Hôm nay,  

Mừng Tết Nhâm Thìn: Quay Đầu Về Núi

23/01/201200:00:00(Xem: 212238)
Mừng Tết Nhâm Thìn: Quay Đầu Về Núi

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3464-12-28934vb2012312

nguyen-trung-tay-large-contentTừ trái, Ảnh do tác giả chụp, giao thừa sớm Tết Nhâm Thìn với “Mẹ, Mẹ Tôi.” Hàng trước: Chắt Lê Thảo My, Cháu Nguyễn Thùy Vân, Cụ Hà Thị Phức (Mẹ, Mẹ Tôi), Cháu Nguyễn Tường Vy, Cháu Nguyễn Minh Tuấn; Hàng sau: Chắt Lê Thái Kiều). Tác giả với nhà văn Nhã Ca và CEO Hoà Bình Lê tại trụ sở Việt Báo.

Mother’s Day, Tháng 5, 2009, Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đăng bài “Mẹ, Mẹ Tôi”của tác giả Nguyễn Trung Tây, một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, từ Úc Châu gửi về. Tiếp theo đó là “Gốc Phi Châu” cùng nhiều bài viết đặc biệt khác và Nguyễn Trung Tây là tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Vì không thể rời nhiệm sở tại Alice Springs, Northern Territory, Úc Châu, tác giả đã không thể trực tiếp dự buổi họp mặt nhận giải. Mãi tới nay, ba năm sau, lần đầu tiên, vị Linh mục nhà văn và Việt Báo mới có dịp gặp gỡ lần đầu Sau đây là bài viết của ông.

*

Tháng 8 năm 2010, vì công tác nơi vùng cát nóng sa mạc Úc Châu, tôi không bay về tham gia ngày họp mặt Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức. Nhiều tiếc nuối! Buồn vui lẫn lộn!
Lỡ một chuyến đò, nhưng cứ mỗi ba năm, chúng tôi, những nhà truyền giáo Ngôi Lời, được phép rời tiền đồn biên giới về quê thăm nhà tới những ba tháng (home leave). Bởi thế, đã có những phút, ngồi trong văn phòng, hoặc đầu nhức căng căng, hoặc ngáp ngắn ngáp dài; nhưng nhìn lên tờ lịch nơi có những con số: 5-12-2011, tự nhiên hồn nhẹ tênh, và tôi nhoẻn miệng cười xòa…
Ngày rồi cũng tới. Sáng thứ Hai, ngày mùng 5 tháng 12 năm 2011, tôi xoay một vòng, khóa cửa văn phòng, bước chân lên phi cơ Qantas, rời vùng sa mạc quay về lại Mỹ. Bạn tôi nói, “Cóc chết ba năm, quay đầu về núi!”.

I. Mẹ, Mẹ Tôi
Sau gần hai mươi tiếng đồng bay trên không trung (Alice Springs-Melbourne-Auckland-Los Angeles-San Jose), cánh cửa mở tung để tôi gặp lại nhân vật chính của “Mẹ, Mẹ Tôi”, tác phẩm tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Ngày phát giải năm 2010, tôi không về. Mẹ tôi ngồi vấn khăn nhung, từ San Jose bay về Quận Cam, tiến lên khán đài danh dự lãnh giải cho con. Giờ này, tôi về lại nhà, để nhận ra mẹ tôi năm nay lưng còng hơn, tóc bạc trắng sợi cước. Mẹ tôi khật khừ ngọn đèn trước gió… Gió trời thổi mạnh, con phải mồ côi, liếm lá đầu đường! Thì cũng vẫn bởi tuổi già. Có ai tránh được vòng quay! Từ ngôi làng nhỏ bé Sài Thị, Hưng Yên; vào trong Ông Tạ, Sài Gòn; sang tới San Jose, Cali, mẹ tôi, theo dòng thời gian đẩy tới, 90; lá ngày nào giờ đổi màu vàng. Xe đã có những lần như muốn ngưng những vòng quay, bỏ cuộc. Trước ngày về lại Mỹ, tôi gọi điện thoại, rộn ràng thông báo một lần nữa bản tin, “Mẹ ơi! Con về”. Tự dưng đâu đây trong bầu không khí nhỏ bé của văn phòng, lời nhạc “Mẹ có hay chăng con về?” của Phạm Duy rộn ràng trong tim, cung nhạc réo rắt ngân vang trong hồn...
Mẹ tôi, bây giờ không đi bộ ngoài đường nhặt lon cho nhà thờ nữa. Mẹ tôi, cholesterol bình thường, không mắc tiểu đường, căn bệnh phổ thông của người châu Á. Mẹ tôi, trung thành với sinh hoạt Hội Legio, đều đặn tuần một lần đi lễ ngày Chúa Nhật. Mẹ tôi, bệnh tật vặt vãnh! Mẹ tôi, trong câu chuyện, thỉnh thoảng điểm vào những lời than nho nhỏ về sức khỏe,
— Bây giờ không còn đi bộ được như xưa nữa…
Tôi, tánh hề, nói ngay, giọng Bắc giọng Nam ba rọi,
— Giời ạ! Mẹ tưởng mẹ còn trẻ lắm “shaoo”…
Có lúc mẹ tôi than bị phong thấp hành. Tôi lếu láo, nửa đùa nửa thật,
— Mẹ bán than khi nào vậy?
Mẹ tôi ngơ ngác,
— Ủa, mẹ bán than bao giờ?
Cô em phá ra cười, quay sang tôi cự nự,
— Mẹ ơi, ai biểu mẹ than thở… Ông tướng quỷ này… cứ ưa chọc mẹ!
Mẹ tôi lườm tôi, mắng yêu mấy mắng,
— Cái thằng! Ăn nói vớ vẩn!

II. Việt Báo-Viết Về Nước Mỹ
Ngày rồi cũng tới. Từ San Jose tôi lên phi cơ Southwest bay tới phi trường Ontario, California. Bạn tôi đón, mang về giáo xứ nơi bạn đang làm việc. Tới giáo xứ, tôi không ngần ngừ, mượn điện thoại, quay số gọi Việt Báo, xin gặp thi sĩ Trần Dạ Từ. Khoảng 5’ sau, Việt Báo gọi lại. Tôi hớn hở báo tin đã có mặt ở Mỹ, gần tòa soạn lắm, tà tà khoảng một tiếng lái xe mà thôi. Đầu giây bên kia dội vang lời chào mừng tôi quay về lại đất xưa. Tôi hẹn tới thăm Việt Báo. Thi sĩ mời ngày mai ăn trưa.
Ngày hôm sau, bạn tôi bỏ công việc giáo xứ, làm tài xế chở tôi xuống Quận Cam, địa chỉ đường Moran của Việt Báo.

Xe bon bon lăn bánh trên đường…
Sau hơn một tiếng, bản đồ điện tử GPS oang oang thông báo, giọng đọc rõ ràng,
— Arriving at the destination…
Tôi nhìn căn nhà đường Moran, khu dân cư… Ủa, lạ chưa! Đây đâu phải tòa soạn Việt Báo. Thấy tôi ngơ ngác, bạn tôi ngơ ngác nhìn tôi,
— Sao không xuống? Tới rồi đó...
Tôi nhặt điện thoại của bạn, gọi,
— Thi sĩ ơi, đã tới địa chỉ tòa soạn. Nhưng tòa soạn đâu rồi?
Tòa soạn đâu rồi? Ai mang mặt tiền của tòa soạn Việt Báo đi đâu? Ngơ ngơ ngác ngác. Đầu giây bên kia, thi sĩ nói ngay,
— GPS chỉ đường lộn! Đường Moran của tòa soạn ở gần Phước Lộc Thọ…
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra không phải tôi nhầm, hay tại tòa soạn Việt Báo đổi mặt tiền, mà tất cả cũng bởi tại bản đồ GPS. Chỉ đường sai! Nhầm! Lạc!
Bạn tôi đổi hướng. Lần này không theo sự hướng dẫn của máy, nhưng của người. Cuối cùng, bạn và tôi dừng lại ngay trước tòa soạn Việt Báo. Đúng rồi, nhìn mặt biết liền địa chỉ; nhìn mặt tiền biết liền Việt Báo. Tôi hồi hộp mở cửa… Cánh cửa văn phòng mở tung. Đứng đó, thi sĩ nhìn tôi, ánh mắt không ngạc nhiên, như một chờ đợi đã từ lâu, như một tin tưởng tôi sẽ đến, như một điều chắc chắn sẽ xảy đến, không nghi ngờ! Thi sĩ, tôi chỉ nhìn thấy hình trên báo chí, trên sách vở, giờ này đứng đó, bằng xương bằng thịt, bắt tay tôi, giọng Bắc ấm áp. Tôi chào, giơ tay bắt, gọi,
— Chào anh… anh Trần Dạ Từ.
Cánh cửa tiếp tục mở tung khi thi sĩ mang tôi đi, gặp nhà văn Nhã Ca. Cửa mở để tôi nhìn thấy nhà văn ngay trước mặt. Tôi cúi chào chị Nhã Ca, xưng em, nhìn tác giả “Cổng Trường Vôi Tím” đã từng đọc cách đây trên dưới ba mươi lăm năm. Đó, trước mặt tôi, nhà văn của nhiều tác phẩm tôi đọc lén lút sau năm 75. Nhã Ca tôi phục vì dám “chứa” nhà văn Mai Thảo trong nhà vào những ngày xám đen bầu trời.
Trong cùng một ngày, trên dưới mười lăm phút, tôi gặp mặt hai người, một thi sĩ, một nhà văn. Chị Nhã Ca, đúng như tôi đoán, giọng Huế nhẹ nhàng. Cũng như phu quân, chị Nhã cũng rạng rỡ ánh mắt khi nhìn thấy tôi, người của một lần không về được Mỹ… Anh Từ cho biết trưa nay người trưởng ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, đang bận công việc ‘tư vấn kinh tế’ với mấy đài phát thanh quốc tế không kịp về toà soạn, có nhờ “gửi lời chào mừng tác giả’. Tôi được tiếp tục mang tới giới thiệu trước từng người Việt Báo. Đây là… Đó là… Có Doãn Hưng, đặc phái viên, Huỳnh văn Quang, tổng thư ký toà soạn, Phan Tấn Hải, chủ bút. Cả hai chief cookers của Việt Báo đều là những học giả cư sĩ Phật giáo nổi tiếng. Đặc biệt “ấn tượng” nhất với tôi, hóa ra là nhân vật chữ nhất, số một, người tổng quản trị của Việt Báo, CEO Hòa Bình. Thi sĩ chỉ vào cô gái Việt Nam, tóc dài ngang vai, miệng cười mắt cũng cười, nói năng lễ phép,

— Đây là Hòa Bình…
Tôi muốn bật ngửa, không tin vào tai vào mắt. Đây là Hòa Bình sao? Qua những điện thư viết qua viết lại trong tiếng Anh giữa Hòa Bình và tôi, “thành thật khai báo”…tôi vẫn nghĩ Hòa Bình nhất định phải là một nhân vật nghiêm nghị, “very serious”, ít nói, biếng cười, “not easy to get along with”… Nhưng cuộc sống vẫn là một chuỗi dài của những phút bất ngờ. Tôi nhìn Hòa Bình, cô gái Việt Nam cười tươi, “Chào chú Nguyễn Trung Tây”. Tôi không ngần ngại, nhận liền chữ “chú”, gọi Hòa Bình bằng “cháu”, thân mật,
— Giời ạ! Đây là CEO Hòa Bình hay sao?
Cô gái Việt Nam tên gọi Hòa Bình lại cười, cười tươi, gật đầu xác nhận,
— Vâng, cháu là Hòa Bình đây.
Thêm một người đến, anh Minh coi sóc phát hành sách báo. Và đến với tin vui: báo xuân Việt Báo Nhâm Thìn sold out ngay từ 23 tháng Chạp.
Tôi nhận phần báo xuân dành sẵn cho tác giả, tờ báo Tết con rông với mầu đỏ rực rỡ. Tôi chụp chung hình với chị Nhã Ca, tay cầm sách Viết Về Nước Mỹ dầy cộm; rồi hình riêng một mình với báo Xuân màu đỏ tươi Nhâm Thìn 2012.
Tưởng thế là hết, nhưng không, trước khi đi ăn cơm trưa, tòa soạn phỏng vấn tôi về đời sống sa mạc Úc Châu, và cảm tưởng của một người đã từng bỏ Mỹ mà đi, giờ này quay đầu về núi…
Phỏng vấn xong, Việt Báo mời tôi đi ăn. Tôi nghĩ trong đầu, đi ăn trưa chắc chỉ có tôi, bạn tôi, và có lẽ anh Trần Dạ Từ. Ba người. Đủ lắm rồi. Giờ làm việc. Giờ hành chánh. Thời giờ là tiền bạc! Nhưng không như tôi nghĩ, quân ta của tòa soạn Việt Báo rộn ràng kéo nhau ra tiệm ăn trưa đúng bốn người: anh chị Từ-Nhã, CEO Hòa Bình, và anh Minh.

Xe bon bon lăn bánh trên đường Bolsa...
Tới tiệm Royal thi sĩ nhắc nhở tôi nơi đây phát giải Viết Về Nước Mỹ 2010. Tôi nhìn quán ăn rộng lớn, thắc mắc không biết buổi chiều Viết Về Nước Mỹ 2010, mẹ, mẹ tôi, khăn vấn đầu nhung, áo dài nhung, đứng ở đâu vào giây phút đó. Ngồi xuống bàn, nhà thơ gọi chai rượu đỏ, uống chúc Tết Nhâm Thìn và chào mừng mọi người. Thi sĩ rót rượu ra từng ly. Thêm một người đến quán ăn nhập bọn: nhà báo Bồ Đại Kỳ, thành viên ban tuyển chọn chung kết giải thưởng Việt Báo. Mọi người giơ cao ly rượu đỏ chúc sức khỏe, chúc Tết và chúc…tôi quay đầu về núi… Ơi, hồn nghe sao dạt dào. Tôi tưởng như mình đang tham dự ngày Viết Về Nước Mỹ 2010.
Bên ly rượu vang màu đỏ, Việt Báo và tôi chia sẻ nhiều đề tài, chủ đề Viết Về Nước Mỹ 12 năm dài đương nhiên sôi nổi và rộn ràng. Mỗi ngày một câu chuyện đời Việt Nam nơi quê hương thứ hai được đưa lên mặt báo trình làng. Không nhiều than van, không trách móc, nhưng chia sẻ với nhau những cuộc đời hoặc vui hoặc buồn, ở quê hương thứ hai…
Chuyện qua chuyện lại, CEO Hòa Bình, anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca, anh Minh, anh Bồ Đại Kỳ, bạn tôi, và tôi tiếp tục chia sẻ thêm một đề tài nữa. Đề tài này, không nói chắc cũng có người đoán ra… Thì cũng bởi hai chúng tôi hai linh mục của dòng Ngôi Lời, đề tài tôn giáo hóa ra là một đề tài “hot” nhất, bạn tôi và tôi cứ thế mà bị “chiếu”. Cứ thế, ăn, uống, chuyện trò, tiếng Việt giọng Bắc, Trung, Nam, tiếng Anh giọng Mỹ và bây giờ pha chút giọng Úc ồn ào vang vang. Tôi ngồi đó, nhìn những khuôn mặt đỏ hồng hồng của những người hôm nay mới gặp mà tưởng như thân quen từ bao giờ.
Khi mọi người đứng lên, đồng hồ chỉ ba giờ chiều. Một bữa ăn trưa dài, thân thương, nhiều kỷ niệm, nhiều tiếng cười.
Bạn tôi và tôi cuối cùng cũng phải bắt tay tạ từ Việt Báo. Trước khi tạm biệt, tôi chúc chị Nhã Ca nhiều sức khỏe. Chị Nhã Ca nhã nhặn cám ơn, và cũng nói,
— Lời chúc của Tây rất thực tế. Bởi có sức khỏe là có tất cả…
— Vâng, chị Nhã Ca ơi, em cũng đã tới cái tuổi Đức Khổng Tử nói, “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Tri thiên mệnh, biết ý Trời, em vẫn không biết, và có lẽ cũng chẳng bao giờ biết. Nhưng em đã hiểu, và cũng đã từng trải qua để mà cảm nghiệm, để mà biết không có sức khỏe thì chẳng có gì đi theo. Tiền đề sức khỏe dẫn theo tất cả. Không sức khỏe, không văn phòng, không tờ báo, không thơ, không truyện ngắn truyện dài, không tất cả! Chị Nhã Ca biết không, có lần em cử hành thánh lễ đầu năm tại thành phố Everett của Washington. Đầu năm, mình phải có lời chúc Tết tới mọi người chứ. Em suy nghĩ mãi, cuối cùng, em mở lời: “Kính chúc cộng đoàn dân Chúa một năm mới…”. Em dừng lại nhìn xuống để nhận ra bao nhiêu con mắt đang nhìn lên chờ đợi. Chắc có người nghĩ em sẽ nói chúc thành công, chúc tiền bạc. Chắc có người chờ đợi em sẽ chúc bình an… Em dừng lại khoảng nửa phút, và em lập lại lời, “Kính chúc cộng đoàn dân Chúa một năm mới…không ‘cholesterol’, không tiểu đường”. Khi đó trong bầu không khí trang nghiêm của ngôi thánh đường, nhiều người tự dưng bật tung tiếng cười. Em thấy có cả những mái tóc muối tiêu gật gù như biểu đồng tình với lời chúc Tết.

