Hôm nay,  

Đụng Độ Ngôn Ngữ

28/09/201800:00:00(Xem: 14865)
Tác giả: Dân Việt

Bài số 5509-20-31316-vb6092818

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.

 
***
 

Ngôn ngữ là phương tiện để liên lạc, kết nối giữa người với người. Nhưng cũng có khi, ngôn ngữ làm cho con người trở nên ngăn cách, xa nhau hơn. Chuyện “đụng độ” giữa tiếng Việt trong nước và tiếng Việt ngoài nước là một ví dụ.

Một số đông người Việt ở hải ngoại không chấp nhận một số từ ngữ người trong nước hiện nay đang dùng. Thí dụ như “Hãy vô tư đi!” Hay là “bữa tiệc hôm nay hoành tráng thật!” Những người mới sang Mỹ định cư  khi bị người ở lâu hơn bắt bẻ hoài, đâm cáu! Đã có người xẵng giọng: “Tại sao lại cấm tui ‘vô tư’ nói rằng ‘bữa tiệc này hoành tráng’? Xứ sở này tự do ngôn luận mà!”

Nhớ lại, hồi mới qua Mỹ, tôi cũng đã bị chỉnh một số từ ngữ. Cũng đã từng nổi “cơn tự ái”, nghĩ rằng người bên này “quá khích” khi bắt bẻ thói quen sử dụng ngôn ngữ của người khác. Nhưng rồi sau một thời gian, chính tôi cũng thấy là mình nên thay đổi cách sử dụng phải xét lại một số từ ngữ trong nước.

Là người đã học trung học đệ nhất cấp trước 1975, ở lại trong nước hơn 30 năm, và ở Mỹ được hơn 10 năm. Xét ra, thời gian “ở với cộng sản” còn lâu hơn thời gian trước 1975 và ở Mỹ cộng lại.

Thực ra, chuyện phê bình “tiếng Việt trong nước” đã xảy ra ngay trong nước từ lâu rồi. Tôi nhớ ngay sau 1975,  phải học “5 điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, trong đó có “học tập tốt, lao động tốt”. Tôi tự nghĩ, thầy cô mình ở tiểu học vẫn dạy “tốt” là tĩnh từ, dùng để bổ nghĩa cho danh từ. Ở đây “học tập” và “lao động” là động từ, mà dùng chữ “tốt” thì nghe cũng lạ tai.

Người đầu tiên nói với tôi về cách sử dụng từ ngữ sau 1975 ở Việt Nam là nhà báo Trần Đại Lộc, hồi anh mới đi tù cải tạo về năm 1978. Anh Lộc là một giáo sư dạy triết bậc trung học trước 1975. Là một người Nam hiền hòa, nhưng khi anh kể chuyện mấy anh cán bộ trong trại cải tạo dùng từ “đao to búa lớn” một cách bừa bãi, thì giọng anh khá châm biếm, chua chát. Một công ty tính toán lãi lỗ thì cán bộ nói là “hạch toán kinh tế độc lập”. Một người bị nhức đầu thì cán bộ y tế ghi toa là “chấn thương hệ thần kinh sọ não”, và rồi cho uống... xuyên tâm liên! Anh Lộc nói cách dùng từ kiểu này là “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”.

Trở lại với chuyện sử dụng từ ngữ trong nước ở bên xứ Mỹ. Ngôn ngữ còn được gọi là “sinh ngữ”, bởi vì nó giống như một thực thể sống. Nó cũng có quá trình sinh-trụ-hoại-diệt giống như muôn loài. Nó thay đổi liên tục, có khi tốt hơn, có khi xấu hơn. Một giáo sư có bằng cao học về ngôn ngữ cho biết người Pháp sử dụng cả Viện Hàn Lâm Pháp để tìm cách chống lại ảnh hưởng của tiếng Anh. Họ tìm cách thuyết phục cả nhà văn Pháp nên sử dụng tiếng Pháp thuần túy. Nhưng họ đã thất bại. Tiếng Pháp, cũng như bao ngôn ngữ khác, vẫn pha trộn với những ngôn ngữ khác, vì sự tương tác giữa các nền văn hóa là không thể cưỡng lại trong thế giới phẳng ngày nay. Người Mỹ “Hợp Chủng Quốc” dường như phóng khoáng hơn, không cứng nhắc với một thứ “tiếng Mỹ tiêu chuẩn”. Khi có số đông chấp nhận, thì từ ngữ đó trở thành tiếng Mỹ chính thức.

Có thể cũng từ góc nhìn này, các chương trình tiếng Việt của VOA, BBC, RFI khi nói cũng như viết, thường dùng kiểu ngôn ngữ trong nước, vì nó có tới hơn 90 triệu người sử dụng.

Trở lại trường hợp cá nhân tôi. Sau khi sang Mỹ gần 2 năm, tôi được kêu vào làm cộng tác viên của một tờ báo tiếng Việt ở vùng Bolsa. Ngày đầu tiên vào  để phỏng vấn, vị chủ bút hỏi tôi ở Mỹ được bao lâu? Anh ta cho rằng phải ở Mỹ đủ lâu để suy nghĩ, sử dụng ngôn ngữ giống với người bên này. Bởi vì nếu dùng từ ngữ theo kiểu trong nước, nhà báo sẽ dễ bị “ném đá”! Sau này nghiệm lại, tôi thấy lời khuyên này rất đúng, và đúng không chỉ riêng cho nghề báo. Văn hóa, xã hội ở Việt Nam khác với ở Mỹ một trời một vực. Nếu suy nghĩ, ăn nói hành xử theo thói quen ở Việt Nam, thì dễõ gặp khó khăn, thất bại không chỉ với báo chí, mà cả với các nhà kinh doanh, chính trị, giáo dục…

Sau vài năm sinh hoạt với cộng đồng người Việt ở Mỹ, khi tham dự những buổi hội họp của các đoàn thể cộng đồng như hướng đạo, hội đồng hương, hội cựu học sinh… tôi nhận ra rất nhiều người điều hợp đã sử dụng một thứ ngôn ngữ Việt chuẩn mực, nghe thích vô cùng. Thứ ngôn ngữ mà tôi đã từng quen thuộc thời còn học tiểu học trước 1975, từ ông bà, cha mẹ. Nhưng rồi sau đó, nó dần dần bị bỏ quên trong nước. Ra hải ngoại, tôi bắt đầu nhận ra nó trở lại. Và cũng từ đó, tôi mới thấy mình không đúng khi trước đây “nổi cơn tự ái” vì bị bắt bẻ về một số từ ngữ. Tôi chú tâm đi tìm hiểu nhiều hơn nguyên do dẫn đến sự khác biệt giữa “tiếng Việt trong nước” và “tiếng Việt hải ngoại”.

Phân tích về ngôn ngữ là một đề tài mênh mông và đòi hỏi chuyên môn. Bài viết này chỉ là những chia sẻ trong giới hạn của một người bình thường.

Điều đầu tiên, ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống. Có những thứ trước 1975 không có, hoặc chỉ có ở Mỹ mà chưa có ở Việt Nam. Từ đó  mà đẻ ra từ ngữ mới. Một thí dụ rất hay cho trường hợp này là nhóm từ “cà thẻ”. Đây chắc chắn là một từ do người Việt sinh sống ở hải ngoại đẻ ra. Trước 1975 không có “thẻ”(tín dụng) để mà “cà”. Còn người Việt trong nước thì phải vài chục năm sau 1975 mới quen với khái niệm này. Cả người trong nước lẫn hải ngoại đều dùng từ mới “cà thẻ” một cách hết sức tự nhiên, không ai tranh cãi.

Một thí dụ khác là những từ ngữ kỹ thuật sử dụng trong ngành công nghệ thông tin, máy tính. Trước 1975 ngành công nghệ này còn phôi thai, chỉ mới bùng nổ vài thập niên cuối thế kỷ 20. Rất nhiều từ mới trong nước đã xuất hiện, dịch theo các từ ngữ chuyên môn từ Tiếng Anh. Thí dụ như “software”, người trong nước dùng từ “phần mềm”, còn ở hải ngoại dùng từ “nhu liệu”. Một tiếng Việt, còn một là từ Hán-Việt. Sự khác nhau không đáng kể.

Trường hợp thứ hai, ngôn ngữ khác nhau do thói quen sử dụng. Đây có lẽ là nguồn gốc lớn nhất của sự khác biệt giữa từ ngữ trong nước và hải ngoại. Sau 1975, Việt Nam chìm trong bức màn sắt. Những người thoát ra ngoài nhờ di tản, vượt biên, đoàn tụ… có rất ít thông tin những gì xảy ra trong nước. Đến thập niên 90 thời mở cửa, sự liên lạc giữa người trong và ngoài nước mới trở nên dễ dàng hơn. Và sự khác biệt về nhiều mặt giữa người sống trong và ngoài nước bắt đầu được nhận diện, trong đó có vấn đề ngôn ngữ.

Một thí dụ cho trường hợp này là từ “hộ chiếu” của người trong nước, và từ “thông hành” có từ trước 1975 và được người hải ngoại tiếp tục sử dụng. Cả hai đều  có nghĩa là giấy cho phép người mang đi qua biên giới (tiếng Pháp: “passeport”, hay tiếng Anh “passport”) Hộ Chiếu hay Thông Hành đều là từ ngữ  gốc Hán- Việt, nhưng cũng khác nhau. “Thông Hành” là từ ngữ thời quốc gia. Còn “Hộ Chiếu”, theo trang Vienam Global network, chỉ có hai nước cộng sản là Việt Nam và Trung Cộng dùng từ “hộ chiếu”. Có thể coi, tuy khác nhau nhưng còn có nghĩa để hiểu được.

Tuy nhiên, nếu thói quen sử dụng do dùng sai nghĩa một từ, rồi cứ  lập đi lập lại và mặc nhiên cho là đúng, thì điều này cần xem xét lại. “Liên hệ” và “liên lạc” là thí dụ rõ nhất cho trường hợp này, và đã gây tranh cãi rất nhiều. Trước 1975 và ở hải ngoại, hai từ này phân biệt rõ ràng, và đúng theo nghĩa của cả từ Hán-Việt lẫn tiếng Anh. “Hệ” trong tự điển Hán Việt có nghĩa ràng buộc, có dính dáng, liên quan với nhau. “Liên hệ” được  dùng tương đương với từ “relation” bên tiếng Anh. Còn “liên lạc” có nghĩa là tiếp xúc, giao thiệp, tương đương với từ “contact” của tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu tra tự điển trong nước ngày nay, thí dụ như www.tratu.soha.vn thì thấy “liên hệ” đồng nghĩa với “liên lạc”. “Liên hệ” bây giờ là sự lắp ghép hai từ “liên lạc” và “quan hệ” lại, rồi gán cho nó ý nghĩa là:  “tiếp xúc, trao đổi để đặt và giữ quan hệ với nhau”. Đây là một cách dùng từ mà giới lãnh đạo trong nước rất hay làm, do đó đã đẻ ra những từ đặc trưng của chế độ, như  “quan ngại” (quan tâm + lo ngại), nay đã trở thành câu nói đầu môi chót lưỡi của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Việc cố tình đánh đồng nghĩa “liên hệ” và “liên lạc” như vậy đã tạo ra thói quen của người trong nước sử dụng chúng lẫn lộn với nhau. Nhưng nếu xét về nghĩa gốc, thì không thể nào “relation” và “contact” lại đồng nghĩa với nhau được.

Và có cần thiết phải làm như vậy không? Tại sao phải đơn giản hóa, xóa đi sự khác biệt rõ ràng về nghĩa của hai từ này. Tại sao phải thay đổi từ va ønghĩa của từ đã có từ lâu trong lịch sử tiếng Việt?

Có nhiều lý do. Có thể là do một người, một nhóm người nào đó trong giới lãnh đạo do ngu dốt hiểu không đúng nghĩa khi bắt đầu, rồi bắt cả xã hội dùng theo. Nhưng cũng có thể là do giới lãnh đạo CSVN cố tình muốn làm khác với ngôn ngữ truyền thống. Giả thiết này rất đáng tin cậy.

Những người đã từng sống ở Miền Nam sau 1975 đều nhận thấy sự bài xích, cố tình xóa bỏ đi nền văn hóa, giáo dục của chế độ Miền Nam là một chủ trương rõ rệt của chính quyền cộng sản. Làm “cách mạng triệt để” phải xóa đi tận gốc “tàn dư của nền văn hóa chế độ cũ”! Và điều này cũng xảy ra ở những quốc gia cộng sản khác như Liên Xô, Trung Cộng.

Không ai diễn tả ý đồ của các chế độ độc tài cộng sản khi đơn giản hóa ngôn ngữ chính xác hơn George Orwell, tác giả của Animal Farm, 1984. Khi nói về khái niệm Newspeak (ngôn ngữ mới), ông cho rằng các chế độ độc tài đơn giản hóa ngôn ngữ để triệt tiêu tư tưởng đối kháng. Ngôn ngữ được đơn giản hóa đến mức trần trụi, thô thiển, không cần văn hoa, cảm xúc, không có trí tưởng tượng. Con người không có tư tưởng, từ đó dễ trở thành một công cụ trong một guồng máy, dễ điều khiển, dễ sai khiến.

Để đơn giản hóa ngôn ngữ, chính quyền cộng sản sau 1975 đã đổi từ máy bay “trực thăng” thành máy bay “lên thẳng”. Áo ngực đổi thành “nịt vú”. Những bảng hiệu như “cửa hàng thịt thanh niên tươi sống” bắt đầu xuất hiện. Và tệ hại hơn nữa, vào năm 1978, họ đổi bảo sanh viện Từ Dũ ở Sài Gòn thành “xưởng đẻ Từ Dũ”!

Nói đến đây, vấn đề đã mở rộng hơn, không còn đơn thuần chỉ là “vấn đề ngôn ngữ”. Dù là người trong nước hay ở hải ngoại, đại đa số người Việt Nam đã nhận ra rằng đất nước mình từ hơn 60 năm qua đã được dẫn dắt bởi nhiều người lãnh đạo dốt nát, dối trá và tàn ác. Không bàn sâu về vấn đề chính trị, ở đây chỉ bàn đến khía cạnh họ đã hủy hoại con người, từ đó hủy hoại văn hóa, hủy hoại ngôn ngữ truyền thống trong cả xã hội Việt Nam như thế nào.

Đã tự bao giờ, người Việt trở thành quen thuộc, nhàm chán với sự dốt nát trong cách sử dụng ngôn ngữ của giới lãnh đạo? Đã tự bao giờ, vì đã “nghe quen”, người Việt bắt đầu dùng thường xuyên những từ ngữ thể hiện sự dốt nát của giới lãnh đạo lúc nào mà không hay? Dùng một từ sai văn phạm, lẫn lộn với nhiều nghĩa khác nhau là một biểu hiện của sự ngu dốt, lười suy nghĩ. Phải chăng có một cán bộ cao cấp nào đó bắt đầu dùng từ “xử lý” một cách tùy tiện, bừa bãi, để rồi dần dần động từ này được cả xã hội trong nước dùng cho mọi trường hợp: “xử lý” công việc, “xử lý” văn bản, “xử lý” nước thải, “xử lý” bài hát… Có mấy ai nhớ lại trong từng trường hợp, tiếng Việt ngày xưa đã từng có những động từ khác nhau để diễn đạt những ý tưởng khác nhau: chế biến nước thải, diễn cảm bài hát, giải quyết công việc…

Hai từ “vô tư” và “hoành tráng” cũng nằm trong trường hợp này. Có rất nhiều người trong nước, ban đầu cố tình sử dụng hai từ này sai chỗ để hàm ý diễu cợt. Nhưng rồi nói mãi, trở thành thói quen lúc nào không biết! Và dùng từ sai trong câu chuyện phiếm thì vẫn còn chấp nhận được. Nhưng viết từ với nghĩa sai trên bài luận văn, báo chí, nói ở những nơi chốn cần sử dụng ngôn ngữ Việt tiêu chuẩn như trong hội nghị ngoại giao thì đó là biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa, ngôn ngữ của cả một xã hội.

Ngôn ngữ thể hiện sự dốt nát là vậy. Còn ngôn ngữ thể hiện cái ác của lãnh đạo?

Ngày nay, ở trong nước từ “máu” được sử dụng tùy tiện như di chứng của một thời đại “say máu quân thù” của Tố Hữu: “thằng này rất máu!”, “sao mà máu thế!”… Chẳng lẽ cách dùng từ “sắt máu” kiểu này trở thành ngôn ngữ Việt chính thống chỉ vì có nhiều người sử dụng?

Những người ở lại Việt Nam cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 vẫn còn nhớ hai tên gọi trái ngược nhau dành cho những người vượt biên: nếu vượt biên bị bắt, thì đó là “kẻ phản quốc”; nhưng nếu vượt biên trót lọt, thì đó là… “Việt kiều yêu nước”! Càng về sau, ở trong nước càng có nhiều từ thể hiện sự lươn lẹo của chính quyền. “Tàu lạ” là một từ chỉ có ở Việt Nam, và được sử dụng chính thức bởi quan chức, giới truyền thông báo chí, để né tránh gọi đích danh tàu Trung Quốc khi chúng tấn công ngư dân Việt. Và mới đây nhất, quan chức Bộ Giao Thông đã “sáng tạo” ra từ “trạm thu giá” để thay cho “trạm thu phí”, chỉ vì muốn hợp pháp hóa những trạm thu tiền của dân một cách vô tội vạ! Chẳng lẽ người Việt hải ngoại cũng phải chấp nhận dùng những từ ngữ đầy lươn lẹo như vậy, chỉ vì đa số người trong nước phải chấp nhận chúng?

Khi biết tôi định viết về đề tài này, một người bạn  khuyên rằng “Ấy chớ! Đề tài này rộng lắm, và gây tranh cãi dài dài…”. Tôi cũng biết vậy, và cũng biết mình không phải là một nhà ngôn ngữ học.

Trong phạm vi vài trang giấy, chỉ mong được chia sẻ, cảm thông giữa mọi người Việt Nam.

Từ sau ngày cả nước bị dìm trong bạo lực cộng sản,  cả xã hội xuống cấp về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị cho đến giáo dục, văn hóa, đạo đức… Phải sống trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta rất dễ bị nhiễm những thói quen xấu mà không hề hay biết, trong đó có thói quen về ngôn ngữ.

Khi sang đến một xứ sở văn minh như Mỹ, hầu hết chúng ta sẵn sàng từ bỏ những thói quen xấu trong một xã hội xuống cấp để hòa nhập vào xã hội mới, thí dụ như đi xe vượt đèn đỏ, không xếp hàng trật tự… Thói quen sử dụng ngôn ngữ cũng vậy. Hãy bình tâm nhận ra những từ ngữ xuất phát từ một xã hội mà sự gian dối, tàn ác, ngu dốt đang thắng thế và dần dần từ bỏ thói quen sử dụng chúng, giống như từ bỏ những thói quen xấu khác.

Để có thể dẹp bỏ tự ái, xin hãy quan niệm như thế này: thứ ngôn ngữ Việt Nam đẹp, chuẩn mực không phải là của riêng cộng đồng người Việt hải ngoại, hay của những người Việt sống ở Miền Nam trước 1975. Nó là di sản chung của dân tộc Việt Nam, đã có từ thuở xa xưa, qua những câu hò, tục ngữ, ca dao, qua Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo,  truyện Kiều của Nguyễn Du, rồi tiếp nối bởi thế hệ hiện đại như Tự Lực Văn Đoàn, Nhân Văn Giai Phẩm, Sáng Tạo… Mỗi người Việt dù ở trong nước hay ở hải ngoại đều có sẵn di sản văn hóa ngôn ngữ đó trong tâm hồn. Chỉ từ khi đất nước gặp kiếp nạn cộng sản, những di sản ngôn ngữ văn hóa đó mới bị xóa bỏ, lu mờ. Những người ra đi sớm hơn có may mắn không bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa do những người dốt nát làm hỏng. Họ chỉ là những người gìn giữ lại cái đẹp của văn hóa, ngôn ngữ do tổ tiên dân tộc Việt Nam để lại.

Vậy thì những người ra hải ngoại sau này cũng nên tự điều chỉnh, để rồi cùng tham gia vào một sứ mạng cao quí: gìn giữ tính Chân-Thiện- Mỹ của ngôn ngữ Việt Nam.

Hãy tưởng tượng hình ảnh một dòng sông đang trôi chảy. Bỗng dưng có kẻ ngăn sông, biến một khúc quành của dòng sông tạo thành một vũng ao tù. Không muốn dòng sông không chịu cảnh tù đọng, một nhóm người khác đã tự khơi một nhánh mới, để nối dòng sông tiếp tục trôi chảy, không qua khúc quành đã bị chận lại thành ao tù. Sau một thời gian, một số dòng nước từ ao bắt đầu tìm đường chảy về con sông xưa. Từ chốn ao tù ra sông, những dòng nước cảm thấy khác lạ khi hòa nhập. Nhưng vì dòng sông xưa nay vẫn cuồn cuộn chảy, cho nên những nước ao tù nhanh chóng hòa mình vào dòng nước tự do. Và một này nào đó, khi những con đập ngăn sông bị phá, cả khúc  ao tù sẽ có dịp lại hòa mình vào dòng chảy lịch sử.

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng cách mời mọi người hồi tưởng lại giọng hát của Thái Thanh qua một ca khúc bất hủ của Phạm Duy, nói về tình yêu đối với ngôn ngữ, con người, đất nước Việt Nam. Một tác phẩm văn hóa tuyệt đẹp, đã từng bị cấm đoán trong nước trong suốt ba thập kỷ:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời , À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!...

 
Dân Việt

Ý kiến bạn đọc
12/02/201918:34:49
Khách
Dốt thì học thêm, việc gì phải chối-?
Sau 75 ở Saigon cứ hỏi mấy ông bà sanh con năm đó là biết ngay- Bảo Sanh Viện TD đổi thành "Xưởng đẻ Từ Dũ" là có thực, là do chủ trương "thể hiện tính giai cấp trong sáng của tiếng Việt" của các cán dốt thời "Đồ đá"-
Ngày nay tiếng Việt đã" quá độ" từ thời "đồ đá" qua thời "Đồ đểu" rồi... do loại văn hóa "thề phanh thây uống máu quân thù" mà ra-
10/10/201820:54:14
Khách
Rất đồng tình với tác giả nhiều điểm trong bài viết nầy. Tuy nhiên tôi xin nói lên một chi tiết mà nhiều người truyền nhau cho là có thực:
Tôi là người có thân nhân làm trong Bảo Sanh viện Từ Dũ lâu đời, từ trước 1975, đén sau khi CS “tiếp quản” cho tới ngày hưu trí. Chuyện thay đổi danh xưng, bản hiệu của bệnh viện đều biết từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho tới sau 1975. KHÔNG BAO GIỜ CÓ CHUYỆN ĐỔI BẢN HIỆU THÀNH “XƯỞNG ĐẺ”. Họ chỉ có ý đồ xoá tên bà Từ Dũ, nhưng kịp có người khuyên họ giữ y tên BV mang tên của Bà. Vì vậy mới có tên gọi Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ như hiện nay. Tôi ở rất gần BV Từ Dũ và sau 1975, qua lại trước cổng trên đường Cống Quỳnh hằng ngày, không bao giờ thấy trương cái bảng Xưởng Đẻ hết. Về tên “CỤC ĐƯỜNG BIỂN”, “CỤC ĐƯỜNG SẮT”, là có thực. Do đó, nêu một bằng chứng không thực, làm giảm giá trị bài viết. (Nguồn của ông Đào Văn Bình cũng vậy)
Danh từ Xưởng Đẻ, có chăng là do dân gian nghĩ đặt ra để châm biếm, giống như “Cục Phân Bón” vậy.
08/10/201821:36:01
Khách
Ối giời ơi!
Còn cái từ "tự sướng" thay cho tự chụp hình ( selfie). Thật ghê gớm !
03/10/201823:51:57
Khách
Cam on tac gia ve bai viet nay. Toi cung cam thay rat kho chiu trong khi tro chuyen voi nguoi chi tu VN qua tham, ma trong luc noi chuyen, chi ay da dung nhung tu ngu sau 75, nhu "cha, bua com that hoang trang; hay em da xu ly viec ay chua? v.v. That vay, mot so chu bi dung khong dung voi truong hop, nghe that choi tai! Toi cung hy vong nguoi Viet minh o day den duy tri cach dung chu nhu truoc 75 de bao ton van hoa. Do la mot dieu nen lam. Neu mot dieu gi sai thi cho du hang trieu nguoi cho do la dung, thi dieu sai van cu sai. Hoac neu mot gia thuyet dung, thi du cho chi co mot nguoi tin la dung, tu no van la dieu dung. Cam on tac gia da giong len tieng chuong de thuc tinh nhung ai hoac vi me ngu, hoac vi thoi quen ma xu dung nhung danh tu mot cach sai lech dang duoc xu dung trong nuoc.
01/10/201804:24:49
Khách
Thành thật cảm ơn nhiều khi biết bệnh viện phụ sản Từ Dũ không hề đổi tên thành Xưởng đẻ như tin đồn.
30/09/201811:19:27
Khách
Haha. Đúng quá Từhuy. Tại sao tôi lại quên cái vụ Thống Tướng họ Võ cầm nhầm quần chị em nhỉ?
Còn cái vụ Đỗ Mười thiến lợn nữa. Nguyễn Tấn Dũng chỉ học tới lớp ba là bỏ đi làm giao liên, lúc làm Thủ tướng khoe có cử nhân Luật. Giờ chắc là có Tiến sỉ Luật.
Ối ông Tố Hữu ơi, chúng nó thương cha chỉ có một nhưng thương tên đổ tể Stalin mười.
Chỉ có cái lũ ngu đần đó mới bắt học sinh cả nước học thuộc lòng thơ văn của ông để đi tố bố, tố mẹ mình.
Trong lịch sử của thế giới, cổ đại cũng như cận đại, chưa có một chính thể độc tài nào, ngay cả trong thời Đức quốc xã Hitler, bắt dân đi tố bố giết mẹ mình như thời Mao và Hồ.
Chuyện đấu tố này chắc các đồng chí, đồng rận cũng muốn trưng hình ảnh ra để chứng minh phải không?
30/09/201809:59:23
Khách
“Ngày xưa Đại tướng cầm quân
Ngày nay Đại tướng cầm... quần chị em.”

Về vấn đề cố đồng chí Thống tướng Võ Nguyên Giáp lổi tiếng thế giới trận Điện Biên của chúng ta được chỉ đạo lắm đầu Xưởng Đẻ thì cả lước đã vô tư đả thông nhá! Các đồng chí vô tư nhất trí cho qua nhá!
Tuyệt đối không tạo điều kiện cho một thiểu số rất ít băng nhóm phản động chúng ló có cơ hội, âm mưu xuyên tạc bêu rếu chế độ ưu việt của chúng ta nhá!
Ai chỉ đạo cho các đồng chí nên tiếng, lêu ý kiến về vấn đề nhạy cảm lày??
Vấn đề lào xưa thật xưa nắc nơ mù mờ... như chuyện Bác Hồ Chủ Tịch kính yêu bắt các em đường được ủng hộ sinh ný thì chúng ta mới nhất trí giữ vững nập trường nhá! Tung hoả mù cho bọn phản động tư duy nhá!
Thế nhá! Tôi bảo một nần này thôi nhá!
Tuyệt đối không vì vấn đề cả lước tư duy đại trà mà nộ mặt nhá!!...
30/09/201805:39:10
Khách
Xưởng đẻ, bú mồm, nhà ỉa v...v...là ngôn từ bẩn thỉu của lũ khỉ Trường sơn, hang Pac Bo, cờ Đỏ Sao Vàng , xuất hiện ở miền Nam sau ngày " phỏng giái", và đây là sự thật không thể chối cãi. Các đồng chí không thể lắc đầu nguầy nguậy bảo rằng không có nhá . Bố khỉ, có khi chỉ có một đồng chí lẻn vào trang mạng này, nhưng lại đổi nick giả tảng làm như có hai, ba đồng chí lên tiếng nữa cơ....
30/09/201804:46:12
Khách
Tôi là y tá làm tại bệnh viện phụ sản Từ Dũ từ 1976 đến 1994 thì đi định cư tại Úc. Bệnh viện không hề đổi tên thành Xưởng đẻ trong thời gian tôi làm việc tại đó.
30/09/201804:05:06
Khách
Thời đó không có iphone như bây giờ mà đòi hình ảnh. Mà có trưng hình ra bạn Tự Nhiên lại nói làm sao chứng minh được hình ảnh đó không phải ghép. Nếu đưa hình ảnh đó cho một chuyên viên chứng minh không là hình ghép thì bạn Tự Nhiên lại nói làm sao chứng minh được độ khả tín của chuyên viên đó. Và cứ ‘ta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanh” chả bao giờ hết chuyện.
Cái chiêu này là của vẹm dùng khi nói HCM không có vợ, con. Ai có hình ảnh hay giấy tờ chứng minh HCM có vợ, có con?
Khi báo Trung quốc đăng hình Tăng Tuyết Minh và cho biết tin chính vợ Thù Tướng Chu Ân Lai đứng ra làm đám cưới cho HCM. Vẹm cũng chối và cho là "một giả thuyết mang tính tiểu thuyết nhiều hơn".
Khi văn khố Pháp đưa ra bức thư của anh Paul Thành viết xin tổng thống Pháp cho học vào trường bảo hộ để ra làm quan Pháp. Vẹm cũng chối bai bải là CIA viết chế ra.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,589
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.