Hôm nay,  

Người Bạn Trẻ

22/09/201800:00:00(Xem: 11047)
Tác giả: Phan

Bài số 5503-20-31310-vb7092218

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

 
***
 

Nghe người bạn trẻ trò chuyện với mấy người làm chung trong hãng, tôi cũng không dám chắc là anh nói thật hay nói chơi vì trời sanh tánh anh cứ nửa chơi nửa thật. Anh giải thích chuyện duyên nợ với mọi người đến không thể đơn giải hơn, mọi người cứ ôm bụng mà cười cái tính nửa chơi của anh, nhưng nhìn ra ai cũng lắng nghe nửa thật, mới biết là người ta coi vậy chứ yếu bóng viá. Còn tôi cũng không hơn gì là hoang mang với người bạn trẻ này vì nghe qua đã biết anh lấy cốt truyện từ trong sách nhà Phật ra để kể. Rồi thêm mắm dặm muối cho vui giờ nghỉ giải lao cũng chẳng phiền hà, xúc phạm gì ai. Nói tóm lại là một câu chuyện đặc trưng cho tính cách nửa chơi nửa thật của anh bạn trẻ.

Anh nói: Để tôi giải thích cho mọi người nghe về duyên nợ của con người. Có một cô gái trẻ, đẹp, nhưng không may bị chết ở bên đường. Người thứ nhất đi ngang qua, chỉ thở dài, nói: Trời ơi! Người đẹp đẽ như vầy mà chết trẻ, tội nghiệp quá! Người ấy nói vậy thôi, rồi bỏ đi! Người thứ hai đi ngang qua, tỏ lòng thương hại: Trời ơi! Sao một người trẻ, đẹp như vầy mà lại chết bên đường, không có thân nhân. Người này động lòng từ tâm nên đắp cho xác chết vài tàu lá. Rồi anh cũng lặng lẽ bỏ đi. Nhưng người thứ ba ngang qua, không nói gì mà lặng nhìn xác chết… rồi ẵm luôn cái xác về nhà. Anh đào huyệt chôn cất cho cái xác vô thừa nhận.

Bây giờ qúy vị đã nghe xong câu chuyện chứng minh cho hai người trước là hai người chỉ có duyên với cô gái chết nên mới có sự gặp gỡ. Tuy muộn màng vì âm dương đã cách biệt, nhưng không có nợ gì nhau nên chỉ dừng lại ở chữ duyên gặp gỡ mà thôi. Nhưng người thứ ba đã ra ơn chôn cất cho cô gái, nghĩa là cô ấy đã nợ anh chàng thứ ba này một nghĩa cử lớn vì nghĩa tử là nghĩa tận mà. Chắc chắn là kiếp sau, khi đầu thai trở lại làm người thì cô ấy sẽ gả cho anh ta để trả nợ tiền kiếp. Đó, hết chữ duyên trên đời chỉ để trả cho một chữ nợ. Cái vòng duyên nợ luân hồi mênh mông như biển người mà sao cuối cùng chỉ có hai người thành vợ chồng với nhau là duyên đưa đẩy để trả nợ cho nhau. Không nợ nần gì nhau thì sẽ không có duyên gặp gỡ để trả nợ.

Đã luân hồi vạn kiếp chỉ một người hiểu được nợ mới là chánh, duyên chỉ là cò, dẫn lối đưa đường thôi. Nhưng người ta cứ vơ đũa cả nắm duyên với nợ để tiện bề lý giải…

Tui xin lỗi là tui không đủ sức nói rõ hơn cho mọi người hiểu về duyên nợ. Nhưng tui tự suy ra kiếp này của mình, ra đường thấy con gái đẹp cứ cho tiền họ nhiều nhiều, càng nhiều càng tốt để họ mắc nợ mình thật nhiều thì kiếp sau họ mới đến trả nợ! Biết chưa?

Rồi thì người bạn khác kết luận thay cho người diễn thuyết có một không hai: Thì ra kiếp trước anh hà tiện quá, nên kiếp này mới siêng đi làm mà sợ về nhà…

Ừ thì có chuyện cười cứ cười cho khuây khoả giờ nghỉ. Nhưng câu chuyện giờ nghỉ của anh bạn trẻ cứ vương vấn tôi ngẫm nghĩ về Phật giáo từng là quốc giáo ở Việt nam nên triết lý Phật giáo hoà quyện vào dân gian đến tự nhiên như truyện cổ tích. Khi cần một câu chuyện để chứng minh cho luận lý của mình, người dùng kinh sách đôi khi cũng không biết xuất xứ câu chuyện là từ trong kinh sách. Chỉ kể lại câu chuyện thật thật hư hư theo trí nhớ như lấy từ trong kho tàng cổ tích dân gian, là tài sản chung nên mọi người đều có thể sử dụng.

Nhưng nếu nói về duyên nợ vợ chồng thì đã bao đời truyền tụng câu nửa tôn giáo nửa đời thường như một định đề về hôn nhân là: tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới thành phu thê. Tu đây là tu nhân tích đức để có hiền thê, phu quân, chứ ai lại đi tu ngàn năm để cầu phu thê. Thôi thì ai nhỡ hiểu lầm có thể hiểu lại cũng không muộn! Như người Trung Hoa xưa có câu nói nổi tiếng và lưu truyền mãi tới ngày nay là câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ vô duyên diện kiến bất tương phùng”. Câu này không nói về duyên nợ phu thê, nhưng lại được hiểu và dùng nhiều khi bàn tới chuyện phu thê. Người ta hay diễn giải chuyện hai người xa nhau vạn dặm, chưa từng quen biết mà thành vợ chồng bởi hữu duyên; và ngược lại là vô duyên nên có thành vợ chồng cũng đồng sàng dị mộng.

Khó nói ai đúng ai sai khi bàn về những tích xưa, truyện cũ. Nhưng đọc kỹ câu trên không mang ý nói đến chuyện phu thê. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ cũng có thể hiểu với hai người bạn thân đến mức tri kỷ, dù xa nhau thiên lý nhưng luôn nghĩ đến nhau. Trong khi người đồng nghiệp gặp gỡ mỗi ngày nhưng chẳng hỏi han nhau được một câu vì tính khí khác biệt đến khắc khẩu thì đúng là vô duyên diện kiến bất tương phùng.

Trở lại chuyện phu thê thì từ thời xa xưa đã có câu chuyện lưu truyền trong dân gian cho đến đời Đường bên Trung Hoa, câu chuyện dân gian mới đi vào tác phẩm “Tục huyền quái lục”. Trong truyện, Lý Phục Ngôn đã kể câu chuyện về Nguyệt Lão se duyên như sau: Đời Đường có người tên là Vi Cố. Trong lần anh ta đi đến Tống Thành, lúc đi dạo mát dưới ánh trăng, Vi Cố thấy ông lão đang ngồi lật một quyển sách vừa dày vừa lớn, và bên cạnh ông là một bao vải to chứa đầy chỉ đỏ.

Vi Cố ngạc nhiên nên hỏi: “Lão bá bá, xin hỏi người đang xem sách gì đó ạ!”

Ông lão trả lời: “Đây là quyển sách ghi việc hôn nhân của nam nữ trong thiên hạ”.

Vi Cố hiếu kỳ nên hỏi thêm: “Vậy chỉ đỏ trong túi, bá bá dùng để làm gì?”

Ông lão trả lời: “Những sợi chỉ đỏ này là dây tơ hồng, dùng để buộc chân hai vợ chồng lại, bất kể đôi nam nữ là kẻ thù hay ở cách xa nhau vạn dặm, ta chỉ dùng những sợi chỉ đỏ này buộc chân họ lại thì nhất định họ sẽ thành vợ chồng”.

Vi Cố không tin, anh đi theo ông lão một đỗi để xem ông trói buộc người ta ra sao mà thành vợ chồng? Lúc trông thấy một bà mù đang ôm một bé gái độ ba tuổi đi tới, ông lão liền nói với Vi Cố: “Bé gái trong tay người đàn bà mù này tương lai sẽ là vợ anh đó”.

Vi Cố nghe xong rất tức giận, liền sai đầy tớ đánh đuổi bé gái kia đi, để xem tương lai còn có thể thành vợ của ta không. Tên đầy tớ làm theo lệnh chủ rồi bỏ chạy.

Thời gian trôi qua đến mười bốn năm sau, Vi Cố lúc này đã có người được mắt, sắp kết hôn. Người đó là con gái của Thứ sử Tương Châu, tên là Vương Thái. Lệnh ái của thứ sử là một người con gái đẹp, chỉ khiếm khuyết là giữa đôi chân mày có một vết sẹo. Vi Cố cảm thấy lạ nên hỏi nhạc phụ tương lai: “Vì sao giữa đôi chân mày của hôn thê của con có một vết sẹo vậy?”

Thứ sử Tương Châu nói: “Mười bốn năm trước ở Tống Thành, có một ngày bảo mẫu Trần thị bế con gái ta đi phố, có một tên cuồng dại vô duyên vô cớ lại đâm con gái ta một dao, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ để lại một vết sẹo, đúng là trong rủi lại có cái may!”

Vi Cố nghe xong vội hỏi: “Người bảo mẫu đó có phải bị mù không?” Vương Thái hỏi ngược lại: “Đúng vậy, là một người đàn bà mù, nhưng làm sao ngươi lại biết?”

Vi Cố vô cùng kinh ngạc. Sau đó kể lại chuyện mười bốn năm trước ở Tống Thành, đã gặp Nguyệt Lão như thế nào? Vương Thái nghe xong cũng kinh ngạc không kém. Vi Cố bấy giờ mới hiểu được chuyện Nguyệt Lão se duyên, nhân duyên của họ đúng là đã được định đoạt từ số phận, duyên phận của hai người như trong mệnh đã có định số.

Từ chuyện xưa như cổ tích, nhưng ngoái lại những chuyện xảy ra trong đời thì (đôi khi) chúng ta cũng giật mình! Thời xưa, vợ chồng thường bắt đầu từ hôn ước khi còn nhỏ, nhưng lớn đến độ hiểu được chuyện vợ chồng thì họ tuân thủ hôn ước do ông bà, cha mẹ đã hứa hôn với nhau từ khi họ còn bé vì người xưa tin rằng vợ chồng chính là duyên phận đã được định trước ở trong mệnh, ông bà hay cha mẹ chỉ là người lập thành gia thất cho đôi vợ chồng theo định mệnh có sẵn.

Nhớ lại những gì đã chứng kiến trong đời thì tôi làm sao quên hai người bạn học, bạn trong xóm từ nhỏ. Hai gia đình chung bờ giậu đã có hứa hôn từ khi họ còn chưa đi học lớp 1. Nhưng thời thế văn minh lên, đèn điện đã thắp sáng thay cho đèn dầu ở vùng quê. Nên anh chị sui gái phải nói qua bờ rào để xin phép anh chị sui trai cho con gái tôi học hết lớp 12 rồi hãy tổ chức đám cưới cho bọn nhỏ, vì bây giờ phải học hết lớp 12 mới xin được việc làm.

Lẽ ra bạn học chúng tôi đã được đi ăn cưới khi học hết lớp 9. Nhưng dời lại tới hết lớp 12 là bằng chứng khó quên trong bạn bè vì chẳng đứa nào hình dung ra đời sống vợ chồng của hai người bạn mà hôm qua còn đùa nghịch ngây ngô với nhau trong sân trường. Chỉ sau hôm hai nhà chung ngõ, gắn hai tấm bảng “Tân hôn” và “Vu Quy” liền bên nhau. Hai người bạn của chúng tôi đã thành vợ chồng. Để thật nhiều năm sau, khi bạn cũ trường xưa có dịp họp mặt ở bất cứ đâu trên địa cầu, chúng tôi đều nhắc đến đôi bạn làm đám cưới sớm nhất trong bạn bè. Và ai cũng được vui vẻ với tin tức về họ là một gia đình êm ấm, con cháu đề huề…

Lại đến chuyện cha của người bạn học với tôi. Ông thất lạc mất người yêu khi chia tay nhau ở Hà nội để theo gia đình đi di cư từ bắc vô nam năm 1954. Ông lập gia đình ở Sài gòn, có ba mặt con mà bạn tôi là một. Sau biến cố tháng tư 1975 ở quê nhà, ông đi tù cải tạo vì là sĩ quan trong quân đội VNCH. Khi ông được thả về thì mẹ của bạn tôi lại chết trẻ vì bệnh ung thư. Đâu ngờ trang báo cũ nhưng có đăng Cáo phó của gia đình về tang lễ người mẹ của bạn tôi lại vào tay người yêu cũ của cha cô ấy đã thất lạc nhau nhiều năm. Cô đến viếng tang muộn tại nhà, gặp lại cha của bạn tôi trong ngỡ ngàng. Hoàn cảnh cô lúc ấy là chồng cô đã tử trận trước khi cuộc chiến kết thúc…

Tôi nhớ rõ. Hai chị em của người bạn học đã chống đối cha và cô kịch liệt. Chống đối tới mức hai cô con gái hủy bỏ hồ sơ bảo lãnh, không theo cha đi xuất cảnh diện H.O. Chỉ đứa em trai theo cha và người kế mẫu đi Mỹ. Chuyện về gia đình người bạn học đã kết thúc là hai chị em gái ở lại Sài gòn lần lượt lập gia đình. Đứa em trai sang Mỹ ăn học thành tài, lập gia đình. Chỉ một tay cô chăm sóc cho cha của bạn tôi tới ngày ông nhắm mắt qua đời. Những lời oán trách xưa còn nhớ hay đã quên thì hai chị em người bạn tôi vẫn đi nhà thờ mỗi Chúa nhật ở Sài gòn vì họ rất sùng đạo. Bên Mỹ, thằng nhóc hôm nào có nhớ ghé viện dưỡng lão thăm nom người kế mẫu ít nhiều đã nuôi nấng nó khi còn nhỏ hay không? Phần tôi, chỉ gặp cô đôi lần khi còn đi học trong nước, thỉnh thoảng ghé nhà bạn chơi. Nhưng chuyện đời cô từ di cư tới biệt xứ cứ như một bằng chứng hồng nhan bạc phận theo vận nước nổi trôi, dòng đời nghiệt ngã…

Những khi một mình tôi cũng thường nghĩ đến số phận con người mà tiếng Việt có lẽ hay nhất là từ “dòng đời”. Từ ngữ diễn tả được hết ý nghĩa của cuộc sống trôi chảy như dòng nước, nước đã qua cầu không trở lại, đời người mãi cam tâm với hôm qua thuộc về quá khứ. Từ “cuộc đời” chỉ nói lên được khái niệm về một người, không diễn tả chính xác và sinh động như dòng đời trôi chảy những phận người trong vô lượng kiếp. Dòng đời ần chứa thăng trầm của một đời người trong cộng sinh hơn là cuộc đời chỉ mang tính đơn lẻ, lý lịch về một người.

Đời người trên dòng đời trôi chảy mãi, như lữ khách trên một chuyến tàu, với vô số trạm dừng ở trên đường, rất ít ai có thể đi cùng nhau từ đầu đến cuối, cho dù là thân nhân, bạn bè, người yêu… Người đi kẻ đến, người lên kẻ xuống chuyến tàu định mệnh rất chung mà rất riêng cho từng định mệnh. Người đi cùng nhau một đoạn đời đã là ơn nghĩa khắc cốt ghi tâm. Khi một người phải xuống trạm định mệnh của một mà hai người, mỗi người chỉ còn lại trong ký ức cái vẫy tay, lời tạm biệt nhau. Định mệnh có thể là an bài sau cuối, nhưng cũng có thể là ở trạm tiếp theo, sẽ có một người khác chia chung những vui buồn trên hành trình còn lại của một đời người. Như ly cà phê quên bỏ đường sáng nay. Ly cà phê đắng hay ngọt không bởi được khuấy bằng cái thìa hay cây que, mà điều quan trọng là ta có bỏ đường hay không? Một niềm vui tương phùng, một nỗi đau chia xa, không thể giữ niềm vui mãi bên ta trong đời vô thường nên chẳng thể quên niềm đau thì đừng ráng nhớ. Điều có thể là hãy cố gắng làm lại từ đầu, nhưng đừng vấp một mô đá hai lần. Đơn giản như tạo hoá không có lòng ham muốn nên vũ trụ bình an. Con người nhỏ bé sao cái gì cũng muốn làm hơn khả năng thực sự của bản thân để chuốc phiền. Như hai chiếc áo cùng chất liệu vải, cùng một xưởng may, thậm chí cùng một người thợ may; chỉ khác nhau ở nơi bán ra mà hai chiếc áo có giá cả khác nhau. Như bạn bè cùng lớp chung trường nhưng mỗi người về sau có vị trí riêng trong đời là sự may mắn riêng, không nên lầm tưởng vị trí may mắn và vị trí tài năng. Như người khuyết tật không hẳn là bất hạnh, chỉ vì ta không dám tin người ấy được tạo hoá ban cho sự khác người, ta hại họ chìm đắm trong tự ti, mặc cảm khuyết tật để thể hiện lòng thương hại của cái tôi trong ta đã khuyết tật bẩm sinh hơn cả họ là sự u minh.

Có lẽ thế nên tình cảm con người ngày càng mù mịt hơn trong đời sống vô lý lấn át chân lý. Duyên phận của con người bẽ bàng hơn do con người chấp nhận sự vô lý quá dễ dàng mà lại khắt khe với chân lý. Tình cảm giữa con người tỉ mẳn như đôi que đan, hai chiếc cùng đan mới nên cái áo len xinh đẹp theo ngày tháng. Nhưng lúc gỡ bỏ, chỉ cần rút đầu mối len là xong. Chiếc áo công sức, ân tình, thời gian, chỉ còn là nùi len rối ngỡ ngàng, bẽ bàng, trong cuộc đời dài hay ngắn tùy tâm thì người ta lại thường hay tùy tiện, không biết trân quý thời gian bên nhau vì tương ngộ là khoảnh khắc không trở lại, chia xa là vẹn tròn một mối lương duyên…

Có lẽ đời sống đã làm thay đổi tư duy con người về được mất, hiện hữu và ảo tưởng, bình an và rối rắm… Từ câu chuyện vui của người bạn trẻ, nhưng nghĩ cho cùng nếu dám sống bao dung và cho đi thì nhân duyên mới là có thật, thoát vòng duyên nợ mới đáng nói.

Phan

Ý kiến bạn đọc
29/09/201823:12:25
Khách
Tôi ước muốn có chữ bấm (Thích) ( Like ) cho Tác Giã và người Bình Luận! Thích Chú Phan, những bài viết cũa Phan N#1 và đọc trước. Cám ơn,
24/09/201817:59:47
Khách
Hay! Cảm ơn tác giả. Như Ý cũng tin vào duyên nợ.
22/09/201816:44:00
Khách
Rắc rối cuộc đời: "quan trọng là ta có bỏ đường hay không?"
Người uống cà phê không đường hưởng trọn vẹn mùi thơm, vị đắng...quên(đường) hay không tùy sở thích...
22/09/201813:28:58
Khách
Trước khi lấy vợ, tôi không bao giờ nghĩ đến vợ chồng là duyên nợ. Tôi thường nghĩ đức năng thắng số như cậu tôi thường nói lúc sinh tiền.
Tôi quen một cô pharmacist rất xinh đẹp trước khi gặp nhà tôi. Hai gia đình Bắc kỳ biết nhau. Cô ta lại là con nuôi của cô tôi. Tôi rủ cô đi trại hè với tôi. Cô sợ muỗi và bugs. Tôi cũng không muối đi khi cô ta không muốn.
Ngày hôm sau và những ngày kế tôi như bị ai đó thôi thúc phải đi. Cho tới giờ khi ngồi viết những giòng chữ này tôi còn cảm nhận được những ngày đó, người tôi như có ai đứng bên cạnh nhắc phải đi trại hè.
Tôi vẫn không quyết định đi cho tới tận ngày đi. Sáng hôm đó bỗng nhiên năm người bạn học cũ tới nhà bắt tôi phải đi. Làm sao có thể từ chối được khi đứa thì bác sĩ, thằng thì tiến sĩ giảng sư đại học, cả nha sĩ có tiếng trong thành phố Houston lên tận giường vác tôi đi.
Vào trại hè bốc thăm nhẩy buộc chân chung, tôi bốc trúng ngay tên nhà tôi. Khi buộc chân nàng vào chân tôi, tôi hiểu ngay hai chữ “duyên nợ”.
22/09/201809:57:26
Khách
nghe nhạc xưa rồi đọc bài nầy ... không biết đi tu có bớt buồn phiền không ???? Ông Phan ơi ông diển tả quá chính xác tuyệt vời ....viết không nên lời luôn , chỉ nhớ đến cuốn sách " Sầu ở lại " ông thầy dạy văn chương Tạ Ký trường Petrus Ký thời niên thiếu ....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến