Hôm nay,  

Lập Loè Điếu Thuốc Lá Cẩm Lệ

19/08/201800:00:00(Xem: 10469)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5470-20-31277-vb8081918

 
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.


***
 

Ngày nay, nhất là ở Mỹ, phụ nữ hút thuốc lá là chuyện bình thường, chỉ có điều không phải thuốc lá Cẩm Lệ.

Mà hình như ngay cả bên Việt Nam bây giờ cũng ít người hút thuốc Cẩm Lệ thì phải?

Tôi có một cô khách, bỏ thuốc lâu rồi, vậy mà mỗi lần giận chồng, cô đều nói:

“Tau ước chi có điếu thuốc! Hút thuốc sẽ giúp mình giảm stress!”

Nếu là một hoạ sĩ, thì tôi sẽ vẽ hình ảnh của Mạ tôi trong đêm vắng, “bập bập” điếu thuốc Cẩm Lệ, đầu lửa lập loè. Hay nếu là nhà điêu khắc, tôi sẽ tạc bức tượng người phụ nữ hút thuốc Cẩm Lệ: khắc khổ, lặng lẽ, buồn xa vắng.

Những hình ảnh đó trong tôi như rõ nét hơn khi chính mình phải đối diện với những nghịch cảnh của cuộc đời! Ôi buồn làm sao, ánh sáng hắt hiu của đầu điếu thuốc lá Cẩm Lệ!

Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không biết hút thuốc, mặc dù ông “dôn” thì hút không thua chi cái ống khói của đầu tàu xe lửa.

Có lần tôi hỏi:

“Hút thuốc có chi ngon mô mà nhiều người hút?”

Thì ổng cười:

“Bà không nghe người ta nói à, "Có chi ngon bằng gái một con; thuốc ngon nửa điếu?”

Còn mỗi lần coi phim, thấy cảnh mấy cô gái hút thuốc sành điệu, tôi lại hỏi:

“Ông có nghĩ mấy cô tài tử xi-nê ni được người ta thích hơn vì đóng cảnh hút thuốc không?”

Ông bảo:

“Có chứ sao không! Ngó lãng mạn, liêu trai lắm. Mấy hãng thuốc lá trả tiền để đưa vào phim, một cách quảng cáo đó mà. Tuy nhiên, sau này bị công chúng phản đối việc hút thuốc quá nên người ta cũng cắt bớt đi rồi đó chứ.”

Nhưng chẳng lẽ không hút thuốc thì không “gợi cảm, hấp dẫn” à?

Bâng khuâng tui tự hỏi...

Tôi không biết thuốc hút, cũng không thích khói thuốc, vì mắt yếu, hễ bị khói vào mắt là cay, chảy nước mắt khó chịu lắm, thành ra không ưa, chứ không có định kiến chi về chuyện hút thuốc cả. Nhưng có một cái lạ, là mỗi lần nhìn quảng cáo trên tivi cho thuốc lá xì gà, loại lớn như ngón tay, nổi tiếng từ Cuba, có cái đuôi bằng nhựa hình cái tù và, thì tôi lại nhớ đến những điếu thuốc lá vấn Cẩm Lệ, mà hồi xưa Mạ tôi thường hút!

Hồi mới qua Mỹ, ông dôn khuyến khích đi học lớp ESL (dành cho người không nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính) trong lớp dành cho Nói (Vì có lớp Viết và Đọc nữa) bọn tôi phải đứng nói trước lớp mỗi ngày. Có một bài thảo luận, chủ đề “Phụ nữ có cần phải hút thuốc để trông gợi cảm hơn không?” là bài tôi thích nhất.

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau, người thì ủng hộ, kẻ thì bài bác. Cô giáo đưa ví dụ là bức hình cô gái trẻ đẹp, tay cầm điếu thuốc, nhả khói quay tròn, cặp mắt mơ màng, quảng cáo cho hãng thuốc lá chi đó. Phe chống đối, bài trừ hút thuốc, ủng hộ ý kiến bắt buộc ghi trên bao thuốc lá hàng chữ cảnh báo “Hút thuốc có hại cho sức khoẻ” hay “Hút thuốc có thể gây ung thư". Phe ủng hộ thì nhấn mạnh về quyền bình đẳng của phụ nữ, “Vì sao nam giới hút thuốc từ bao đời nay thì không sao, giờ phụ nữ hút là… sinh chuyện...”

Nhưng hôm nay, nhân kỷ niệm 8 năm ngày mất của mạ tôi, thì tôi lại muốn viết về những điếu thuốc Cẩm Lệ, mà phụ nữ Huế thời đó thích hút. Nó không phải là những điếu thuốc lá thơm, có đầu lọc, trong bao bì đẹp, thanh nhã, và theo tôi khi ai đó hút, cũng không có gì gọi là “sếch -xi hay gợi cảm” như người ta thường nói. Ngược lại thì có!

Theo tôi, đằng sau những điếu thuốc Cẩm Lệ, mà “mấy bà già trầu Huế” hút, là cả một nỗi lòng cay đắng, một chuỗi đời gian nan, với thời cuộc, với số phận, và trên hết cả, là với sự nhẫn nhục và hy sinh.

Nói về nguyên nhân và thời điểm nào Mạ tôi bắt đầu hút thuốc thì mỗi người nhớ một cách.

Hỏi ông anh lớn tuổi hơn thì ổng nói, “Mạ hút thuốc lá khi chạy giặc Mậu Thân, lúc cả nhà di tản lên nhà bà Phủ Chi, (lúc này tôi ở Quảng Trị với bà Ngoại và còn nhỏ lắm nên không biết!) Lúc đó không có hầm trú ẩn nên phải ngủ dưới bộ “phản” bằng gỗ Mít rất dày để tránh pháo kích. Trời thì mưa suốt ngày và rất lạnh. Thấy những người di tản, nhiều bà hút thuốc nên Mạ bắt chước. (Nhưng tôi thắc mắc, chạy giặc thì mua thuốc chỗ mô hè?)

Đó là mùa Xuân máu lửa 1968, rồi Mạ cứ “bập bập” trên môi điếu thuốc Cẩm lệ từ đó. Mạ hút nhưng ít khi hít vào phổi như người hút thuốc lá bây giờ, tuy nhiên, có lẽ chất Nicotine cũng thấm qua miệng nên ghiền, rồi cứ nhớ và tương tư cảm giác có một cái gì để “Keep company” (làm bạn đồng hành) bên cạnh cuộc đời hắt hiu như thân phận con người…” (Bảo Tiên)

Cá nhân tôi thì nhớ như ri:

Có lần tôi hỏi, “Vì răng Mạ thích hút thuốc? Bắt đầu từ khi mô?”

Bà bảo từ khi nhà làm “nước đá”, ý là từ khi nhà tôi mở nhà máy làm nước đá cây và làm “cà-rem” cây, vào khoảng năm 1970 thì phải. Máy sản xuất nước đá, cà rem làm mỗi đêm, để sáng mai bán sớm cho các đại lý. Thợ máy dậy làm, Mạ tôi cũng phải dậy theo, bởi vì tuy ý muốn mở nhà máy là của ba tôi, nhưng ông vẫn đi làm hành chánh, nếu chưa nói lúc đó chắc Ba tôi bận lắm, vì ông làm Phó Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Mạ tôi kể, dậy sớm, buồn ngủ. Mà thời đó, trong nhà, ngay cả Ba tôi cũng không uống cà phê, nên nghe người quen bày hút thuốc lá Cẩm Lệ và uống nước chè tươi với gừng để thức (Có hiệu quả không hè? Chắc là có!) lâu ngày thành quen. Mấy năm sau, xưởng làm nước đá thất bại, máy móc trở thành đống sắt vụn, có gỡ được mấy tấm Inox bọc ở ngoài cái máy làm cà-rem để bán trước khi nhà bị lấy mất, còn Mạ tôi thì ghiền thuốc Cẩm Lệ và nước chè gừng!

Rồi chiến tranh kết thúc, nhà bị tịch thau, chồng đi tù, Mạ tôi một mình “loay hoay” chạy gạo để nhét vô 8 cái “tàu há mỏ,” ăn như “thúng lủng khu!” Lúc đó Mạ tôi còn trẻ lắm, để coi bà bao nhiêu tuổi nhỉ? Sinh năm 1934, vậy thì lúc đó bà mới 41 tuổi (1975) một thân đàn bà phải sống cô đơn, nuôi 1 bầy con, cực khổ vô cùng!


Bà buôn gạo từ Đà Nẵng ra Huế thì bị thuế vụ bắt, tiền mất, gạo mất, con ở nhà thì đói!

Ôi cuộc đời, sao có những ngày tối tăm đến vậy? Thời đó, Mạ tôi ốm lắm (chắc là suy dinh dưỡng).

Một buổi chiều tôi ở nhà, Mạ tôi vừa bước tới sân vừa nói, hớt hơ hớt hải: “Có 38 cân nơi con tề! Có 38 cân thôi!” Tui không hiểu, mới hỏi lại, “38 cân chi mới được chơ?”

“Mạ tới hợp tác xã mua đồ tem phiếu, rồi có cái cân, nên họ cho vô cân thử, Mạ có 38 cân thôi! Chừ mua mấy trái Cam về ‘bồi dưỡng’ đây!”

Mạ tôi không biết đi xe đạp, chứ đừng nói chi tới xe máy. Cho nên đi đâu thì hoặc là nhờ ai chở, hoặc đi xe đạp thồ, hay đi bộ. Thế rồi, có lần, em trai út tôi ra chợ Đông Ba đón bà về. Vì trời mưa nên cậu em mặc áo mưa của tôi, nên bà tưởng là tôi, rồi bà trèo lên yên sau xe, tới khi nghe giọng mới biết không phải là tôi, vậy là bà trụt xuống khỏi xe, nhứt định đi bộ về nhà chứ không cho cậu em chở.

Một lát sau, thấy em trai về trước, tôi hỏi “Mạ mô?” Cậu em bảo “Mạ nói để Mạ đi bộ ghé chợ Xép mua chi đó.” Tôi làm lạ, đợi tới khi Mạ về mới hỏi “Vì răng?” Bà nói, “T. đạp xe mạ sợ, không dám cho chở, thà đi bộ còn hơn!” Và dĩ nhiên vừa đi vừa ‘bập bập" thuốc Cẩm Lệ.

Tôi để ý, thấy thường người ta hút thuốc lá thơm thì họ đứng một chỗ, hoặc tụm năm tụm ba, hay khi họ ngồi uống cà phê; nhậu nhẹt, chứ hình như tui chưa hề thấy ai vừa đi vừa bập bập như Mạ tôi hút Cẩm Lệ!

Lúc đó ai cũng khuyên Mạ tôi bỏ thuốc, có hại cho sức khoẻ, nhưng bà bảo “Buồn miệng lắm!"

Buổi tối ở Huế, buồn “vô hậu!” Không có Tivi, không có Radio, không có chỗ nào để đi chơi, không có gì ngoài những người hàng xóm quây quần với nhau chuyện gẫu. Thỉnh thoảng gia đình tôi có một người khách rất đặc biệt ghé thăm. Đó là “Bác Giáo Ảnh” một bạn cũ của Ba tôi, nổi tiếng tài coi tướng, coi bói. Lúc này Ba tôi đang bị ở tù trên núi, (gần 8 năm!) nhưng bác Giáo Ảnh vẫn ghé thăm hỏi gia đình tôi thường xuyên. Mỗi lần bác qua chơi, là mấy người hàng xóm lại tụ tập để nhờ bác coi bói. Ngoài ra chẳng có gì để làm cả, chỉ đợi cho cơn buồn ngủ kéo đến thôi. Có thể đó là lý do khiến Mạ tôi hút thuốc nhiều vào buổi tối chăng?

Gần chiếc giường nơi Mạ tôi nằm ngủ, có một góc rất đặc biệt, mà bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn có thể hình dung ra rất rõ ràng. Nếu nhìn ở dưới giường, sẽ thấy một dãy dài những cái đuôi thuốc điếu Cẩm Lệ, được dán đầy trên tường! Hàng chục cái chứ chẳng ít đâu! Có lần tôi đếm rồi đó.

Sẽ có người thắc mắc, vì sao không vứt đuôi thuốc như mọi người vẫn làm, dĩ nhiên là phải dụi cho tắt lửa, (Bao nhiêu tấm nệm trải giường, hay nhà cháy vì người hút quên làm cái điều đơn giản này nhỉ?)

Muốn hiểu điều này, phải tả sơ lược về điếu thuốc lá Cẩm Lệ.

Tôi thường được “đặc phái” đạp xe đạp ra ngoài đường Phan Bội Châu (bây giờ đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu,) gần công viên “Ngã Giữa” (ngày xưa có tượng Phật Bà,) tiệm thuốc lá Bồ Đề để mua. Người ta ngồi thành vòng tròn ở dưới đất, vừa lau, chùi, vuốt cho thẳng lá của cây thuốc lá, đã được tẩm và phơi khô, rồi cuốn chúng lại với nhau, thành từng cuộn lớn, dài. Mỗi khi tui tới mua, người bán hàng, xắt mỏng từng lát, đặt trong miếng lá chuối tươi, gập 2 mé lại, rồi tiếp tục gập hai đầu và đuôi, giống như gói bánh nậm, không quên kèm thêm xấp giấy “Tinh” trắng mỏng dùng để cuốn thành điếu thuốc.

Sau này, ở chợ Xép có một mệ già bán thuốc, thì mỗi ngày đi chợ Mạ tôi tự mua để hút, chỉ khi nào “sửng sửng” quên thì mới nhờ tôi thôi.

Và về sau nữa thì gần nhà có O Bổng, người trong Quảng Nam, cùng gia đình ra lập nghiệp, cũng bán thuốc lá Cẩm Lệ, nên tôi hoàn toàn “thất nghiệp” không được nhìn thấy người ta làm thuốc Cẩm Lệ thêm lần nào!

Mỗi lần hút, Mạ tôi lấy miếng giấy “Tinh" hình chữ nhật, để vào giữa ít thuốc lá, rồi vấn như vấn kèn, đầu to đuôi nhỏ. Ở đầu, gập lại như khi mình mình mua đậu phụng rang, người ta gói vậy, tôi đoán chắc là để dễ bắt lửa. Hút vài hơi, thì thôi, và thay vì vứt đi, bà lại dán cái đuôi đó vô tường! (Có lẽ do làm biếng, vì hồi đó, không có thùng rác hay sao nhỉ?)

Nhiều đêm, Huế mưa lạnh, không có điện, phải thắp đèn dầu, (cũng chỉ thắp một cây đèn cho cả nhà thôi, vì phải tiết kiệm, không có tiền mua dầu hoả thắp!) Trong ánh sáng tù mù từ ngọn đèn dầu leo lét, tôi thức khuya học bài, thỉnh thoảng liếc nhìn Mạ hút thuốc. Đầu điếu thuốc cháy sáng lập loè, ngắn ngủi, chập chờn, thấy buồn não lòng.

Người hút thuốc lá Cẩm Lệ như Mạ tôi, có những thói quen rất giống nhau: Họ chỉ “bập bập” vài hơi, và phải luôn tay "phủi phủi" tàn lửa rớt xuống áo quần, vì cái nào cũng “lỗ chỗ” do bị tàn lửa hui!

Có lần tôi đùa hỏi Mạ, “Răng mấy người hút thuốc cái môi cứ trề trề ra rứa?” Mạ nói “Vì giấy bị thấm nước miếng ướt, mình lại không thích nuốt xuống nên phải phun, nhả bớt phần giấy ướt ra, cho nên cái môi phải trề trề ra như rứa!”

Rồi tôi lại hỏi, “Còn mắt thì nheo nheo khó chịu rứa mà răng cứ hút hè?” Mạ tôi la, “Cái chi cũng hỏi!”

Mạ khéo tay lắm, bà tự bới tóc cao mỗi khi nhà có đám cưới đám hỏi, không phải đi làm tóc ở tiệm đâu! Bà cũng giỏi đan len, vừa đi vừa đan, miệng thì bập bập điếu thuốc Cẩm lệ, chỉ sau hai ngày vừa tháo cái áo len cũ ra, rồi đan xong cái áo cho ông anh mặc đi học! Lúc đó chiến tranh mới chấm dứt, nhà nghèo “rớt mồng tơi” làm chi có tiền đi mua áo len mới!

Mạ tôi hút thuốc cho đến trước khi đi Mỹ định cư, (Vì nghe kiểm tra sức khoẻ khó, nên phải bỏ thuốc cho phổi được “trong”)

Sau đó thì không bao giờ bà hút lại cả. Mà dẫu có muốn cũng không được, vì làm sao tìm ra thuốc Cẩm Lệ ở bên xứ “Cờ Hoa" để mà mua?

Thế nhưng mỗi lần bà vào bệnh viện, kê khai bệnh án, luôn luôn có câu hỏi “Bà đã từng hút thuốc chưa? Bao nhiêu điếu một ngày? Trong bao lâu?”

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
19/08/201817:50:44
Khách
Hay quá! nhiều mùi nhiều vị Huế trong bài viết . Đọc mà chảy nước mắt vì nhắc tới mạ.Viết về mạ cứ viết đơn sơ như rứa mà hay. Không biết có bỏ ớt vô trong bài không mà nghe mắt cay cay.Mạ ơi, mạ ơi, những người mạ Huế của tụi con.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,348,235
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Nhạc sĩ Cung Tiến