Bạn tôi và tôi rời tòa soạn Việt Báo khoảng 3:30 chiều. Trời xuân Nam Cali nắng chiếu lung linh đường phố Bolsa. Chợ hoa Phước Lộc Thọ tưng bừng người mình đi mua hoa. Hai bên đường Bolsa, người mình xe cộ tấp nập. Trời xanh, lòng tôi cũng xanh tươi hớn hở.
Tự dưng tôi nhớ tới những Hội Chợ Tết Bắc Cali của Thung Lũng Chợ Phiên thập niên 80. Vào giây phút Giao Thừa, những tràng pháo dài Hội Chợ nổ tung khét lẹt khói pháo.
Tôi nhớ tới đêm Giao Thừa đón Tết tại thành phố Gia Nghĩa và Đài Trung của những năm 2000. Tết Việt tại Đài Loan, pháo cũng nổ đỏ đốt sáng nhắc nhở giây phút linh thiêng của trời và đất. Tết tại Đài Loan, tôi cũng được lì xì, bánh chưng cắt ra, ăn với củ kiệu và đặc biệt nhất, uống với rượu Cao Lẻng 58 độ.
Tôi nghĩ tới Tết Việt tại sa mạc Alice Springs, Úc Châu. Phố nhỏ trên dưới 30 ngàn cư dân, thế mà cũng có tiệm Việt, tên gọi Hong Kong. Vợ chồng chủ nhân, đêm giao thừa, đóng cửa quán sớm, nhất định không nhận thêm order. Giờ này Việt Nam, quân ta hơn mười tâm hồn Việt bầy ra bánh chưng, ăn, rượu đỏ Shiraz (Made in Australia) thơm lừng, uống, đợi chờ giây phút linh thiêng. Giao thừa tới, lời chúc Tết vang vang.
Bây giờ là Tết Nhâm Thìn 2012 tại Nam Cali. Đã lâu rồi, từ những ngày của năm 82, rời Việt Nam, tôi không còn ăn Tết tại quê nhà. Nhưng Tết dân tộc dù ở đâu, vẫn đốt pháo, vẫn chợ hoa, vẫn bánh chưng, vẫn lì xì, và vẫn người Việt. Ở đâu có hồn Việt Nam, nơi đó có Tết dân tộc.
Nghe tin tôi bay về lại Mỹ, bạn tôi nửa đùa nửa thật, “Cóc chết ba năm, quay đầu về núi”.
“Cóc chết”? “Quay đầu về núi”? Giời ạ! Quay đầu về núi để mà gặp Mẹ, người thân, bạn bè, và được ăn Tết quê nhà ở Nam Cali với Việt Báo, tại Bắc Cali với gia đình và bạn bè thân thương, thì dù có chết mười năm, cóc vẫn cứ thản nhiên quay về!
Xuân dân tộc đã về. Đầu năm Nhâm Thìn, kính chúc độc giả Việt Báo một năm mới nhiều sức khỏe, bình an và thành công.
Xe bon bon vẫn lăn bánh trên đường Bolsa. Xuân về!
Nguyễn Trung Tây
Xuân Nhâm Thìn, Nam Cali, 2012

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,574,270
Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau, Huyền Thoại- Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định.
Hơn ba năm trước tôi đưa gia đình đi nghỉ hè một tuần ở Washington D.C..
Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham
“Mẹ ơi, em đi bô rồi », tiếng cu Beo gọi tôi đi rửa cho em
Sau bốn mươi ngày lênh đênh trên biển, vô đảo Thái Lan vài tháng
Truyện cho mùa xuân Nhâm Thìn của tác giả là bản ngợi ca tình thân yêu và cuộc sống tươi đẹp. Trước 1975, Cam Li từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa,
Tác giả đã có dịp cùng người thân dự sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ từ lâu nhưng chỉ mới góp bài từ năm thứ 11 của giải thưởng. Bài viết đầu tiên là “Hồng Điểm”, bài thứ hai là một truyện vui, “Ông Già Vợ Trúng Số Độc Đắc”ï Bài viết thứ ba của Ý Thảo kể về ông bảo trợ người Mỹ và kỷ niệm về chuyện nghỉ Tết Nguyên Đán của người Việt trong cơ sở Mỹ thời mới định cư.
Rồng thật ra không phài là một con vật có thật
Tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận giải vinh danh tác phẩm 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến