khuyên con Trang không giao du với thằng đó, một loại con ông cháu cha ở Việt Nam, chỉ biết ăn chơi. Con Trang đã hứa không liên lạc với thằng Thắng, sao bây giờ lại vậy"  Ở Việt Nam thằng này coi con Trang có ra gì đâu. Mà nó gọi điện thoại như vậy có tốn nhiều tiền không anh"
-Gọi bằng thẻ, cũng không tốn bao nhiêu.
-Anh mua thẻ cho nó phải không" Anh nhớ mua ít thôi nghe. Tụi em cám ơn anh.
Tôi nói chuyện này cho Trang nghe.  Nó nói:
-Dạ, con không gọi nhiều nữa đâu. Nhưng... nhưng bác giúp con chuyện này.
-Chuyện gì, cứ nói.
-Bác xin cho bạn trai con du học.  Xin cùng trường với con. Phí tổn bao nhiêu tụi con sẵn sàng...
-Việc xin trường không khó lắm, nhưng chắc chắn ba má con không thích bạn trai con qua Mỹ đâu.
-Đừng cho ba má con biết. Mọi thông tin về bạn con, bác cứ hỏi con, không cần liên lạc về Việt Nam, tốn công, tốn tiền của bác.
Tôi nghĩ tôi không xin cho Thắng thì cũng có người khác xin, hơn nữa vợ tôi cứ năn nỉ giùm cho Trang mãi, nên tôi bằng long. Tôi nói chuyện này với ông anh họ tôi.  Anh ấy hứa sẽ thu xếp.  Một  tháng sau tôi nhận được hồ sơ của Thắng kèm theo bức thư của anh tôi, đại khái nói Thắng không có chứng chỉ TOEFL, cứ xin cho nó học tiếng Anh.  Tôi biết rất khó được cấp visa nếu xin học tiếng Anh vì ở Việt Nam đã có nhiều trường dạy tiếng Anh của Mỹ, Lãnh sự quán Mỹ lấy cớ đó không cấp visa. Xin học chuyên ngành thì mới hy vọng được cấp visa, nhưng xin học chuyên ngành thì phải có TOEFL. Sau một tuần, tôi dò tìm trên mạng được một trường cao đẳng ở Seatle, trường này không cần TOEFL vẫn cho học chuyên ngành. Tôi định xin cho Thắng học ở đó rồi chuyển nó xuống trường của Trang sau. Tôi đã xin được hồ sơ nhận học cho Thắng, gồm một mẫu I-20 và một thư giới thiệu.
Tôi rất mừng thấy Trang ít gọi điện thoại cho Thắng. Trong vòng một tháng Trang chỉ dùng có 4 thẻ.  Nhưng rồi một hôm nhận được hóa đơn điện thoại nhà, tôi giật mình. Trên 600 đô! Tôi xem kỹ hóa đơn, hơn nửa trang liệt kê những lần gọi về hai số điện thoại ở Việt Nam, một số điện thoại di động và một số điện thoại nhà. Tôi biết "thủ phạm" những lần gọi điện thoại này là Trang; nhưng để chắc ăn tôi dò cái số điện thoại nhà  trên danh bạ điện thoại Việt Nam. Tôi tìm ra được người đăng ký điện thoại là  Nguyễn Thị L. cùng với địa chỉ. Địa chỉ này đối diện với nhà mẹ tôi ở Việt Nam, một địa chỉ rất quen thuộc. Đây là nhà bà vợ sau của ông Chiến, mẹ Thắng. Tưởng cũng cần nói thêm, không như ở Mỹ, đối với những số điện thoại nhà ở Việt Nam, ta có thể tra ngược, nghiã là có thể tra tìm tên và địa chỉ người đăng ký điện thoại qua số điện thoại. 
Tôi đưa hóa đơn cho Trang xem. Nó nói tỉnh bơ:
-Dạ con gọi đó, bác!  Cho con trả tiền tuần sau. Tại bác không mua thẻ.
Tôi bực mình nói:
-Không ai phí phạm như mầy. Mầy qua Mỹ hơn hai tháng rồi mà không quên được thằng đó sao"  Cái thằng con lão Chiến, Tổng Giám đốc...
Tôi thấy mình vô lý, không nói tiếp nữa. Dù sao tôi cũng lấy làm lạ, thường con gái qua Mỹ rồi, tối đa một tháng sau quên mất bạn trai ở Việt Nam, dù trước đó khóc lóc, có khi đòi về, sao con Trang này chung thủy như vậy.
