Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng / Kỳ 2

06/05/201900:00:00(Xem: 10919)
Tác giả: Khôi An
Bài số  5681-20-31488-vb2050619

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen 30 tháng Tư, 2017.


***

Từ năm 2015, năm nào chúng tôi cũng đến sinh hoạt với Hội Sinh Viên Gốc Việt ở Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association - SVSA) trong ngày nhớ về 30 tháng 4, 1975. Dù bận rộn, dù đường xa, dù kẹt xe, chúng tôi luôn có mặt để các em biết rằng có những người lớn trong cộng đồng luôn quan tâm nâng đỡ, hướng dẫn các em.

Có năm chúng tôi giúp các em mời diễn giả và tôi luôn chú tâm tìm những người có uy tín, có kiến thức để giúp các em hiểu biết thêm.  Có năm chúng tôi chỉ tặng thức ăn và góp vài lời chia sẻ, khuyến khích. Buổi tưởng nhớ thường diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Sự quý mến, nối kết giữa hai thế hệ năm nào cũng đem lại cho tôi niềm an ủi trong ngày buồn cuối tháng Tư.

Năm 2018, lời mời của SVSA trên Facebook như sau:

Hãy đến với ngày Tưởng Nhớ Tháng Tư Đen của SVSA để nhớ đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30 tháng Tư, 1975. Bằng diễn thuyết và thảo luận, mong rằng chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam và biết cách bước tới với những chấn thương tâm lý xuyên thế hệ (intergenerational trauma) - để trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai.  

Cụm từ “chấn thương tâm lý xuyên thế hệ” nghe quá nghiêm trọng và nặng nề, gợi nhớ lại những thắc mắc thoáng qua đầu tôi trong tuần lễ nghỉ Xuân. Có lẽ gần đây các em bàn luận khá nhiều về sức khỏe tinh thần của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và các em đã học ở đâu đó ý kiến rằng thế hệ tị nạn có nhiều người bị chấn thương tâm lý nhưng họ không cố gắng chữa trị, và những thương tích đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ của các em.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó khi nghe tin rằng năm nay các sinh viên sẽ là diễn giả chính. Tôi hào hứng chờ dịp nghe chia sẻ của các em.

Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư, 2018, buổi họp bắt đầu lúc bảy giờ chiều, gần với giờ tan sở. Len lỏi trên freeway hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến nơi hơi trễ nên lỡ mất vài phần đầu. Rón rén đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, tôi nhìn quanh và thấy một số em trong nhóm Alernative Spring Break. Điều hơi lạ là nhiều em không chạm mắt với tôi, như thể chưa từng quen biết hoặc không nhận ra tôi. Ngay lúc đó, màn ảnh bật lên đề tài của phần kế tiếp: 30 Tháng Tư Từ Góc Nhìn của Một Sinh Viên Từ Bắc Việt Nam.

Diễn giả là một sinh viên cao ráo, trắng trẻo, gốc Hà Nội, và sang Mỹ từ thời trung học. Bằng tiếng Anh lưu loát và phát âm chuẩn, cậu ta mở đầu rằng những điều về chiến tranh Việt Nam cậu từng nghe thời đi học ở Hà Nội rất khác với những gì người Việt hải ngoại trình bày. Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam. Cậu nhắc đến số người đã chết trong chiến tranh và nhận định rằng Việt Nam chỉ là mặt trận nơi người Việt đổ máu để các thế lực quốc tế tranh chấp. Cậu cũng nhắc đến sự “thù hằn”, chia rẽ Bắc, Nam của người Việt hải ngoại.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi nghĩ giới trẻ cũng nên biết suy nghĩ của những người xuất thân từ cả hai bên chiến tuyến, và tinh thần dân chủ ở Mỹ cổ võ việc mọi người đều được nói lên ý kiến của mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi dịp mình được nói. Sau phần thuyết trình là vài phút đặt câu hỏi, có một vị khách lên tiếng phản bác một cách khá sôi nổi nhưng anh mới nói khoảng một, hai phút thì cô sinh viên điều khiển chương trình thông báo đã tới giờ bàn luận theo nhóm.

Hơi thất vọng vì không có dịp nói lên ý kiến trước mọi người, tôi đến bên cậu sinh viên gốc Hà Nội và bắt chuyện. Câu ta ăn nói khá lễ phép và tỏ vẻ chịu lắng nghe.

Tôi chia sẻ, “Tôi hoàn toàn đồng ý với cháu rằng Việt Nam bị biến thành chiến trường, và đau thương, mất mát của người dân cả hai miền đều rất lớn. Tuy nhiên, điều cháu chưa nhận thấy là: chỉ có miền Bắc tấn công miền Nam trong suốt cuộc chiến. Đa số người miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng Tàu và Liên Sô không chấp nhận chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Dương, chúng ép buộc Bắc Việt phải đánh và Hà Nội không bao giờ dám cãi lệnh. Đó là nguyên nhân sâu xa cho mọi đau khổ của tất cả mọi người trong cuộc chiến. Cháu hãy nghĩ xem, một nhà cầm quyền lừa dối dân, dùng khẩu hiệu ‘giải phóng’ và ‘cứu nước’ để vét hết thanh niên - kể cả những người mới mười lăm, mười sáu tuổi, để ném vào cuộc chiến theo lệnh của đàn anh thì có thể là chính quyền tốt cho đất nước hay không?”

Cậu sinh viên Hà Nội gật gù, thoáng một chút suy tư trong mắt nhưng ngay lúc đó ban tổ chức buổi lễ tuyên bố chấm dứt. Lúc đó mới có tám giờ rưỡi mà theo thông báo từ trước thì buổi lễ kết thúc lúc chín giờ.

Tôi giơ tay xin hai phút, nhưng một cậu sinh viên cao lớn  – sau này tôi mới biết tên là B. – lắc đầu, bảo đã hết giờ. Tôi chỉ tay lên đồng hồ, nhắc là còn nửa tiếng, nhưng B. và ban tổ chức một mực từ chối với lý do nửa tiếng sau cùng giành cho buổi họp hàng tháng của hội SVSA.

Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay. Có hai em sinh viên cũng chạy theo tôi, nói rằng họ không đồng ý với hành động của B., và ngỏ ý muốn nghe điều tôi định nói. Hai em sinh viên này, những vị khách Mỹ, và tôi đã nán lại ngoài cửa phòng họp để bàn luận, chia sẻ ý kiến về chiến tranh Việt Nam cũng như ưu tư về tình hình Việt Nam cho đến tận chín giờ.

Tôi suy tư suốt quãng đường về và cả ngày sau đó. Ban tổ chức của buổi lễ năm nay có vẻ rất khác so với các lần trước. Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.

Sau đó, tôi gởi một email cho trưởng nhóm SVSA hỏi về lý do của sự thay đổi về đường lối và thái độ của nhóm trong buổi lễ.

B. thay mặt cho trưởng nhóm trả lời thư. Sau nhiều lý luận và lý do, cậu ta kết thư,

“Mục đích của buổi tưởng niệm năm nay là ôn lại lịch sử chiến tranh phức tạp của chúng ta, để hiểu tâm tư và quan điểm của thế hệ hiện nay và bàn luận cách đi tới. Nhưng những điều đó sẽ không thực hiện được nếu những thành viên của hội cảm thấy bất an và bị cô lập trong chính buổi lễ của hội; ngay cả một vài thành viên quốc tế (international members) đã lo lắng một cách chính đáng khi đến buổi lễ vì họ biết đó là một ngày có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và quan trọng với nhiều người; họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh.

Lúc đó tôi mới có thể ghép các mảnh sự kiện lại với nhau. Có lẽ B. và vài người trong ban tổ chức đã bàn bạc trước buổi lễ và sắp đặt cách chặn không cho khách nói. Có lẽ các thành viên biết rằng ban tổ chức không thật tình muốn các bậc phụ huynh đến, và đó là lý do các em sinh viên từ Alternative Spring Break đã tránh mắt tôi. Nghĩ xa hơn, có vẻ gần đây các sinh viên đã tham dự các khóa học hay bàn luận về sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt, và có thể vì một toan tính nào đó mà một số tài liệu đã bị dùng để vẽ nên một hình ảnh kém chính xác về tình trạng sức khỏe tâm thần của cả cộng đồng người Việt tị nạn.

Tôi viết thư trả lời SVSA rằng một phút mặc niệm nạn nhân Mậu Thân và thái độ của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam hèn với giặc ác với dân không thể làm tổn thương thành viên của SVSA. Tôi nói rằng ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi.

*

Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Tôi muốn đến vì tôi luôn quý mến SVSA, vì các bậc phụ huynh không quay lưng với con cháu dù trước đây họ có làm điều không đúng. Tôi muốn đến để tìm cơ hội đóng góp chút kiến thức về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đúc kết trong suốt mấy chục năm qua bằng khối óc và trái tim của chính tôi, và bằng sự chỉ bảo cùng kinh nghiệm sống của các bác, các chú, các cô mà tôi quen biết. Và tôi muốn đến để luyện cho chính tôi lòng kiên trì nhưng rộng lượng khi làm việc với lớp trẻ.

Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì. Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố. Thật đáng tiếc vì ngày hôm đó tôi có giờ dạy ở Alameda College nên tôi không thể bỏ lớp.

Thế là năm nay tôi tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College. Tôi cho học viên nghe Quốc Ca VNCH, cho họ biết rằng ngày 30 tháng 4 ngày là ngày buồn của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở khắp thế giới, trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam, và giải thích tại sao tôi ở đây. Tôi chiếu hình năm vị tướng VNCH tuẫn tiết và nói rằng dù bốn mươi bốn năm đã qua, chúng tôi vẫn tưởng nhớ những anh hùng đã chết theo tự do ngày miền Nam bị chiếm.

Tuy không đến được với SVSA nhưng tôi vẫn nghĩ mãi về các em trong nhóm đó. Những sinh hoạt với SVSA đã giúp tôi học hỏi thêm về thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại. Họ rất thông minh, nhanh nhẹn - đúng chúng ta mong ước, nhưng có vẻ họ đang bị rối trong tiến trình “trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi. Có vẻ họ đang phân vân ngay trong việc đánh giá những điều mà cha mẹ họ tin tưởng, những người mà cha mẹ họ kính phục, và ngay cả sự chính đáng của hai mươi năm hy sinh xương máu của cha ông họ.

Tuổi trẻ Việt ở hải ngoại chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, lớp học, bạn bè hơn những câu chuyện được lập đi lập lại trong gia đình. Điều nguy hiểm là rất nhiều tài liệu ngoài xã hội thuộc loại tác phẩm của Ken Burns. Những người không có phương tiện gì đáng kể như tôi làm được gì trước các đội ngũ chuyên viên có mấy chục triệu đô la để chọn lọc một nửa sự thật và nhào nặn ra một tác phẩm có sức dẫn người xem tin vào “sự dối trá lợi hại” do họ dàn dựng?

Tuy vậy, chúng ta có hai thứ mạnh nhất: đó là sự thật và tấm lòng.

Sự thật hiển hiện ở những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang gây ra trên đất nước Việt Nam. Từ việc cho Tàu thuê đất dài hạn mà người dân không hề biết tiền thuê đi về đâu, từ sự độc tài, xa xỉ hơn vua chúa của những người cầm quyền, từ những tin tức về trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị xâm hại nhan nhản mỗi ngày trên báo chí, từ việc người Việt Nam ăn uống, thở hít chất độc nên bị ung thư nằm la liệt khắp các nhà thương, từ các công trình do nước ngoài chung vốn với nhóm chóp bu đang giết dần môi trường sống ở Việt Nam… Chỉ cần theo dõi tin tức Việt Nam một thời gian ngắn là ai cũng có thể thấy những sự thật này.

Tấm lòng là tình cảm sắt son của chúng ta với Việt Nam. Khi nào tình cảm đó còn đủ lớn chúng ta sẽ còn quan tâm, học hỏi, và chọn những việc làm hợp lý, hợp thời để giúp Việt Nam và để hướng dẫn, nâng đỡ lớp trẻ gốc Việt.

Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì.

Tôi hiểu những điều đó viết ra thì dễ nhưng làm thì hết sức khó. Nhưng, hiểu như vậy cũng là được một bước rồi.

