Hôm nay,  

Paris - Cali, Ra Đi, Trở Lại

26/01/201200:00:00(Xem: 248660)
Paris - Cali, Ra Đi, Trở Lại

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3467-12-28937vb5012612

Đoàn Thị tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, và cho thấy một sức viết mạnh mẽ, với những những đề tài rất Mỹ, dù tác giả là cư dân châu Âu, làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang dự họp mặt để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012.

***

Sau bốn mươi ngày lênh đênh trên biển, vô đảo Thái Lan vài tháng, được anh Hưng, con của bác hai bên Pháp bảo lãnh, anh xách ba lô đi Paris ngay. Ngày anh rời đảo cũng là ngày gia đình Ái Khanh nhập trại, cô là em gái của thằng bạn mà anh âm thầm đeo đuổi một thời, anh tiếc đứt ruột, giá anh đừng hấp tấp đi Tây, mấy tháng sau đám bạn trên đảo và gia đình Khanh đi Mỹ.
Cứ tưởng anh phải cách xa các bạn đến một đại dương, nhưng mấy năm sau anh bỏ Paris qua Mỹ hội ngộ bạn hiền và ở lỳ bên Mỹ đến bây giờ, mới đó mà đã gần ba mươi năm. 

*
Vừa lấy xong bằng kiến trúc, bạn anh rủ anh sang Mỹ sống, qua điện thoại bạn hiền của anh phán, toa xin đi du lịch vài tháng, sang đây moa tính cho, anh e ngại, bố nói chơi đấy à, con vừa ra trường, mới nhận việc chưa đầy năm, làm gì có phép tắc mà đòi đi du lịch. Bạn anh bực mình, cụ ôm cứng cái bằng mới toanh, cái ghế ngồi chưa nóng đít để chết dí bên đó sao, đất hứa ở đây này, chịu khó nghe lời con lần này đi, cụ sẽ không hối hận sau này. Anh lưỡng lự, để suy nghĩ xem sao, bạn anh làu bàu, giời ạ ở với việt cộng có vài năm mà cụ mất hết chí nam nhi, con đã nói điêu với cụ bao giờ chưa, thôi cứ suy nghĩ trắng đêm đi, mai gọi lại cho moa, hắn cúp máy một cái cụp.
Anh có đức vâng lời tuyệt đối với bạn hiền, vài tháng sau anh đặt chân lên đất Mỹ, đám bạn mang anh về nhà thay phiên nuôi cơm, tìm một ngàn lẻ một phương kế để anh ở lại quê chú Sam.
Cách nào cũng không ngắn gọn bằng " cưới vợ ", anh thất kinh hồn vía, mấy bố thương con, con vừa phụ rẩy người yêu bên kia đại dương, con tim rướm máu còn mưng mủ, chạy theo bạn bè phú quý, bạc tình như thế chưa đáng tội với trời đất sao, mà còn bày cảnh chồng hờ vợ tạm nữa.
Bạn hiền của anh nghiêm mặt, cụ ngố vừa thôi, cưới vợ là cưới thật đấy, đừng hòng đánh lận con đen, người ta con nhà gia giáo, chỉ có tội hơi quá lứa, tròm trèm ba mươi mùa thu xào xạc lá vàng rơi, nhưng kém cụ đến bảy tuổi, nhan sắc tùy người đối diện.
Anh đứng bật lên như lò so, như vậy là bố ép duyên chứ có cho con định đoạt đời con đâu, bạn hiền ấn anh ngồi xuống ghế, bình tĩnh đã nào, đã nhìn thấy em chưa, đã biết gì về dĩ vãng đời em đâu mà hoảng lên, moa đã lấy hẹn rồi, sẽ đưa toa đến nhà em vào cuối tuần. Anh gục đầu vào hai bàn tay, bạn hiền của anh lấy hẹn như đi gặp bác sĩ hay nha sĩ, cả cuộc đời anh mà họ tính nhanh nhẹ như đi khám bệnh vậy sao. Để thay đổi không khí, bạn anh mở bản nhạc "Biết ra sao ngày sau" (Que sera sera), anh thầm nghĩ, thuở mười tám đứa nào chả liều, chả nhìn đời hớ hênh, bây giờ gần bốn mươi năm cuộc đời, liều kiểu đó là toi mạng.