Tôi đợi mãi vẫn không nghe tin tức về việc Thắng đi phỏng vấn. Trang hỏi Thắng thì nó trả lời : "Sắp đi phỏng vấn". Tôi hỏi ông anh họ tôi. Anh ấy cười nói:
-Thắng có chịu đi phỏng vấn đâu mà được cấp visa.
-Sao nó không chịu đi"


-Nó ...sợ được đi Mỹ. Nó qua Mỹ  khó ...quậy và ai lái chiếc xe hơi mới ở đây" Hơn nữa, lão Chiến cũng không muốn cho con đi.
-Tôi nghe nói những người như lão Chiến, chỉ muốn cho con đi Mỹ để chuyển tiền tham ô...
-Chú nói vậy tôi không ... nhất trí. Theo tôi, về mặt chính quyền, hồ sơ sinh viên du học rất đơn giản; nhưng về mặt "Tổ chức", không đơn giản như vậy. Phụ huynh ở trong "Tổ chức"  chắc phải "thưa" với "Tổ chức" một tiếng về việc du học của con em. Còn chuyện cho con em ở lại Mỹ, không phải chuyện công khai đâu.
-Thắng không muốn đi, thì làm hồ sơ để làm gì"
-Làm chơi cho vui. Thắng  thường  đem hồ sơ đi khoe với bạn bè : "Tao có con bồ đẹp lắm, làm hồ sơ cho tao du học Mỹ mà tao không đi". Tôi biết vậy nên cũng không thắc mắc nhiều. Mình làm lấy tiền...
-Anh nói vậy tôi không...nhất trí.
Tôi pha trò cho đở căng thẳng rồi nói tiếp:
-Mình nên có trách nhiệm, nhất là đối với con Trang. Tôi chẳng biết nói sao với nó đây.
-Ôi chao! Chú yên trí...lớn đi!  Trước sau nó cũng quên thằng Thắng.  Có thằng Đại sắp qua, con nhà khá giả đẹp trai, có bà dì  ở New York, nhưng không hiểu sao lại không muốn cho nó ở đó, có lẽ vì ông dượng. Chú cho Đại ở tạm nhà chú với con Trang. Lửa gần rơm...
-Tôi lo trường học cho tụi nó, đâu phải làm mai mối. Hơn nữa, làm theo lời anh là trái với mong ước của cha con Trang. Con Trang mà cặp với thằng Đại là trật lất, làm sao kết hôn ở lại Mỹ được.
Một tuần sau đó ông anh họ tôi thông báo có hai nam sinh viên sắp qua Mỹ bằng Eva Airways, đến Phi trường Quốc tế Los Angeles lúc 2 giờ 30 chiều. Trong số này có Đại. Ông anh họ tôi nói:
-Thằng Đại thì tôi đã nói rồi, còn thằng Nghĩa có bà cô ở Florida, quen với tôi. Thằng Nghĩa nhà nghèo, nhưng học giỏi, nhờ bà cô cho mượn tiền đi du học.  Chú cho tụi nó ở tạm nhà chú rồi tính sau.
Đúng như lời ông anh họ tôi nói, Đại cao lớn đẹp trai như một tài tử điện ảnh Đại Hàn. Còn Nghĩa trông có vẻ hơi nông dân, thật thà.  Vừa đến nhà, Nghĩa đã lấy trong va-li ra hai tấm liễn nhỏ có viết hai câu đối theo lối thư pháp: "Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ.  Mây trời lồng lộng chẳng phủ kín công cha". Nghĩa trịnh trọng đưa 2 tấm liễn cho tôi:
-Con xin biếu bác.
Tôi đở hai tấm liễn trên tay nó:
-Bác đoán hai tấm liễn này là của ba má con  cho con, để con treo, để con luôn luôn nhớ đến công ơn cha mẹ. Con hãy giữ lại.
-Bác...tài thật. Nhưng con chẳng có chi biếu bác.
-Khỏi! Xem như bác nhận quà rồi.
Từ ngày bán nhà tôi chưa mua được nhà khác. Nhà tôi đang ở là nhà thuê, rất chật chội.  Càng chật hơn khi đồ đạt từ kho nhà cũ để bừa bãi trong phòng khách và các lối đi. Ba phòng ngủ người trong gia đình tôi chiếm hết. Chỗ trống duy nhất là phòng khách. Tôi cho ba sinh viên ngủ tại đây. Tôi bảo tụi nó tự sắp xếp chỗ ngủ.  Trang chiếm cái sô-pha, Đại và Nghiã ngủ trên sàng nhà. Tháng 10 ở Nam Cali chưa lạnh lắm, mà Trang trùm kín mền từ đầu đến chân, trông như một xác ướp Ai Cập.  Chắc Trang chịu lạnh dở, chứ không phải sợ chói đèn, vì cái phòng khách tối om.
