Hôm nay,  

Tết Trung Thu

24/09/201200:00:00(Xem: 235720)
viet-ve-nuoc-my_190x135Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn, người đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, từ nay là bút hiệu. Cô là dân Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, từng sống ở vài tiểu bang như Indiana, New York, Connecticut, hiện là cư dân San Jose, California. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

Tết Trung Thu năm nay nhằm ngày 30 tháng 9 sao ta?

Nghe háo hức nhưng tôi lại không hảo ngọt nên cũng chẳng thèm thuồng bánh Trung Thu hay bánh dẻo nữa. Nếu như năm nay có ai tặng bánh tôi cũng bớt thích rồi thì sợ tăng cân. Dù sao ở San Jose năm nào người ta cũng sẽ tổ chức lễ hội Trung Thu xôm tụ, tưng bừng lắm. Các gia đình có con nhỏ, muốn dạy cho con cháu cái phong tục tập quán Việt Nam vẫn còn chú trọng những ngày lễ này.

Tôi vốn không thích việc phải đi kiếm chỗ đậu xe chen chúc một cách vất vả, thành ra nếu không đi làm thiện nguyện ở những lễ này thì tôi cũng không có hứng thú gì khi làm khán giả. Các sự kiện quan trọng chào mừng lễ hội theo phong tục Việt Nam ở San Jose, lúc nào cũng nhộn nhịp với phần giúp vui văn nghệ hấp dẫn, người Việt rủ nhau vợ chồng con cái, bạn bè, lũ lượt hội tụ đông đủ, trò chuyện, ăn uống, giải trí vui nhộn để tìm lại không khí những ngày lễ hội Việt Nam.

Năm 1986, vừa đến Mỹ là tôi định cư ở tiểu bang Indiana. Khi xưa, hễ nhắc tới những tiểu bang ít người Việt và không được nổi danh lắm, thì có nhiều chuyện để kể.

Hồi đó, tôi chưa giỏi Anh Văn và chưa rành về địa lý lẫn phong tục tập quán của Mỹ, tôi thường gặp khó khăn khi giải thích cho người còn ở VN hiểu rằng tiểu bang Indiana không phải là nước Ấn độ, nói hoài họ không hiểu tôi phăng đại:

- Tôi sống ở vùng kinh tế mới của Mỹ, chỗ này đồng không mông quạnh, mùa đông tuyết ngập đến đầu gối, không được nóng ấm và cũng không phải ở gần Ấn độ đâu.

- Thế à, ai mà biết đâu, tụi tôi chỉ biết Nữu Ước thôi hà, mà cái vùng kinh tế mới của bạn có ở gần Nữu Ước không?

- Nữu Ước là cái quái gì nữa đây? À, tôi biết rồi, New York phải không? Đối với người Mỹ đi máy bay thì cũng không xa gì mấy, nhưng đối với tôi thì đi bộ mười năm chắc chưa tới. Tôi pha trò.

- Cắc cớ gì vậy bạn. Ỷ đi Mỹ được rồi làm phách nha.

- Giỡn chút thôi mà. Ở Nữu Ước có phố Tàu vui lắm. Nếu được đến đó một lần là muốn đi hoài, không chán, nhất là được ăn đồ ăn Á Đông, đỡ ghiền. Ở đây kiếm tô phở khó hơn đào vàng.

- Vậy sao, tội nghiệp quá hén, hay là đổi đi, tui qua Mỹ dùm cho, bà về Việt Nam lại đi.

- Thôi không thèm, ở đây buồn thiệt nhưng còn hơn về Việt Nam bán trà đá, ha ha ha.

- Ha ha ha…thôi chào, hết phút rồi.

Hồi xửa hồi xưa đó, tôi phải gởi tiền về năn nỉ dữ lắm mới có người gọi điện thoại cho mình nói chuyện dăm ba câu. Tôi gởi thư về thăm chờ hoài không có hồi âm, dù hồi âm nào cũng nghe kể khổ với xin tiền cứu nạn mà thôi. Thế nhưng, quê hương, người thân và kể cả những chuyện liên quan đến Việt Nam như những ngày lễ, thì người Việt tha hương chúng ta không thể thờ ơ quên lãng được.