Trắng đêm anh suy tư, phen này anh hết đường lùi, hộ chiếu của anh còn hiệu lực vài tháng, nếu anh muốn quay về Paris vẫn kịp, nếu " Xin chọn nơi này làm quê hương " thì khỏi bận tâm. Anh thương Julie quá, con nhỏ yêu anh say đắm, anh chỉ yêu cho đời thêm thi vị, chứ yêu đắm đuối đến mù lòa thì chưa. Anh chưa yêu Julie điên cuồng vì em thiếu cái gì đó rất Việt, cái quốc tuý khó diễn tả, mặm mà như nước mắm nhỉ, anh gọi đó là tình tự dân tộc mà ta có từ thuở nằm nôi.
Để xem nào, nếu trở về Paris, coi như làm lại từ đầu, kinh nghiệm chuyên môn không đầy cái lá mít, đã thế Tây thuộc địa cái miệng bô bô " cấm kỳ thị ", nhưng da vàng khó có đất dụng vỏ trong ngành kiến trúc, có tài ba đến mấy cũng chỉ làm việc trong hậu trường. Muốn ngốc đầu lên phải vát ba lô xuống hiện trường, mồm mép đưa đẩy với hãng thầu xây cất, năm mười năm phơi nắng công trường đến sạm da, gom một số " địa chỉ khách hàng " làm gia sản nếu sau này muốn tự làm chủ mở văn phòng thiết kế, con đường dài mút mắt đầy trắc trở. 
Vậy thì theo lời phán dạy của bạn hiền, anh đành bịa chuyện ông chú họ của ông bác ốm nặng, để lại tiệm tạp hóa cho anh trông nôm và ông tặng anh làm của sau khi ông mất, tại, bị, bởi vì … nên anh đành phải dứt áo giã từ " Xứ Tây dịu dàng " (Douce France). Toàn chuyện ba xạo lừa dối con gái người ta, khiến lương tâm thằng "Ta ru" (dân tu ra dòng) của anh nó cắn rứt lắm. Hôm anh nói với Julie, có thể anh sẽ không trở về Paris nữa, em khóc như mưa trong điện thoại, anh xót xa thấy mình mang đến hai trọng tội, đã không yêu người ta mà cứ vờ yêu, rồi lại bỏ rơi. Anh ấm úng, Julie thứ lỗi cho anh, anh là thằng tồi không xứng đáng để được em yêu, Julie không trả lời, chỉ có tiếng khóc sụt sùi bên tai anh, chỉ chừng đó âm thanh khiến anh không tài nào chợp mắt, giá nàng mắng nhiếc anh thậm tệ để anh bớt bị cắn rứt.
Sáng ra anh bộc bạch nỗi lòng với bạn anh, hắn nhìn anh chầm chập, cụ nói thật đi có yêu say đắm Julie không?
Chưa tới mức đắm đuối đui mù, chỉ mới chột một mắt, nhưng cái khó là Julie yêu moa ghê lắm. Bạn anh chắc mẫm, cụ khéo lo, xa mặt cách lòng, em đầm nào chả yêu ngấu nghiến, nhưng vắng mợ chợ vẫn đông, không có cụ, em sẽ tìm đứa khác. Anh ấm ức, chuyện tình cảm mà bố làm như đi mua táo, không có táo xanh thì chọn táo đỏ, cụ chưa mù mà cứ như lòa, tờ giấy tùy thân chưa có lận lưng, còn bày trò si tình nửa mùa, tạm dẹp chuyện Julie, để bàn vụ cưới hỏi, cuối tuần này con phải cõng cụ ra mắt nhà gái đây.
Đêm đến anh suy tư miên man, chuyến này đành giã từ Paris với muôn ngàn kỷ niệm lãng mạn khi thu về cùng em dạo chơi vườn Lục Xâm, những buổi ngồi cà phê vỉa hè nhìn thiên hạ tình tứ trên đại lộ Champs Elysées.
Cặp mắt nhung xanh như mây trời của Julie, giọng nói ngộ nghĩnh khi nàng gọi anh "chaud" (anh Châu) và những câu thì thầm nửa ta nửa tây của riêng hai người.
Một trời thương nhớ đành chôn vào dĩ vãng, vì mai này anh sẽ cưới vợ, đời trai lúc sang ngang bỏ lại cuộc tình lở sau lưng, cũng ngậm ngùi như ai.
Ngày ra mắt nhà "vợ hờ" (anh tự nhủ như thế), các bạn thay nhau "thắt cổ" chú rể tương lai, anh Lộc lắc đầu, cà vạt màu đỏ gợi nhớ cờ đỏ sao vàng khiếp quá, thòng cho nó cái màu gold trông chững chạc hơn. Anh ngồi thẳng đơ để các bạn thay nhau thò thòng lọng đủ màu sắc vào cổ anh đến chán chê, cuối cùng anh phán một câu xanh rờn, mấy bố cho con xin một tí tự do trước khi mang con đi gã bán được không, đưa moa cà vạt màu Bordeaux. Cả đám cười nhẹ nhỏm, anh Tường vỗ vai anh, ít nhất cụ cũng lên tiếng để trấn an mọi người, cụ vẫn làm chủ tình hình, cụ đích thân đến coi mắt nàng dù có bị tụi moa hộ tống, anh nói nhỏ, đến nước này là hết đường chuồng với mấy bố rồi. Anh Lộc pha trò, ai biết được chốc nữa giáp mặt mỹ nhân, cụ quên cả đường về, anh Tường nhắc khéo, cà vạt màu Bordeaux của Julie tặng, đẹp và hữu tình, nhưng chớ có dại mà khai với vợ tương lai là kỷ vật của người yêu là bỏ đời đấy, anh cười thầm, đời còn gì đáng giá mà bỏ.
Anh nhắm mắt đưa chân lên xe bông cưới Thiên Hương, theo sự xếp đặt của bạn hữu, theo sự an bài của Chúa, hay vì xứ Mỹ hấp dẫn hơn xứ Tây, tất cả những chi tiết đó đều đúng, và anh gọi đó là duyên số, nghe hơi cải lương, nhưng là sự thật. Bố mẹ cô dâu ưng ý lắm, con rể gốc "ta ru", kinh kệ sớm hôm đầy đủ, đạo hạnh một bụng, chắc chắn cô dâu sẽ hạnh phúc, cũng vì các cụ chưa thấy mà tin, nên phen này anh phải sống làm sao để không phụ lòng các cụ.
Ngày anh cưới vợ, trong số quan khách đến dự, có Ái khanh của anh ngày nào, nay đã làm vợ, làm mẹ, nàng tươi trẻ bên chồng con, anh vội đấm ngực thề không thèm nhớ đến chuyện ngày xưa, có Chúa làm chứng cho anh.
Và nhờ ơn Chúa, hai mươi tám năm trôi qua như cơn gió thoảng, anh sống an lành trong vòng tay vợ, buồn vui có đủ, nhưng hạnh phúc lớn nhất đời anh là cô con gái rượu, Hương Tràm, con bé mang nét đẹp của bố mẹ.
Định mệnh khéo an bài, sau này bạn bè họp mặt ăn chơi, Khanh lại làm thân với vợ anh, rồi làm mẹ đỡ đầu lúc con gái anh rửa tội. Ngày đó cũng là ngày anh nhận thấy người trong mộng đang làm anh đắm đuối là cô bé đang oe oe trong tay anh sau khi lãnh nhận phép Rửa. Anh chợt hiểu uy quyền người phụ nữ có mãnh lực khủng khiếp, thảo nào ông tiên tổ Adam đã phớt lờ lời Chúa để đàn ông phải ngậm "cục nghẹn" đến ngày nay.
Một lần nữa định mệnh lại trói chặt hai gia đình, anh vừa làm sui với vợ chồng Khanh, trong tiệc cưới, sau khi hai họ lên sân khấu chào mừng quan khách, ông sui của anh mời vợ lên có ý kiến ý cò, làm anh sướng mê tơi.
Giọng Khanh trầm ấm, xin cảm ơn quý vị đến chung vui ngày hạnh phúc của hai gia đình chúng tôi, cảm ơn các con đã cho mẹ một diễm phúc, từ nay mẹ chẳng những có thêm con dâu, mẹ còn có thêm con gái, Hương Tràm, con không phải là con dâu, con chính là con gái của mẹ.
Bạn bè vỗ tay khen mẹ chồng đọc một bài "đít cua" ngắn gọn nhẹ, có một không hai, mẹ chồng công khai thỏ thẻ xin tí tình yêu của nàng dâu. Có người bảo Khanh thật đáo để, thời nay mẹ chồng mất giá trầm trọng, không khéo xử sự bị con dâu "đì sói trán" như chơi. Biết phận mỏng dòn của mình, Khanh nhanh nhẩu công khai mua chuộc con dâu ngay từ thuở bơ vơ mới về, phòng thân sau này không bị con dâu ghẻ lạnh.