Tôi thường hay nói chuyện với Nghĩa.  Tôi không ngờ Nghĩa  chỉ lớn hơn Trang một tuổi, mà lại có kiến thức tương đối rộng, hơn hẳn những sinh viên khác, trái hẳn với vẻ bên ngoài hơi cù lần của nó. Nghĩa lại hóm hỉnh, có óc khôi hài. Vui câu chuyện, tôi hỏi nó:
-Con có bạn gái chưa"
Nghĩa cười nói:
-Dạ có, mà có cũng như không.
-Nghĩa là sao"
-Con thương con nhỏ đó lắm, nhưng nó chê con nghèo. Đến khi biết tin con du học Mỹ, nó lên sân bay tiễn con, nước mắt ròng ròng. Con thấy nó ...tiếu lâm quá. Con ôm hôn nó một cái cho phải phép, rồi bye bye. Bác có nghe câu ca dao này ở Việt Nam không"
Anh đi qua Mỹ em chờ.                                                                                                               Anh đi nghĩa vụ, em lờ anh luôn.
Tôi cười nói:
-Bác lại nghe câu ca dao này:
Có bồ mà bỏ đi Tây,                                                                                                                       Như xe Honda không khóa để ngay chợ Bến Thành.

Một đêm tôi đang ngủ say sưa, bỗng giật mình thức dậy vì nghe tiếng thét từ phòng khách. Vợ tôi cũng thức dậy. Tôi bật đèn. Mặt vợ tôi xanh như tàu lá. Vợ tôi vốn yếu tim, nhất là thời gian sau này.  Chỉ cần một tiếng động hơi lớn cũng làm bà ấy giật mình. Những lúc bà ấy một mình ở đâu đó, mà có ai đột ngột đến sau lưng, bà ấy cũng kêu lên như bị ma đuổi.
Tôi vội vã đi xuống phòng khách.  Con Trang không có ở đó. Đại và Nghĩa vừa thức dậy, ngồi ngơ ngác. Tôi đi xuống bếp, thấy Trang đang đứng khóc. Tôi hỏi có chuyện gì, nó lắc đầu. Một lát sau Trang mới nói:
-Con nằm mơ thấy ghê quá.
Tôi cười, bảo nó đi ngủ. Nó lại lắc đầu. Sáng sớm tôi xuống nhà bếp pha cà phê, vẫn thấy Trang đứng đó. Buổi tối nó không chịu ngủ ở phòng khách.  Tôi nói:
-Không ngủ ở đó thì ngủ ở đâu"
-Bác cho con ngủ với hai bác được không"
Tôi cười nói:
-Bộ con không thấy bất tiện sao" Con nói thật với bác đi, rồi bác cho ngủ...
-Dạ, để con nói thật. Con bị...mò.
-Ai mò"
-Thằng Đại.
-Sao biết"
-Con đã đề phòng, trùm kín mền mà nó cũng cho tay vào...bóp. Nó còn định...tụt.... Con vùng dậy, thấy nó vừa nằm xuống.
Hôm sau tôi bảo Đại qua ở chung với đám sinh viên con trai. Đại nói:
-Chắc bác nghe con Trang nói bậy bạ. Nhà đông đàn ông, đâu phải mình con.
Tôi nói:
-Sao mầy biết Trang nói mầy" Nhà đông đàn ông là sao" Nhà này chỉ có ba người đàn ông.
-Dĩ nhiên con không nói bác.
-Vậy chắc mầy nói tao-Nghĩa nói.
-Biết đâu.
-Hỏi Trang thì biết- Nghĩa sừng sộ.
-Bênh nhau là cái chắc. Đúng là "nghĩa trang".
-Thôi, tạm thời Đại qua ở bên đó đi -Tôi dịu dọng nói
Khi Đại đi rồi, Trang mới chịu xuống phòng khách ngủ.  Còn Nghĩa chui dưới bàn ăn chật chội, ngủ trên sàn nhà lạnh ngắt.
Hôm sau ông anh họ gọi điện thoại nói về việc Thắng đi phỏng vấn:
-Tôi đem nó đi phỏng vấn ở Lãnh sự quán Mỹ. Sắp hàng lâu lắm mới được vào. Vậy mà nó đổi ý, đi trở ra. Nó yêu cầu đổi hồ sơ cho nó, xin du học Singapore. Tôi... mừng lắm, lại có việc làm, có thêm tiền.
-Anh thật là...
-Tôi biết chú nói gì rồi.  Thôi, bỏ đi!
-Khoan!  Sao nó lại thích du học Singapore"
-Du học Singapore rất dễ về Sài Gòn chơi. Nhiều đứa du học Singapore rồi, nhưng một tháng sau có người thấy chúng đang uống bia ôm ở Sài Gòn, trong khi cha mẹ chúng tưởng chúng đang ...dồi mài kinh sử ở Singapore. Dĩ nhiên chỉ một số thôi. À, mấy đứa  mới qua ra sao"
Tôi định không kể chuyện thằng Đại, nhưng rồi không ngưng được.  Nghe xong ông anh họ tôi cười nói:
-Chắc thằng Đại tự tin lắm mới làm ẩu như vậy.
-Chắc vậy.
Một hôm tôi thình lình hỏi Nghĩa:
-Con thấy Trang ra sao" Liệu có... làm bạn với nó được không"
-Thôi bác ơi! Thằng Đại đẹp trai mà nó còn chê.
-Con nhận xét hồ đồ quá! Con tưởng đẹp trai thì con gái thích sao. Mà đâu có "tỏ tình" theo kiểu thằng Đại được, không ở tù thì cũng bị đòn.
Thừa dịp chỉ có Trang và tôi ở nhà, tôi nói với Trang:
-Chắc con biết Thắng đã đi du học Singapore rồi.
-Con biết. 
-Con nghĩ Thắng có thương con không"
-Con cũng không biết nữa
-Sao lại không biết. Bác nói thật, con đừng buồn.
Tôi kể tất cả những gì về Thắng cho Trang biết. Tôi thấy Trang rưng rưng nước mắt. Tôi nói tiếp:
-Bác chẳng khen sự chung thủy của con chút nào cả. Nếu có trở ngại gì đó, thí dụ hai bên cha mẹ ngăn cấm, mà con và Thắng đều thương nhau, thì việc con chung thủy như vậy có thể chấp nhận. Theo bác, Thắng chẳng thương con chút nào cả. Bác nói ít, con hiểu nhiều.
Một hôm tôi đi làm về, mới mở cửa vào nhà, đã nghe Trang và Nghĩa cãi nhau.
-Nghĩa làm như vậy không được. Trang sẽ nói với hai bác.
-Thì cứ nói đi!
-Nghĩa làm vậy hai bác lại hiểu lầm, tưởng Trang ích kỷ, khó khăn, làm bộ.
...
-Ai lại ngủ dưới bàn ăn.
-Ngủ đâu bây giờ"
-Lên phòng khách mà ngủ. Nghĩa mà ngủ dưới bàn ăn, Trang đi ngủ chỗ khác.
-Ngủ đâu"
-Ngủ đâu kệ tui.
Tôi yên lặng bước lên thang gác, để yên cho hai đứa "cãi nhau.” Tôi lẩm bẩm: "Như vậy là trật lất rồi. Tôi đành phụ lòng phó thác của Diêu rồi, Diêu ơi. Nhưng biết đâu, cũng như việc ra tù sớm của Diêu, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may. Biết đâu tụi nó học thành tài, trở về thay đổi được gì cho đất nước. Chứ ai cũng ở lại đây thì..."
Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,029,439
Vô Thường Quán nằm trong khu thương mại Việt Nam, nhưng góc phố đó chỉ có cây cổ thụ và mấy tiệm Mễ nên người Việt cũng ít lui tới
Thật sự mà nói hầu như tất cả những ngày lễ lớn tại Hoa Kỳ
Lời đầu tiên khi đặt bút viết bài này, tôi xin chúc phúc cho tất cả những ai còn có mẹ
Khi mới sang Mỹ, nghe nói ai cũng phải có "credit", nghĩa là phải vay mượn tiền từ các cơ quan tài chánh
-Mau mau lên đi em! Nhớ mang đủ tã lót, áo ấm cho các con! Sữa nữa. Anh ra đề máy xe trước không thôi lạnh mấy nhỏ. Coi chừng ra trễ, má xuống máy bay rồi, bả chửi chết
Parking lot, là bãi đậu xe, ai cũng biết
Từ San Francisco tôi về lại quận Cam đầu tháng 5 / 2003
Qùy gối, bạt tai, quất đít, khẻ tay, dộng đầu vô bảng đen... là chuyện thường thấy ở các trường Tiểu Học thời lính mã tà mũi lỏ bận quần sọt
Thị trấn sa mạc Chula Vista tháng Mười Hai năm nay tự nhiên tuyết đổ trắng
Ba nhắc tôi: - Mặc nhiều áo vào con ạ! Trời lạnh lắm đó! - Dạ.