Hôm nay,  

Hành Hương Âu Châu

16/10/201900:00:00(Xem: 12629)

Bài số 5811- 20-31615- vb4101619

 

Hành Hương Âu Châu

 

Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn.

 

****

 

Có lẽ đã là người tín hữu Công Giáo, ai cũng ước ao có được một lần viếng thăm đất thánh, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã chịu chết, và đã sáng lập hội thánh của Ngài hơn hai ngàn năm trước đây. Và một lần đến Vatican là thủ đô của giáo hội, nơi có Đức Giáo Hoàng kế tiếp thánh Phêrô cai quản hội thánh, cùng với các nhà thờ vĩ đại đầy những di tích lịch sử của giáo hội Công Giáo.

Từ ngày cưới vợ, tôi biết được bà xã cũng có ước mơ này. Nhưng buổi ban đầu chỉ có hai trái tim vàng và một đống bill phải lo nên tôi quên mất giấc mộng hành hương thánh  địa của nàng. Gần đây khi tuổi già sắp đến mới chợt nhớ  đến việc này. Mấy năm trước tôi có liên lạc với Linh mục Nguyễn Tầm Thường, Linh mục Nguyễn Khắc Hy là những người thường tổ chức tour qua đó để ghi danh, nhưng hầu hết các chuyến đi đều không còn chỗ. Rồi một hôm cha Đương, một người bà con nhắn hỏi có đi hành hương không? Tôi vội trả lời "Yes Sir" liền, mặc dù lúc ấy chưa hỏi ý kiến "bà bề trên". Tôi biết nếu có hỏi thì câu trả lời của bà "vũ như cẫn"  là:

 

-Tôi đi rồi ai trông coi, săn sóc ông ngoại?

Gần tới ngày đi, hãng United Airline cho biết phi trường San Francisco đang tu bổ phi đạo, nên nhiều chuyến bay sẽ bị đình trệ. Họ yêu cầu những ai có  chuyến bay chuyển tiếp thì nên đi sớm để tránh tình trạng lọt lại, họ sẽ không tính tiền thêm cho việc thay đổi này. Tôi vội coi và đặt vé chuyến bay đi trước một ngày, nghĩa là sau khi đi làm 8 tiếng cho hãng rồi mới lên đường. Khi tới San Francico đã gần nửa đêm, lâu lâu có dịp đi xa nên nhân tiện tôi ghé thăm bà con, anh em đang sống  trong vùng thung lũng điện tử luôn.

Thú thực tôi là người xăng xái, hơi lắm chuyện nên tới nhà ai cũng ngồi lâu như mọc rễ, đứa em bà con cứ phải nhắc nhở mới chịu đi chỗ khác.

 

Vì việc cà kê dê ngỗng khiến chúng tôi là những người cuối cùng trong nhóm tới phi trường, nên vội tìm lý do để  phân trần với mọi người là: Sáng nay tôi phải tới gặp Tổng thống Trump và bắt tay ông một cái. Đây, ông có tặng cho tôi cái mũ đỏ Make Amarica Great Again nhân chuyến ông viếng thăm Palo Alto, California hôm nay.

Tại phi trường, ngó qua ngó lai tôi thấy có vợ chồng ông Chánh Tâm, ông đang là người đại diện cho người Kinh 5 hải ngoại.

Chuyến bay từ San Francisco đi Paris dài cả gần mười tiếng đồng hồ. Tới phi trường Paris ai cũng mừng rỡ vì chẳng còn bao lâu nữa sẽ tới khách sạn nghỉ ngơi sau một ngày dài ngồi ê mông trên máy bay. Sau khi lấy hành lý tôi thấy thiếu ông bà Chánh, chúng tôi dáo dác tìm khắp mọi nơi nhưng vẫn không thấy. Mọi người phải chờ đợi không dám ra ngoài, vì khi ra rồi không thể trở vào trong được.  Gọi điện thoại hay text ông không trả lời. Mãi về sau mới tìm thấy ông bà Chánh và thêm ba người nữa. Ông cho biết ngay sau khi nhìn xuống đường thấy xe chạy là biết mình đã hố rồi. Chắc có lẽ nhìn khuôn mặt hiền từ, nhân hậu của ông bà Chánh nên cảnh sát phi trường mới cho trở lại đi vào trong cổng. Thật là một bữa hồi hộp hú hồn, sợ lạc mất mấy người. Cũng bởi trên vùng trời xa lạ của Âu Châu, điện thoại của ông Chánh không thể sử dụng được nếu không có sim card của bên đó. Thấy ông lắc đầu ngao ngán và lẩm bẩm: Chịu thua, chịu thua.