Dạo ấy, nhà hàng Việt Nam nơi tôi ở cũng còn hiếm. Chợ Việt Nam cũng xa mà hàng hoá cũng không có chi nhiều. Lâu lâu người ta chờ cuối tuần thảnh thơi lái xe đi phố Tàu-China Town để mà tìm chút không khí sinh hoạt của người Á Đông. Tết Trung Thu đến, ai mà thèm ăn Bánh Trung Thu, bánh dẻo, muốn dạy con thơ đốt đèn, đón trăng thì họ cũng phải chạy đi chợ xa cả tiếng đồng hồ trở lên, để mua sắm đồ về mừng lễ. Cộng đồng người Việt lúc bấy giờ chưa đông đúc lắm. Khi họ thông báo quảng cáo có tổ chức mừng lễ ngày cuối tuần là chúng tôi mừng rỡ, háo hức vui vẻ tham gia liền.

“Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường. Đèn ông sao với đèn bướm bướm…”

Việc tự mình làm đèn Trung Thu cũng thú vị ghê. Ở Mỹ khi đó, lúc cần, ta đi kiếm một vài nhánh tre cũng khó khăn, “trần ai khoai củ” lắm. Bí quá, tôi lấy mấy cây đũa dài dùng để xào đồ ăn, chẻ ra rồi kiếm dây thun cột lại làm thành chiếc lồng đèn ngôi sao, dán giấy kiếng đỏ lên là có đồ chơi cho con đi rước đèn. Cũng nhờ vậy mà mấy đứa con của tôi ít nhất cũng biết mình là người Việt Nam, biết háo hức đón chờ ngày Tết Trung Thu để được đốt lồng đèn.

Vài năm sau, rành đường đi rồi thì năm nào Tết Trung Thu tôi cũng đi chợ Tàu mua lồng đèn theo ý thích của các con. Người ta còn sáng chế ra loại lồng đèn xài pin. Không tốn tiền mua đèn cầy gắn vào đốt, mắc công lại dễ cháy. Chơi đèn xài pin thì đỡ sợ bị cháy lồng đèn, làm con trẻ hoảng sợ quăng bậy cháy nhà thì mất vui.

Hơn mười năm sau, chúng tôi dọn về San Jose, cộng đồng người Việt đã khá đông. Lễ hội Trung Thu năm nào cũng rềnh rang, sân khấu và đốt đèn rất vui. Có một lần, tôi cùng nhóm bạn đi trèo núi hiking đón Trung Thu cho biết với người ta. Tôi cứ ngỡ chỉ có người Á đông mới khoái đi ngắm trăng. Không ngờ trên đường leo dốc mệt nhoài dưới ánh trăng sáng yên tĩnh, chúng tôi lại thấy loáng thoáng vài người Mỹ, già có, trẻ có đang hăng hái lên leo núi để thưởng thức ánh trăng. Một lời chào, một nụ cười khích lệ của người qua đường cũng có thể khiến cho chúng ta có thêm năng lượng để mà leo tiếp.

Thế rồi chúng tôi cũng trèo lên được tới đỉnh. Bầu trời trên cao lồng lộng gió, trăng sáng vằng vặc, cả đám chụm lại kéo áo gió chùm lên đầu, lôi bánh dẻo, bánh Trung Thu, rót trà ra thưởng thức, ngắm trăng, cười đùa, thật là một cái Tết Trung Thu nhiều kỷ niệm.

Trung Thu đến không chỉ có riêng trẻ con háo hức được rước lồng đèn đón trăng.

Dạo này đồ ăn Trung Thu được nhập từ Trung Quốc hình như không còn được an toàn nữa. Thức ăn không an toàn vệ sinh là một loại vũ khí giết người vô hình, một loại thuốc độc mãn tính. Những người mê ăn bánh Trung Thu bắt đầu rủ rê tự làm bánh Trung Thu ở nhà.


Ngoài chợ họ bán hộp bánh Trung Thu 4 cái khoảng hai chục đô la. Nhưng ăn vào có độc tính hay không chưa rõ, mà nhiều người đã thấy đau bụng vì hao đô rồi. Làm bánh Trung Thu tưởng là khó, nhiều giai đoạn nhiêu khê nhưng thật ra cũng đơn giản lắm nếu quen tay. Bạn tôi còn siêng hơn là thắng sẵn nước đường để dành vài tháng thì làm bánh càng ngon hơn. Trứng muối mua ngoài chợ, người ta cũng thấy không an tâm. Bạn bè lại chỉ nhau cách làm trứng muối tại nhà. Tôi cũng lanh chanh làm thử, ăn ngon ra phết. Từ nay khỏi cần mua đồ ăn của Trung Cộng, bớt vài đồng lời của ta, bọn Trung Cộng cũng nghèo bớt, biết đâu sẽ giảm kiêu căng phách lối, khoe thói bành trướng.

Nhiều người trên phố rùm lại lao xao nhắc nhở nhau: “Nấu đồ ăn tại nhà ráng đừng sử dụng hoá chất nhiều hại sức khoẻ," không sử dụng nước tro tàu cũng được. Họ còn chỉ nhau tự làm nhiều thứ mứt để dành làm nhân bánh cho an toàn hơn là mua hàng nhập từ Trung Quốc.

Tôi dạo này sợ lên cân tốn tiền nới cửa và phải tăng số đo quần áo, thành ra tôi chọn học làm bánh dẻo, dễ làm hơn nhiều. Làm bánh dẻo vừa nhanh vừa gọn, vừa làm vừa lủm a ha…còn mau lên cân bạo.

Nhớ lại hồi mới qua Mỹ, chị bạn tôi thèm làm bánh dẻo phải chờ đi Việt Nam mua nước hoa bưởi và dặn người ta mua bột đúng loại này nọ có vẻ công phu, khổ sở quá. Bây giờ ở chợ bán đầy mà người ta còn chỉ cho mua loại nào tốt và an toàn nữa. Ở Mỹ bây giờ, đi chợ món hàng nào cũng có, lại có ghi sẵn công thức ngoài bao bì. Bạn muốn học làm món gì mà sợ hư, thì bạn hãy chịu khó lên mạng, vô diễn đàn đặt câu hỏi, thì thế nào cũng có người tận tình chỉ dẫn chia xẻ kinh nghiệm. Nếu không biết cách và ngại vào diễn đàn thì bạn vào google đánh máy câu hỏi chính rồi tìm và chọn lọc thông tin ra. Tôi bảo đảm thế nào bạn cũng tìm được câu trả lời . Còn nếu bạn bí quá, không biết hỏi ai, thì liên lạc tôi đi. Tôi cũng là tay mơ, chỉ thích học nghề miễn phí. Nhiều phen tôi đã bon chen làm thử với người ta. Làm thử rồi tôi mới thấy dễ quá, không ngờ mình cũng khéo tay ghê đi chứ, vừa làm vừa lủm cũng có được một mớ bánh, chụp hình đem đi khoe trên mạng cho có với người ta.

Tết Trung Thu năm nay tôi còn học được cách làm bánh đậu xanh nữa. Nhưng tôi không có khuôn ịn bánh đậu xanh nên tôi đành lôi cái khuôn làm nước đá kiểu cọ thành bông hoa ra ịn bánh đậu xanh xài đỡ, nhìn bánh cũng đẹp và ngon lắm.

Bàn về bánh nghe phát ham mà tôi quên vụ trà. Tôi vốn dĩ không thích uống trà nóng, nhưng khi có bạn mời loại trà thật đắt tiền, uống vào nghe đầu môi chan chát, sau đó thì từ từ thấy ngọt lịm từ đầu lưỡi tan vào trong miệng, thì có thêm miếng bánh Trung Thu nhấm nháp là quá ư tuyệt vời rồi. Nhiều người thích uống trà thì họ lại học được nhiều kỹ thuật hay. Bạn hãy tìm thử "nghệ thuật uống trà" thì sẽ tìm ra được một số thông tin thú vị lắm đấy.

Năm nay khí hậu không được ôn hoà cho mấy, hè chưa đi mà trời đã lúc nóng, lúc lạnh, lúc thoang thoảng gió heo may.

Những lúc trăng sáng vằng vặc mà trời trở gió không biết chị Hằng có cần áo khoác không ta? Trung Thu năm nay tôi sẽ không đi đốt đèn cùng các con, cũng không tham gia lễ hội Trung Thu của cộng đồng. Không chờ đi chợ ngắm các khu hàng bánh Trung Thu vì không còn thấy hấp dẫn gì nữa. Thế nhưng, khi nhớ lại, thấy các bạn trên phố rùm khoe nhau đừng đợt bánh dẻo, bánh Trung Thu. Lúc họ than thở mẻ bánh này không đẹp, đợt bánh kia ăn chưa vừa ý lắm. Hoặc họ sẽ nhảy dựng lên khoái chí tử vì lần đầu tiên làm bánh Trung Thu mà đã thành công mỹ mãn. Còn tôi thì vừa theo dõi, vừa ngồi tủm tỉm cười, nhâm nhi cái bánh dẻo mình tự làm mà nhớ quê hương da diết.

Có ai thèm về Việt Nam vào lể Tết trung thu không ta. Xưa nay, tôi hay háo hức về thăm nhà vào dịp Tết, Giáng Sinh, hay về ngay mùa hè để được ăn trái cây cho đã thèm. Hơn hai mươi mấy năm xa nhà, tôi cũng không còn nhớ Việt Nam mình đón Trung Thu ra sao nữa. Có lẽ họ sẽ cấm đốt đèn vì sợ cháy nhà, cũng như ngày Tết không cho đốt pháo lâu rồi. Ngày Tết không tiếng pháo còn gọi là Tết sao. Bởi thế cho nên, Tết Nguyên Đán tôi không còn khờ dại mà hành xác gần 20 tiếng đồng hồ trên máy bay đi Việt Nam, rồi lo đếm tiền phờ râu lì xì thiên hạ, người quen cũng như kẻ lạ, tạo ra phong tục mới là người ở Mỹ phải lì xì người ở lại.

Tôi thấy bây giờ ăn Tết ở Mỹ vui hơn nhiều. Có khi tôi lười, chỉ nằm ở nhà chùm mền mà vẫn còn nghe tiếng pháo nổ lác đác xa gần đâu đó, ít nhất là 2 ngày liền, khi ở gần các khu đông dân cư Việt Nam. Suy ra, chắc Tết Trung Thu ở Mỹ kiểu mới cũng vui chán. Chúng tôi sẽ đua nhau khoe những chiếc bánh Trung Thu hay bánh dẻo mình tự làm. Có bạn làm ra những chiếc bánh cháy đen như cục gạch nung, cũng hồ hởi đem ra khoe đại. Nếu cần bạn cũng có thể đặt mua hộp và túi đựng bánh y chang như mua ở chợ nữa để làm đẹp bánh đem tặng người thân.

Không biết bây giờ, người ta còn lấy những chiếc lon sữa gò đục ra rồi làm chiếc lồng đèn đón Trung Thu không nữa. Tôi quên không hỏi người ở lại, Tết Trung Thu có gì lạ không em? Tuy nhiên, các bạn nhớ đừng mua bánh Trung Quốc nữa. Đồ ăn tự làm, an toàn thực phẩm muôn năm. Bánh dẻo mà tôi tự làm… cũng muôn năm…ủa lộn, ngon lắm, bạn muốn thử không? Bảo đảm vệ sinh không có chất độc mãn tính, lại miễn phí.

Tôi có sưu tầm được công thức làm bánh của anh Saigonmylove, và đã tự mình “thực hành”, làm được một số bánh nướng bánh dẻo đủ loại, thấy vừa ngon vừa đẹp. Tôi rất muốn xin chia xẻ công thức này tới những ai muốn thử tay nghề, nhưng viết về nước Mỹ chắc không có chỗ cho bí kíp nữ công gia chánh. Chắc phải chuyển công thức này sang trang Gia Đình Việt Báo.

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
10/10/201222:45:56
Khách
cảm ơn Chú Sáu, các độc giả Nguyễn, Thuy Le, dieulien, xin lổi T hôm nay mới vào thấy được bài đã đăng và những dòng ý kiến của độc giả...cảm ơn các bạn ghé thăm...
Những ai có yêu cầu công thức làm bánh Trung Thu, bánh dẽo của anh Saigonmylove, các bạn có thể google :công thức làm bánh Trung Thu saigonmylove hay là thử link này nhé
http://community.vietfun.com/showthread.php?t=756528
ai cần liên lạc MHT hỏi thêm chi tiết gì thì cho xin email nhé, xin chúc tất cả độc giả một ngày vui.
25/09/201202:48:25
Khách
Cám ơn tác giả Mai Hồng Thu.
Bài viết thiệt thoải mái như đang nói chuyện với một người bạn.
29/09/201220:10:48
Khách
Nghe chị kể mà thèm quá, ước gì là hàng xóm của chị thì Trung Thu tha hồ mà ăn bánh dẻo bánh nướng, bài chị viết đọc nghe vui lắm... Xin chị chia xẻ bí quyết làm bánh chị nhé . Cám ơn chị nhiều ....
29/09/201200:48:36
Khách
Chào cháu Thu,
Bài viết cháu rất vui với những nhận xét hay. Chú thích chỗ cháu kể lúc đi trèo núi.


Chú Sáu
27/09/201218:24:54
Khách
Bai viet vui va them phan hap dan o doan mieu ta banh trung thu banh deo.
Neu tack gia gui receipe len trang Gia Dinh de chung toi co ' co hoi thuc hanh lam banh trung thu va banh deo thi tuyet voi qua.
Cam on co rat nhieu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,666,308
Tác giả Nguyễn Quang sinh năm 1947 tại thị xã Quảng Trị, cư dân Nam California, là chủ tịch Hội Ái Hữu Quảng Trị. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông từ năm 2007, kể về người thầy dạy Việt văn tại trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị gần nửa thế kỷ trước. Sau đây là bài viết thứ hai, vẫn là chuyện kể về những thầy bạn cũ.
Tác giả là cư dân Austin, Texas; Công việc: y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố, đã góp nhiều bài viết sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006.
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện đi coi nhà để mua tại Dallas.
Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi Minh Thành từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm.". Bài gần nhất là: “Nội soi ruột già.” Bài mới được ghi là “Thuật lại lời kể của người anh họ tôi.”
Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon.
Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai là tác giả nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Hình bên là quang cảnh “Ngày Summer Picnic” ở bệnh viện tác giả đang làm việc. Bài viết kể về những suy nghĩ, trò truyện từ sinh hoạt vui vẻ này.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Bài mới của ông là một hồi ức thời vượt biển.
Bài viết sau đây của Phương Dung kể chuyện Viết Về Nước Mỹ 2011, đã phổ biến trên báo in, nhưng vì sơ xuất kỹ thuật, bị “thất tung” trên Việt Báo Online. Sắp tới họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, xin mời cùng đọc lại.
Tác giả đến Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ, từng cộng tác với một số tạp chí và các trang Việt ngữ trên mạng internet. Viết Về Nước Mỹ 2012, bà đã góp hai bài viết “Tiệm Tạp Hoá” và "Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi." Sau đây là bài viết mới nhất.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.
Nhạc sĩ Cung Tiến