Hôm nay,  

Muộn Nhưng Không Trễ

28/10/201500:00:00(Xem: 16692)

Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 3656-18--30146vb3102715

Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana. Với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn, cô đã góp nhiều bài viết thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ và từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô là chuyện thi quốc tịch Mỹ, sự việc hoàn toàn thật nhưng tên nhân vật được thay đổi.

* * *

blank
Nhân vật trong truyện.

Dòng người lũ lượt tuôn ra bên ngoài như đàn ong vỡ tổ, ai cũng hớn hở hân hoan. Ngân vừa sãi bước vừa đảo mắt tìm ông xã nụ cười toe toét trên môi lòng ngập tràn sung sướng. Thấy chồng từ xa, Ngân giơ cao tờ giấy xác nhận là công dân Mỹ reo lên khoe: “Anh ơi, em đây nè, em đã là công dân Mỹ rồi nè, tạ ơn Chúa về mọi sự.”

Ông xã vừa vẫy tay, vừa quay phim, vừa cao giọng giữa bao tiếng ồn ào xung quanh: “Chúc mừng em đã thành công, chúc mừng em đã cố gắng xứng đáng với địa vị “công dân Mỹ”, I love you.” Ngân cũng vừa đến bên chồng, trao nhau nụ hôn hạnh phúc và cả hai cùng lớn tiếng: “I love America.”

Đến Mỹ năm 43 tuổi, sau ba năm thì đủ điểu kiện để thi nhập quốc tịch nhưng vì mãi bân rộn lo làm nuôi chồng, nuôi con ăn học nên Ngân đã để trôi qua hết năm này đến năm khác. Cho đến nay, đã mười lăm năm ở xứ sở đượm sửa và mật này, tuổi đời càng chồng chất, bệnh “quên” trong Ngân càng có bề dày thì chị mới quyết tâm thi quốc tịch Mỹ.

Khi quyết định nộp đơn lòng Ngân trăm nỗi lo lắng, e dè: lo học bài sẽ không nhớ; e sẽ quên những thông tin về chính mình trong mẫu đơn N 400 với hơn mười trang giấy chi chit những con số. Rồi 100 câu hỏi về lịch sử Mỹ cần phải nhớ với một người mà đã mười lăm năm vẫn không nhớ nỗi chín con số an sinh xã hội của mình. Chuyện giống như đùa nhưng sự thật là thế.

Năm ba mươi tuổi Ngân đã có triệu chứng quên, quên đến độ bạn bè gọi Ngân là “đại lý quên”, rồi khoảng bốn năm sau bạn bè đổi thành “siêu thị quên” vì siêu thị thì lớn hơn đại lý, với tên này chứng tỏ Ngân quên càng ngày càng nhiều. Bạn bè hiểu nên cũng thông cảm cho bởi đôi lúc vì quên khiến Ngân trở thành kẻ nói dối. Ví dụ Ngân hứa sẽ giúp bạn chuyện gì đó nhưng rồi quên hẳn đi và không làm cho đến lúc bạn hỏi thì bảo: “Chết mất, mình quên rồi.” Quên đến độ chiếc xe hon đa làm chân mỗi ngày, lau lau, chùi chùi cái bảng số xe mà mãi sáu năm sau khi mất xe đi báo công an cũng không biết nó mang số mấy?

Mười mấy năm qua một phần vì bận rộn, một phần vì cái bệnh quên chết tiệt ấy mà chị ngần ngại mãi không dám nộp đơn thi quốc tịch.

Khi điền vào mẫu N.400, Ngân thấy có quá nhiều điều đòi hỏi phải có cái não tích cực hoạt động chứ nếu cứ như lâu nay thì không tài nào nhớ nỗi:

Địa chỉ nhà ở, địa chỉ nơi làm việc trong năm năm trở lại đây, ngày kết hôn, ngày vô quốc tịch của chồng, ngày tháng năm sinh của chồng (điều này Ngân hoàn toàn không nhớ ngày và năm chỉ nhớ tháng mà thôi, cứ mừng sinh nhật xong thì chị quên ngay), ngày đám cưới, ngày sinh của hai con, ngày đến Mỹ, ngày và nơi cấp thẻ xanh, những lần về Việt nam trong năm năm qua bao nhiêu lần mỗi lần bao nhiêu ngày từ ngày tháng nào đến ngày tháng nào? Tổng cộng bao nhiêu ngày? Ôi tất cả là những con số. Quan trọng nhất là số an sinh xã hội, đã ngần ấy năm mang con số đó mà chị vẫn không nhớ, mỗi khi cần thì phải lấy miếng giấy nhỏ ghi chín con số luôn giữ kỹ trong bóp ra xem, chồng chị hay đùa đó là “bùa hộ mạng” của chị.

Hồ sơ đã gửi đi, hai tuần sau bị trả về vì cần phải bổ sung giấy xác nhận thu nhập kém để hưởng quyền lợi miễn phí cho đương đơn. Lần này phải coppy hai check lương gần nhất để bổ sung vào hồ sơ theo yêu cầu thế là đủ điều kiện được chấp nhận đơn miễn phí 100% vì hai vợ chồng và đưá con sống chung mà chỉ có mỗi phần lương của chị, chính phủ Mỹ thật nhân đạo.

Ba tuần sau chị đi lăn tay. Sau khi lăn tay chị bắt đầu dành nhiều thời gian trong ngày để học 100 câu hỏi luyện thi quốc tịch. Chị học trong sách, học qua CD trong khi lái xe đi làm, chị học qua phone khi có giờ rảnh ở nơi làm việc, học khi làm bếp và học cả lúc lên giường nằm.

Chị giao kết với chồng là anh có bổn phận nhắc chị mỗi khi có dịp gặp nhau, về: ngày tháng năm sinh của anh, về ngày anh vô quốc tịch, về ngày đám cưới, về những chuyến đi Việt Nam (bốn lần trong năm năm qua, vì chị phải về thăm mẹ hàng năm), về những con số trong mẫu N.400. Anh đã phải tìm nhiều cách cho chị nhớ ngày tháng năm sinh của anh và số an sinh của chị. Anh phát hiện được một trùng lắp đặt biệt để chị có thể nhớ ngày birthday của anh: ngày tháng sinh của anh nếu đọc ngược lại thì sẽ là năm sinh. Còn số an sinh xã hội của chị thì anh đặt thành một câu tục ngữ với chín chữ mang ý nghiã một câu chuyện về một người thân trong gia đình. Ví dụ số phone của anh 675-3299 thì anh đặt là “Sau bảy mươi lăm (675) bà hai hại chín (3229) giúp chị nhớ dễ dàng.

Anh thường xuyên khích lệ:

- Em đâu có quên, chỉ tại thiếu tập trung thôi.

Chị nghĩ, cũng có thể!

Sáu tuần sau, Ngân hồi hộp khi mở phong bì thấy giấy báo ngày hai, tháng chín đi phỏng vấn. Vừa mừng vừa lo, trong năm mươi ngày chờ phỏng vấn Ngân xem thêm cách phỏng vấn qua DVD online. Tập nghe và trả lời một mình hòan toàn bằng tiếng Anh, Ngân yếu nhất phần lịch sử nước Mỹ và các ban nghành trong chính quyền, Ngân không thể nào nhớ nỗi những từ ngữ về: đảng Cộng sản, đảng cộng hoà, đảng dân chủ, rồi nghành lập pháp, tư pháp, hành pháp, tên ông dân biểu này bà nghị viên nọ… Nào Tối cao pháp viện có bao nhiêu người, nào tên con sông dài nhất học mãi không nhớ, nào thế chiến thứ nhất, thứ nhì nào cuộc nội chiến ở Mỹ. Nào tên vị anh hùng đấu tranh chống nô lệ, nào bản tuyên ngôn độc lập được chấp thuận bao giờ? Và còn biết bao nhiêu điều phải nhớ… Ngân xét lại mình chị thấy được duy nhất một ưu điểm đó là nghe giỏi. Vì trãi qua mười năm ở miền đông tiếp xúc và làm việc với Mỹ nhiều nên đàm thoại thông thường thì chị rất khá. Cộng thêm nét duyên dáng, dễ nhìn, dạn dĩ Ngân thường được cảm tình của người đối diện.

Đếm từng ngày trên mười đầu ngón tay như khi còn bé từ ngày đầu tuần đếm đến cuối tuần chờ ba đi làm về vì mỗi lần ba từ Sàigòn về thì chắc chắn có bánh mì Sàigòn to đùng ăn với cá mòi Sumaco made in Na-uy thơm lừng, nhớ đến mà cuống họng giật cấp tám, chị nuốt ực một cái.

Đêm mùng một tháng chín Ngân náo nức quá, ông xã nhắc chị soát lại những giấy tờ cần thiết để sẵn vào túi xách rồi đi ngủ sớm cho ngày mai tỉnh táo vì năm giờ sáng phải thức chuẩn bị lên đường.

- Từ Garden Grove đến L.A sợ kẹt xe buổi sáng người ta đi làm hướng ấy đông lắm. Anh quay ngang nhìn chị, trong khi hai mắt chị cứ mở thao láo suy nghĩ đến những con số, những ông Tổng thống, những câu trả lời khó nhớ, thỉnh thoảng lại leo xuống giường xem lại tài liệu.

Lịch hẹn 8:20 AM phỏng vấn, 6:00 AM rời khỏi nhà, đến nơi mới 7:10 AM. Còn hơn một tiếng, hai vợ chồng vào khu ăn uống đối diện Toà văn phòng liên bang để ăn sáng. Tranh thủ vừa ăn, Ngân vừa nhờ chồng nhắc lại những con số quan trọng cần nhớ để cố nhét vào óc lần cuối cùng trước khi “chiến đấu”. Đối với chị đây là một trận chiến vô cùng cam go, nhiều thử thách và đòi hỏi bộ não chị phải hoạt động ghê gớm lắm.

7:50AM, vẫy tay chào ông xã, chị bước nhanh qua đường đứng xếp hàng, đi qua cổng kiểm soát an ninh sau đó vô thang máy để lên phòng đợi. Trong khi ngồi nơi phòng đợi có màn hình ti vi lớn ở hai góc trên cao chiếu những câu hỏi đáp trong 100 câu học luyện thi và cũng có phần giải thích về quyền lợi công dân Mỹ, có chiếu qua hình ảnh của những lần tuyên thệ nhận “bằng quốc tịch.”

Theo dõi màn hình để ôn lại lần cuối những gì đã học trong thời gian qua, Ngân cảm thấy thất vọng vì cái não hình như chai lì không nhớ được bao nhiêu. Nó nhất định đóng kín không chịu mở cửa cho những gì Ngân đã học được tự do đi ra. Đến giờ này, phút này rồi mà còn quên chữ đảng Cộng sản là gì? Ông cha già của dân tộc tên gì?...Ngân nhắm mắt, khẻ lắc đầu tự chán mình, chị thầm nghĩ: “Thôi thì đến đâu hay đến đó, nếu Chúa thương thì Chúa giúp cho khi ấy sẽ nhớ bài vì mình đã gắng hết sức rồi.” Đang miên man thả trôi dòng suy nghĩ, Ngân nghe có người gọi tên mình, chị hấp tấp đứng lên miệng nói: “I am hear” (Tôi đây) rồi bước vội đến người vừa gọi, đó là một ông Mỹ cao to da đen bóng, gương mặt thật hiền. Ông hỏi lại tên Ngân lần nữa rồi quay lưng mời Ngân vào trong.

Đi qua lối rẽ một lúc vẫn không thấy ông ấy lên tiếng Ngân chủ động hỏi từ phiá sau:

- How are you doing? (Ông khoẻ không?)

Ông ta dừng bước quay lại nhìn Ngân cười:

- Good, good and you? (Tốt, tốt còn bạn?)   

Ngân tươi cười trả lời rằng chị khoẻ tuy nhiên có hơi lo sợ một chút vì học bài nhiều quá mà không nhớ được nhiều. Ông ta bảo chị đừng lo lắng gì hãy xem như đây là một cuộc gặp gỡ thăm hỏi và hãy xem ông như bạn, đừng sợ. Rồi ông hỏi chị đi đến đây một mình hay có người chở? Có bị kẹt xe không? Chị bảo ông xã chở đi và đang ngồi đợi bên kia đường. Ông khen chị giỏi tiếng Anh, và ông nghĩ rằng chị sẽ qua khỏi buổi phỏng vấn này.

Ổng đẩy cửa phòng bước vào vị trí nơi bàn làm việc, chỉ tay nhờ Ngân đóng dùm cánh cửa rồi giới thiệu tên là Kent Brow. Ngân chìa tay, xưng tên mình và không quên nói “Rất hân hạnh được gặp ông hôm nay.”

Ông yêu cầu Ngân thề nói sự thật. Khi đưa tay lên thề lòng Ngân gợn niềm xúc động và cảm nhận được sự quan trọng dường bao để trở thành một công dân Mỹ quốc, chị chớp chớp mắt ngăn giọt lệ chực trào.


Mời Ngân ngồi, ông Kent xem lại hồ sơ trước mặt và nhìn vào màn ảnh vi tính một lần nữa xác định tên họ Ngân cùng nhìn lướt qua một lần người trên màn ảnh và người thật có đúng không? Ông bảo trông Ngân ở ngoài trẻ hơn hình, chị nhớ lại hôm chụp hình ấy chị sơ xác sau cơn cảm cúm.

Sự việc diễn ra không hơn một phút, ông nhìn Ngân và bảo trước tiên ông ta sẽ check lại hồ sơ N 400 mong Ngân giúp ông làm tốt việc này. Ngân nghĩ thầm, sao mà ông ấy khéo nói vậy, phỏng vấn người ta mà lại nói nhờ người ta giúp cho ổng làm tốt công việc?

Mắt Ngân bắt đầu chăm chú nhìn vào tay ông giở từng trang hồ sơ, hồi hộp vì sợ mình không nhớ.

Bắt đầu trang một, ông nhìn vào giấy hỏi phải bà tên Vũ thị Thanh Ngân? (Yes), Phải ngày sinh nhật bà là ngày….?(Yes) Phải số an sinh xã hội của bà là số…? (Yes) Cứ cách hỏi (Yes or No) ông Kent dùng để hỏi chị hết trang này sang trang kia, hết phần thông tin cá nhân đến chồng con, việc làm và nơi làm việc, số lần và thời gian về Việt Nam v…v… chị chỉ cần trả lời Yes là xong. Đến những trang cuối thuộc loại câu hỏi Yes or No chị trả lời đúng hết, ông Kent chẳng vặn vẹo làm khó chi cả, không hỏi gài bẫy Ngân, cũng không hỏi bất cứ câu nào phải giải thích “What this mean?” Trang cuối cùng vừa xong, Ngân thở phào nhẹ nhỏm mặt tươi hẳn lên.

Ông Kent nhìn Ngân khen good, rồi hỏi Ngân có sẵn sàng chưa ông ấy bắt buộc phải hỏi chị phần lịch sử nước Mỹ, ông tin rằng chị sẽ trả lời được. Ông sẽ hỏi mười câu và chị phải trả lời đúng sáu câu, Ngân xin ông chờ một giây, chị hít thở thật sâu rồi bắt đầu.

Ông Kent hỏi tên tổng thống hiện tại, tên phó tổng thống, ngày bầu cử tổng thống, ngày cuối cùng phải khai thuế, hai ngày lễ chính của nước Mỹ, tiểu bang nào giáp ranh Canada? Ngân mừng rơn vì những câu này chị biết rõ mà không cần động não, chị trả lời nhanh chóng khiến ông Kent luôn miệng khen good, good. Khi còn ở Michigan chị đã nhiều lần qua biên giới đi Canada ăn trái cây, ăn điểm sấm, xem thắng cảnh, chỉ mất khoảng ba mươi phút lái xe là đến biên giới Mỹ và Canada nếu chị không trả lời được câu cuối này thì quả thật cái não chị có vấn đề.

Đủ sáu câu đúng hết nên ông không hỏi nữa và đến phần đọc, viết tiếng Anh.

Ông đưa tờ giấy có in sẵn những câu tiếng Anh và chỉ một câu cho Ngân đọc (đây là phần dễ nhất cho Ngân) chị đọc giọng mũi rõ ràng câu:

- What is the Capital of your state?

- Good. Ông nhìn Ngân tỏ vẽ hài lòng tiếp tục trao chị tờ giấy trắng và cây bút chì rồi đọc cho chị viết:

- Why does the flag have 50 star?     

Ngân nắn nót viết xong trao ông Kent và nhìn ông cười thân thiện. Ông lại khen chị và soạn tờ giấy có đầy đủ tên họ, địa chỉ yêu cầu chị xem lại và ký tên bên dưới. Ông chìa tay chúc mừng chị đã qua được cuộc phỏng vấn:

- Congratulation. You are pass.

Trái tim Ngân muốn nhảy cững lên khi nghe chữ pass, OMG, chị đã vượt qua giờ phỏng vấn đầy hồi hộp, chiến công này chị đã lập được dễ dàng ngoài mong ước. Thành tích này đối với chị thật lẫy lừng, chị không ngờ ông Kent hỏi những câu dễ như vậy, chị thừa khả năng trả lời và trả lời nhanh, đúng khiến ông cứ gục gặt đầu mãi.

Ông trao chị những giấy tờ cần thiết và bảo về chờ từ nay đến ba mươi ngày sẽ có giấy báo ngày đi tuyên thệ. Ngân cảm ơn ông rối rít và từ giả ông với ánh mắt biết ơn, thật bịn rịn khi phải chia tay người nhân viên nhân hậu này. Ngân đi như chạy ra tìm ông xã, từ bên kia đường anh đang vẫy tay với chị, chị nhào vào vòng tay anh thút thít. Anh vuốt tóc chị thì thầm: “Em pass rồi phải không?” Chị chỉ gật đầu, mắt ngân ngấn lệ, mừng đến phát khóc. Hai người đến ngồi nơi băng ghế, chị kể lại cho anh nghe từ lúc vào gặp ông Kent cho đến khi ra, anh xác định:

- “Ông ấy muốn giúp em đó. Bởi vì thế nên ông ấy hỏi em theo thể Yes or No.”

Ngân ngẩng nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi không một gợn mây, chưa bao giờ chị thấy trời đẹp và bao la như hôm ấy. Cám ơn ông Kent nhiều.

Mười ngày sau chị nhận được thư báo đi tuyên thệ để nhận bằng quốc tịch, lúc 8:03 am ngày 22 tháng 9 năm 2015 điạ điểm cũng ở L.A.

Chị nằm trằn trọc mãi không ngủ được, nhè nhẹ ngồi dậy ra bàn cầm lấy thư hẹn đọc tới đọc lui mà lòng nôn nao khó tả, chị sắp chính thức trở thành công dân Mỹ!

Chị là công dân Việt Nam từ khi có mặt trên quả điạ cầu này đến nay đã năm mươi tám năm.

Rồi đây chị sẽ là công dân Mỹ, chị sẽ là người Mỹ gốc Việt, vui buồn lẫn lộn không thể diễn tả được. Đất nước Việt Nam ơi, có những người con đã ra đi đã đến miền đất khác nhận làm quê hương. Họ đã trở thành những công dân khác mặc dầu họ vẫn còn mang dòng máu đỏ và màu da vàng, vẫn còn nhớ đến phong tục tập quán của quê hương. Vẫn còn những giấc mơ của ngày bé thơ với áo mới và phong bì đỏ lì xì vào ngày tết. Vẫn còn thèm thuồng hương vị của gói me ngào đường rắc lên những hạt mè thơm lựng nhìn là chảy nước miếng, các vị chua, ngọt xen lẫn mùi thơm của me, của đường, của mè mà bao năm rồi vẫn nhớ. Nhớ cái bánh tiêu với cây cà rem nhét vào rồi rủ nhau ra ngồi đánh đu nơi nhánh cây phượng cắn từng miếng, nhai nhỏ nhẹ từ từ tận hưởng chất béo và thơm của bánh tiêu, lẫn vị ngọt, thơm mùi sầu riêng và lành lạnh của cà rem. Biết bao nhiêu thứ gợi nhớ bỗng dưng giờ này uà nhau kéo về chiếm hữu tâm trí Ngân. Chị đưa tay lên ôm ngực vì hình như nhói đau nơi đó, nơi quả tim vừa thắt lại; chị liếm môi, uống vị mằn mặn của hai giọt lệ vừa lăn dài nóng hổi. Chị khóc khi trở thành công dân Mỹ? Chị khóc giống như ngày phát hiện mất cái hột xoàn kỷ niệm của chồng tặng, khi phát hiện chiếc nhẫn trên tay chỉ còn lại cái vỏ trơ ra bốn chấu cả hai đã quét nhà, hút bụi, lục thùng rác, bới cả cái giường ngủ, xốc hết bàn trang điểm để tìm nhưng không thấy. Thế là thúc thích cả đêm.

Thao thức mãi rồi cũng đến năm giờ sáng, Ngân tươm tất với bộ đầm đỏ dài qua gối và chiếc áo khoát đen. Hôm nay bị kẹt xe nên 7:45 Am mới đến. Ngân cùng ông xã nhanh chân vào khu cử hành lễ, người đâu mà đông nghẹt, ai ai cũng ăn mặc đẹp, lịch sự mặt mày hớn hở. Một người đi tuyên thệ thường có hai ba thân nhân đi theo có người đi cả gia đình cùng chung vui. Hôm ấy có hai buổi tuyên thệ: sáng khoảng năm nghìn người và chiều khoảng năm nghìn. Nếu tính cả thân nhân thì mỗi buổi khoảng 10 nghìn người tham dự.

Chỉ trong một ngày tại một địa điểm Los Angeles có 10.000 người tuyên thệ làm công dân Mỹ từ hơn 200 quốc gia, gồm cả những cường quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật. Trong 10 năm qua đã có thêm 6,6 triệu tân công dân Mỹ từ khắp năm Châu. Được làm công dân Mỹ quý vô cùng, ai cũng mơ ước vậy mà mười lăm năm qua Ngân thờ ơ, không thèm màng đến. Chị tặc lưỡi: “Muộn nhưng không trễ.”

Với một rừng người đông như vậy nhưng mọi việc đều diễn ra trong trật tự, lối đi dành cho tân công dân và lối đi dành cho thân nhân riêng biệt nhưng khi vào trong hội trường lớn thì cũng thấy được nhau. Tân công dân ngồi phía trước, thân nhân ngồi phía sau. Có hàng trăm bàn tiếp nhận hồ sơ của tân công dân để kiểm tra và phát cho số để sau khi tuyên thệ sẽ đến số bàn ấy mà nhận giấy chứng nhận quốc tịch. Ngân đang xếp hàng ở bàn số 26 còn khoảng năm người nữa sẽ đến chị. Ngân chợt nhìn thấy ông Kent đang ngồi làm việc tại bàn số bốn nên chị bỏ hàng và chạy sang bàn ông Kent xếp hàng. Chị muốn gặp lại ông dù chỉ trong phút ngắn ngủi để chào ông. Thật vậy, ông Kent nhận ra chị ông nói “Congratulation”(Chúc mừng), chị nhìn ông với ánh mắt biết ơn: “Thank you very much” (Cám ơn ông rất nhiều.) Ông trao cho chị tờ giấy xác nhận tên họ và có ghi số bàn #2.

Theo sự hướng dẫn của ban tổ chức chị đến hàng ghế của mình ngồi sau khi được phát cho một phong bì lớn, trong đó có lời hưá nguyện, bài quốc ca, giấy ghi danh bầu cử, giấy cho biết quyền lợi và bổn phận của một công dân Mỹ, một lá cờ nhỏ và một thư chúc mừng của Tổng Thống OBAMA được bỏ riêng vào phong bì vàng. Ngân nhìn lên màn ảnh rộng, cứ chiếu đi chiếu lại tên của các quốc gia có người tuyên thệ, khoảng hai trăm quốc gia. Hai mươi phút sau buổi lễ bắt đầu: Chào cờ, diễn văn chúc mừng của đại diện chính phủ, kế đó Tổng Thống Obama chúc mừng và khích lệ tân công dân Mỹ qua màn ảnh rộng gương mặt Tổng Thống vô cùng nhân hậu, mọi người vỗ tay rào rào như mưa. Chánh án California hướng dẫn đọc lời hứa nguyện và giơ tay tuyên thệ tập thể. Những lá cờ được quơ cao theo lời hứa nguyện, bầu không khí rộn ràng như lòng mọi người đang hân hoan.

Buổi lễ tuyên thệ bế mạc, trong trật tự mọi người tìm đến số bàn của mình để nhận Certificate of Citizenship. Ngân bồi hồi săm soi tờ giấy quan trọng của đời mình, nhìn kỹ từng chữ, từng dấu, từng hoa văn thận trọng nâng niu trong tay sợ nhăn, sợ rách. Chị đưa lên mũi hít hít mùi thơm của giấy mực rồi ấp vào ngực như đang tưng tiu một vật báu, hạnh phúc tràn về lòng chị trào ra khoé mắt lung linh.

Ngân được ông xã chụp hình và quay phim để kỷ niệm ngày trọng đại này, ngày được chính thức là công dân Mỹ quốc. Một đất nước mà thế giới thường nhắc đến với tên: “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ,” thật không ngoa.

An vị trong xe, anh nheo mắt với chị:

- Hôm nay em phải đãi cả nhà đấy. OK?

Chị lườm chồng:

- Yes sir. Em có quốc tịch thì phải đãi chứ, tuy “muộn nhưng không trễ” phải không ông xã?

Chị cất tiếng cười giòn tan, hình như cả đời chưa bao giờ có giọng cười này?

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Ý kiến bạn đọc
30/10/201520:31:00
Khách
Cám ơn các bạn đã đọc. Nhất là khách Jack đã sửa lỗi chính tả cho tác giả. Thật là sơ sót. Tác giả chân thành xin lỗi đọc giả đã thương yêu góp ý. Rất biết ơn.
29/10/201522:05:45
Khách
Bay giờ thi quốc tịch mau nhì . Trước đây hơn 10 năm tôi nộp đơn thi phải đợi 6 tháng mới được thi . Xong lại đợi 6 tháng nữa mới được tuyên thệ ! Hy vọng việc cứu xét hồ sơ bảo lãnh nhanh hơn , chứ như hiện nay thì chậm như rùa bò . Công dân Mỹ đi làm đóng thuế mà bị chậm hơn người nhập cư bất hợp pháp sao.
29/10/201513:37:19
Khách
Đọc bài viết của chị gợi tôi nhớ mãi đến chuyện có quốc tịch trễ của tôi năm 1986. Thời đó ở Houston, nếu làm đơn xin vào quốc tịch thường phải đợi cả năm hơn vì quá nhiều người Mễ xin vào. Sau khi tôi tốt nghiệp vẫn chưa có quốc tịch. Hãng General Dynamics (sau này Lockeed Martin mua lại) ở Fort Worth mướn tôi với điều kiện phải có quốc tịch vì làm cho máy bay quân sự F-16.

Kẹt quá tôi đành phải viết thư kêu cứu đến mọi ông lớn trong chính phủ Hoa kỳ xin giúp đỡ. Tôi vào thư viện của trường tìm địa chỉ văn phòng viết thư cho từ tổng thống Reagan, phó tổng thống Bush, chủ tịch quốc hội, nhiều vị thượng nghị sĩ, dân biểu, tối cao pháp viện, thống đốc tiểu bang… tới cả ông chủ tịch thành phố tôi ở luôn.

Tuần sau tôi được vị linh mục VN và ông dân biểu Mỹ chỗ tôi ở tới tận nhà chở tôi xuống downtown Houston đưa tay tuyên thệ thành công dân Mỹ. Trong buổi tuyên thệ chỉ có 4 người. Ông chánh án toà liên bang làm lễ, ông dân biểu cầm lá cờ nhỏ, vị linh mục làm người chứng và tôi, công dân Mỹ tương lai. Buổi lễ kéo dài chưa đầy 10 phút và không ai hát quốc ca. Chỉ có quốc kỳ.

Trước khi tôi đi làm, ông trung tá tùy viên của phó tổng thống Bush còn gọi hỏi tôi đã có quốc tịch chưa. Tôi phải trả lời cám ơn biết bao thư của các ông lớn mặc dù không biết ai chính là người can thiệp vào vụ này. Đi làm cả tuần sau, người đại diện của văn phòng thống đốc tiểu bang Texas còn kiếm được số phone sở gọi vào tận nơi hỏi tôi có gì trục trặc trong giấy tờ không? Sau khi chắc chắn, ông ta đưa tôi số phone và dặn nếu có gì cứ gọi trực tiếp với ông vì thống đốc không muốn phải trả lời biết bao ông lớn ở DC kể cả tổng thống Reagan vì vụ quốc tịch trễ của tôi.

Ông còn cười nói thư kêu cứu của tôi viết rất cảm động và cơ quan làm quốc tịch ở Houston sẽ phải thay đổi cách làm. Sau vụ kêu cứu của tôi, đơn xin quốc tịch ở Houston đi nhanh hơn nhiều.
29/10/201507:15:11
Khách
Hay qua chi Duyen oi ! Chac la khong kho de nguoi ta doan co Ngan trong truyen nay cua chi la ai. May la em o Na UY, du ngay du thang thi nop don vo quoc tich chu khong phai di nhu..." Co Ngan " de thuong nay
28/10/201515:37:16
Khách
"khi mất xe đi báo công an cũng không biết nó mang số mấy?"
Trước 30-4-1975, người ta gọi là "cảnh sát", thí dụ như "quân cảnh" là cảnh sát của quân đội ( military police) . Thời VNCH, công an thì thường là để bắt mấy
đứa cộng sản nằm vùng, thí dụ như mấy đứa làm giao liên cho cộng sản, etc .
Sau 30-4-1975 thì bọn vc dùng từ "công an" thay cho "cảnh sát" . Công an đầy trong xã hội .

"phải coppy hai check lương gần nhất để bổ sung vào hồ sơ"
Misspelling . "Copy", not "coppy".

"chị hấp tấp đứng lên miệng nói: “I am hear” (Tôi đây)"
Misspelling . "Here", not "hear" . "I am here" means "tôi đây" . "I hear" means "tôi nghe" .

"Congratulation. You are pass"
Grammatical error. Pass in itself is a verb. You can say "you pass" / "you passed" / "you have passed", but not "you are pass."
The Web site "Learn American English Online" ( at http://www.learnamericanenglishonline.com/ ) provides free resources for individual students.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến