Hôm nay,  

Câu Chuyện Của Bạn Tôi Và Nước Mỹ

11/08/201900:00:00(Xem: 14599)
Câu Chuyện Của Bạn Tôi Và Nước Mỹ
Người viết: Lê Xuân Mỹ
Bài số: 5761-20-31568-vb8081119

Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ mùa Mother’s Day 2019, ông góp bài viết về bà Me.ï Hai bài viết gần đây kể về người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Sau đây, thêm một bài viết mới.


***
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này. Để đến được nơi này, mỗi một gia đình, mỗi một con người đều có một lý do, một cách khởi đầuhoàn toàn khác nhau. Có người phải vượt qua một hành trình muôn ngàn gian khổ trên những con tàu vượt biên, có người phải ăn dằm ở dề trong những trại tỵ nạn, có người đi trước 30 tháng 4 năm 1975, nhưng có lẽ ít ai đến được quê hương thứ hai này trong hoàn cảnh thật buồn  như H. bạn tôi.

Anh là một thiếu uý biệt động quân của Việt Nam Cộng Hoà. Sau 1975, mất nước, chuyến đi học tập chính trị 10 ngày dành cho nguỵ quân nguỵ quyền trở thành 2 năm 6 tháng trong trại cải tạo. Anh bị đi tù trong một trại cải tạo phía nam, dù gian khổ và tủi nhục vẫn còn hơn rất nhiều những người như ba tôi trong những trại giam cầm tận cùng biên giới phía bắc xa xôi. Cái may mắn được thả ra trước thời hạn 3 năm lại trở thành vật cản đường để qua Mỹ định cư theo diện H.O.
Không có thân nhân ruột thịt bảo lãnh, kẹt lại quê nhà, hai vợ chồng anh bị đưa đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới.
Chịu đựng một thời gian, hai vợ chồng cùng gia đình bên vợ tổ chức vượt biên. Chuyến đi không thành, số tiền dành dụm bao lâu bị mất trắng.

Về lại được Sàigòn, hai vợ chồng  ở nhờ nhà người bạn. Anh làm nghề chạy xe đạp ôm, chị bán vé số. Công việc không dễ dàng nhưng cũng đủ để lây lất, sống sót qua ngày. Cũng may anh chị hết lòng thương yêu, cùng nhau ngày qua ngày vượt qua được cái thời kỳ đen tối đó.

Rồi những đứa con lần lượt ra đời, 2 gái một trai. Vất vả hơn nhưng rồi cũng qua ngày qua tháng. Nhờ chịu thương chịu khó, cuộc sống gia đình dần khá hơn lên và những đứa con lần lượt tốt nghiệp đại học, tất cả đều có công ăn việc làm.
Xinh xắn, tài hoa, T.U, cháu gái lớn tốt nghiệp cử nhân anh văn, được tuyển vào làm việc cho công ty Sanyo và sau đó cho văn phòng United Airline tại Việt Nam. Năm 2008 cháu lập gia đình và sinh được một cháu gái vô cùng kháu khỉnh.

Cuộc sống gia đình nhỏ của anh ngày càng ổn định. Không giàu có gì nhưng với anh, một người lính thua trận trở về từ trại cải tạo, vượt qua những định kiến, phân biệt đối xử để sống và tồn tại trong một xã hội nhiểu nhương như miền Nam Việt Nam sau 1975, có được một gia đình như thế cũng là một an ủi. 

Anh bằng lòng với cái hạnh phúc bình dị nhưng số phận con người cứ đầy dẫy những may mắn và rủi ro. Hạnh phúc, bất hạnh, nụ cười, tiếng khóc cứ đến và đi theo một cách không bao giờ biết trước được.

Cuối năm 2008, khi ngày mai là lễ thính kỳ (là lễ xin ngày giờ rước dâu) cho đám cưới đứa con trai đầu, chỉ từ một cơn sốt nhẹ tưởng chừng như vô hại, vợ anh bị stroke và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lễ bị bãi bỏ nhưng đám cưới thì đã được chuẩn bị từ lâu, bạn bè bà con đã mời, không thể không tổ chức. Chị vợ thay em làm chủ hôn, con gái đầu đang đi công tác nước ngoài, con gái út chăm mẹ nằm viện. Chiếc áo mới may để dành mặc trong ngày vui con trai vẫn còn nằm nguyên vẹn trong góc tủ.

Anh tham dự phần đầu của lễ cưới sau đó vội vã vào bệnh viện thăm chị. Mới đầu chỉ bị liệt một bên, nửa người và chân tay bên phải vẫn cử động được. Vẫn có thể cùng anh mỗi sáng uống café, ăn uống vệ sinh chị vẫn tự mình làm. Bỏ cặp vé đi trăng mật Singapore đôi vợ chồng mới cưới ở lại cùng cha và em thay phiên nhau chăm sóc mẹ.

Một tháng sau, chị lên cơn stroke lần thứ hai. Lần này, chị bị liệt toàn thân, đưa vào bệnh viện chữa trị thêm một thời gian, sau đó anh đem chị về nhà.

Cuộc sống đang ấm êm hoàn toàn bị đảo lộn. Anh đi làm nửa ngày, nửa ngày còn lại dành hết thời gian để chăm sóc vợ. Vệ sinh, tiêu tiểu một mình anh lo. Các con cũng phụ cha chăm sóc mẹ, nhưng mọi việc nặng nhọc, tắm rửa chị anh dành hết về mình.

Tình nghĩa vợ chồng một đời. Ngoài yêu thương là nghĩa tình. Anh nhớ mãi những ngày anh còn trong trại cải tạo, chị vẫn ở vậy một mình, chung thuỷ, lặng lẽ đi đi về về chăm lo cho anh và cả mẹ già còn ở dưới quê. Hàng ngày anh thường cầu nguyện ơn trên, nếu có thể xin cho anh nằm đó thay chị.

*
Năm 2009, T.U. cháu gái lớn của anh chị,  có dịp qua Mỹ thăm bạn bè và thân nhân. Hai vợ chồng mang bé gái mới 18 tháng tuổi qua Cali.

Được ba ngày bình yên, đến ngày thứ tư, trong khi ăn sáng, bổng nhiên cháu cảm thấy chóng mặt, đứng lên loạng quạng và gục xuống hôn mê ngay trong nhà người bạn. Xe cấp cứu chở thẳng đến bệnh viện. Cháu T. U. nằm hôn mê suốt 2 tháng trời. Tỉnh dậy nhưng toàn thân không cử động được. Cặp mắt vẫn nhận biết mọi chuyện chung quanh, nhưng không nói được, tay chân mềm nhũn, ăn uống phải qua đường ống thở.

Bác sĩ bảo cháu bị Viêm tuỷ cắt ngang (Transverse myelitis), một bệnh hiếm gặp làm tổn thương hệ thần kinh gây cản trở cho hoạt động giao tiếp giữa các dây thần kinh và tủy sống cũng như phần còn lại của cơ thể.

Lúc còn ở Việt Nam, cháu đã từng có những triệu chứng của bệnh này nhưng không để ý. Có những lúc cơn đau đột ngột ở phần lưng dưới, có những lúc cảm thấy yếu bắp thịt nhưng rồi tự nhiên biến mất. Qua đây bệnh mới bộc phát.
May mắn trong bất hạnh, cháu phát bệnh ngay tại Cali, mặc dù không phải là thường trú nhân hay quốc tịch Mỹ, cháu vẫn được nằm bệnh viện và các bác sĩ vẫn tận tình cứu chửa.

Không phải cái gì ở xứ Mỹ cũng hay cũng tốt, nhưng có một điềukhông thể chối cải, nền y tế ở đây rất nhân văn và đầy tình người. Vào bệnh viện là phải được chữa trị. Chữa trước tính tiền sau. Có tiền thì trả, không đủ tiền thì trả góp. Thuộc diện lợi tức thấp, thì chính phủ lo hết.

Chồng và con của cháu được gia hạn visa theo diện nhân đạo để ở lại chăm sóc.

Dù biết là bệnh thuộc dạng khó chữa nhưng các bác sĩ vẫn cố gắng bằng mọi cách có thể, cho cháu nằm lại bệnh viện chữa trị trên 2 năm.

Hàng ngày có một bác sĩ người Ấn Độ kiên trì dạy cháu tập nói. Trong thời gian này, mặc dầu không được cấp thẻ xanh thường trú nhân, nhưng người chồng cũng được cấp giấy phép làm việc và ở lại Cali cùng con nhỏ. Bạn của anh cho hai cha con ở nhơ øtrong một căn garage biến thành phòng ngủ, không những không lấy tiền thuê còn giúp trông nom cháu ngoại trong khi người con rể đi làm thêm để có tiền trang trải cho những ngày lưu lạc bên này.

Tại quê nhà, anh dặn hai con dấu mẹ khi nhận được dữ từ Mỹ, một mình gánh chịu nỗi đau. Nếu chị biết chắc sẽ không sống được.

Thương con, thương cháu anh đứng ngồi không yên nhưng không thể bỏ người vợ cũng đang nằm liệt giường. Phải nói đó là những ngày tháng khó khăn nhất trong đời anh, cho gia đình anh.

Cũng may, bên anh vẫn còn có những người con hiếu để, vẫn còn có những bạn bè thời trung học, dù qua bao năm xa cách, vẫn đến với anh, san sẽ với anh nỗi đau, thay anh chăm sóc cháu.

Tại Mỹ, nằm bệnh viện được trên 2 năm, bác sĩ nói cháu bị liệt đốt xương gần cổ, có sẹo trong não ngay dây thần kinh cơ thể, việc chữa trị không còn có kết quả, cháu được chuyển sang tình trạng hospice, và được đưa về một nursing home gần Long Beach. Chồng cháu mỗi ngày ngoài giờ đi làm, cùng con vào chăm sóc vợ.

Cháu vẫn nằm liệt giường không cử động được nhưng trí óc dần dần phục hồi,  đã có thể nghe, có thể nói.

Để yên lòng chồng con, cháu luôn gượng vui khi có người vào thăm. Đứa bé càng lớn càng giống mẹ, xinh gái và nụ cười rất tươi. Vẫn vô tư ngồi nô đùa bên mẹ. Mỗi lần vào thăm mẹ, cháu hay ngồi bên giường cạnh mẹ tíu ta tíu tít.

Từ Việt Nam, đầu năm 2014, anh được toà lãnh sự cứu xét ưu tiên qua chăm sóc con, anh bay qua Cali. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại anh sau đúng 44 năm rời trường.

Vẫn là khuôn mặt hiền lành, ít nói như ngày xưa, chỉ có điều bây giờ anh ốm hơn nhiều. Họp mặt với các bạn cũ, anh cám ơn chúng tôi đã thay anh lo cho cháu, và anh thường ngồi yên lặng không bao giờ than vãn về gia đình của mình.

Trong khi những người khác đi đây đi dó, hết tiểu bang này đến tiểu bang khác, riêng anh lặng lẽ mỗi ngày lên nursing home. Hai cha con ngồi bên nhau cả ngày trò chuyện.

Có chồng, con và cha bên cạnh, cháu ngày càng vui. Thân hình vẫn gầy ốm nhưng tinh thần phấn chấn hơn nhiều. Cháu khoe bây giờ cháu có thể nói được cả tiếng Tây Ban Nha. Cháu có thể nói chuyện với mấy bà y tá người Mễ một cách dễ dàng.

Ở với cháu được vài tháng thì các con từ bên nhà, báo tin bệnh chị trở nặng, anh phải tức tốc rút ngắn thời gian ở với con để về lại Việt Nam.

Chị yếu đi nhiều sau khi stroke lần thứ ba. Không ăn được nhiều, chị càng ngày càng sa sút, cuối cùng đầu năm 2015, chị đành bỏ anh ra đi, chấm dứt một mối tình bốn mươi mấy năm và cũng xa luôn đứa con gái đầu bao năm chưa gặp lại.

Sau khi chôn cất vợ,  cuối năm 2015 anh lại xin visa qua Mỹ thăm con. Lần này cháu đã được chuyển qua một nursing home ngay tại Westminster, chồng con của cháu vào thăm nuôi cũng dễ dàng tiện lợi hơn.

Năm 2016, trong những lần vào chăm sóc con trong nursing home mới, tình cờ anh gặp chị H. Chị cũng thường xuyên vào chăm sóc mẹ trong cùng nursing home này. Bà và cháu ở cùng phòng. Những lúc rảnh rỗi, anh chị trò chuyện với nhau.

Cùng hoàn cảnh dễ cảm thông, chị thương cái tính nết hiền lành chơn chất của anh, anh thương cái dịu dàng của chị. Chị cũng có một đời chồng, mất trong một tai nạn giao thông. Hai mảnh đời bất hạnh, họ đến với nhau một cách tình cờ nhưng tự nhiên càng ngày càng thân thiết,  gắn bó.

Cuối năm anh chị về ở chung. Một kết thúc đẹp cho chị và cho anh. Và tôi tin rằng ở nơi nào đó trên thiên đường, vợ anh cũng đang nhìn xuống chúc phúc cho anh. Cuối năm anh có thẻ xanh và định cư một cách hợp pháp trên đất Mỹ. Hai vợ chồng về ở trong căn mobile home của chị cùng người con rễ và cháu ngoại.  Mỗi ngày gia đình 4 người thay phiên nhau vào thăm mẹ chị và chăm sóc con của anh.

Lớn tuổi, thu nhập thấp đủ điều kiện nhưng dứt khoát anh không chịu đi xin trợ cấp của chính phủ. Anh hay nói với bạn bè, anh mang nợ nước Mỹ õquá nhiều, còn sức anh sẽ còn làm việc, tuy sự đóng góp của anh là quá nhỏù, nhưng anh muốn cháu ngoại luôn tự hào về grandpa của nó.

Quen với việc chăm sóc con, vợ trước và mẹ của vợ sau, anh nộp đơn và trở thành một IHSS provider của sở xã hội, chuyên làm công việc chăm sóc những người già cả, bệnh tật, neo đơn. Anh có thêm thu nhập, cuộc sống cũng tạm đủ qua ngày.

Con rễ vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành một thường trú nhân nhưng mỗi năm vẫn được gia hạn ở lại Mỹ để chăm sóc vợ và đi làm nuôi con. Đứa cháu ngoại lớn lên ngày càng xinh đẹp và học rất giỏi. Cháu qua tuổi 12, đã biết hiểu chuyện và tự chăm sóc mình. Mỗi ngày sau giờ học vẫn cùng cha, ông ngoại vào thăm mẹ, và hay bắt chước ông ngoại xoa xoa bàn tay mẹ một cách âu yếm.

Vậy mà thấm thoát cũng qua được 10 năm trên đất Mỹ. 10 năm con gái nằm liệt giường, 10 năm thuỷ chung kiên trì chăm sóc vợ của con rể. Cầu mong những điều tốt lành sẽ tới với anh và gia đình. 

Tôi ở xa, mỗi khi nói chuyện qua phone với anh, tôi như thấy lại đến khuôn mặt hiền lành khắc khổ của người bạn, thấy thêm nụ cười rạng rỡ của cô bé cháu ngoại.

Mừng cho anh, mừng cái kết tuy không hoàn toàn tốt đẹp nhưng vẫn là một cái kết có hậu cho một câu chuyện đời vốn khởi đầu đã quá buồn. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu năm 2009 bệnh cháu gái của anh không tái phát tại xứ Mỹ này mà xảy ra tại quê nhà hay một xứ sở xa lạ nào đó, không biết rồi cháu sẽ ra sao, bạn tôi sẽ ra sao, gia đình của bạn tôi rồi sẽ ra sao? 
Nước Mỹ có thể có nhiều điều để ghét, nhưng đúng như lời anh từng nói, với bạn tôi và với tôi, đất nước này còn  biết bao điều để yêu thương.

Tôi viết bài này khi nước Mỹ đang kỷ niệm ngày lễ Độc Lập July 4th. Đây là ngày đáng nhớ của một quê hương không phải nơi tôi sinh ra, nhưng chắc chắn sẽ ôm ấp tôi trong những ngày cuối đời.

Lê Xuân My

Ý kiến bạn đọc
13/08/201918:54:25
Khách
Anh như con người trong chuyện cổ tích vậy. Coi rẻ bạc tiền, trọng đạo nghĩa. Cầu mong anh đứng vững trong xứ Mỹ này.
13/08/201911:35:49
Khách
Phúc bất trùng lai,
Hoạ vô đơn chí.
12/08/201921:54:00
Khách
Đây là chuyện hoàn toản có thật . Thật ra chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết những xúc cảm khi có người thân yêu bên bờ của tử sinh. Cám ơn bạn đã đọc
12/08/201919:28:42
Khách
Những con người này có thật hay tôi đang đọc chuyện thần tiên? Anh không nhận trợ cấp vì anh đã nợ nước Mỹ quá nhiều?
12/08/201916:11:31
Khách
Cám ơn anh đã chia sẽ
12/08/201908:39:44
Khách
Bài viết thật hay và thật cảm động! Chúc mừng anh đến với Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết đầu tiên của anh tui được đọc, tui sẽ tìm đọc những bài trước của anh.
Chào anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,809
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết