Hôm nay,  

Tháng Tư, Tre và Măng / Kỳ 2

06/05/201900:00:00(Xem: 13529)
Tác giả: Khôi An
Bài số  5681-20-31488-vb2050619

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.

Khoi An_30-4 Stanford 18
Nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại học Stanford và khách tham dự ngày Nhớ Về Tháng Tư Đen 30 tháng Tư, 2017.


***

Từ năm 2015, năm nào chúng tôi cũng đến sinh hoạt với Hội Sinh Viên Gốc Việt ở Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association - SVSA) trong ngày nhớ về 30 tháng 4, 1975. Dù bận rộn, dù đường xa, dù kẹt xe, chúng tôi luôn có mặt để các em biết rằng có những người lớn trong cộng đồng luôn quan tâm nâng đỡ, hướng dẫn các em.

Có năm chúng tôi giúp các em mời diễn giả và tôi luôn chú tâm tìm những người có uy tín, có kiến thức để giúp các em hiểu biết thêm.  Có năm chúng tôi chỉ tặng thức ăn và góp vài lời chia sẻ, khuyến khích. Buổi tưởng nhớ thường diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Sự quý mến, nối kết giữa hai thế hệ năm nào cũng đem lại cho tôi niềm an ủi trong ngày buồn cuối tháng Tư.

Năm 2018, lời mời của SVSA trên Facebook như sau:

Hãy đến với ngày Tưởng Nhớ Tháng Tư Đen của SVSA để nhớ đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30 tháng Tư, 1975. Bằng diễn thuyết và thảo luận, mong rằng chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam và biết cách bước tới với những chấn thương tâm lý xuyên thế hệ (intergenerational trauma) - để trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai.  

Cụm từ “chấn thương tâm lý xuyên thế hệ” nghe quá nghiêm trọng và nặng nề, gợi nhớ lại những thắc mắc thoáng qua đầu tôi trong tuần lễ nghỉ Xuân. Có lẽ gần đây các em bàn luận khá nhiều về sức khỏe tinh thần của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và các em đã học ở đâu đó ý kiến rằng thế hệ tị nạn có nhiều người bị chấn thương tâm lý nhưng họ không cố gắng chữa trị, và những thương tích đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ của các em.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó khi nghe tin rằng năm nay các sinh viên sẽ là diễn giả chính. Tôi hào hứng chờ dịp nghe chia sẻ của các em.

Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư, 2018, buổi họp bắt đầu lúc bảy giờ chiều, gần với giờ tan sở. Len lỏi trên freeway hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến nơi hơi trễ nên lỡ mất vài phần đầu. Rón rén đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, tôi nhìn quanh và thấy một số em trong nhóm Alernative Spring Break. Điều hơi lạ là nhiều em không chạm mắt với tôi, như thể chưa từng quen biết hoặc không nhận ra tôi. Ngay lúc đó, màn ảnh bật lên đề tài của phần kế tiếp: 30 Tháng Tư Từ Góc Nhìn của Một Sinh Viên Từ Bắc Việt Nam.

Diễn giả là một sinh viên cao ráo, trắng trẻo, gốc Hà Nội, và sang Mỹ từ thời trung học. Bằng tiếng Anh lưu loát và phát âm chuẩn, cậu ta mở đầu rằng những điều về chiến tranh Việt Nam cậu từng nghe thời đi học ở Hà Nội rất khác với những gì người Việt hải ngoại trình bày. Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam. Cậu nhắc đến số người đã chết trong chiến tranh và nhận định rằng Việt Nam chỉ là mặt trận nơi người Việt đổ máu để các thế lực quốc tế tranh chấp. Cậu cũng nhắc đến sự “thù hằn”, chia rẽ Bắc, Nam của người Việt hải ngoại.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi nghĩ giới trẻ cũng nên biết suy nghĩ của những người xuất thân từ cả hai bên chiến tuyến, và tinh thần dân chủ ở Mỹ cổ võ việc mọi người đều được nói lên ý kiến của mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi dịp mình được nói. Sau phần thuyết trình là vài phút đặt câu hỏi, có một vị khách lên tiếng phản bác một cách khá sôi nổi nhưng anh mới nói khoảng một, hai phút thì cô sinh viên điều khiển chương trình thông báo đã tới giờ bàn luận theo nhóm.

Hơi thất vọng vì không có dịp nói lên ý kiến trước mọi người, tôi đến bên cậu sinh viên gốc Hà Nội và bắt chuyện. Câu ta ăn nói khá lễ phép và tỏ vẻ chịu lắng nghe.

Tôi chia sẻ, “Tôi hoàn toàn đồng ý với cháu rằng Việt Nam bị biến thành chiến trường, và đau thương, mất mát của người dân cả hai miền đều rất lớn. Tuy nhiên, điều cháu chưa nhận thấy là: chỉ có miền Bắc tấn công miền Nam trong suốt cuộc chiến. Đa số người miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng Tàu và Liên Sô không chấp nhận chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Dương, chúng ép buộc Bắc Việt phải đánh và Hà Nội không bao giờ dám cãi lệnh. Đó là nguyên nhân sâu xa cho mọi đau khổ của tất cả mọi người trong cuộc chiến. Cháu hãy nghĩ xem, một nhà cầm quyền lừa dối dân, dùng khẩu hiệu ‘giải phóng’ và ‘cứu nước’ để vét hết thanh niên - kể cả những người mới mười lăm, mười sáu tuổi, để ném vào cuộc chiến theo lệnh của đàn anh thì có thể là chính quyền tốt cho đất nước hay không?”

Cậu sinh viên Hà Nội gật gù, thoáng một chút suy tư trong mắt nhưng ngay lúc đó ban tổ chức buổi lễ tuyên bố chấm dứt. Lúc đó mới có tám giờ rưỡi mà theo thông báo từ trước thì buổi lễ kết thúc lúc chín giờ.

Tôi giơ tay xin hai phút, nhưng một cậu sinh viên cao lớn  – sau này tôi mới biết tên là B. – lắc đầu, bảo đã hết giờ. Tôi chỉ tay lên đồng hồ, nhắc là còn nửa tiếng, nhưng B. và ban tổ chức một mực từ chối với lý do nửa tiếng sau cùng giành cho buổi họp hàng tháng của hội SVSA.

Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay. Có hai em sinh viên cũng chạy theo tôi, nói rằng họ không đồng ý với hành động của B., và ngỏ ý muốn nghe điều tôi định nói. Hai em sinh viên này, những vị khách Mỹ, và tôi đã nán lại ngoài cửa phòng họp để bàn luận, chia sẻ ý kiến về chiến tranh Việt Nam cũng như ưu tư về tình hình Việt Nam cho đến tận chín giờ.

Tôi suy tư suốt quãng đường về và cả ngày sau đó. Ban tổ chức của buổi lễ năm nay có vẻ rất khác so với các lần trước. Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.

Sau đó, tôi gởi một email cho trưởng nhóm SVSA hỏi về lý do của sự thay đổi về đường lối và thái độ của nhóm trong buổi lễ.

B. thay mặt cho trưởng nhóm trả lời thư. Sau nhiều lý luận và lý do, cậu ta kết thư,

“Mục đích của buổi tưởng niệm năm nay là ôn lại lịch sử chiến tranh phức tạp của chúng ta, để hiểu tâm tư và quan điểm của thế hệ hiện nay và bàn luận cách đi tới. Nhưng những điều đó sẽ không thực hiện được nếu những thành viên của hội cảm thấy bất an và bị cô lập trong chính buổi lễ của hội; ngay cả một vài thành viên quốc tế (international members) đã lo lắng một cách chính đáng khi đến buổi lễ vì họ biết đó là một ngày có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và quan trọng với nhiều người; họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh.

Lúc đó tôi mới có thể ghép các mảnh sự kiện lại với nhau. Có lẽ B. và vài người trong ban tổ chức đã bàn bạc trước buổi lễ và sắp đặt cách chặn không cho khách nói. Có lẽ các thành viên biết rằng ban tổ chức không thật tình muốn các bậc phụ huynh đến, và đó là lý do các em sinh viên từ Alternative Spring Break đã tránh mắt tôi. Nghĩ xa hơn, có vẻ gần đây các sinh viên đã tham dự các khóa học hay bàn luận về sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt, và có thể vì một toan tính nào đó mà một số tài liệu đã bị dùng để vẽ nên một hình ảnh kém chính xác về tình trạng sức khỏe tâm thần của cả cộng đồng người Việt tị nạn.

Tôi viết thư trả lời SVSA rằng một phút mặc niệm nạn nhân Mậu Thân và thái độ của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam hèn với giặc ác với dân không thể làm tổn thương thành viên của SVSA. Tôi nói rằng ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi.

*

Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Tôi muốn đến vì tôi luôn quý mến SVSA, vì các bậc phụ huynh không quay lưng với con cháu dù trước đây họ có làm điều không đúng. Tôi muốn đến để tìm cơ hội đóng góp chút kiến thức về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đúc kết trong suốt mấy chục năm qua bằng khối óc và trái tim của chính tôi, và bằng sự chỉ bảo cùng kinh nghiệm sống của các bác, các chú, các cô mà tôi quen biết. Và tôi muốn đến để luyện cho chính tôi lòng kiên trì nhưng rộng lượng khi làm việc với lớp trẻ.

Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì. Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố. Thật đáng tiếc vì ngày hôm đó tôi có giờ dạy ở Alameda College nên tôi không thể bỏ lớp.

Thế là năm nay tôi tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College. Tôi cho học viên nghe Quốc Ca VNCH, cho họ biết rằng ngày 30 tháng 4 ngày là ngày buồn của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở khắp thế giới, trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam, và giải thích tại sao tôi ở đây. Tôi chiếu hình năm vị tướng VNCH tuẫn tiết và nói rằng dù bốn mươi bốn năm đã qua, chúng tôi vẫn tưởng nhớ những anh hùng đã chết theo tự do ngày miền Nam bị chiếm.

Tuy không đến được với SVSA nhưng tôi vẫn nghĩ mãi về các em trong nhóm đó. Những sinh hoạt với SVSA đã giúp tôi học hỏi thêm về thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại. Họ rất thông minh, nhanh nhẹn - đúng chúng ta mong ước, nhưng có vẻ họ đang bị rối trong tiến trình “trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi. Có vẻ họ đang phân vân ngay trong việc đánh giá những điều mà cha mẹ họ tin tưởng, những người mà cha mẹ họ kính phục, và ngay cả sự chính đáng của hai mươi năm hy sinh xương máu của cha ông họ.

Tuổi trẻ Việt ở hải ngoại chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, lớp học, bạn bè hơn những câu chuyện được lập đi lập lại trong gia đình. Điều nguy hiểm là rất nhiều tài liệu ngoài xã hội thuộc loại tác phẩm của Ken Burns. Những người không có phương tiện gì đáng kể như tôi làm được gì trước các đội ngũ chuyên viên có mấy chục triệu đô la để chọn lọc một nửa sự thật và nhào nặn ra một tác phẩm có sức dẫn người xem tin vào “sự dối trá lợi hại” do họ dàn dựng?

Tuy vậy, chúng ta có hai thứ mạnh nhất: đó là sự thật và tấm lòng.

Sự thật hiển hiện ở những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang gây ra trên đất nước Việt Nam. Từ việc cho Tàu thuê đất dài hạn mà người dân không hề biết tiền thuê đi về đâu, từ sự độc tài, xa xỉ hơn vua chúa của những người cầm quyền, từ những tin tức về trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị xâm hại nhan nhản mỗi ngày trên báo chí, từ việc người Việt Nam ăn uống, thở hít chất độc nên bị ung thư nằm la liệt khắp các nhà thương, từ các công trình do nước ngoài chung vốn với nhóm chóp bu đang giết dần môi trường sống ở Việt Nam… Chỉ cần theo dõi tin tức Việt Nam một thời gian ngắn là ai cũng có thể thấy những sự thật này.

Tấm lòng là tình cảm sắt son của chúng ta với Việt Nam. Khi nào tình cảm đó còn đủ lớn chúng ta sẽ còn quan tâm, học hỏi, và chọn những việc làm hợp lý, hợp thời để giúp Việt Nam và để hướng dẫn, nâng đỡ lớp trẻ gốc Việt.

Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì.

Tôi hiểu những điều đó viết ra thì dễ nhưng làm thì hết sức khó. Nhưng, hiểu như vậy cũng là được một bước rồi.

Tôi đã từng nói rằng tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và Hoa Kỳ đã dưỡng dục tôi. Sau gần năm mươi năm dưới chế độ tham tàn, Mẹ Việt Nam đã quá hao mòn, gầy guộc. Gần đây, tôi nhận thức thêm rằng tình cảm của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu tôi giúp nuôi dưỡng cảm xúc đó trong thế hệ tiếp nối. Được như vậy, nhiều thế hệ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với những người con chân chính đang sống trong lòng Mẹ Việt Nam để đem ấm no, hạnh phúc, và tin yêu trở lại bên Mẹ.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
20/08/201921:04:06
Khách
Chào chú Lương Thuận,
Hôm nay vô tình vào thăm bài này, thấy lời nhắn của chú Thuận. Khôi An rất vui vì chú đã tìm đọc Khôi An. Khôi An sẽ nhớ email của chú và sẽ viết thư thăm chú. Nếu chú thích những điều KhA tâm sự qua các bài viết, xin chú chuyển tới các chú khác trong binh chủng Dù, chú nhé.
12/07/201905:17:22
Khách
Chào Khôi An.
Chú là chú Lương Thuận người lính Nhày Dù vừa hân hạnh gặp Khôi An trong buổi ra mắt tập thơ Theo Cánh Gió Bay tại San jose vừa qua.
Tấm lòng của Khôi An về Quê Hương Việt Nam nói chung và những niềm khoắc khoải cho mệnh nước trong hiện tại và tương lai , chú Thuận rất là trân trọng, càng theo dỏi và đọc được những bài viết của Khôi An chú càng thích thú. Đọc qua 2 bài Tháng Tư Tre và Măng, chú cảm thấy một nổi buồn và hy vọng Khôi An sẽ tiếp tục đứng bên các em, hy vọng theo thời gian và sự uyển chuyển trong kinh nghiệm và khả năng của Khôi An chú tin là Khôi An sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.
Chú chúc Khôi An luôn vửng vảng trên đường đi và luôn được nhiều sức khỏe. Chú Lương Thuận , TP Sacto.Email của chú [email protected]
11/05/201902:46:19
Khách
“trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”, những khẩu hiệu quá mạnh mẽ, rất kêu...

Thế nhưng SVSA làm gì để chứng tỏ họ thật sự theo đuổi băng quãng cáo ồn ào nói trên? Họ làm ngược lại hoàn toàn. Họ không trân trọng quá khứ, nói đúng hơn họ từ chối, chà đạp quá khứ. Người dân miền Nam chúng ta đã được dạy cẩn thận làm người phải biết trân trọng đối với nổi đau, và sự mất mát của đồng loại. Chúng ta phải biết tôn kính, phải lấy nón xuống khi đám tang đi qua để chia xẻ cảnh tử biệt. Và trong cái cảm tính đó, chúng ta vẫn nhớ về đồng bào chúng ta đã chết tức tươi trên đường chạy trốn giăc cộng.

Điều đáng nói ở đây là họ chết khi không có một phương tiện tự vệ, họ là những thuờng dân, là trẻ con, là những phụ nữ hiền lành, chân chất. Họ trên con đường chạy giăc vô định, trong cơn hoảng loạn lại trở thành những tấm bia bắn thẳng cho những khẩu pháo tối tân nhất, với sự công phá kinh hồn nhất của pháo 130 ly, hỏa tiển 122 ly và súng cối. Chúng ta nhớ về đồng bào bị thảm sát như nguòi Do Thái tưởng niệm người dân của họ từng người đi vào lò thiêu.

SVSA, bằng thủ thuật khéo léo, hợp lệ đã cấm đoán bất cứ ai đươc lên tiếng cho những quá khứ đẳm nước mắt của dân tộc. Họ đã không trân trọng, lắng nghe để hiểu quá khứ thì làm họ làm sáng tỏ hiện tại.

Chối bỏ quá khứ, Mù mờ trong hiện tại thì chắc chắn tương lai phải hiện hửu đâu đó ở vô cực. Điều đáng xấu hổ ở đây là dù đươc hấp thụ nền văn hóa dân chủ tự do nhất nhì thế giói mà họ hành động không khác gì cái chính quyền họ đang bảo vệ [trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét]

Họ lôi diễn giả đối lập xuống, họ không cho phép Khôi An được nói. Hình ảnh hai tên công an xông vào bịt miệng Cha Lý quả không khác chi khung cảnh của giảng đương ngay hôm đó.

Và SVSA mang bộ mặt công an, ngăn chận TỰ DO NGÔN LUẬN NGAY TRÊN VÙNG ĐÂT TỰ DO. SVSA không có dân chủ nên những hội viên khác cũng không làm ngược lại được.

SVSA đã thay đổi nhân sự, suy nghĩ và hành động điều này cũng dễ hiểu để chấp nhận. Những đứa con nghèo luôn hiếu thảo và thuơng cha mẹ hơn những đứa giàu có, giõi giang. Chúng ta thuờng thấy điều nay trong cuộc đời.
10/05/201918:47:18
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất hay. Chú thông cảm sự khó khăn cháu liên quan đến sự thay đổi bất ngờ trong nhóm SVSA. Sự ảnh hưởng của cánh tả trong các viện đại học ở Mỹ đã đến mức khó hiểu đến nỗi nhiều sinh viên có lập trường lạc quan với chủ nghĩa xã hội. Các bài học của lịch sử ít ai nghĩ đến cho nên có kết quả như thế.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.
Chú Sáu
10/05/201918:27:23
Khách
"Cho đến nay, đám phản chiến và csVN luôn vẽ lên hình ảnh người miền Nam bằng sự hèn nhát, trụy lạc, tham nhũng, đầy lòng thù hận, và nay là chấn thuơng tâm lý khi chúng ta luôn nhắc và nhớ về TỘI ÁC CỦA CỘNG SÀN. Đó là phương cách hiệu quả để đánh gục mọi lập luận của đối thủ giông như luật sư gán cho nhân chứng hình ảnh bất khả tín tại tòa để vô hiệu hóa lời khai. "
Cám ơn ĐGCKA với một đoạn tóm tắt rõ ràng, nhìn thẳng vào sự thật.
Chỉ khi chúng ta biết rõ đối phương dùng thủ đoạn nào thì ta mới đối phó hữu hiệu với chúng.
Bôi nhọ người tị nạn bằng cách nói họ là "thành phần trộm cắp, bất hảo, phải bỏ nước ra đi" là cách của CS thời 80, 90. Sau khi dùng chiêu bài "khúc ruột ngàn dặm" chúng phải nghĩ ra cách khác. Bây giờ chiêu bài của chúng là gọi những người chống CS là "nuôi thù hận". Chúng làm như không hiểu là người ta thù ghét chúng vì chúng ĐANG bán nước, hút máu dân NGAY BÂY GIỜ.
Đám phản chiến Mỹ ngày trước thì tinh vi hơn dùng một số dữ liệu để tuyên truyền rằng hầu hết thế hệ 1, 1.5 (những người không quên tội ác CS) là chấn thương tâm lý. Chúng còn dùng phương tiện giáo dục để tuyên truyền cho lớp trẻ.
Vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả trong câu "hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý."
ĐGCKA nhắc đến cộng đồng Do Thái. Họ được thế giới đồng hành trong việc chống cái ÁC vì họ quyết tâm, đoàn kết, và thành công trong kinh tế, tài chánh.
Chúng ta không thể đạt đến mức độ thành công của họ, nhưng chúng ta cũng làm theo được trong mức độ nhỏ hơn, nếu các thế hệ đều hiểu biết, kiên trì, và quyết tâm.
10/05/201910:56:51
Khách
Khôi An thân và thân hữu

Tôi muốn cám ơn Khôi An luôn có lòng với dân tộc và hết sức kiên nhẫn với đám trẻ đồng thời muốn đặt vài vấn đề sau đây:

Cho rằng "Thế hệ trẻ con cháu của người Việt tị nạn khôn ngoan, không bị CS lừa bịp, không bị du học sinh thuyết phục", tôi e rằng chúng ta tự lừa dối mình và đánh giá thấp về sự gião quyệt cùa csVN. Lịch sử cho thấy biết bao thế hệ, ở mọi giai cấp xả hội đã ăn phải bã để cúc cung phục vụ cho cs. Ở cả miền Bắc và miền Nam, trí thức, lao động, sư sãi, cha cố, nghệ sĩ, văn sĩ tất cả đều dễ dàng sa bẩy cs. Giống như khủng bố ISIS, csVN không bị bó buộc bởi ý thức đạo đức, không nặng lòng nhân ái, và rất giàu, nên khá hữu hiệu trong việc mua chuộc, khủng bố và khống chế đối tượng chúng nhắm tới. Đó là nói đến những người trưởng thành trong xả hội VN đã biết qua cs. Ngay cả một số người lớn tuổi hãi ngoại vẫn thich xếp hàng đi coi văn công trong nứoc thay vì tẩy chay hay dấn thân đấu tranh.

Trừ khi được hun đúc bởi lòng ái quốc chân chính, người ta thuờng chọn cuộc sống sung sướng, an vui, giàu sang thay cho bất an, đau khổ. Vì vậy chúng ta thuơng và ngưỡng mộ Trần Huynh D Thức, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vi, Điếu Cày, Việt Khang, Việt Dũng, Trúc Hồ và rất nhiều người nữa.

Có nếm mùi tù ngục, chịu khủng bố và thấy sự xảo quyệt của csVN, người ta mới thấy cái dũng của những người đấu tranh trong nước đồng thời hiểu tại sao cán bộ gộc ra tòa khóc lóc và hèn như chuột..

Một điều nữa là Khôi An không sai khi "cảm tưởng là các em đã nghe tuyên truyền ở đâu đó rằng thế hệ 1 và 1.5 của chúng ta là những người bị chấn thương tâm lý, và những nỗi đau, nỗi ám ảnh". Cho đền nay, đám phản chiến và csVN luôn vẽ lên hình ảnh người miền Nam bằng sự hèn nhát, trụy lạc, tham nhũng, đầy lòng thù hận, và nay là chấn thuơng tâm lý khi chúng ta luôn nhắc và nhớ về TỘI ÁC CỦA CỘNG SÀN. Đó là phương cách hiệu quả để đánh gục mọi lập luận của đối thủ giông như luật sư gán cho nhân chứng hình ảnh bất khả tín tại tòa để vô hiệu hóa lời khai.

Cộng đồng Do Thái luôn nhắc nhở con cháu và thậm chí cả thế giới về tội ác diệt chủng WWII bằng mọi phương tiện: báo chí, phim ảnh, tin tức, sách vở và bảo tàng viện. Họ có bị coi là nhỏ nhen, hận thù hay loạn trí cả một dân tộc không?

Hoàn toàn KHÔNG. Ngươc lại người ta cho là họ chống cái ÁC. Thậm chí người ta ca ngợi họ, người ta cảm thông cho họ và người ta đồng hành với họ. Chúng ta, những người Việt Nam, không vì vậy mà bất bình hay nãn chí. Chúng ta cần phải học tại sao người Do Thái, người Nhật, Đại Hàn và Ba Lan thành công. Việt cộng có cả khối tài nguyên dồi giàu, có lợi thế của sự tàn bạo, độc tài và thủ đoạn nên việc chúng ta làm rất đổi gian nan, nhưng như Khôi An nói "chúng ta yêu nước, chúng ta có sự thật" và chúng ta còn nợ những người đã nằm xuống cho TỰ DO. Đây là vũ khí, sức mạnh của chúng ta.
10/05/201903:18:49
Khách
Khi CS muốn lừa bịp thì chúng dùng bổng lộc. Chúng nói là làm ăn chung, đem tài và tiền về xây dựng đất nước trên tinh thần hòa giải, vị tha. Rồi lừa bằng cách bạn bè (có thể là bạn du học sinh thời đại học) rủ nhau làm ăn, có những vụ hái ra tiền chỉ tao với mày biết v.v...
Lúc đó CS đâu có lòi mặt ra mà thấy cái độc tài, độc ác.
Về dối trá thì CS là vô địch, người làm chính trị già đời còn lầm huống gì lớp trẻ.
Vì vậy, theo ý tôi, ai nghĩ lớp trẻ con cháu người Việt tị nạn khôn ngoan, tài giỏi, không sợ bị CS lừa bịp là hơi chủ quan. Tham bổng lộc là 1 cách bị lừa thông thường nhất mà thôi.
Biết bao nhiêu ví dụ về VN làm ăn bị mất hết kiểu như Trịnh Vĩnh Bình. Họ cũng khôn ngoan, cũng biết về CS, nhưng vẫn bị lừa.
Già cũng như trẻ, đối với CS phải hết sức cẩn thận, không tin và không giao thiệp là tốt nhất.
09/05/201907:22:24
Khách
Khôi An cám ơn bạn HC Uyên, và xin bàn thêm vài lời với anh LNĐ:
Diễn giả gốc Hà Nội là Việt Cộng, điều đó ai cũng biết vì đó là xuất thân của cậu ta. Khi đọc “Vẹm giựt dây” Khôi An hiểu theo nghĩa là có VC người lớn điều khiển trong bóng tối, đó là điều Khôi An nghĩ là không có.
Khôi An rất hiểu sự bực tức của anh LNĐ vì lúc đó Khôi An cũng đã có những cảm xúc tương tự như anh.
Lúc diễn giả du học sinh đang nói, khách rất khó chịu nhưng vì tôn trọng dân chủ nên khách chờ đến phiên mình, nhưng không ngờ buổi họp bị kết thúc. Lúc đó, các vị khách chỉ có hai chọn lựa: một là ra về, hai là nhất định đứng lại và nói ý của mình, "chỉ mặt" diễn giả nói hắn là VC và lên án ban tổ chức đang bao che cho VC.
Nếu chọn điều thứ hai, chắc chắn không khí sẽ trở nên rất căng thẳng và có thể gây phản cảm với các em sinh viên còn lại. Hơn nữa, Khôi An có cảm tưởng là các em đã nghe tuyên truyền ở đâu đó rằng thế hệ 1 và 1.5 của chúng ta là những người bị chấn thương tâm lý, và những nỗi đau, nỗi ám ảnh trong chúng ta đã gây ảnh hưởng trên thế hệ trẻ (intergenerational trauma). Hành động giúp mình hả giận liệu có làm cho lớp trẻ tin hơn vào những tuyên truyền đó? Liệu có làm cho các khách Mỹ nghĩ là chúng ta quá khích?
Khôi An và các khách hôm đó không ai có kinh nghiệm nên không biết làm thế nào là đúng. Nên lên án cậu du học sinh từ Hà Nội hay ban tổ chức cho phép cậu ta tuyên truyền và che chở cho cậu ta? Những sinh viên hiểu và chống CS đi đâu, tại sao ban chấp hành SVSA năm nay lại như thế này? Và mình phải làm gì cho có hiệu quả nhất?
Vì thế, Khôi An chọn ra về và nói chuyện sau bằng email với ban chấp hành SVSA. Trong email, Khôi An cũng đã vạch ra cho ban chấp hành của SVSA thấy việc làm sai của họ và nói rõ tại sao chúng ta chống nhà cầm quyền CS. Sau đó, có một vị khách khác cũng lên tiếng.
Năm nay, Khôi An đinh ninh rằng SVSA sẽ tổ chức vào thứ Ba 30/4. Khi biết SVSA tổ chức ngày thứ Hai, Khôi An cũng có ý nghĩ bỏ dạy ở Alameda để đi, nhưng rồi lại không nỡ bỏ dạy học sinh trường nghèo đi dự lễ ở trường giàu. Có thể là Khôi An đã quyết định sai.
Nhưng, nghĩ cho cùng, chúng ta có thể có mặt ở 1, 2 buổi họp nhưng chúng ta không thể có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Trong khi đó, du học sinh sang càng lúc càng nhiều, và cậu diễn giả đó chắc chắn không phải là người tuyên truyền duy nhất. Do đó, điều tốt hơn là tìm cách hướng dẫn lớp trẻ để họ tự nhận ra tại sao cần chống CS, và tự hành động.
Đó là mục đích của bài này. Khôi An mong bài viết gợi ý cho mỗi chúng ta suy nghĩ làm gì trong khả năng của mình để hướng dẫn thế hệ trẻ một cách hữu hiệu nhất trong tình trạng hiện nay.
Nếu quả thật như anh LNĐ nói, thế hệ trẻ con cháu của người Việt tị nạn khôn ngoan, không bị CS lừa bịp, không bị du học sinh thuyết phục tin vào “hòa giải”, hiểu rõ và quý trọng sự hy sinh của thế hệ cha ông, ngoại trừ một vài cá nhân ham bổng lộc mà theo bọn tham tàn thì lòng Khôi An nhẹ hơn nhiều.
09/05/201904:46:47
Khách
Tác giả ơi,
Tôi dám chắc chắn 100 người tỵ nạn CS tới tham dự ngày tưởng niệm quốc hận tháng 4 mà diễn giả trưng hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời “mừng ngày thống nhất đất nước” đều chỉ vào mặt y và nói: nó là việt cộng, chứ không lịch sự nói có vẹm giựt dây như tôi đâu.
Nếu Lý Tống có mặt trong buổi họp, tôi dám chắc còn có nhiều màn xảy ra và 100 người tỵ nạn cũng không để cho y yên bình bước ra khỏi hội trường đâu.
Tôi có ba người con. Hai cô con gái đầu đã xong đại học nên rất hiểu tấm lòng của các thế hệ 1 và 1.5 như tác giả luôn ưu tư về giới trẻ vì không muốn và vì sợ họ bị CS lừa bịp.
Thật ra giới trẻ ngày nay qua internet họ được thông tin hơn chúng ta năm xưa rất nhiều. Nhiều hơn chúng ta nghĩ nên không bị lừa bịp đâu. Các con tôi chỉ hỏi tôi một lần duy nhất về CS và hỏi nhà tôi cũng một lần là lý do nào má phải bỏ VN để ra đi. Chúng tự tìm hiểu và sau đó nói với chúng tôi: CS là độc tài, là tư bản đội lốt, là đạo đức gỉa….
Con tôi không sống với CS một ngày mà còn hiểu CS qúa dễ dàng vậy thì tại sao những sinh viên khác không thấy? Các du học sinh VN qua đây chả lẽ mù đến độ không thấy bọn tư bản đang “dẫy chết” hay người dân đang sống trong tự do dân chủ hay sao?
Như vậy thì lý do gì mà các du học sinh hay các sinh viên bên này chịu nói hay cho chúng? Bổng lộc và đe dọa.
Qua đây du học mà tham dự biểu tình chống cộng không những mất hết bổng lộc mà thân nhân bên kia còn bị gọi lên nhắc nhở nói cho cháu đả thông tư tưởng nhé.
Tôi có gọi cho cháu tôi ra trường Stanford hai năm trước đây về vụ này. Cháu rất ngạc nhiên và nhắc cho tôi lại chuyện Tướng Đảo tới làm diễn giả và kể cho tôi hay các du hoc sinh VN rất ít và không muốn liên lạc nhiều với SV bên này, nhất là không muốn dính tới chính trị vì sợ bị CS cắt mất hoc bổng. Tiền học của Stanford rất cao, rất ít SV theo học tự túc như bên Texas hay Oklahoma.
Độc tài CS luôn dùng bổng lộc và de dọa vì chúng biết chúng ta sẽ rất khó mà khuyên người bỏ bổng lộc để theo chính nghĩa và không dám nói sự thật vì thân nhân. Có nói cách mấy thì cũng chỉ nhận được sự im lặng và suy tư mà thôi. Vài người bạn học cũ của tôi cũng không muốn nói gì về việt cộng hay chuyện vượt biên năm xưa vì sợ về VN ăn chơi bị chúng gây sự.
Chúng ta không sợ giới trẻ không hiểu cuộc chiến VN, không biết CS là dối trá, là độc tài mà nên sợ chúng bị bổng lộc mua chuộc hay thân nhân bị đe dọa.
P.S. Ngôn ngữ mỗi vùng, mỗi miền khác nhau. Khi tôi hứa: “Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp” là tôi sẽ đi 100%. Vợ tôi làm nghề giáo hơn 20 năm nay nên tôi biết rành: bỏ một lớp dạy rồi make up ngày hôm sau hay tuần sau cho các sinh viên rất dễ dàng.
09/05/201902:57:54
Khách
Khôi An thật là có lòng với tổ quốc Việt Nam, với chính nghĩa, rất đáng trân trọng. Phải nhìn nhận rằng chịu khó bỏ thời giờ ngồi xem phim Vietnam War, để phân tích rạch ròi, nêu lên những điểm dối trá phi lý của đạo diễn Ken Burns như Khôi An đã làm, đã gây xúc động cho nhiều người. Tôi cứ nghĩ: phải chi có thêm nhiều người ngoại quốc đọc được bài phân tích của Khôi An để họ hiểu thêm về bản chất Việt Cộng, và sự dối trá lọc lừa của những tay phản chiến. Rất đồng ý với tác giả về việc hướng dẫn giới trẻ về chủ đề này (tôi cũng đã làm phần vụ của mình bất cứ khi nào có dịp, hoặc trong gia đình với đám trẻ hoặc với bạn bè ngoại quốc).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất của chàng.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, dựng ngiệp rồi giữ nghiệp trên đất Mỹ. Sau đây, thêm bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về những kỷ vật của một cô học trò Đà Nẵng buổi giao thời.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ.
Nhạc sĩ Cung Tiến