Tôi đã từng nói rằng tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và Hoa Kỳ đã dưỡng dục tôi. Sau gần năm mươi năm dưới chế độ tham tàn, Mẹ Việt Nam đã quá hao mòn, gầy guộc. Gần đây, tôi nhận thức thêm rằng tình cảm của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu tôi giúp nuôi dưỡng cảm xúc đó trong thế hệ tiếp nối. Được như vậy, nhiều thế hệ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với những người con chân chính đang sống trong lòng Mẹ Việt Nam để đem ấm no, hạnh phúc, và tin yêu trở lại bên Mẹ.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
07/05/201914:29:21
Khách
Quí vị ghét việt cộng cứ chờ chừng nào họ chết hết thì về Việt Nam. Chứ bây giờ tụi trẻ nó làm gì dược cho quê hương thì cứ đẻ chúng làm. Phá phách tụi nó làm chi. Tội nghiệp.
07/05/201913:47:09
Khách
Ý chính của tác giả, nếu tôi không lầm, là SVSA đã bị vẹm trà trộn vào để cho các sinh viên du học miền bắc tung hô thành quả và công ơn của đảng của bác. Chúng đã lắc lẻo biến ngày tưởng niệm 30/4 thành ngày ăn mừng chiến thắng thống nhất.
Do đó năm nay tác giả tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College.
07/05/201902:38:39
Khách
Tôi có cùng suy nghĩ với Ông/Bà Tới Nguyễn và Kim Lê. Giới trẻ ngày nay nghe theo những lời xuyên tạc và bóp méo sự thật nhiều lắm. Nhưng chúng ta vẫn phải nói và tiếp tục nói cho các em hiểu rằng "Không thể có hoà hợp hoà giải gì với Cộng Sản được"
07/05/201901:38:00
Khách
Một bài viết hay, cả về nội dung và lời văn - lại có kèm theo một hình ảnh đẹp của những người tuổi trẻ với lá cờ của Tổ quốc trong tay.

Ca ngợi những nỗ lực của tác giả trong việc đem sự thật của Cuộc Chiến đến với giới trẻ hải ngoại.
07/05/201901:19:49
Khách
Nhát dao thứ hai đâm chí mạng Việt Nam Cộng Hòa :

Quốc Hội Hoa Kỳ : Ngày 17 tháng 4,75, Tiểu ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát biểu quyết không chấp thuận bất cứ viện trợ quân sự bổ túc nào cho Việt Nam Cộng Hòa, điều này có nghĩa là Thượng Viện sẽ không còn đưa ra cứu xét vấn đề viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nữa. Ngày 18 tháng 4, quốc hội thông đạo luật về viện trợ quân sự cho tài khóa 1976 trên 3 tỷ đô-la dành cho nhiều nước trên thế giới, nhưng trong số những quốc gia nhận được quân viện không có Việt Nam Cộng Hòa.
07/05/201901:15:43
Khách
Nhát dao thứ nhất đâm chí mạng Việt Nam Cộng Hòa :

Sử gia Ken Huges dành nhiều tháng nghe lại các cuốn băng của hệ thống ghi âm bí mật của Nixon. Các máy ghi âm, kết nối với microphone giấu trong Phòng Bầu Dục và các phòng khác , hoạt động bất cứ khi nào nhận ra âm thanh. Và thuật lại trong cuốn Di Sản Tồi Tệ Của Nixon :

Trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng Chu ân Lai hôm 9/7/1971, Kissinger tỏ bày: “Nhân danh tổng thống Nixon, tôi xin thông báo với thủ tướng một cách trịnh trọng nhất rằng trước hết, chúng tôi sửa soạn rút quân hoàn toàn ra khỏi Đông Dương và ấn định ngày giờ rút quân, nếu sẽ có một cuộc ngưng bắn và phóng thích tù binh của chúng tôi. Thứ đến, chúng tôi sẽ để cho giải pháp chính trị của Nam Việt Nam tự diễn biến và phó mặc cho một mình người Việt tự giải quyết với nhau.”
Trong cuộc họp hôm sau 10/7/1971, Kissinger nói thêm: “Điều chúng tôi yêu cầu là một khoảng thời gian chuyển tiếp (decent interval) giữa các sự rút quân và diễn biến chính trị. Không phải là để chúng tôi có thể trở vào lại Việt Nam, nhưng chúng tôi có thể để cho dân tộc Việt Nam và dân tộc các nơi khác ở Đông Dương tự quyết định lấy số phận của họ… Hôm qua, tôi đã thưa với Thủ tướng, và tôi muốn nhắc lại rằng, nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.”

Trong cuộc gặp gỡ với Kissinger hôm 20/6/72, Kissinger đã nói với thủ tướng Chu ân Lai: “Nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Đông Dương”. Ngoài ra Kissinger cũng gián tiếp cam kết với Chu Ân Lai Hoa Kỳ không có ý định tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt ” chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ "..

Theo sử gia Trần Gia Phụng , sau khi Kissinger về nước, ngày 13-7-1971, Chu Ân Lai qua Hà Nội tường trình cho những nhà lãnh đạo cộng sản Hà nội về cuộc họp vừa qua với Kissinger và bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Bắc Việt .
07/05/201900:47:40
Khách
Phe nào gây chiến trước ?:

Cộng sản Hà nội xé nát Hiệp Định Geneve 1954 khi vừa ráo mực : Theo tập "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-75" của Bộ Quốc Phòng Cộng Sản "Nam Bộ có khoảng 60000 đảng viên ở lại rút vào hoạt động bí mật...".Theo Võ văn Kiệt - tác giả bài viết "Nhớ Đồng Chí Lê Duẩn"- thì đám 60000 đảng viên này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Duẩn - bí thư Xứ Ủy Nam Bộ. Vào ngày cuối cùng của thời hạn tập kết ở Cà Mau, sau khi giả bộ lên tàu tập kết, Lê Duẩn đã tìm cách rời khỏi tàu vào lúc nửa đêm để ở lại . Võ Văn Kiệt viết “Chiếc tàu áp chót neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau, Anh Ba lên tàu như người đi tập kết để che mắt kẻ thù, đến nửa đêm, Anh bí mật rời tàu, quay trở lại ".

Trong diễn văn đọc nhân lễ mừng chiến thắng vào ngày 19/05/1975, Lê Duẩn đã tuyên bố rằng: “Đảng của chúng ta là một và là người lãnh đạo duy nhất đã tổ chức, kiểm soát và điều hành toàn bộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu của cuộc cách mạng”.
07/05/201900:01:54
Khách
Người bạn Hoa kỳ "tốt bụng" !:

Dân số miền Nam thua xa miền Bắc. Thời 1954, dân số miền Nam 17 triệu, miền Bắc 23 triệu. Năm 1975, miền Nam 20 triệu, miền Bắc 27 triệu người. Đã thế, trong hai năm 1968 và 1972, Việt Nam Cộng Hòa đề nghị Hoa kỳ cho thành lập thêm 2 sư đoàn tổng trừ bị, nhưng đã bị từ chối lấy lý do là tốn kém.

Khi quân chiến đấu Hoa kỳ hiện diện ở Việt nam, mỗi năm quân phí lên đến trên 20 tỷ. tỷ dụ như dưới đây:

Năm 1967: 485600 lính - 20 tỷ đô la. Năm 1968: 536100 lính - 26.5 tỷ đô la. Năm 1969: 475000 lính - 29 tỷ đô la.

Sau khi các lực lượng chiến đấu Đồng Minh đã rút khỏi Việt nam, quân lực Việt Nam Cộng Hòa 1025000 người đã phải trải rộng khắp từ Cà Mâu ra Bến Hải để giữ đất , thế nhưng chỉ được Hoa kỳ viện trợ cho vỏn vẹn : Tài khoá 1973 : 2 tỷ đô la. -Tài khoá 1974 : một tỷ tư đô la (1.4 tỷ). -Tài khoá 1975 :700 trăm triệu đô la (0.7 tỷ). Nhưng trong khi đó thì có cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới xảy ra và đã làm giá săng nhớt tăng gấp bốn . Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ còn khoảng 350 triệu đô la - sau khi trừ đi 46 triệu đô cho cơ quan USDAO. Theo sử gia George Donelson Moss - tác giả của cuốn Vietnam , An American Ordeal- thì viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa phải từ 3 cho tới 3 tỷ rưỡi một năm mới đủ nhu cầu cuộc chiến.

“NỬA ĐỜI CHINH CHIẾN”- Trần Ngọc Toàn : “Từ năm 1962, Cộng sản đã được trang bị những vũ khí hiện đại AK47, CKC, RPD và B40. Trong khi, Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến vào cuối năm 1964, lính còn sử dụng súng Garant M1, Carbine M1, súng phóng lựu của Mỹ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Thủy quân lục chiến lại là một đơn vị Tổng Trừ Bị tinh nhuệ của Miền Nam”.

Khi Cộng sản mở cuộc Tổng Tấn Công tháng giêng 1968, đa số người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn phải sử dụng súng Carbine M1 và Carbine M2 hay súng Garant M1. Mãi đến khoảng giữa năm 68, mới được cung cấp loại M-16 .

Để chống lại chiến thuật đánh biển người thí quân của Cộng sản, Hoa kỳ xử dụng B52,Phantom F4, Thunder chief F5, Intruder A6...Còn Việt Nam Cộng Hoà ( cho đến năm 75- bao gồm cả thời Nixon 1/1969- 8/74 ) chỉ được viện trợ cho những phi cơ thời Đệ Nhị Thế Chiến, mà chẳng có phi công Mỹ nào còn dám ngồi trong những chiếc “quan tài bay” đó nữa. Phi cơ cánh quạt Skyraider thì chậm chạp. Phản lực A37 nguyên thuỷ là loại huấn luyện cơ T37 sản xuất vào thập niên 50, sau này được sửa chữa chút ít để có thể trang bị vũ khí và chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa. Phản lực cơ F5 tí hon thì chỉ mang được vài trăm kilô bom và hơn chục hoả tiễn HVR loại 75 ly. Hơn nữa, đến 90 phần trăm loại phi cơ này đều đã được Ba Tư, Đài Loan, Đại Hàn... xử dụng qua rồi. Những phi cơ này không phải là oanh tạc cơ.

Đa số xe tăng của ta là loại M-41 của thời Đệ Nhị Thế Chiến thua xa xe tăng hiện đại T-54, T-55 của quân cộng sản. Đại bác của ta cũng của thời Đệ Nhị Thế Chiến , đa số là loại 105 và 155 ly chỉ bắn xa được 12km - 15 km, so với 30 km của đại bác 130 ly của quân cộng sản. Ngoài ra, chúng còn có những vũ kh1 hiện đại khác đại bác phòng không 57 ly, hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger, hỏa tiễn địa không SA-7 Strela.v..v...
06/05/201923:49:36
Khách
bạn hi vong bảo rằng chúng ta quên đi chiến tranh tương tàn. Quên đi sao được khi hòa bình xong 44 năm, mà cộng sản vẫn có bao nhiêu trò trả thù đê hèn dối trá, biết bao nhiêu người lính VNCH bị bạc đãi, tù đày, đánh tư bản để cướp của trắng trợn, đổi tiền để ăn cướp có giấy phép, dồn biết bao nhiêu người đến đường cùng phải vượt biên liều mạng sống để tìm chút hy vọng trong cõi chết, bao nhiêu người bán thân làm dâu xứ người, làm kẻ ở đợ làm nô lệ và kể cả thà sống chui rúc làm người dân bất hợp pháp ở xứ người chứ không chịu về lại quê hương nơi có mẹ già, vợ /chồng trẻ và con thơ. Chúng tôi muốn về thăm quê hương mà không biết ăn đồ ăn sao cho an toàn, làm từ thiện sao cho không bị rút ruột....Mẹ Việt Nam nghèo mà có những ngôi nhà dát vàng và những biệt thự mà bọn bò đỏ cộng sản gọi là biệt phủ, đi xe giá trị mấy trăm ngàn đô, xây tượng đài bao nhiêu tỷ, bao nhiêu triệu để chúng bòn rút kiếm lợi hay sao...đừng lợi dụng mẹ Việt để mị dân nữa bạn ạ. Chúng ta cần sự thật để đánh thức dân trí, để chống lại cường quyền, khi ấy mẹ Việt Nam sẽ nằm trong lòng của mỗi người dân. Khi nào bọn cs lãnh đạo không tham nhũng, không hèn với giặc ác với dân, lúc đó Mẹ Việt Nam mới mỉm cười.
06/05/201923:42:40
Khách
Đồng ý với những trăn trở, băn khoăn của chị Khôi An. Những gì chúng ta làm được, cứ làm. Lớp trẻ lớn lên ở đây, tất cả đều bị uốn nắn theo suy nghĩ của Kent Burns, đại diện cho truyền thông Mỹ, chúng không được nghe từ cha mẹ chúng, những người kinh qua đau khổ với cộng sản. Con tôi cũng vậy, nhưng tôi vẫn cứ nói, cứ thuyết phục cho chúng hiểu. Điều quan trọng là người dân trong nước, nếu họ không tự giúp mình, thì không ai có thể giúp mình. Qua những bạn bè còn trong nước, họ cũng thờ ơ lắm với lý do: Giờ cuộc sống cũng không đến nỗi nào...Buồn lắm, đau lắm chứ, mà không biết nói sao?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,347,115
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây, bài viết thứ ba là chuyện về mùa xuân và hoa đào.
Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1972, đã dạy văn tại Huế 18 năm. Đến Mỹ 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento, California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết về nước Mỹ 2009, với bài viết Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.
Tác Giả lần đầu tham dự VVNM từ tháng 7/2018. Tại Saigon trước 1975, Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa, có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.