Có lẽ cũng giống như nhiều tour du lịch khác khi ghé Paris. Chúng tôi mua vé đi trên sông Seine để nhìn những danh lam thắng cảnh bên dòng sông nổi tiếng này. Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng Cái Sắn nên cứ thấy nước là thích, nó làm tôi nhớ lại những hình ảnh ở truồng tắm sông với bạn bè cùng trang lứa thuở nào.

Sáng hôm sau chúng tôi có thêm một hướng dẫn viên trên xe bus, đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở thủ đô nước Pháp. Đi đến đâu ông nói về các dữ kiện nơi đó và được cha Đương thông dịch cho những người lớn tuổi. Một điều tôi  khá ngạc nhiên là Vua Napoleon có người cháu trai rất nổi tiếng, ông hiện sở hữu một toà nhà to lớn, chiếm nguyên một block đường với tên Napoleon III.

Đoàn chúng tôi đi chuyến này có hai linh mục: Cha Phan Văn Đương, cha Nguyễn Ngọc Chính và 40 người.

Thấm thoát đã đến giờ ăn trưa, mọi người theo cha Chính đi tới quận 13 ăn món Việt Nam cho biết. Phải nói thật là đồ ăn không hợp với khẩu vị, nhưng nhờ chủ tiệm rất niềm nở với du khách nên mọi người đều vui vẻ. Sau bữa ăn vợ chồng tôi và ông bà Chánh tách riêng để đi thăm Eiffel Tower, chúng tôi đã được cha Chính chỉ vẽ rất tận tình vì tối hôm trước nhóm của Cha đi metro không rõ đường lối, nên mãi 2 giờ sáng mới về tới khách sạn. Khi tới tháp Eiffel  tuy chưa tối trời mà người xếp hàng rất dài, tôi thấy 5 hay 6 quầy bán vé nhưng chỉ có 2 quầy hoạt động, cuối cùng thì cũng tới lần mình.

Trên đường đi lên tôi hỏi "hai bà bề trên" có muốn lên tới đỉnh hay chỉ tới lầu hai? Vì nghĩ các bà thường sợ lên cao vì chưa một lần leo lên nóc nhà. Tôi lo lắng không muốn vì sợ cao mà khi đi lên có người phải nhắm mắt. Đi du lịch mà nhắm mắt thì còn thưởng thức được gì. Nhưng cả hai đều hăng hái nói: Đã đi thì chơi cho tới bến luôn.

Khi lên tới trên mới hiểu vì giới hạn số người, nên họ không dùng hết quầy bán vé, làm chậm lại lượng người lưu thông cho an toàn. Gặp mấy anh xã nghĩa chắc sẽ khai thác tối đa để kiếm lợi, mà không kể đến sự an toàn của khách hàng.

Chúng tôi cũng tới viếng thăm Vương cung Thánh đường Thánh Tâm (Sacre Coeur) , và được cùng nhau dâng một thánh lễ trong ngôi thánh đường đặc biệt này. Khi thánh lễ bắt đầu tôi mới biết có một nhóm từ VN sang cùng đến tham dự chung. Qua lời cha giảng tôi biết được đồi Montmart  là nơi tử đạo của Giám mục Denis, ngài bị chặt đầu. Truyện kể rằng khi đầu rơi xuống đất, Ngài cúi xuống bưng đầu mình lên, và bước đi cả 6 cây số mới ngã xuống, nơi đây, nhà thớ Thánh Denis nổi tiếng được đựng lên để tôn kính Ngài. Nhà thờ Thánh Tâm, trên đồi Montmart, cao bằng nóc của tháp Eiffel Tower. Người du lịch nếu ai yếu sức leo theo bậc thang thường không nổi thì có thể đi thang máy, mỗi chuyến là 2 Euro. Đoàn chúng tôi có cha Chính vừa là hậu cần cho cả nhóm cũng như lo giúp đỡ vận chuyển cho gần chục người lớn tuổi.

Sau đó đoàn ghé thăm Hội Thừa Sai Paris (MEP)nơi đã cung cấp 4000 vị Thừa Sai sang Á Châu truyền đạo và chịu tử vì đạo. Trong 117 vị Tử Đạo VN được giáo hội phong Hiển thánh vào năm 1988 thì có 10 vị thuộc Hội Thừa Sai Paris. Trong bảo tàng viện có trưng bày những dụng cụ nhà Vua áp dụng để tra tấn và xử tử người Công Giáo thời bấy giờ.

 Theo dõi những tài liệu nơi đây tôi mới biết rõ là Hội Thừa Sai vào truyền giáo bên VN 200 năm trước khi quân đội Pháp vào. Vậy mà có những người đã bóp méo sự thật về lịch sử hình thành giáo hội Công Giáo Việt Nam mà Hội Thừa Sai không bao giờ lên tiếng cải chính.

 Tôi cũng tới nhà nguyện nhỏ nơi những vị Thừa Sai chỉ biết được mình đi đâu khi tới nhà nguyện này. Hồi đó trước khi các ngài ra đi, thân nhân của họ được vào đó để nói những lời tiễn biệt coi như cuối cùng. Bởi các ngài ra đi tới nước nào là coi như con dân của nước đó: phục vụ và chết nơi đó.  Trong 10 vị anh hùng tử đạo Hội Thừa Sai Paris hầu hết đều có tên VN. Tôi cảm nghiệm ra sự may mắn cho nước VN vì đã có những vị Thừa Sai khôn ngoan, đạo đức, đến dâng hiến trái tim và tâm hồn để giúp cho dân tộc VN. Nhờ các ngài chúng ta có chữ viết như ngày hôm nay, cũng nhờ các ngài mà gần 10 triệu dân Việt hôm nay đã được nghe tiếng và nhận biết danh Chúa Kitô.

Hôm sau chúng tôi đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức. Nơi này cách nay 3 năm tôi và một đứa con đã viếng Đức Mẹ một lần. Chỉ có 2 thay đổi là chỗ đốt nến xin khấn đã dời sang bên kia bờ sông và chỗ tắm Suối Đức Mẹ được xây lại khang trang hơn.  Cha Đương cho biết rất chi tiết những chương trình sinh hoạt nơi này. Cha đã xin được cử hành thánh lễ ngay nhà thờ chính tầng trên. Trong thánh lễ này, có lẽ vì yêu mến Mẹ nên mọi người hát rất to, bằng trái tim sùng kính, tin yêu Mẹ... nên lúc ra ngoài ai cũng cảm thấy phấn khởi, hân hoan.

Một trong những sinh hoạt nơi đây là vừa đi vừa ngắm 14 đàng thánh giá, ca hát những bài chào mừng Mẹ Maria. Sau đó đi thăm viếng hang động rất đẹp được gọi là “Hang đá của hai Maria” nơi có tượng Mẹ Maria và Thánh Maria Magdalena . Tại Lộ Đức nhiều người đã cầu nguyện và xin khấn thay cho những người thân vì họ không đi được nên đã gửi gấm, nhờ họ kêu khấn dùm. Rất nhiều người trong nhóm đã đi tắm nước Thánh nơi Suối Mẹ Lộ Đức. Ông Chánh Tâm cũng đi và kể lại: Ông phải chờ hơn 2 tiếng, trong khi chờ đợi ông trò chuyện với người kế bên, mới biết đó là 1 vị Giám mục... Nhưng cũng được hưởng quy chế xếp hàng chờ giống như chúng ta.

Khi tới Roma, cha Đương cũng xin được một chỗ để cử hành thánh lễ trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nơi mà tôi đã nhìn trên truyền hình những ngày lễ lớn. Sở dĩ tôi nói một chỗ bởi vì thánh đường này rất lớn, bên trong có nhiều phần được xây dựng ăn sâu vào hai bên tường, mỗi phần như vậy là một nhà nguyện để nhiều thánh lễ cùng được dâng một lúc.

Trong khi dâng lễ tôi cảm thấy qúa xúc động vì thân phận bèo bọt, nhỏ bé laị không ngoan đạo của mình, vậy mà có được những giây phút lắng đọng tâm hồn, chiêm nghiệm, suy ngẫm về những lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Chứng kiến sự kỳ vĩ của giáo hội dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thật là cao cả hơn nhiều những ước mơ và sự tưởng tượng của tôi và đây coi như một phép lạ trong đời tôi vậy.

Sau lễ chúng tôi leo lên đỉnh của nhà thờ gồm 330 bậc, tới đỉnh thì cả nhóm mệt lả người. Nghỉ ngơi chút ít, ngắm cảnh thành phố Rome cổ kính từ trên đỉnh tháp...rồi đi xuống, vào viện bảo tàng của Vatican thăm nhà nguyện nơi các Hồng y bầu chọn Đức Giáo Hoàng.

 

 Tôi cũng được coi những hình vẽ và điêu khắc của Michelangelo tại Sistine Chapel này. Chỉ có 4 năm mà ông đã vẽ xong trần nhà thờ, ông đã phải ăn ngủ trên giàn giáo cao và cố làm việc liên tục trong thời gian đó. Những điêu khắc lúc đầu, hình, tượng con người đều khỏa thân, nhìn thấy cả chim cò, vú vế...Về sau ông mới cho mỗi ông bà cái lá đa để che của quý... Ông còn là kiến trúc sư cho đền thánh Phêrô, những kiến trúc của ông gần 1000 năm nay vẫn còn bền vững.

Ở nhà tôi thường nghĩ thầm, những người vào công trường Thánh Phêrô làm chi cho khổ vậy không biết, phải mất biết bao nhiêu thời gian mới lọt vào trong, khi nắm được tay Đức Giáo Hoàng thì vui mừng như trúng số... Ấy vậy mà khi đến đó tôi cũng làm y như vậy.

 Nhóm chúng tôi tới ngày thứ Tư từ 8 giờ sáng để dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần của Đức Giáo Hoàng. Khi vào được bên trong công trường thánh Phêro thì đã hơn 10 giờ vì qua cổng kiểm soát an ninh mất quá nhiều giờ. Đức Giáo Hoàng đã ra chào giáo dân và trở lại chỗ ngồi rồi. Lúc ấy tôi còn đứng cách xa vài trăm thước sau hàng hàng, lớp lớp người phía trước. Không được gặp vị cha chung nơi trần thế hôm nay cũng là một thiệt thòi, mất mát cho chuyến đi vậy. Sau cuộc diện mà không... kiến đức Giáo Hoàng, chúng tôi tới thăm đền thờ thánh Phaolô Ngoại Thành, xác ngài đã được chôn cất ở đây.

Nhà thờ không có ghế vì họ muốn xây theo kiểu hồi xưa là hội đường nên người ta đứng. Trong đền thờ này có hình của tất cả Giáo Hoàng, phần khuôn trống chỉ còn 6 chỗ cho 6 vị Giáo Hoàng nữa mà thôi. Không biết tới lúc đó giáo hội phải làm sao?

Nhiều người nghĩ vậy thì sau 6 vị Giáo hoàng nữa chắc là tận thế

Chúng tôi cũng viếng thăm thánh đường Đức Bà Cả. Theo như hướng dẫn viên cho biết, Đức Mẹ muốn xây ngôi thánh đường với danh hiệu “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” vào ngày mùng 5 tháng 8 nơi có tuyết. Vào đúng ngày đó Đức Giáo Hoàng đã thấy tuyết vào mùa hè nên ngài đã cho xây ngôi Thánh Đường trên chỗ có tuyết như lời truyền của Đức Mẹ. Hằng năm, ngày mùng 5 tháng 8 là ngày lễ hội lớn của dân thành Roma nơi Đại Giáo Đường này. Trên trần nhà thờ được mạ vàng, vàng này do ông Columbus kính tặng. Ông Columbus là người đã tìm ra Châu Mỹ năm xưa.

 Ở Ý có trên 200 nhà thờ mang tên Đức Mẹ nên nơi đây được gọi là ĐỨC BÀ CẢ.

 Chúng tôi cũng dâng thánh lễ tại nhà thờ chính toà Orvieto, nơi có tấm khăn mang những giọt máu của Chúa Giêsu Thánh Thể. Truyện kể rằng năm 1263, có một linh mục người Tiệp Khắc đi hành hương Roma. Khi về qua phố Bolsena, cách Ovierto khoảng 10 cây số, ngài vào dâng lễ ở nhà thở thánh Cristina. Nơi đây khi truyền phép, ngài hồ nghi sự kiện bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa. Ngay lập tức, có những giọt máu từ Bánh Thánh chảy xuống khăn thánh. Cảm kịch phép lạ nhiệm mầu này, Đức Giáo Hoàng Urbano IV cho đem tấm khăn về nhà thờ chính toà Orvieto, và một nhà thờ nguy nga lộng lẫy đã được xây dựng để lưu giữ di tích phép lạ Thánh Thể này. Trước đây, tấm khăn thấm máu Chúa được đặt trong một mặt nhật để mọi người chiêm ngắm cầu nguyện, nhưng từ năm 2013, tấm khăn được giữ trong nhà tạm và chỉ được mở ra cho các tín hữu chiêm ngắm vào những dịp lễ lớn trong năm.

 

Hôm sau chúng tôi tới viếng thăm ông thánh Francisco Assisi, là vị thánh lớn của giáo hội. Ngài được sinh ra và lớn lên trong gia đình giầu có, mẹ ngài người Pháp và cha là người Ý, nhưng ngài đã chọn cuộc sống khó nghèo. Theo tiểu sử ghi nhận: Mẹ đặt tên ngài là Gioan Baotixita nhưng cha ngài đổi tên ngài là Francisco(France) vì ông muốn ngài khi lớn lên sang Pháp buôn bán để trở thành người giầu có... Nhưng rồi ngài đã dùng tiền của cha mà xây dựng 1 thánh đường. Cha ngài đã kiện giáo hội để đòi tiền lại, nên ngài đã cởi hết quần áo trả lại cho cha mình để tự do sống theo lý tưởng của mình. Một bức tranh trên tường nhà nguyện diễn tả cảnh từ bỏ này.

 Trong các nhà thờ mang tên các vị Thánh thường có những hình vẽ để người hành hương dễ hiểu, như bức tranh có chấm đỏ nơi chân tay và cạnh sườn thánh Francisco diễn tả sự kiện: Trước khi chết hai năm Ngài đã được Chúa cho mang Năm Dấu Đanh của Chúa để cùng được đau khổ như Chúa trên cây Thập Tự.

 Đương kim Giáo Hoàng đã chọn thánh Francisco cho tên Ngài, ngài đã sống cuộc đời khó nghèo ai cũng thấy.

Tại đây chúng tôi cùng nhau dâng thánh lễ Misa sốt sắng ngay tại phần mộ của ngài, hát bài Kinh Hoà Bình trên đường đi và trong thánh lễ. Cha Đương giảng về ngài và kể chuyện về chuyến đi lần trước đi chung với hai ông HO, hai người sụt sùi rơi lệ khi nghe lại kinh này, vì trong cảnh tù tội năm xưa, hai ông đã dùng kinh này của thánh Francisco tìm nguồn an ủi tinh thần mà sống được giữa bao hận thù ghen ghét trong các trại cải tạo.

Cuối  lễ anh ca trưởng yêu cầu hát lại Kinh Hòa Bình, tôi đã  nghe những tiếng nấc của người tham dự. Phần mình không hiểu sao nước mắt cứ chảy ra, nên vội lấy bàn tay lau nước mắt như đứa trẻ lên ba.

Sau lễ quay nhìn sang bà xã thấy mặt mày khô ráo nhưng mắt đỏ hoe, không biết nàng khóc cho mình hay cho tôi?

 Mời bà con  cùng lắng đọng tâm hồn để đọc và suy ngẫm câu kinh của Ngài:

Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục

Đem an hoà vào nơi tranh chấp,

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Chúng tôi đi bộ khoảng 10 phút để viếng thăm bà thánh Saint Clair trong thánh đường màn tên bà. Bà còn được gọi là Saint Clare hay Santa Clara tuỳ theo tiếng Ý, Anh hay Mễ... Thân thể và tóc bà vẫn còn lưu giữ tại thánh đường này. Có một thời tôi sống ở Santa Clara California, đã từng tới rờ chân bức tượng của bà Thánh, nhưng không biết tượng ấy đã được thành phố Assisi tặng. Bà còn có người em cũng là Thánh.

Thánh Francisco và Thánh Saint Clair là đôi bạn ngay từ nhỏ, các ngài muốn tận hiến cho Chúa nhưng cha mẹ các ngài muốn các Ngài về nhà sống sung túc theo kiểu thế gian. Tuy nhiên, các Ngài đã vượt mọi khó khăn thử thách, để đi theo con đường hẹp mà Chúa đã gọi mời.

Chúng tôi cũng viếng nhà thờ San Damiano, nơi thánh Francisco đã nghe được tiếng Chúa nói từ cây Thánh Giá: ‘ Hãy xây lại nhà thờ của Ta.’ Ngài đã về lấy hết tiền bạc giúp cha xứ xây lại ngôi nhà thờ đang hư hại này, Ngài cũng hiểu ra là Nhà Thờ cũng có nghĩa là Giáo Hội. Lúc đó Giáo Hội cũng đang có nhiều gương xấu. Do đó, Ngài đã dùng cuộc sống của mình cùng việc lập dòng để giúp cải tổ Giáo Hội qua đời sống khó nghèo, thánh thiện, của các tu sỹ dòng Anh Em Hèn Mọn của Ngài.

 Nhóm chúng tôi khoảng 40 người nhưng rơi rớt dọc đường vì trời nóng, đường dốc, nên mệt mỏi không theo kịp, chỉ còn khoảng 15 người tới được nhà thờ San Damiano và khi trở lại xe bus, mồ hôi chảy ra như tắm. Cứ tưởng tượng vào thế kỷ 13 chưa có đường xây như bây giờ thì còn khó khăn gấp bao nhiêu lần? Vậy mà thánh nhân đã xây được nhà thờ và canh tân được giáo hội.

Ngày kế trên đường đi chúng tôi tới  thăm viếng nhà thờ thánh Anthony ở Padua. Ngài là vị linh mục dòng Phanxico chuyên về giảng thuyết. Mới 35 tuổi đã qua đời và chỉ một năm sau đã được phong hiển thánh. Một kỷ lục nhanh nhất của Giáo Hội Công Giáo. Cho đến nay hàm răng và lưỡi của ngài vẫn còn nguyên, được trưng bày trong một nhà nguyện để mọi người chiêm ngắm.  Cá nhân tôi thật xấu hổ vì xứ đạo Việt Nam tại Wichita cử hành thánh lễ hàng ngày tại nhà thờ St Anthony mà tôi chẳng biết gì về vị quan thầy này.

Theo chương trình thì sáng hôm sau chúng tôi mới tới thăm công trường thánh Marco ở Venice, nhưng ai cũng muốn tới trước coi nó có gì? Thường khi tới khách sạn là cha Chính và ông Chánh là hai người đầu tiên đi thăm dò chung quanh vùng xem có gì để thông báo cho mọi người, nhưng lần này giới trẻ ai cũng muốn đi. Có bác kia đã 85 tuổi đòi theo. Lúc đi ai cũng vui vẻ tung tăng, vừa ăn kem Ý gelato vừa ngó những du khách đến từ khắp nơi. Đến lúc về mới có vấn đề, vì nhà cao tầng cũng như bản đồ từ iPhone không chỉ rõ ràng, nên tốn mất nhiều thời giờ mới ra tới trạm xe bus, chúng tôi quyên mất việc cầu ông thánh Anthony chỉ đường, vì nếu ai mất đồ hay lạc đường thường cầu ông thánh Anthony và được giúp đỡ, nếu muộn một chút là phải đi taxi tốn nhiều tiền hơn.

 Hôm sau chúng tôi đề nghị đi xe bus nữa, nhưng ông già xin thua và đi bằng taxi. Ông bảo: tối qua tớ tưởng đã bỏ mạng nơi đây rồi. Hôm nay là ngày Chúa Nhật, hướng dẫn viên nói về vùng đầm lầy Venice này mà ngày nay đã trở thành nơi du lịch nổi tiếng. Bà còn cho biết trong thánh đường thánh Marco rộng lớn và nổi tiếng này còn là nơi chôn cất Saint Marco thánh sử. Ngài là một trong 4 vị viết phúc âm Chúa Giêsu. Thánh Marcô tử đạo ở Ai Cập, sau đó có hai thương gia đã ăn cắp thi hài của Ngài mang về Venice.  Các quan thuế thời đó là người Hồi Giáo, để qua mặt họ, hai ông đã bỏ thịt heo lên trên xác Ngài. Quan thuế thấy thịt heo là sợ nên cho đi ngay như trong tấm hình ở cuối nhà thờ. Hôm nay cũng có thánh lễ ngay nơi Ngài được chôn cất để mọi người tham dự kính nhớ đến vị thánh sử viết phúc âm của Đức Kitô.

Đây là ngày cuối cùng chúng tôi đi chơi, ăn trưa chung với nhau sau thánh lễ gọi là bữa “TIỆC LY”. Nhờ có nhiều đại gia  đi chung  nên tôi đã được uống ké rượu và bia từ những vùng nổi tiếng về bia, rượu này, tuy mệt nhưng ai cũng cảm thấy vui vì mọi chuyện đều qúa tốt đẹp. Có lẽ niềm vui lớn nhất là  được tham dự 6 thánh lễ ở những nơi mà tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội đến như Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vương cung thánh đường Thánh Tâm, nhà thờ Lộ Đức ...

Ăn uống xong tới phần mua sắm là tiết mục mà các bà ưa thích. Nhiều bà xăm xoi mua những hàng hiệu như LV, Chanel ...   khiến mấy ông đổ mồ hôi hột. Cánh đàn ông không dám vào trong chỉ loanh quanh bên ngoài, đứng hoài cũng mỏi chân nên ngồi xuống vỉa hè, miệng thì ngáp dài, dật dờ như homless.  Đâu có ai biết mấy anh chồng ăn mày mà có các bà vợ mang túi sách LV, Chanel...

Sau vài tiếng shopping các bà "vội vàng về vui vẻ",  còn các ông vừa nhăn nhó vì tốn tiền, lại còn phải xách đồ cho mấy bà trông thật thảm thê.

Thật là vui khi về tới nhà bình an. Xin cám ơn hai Cha và bà  Helen đã tổ chức chuyến hành hương này.  Hy vọng những gì tôi viết sẽ giúp ích cho người đi sau...

Chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé khi viếng thăm các thánh tích, thánh nhân của lịch sử giáo hội Công Giáo.

Đươc biết xứ người rồi, tôi lại càng cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã mở vòng tay đón nhận tôi và những người tị nạn khác mà không phân biệt trình độ, chủng tộc hay tôn giáo, đã cho tôi thấy sự nhân ái, bình an, và thịnh vượng nơi xứ này.

 Tôi cũng cám ơn Chúa đã cho đoàn hành hương những ngày thật hạnh phúc và biết nhiều hơn vể Chúa, các Thánh, và giáo hội của Ngài.

 Giờ tôi đang lo lắng vì lệnh "bề trên" là phải gom tiền cho chuyến hành hương tới Do Thái, nơi Chúa sinh ra và chết cho nhân loại. Bà ra lệnh ông phải lo book chuyến đi này càng sớm càng tốt.

 

Nguyễn Cao Thăng

Ý kiến bạn đọc
19/10/201914:10:40
Khách
Lời văn trôi chảy, chữ nghĩa giản dị cùng nhiều phụ chú làm cho một người ngoại đạo như tôi cũng thấy hứng thú mà đọc hết bài.

"Tôi cũng được coi những hình vẽ và điêu khắc của Michelangelo tại Sistine Chapel này. Chỉ có 4 năm mà ông đã vẽ xong trần nhà thờ ". Trích.

Cách đây ít lâu, tôi có được dịp xem một phim cũ được thực hiện phỏng theo câu chuyện này trên cable.

" Theo dõi những tài liệu nơi đây tôi mới biết rõ là Hội Thừa Sai vào truyền giáo bên VN 200 năm trước khi quân đội Pháp vào. Vậy mà có những người đã bóp méo sự thật về lịch sử hình thành giáo hội Công Giáo Việt Nam mà Hội Thừa Sai không bao giờ lên tiếng cải chính ". Trích.

Thủ phạm là bọn Cộng sản Hà nội láo lường và cánh tay nối dài của chúng ở hải ngoại là lũ Giao Điểm chớ còn ai nữa. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mãi đến năm 1855 tức thế kỷ 19, người Pháp mới xâm lăng nước ta. Lịch sử truyền giáo ghi rõ rằng ngay từ thế kỷ 16 đã có một vài giáo sĩ Tây phương đến Việt nam. Họ chỉ lưu lại ít lâu . Rồi bước sang đầu thế kỷ thứ 17, số giáo sĩ sang nước ta mới càng ngày càng nhiều, việc truyền giáo mỗi ngày mỗi thịnh , và số giáo dân trong nước ở Bắc Kỳ cũng như ở trong Nam càng ngày càng nhiều thêm. Trong số các giáo sĩ không những là người Âu châu mà lại có cả các giáo sĩ và các thầy giáo lý người Nhật Bản vì đạo Thiên Chúa bắt đầu truyền sang Nhật Bản từ giữa thế kỷ 16 và đã có hồi rất thịnh hành ở xứ đó.
16/10/201919:28:32
Khách
Mấy Ngài bên trời Tây lúc nào cũng muốn dậy dỗ đám ngu dân. Nhưng người có căn bản văn hóa và tâm linh chỉ chủ động học hỏi những gì thực sự cần thiết chứ không bao giờ để bị tuyân truyền , nhồi sọ, tẩy não... những chuyện trên mây.
16/10/201919:18:47
Khách
> Trong đền thờ này có hình của tất cả Giáo Hoàng, phần khuôn trống chỉ còn 6 chỗ cho 6 vị Giáo Hoàng nữa mà thôi. Không biết tới lúc đó giáo hội phải làm sao?Nhiều người nghĩ vậy thì sau 6 vị Giáo hoàng nữa chắc là tận thế

May be, with this current rate of destruction (deforestation in Amazon, Indonesia, Malaysia, deforestation in Russia (only in Russia) is occurring at approximately 2 million hectares per year (20,000 km2) due to the clearing of land for agriculture and logging, etc ) . With no compassion to other beings then the consequences (Meat for the belly, and the belly for the meats; but God shall destroy both it and them. When you lift up your hands in prayer, I will not look. Though you offer many prayers, I will not listen, for your hands are covered with the blood of innocent victims.)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,268,537
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2017 và thêm giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại University of California, Riverside và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnamese: An Intro-ductory Reader” do Viện Việt Học và Đại học Riverside xuấn bản năm 2008. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện là cư dân Bắc California.
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, xin mời đọc bài viết của Susan Nguyễn. Bà là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, tác giả đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân.
Khiếu.Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến