Hôm nay,  

"Ban Cướp Biển"

08/04/201900:00:00(Xem: 10357)
Người viết: Hoàng Chi Uyên
Bài số  5658-20-31464-vb8040719

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết  muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả.
 
***

Tất cả mọi người trên tàu bỗng dưng nhốn nháo, hào hứng quên cả mệt nhọc khi nghe người chủ tàu la lên mừng rỡ sau khi nhìn kỹ trong ống nhòm: "Đã thấy bờ rồi! Chúng ta sắp cập đảo rồi!". Nhiều người nhao nhao lên tiếng đòi chủ tàu cho mượn ống nhòm để tự mình xem và xác nhận đó có đúng là sự thực hay không. Nhiều cặp vợ chồng ôm nhau khóc ròng vì quá vui mừng; riêng bà mẹ có hai con nhỏ nằm sốt li bì đã mấy bữa, ghé xuống tai các con thì thầm: "Tụi con ráng chút xíu nữa thôi nha, sắp có nước uống và cháo nóng cho tụi con ăn nha!"...Luồng sinh khí mới bao trùm lên toàn thể 108 người trên con tàu ba động cơ; họ quên hết nỗi mệt nhọc sau ba ngày ba đêm trên biển cả, tiếng hò reo, tiếng cầu nguyện ca ngợi và cám ơn Thượng Đế rì rầm lan toả khắp tàu bên cạnh tiếng vui cười...

Nhìn qua ống nhòm thấy dạng đất liền vậy, chứ cũng phải mất thêm mấy tiếng nữa, lúc mặt trời sắp lặn, con tàu mới đến được bờ: sau này mọi người được biết đây là một hòn đảo lớn thuộc tỉnh Terengganu, Malaysia. Đang ngồi âm thầm cầu nguyện, Chính Tâm chợt giựt mình khi nghe tiếng mọi người thúc dục: "Nè, ai có biết tiếng Anh thì làm ơn mau mau đi ra thông dịch cho họ hỏi kìa". Thì ra viên chức trên đảo ra tàu để tiếp xúc với các thuyền nhân. Chính Tâm đứng lên tiến ra phía trước, cùng với một bà cũng trong đám thuyền nhân, cỡ tuổi sồn sồn trên bốn mươi.

Qua cuộc giới thiệu chớp nhoáng, Chính Tâm được biết trước mặt mình là viên đại tá người Mã Lai, và người đàn bà thuyền nhân, tên là Mỵ, trước có làm việc cho một câu lạc bộ bán thức ăn cho quân đội Mỹ ở Sàigòn. Chính Tâm cũng trả lời câu hỏi về thân thế của cô cho vị đại tá biết: cô là sinh viên năm cuối ban Anh Văn, có dạy kèm tiếng Anh với tính cách tư nhân cho học sinh và cả người lớn có nhu cầu, trong thời gian chờ ra đi.

Viên đại tá ra lịnh cho trên một trăm thuyền nhân ngồi tạm trên bãi biển để chờ Hội Hồng Nguyệt đến phân phát thực phẩm và sắp xếp chỗ nghỉ ngơi (vì đa số dân Mã Lai Á theo đạo Hồi, nên cơ sở từ thiện của họ được gọi là hội Hồng Nguyệt- Mảnh Trăng Đỏ- thay vì Hồng Thập Tự như ta thường thấy ở Tây phương và cả ở Việt Nam).

Cuộc phỏng vấn bắt đầu vào khoảng mười một giờ đêm, sau khi cả tàu đã yên vị trên bãi cát dọc theo bờ biển, do vị đại tá người Mã Lai đặt câu hỏi với tài công và người chủ tàu. Chính Tâm và chị Mỵ có nhiệm vụ phiên dịch; nhưng chủ yếu là Chính Tâm phải làm phần chính vì công việc đòi hỏi phải viết xuống thành văn bản, mà chị Mỵ thì chỉ quen ngôn ngữ nói chứ không viết được.

Sau này Chính Tâm hiểu được rằng việc thẩm vấn đó là thủ tục bắt buộc phải có để xác định tính hợp pháp: xem có phải đúng là tàu vượt biên, hay là do người của chính quyền Việt cộng gài sang các nước tự do. Vì vậy, các câu hỏi ban đầu được xoáy quanh đề tài: việc mua tàu thuyền, làm sao để mua và dự trữ lương thực, nhiên liệu, cách móc nối thu thập mọi người muốn vượt biển, kể cả cách thức trả tiền, việc chuyển người lên tàu...v..v...

Tiếp đó, người tài công phải trả lời về hướng xuất phát (bến bãi), ngày giờ khởi hành, vận tốc của tàu, đi bao lâu thì đổi hướng, gió trên biển lúc ấy là chiều hướng nào, thời tiết và tốc độ gió, trên đường tàu di chuyển có xảy ra những gì, gặp hoặc nhìn thấy những tàu ghe nào...

Viên đại tá cũng thỉnh thoảng ngắt lời tài công và hỏi tại sao anh lại nhắm hướng đi như vậy, sao không ghé vào Thái Lan cho gần hơn..v..v... Người tài công cũng tình thực giải bầy rằng anh tránh vịnh Thái lan, muốn đi theo hướng khác vì không muốn bị cướp bóc bởi những tàu Thái Lan.

Cuộc phỏng vấn rất chi tiết, dài dòng khiến nhiều lúc Chính Tâm cảm thấy đuối sức và buồn ngủ, vì đã ba ngày đêm căng thẳng trên tàu. Tuy nhiên, thái độ của viên đại tá Mã Lai rất ôn tồn và khích lệ, nên nàng ráng hoàn tất phần việc của mình. Đến đoạn kết thúc của bản tường trình, mọi người thở ra nhẹ nhõm, nhìn ra chân trời thì vầng dương đã hơi ửng hồng: vậy là mọi người đã làm việc trọn đêm mà không để ý đến giờ giấc!

Hướng về ánh bình minh sắp ló dạng từ trong màn đêm mênh mông, Chính Tâm nói nhỏ với viên đại tá mà như nhủ thầm với chính mình: "Tôi thật sự rất buồn, rất buồn vì phải xa cách quê hương tôi; nhưng tôi và mọi người đã không thể sống được với Cộng sản nên phải đành lòng ra đi. Nhưng chúng tôi rất mong mỏi có một ngày đất nước chúng tôi thật sự tự do, sạch bóng cộng sản để người dân quê tôi được sống hạnh phúc!" Viên đại tá Mã Lai cũng bùi ngùi: "Tôi rất thông cảm và hiểu được nỗi khó khăn của quý vị trong hoàn cảnh này. Tôi mong mỏi niềm ao ước của quý vị sớm trở nên hiện thực!"

Tìm về nơi tạm trú cùng với các thuyền nhân khác, Chính Tâm nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ; đêm đầu tiên được đặt mình trên đất liền sau ba ngày lênh đênh trên đại dương, sao mà tấm trải mỏng manh lại êm ái thế! Vậy mà trong mơ, Chính Tâm thấy như đang nằm trên võng: cảm giác cứ bềnh bồng, bềnh bồng. Thì ra là tất cả những thuyền nhân cùng có cảm tưởng như đang trôi trên sóng nước, mặc dù nhiều người đã đặt chân lên mặt đất mấy ngày sau, cũng vẫn còn trong tình trạng này...

Giấc ngủ của Chính Tâm không được trọn vẹn; nàng bị bà chị (cũng đi cùng trong chuyến tàu) lay dậy: "Trên văn phòng cho gọi mày kìa!". Mắt nhắm mắt mở, Chính Tâm chỉ kịp thay bộ đồ duy nhất mang theo được, bỏ đi bộ quần áo đã làm bạn với nàng hơn mấy ngày trời. Chính Tâm thắc mắc, chẳng hiểu sao văn phòng lại bắt mình lên làm việc sớm thế, mới chợp mắt được vài tiếng chứ mấy!

Theo hướng chỉ dẫn của người lính, bước vào văn phòng thì Chính Tâm nhận ra vị đại tá đêm hôm trước, cùng lúc với người tài công và chị Mỵ, viên đại tá ân cần ngỏ lời cám ơn và mời mọi người dùng ly to sữa nóng  và bánh mì ngọt. Cử chỉ ôn hoà nhân ái của viên đại tá Mã Lai khiến Chính Tâm và mọi người có mặt hết sức cảm kích và nhớ mãi.  

Chiều hôm ấy cả đoàn người trên tàu được chuyển bằng ca nô sang trại tỵ nạn chính: đảo Pulau Bidong. Vừa cập bến đảo, mọi người tự động xếp thành hàng ngũ đi vào nơi chỉ định; Chính Tâm lại được gọi lên: lần này là do một người đàn ông Việt Nam dong dỏng cao, mảnh khảnh, gọi tên cô và tự giới thiệu: "Tôi là Thuyết, là trưởng Ban Chống Cướp Biển, văn phòng ở trên đảo Bidong này".

Anh chìa "Bản Tường Trình Chuyến Hải Hành của Tàu 318" với tên Chính Tâm ký bên dưới và hỏi: "Có phải đây là tên cô?". Sau khi xác nhận, Chính Tâm lại được nghe hỏi tiếp: "Chúng tôi đang cần người cộng tác cho công việc điều tra chống bọn cướp biển, cô có thể giúp chúng tôi trong việc phiên dịch những tài liệu cho việc này không?"

Nghe có vẻ hào hứng, lại đang không biết mình sẽ làm gì cho hết ngày giờ trong lúc chờ đi định cư, Chính Tâm hăng hái gật đầu đồng ý. Chiều hôm ấy, sau khi đã ổn định chỗ ở, Chính Tâm y hẹn đi lên khu vực hội trường theo lời dặn của anh Thuyết, để có cuộc họp bỏ túi với các thành viên khác trong ban; dịp này Chính Tâm được nghe mỗi người tự giới thiệu tên và trách nhiệm công việc của họ:

- Anh Thuyết, trưởng ban, là người chịu trách nhiệm chung, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp quốc. Anh có nhiệm vụ nhận hồ sơ, chuyển giao và liên lạc với các nơi có liên quan, cắt đặt công việc cho mỗi người.

- Chú Trực là cựu sĩ quan Hải quân; và chú Phúc, cựu phi công; cả hai chú này đều đã phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Nhiệm vụ của hai chú là phỏng vấn tài công các tàu bị cướp để nhận định toạ độ, vị trí khu vực bị cướp; do hai chú có kinh nghiệm về việc xác định toạ độ cũng như cách tính hướng, tính hải lý, hải hành của thuyền bè...

- Các anh Minh Châu, Đặng Quân.. có nhiệm vụ phỏng vấn những nạn nhân của tàu bị cướp biển xâm phạm, rồi viết thành tờ tường trình (bằng tiếng Việt).

- Riêng Minh Châu, Đặng Quân và Chính Tâm- nhân viên mới- được giao nhiệm vụ thông dịch những Bản tường trình sang tiếng Anh để sau đó gửi sang các nơi có xảy ra vụ cướp biển. Chính Tâm lại rất cần cho những ca cần phỏng vấn nạn nhân nữ (với các câu hỏi tế nhị thuộc về phụ nữ).

- Anh Hùng, chú Quang: có nhiệm vụ vẽ lại theo lời kể của các nạn nhân (hình tàu cướp, hình dạng và những dấu vết đáng lưu ý trên người các tên cướp biển để những cảnh sát hoặc điều tra viên hàng hải dễ nhận diện tội phạm..)

Ngay sáng hôm sau, được bắt tay vào việc, Chính Tâm rất náo nức với công việc nhiều thử thách này. Như mọi thành viên khác, nàng được giao cho một tấm thẻ cứng với hình ảnh và tên nàng: đây là thẻ ra vào đặc biệt dành cho nhân viên có nhiệm vụ chuyên biệt, mỗi khi có tàu mới cập đảo, còn bị cách ly trong khu vực hạn chế trước khi hoàn thành hồ sơ tàu.

Nếu là tàu bị cướp, các thành viên trong Ban Chống Cướp Biển- Anti-Piracy (mọi người trong nhóm thường đùa cợt gọi tắt:  Ban Cướp Biển hoặc Nhóm Cướp Biển!) có nhiệm vụ ra gặp mặt và lấy lời khai của các nạn nhân trên tàu, các nhân chứng...

Sau đó họ cố gắng hoàn tất các bản tường trình, gồm cả phần thông dịch sang Anh ngữ, rồi nhanh chóng gửi sang Cao Uỷ Tỵ Nạn của các vùng bị cướp, từ đó các cảnh sát trên biển thực hiện việc truy lùng các tàu cướp. Trong nhiều trường hợp, các nạn nhân không thể nhận diện được tàu cướp vì chúng rất tinh ma quỷ quái.

Sau một thời gian dài cướp đoạt của cải và xâm hại các thuyền nhân, chúng cũng bị bắt do lời khai của nhân chứng. Thành ra sau này chúng thường  thẳng tay tàn sát, đánh chìm tàu thuyền sau khi cướp bóc. Nhiều tàu trong bọn chúng che bảng số và tên tàu để nạn nhân không nhận biết được.

Những tên cướp biển này ban đầu có thể cũng chỉ là những người chuyên sống bằng nghề đánh cá, hải sản; nhưng sau làn sóng vượt biên của người Việt, lòng tham của bọn bất lương đã nảy sinh, và vốn mang sẵn trong người dòng máu lạnh và tham lam, chúng đã trở thành những tên cướp của tham tàn, hãm hiếp phụ nữ không nương tay, rồi cuối cùng ra tay tàn độc với những nạn nhân vô tội.

Trong một cơ hội hiếm hoi khi Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc có nhận được một tài liệu đặc biệt về bọn cướp biển, Ban Chống Cướp Biển của đảo được đặc cách cho xem những thước phim này. Ban đầu mọi người e dè đề nghị Chính Tâm không nên xem, do những hình ảnh quá tàn bạo được trình bày trong phim tài liệu; nhưng cô năn nỉ hết lời và viện dẫn rằng: "Những thước phim tư liệu có thể giúp nâng tầm hiểu biết về hoàn cảnh thực, cũng như nhận thức rõ ràng về nạn cướp biển, từ đó Chính Tâm có vốn liếng trong đầu để giúp cho việc hiểu dễ dàng và đồng cảm với các nạn nhân, giúp việc dịch thuật chính xác và nhanh chóng hơn.."  

Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng Chính Tâm vẫn bị chấn động mãnh liệt và gần như không thể chịu nổi, khi chứng kiến một cảnh hải tặc sau khi thi hành thủ đoạn độc ác, chúng gồm một nhóm ba bốn tàu cướp xáp lại để cùng ăn hàng, cột dây thừng thật chắc vào bốn phía của thuyền Việt Nam, một đầu dây cột chặt vào mỗi tàu của bọn cướp. Sau đó chúng chạy ra bốn hướng khác nhau để thuyền của nạn nhân bị xé tung ra.

Thêm một cảnh khác, bọn hải tặc ỷ vào tàu lớn, cứng cáp, nên sau khi ra tay ăn hàng, chúng chạy ra xa lấy trớn rồi đâm thẳng vào chiếc thuyền vượt biển nhỏ bé mong manh của người tỵ nạn Việt, làm chiếc thuyền bị tan nát, các nạn nhân bị văng hết xuống biển... thật không bút mực nào tả xiết sự đau thương của thuyền nhân trong thời kỳ đó.

Trong một vụ cướp, thuyền nhân lại mô tả cảnh tàu cướp chơi trò mèo vờn chuột với nạn nhân VN: Chúng thấy tàu Việt, xông đến cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ, sau đó chúng thả ra cho đi.

Tất nhiên là thuyền Việt nhỏ bé, mong manh và sức chạy rất giới hạn, cho nên chạy loanh quanh trên biển cũng không thể nào thoát khỏi tay bọn chúng, nên khi chiều đến, chúng lại quay trở lại đón đầu thuyền Việt Nam và tiếp diễn cảnh hãm hiếp, tung hứng nạn nhân như những món đồ chơi... Liên tiếp nhiều ngày như vậy, đến độ có người hoá điên cuồng, tự nhảy xuống biển cho thoát cảnh chuột nằm trong rọ.

Những hình ảnh này đã hằn sâu trong ký ức Chính Tâm đến nỗi sau khi đã định cư, đi học rồi đi làm, các bạn bè rủ đi ăn tiệm tại những nhà hàng Thái Lan, cũng như có người rủ đi du lịch trên đất Thái, nàng đều cương quyết từ chối.

*

...Đang chăm chú soạn một ít hồ sơ cho cô Cao Uỷ Phó phụ trách trên đảo, Chính Tâm nghe tiếng gọi gấp: "Có tàu bị cướp về đến đảo, đang ở cầu Jetty, cô chuẩn bị ra phỏng vấn các nạn nhân nữ nhé; ca khá nặng đấy!"

Ngẩng lên, thì ra anh Thuyết với vẻ hối hả và ánh mắt nghiêm trọng, Chính Tâm có thể cảm nhận được mức độ thiệt hại của vụ này. Nàng nhanh chóng kết thúc tập hồ sơ và theo chân người trưởng ban ra khu vực giới hạn cho nhân viên đặc biệt. Hôm nay mình đoảng quá, Chính Tâm thầm nghĩ, "mình quên mất không đeo thẻ vào cổng"; nhưng may quá, có anh trưởng ban dẫn trước, nàng được cho phép vào gặp các thuyền nhân mới tới đảo.

Vào trong, nàng nhận ra được sự bất hạnh mà mọi người vừa trải qua chưa bao lâu: những đầu tóc phụ nữ bù rối, nét mặt nhợt nhạt không còn chút thần sắc, quần áo tả tơi không còn ra hình dạng người, nhìn rất đau lòng. Họ nằm ngồi vất vưởng trong phòng, như không còn sức lực và sinh khí nào. Nhóm đàn ông chỉ có lác đác vài người, trên gương mặt và tay chân xây xát, bầm tím, thần thái cũng không khá hơn nhóm phụ nữ... Chắc là những người này cũng đã bị hành hung dữ lắm, Chính Tâm thầm nghĩ.

Người đầu tiên nàng hỏi chuyện là một người phụ nữ lớn tuổi nhất trong số thuyền nhân, bà này tên Xuân, có vẻ trên năm mươi; bà ta tương đối còn tỉnh táo nhất so với những phụ nữ còn lại. Đưa bà Xuân ra một nơi riêng biệt, Chính Tâm bắt đầu hỏi thăm về biến cố xảy ra trên tàu, bà cho hay: "Khi tàu vừa rời khỏi hải phận Việt nam được hơn một ngày (thuyền xuất phát từ vùng Rạch Giá), mọi người chưa kịp mừng vì đã không còn nguy cơ bị công an bắt giữ, thì xuất hiện một tàu có những dòng chữ ngoằn ngoèo kiểu Thái Lan, tài công trên thuyền tỵ nạn đã dùng hết sức để chạy thiệt nhanh, ráng tránh cho thoát chiếc tàu Thái; nhưng cuối cùng cũng không sao chạy kịp với chiếc tàu kia. Chúng vừa đuổi kịp, tấp lên thuyền tụi tui thì cũng vừa lúc có thêm một tàu, cũng của "tụi nó"- chắc có lẽ tụi nó liên lạc gọi cho nhau biết. Vậy là cả hai tàu bọn chúng cùng ùa lên tàu mình.

Bọn nó có cả thảy 11 tên, vừa có dao vừa có súng, nên bọn chúng uy hiếp và thẳng tay đánh đập tàn nhẫn những người đàn ông Việt Nam trên thuyền tỏ ý chống cự để bảo vệ cho thân nhân của họ. Chúng đâm nhiều nhát dao vào chủ tàu và hai người đàn ông khác, xong rồi quăng xác họ xuống biển. Bọn nó bắt đầu dồn phụ nữ về một góc rồi thay nhau lần lượt hãm hiếp...

Trời ơi, lúc đó y như là dưới chín tầng địa ngục đó cô ơi! Tiếng than khóc, lạy lục, tiếng rên siết đau đớn, tiếng oán than ngất trời xanh, kèm với tiếng thét nạt nộ ầm ầm của tụi cướp nhằm đàn áp tinh thần các thuyền nhân...con nít cũng khóc la inh ỏi.. Có một cô còn nhỏ lắm, khoảng đâu mười mấy tuổi hà, người còn còm nhom, chưa phát triển đầy đủ, mà bị ba bốn tên nó hành, tới nỗi cô ta kiệt sức ngất đi. Bọn chúng thấy cô ta không tỉnh dậy để có thể hành hạ tiếp, vậy là bọn chúng hai tên: một cầm đầu, một nắm hai chân cổ rồi quăng xuống biển như người ta quăng một con mèo vậy đó! Giờ nhớ lại, tay chân tui còn run lẩy bẩy. Nghe đâu cô nhỏ đó còn có một người chị đi cùng trên thuyền này nè!"

-"Vậy cô có thể tả hình dáng những kẻ nào trên tàu cướp mà cô nhớ rõ không?"

-"Cái thằng hãm hại tui không cao lắm, khoảng đâu một thước sáu mấy, nhưng bắp thịt cuồn cuộn; có vết sẹo sâu một bên thái dương, hình như là phía bên trái, ừa, đúng là bên trái. Nó nặng chắc cũng ngót nghét trên tám chục ký là ít; quấn khăn sọc xanh thẫm ngang đầu. Tụi nó đứa nào cũng ở trần cùi cụi, thằng hại tui thì mặc cái quần vải dầy như vải bố màu xám tro. Còn hai thằng quăng cô gái nhỏ xuống biển thì tui nhớ rõ như in; bị nó ác quá mà: hai thằng một đứa thì ốm ốm dong dỏng, quấn khăn ngang phần dưới, cặp mắt sâu mà xếch ngược lên, đố ai dám ngó vô cặp mắt hung dữ đó mà không thấy sợ. Còn thằng kia thì có bề ngang, tướng tá bặm trợn, đầu trọc lóc, có một cái bớt sậm màu phía sau gáy, mặt nó đỏ như mới uống rượu nhiều hay sao nên có những tia máu nhìn bắt rùng mình luôn cô ơi!"

Chính Tâm hỏi thêm một số chi tiết về hình dáng hai tàu cướp, mũi tàu, buồng lái, màu sơn của tàu, tàu có đặc điểm gì để có thể nhận dạng, tên nào là kẻ chỉ huy bọn chúng..v..v... Bà Xuân cung cấp được khá nhiều thông tin quý báu để giúp tìm tung tích bọn cướp vì bà tương đối còn tỉnh táo hơn các cô nhỏ tuổi.

Chính Tâm đi lần đến người con gái có cô em bị quăng xuống biển, theo lời chỉ của các phụ nữ khác trên thuyền. Thuý Liễu, tên người con gái chịu nỗi bất hạnh gấp đôi, gấp ba so với những nạn nhân khác, tuy gắng sức trả lời nàng nhưng mặt cô còn tái xanh, thậm chí chưa thể ngồi thẳng người lên được; thân hình cô mềm nhũn, oặt èo như con mèo nhỏ vừa được đem dưới nước lên; giọng cô còn rất yếu ớt, run rẩy. Chính Tâm hiểu rằng chưa phải là lúc để hỏi Thuý Liễu các thông tin cần thu thập; nên nàng chỉ nhẹ nhàng an ủi, khuyên Liễu nên ráng giữ sức, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Nàng cũng hứa sẽ giúp thu xếp chỗ ở và sẽ trợ giúp Thuý Liễu những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống ở đảo.

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục chính yếu, Chính Tâm giữ lời hứa nên đã xuống văn phòng trại để thu xếp cho Thuý Liễu vào khu thanh nữ, cùng với các cô đi cùng thuyền còn độc thân; bà Xuân và những người phụ nữ khác về khu trại những người có gia đình, hoặc có con cái đi theo. Chính Tâm và một cô bạn khác phải dìu hai bên Thuý Liễu vì cô quá yếu không thể bước đi nổi. Suốt thời gian trên đảo, Chính Tâm không bao giờ nhắc đến tai nạn thương tâm xé lòng của người em gái, trong những lần trò chuyện với Thuý Liễu.

Mãi về sau này, khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, Thuý Liễu tâm sự với Chính Tâm rằng cô không hề biết chuyện người em xấu số của cô đã bị thiệt mạng trên biển; cô cứ đinh ninh rằng em cô đã bị bọn cướp bắt mang đi mất. Cho tới khi cô sang Hoa Kỳ đoàn tụ với người anh trai và bà mẹ, cô mới được biết sự thật xé lòng do chính anh trai cô thuật lại.


Anh cô kể: đúng vào cái ngày định mạng oan nghiệt đó, anh vừa thiu thiu chợp mắt ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc, thì thấy bé Yến, cô em gái, từ ngoài cửa đi vào, quần áo trên người ướt sũng, tóc bết vào hai bên, vẻ mặt tái nhợt, ánh mắt vô cùng buồn thảm, ai oán. Anh hốt hoảng ngồi dậy, mồ hôi ướt đẫm và cảm thấy một nỗi kinh hoàng ập đến khiến anh run rẩy, tuy không biết đích xác là chuyện gì.

Sau đó một vài ngày, anh nhận được tin dữ từ Malaysia cho biết việc thuyền của hai em gái mình gặp nạn, và cô em gái, Yến, đã không còn.

Chứng kiến tận mắt những cảnh thương tâm nên mọi người trong Ban Cướp Biển làm việc bất kể giờ giấc, mỗi khi có chuyện cần kíp (những thuyền bị tai nạn và cần tường trình gấp rút với hy vọng sẽ bắt kịp bọn cướp).

Một buổi sáng tinh mơ, chưa đến giờ làm việc, mặt trời vừa kịp toả các tia nắng hồng trên những đầu cây, ngọn cỏ còn ướt sương đêm, tiếng loa phóng thanh trên toàn đảo đã vang vang: "Xin chú ý, xin chú ý: Cao Uỷ Tỵ Nạn thông báo: Xin mời anh Thuyết, trưởng Ban Chống Cướp Biển và các thành viên lên nhóm họp gấp tại văn phòng Ban ở Hội trường". Chính Tâm vội vã tung chăn, làm qua loa thật nhanh vệ sinh cá nhân và thay quần áo rồi nhanh chóng lên họp theo như lời của bản thông báo. Nàng nghĩ thầm: "Chắc có lẽ vừa xảy ra một tai nạn cướp biển nữa đây!" Gần đến hội trường, nàng gặp hầu hết các gương mặt thân quen của ban, ai ai cũng đượm vẻ lo lắng, căng thẳng.

Bước vào văn phòng, viên Cao Uỷ Trưởng của đảo, ông Allen Vernon, đã chờ sẵn. Sau khi đảo mắt nhìn lướt qua mọi người, ông mỉm cười: "Trước hết, tôi phải cám ơn mọi người đã có mặt sớm sáng nay. Thật ra mình có thể chờ đến giờ làm việc mới họp luôn, nhưng tôi biết các bạn sẽ không ngại đi sớm như thế này, tôi cũng không đành lòng để các bạn chờ lâu hơn trước khi tôi loan báo tin vui này: Chắc mọi người còn nhớ con tàu 836, bị cướp cách nay không bao lâu chứ? Trên tàu mà có hai cô gái trẻ bị bắt đi ấy mà? Thật may mắn, nhờ vào sự nỗ lực, tinh thần làm việc nhanh chóng của các bạn đây, cộng với lòng nhiệt thành của cảnh sát hàng hải cũng như sự phối hợp với các cảnh sát địa phương, hai cô gái trẻ đã được tìm ra trong một căn nhà để bọn gian chuẩn bị đưa vào các hang động mãi dâm ở vùng ngoại ô gần Bangkok, Thái Lan. Hai cô sẽ được sắp xếp để đưa đến xum họp với gia đình họ hiện còn trên đảo này trong một vài ngày nữa thôi!"

Niềm vui vỡ oà, mọi người trong ban, kể cả Chính Tâm, há hốc kinh ngạc không thốt nên lời. Tự dưng hai đầu gối Chính Tâm nhũn mềm ra, nàng tự động quỳ sụp xuống, cảm tạ bề trên vì niềm vui không thể diễn tả bằng lời được. Quay sang nhìn các bạn cùng phòng, ai ai cũng vô cùng xúc động, Đặng Quân la lớn: "It's so wonderful! Wonderful!". Anh Thuyết mắt đỏ hoe, bình thường anh vốn là một người yên lặng, ít nói; anh cứ cắm cúi làm việc miệt mài như để quên đi nỗi buồn phải xa vợ con. Ai cũng tưởng rằng anh khó tính lắm, nhưng có trải qua những giờ phút này, mới hiểu anh sống thật là tình cảm: niềm vui của nạn nhân được tìm thấy và được đem trả về với gia đình họ,  chính là phần thưởng vô giá cho anh Thuyết, cho tất cả mỗi người trong ban Cướp Biển; hơn lúc nào hết, Chính Tâm càng thấy việc làm của mình có ý nghĩa cao đẹp biết bao.

Có làm việc chung mới giúp Chính Tâm càng trân trọng và quý mến những người trong Ban, như những người thân trong gia đình nàng: Chú Trực, lớn tuổi nhất, đi chung với vợ con chú và có hoàn cảnh tài chánh khá vững vàng nên chú rất rộng rãi; chú thường mời mọi người trong ban về "nhà" của chú- một căn trong khu trại gia đình- để thưởng thức những món đậm đà hương vị Việt: khi thì cháo gà nóng hổi, bữa thì gỏi mực tươi do những người giỏi lặn bắt được đem bán lại, hoặc bữa bún cá, ngày khác là những ly chè đậu xanh bột báng, bí rợ. Chú thường khuyến khích Chính Tâm: "Cháu giỏi lắm, làm việc miệt mài còn hơn nhiều người đàn ông, chú nói thiệt đó! Và nữa, cháu có cái may mắn vì có học thức và nề nếp giáo dục kỹ, nên cháu đã không sống buông thả như nhiều người con gái khác trên đảo, không có gia đình đi cùng; cái đó quý lắm, ráng giữ mãi nhen cháu!"

Đặng Quân, người thanh niên có cái miệng rộng, rất khéo nói và cũng vì điều này mà đã gây khó cho anh: Anh thường tâm sự với mọi người rằng anh có người yêu cũng đang chờ đi vượt biên. Người yêu của anh có mái tóc dài thướt tha, có dáng người thanh thanh và nụ cười e ấp; đó là những gì anh trình bày trong những hình anh tự vẽ về người con gái ấy. Càng xa cách thì tình cảm anh càng nồng, càng mong đợi và thương nhớ cô.

Khổ nỗi là cái miệng rộng hoạt bát của anh lại làm mềm trái tim của một cô uỷ viên Cao Uỷ đặc trách văn hoá trên đảo. Nàng tên là Lim, người Mã Lai, có nước da trắng sáng và cử chỉ tự nhiên, duyên dáng như người Tây phương. Cả phòng không ai bảo ai, mọi người cùng ước thầm: Phải chi trái tim anh còn trống chỗ, thì nàng Lim thiệt xứng với anh biết mấy!

Rồi cũng đến lúc "Cuộc Tình Tay Ba" đến hồi cao trào: Đặng Quân nhận được thông báo từ loa phóng thanh cho biết cô Kiều Duyên vừa đến đảo và muốn tìm người quen tên Đặng Quân. Buổi trưa đang nghỉ ngơi ăn cơm, Chính Tâm (và chắc những người trong Ban Cướp Biển cũng vậy) chợt giật thót mình khi nghe loa phóng thanh vang vang mấy lần cái tin- không biết vui hay buồn- cho anh chàng Đặng Quân hào hoa. Chắc chắn là anh chàng thể nào cũng ba chân bốn cẳng chạy đến tìm gặp và lo lắng tìm chỗ ăn ở cho nàng Kiều Duyên của anh. Thật y như Chính Tâm dự đoán: chưa bước ra khỏi cửa để đi làm, nàng đã thấy Đặng Quân thập thò trước nhà, hỏi xem chung quanh nơi Chính Tâm hiện ở còn có căn nào trống chỗ cho hai chị em Kiều Duyên tạm ngụ. Chỉ tay vào căn nhà mình cho Kiều Duyên nghỉ ngơi, Chính Tâm hứa sẽ giúp sắp xếp cho hai chị em cô Duyên vào lúc nàng đi làm về. Giờ làm việc buổi chiều của Ban Cướp Biển thật nhộn nhịp: không phải vì công việc dồn dập (hôm ấy không có nhiều hồ sơ gấp); nhưng do mọi người đều tò mò muốn biết Đặng Quân sẽ giải quyết "Chuyện Hai Nàng" ra sao. Tuy không ai nói ra, nhưng vẻ nóng lòng như ngồi trên lửa của Quân khiến mọi người không khỏi tủm tỉm cười...Anh vò đầu bứt tai và nhái giọng phát âm nặng của người Mã Lai -đặc biệt nhấn mạnh ở chữ "t" - và cất lời hát than thở: "How can Teo (tell) HER about you....?" *

Cả phòng cười ầm lên: đúng là Đặng Quân có khác, đang ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mà còn khôi hài được; Chính Tâm  như một bà cụ non hỏi Quân:"Thật sự, anh thấy ai là người quan trọng trong cuộc đời anh? Ai sẽ đem lại hạnh phúc cho anh, theo ý anh, cô Lim hay là Kiều Duyên?" Quân nhăn nhó: "Thì dĩ nhiên là Kiều Duyên rồi! Tụi tui quen nhau mấy năm nay, biết bao nhiêu là kỷ niệm". -"Vậy thì anh cứ nói thật với cô Lim thôi! Với tư tưởng và tính cách phóng khoáng của cô, chắc cô không trách anh đâu!".

Nói nghe thì dễ , nhưng sự thực, quả là cô Lim có đau khổ lắm: Đặng Quân tháo vát, vui vẻ, hài hước, thường đem lại cho cô những tiếng cười ròn rã, niềm lạc quan vui sống trong những tháng ngày buồn chán trên đảo xa, không có gia đình cạnh bên. Niềm nhiệt thành đã được tăng thêm rất nhiều trong việc phục vụ những thuyền nhân tỵ nạn, cũng nhờ anh nhiều lắm mà có, anh lại tháo vát, tiếp tay với cô rất nhiều trong những công tác hàng ngày của cô... Đặng Quân ấy đã thuộc về một cô gái Việt nam từ lâu, trước cả khi cô Lim quen biết anh. Một cô gái Việt Nam có cùng ngôn ngữ và từng chia sẻ nhiều kỷ niệm với anh, theo như anh kể. Cô hiểu rằng cô là người đến trễ mất rồi...

Vài ngày sau, toàn ban Cướp Biển hơi sững sờ khi nghe tin cô Lim lặng lẽ rời đảo đi sang nhận nhiệm sở mãi một lèo tận Canada. Cô đi xa mà không kịp (hay không đành lòng) nói lời chia tay với Ban Cướp Biển, những người bạn thường ngồi uống nước ngọt với cô vừa tán dóc vào những buổi chiều sau giờ làm việc. Cô thậm chí cũng không có buổi chia tay với Đặng Quân, người đã (vô tình?) làm trái tim cô tan vỡ...  Hơn một tháng sau, Đặng Quân cũng được lên đường đi dịnh cư; trước ngày đi, anh còn gửi gấm Kiều Duyên nhờ Chính Tâm "để ý" coi chừng giúp.

Một người khác trong ban, ít nói hơn, hiền lành và hay cười: Minh Châu, có nhiệm vụ tương tự như Đặng Quân và Chính Tâm, tức là phỏng vấn thuyền nhân và phiên dịch các tài liệu, các bản tường trình. Thấy Chính Tâm thường hay ngồi ngẩn ngơ ngắm biển rất lâu, trong những lúc làm việc mà không phải gấp gáp; anh một lần đã hỏi Chính Tâm: "Cô bé có thích đọc thơ không?" - Xời ơi, cái gì chứ đây đích thị là chạm trúng yếu điểm của cô nàng rồi; thơ thì ai mà không ham đọc; Ở nhà Chính Tâm có một tập thơ rất đẹp, nắn nót viết trong một quyển sổ nhỏ, nhìn rất tiểu thư, rất đài các được gửi về từ Nhật bản, tuyển chọn biết bao là những vần thơ hay, từ tiền chiến như thơ Hữu Loan, Quang Dũng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp ...đến hiện đại như Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Mường Mán, Nguyễn Tất Nhiên, Trần Bích Tiên... không mang theo được trong lúc đi vượt biên gấp rút nên Chính Tâm tiếc lắm, bây giờ tự dưng có người đem thơ đến "mời" mình đọc; ôi còn gì quý bằng; vậy là Chính Tâm nhanh nhảu bằng lòng cả hai tay hai chân.

Không hề trang bị sẵn một vũ khí nào để phòng thân vì chưa hề có chút kinh nghiệm trên chiến trường tình ái, đến lúc đọc thơ, Chính Tâm mới khám phá ra là mình bị vấp phải một các hố rõ to! Thật vậy, chẳng phải là bài thơ lãng mạn nào cả như Chính Tâm nao nức mong đợi; mà là thơ tỏ tình của anh Châu viết cho Chính Tâm- thơ ca tụng hình ảnh cô gái nhỏ mơ màng nhìn ra sóng biển, và anh mong ước xây đắp một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc với cô. Từ đó về sau, Chính Tâm luôn phòng bị mỗi khi có ai đó nêu câu gợi ý: "Có muốn được đọc thơ không?.."

Sau khi đọc thơ, Chính Tâm cứ vờ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn hồn nhiên làm công việc dịch thuật của nàng hàng ngày cho đến khi anh Châu đón đầu trên đường về để hỏi: "Tâm nghĩ sao về bài thơ đã đọc?" Nàng dịu dàng trả lời: "Dạ, thật sự em chưa dám nghĩ đến chuyện xa xôi, bởi trước mắt là theo lời Mẹ em đi định cư trước đã, sau đó phải học hành, rồi mới tính chuyện riêng của mình ạ". -"Tâm cứ yên chí, anh sẽ chờ được!" "Dạ, anh đừng chờ, vì thật sự, em chưa hề nghĩ gì đến việc này".

Chính Tâm thẳng thắn, rất rõ ràng trong mọi chuyện, nàng không muốn để anh Châu hiểu lầm; cũng như trên đảo, các em gái nhỏ tuổi hơn thường nói đùa với Chính Tâm: "Sao chị không để cho anh Hùng, hoặc anh Tuấn cũng được, xách nước cho chị, để tụi em xài ké với? Chị cứ vật lộn với cái gàu để kéo nước giếng mỗi ngày trong khi có mấy người tình nguyện làm, chị lại không chịu? Đâu có thiệt hại gì chớ?" Nàng nghiêm giọng giải thích cho các cô nhỏ ấy: "Là con gái, các em cần ý thức về chuyện này- mà không riêng gì con gái- ai cũng vậy. Mình không có ý gì, không chắc chắn ước hẹn với người ta, thì không bao giờ nên để cho ai hiểu lầm, càng không nên có ý nghĩ rằng: mình là con gái, rồi lợi dụng người ta. Các em tưởng không mất gì, thiệt sự có đấy: mất cái uy tín, cái tư cách của mình. Tự bỏ công sức ra tuy hơi cực chút xíu nhưng quý lắm mấy em à!"

Cứ như vậy, Chính Tâm vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, vừa dạy kèm ngoại ngữ cho các em nhỏ không có thân nhân đi cùng. Nàng cũng may mắn vì có các anh chị đã đi du học từ những năm 70, 71 nên thường xuyên có sự giúp đỡ; nàng không dùng tiền riêng cho mình, mà mua thức ăn thêm nấu nướng rồi chia sẻ cho các em cùng ăn. Những em này, em gái có, em trai có, tất cả đều rất quý và vâng lời nàng; chúng cũng tập sống như lời nàng khuyên bảo: siêng năng học hành, thời gian rảnh rỗi tham gia đóng góp vào các công tác cộng đồng.  

Trong Ban Cướp Biển, sau này còn có những người mới tham gia, sau khi anh Thuyết, Đặng Quân và Minh Châu đi định cư. Riêng đối với anh Minh Châu, tuy không có tình ý riêng tư, nhưng nàng vẫn hết sức quý trọng, nể nang anh vì tư cách: Sau khi sang Úc định cư chưa bao lâu, Minh Châu có gửi thư về đảo cho Chính Tâm, trong đó anh có kèm theo vài chục đô la Úc; đây rõ ràng là số tiền còn khó khăn mới để dành được đối với người vừa chân ướt chân ráo mới định cư. Minh Châu nhờ nàng chuyển giúp số tiền nhỏ đó cho anh Thuyết, biết rằnng anh sắp đi định cư mà không có thân nhân, không có chút tiền dằn túi, hoặc ít nhất, để sắm một bộ cánh "coi cho được" khi bước chân lên máy bay.

Đối với những thanh niên khác, thường thì họ muốn gửi tiền, quà hoặc các thứ vật chất khác cho người con gái mà họ đang theo đuổi; Minh Châu biết được rằng số tiền nhỏ nhoi đó rất cần thiết cho anh Thuyết, nên Minh Châu sẵn sàng nhờ Chính Tâm chuyển đến tay Thuyết và hiểu rõ nàng sẽ không nghĩ ngợi gì.

Ngày anh Thuyết rời đảo, Chính Tâm thay mặt toàn Ban viết một bài tiễn biệt anh: trong đó nàng nêu cao khí chất đạo đức, mẫu gương làm việc nhiệt thành của anh và lòng biết ơn của biết bao nạn nhân các vụ cướp biển, nhờ có anh mà thân nhân họ được đoàn tụ, cũng như một số các tàu cướp cũng bị bắt, dựa vào các bản tường trình cấp tốc, chuyên nghiệp của Ban Cướp Biển mà trong đó anh trưởng ban có công đầu. Ít nói là thế, vậy mà trong lúc nhóm Cướp Biển đưa anh ra cầu Jetty, anh Thuyết dừng lại bắt tay mọi người và nói với Chính Tâm: "Chưa bao giờ tôi được nghe một bài tạm biệt xúc động đến thế! Cám ơn Chính Tâm nhé! Chúc may mắn!"

Người thay thế chức trưởng ban cho anh Thuyết là anh Thọ; anh đi cùng gia đình, anh có người vợ rất đảm đang quán xuyến, giỏi về máy vi tính vì chị đã từng phụ trách công việc về máy vi tính từ trước khi Saigòn bị mất. Vợ chồng anh Thọ có một bé trai bị bệnh Down Syndrome nhưng anh chị nuôi dạy cháu rất công phu; đến nỗi cháu theo gần như bằng trình đô kiến thức với các trẻ em cùng tuổi, và cháu lại rất ngoan!

Anh Vũ Nuôi cũng là nhân viên mới gia nhập sau này, chuyên phỏng vấn và viết tường trình, giống như công việc của Đặng Quân và Minh Châu phụ trách trước đây. Anh Vũ Nuôi cũng hiền lành, ít nói, sống mực thước và điềm đạm. Một người mới gia nhập Ban Cướp Biển nữa là Anh Phạm Ngọc; anh đã từng du học ở Hoa Kỳ, về nước làm việc và bị kẹt lại khi Việt cộng vào Sàigòn. Anh cũng phụ trách việc phỏng vấn các nạn nhân, viết tường trình và phiên dịch sang Anh ngữ. Anh Phạm Ngọc có gia đình nhưng chỉ đưa được cậu con trai 6 tuổi đi cùng. Anh thường hay dắt cháu bé theo mỗi khi lên Ban làm việc. Hiểu được hoàn cảnh anh nóng lòng muốn đi định cư để sớm bảo lãnh vợ anh còn ở lại Việt nam; và mong ước của anh là được định cư ở Canada; nên Chính Tâm trong lúc làm việc với cô Cao Uỷ Phó trên đảo, đã nêu lên hoàn cảnh anh Ngọc và ngỏ ý nhờ cô can thiệp giúp. Nàng lựa đúng lúc có phái đoàn Canada vừa đến đảo, nên lời đề nghị của cô Phó Cao Uỷ dĩ nhiên là được phài đoàn nhận lời. Anh Phạm Ngọc kể lại rằng: lúc được gọi tên đi phỏng vấn, anh còn không tin ở chính đôi tai mình; bởi làm sao có chuyện được gặp phái đoàn một cách thần tốc như vậy. Chiều hôm ấy, anh Ngọc tự dưng đến cám ơn Chính Tâm: "Tôi nghĩ ra ngay là chỉ có cô mới có thể làm được chuyện này. Gia đình tôi hết sức cảm ơn cô!"  Nàng mỉm cười: "Chính cô Cao Uỷ cũng xúc động khi nghe kể về gia cảnh của anh và do đó cô ấy can thiệp thôi. Anh nên cám ơn cô ấy mới đúng!"    

Chính Tâm cũng nghĩ rằng mình được may mắn vì ngoài những lúc bận rộn về các hồ sơ cướp biển, nàng được phân công phụ giúp cho cô Cao Uỷ Phó, cô May. Truớc đó cô cũng có người phụ giúp rất giỏi, chị M.Q. xinh đẹp và tài năng, nhưng chị đã đi định cư nên cô cần tìm người thay thế.

Sau một thời gian làm việc, cô rất tin tưởng nên đã giao cho Chính Tâm nhiều phần hành quan trọng: chảng hạn như việc lựa chọn những người ở đảo đã lâu, không có thân nhân nên không được đi định cư; có người đã chờ cả 3, 4 năm, thậm chí 5 năm. Trong một dịp phái đoàn Úc vào đảo, cô May cũng giao cho Chính Tâm công việc tìm những người có hạnh kiểm tốt để giới thiệu họ cho phái đoàn Úc để được xét đi.

Sau khi đã chọn lọc ra một số hồ sơ, Chính Tâm cho gọi họ lên để phỏng vấn. Hôm ấy nàng phụ trách cùng môt lúc hai việc: phỏng vấn người để giới thiệu đi định cư và mặt khác, giao thư từ chối của phái đoàn Canada cho những người đã được phỏng vấn mà không đủ điều kiện được nhận. Sau khi giao 2 danh sách riêng biệt cho Phòng Phát Thanh của đảo để nhờ họ đọc tên thông báo cho những người cần gặp mặt, Chính Tâm lại chúi mũi vào công việc của mình. Thế rồi những người trong danh sách nhận thư từ chối của Canada lần lượt lên; nàng tìm tên và giao cho họ, nói vài câu an ủi...

Kế đó, một vị sư trong bộ áo vàng tiến vào và bảo rằng thầy có tên được gọi lên để gặp Chính Tâm. Nàng hỏi danh tánh thầy và lục soạn trong chồng thư từ chối của phái đoàn Canada rồi ngẩng lên thưa: "Dạ chắc Thầy nghe lầm, vì trong này không có tên thầy ạ." Vị sư ôn tồn: "Các phật tử nói rõ ràng là có nghe đọc tên tôi mà!" Chính Tâm cúi xuống, cố gắng lục đi lục lại một lần nữa; thậm chí nàng xem kỹ mỗi tờ xem có tên thầy không: cũng không có!" Nàng phân trần: "Thưa Thầy, thầy thấy đó, trong hết chồng hồ sơ này không có tên Thầy." Vị sư chào nàng và ra về. Sau một hồi đã giải quyết bớt giấy tờ tồn đọng, nàng mới xem lại toàn bộ công việc. Chà, còn mấy hồ sơ cần giới thiệu đi gặp phái đoàn nữa chứ, chưa giải quyết được vụ nào cả. Điểm sơ lại danh sách, nàng giật mình, chết chưa, thì ra vị sư hồi nãy là nàng đã chọn trong danh sách giới thiệu đi định cư, mà chỉ vì công việc quá nhiều nên làm nàng lú lẫn, chỉ soát  trong danh sách giao thư từ chối của phái đoàn Canada! Thế là nàng phải nhờ Phòng Phát Thanh loan báo lại tên vị thầy hồi nãy. Lần này, vừa thấy bóng dáng vị sư ngoài cửa Hội trường, nàng vội vàng chạy ra xin lỗi rối rít và giải thích về lý do lầm lẫn của mình, cũng như trình bày sự thể, hỏi ý vị Thầy về chuyện định cư ở Úc. Thầy tỏ ý cảm động: "Không ngờ một người làm việc như cô lại rất nhiệt thành, rất thành thật và sẵn sàng nhận lỗi, và còn giới thiệu cho tôi được gặp phái đoàn; được định cư ở Úc là ước vọng của tôi, thiệt không mong gì hơn".

Nhiều năm nghĩ lại, Chính Tâm cũng đoán, có lẽ vị sư đức độ ngày trước nay đã lên chức vị cao trọng, nhiều Phật tử quý mến; và không rõ chùa của Thầy ở vùng nào để khi có dịp viếng thăm nước Úc thì nàng nhất định sẽ vào bái kiến thầy!
(còn tiếp một kỳ)

Hoàng Chi Uyên

Ý kiến bạn đọc
23/05/201919:13:40
Khách
@ Hồng Điệp: Cám ơn cô Hồng Điệp, tuy Hoàng Uyên Chi may mắn không bị hoạn nạn trong chuyến hải trình, nhưng cũng như cô Diệp, rất đau lòng vì nghe những nhân chứng thuật lại câu chuyện hãi hùng mà họ đã trải qua. Hy vọng tất cả những người này tìm được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống trên các đất nước tự do.
26/04/201923:20:42
Khách
Thưa cô Hoàng Uyên Chi, tôi qua Mỹ vì được người anh cả bảo lãnh,nên chỉ đựơc nghe kể về các thuyền nhân .
Nhưng hôm nay đốc bài này. tội đã khóc vì những vất vả,gian khổ mà các bạn phải chịu đựng .
Xin cảm ơn tác giả .
10/04/201904:38:19
Khách
@Van Tran: Dạ, đúng là dân tộc nào cũng có người tốt, kẻ xấu, thưa Van Tran. Bản thân người viết cũng rất giận bọn hải tặc, nhưng cũng phải công nhận là cảnh sát biển (và cả cảnh sát trên đất liền) của Thái Lan cũng giúp sức truy tìm tông tích người bị bọn cướp bắt. Chuyện tìm lại được mấy cô gái bị nạn cũng là do cảnh sát Thái Lan phối hợp với cảnh sát hàng hải quốc tế đấy ạ. Xin cám ơn Van Tran về những lời khích lệ nồng ấm. Mong và chúc sức khoẻ và an lành đến với Van Tran.
10/04/201904:29:03
Khách
@Lê Như Đức: Câu chuyện của Lê Như Đức thật đau lòng, chua xót cho những người can đảm chống lại hải tặc. Trong thời gian người viết bài ở trên đảo và làm việc, rất tiếc không được nghe kể chuyện này; hy vọng có dịp liên lạc với các vị Cao Uỷ, Hoàng Chi Uyên nhất định sẽ hỏi thăm việc này. Rất cám ôn Lê Như Đức đã chia sẻ. Xin chúc sức khoẻ.
09/04/201902:55:43
Khách
Vây ra cảnh sát Mã Lai cũng tích cực truy lùng bọn hải tặc, thật là đáng khen ! Nhưng không rõ là do lương tâm chức nghiệp hay vì sự đốc thúc của Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

Một bài viết hay, lời văn gọn gàng về thảm nạn của những người Việt ra đi tìm tự do, cuộc sống trong trại tỵ nan ở Pulau Bidong cùng những tình cảm cá nhân.
09/04/201902:08:36
Khách
Năm xưa tàu tôi cũng tới Bidong. Tôi có biết một tàu VN trang bị trung liên. Khi tàu hải tặc tới, họ giả bộ sợ hãi chạy. Bọn hải tặc ăn quen, tưởng dễ nuốt như những lần trước, hồ hởi tiến lại gần. Họ làm thịt tất cả chúng rồi đánh đắm tàu.
Khi lên đảo họ kể chuyện lại cho dân mình hả dạ. Ngờ đâu có tên hớt lẻo muốn lập công nên báo cáo cho Mã Lai. Những người đàn ông trong táu bị Mã Lai giao cho Thái Lan xử tội. Tôi rời đảo nên không biết số phận của họ ra sao. Tác giả hay có ai biết kết quả của cuộc xử xin vui lòng cho hay.
08/04/201923:32:32
Khách
@LN H: Cám ơn LN H đã đồng cảm; đúng ra, những câu chuyện được nghe thuật lại từ các nạn nhân của cướp biển trong thời gian làm việc trên đảo củng còn nhiều lắm, nhưng vì phạm vi giới hạn của bài báo, người viết chỉ có thể cô đọng nhất những gì có thể tóm tắt được. Mong LN H luôn được an mạnh.
08/04/201918:33:17
Khách
Ở đời có nhiều kẻ xấu nhưng cũng vẫn có những người như cô Chánh Tâm, đã hết lòng phục vụ tha nhân để một phần nào xoa dịu được nỗi thương lòng của những người kém may mắn.
Ai trong chúng ta cũng đã nghe nhiều về chuyện hải tặc, đọc bài này tác giả đã kể chi tiết khiến người đọc càng xót xa, đau lòng cho những nạn nhân vô tội này.
Ôi làm sao tả xiết được nỗi thương tâm của những người bất hạnh này, và chúng ta nên tự hỏi: vì đâu nên nỗi?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Nhạc sĩ Cung Tiến