Cái công thức mới ra lò này được mấy bà ghi sổ chờ đến lúc mình cưới dâu sẽ thực hiện, có người đùa, đi ăn cưới bữa nay huề vốn, vì chủ nhà vừa trình làng công thức khá "ăn tiền" nếu áp dụng đúng như lời nói, nhưng liệu các bà có thật lòng thương con dâu như con gái ruột không, đó là thử thách lớn của bà mẹ chồng thời nay.
Gả con gái xong, giữ đúng lời hứa cách nay một phần tư thế kỷ, anh đưa Hương đi Paris cho biết đó biết đây, biết nơi anh sinh sống trước khi định cư bên Mỹ, chuyện Julie, anh có kể sơ cho Hương biết sau khi cưới, đời trai của anh không cần dĩ vãng, nhưng cũng có dĩ vãng như ai.
Hương là người con gái bình dị, chưa có mối tình đầu và chỉ có anh là người đàn ông duy nhất trong đời, hạnh phúc của nàng cũng đơn giản như bao phụ nữ khác, chồng con là gia sản, việc làm là đam mê.
Sau một tuần rong chơi Paris với Hương, anh xin vợ một buổi chiều gặp lại người xưa, Hương nhắn nhủ, anh đi chơi vui vẻ nhưng đừng quên đường về nhé. Anh nheo mắt, có Chúa làm chứng, anh sẽ quay về với con tim nguyên vẹn, nàng cười hiền từ, để anh đi gặp cố nhân là em tin anh hết cỡ rồi, réo gọi Chúa làm gì, cái gốc ta ru sao mà đặc quánh.
Paris đây rồi, thơ mộng dưới bóng dù xanh đỏ quảng cáo Coca Cola, Perrier … dù được cắm giữa cái bàn nhôm với hai chiếc ghế của quán cà phê vĩa hè, anh châm điếu thuốc nhìn Julie qua lọn khói bay lượng theo chiều gió.
Nàng khuấy cà phê, "anh Chaud" nói gì đi chứ, anh bỗng thấy mình lãng mạn bất tử, em vẫn "xanh xanh đỏ đỏ" như thuở nào, vẫn duyên dáng như xưa (anh bày cho Julie một số từ ngữ VN của riêng hai người, xanh xanh đỏ đỏ là make up, vì con gái thời anh đi tu, ít có người son phấn như bây giờ), Julie cười, anh vẫn vậy, vẫn "nịnh đầm" như xưa dù tóc anh đã ngã màu muối tiêu (từ "nịnh đầm" Julie dùng tiếng việt).

Anh nắm lấy bàn tay Julie đang nằm yên bên tách cà phê uống dở, bàn tay thon, xương nhiều hơn thịt, dấu ấn của thời gian, và anh thấy thời gian như ngưng lại những năm bảy mươi, Paris ít ồn ào, nhốn nháo du khách hơn bây giờ. Xong chầu cà phê, hai người ra bờ sông tâm tình, nhìn mấy chiếc Bateaux Mouche, Bateaux Bus ngược xuôi, anh hỏi Julie, em nhớ lần đầu tụi mình đi Bateaux Mouche, chui qua gầm cầu Pont Neuf, em nói chiếc cầu này làm chứng chuyện chúng mình, vì nó là khởi điểm hình thành thành phố Paris, sao mà lãng mạn thế nhỉ.
Julie cười, cải lương như "tình chỉ đẹp khi còn dang dở" ấy mà, anh ôm lấy vai Julie, giỏi, sao em còn nhớ tiếng việt hay vậy, Julie cười, tại nhớ anh, à không hẳn thế, em thấy từ ngữ nửa tây nửa ta của tụi mình khá hay.
Khi lấy Léon làm chồng, em có kể chuyện này, đôi khi tụi này cũng dùng từ "cải lương", "bốc phét", "to mồm", "phỉnh phờ"… của anh để người đối diện không hiểu. Nhưng câu mà Léon tâm đắc nhất là câu "encore xanh xanh đỏ đỏ" (lại đang trang điểm), rồi mấy đứa con của em chúng nó cũng nói "xanh đỏ" khi thấy em ngồi trước gương.
Paris vào thu lãng mạn quá, lá vàng rơi ngập phố cũ, anh vào nhà hàng chọn cái bàn bên cửa sổ để nhìn thiên hạ qua lại khu Latin, xóm này bây giờ không còn văn nhân nghệ sĩ lê la như dạo nào. Mặc kệ, có Julie quán xá bỗng trở nên mộng mị, ánh nến lung linh làm ly rượu đỏ thêm sóng sánh khi anh uống cạn ly thứ ba.
Hôn em lần cuối, kém tình tứ hơn mấy mươi năm trước, nhưng nhờ men rượu anh nghe môi em ngọt và tim anh lần đầu rung rinh giữa hai nụ hôn. Môi em nồng nàn rượu tây, môi vợ anh đậm đà nước mắm, anh muốn ôm hết Tây Ta vào lòng, nhưng lỡ thề độc với Chúa, anh đành chọn, nước mắm nhỉ.
Đêm hôm đó anh ngủ say như trẻ thơ, sáng ra Hương hỏi, hôm qua anh về say mèm, dìu anh vào giường anh ngủ một giấc cho đến sáng, anh đi chơi vui chứ, kể cho em nghe một tí đi. Anh hiên ngang, kể hết chứ kể một tí đứt đoạn nghe tức không chịu được, Hương tròn mắt, vậy chờ em làm cà phê cho anh.
Bên tách cà phê Arabica giọng anh đều đều như ông nhà văn đọc truyện audio, anh kể đầy đủ cảnh ngồi cà phê vỉa hè, rồi ra sông Seine ôn chuyện xa xưa, vào quán ăn phố Latin và kết thúc bằng nụ hôn nặc mùi rượu đỏ nhưng đọng lại vị nước mắm nhỉ, Hương đấm vào lưng anh, xạo vừa thôi, em chả tin.
Anh choàng tay qua vai Hương, anh nói thật mà, lãng mạn cũng chỉ nửa mùa thôi, anh bỏ Paris lâu quá rồi, trở về thành kẻ lạc loài giữa chốn phồn hoa. Anh quen sống gia giáo với em, không nhà hàng vũ trường, không rượu chè hao tốn, làm hai ba jobs, ăn mắm, ăn cơm nguội, ăn mì gói, húp cháo, để dành tiền sắm nhà xe, dư chút đỉnh gửi về VN cứu người.
Tụi Tây đâu biết chiến tranh, khoai độn là gì, làm ngày nào hưởng ngày đó, mua nhà làm gì để mắc nợ, thích đâu thuê nhà ở đó, vợ chồng có chia tay khỏi phải chia chác tài sản, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi, tình hết nghĩa sẽ dứt áo ra đi. Nghĩ lại anh thấy mình quá may mắn lấy được em, có vợ đồng hương vẫn hơn, cơm canh ba món có đủ, chả bù lúc ở với Julie anh cứ thèm phở liên tục.
Hương véo tai anh, bây giờ chán cơm của em phải không, chán hồi nào, đang ở Paris nên cố ăn bánh tây cho bõ những ngày xa vắng, về bên kia lại thèm, mà này, Julie còn nhớ bộn tiếng việt của anh, cả chồng con của Julie cũng hiểu chút chút, đấy chồng em tài chưa. Hương ngạc nhiên, ba cái xanh xanh đỏ đỏ đó mà cũng ăn tiền sao, anh nhanh nhẩu, em tin không, Julie bảo Léon có câu thần chú "encore xanh xanh đỏ đỏ" mỗi khi nàng ngồi lâu trước gương, đôi khi Léon còn nói "Il te phỉnh" (He phỉnh you), độc đáo chưa, tây nghe điếc con rái luôn. Hương lắc đầu, cho em xin, nói năng kiểu này làm sao dạy việt ngữ cho con cháu, anh quả quyết, cái này là mình dạy tây nói tiếng ta, chứ con cháu mình ai lại dạy như thế, mất đi cái tinh anh tiếng mẹ đẻ.
