Thanksgiving: Làm Việc Nhỏ Nhất
Tác giả: Leanhdung
Bài số 3046-28346-vb2112210
Bài viết được chuyển tới bằng email Bút hiệu tác giả được giữ nguyên theo bản thảo: viết liền chữ, không dấu Việt ngữ. Theo nội dung bài viết, tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm.
***
Tôi giật mình thức giấc, đầu nhức như có ai đó đã dùng dao nhọn đâm vào trong lúc ngủ say! Hai màng tang giật giật và nhức nhối khó chịu vô cùng...Có ai mà không một lần trải qua cơn nhức đầu! Nhưng sao lần nầy tôi cảm thấy có một cái gì đặc biệt liên quan giữa cơn ác mộng vừa trải qua và những gân máu đang hành hạ óc não kéo dài sau khi tỉnh giấc!
Nhè nhẹ lăn xuống giường, mò xuống bếp, mở tủ lạnh lấy một chai nước lọc ực một hơi; bật đèn kiếm chai thuốc nhức đầu, lấy hai viên cho vào miệng; lúc bấy giờ tôi mới hơi tỉnh táo! Khi vào phòng ngủ thì vợ tôi đã tỉnh giấc. Ánh đèn ngủ mờ mờ, màn che cửa đu đưa theo gió nhè nhẹ! Tôi cảm giác như một hạnh phúc mơ hồ nhưng có thật và trân trọng nó từ ngày chúng tôi lấy nhau! Nhưng trong khoảng thời gian hơn ba chục năm chung chăn gối, chúng tôi cũng có lần chia ly đầy nước mắt...
Lần chia tay lâu nhất giữa hai chúng tôi là những năm tôi ở trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc. Những năm đó chúng tôi toàn viết thư cho nhau hay nếu có gặp nhau, trong những lúc nàng tìm đến thăm nuôi; chúng tôi toàn nói với nhau hay viết cho nhau những lời giả dối! Những câu nói khách sáo rỗng tuếch, những lời văn phường tuồng và hai gương mặt tươi cười lúc ngồi bên nhau trong căn lều nhà thăm nuôi... Mà lòng tan nát! Mắt mở to nhìn nhau, quan sát nhau từng chi tiết xem mình có còn là của nhau không! Miệng tươi cười không biết lựa lời như thế nào để hỏi cho biết được chút gì sự thật qua những gương mặt giả dối bên ngoài...
Một trong những thư tôi viết về cho vợ tôi lúc mới đặt chân ra Bắc, được nàng giữ rất kỹ. Đến lúc tôi từ nhà tù về, nàng mới đưa ra cho tôi xem lại trước khi đốt đi! Bức thư ấy tôi viết dưới hình thức như một văn thư. Đại khái thế nầy:
Yên Bái ngày...
Em yêu!
Thứ nhất: Anh được Cách mạng cho đi học tập cải tạo trên phần đất Xã hội chủ nghĩa miền Bắc đã sáu tháng nay nhưng anh chưa có thì giờ thông báo với em! Mong em thông cảm và hãy chia xẻ cái may mắn mà anh nhận được từ Đảng và nhà nước là được học tập gần thủ đô hơn để mau tiến bộ hơn, hầu sớm trở về cùng dân tộc và em cùng các con...
Thứ hai: Anh đang phấn đấu hết sức mình để lao động tốt, học tập tốt, xứng đáng với hoài bão mà em và các con đã gởi gắm anh cho Đảng và nhà nước dạy dỗ!
Thứ ba: Hãy gìn giữ sức khỏe và gắng nuôi dạy các con thành người, thay anh thăm hỏi ba má...Nếu em cảm thấy không có gì còn ràng buộc và hết duyên với nhau thì trước khi thực hiện theo ý mình, em nên giao mấy đứa con của chúng ta cho hai bên nội ngoại! Nhưng nên ưu tiên để thằng con lớn với ông bà nội! Anh là con Trưởng, là đích tôn... Nên nó có thể thay anh hương lửa cho dòng họ... Không ai có thể ngồi chờ một cách vô vọng một người mà không biết người đó chừng nào có thể trở về! Em còn rất trẻ, em không thể ảo tưởng về một người kể từ nay, trên thực tế không giúp gì cho em mà còn là gánh nặng! Em sẽ sống như một cô phụ trong lúc em cần phải sống thực...
Thứ tư : Anh đã an tâm tin tưởng và học tập cải tạo tốt. Anh sẽ không trách em và sẽ không ân hận gì khi em vì hoàn cảnh mà ra đi. Anh đã xác định vị trí đứng của mình hiện tại và trong tương lai. Anh sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam, vận nước như thế nào thì các anh phải chịu như thế ấy...
Thứ năm: Hôn em và các con. Hãy bảo trọng và thay anh thăm viếng ba má. Nhắn lời thăm các em...
ký tên
Anh
lad
Con người ta, đôi khi tự đeo cho mình chiếc mặt nạ và cũng tự mình giả dối với chính mình! Khi đeo chiếc mặt nạ do chính mình tạo ra, soi qua chiếc gương trên tường, đôi khi tưởng rằng mặt nạ đang đeo là mình...! Trong suốt thời gian dài gặm nhấm thương đau qua không biết bao nhiêu trại tù từ Nam ra Bắc! Những người trai sinh ra trong thời loạn ly và trong một khúc quanh lịch sử nhiều tranh cãi của chúng ta đều là những nạn nhân đáng thương!
Vợ tôi đã không nghe theo cái văn thư từ trong tù, do lúc tôi đeo chiếc mặt nạ tự ti và chiếc mặt nạ đó còn mang mặc cảm yếm thế, viết những lời chạm tự ái về nhân cách của nàng!
Nàng đã nghe theo lời tuyên truyền đi kinh tế mới để chồng được về sớm, nàng đã tự nuôi dạy các con tôi, buôn tảo bán tần không quản ngày đêm và nhịn ăn nuôi chồng!
Nàng đã bao lần lặn lội, chuyển từ tàu lửa nầy qua tàu lửa khác; từ ga Sài Gòn , Nha Trang, Hà Nội, Ấm Thượng, Yên Bái, Lao cay... để cho tôi được còn sức mà "học tập tốt".
Nàng đã nghe lời thuyết phục của tôi, đem thằng con lớn gởi về cho nội! Nó sẽ là người thay tôi hương lửa nếu chẳng may tôi chẳng có ngày về! Bạn bè tôi đã lần lượt ra đi trước sự chứng kiến của tôi, thì tôi, biết đâu cũng có ngày nằm bên họ trên ngọn đồi không tên trong dãy Hoàng Liên Sơn huyền thoại và đầy sương lam chướng khí!
Cơn ác mộng làm cho tôi phải thức giấc và đầu nhức nhối trong đêm là một giấc mơ hãi hùng! Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang trong một chuyến hành quân trên vùng cao nguyên. Đức Cơ Pleiku, biên giới Miên Việt... Lúc đang làm công tác dân sự vụ và hát hò phục vụ đồng bào Thượng, tập trung bên con lộ loang lổ đầy ổ gà, tiếng hát của các cô ca sĩ người thượng đang hòa với tiếng cồng... thì lựu đạn nổ và những tiếng B 40 nổ! Trong lúc ấy tôi thấy vợ tôi không biết từ đâu lao ra nằm đè trên người tôi. Tiếng nổ ầm thật lớn ngay phía trên thân thể nàng! Tôi la thất thanh và nhìn nàng đang hấp hối vì đã hy sinh đỡ trái lựu đạn cho tôi...Tôi khóc thật lớn trong lúc đầu tôi đau nhức không thể nào tả được... Cuối cùng thì tôi đã giật mình thức giấc khỏi cơn mơ hãi hùng đó!
Vợ tôi, ngay cả trong mơ, nàng cũng tìm cách đến và hy sinh cho tôi! Hồi chưa theo tôi qua Mỹ, nàng đã thay chồng nuôi con, rồi nuôi luôn ông chồng lúc trở về từ trại tập trung. Bà Tú Xương thời trước quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi lấy năm con với một chồng... Những bà vợ sĩ quan VNCH đi tù cải tạo như bà xã tôi thì có muốn quanh quẩn buôn bán bên sông cũng chẳng được chế độ mới để yên. Họø phải nay kinh tế mới mai lên tàu lửa chạy hàng, mốt ra Bắc thăm nuôi.
Trước kia nàng theo tôi vào cuộc chiến, có nhau trên khắp vùng chiến thuật và cũng đã có lần ôm con di tản khỏi Pleiku, như trong trận mùa hè đỏ lửa 1972... ! Tôi là người cổ lỗ sĩ, theo quan niệm rất xưa và đôi lúc độc tài! Vì yêu tôi nên nàng phải theo tôi trên khắp các nơi tôi phục vụ. Chúng tôi có với nhau ba mặt con và nơi ở cuối cùng là Pleiku! Cũng từ Pleiku chúng tôi theo vận nước nổi trôi cho đến ngày máu nhuộm đỏ trường sơn...
Trên con tàu qua Mỹ, tôi đã cầm tay vợ, nhìn ba đứa con đang ngồi phía trước, nói với nàng rằng, chúng ta đang qua một trang sử mới và chúng ta sẽ có dịp làm lại cuộc đời!
Suốt mười mấy năm qua, tôi đã viết nhiều bài ca tụng, cám ơn mọi người, cám ơn đời đã còn giành cho chúng tôi, những cựu tù chính trị, những thân thể còm cõi trong tù đày... có một khoảng không gian để sống! Những người tù chúng tôi cũng đã nhiều lần tỏ lòng biết ơn nước Mỹ, người Mỹ đã giang tay chào đón chúng tôi!
Tôi cũng đã có dịp cám ơn nhiều người khác, nhưng chưa bao giờ trực tiếp cám ơn người thân yêu ở ngay bên cạnh mình, người đã giúp tôi và nâng tôi qua cơn bão dữ. Mùa thanksgiving nầy, tôi xin làm một việc như những người bình thường khác là cám ơn người gần mình nhất, người vợ!
Những người vợ tù chính trị cũng là những nạn nhân, hình ảnh người mẹ truyền thống Việt Nam... Mấy đứa con tôi, trong thời gian vắng cha, đã được mẹ bù lại bằng cách cố công rèn luyện dạy dỗ chúng từ bé. Cho nên khi qua đến đất người, chúng đã có được hành trang vào trường một cách căn bản. Nhờ thế, bảy năm sau, chúng đã tốt nghiệp trong cùng một tháng.
Thanksgiving cũng là dịp để chúng ta có dịp nhìn lại mình và gia đình, định hướng cuộc sống tương lai khi đang lưu lạc xứ người và hướng về tổ quốc! Chúng ta đã may mắn hơn bao nhiêu người khác còn sống vất vả không có ngày mai! Hãy làm một cái gì đó, hãy hướng về và hãy giành những ngày còn lại trong đời cho những việc có ích!
Leanhdung