Rời Paris, anh đưa Hương đi Bretagne, lên núi Saint Michel, anh kể, lần đầu anh Hưng đưa anh lên đây thấy cảnh hay quá anh định đi tu, nhưng anh Hưng bảo không nên, phải sống thử ở Paris, ăn chơi cho biết với người ta, em đã từng ra dòng rồi mà. Hương cười, mới gặp Julie đã lăn đùng ra đó tu hành gì được nữa, anh dí dỏm, tại con nhỏ thơm như múi mít, tiếc là tính nết của nó chưa "quánh mít đặc" để hớp hồn anh. Hương đáp, vì vậy em mới hưởng sái, anh cười ưng ý, vợ anh thuộc lòng sáu câu của anh, giỏi lắm, nấu cháo cho anh húp mấy chục năm nay, có chừng đó câu cú có dốt tiếng việt cách gì cũng phải thuộc bài.
Hôm sau anh với Hương leo lên đồi cát Pilat ở Bordeaux, (đồi có đến 60 triệu mét khối cát, đồi cát này cao nhất Châu Âu) ngồi trên đỉnh nhìn ra biển, tiếng gió thổi vi vu như đưa hai người vào cõi riêng, Julie gọi đó là "Jardin secret", góc vườn của riêng ta, khoảnh khắc ngoài vợ ngoài chồng, nhưng không vẩn đục.
Bỗng dưng anh thèm chia sẻ góc vườn của anh với Hương, lần đầu tiên anh kể chuyện tình ngu ngơ về Ái Khanh, những chiều tan trường anh mò đến nhà thằng bạn không thân, nhưng cố làm thân vì cô em gái của nó. Chuyện tình nửa đường gãy gánh với Julie, nếu còn ở Paris, chắc anh phải hiến thân cho em đầm, và ai biết được giờ này anh đã có thằng cu Sạt Lở (Charles) hoặc con bé Hết Răng (Henriette).
Nhưng Chúa thương nên anh bị bạn bè ép duyên cưới em, anh được yêu em, được em nuôi ngày ba bữa cơm canh nóng hổi, rồi em tặng anh cô công chúa để đời, thời nay có con trai coi như đứt chếnh, em thấy Ái Khanh xuống nước xin "tí tình mẹ con" của con gái mình ngày cưới đó. Hương ngã đầu trên vai anh, bữa nay ông kẹ lên đồi cao nên nói chuyện trên mây phải không, trăm lần không, anh thành thật như đang xưng tội đấy. Thế em đang là linh mục nghe con chiên tự thú à, vậy thì Cha nhắc con chiên chưa thật lòng khai tội, cái tội ruồng bỏ xứ Tây chạy qua Mỹ vì "Giấc mộng Mỹ", chứ yêu thương gì Hương này. Sao lại cải lương thế, đúng là anh cưới em vì muốn ở lại Mỹ, nhưng sau đó anh yêu em thật lòng, đấy chứng nhân tình yêu của chúng mình sờ sờ ra đấy. Hương nắm tay anh, trêu anh tí thôi, mà này, quay về Paris lần này anh có thấy tiếc quyết định ngày xưa không.
Ngàn lần không, phải công nhận bạn hiền của anh có cái "nhìn chiến lược", chúng nó biết dân ta chịu cày, sống bên Tây không hạp, dân Tây nổi tiếng ăn chơi, làm một job miệng đã chữi thề, một năm nghỉ hè đến mấy lần, làm gì có chuyện over time hoặc hai jobs. Tuy nhiên dân ta bên Tây cũng khá siêng nên ai cũng tậu nhà nhưng khó giàu nhanh như bên Mỹ. Dân ta được cái đức siêng đi cày nên ở đâu cũng làm dân bản xứ "khó chịu," biết sao bây giờ, cha mẹ sinh con, chiến tranh sinh ra thế hệ chạy giặc chúng mình mê cày đến điên loạn.
Ngày rời Paris anh không hề để quên con tim, chỉ tiếc không đủ thời gian đưa Hương đi chơi nhiều hơn, hành lý mang về có mấy chai rượu tây, hai chai Maggi king size, bơ, phó mát … Hương thồ toàn nước hoa, mỹ phẩm, đàn bà nào chả xanh xanh đỏ đỏ.
Trở về Cali anh ngủ vùi hai ngày mới bắt lại múi giờ, cuối tuần, họp mặt các bạn hiền để kể chuyện Paris có gì lạ?
Đám bạn ngày xưa có mặt đầy đủ, các anh Lộc, Tường, Sơn, Phi… anh khui rượu mời bạn hiền, Hương gom mấy bà ra ngoài vườn chia chác hàng Paris. Rượu vào lưng lửng, bạn hiền hỏi anh, em đầm còn mít ướt khóc nhè như thuở nào?
Anh ngà ngà tâm tình, Julie bây giờ chỉ là bạn cố tri, tuy có kiss em một cái cho đáng mặt Gentleman, moa già rồi tim gan sơ cứng, đâu dể gì rung động như xưa. Vậy là chuyện em "Pa ri zen" coi như goodbye my love, toa nói thật chứ, bố ơi con sắp lên hàng ông ngoại, có si tình thì cũng sẽ "si mấy em nhỏ ngồi bô" của Hương Tràm thôi.
Vậy toa không tiếc gì xứ Tây phồn hoa sao, anh cười mỉm, Paris vào thu đẹp lắm, đi chỗ nào cũng hữu tình lãng mạn, mấy bố nên dẫn bà xã qua đó hâm nóng mối tình già, đi chơi cho đáng cuộc chơi, nhưng sinh sống thì khó làm giàu như bên này, vật giá đắc đỏ, dân chạy loạn chúng mình chỉ có mục tiêu kiếm tiền, ở đây là đất hứa rồi. Giờ này còn ở bên đó chắc moa bị nhồi máu cơ tim với cái Liên Hiệp Châu Âu rối bời dãy chết, khối cộng sản vừa rã đám, đàn anh vô sản phá sản nên vứt luôn mấy nước đàn em Liên Xô Á, Đông Âu, bỏ của chạy mất mạng. Vậy mà ông Tây thuộc địa háo hức vơ vét cái đám tàn quân (Ba Lan, Tiệp, Roumanie …) lập băng đảng chống đồng dollar, thật là ấu trĩ. Ông Tây ông Đức bị con ong nào chích cho nộc liều gương cánh "gà cồ" (Coq Gaulois) làm oai hốt ổ. Bây giờ điêu đứng với thành viên Hy Lạp, Tây Ban Nha bên bờ vực thẫm, bạn bè bên đó ai cũng méo mặt, đồng Euro thoi thóp, việc làm tắc nghẽn, tương lai chưa biết sẽ ra sao ngày sau.
Đám bạn của anh đồng thanh, bây giờ toa mới thấy tụi moa " có chính nghĩa " khi ép duyên toa chứ, sướng bỏ bu, tậu được vợ hiền còn được ở lại xứ Mỹ tha hồ sân si làm hai ba jobs. Con biết mấy bố có cái nhìn chiến lược, vì vậy con mới cắn cỏ nhớ ơn mấy bố, con vát đủ loại rượu tây về để tạ ơn mấy bố đây.
Gần sáng khách mới rút lui, anh phụ Hương thu dọn chiến trường, 3 giờ sáng hai đứa lên giường, giờ này là đúng ngọ bên Tây, Hương mở lời, hôm lên nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Cœur) trên đồi Montmartre, anh cầu xin điều gì trước tượng Chúa vậy, chả xin gì cả, cảm ơn Chúa cho anh gặp em, cưới em, cho anh cô con gái rượu, cho chúng mình có cuộc sống đủ dùng. Giọng anh êm êm, hú vía, giờ này còn ở bên Tây chắc anh đau tim mất, đồng Euros nhào lộn lên xuống thử thách niềm tin cạn kiệt của mấy đứa có tí tiền gửi ngân hàng làm của, đã thế hãng xưởng thay nhau đóng cửa, chính quyền tăng thuế, bắt dân thắt lưng buộc bụng.
May mà tụi mình ở bên này, kinh tế cũng "đao" (down) nhưng nhờ thầy lang Mỹ giỏi nghề, không phong thần ảo tưởng như thầy Tây, hy vọng tương lai sẽ khá hơn, anh toan nói tiếp nhưng hơi thở đều đều của Hương báo cho anh biết bài "đít cua" về kinh tế của anh thật buồn…ngủ.
Anh nằm nghiêng nhìn vào chiếc đồng hồ trên bàn ngủ, con số 4:30 sáng rỡ, giờ này bên Tây đã quá ngọ, Paris trong nắng. Anh thấy lá vàng rơi ngập lối sau cơn mưa phùn, Paris ướt át dưới bóng dù che khuất đôi tình nhân đang dạo phố, Paris của những nụ hôn đến rồi đi, ngắn hạn như những mùa hè chỉ kéo dài ba tháng.
Anh nhớ đến ca từ trong bài "Lettre à France" của ca sĩ Michel Polnareff , nghe chạnh lòng kẻ tha hương:

Người xa ta chỉ tám giờ lệch múi
Ta xa Người đến hàng niên kỷ

Anh nghe xao xuyến trong lòng, lạ thật anh là Mít đặc, sao lại có thể nhớ da diết xứ Tây như gã ca sĩ kia được, anh ra phòng khách mở nhạc, lim dim nghĩ ngợi.
Bảo anh không nhớ Paris là nói dối, dù gì anh cũng "quá cảnh" Paris đến bảy mùa thu lá vàng rơi xào xạc mà chưa túm được con nai vàng nào ngơ ngác, ngoài con hươu Julie, nên chuyện hươu vượn của anh với nàng cũng chỉ thế thôi. Có nhớ Paris cũng chỉ là thoáng nhớ, Paris với những con đường, gốc phố của riêng anh, phố Montmartre với đường cao đường thấp như Đà Lạt với những con đường ngược dốùc.
Anh mơ hồ thấy Paris huyễn hoặc dưới ánh đèn đường, Julie tựa cầm lên thành cây cầu bắt ngang sông Seine, chu miệng gửi nụ hôn gió đến anh.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
31/01/201220:01:43
Khách
Bài này quá hay . Tôi xin cám ơn tác giả Đoàn Thị đã cho tôi trở lại những năm tháng tuyệt vời của tuổi thanh xuân , khi tim còn ôm ấp những hình ành thật đẹp , thật lãng mạn của trong thơ Cung Trầm Tưởng và nhạc Phạm Duy . Người vợ hiện tại bên Mỹ và người tình Julie năm xưa trong truyện cả hai đều xử sự rất tế nhị và hiểu biết . Người đàn ông trong truyện quả là tốt số được bạn bè thương mến , được vợ chiều chuộng , được về lại đất Pháp gặp người tình năm xưa , lại còn được làm thông gia với bóng hồng mình theo đuổi khi còn trẻ . Cám ơn tác giả một lần nữa cho tôi thấy lại mình năm hai mươi tuổi
01/02/201215:22:48
Khách
Cảm ơn anh Dien đã chia sẻ, rất vui vì bài viết của mình đã đưa độc giả, trong khoảnh khắc, quay về thời thanh xuân lãng mạn nhiều mơ mộng.
Chúc anh và gia quyến, năm Nhâm Thìn, Hạnh Phúc An Vui.
28/01/201210:44:42
Khách
Cảm ơn bạn Thắng đã ghé qua và góp ý.
Năm mới chúc bạn An Khang, Thịnh Vượng.
26/01/201219:12:34
Khách
Đọc chuyện này làm tôi liên tưởng đến L'Amant của Marguerite Duras. Anh chàng Tàu nếm mùi fromage, nhưng cuối cùng bị gia đình ép duyên trở về với xì dầu, cả đời còn lại lâu lâu cũng có một thoáng xao xuyến khi đâu đây có chút hương fromage thoang thoảng bay trong gió.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,510,793
Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau, Huyền Thoại- Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định.
Hơn ba năm trước tôi đưa gia đình đi nghỉ hè một tuần ở Washington D.C..
Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham
“Mẹ ơi, em đi bô rồi », tiếng cu Beo gọi tôi đi rửa cho em
Truyện cho mùa xuân Nhâm Thìn của tác giả là bản ngợi ca tình thân yêu và cuộc sống tươi đẹp. Trước 1975, Cam Li từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa,
Tác giả đã có dịp cùng người thân dự sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ từ lâu nhưng chỉ mới góp bài từ năm thứ 11 của giải thưởng. Bài viết đầu tiên là “Hồng Điểm”, bài thứ hai là một truyện vui, “Ông Già Vợ Trúng Số Độc Đắc”ï Bài viết thứ ba của Ý Thảo kể về ông bảo trợ người Mỹ và kỷ niệm về chuyện nghỉ Tết Nguyên Đán của người Việt trong cơ sở Mỹ thời mới định cư.
Tháng 8 năm 2010, vì công tác nơi vùng cát nóng sa mạc Úc Châu, tôi không bay về tham gia ngày họp mặt Viết Về Nước Mỹ
Rồng thật ra không phài là một con vật có thật
Tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận giải vinh danh tác phẩm 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến