Hôm nay,  

Ba Của Tám

25/11/201200:00:00(Xem: 277794)
Tác giả rời Việt Nam sang Mỹ từ tháng 10 năm 1974, khi còn là một cô bé mới học lớp sáu.

Hiện nay, cô là cư dân Nam California. Công việc: kỹ sư điện tại DPW-LACO.

Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài mới của cô là hồi ức về người cha qua đời khi cô mới 5 tuổi.

Mỗi năm, cứ khoảng thời gian này, là Tám cảm thấy cảm thấy bâng khuâng, bứt rứt như có gì đó thiếu sót.

Tháng Tư nhắc những ngày đen tối khi miền Nam sụp đổ. Tháng Năm là ngày cúng Ba. Rồi tháng Sáu là lễ của Cha, nhưng không còn Ba để cùng gia đình chung vui ngày lễ…

Ký ức của Tám dừng lại ở một buổi sáng năm Mậu Thân 1968, khi Ba qua đời vào tuổi bốn mươi hai. Tuy sự hiện diện của Ba trong đời Tám quá ngắn nhưng Tám có rất nhiều kỷ niệm với Ba.

Tám thật có phước được sống với Ba tới gần năm tuổi. Có phước đây chỉ có thể so sánh với nhỏ em, nhỏ út lúc đó chưa được hai tuổi nên nó không có một chút ký ức tuổi thơ nào về Ba. Nhỏ út chỉ nhớ về Ba nhờ mấy tấm hình đen trắng mà Má đem theo và bây giờ mấy tấm hình gia đình đó Má giao lại cho chị Ba của Tám cất giữ rất kỹ.

Ba của Tám rất mê chụp hình… Đi đâu cũng bắt con làm người mẫu hoài, đứa nào lớn lớn biết mắc cỡ mà đi theo Ba là lãnh đủ. Bực mình và nhớ nhứt là chị Năm Sira, hồi nhỏ chắc thấy chị xấu hoắc đen hù nên Ba hay bắt chị đứng kế những cây bông hoa vàng đỏ tươi thắm để Ba chụp hình cho nổi, cho nên hình nào của chị cũng chù ụ … “đã xấu sẵn mà còn chụp chung với bông hoa, ra hình mấy bông đẹp dễ sợ …ha ha ha”.

Câu này là chị hay nói và cười mỗi khi nhìn mấy tấm hình xưa.

Về sau, người mẫu là Pauly, con chị Hai và cũng là cháu ngoại trai đầu tiên của Ba nên tất cả tình thương Ba dồn hết cho nó, với lại nó còn nhỏ chưa biết cự nên làm người mẫu số dách của Ba, vì vậy nó có rất nhiều hình. Tấm hình cuối cùng Ba chụp là nó bị chị Bảy cặp cổ (vì nó mập quá nặng quá ẳm không nổi nên bị cặp cổ) cùng mấy chị em leo lên mái nhà trên bếp để Ba chụp hình, phía sau là nền trời có máy bay trực thăng đang bắn rocket đâu đó. Đó là lúc chiến tranh xảy ra khắp nơi trong thủ đô Sài Gòn. Chị ba nói là đầu năm Mậu Thân.
ba-ma-and-bac-hl
Từ trái, Ba, Má. Bác HaiLê với giỏ trái cây mới hái,có bé Tám đứng bên.
Mỗi lần gia đình xúm lại nhà chị ăn uống kể chuyện xưa, chị Ba hay đem những tấm hình ra cho đám nhỏ coi, lần nào đám nhỏ nhìn hình cũng hỏi:

- Xời ơi! chị Hai hồi đó mặc áo dài đẹp dễ sợ, ý, chị làm sao mà cái eo nhỏ xíu xìu xiu được vậy? Bộ chị Hai cữ ăn dữ lắm hả?

Đứa khác thì nói:

- Cái eo này chắc chị Hai tập thể dục nhừ tử mới được như vậy hén. Còn chị Ba nữa, cứ như là người đang ở trên mây, lúc nào cũng mỉm cười, mơ mơ màng màng, ca hát suốt ngày. Chắc chị Ba lúc đó có người yêu, đúng hông? Hình này là chị Tư phải hông? Xời ơi, coi bả kìa! Bà này điệu từ nhỏ ta ơi, điệu tới giờ, bà này chắc tới lúc 70, 80 tuổi, hay chống gậy đi cũng còn điệu, thua chị Tư luôn. Hình này là chị Năm, qua Mỹ tụi em mới biết huyền thoại cái tên Sira của chị, vui thiệt đó nghen. Hồi nhỏ em cứ tưởng cái tên xira đánh giày làm chị tức đám con nít hàng xóm, bây giờ chị sửa lại thành tên Sira, nghe cứ như là Tây, sang dễ sợ!

Ôi đủ câu hỏi….

Mỗi đứa hỏi một câu cùng một lúc, chị Hai lặng thinh chờ cho đám nhỏ hỏi đã miệng một hồi mới trả lời:

- Có tập thể dục thể thao gì đâu, thời đó áo dài có buộc sợi dây ngang eo nên mới thấy eo thắt lại đó thôi.

Đám nhỏ reo lên như tìm ra được bí quyết ngàn năm, “ahh … thì ra vậy... ừa, đúng rồi … có sợi dây, ngộ thiệt ta!”

Chị Hai lim dim không nói thêm, chắc chị đang nhớ thuở xa xưa ấy. Thế rồi, Má Tám thường châm thêm câu, “phải chi còn Ba!” cả đám con tự dưng im rơ....

Trở lại mấy tấm hình xưa, đừng hòng mà dấu tấm nào, vậy mà thỉnh thoảng trong album cũng có vài chỗ trống, chị Ba la um sùm:

- Đứa nào lấy hình thì trả lại đây nhe, đem đi scan xong thì nhớ dán trở vô, đứa nào lấy ta đây biết hết.

Chị Ba hình như có tới mười con mắt, 360 độ xoay tròn, chị thấy ráo, chỗ nào cũng thấy hết.

Chị Tư có tịch nên la lên:

- Gớm! bà này kỳ thiệt nha, hình của đứa nào thì trả lại cho đứa đó giữ.

Chị Năm chắc cũng có tịch nên hùa theo:

- Ừa cái bà này, toàn hình hồi nhỏ không à, đâu phải hình của bà, bà giữ làm gì?

Chị Ba nhíu mắt trả lời:

- Ta đây giữ bây giờ mới còn hình cho tụi bây coi, tụi bây giữ là mất tiêu luôn!

Đám nhỏ im ru.

Chị nói đúng. Nếu để chị Hai giữ thì cũng tiêu lần lần vì chị quá hiền và chìu đám em, chắc chắn thấy hình xưa đứa nào xin chị cũng cho, nên để bà thần giữ của như chị Ba thì quá là đúng, nghề của nàng mà.

Tám nhìn tấm hình chụp Ba nách nhỏ út bên tay, nó ốm nhom ốm nhách, Ba hay nói:

- Tội nghiệp nhỏ út nhất vì sanh trễ quá nên Má không còn sữa nhiều để con bú.
ba_ngoi_tren_them_nha
Ba ngồi bên thềm nhà.
Rồi Tám nhìn lại mấy tấm hình thấy mấy bà chị ai nấy mập ú ù u... thấy thương nhỏ út thiệt.

Đàn con tám đứa của Ba có tới bảy công chúa mà chỉmột hoàng tử, theo thứ tự là chị Hai cho tới chị Năm, ở giữa là anh Sáu, chị Bảy, Tám và nhỏ út. Thành ra ở nhà tự động đám công chúa chia ra hai nhóm, phe lớn và đám nhỏ, anh Sáu bị kẹt cứng ở giữa cho nên anh ít nói, riết thành thói quen như bị á khẩu cho tới khi lấy vợ. May sao chị dâu thích nói chuyện cho anh nghe chứ không thôi nhà anh Sáu chắc giống như Chùa Bà Đanh.

Ngày xưa chắc Ba mê xe lắm, thỉnh thoảng lại thấy Ba đem về một chiếc xe khác, hình như toàn xe cũ vì Tám nhớ đám nhỏ hay chạy vòng vòng trong lúc Ba sửa xe. Tám nhớ có lúc Ba lái chiếc vespa, phía trước đứng được 2 đứa, phía sau 2 đứa là chỉ 4, có lẽ đó là lý do không bao giờ phe lớn được đi chơi chung. Ba ao ước khi nào có tiền Ba sẽ mua chiếc xe hàng, loại xe cam nhông chở trái cây thiệt bự để chở hết thảy phe lớn và đám nhỏ đi khắp mọi nơi chớ chiếc xe nhỏ thì đứa đi đứa ở thấy xót ruột quá. Ba còn mơ khi nào hết chiến tranh Ba sẽ sửa chiếc xe cam nhông, để bàn ghế, nồi niêu … chở cả gia đình du lịch từ Nam ra Bắc, đi tới đâu ngừng lại nấu cơm ăn.... qua Mỹ mới biết ước mơ của Ba là chiếc RV.

Hồi đó Ba thương đám nhỏ hơn, Tám bảo đảm như vậy vì Ba hay chở đám nhỏ đi chơi. Mỗi buổi chiều, đám nhỏ hay đứng trước sân chờ Ba đi làm về để Ba chở một vòng cho mát, trước khi cả nhà súm lại ăn cơm tối, mấy đứa bạn hàng xóm cũng đứng đợi gần đó để được đi ké một vòng. Tụi nó thích Ba của Tám lắm. Dạo đó Ba lái chiếc môtô đen bóng thật to trông rất oai vệ, khi về nhà Ba gắn thêm cái thùng bên hông phía bên phải mới đủ để chở đám nhỏ cùng một lúc, xe Ba chở bảy tám đứa như chơi, hai đứa ngồi yên trước, hai đứa ngồi phía sau, trong thùng chứa thêm bốn năm đứa. (Loại xe này thường thấy trong những phim đen trắng về đệ nhị thế chiến mà lính Đức hay sử dụng).

Chiếc môtô đen của Ba chạy vù vù, chạy quanh vòng hết cư xá.

- Ba! chạy ra đường cái đi Ba! Anh Sáu la lên, cả đám hùa theo, "chạy đi Ba", đám nhỏ hàng xóm thừa dịp cũng la lên "chạy đi Bác" ...

Ba chạy luôn ra đường lớn, xe nườm nượp, hai bên đường người đi bộ tấp nập, hối hả chắc muốn về nhà để kịp buổi ăn tối, tiếng còi xe ầm ỷ nghe thật là vui. Chạy sát bên xe Ba có chiếc xe ba bánh chở hàng, xe bác cũng chẳng thua gì xe Ba, đầy nhóc đu đủ xanh tươi, đầy đến nỗi không còn chỗ cho bác gái ngồi, cho nên bác gái ngồi chễm chệ trên đống đu đủ, may mà đó là đu đủ sống, một tay bác vịn vào thành xe, tay kia bác nắm giữ nón lá, áo bà ba mỏng manh cũ rích rộng thùng thình, bay phất phới theo chiều gió nóng, nhìn đám nhỏ, bác nhếch miệng cười trước khi chiếc xe tăng lên hết tốc vượt qua xe Ba.

Đám nhỏ rất thích ngồi trong cái thùng vì nó thấp, thấp sát gần tới mặt đất, với lại mỗi khi xe quẹo, mấy đứa trong thùng ngồi lủ khủ như đám heo con, cùng nhau quẹo theo rất vui. Nhiều lúc chắc thấy đám nhỏ thích quá Ba chở tới mấy vòng mới thả xuống làm đám nhỏ khoái cười hả hê.

Hồi đó còn nhỏ nhưng Tám rất thích dậy sớm, để được nhìn thấy Ba trước khi Ba đi làm. Chính tay Ba làm thức ăn sáng cho đám nhỏ. Buổi ăn sáng của đám nhỏ rất giản dị, thường là khúc bánh mì chấm vô ly sữa pha bằng sữa đặc có đường hiệu Con Chim. Một bên tay Ba nách nhỏ út, có lúc Ba nách Pauly, tay kia Ba pha sữa cho đám nhỏ.

- Nước sôi rồi nè mình (Má gọi Ba là mình). Má Tám đưa bình nước sôi cho Ba. Vừa đổ nước nóng vô năm cái ly, vừa quậy Ba nói với Má:

- Đám nhỏ cần uống sữa mới đủ dinh dưỡng.

Tám nhớ lúc đó đứng cao hơn cái bàn một chút xíu. Trong lúc đám nhỏ ăn sáng thì Ba uống cà phê, đọc báo, đợi đám nhỏ ăn xong Ba cho mỗi đứa vài giọt dầu cá cho có thêm chất bổ. Tám nhớ mỗi lần thấy Ba đem chai dầu cá ra phe lớn chạy mất tiêu, còn đám nhỏ thì ngẩng đầu há miêng thật to chờ giọt dầu cá lọt vô cổ họng, lần nào Ba cũng biểu “ráng học cho giỏi!”

Sáng hôm đó Tám thức dậy trễ, nhà vắng tanh, Ba đã đi làm, phe lớn cũng đi học, chỉ có Tám và nhỏ út ở nhà với má. Chị Hai đang quét nhà, chị Hai lúc đó có chồng nhưng anh rể trong quân đội đi xa nên Ba bắt chị và đứa cháu về ở chung. Thấy nhà vắng tanh Tám khóc đòi đi học. Khóc đã một hồi Tám leo lên đi-văng ôm Pauly và chơi với nhỏ út. Sau bữa cơm chiều Má nói với Ba chuyện nhỏ Tám khóc đòi đi học. Ba cười:

- Thì cho con đi học, đi học càng sớm càng tốt có sao đâu!

Ba là vậy, rất chiều đám nhỏ. Tám mừng lắm vì được đi học giống như phe lớn. Thế là sáng hôm sau chị Hai dẫn Tám ra tiệm tạp hóa ngoài chợ mua cặp táp màu xanh phía trước có hình chuột nhắt và sợi dây dài đeo trên cổ, Tám thích lắm đeo cả lúc lên giường ngủ.

Trên đường từ chợ về nhà, chị Hai ghé vô ngôi chùa ngoài đường lớn, đây là chùa Phật Bà Quan Âm, chỉ là ngôi chùa nhỏ, do gia đình Bác Hai làm chủ, hai Bác có người con trai trong quân đội mới trở về sau khi để lại một cái chân ngoài chiến trường, Tám nghe nhỏ bạn kể vậy. Người đó là anh của cô giáo đầu tiên của Tám. Anh hay ngồi lặng thinh bên bờ hồ sen, có lần thấy Mẹ anh đưa dĩa trái cây nhưng anh không ăn và gắt lên, “Mẹ để đó đi!”

Mẹ anh xoay đi mắt đỏ hoe, cô giáo cầm lấy dĩa trái cây trên tay Mẹ và nói:

- Mẹ đưa đây cho con, để lát nữa anh ăn, Mẹ vô nhà đi.

Tám thấy cô giáo kéo ghế ngồi cạnh bên anh, chắc có lẽ bác gái quậy tan sự yên tịnh bắt anh trở về thực tế trên chiếc xe lăn, một bên ống quần được thắt gút lại. Tám nghe cô giáo nói, “anh ăn trái cây cho mát.”

Hồ sen là nơi sau này Tám và mấy đứa bạn thường rảo vô chơi, nhiều lúc thấy không có cô giáo, mấy đứa lẻn hái mấy gương sen ăn, ngon ơi là ngon! Có lần đang hái sen, Tám và mấy đứa bạn bất ngờ gặp anh ngồi bên hồ, anh không la mà còn nhoẻn miệng cười hỏi, “sen ngon không?” Mấy đứa hết hồn chạy một mạch về nhà.

Lớp học đầu tiên của Tám là trong ngôi chùa này. Đúng ra là vườn trẻ trong đó có cỡ mười mấy đứa bốn, năm tuổi. Cô giáo lúc đó chừng 20 tuổi không những hiền mà rất xinh, tóc dài ngang vai, da cô trắng hồng. Nhiều lúc ngồi nhìn cô viết chữ trên bảng hay lúc cô dạy mấy đứa ca, ước mơ của Tám khi lớn sẽ đi dạy học giống như cô.

Ba giao bổn phận cho chị Hai mỗi bữa sáng là sắp xếp cặp táp cho Tám đi học. Cặp táp không có sách vở hay giấy viết gì cả, chỉ toàn đồ ăn, thường là đậu phọng luộc, có lúc khoai mì, vài cái bánh ngọt. Chắc Ba sợ Tám đi học bị đói cho nên lúc nào cũng nói chị Hai để nhiều nhiều đồ ăn trong cặp, không bao giờ Tám ăn hết. Sau khi đi học về, bổn phận của chị Hai là xét mở cặp táp xem Tám có ăn hết đồ ăn hay không, và hôm nào chị cũng hỏi: “sao cưng không ăn hết, ráng ăn nhiều thì học mới giỏi.”

Chị Hai lúc nào cũng gọi đám nhỏ là cưng nghe ngọt xớt.

Đến bây giờ Tám không nhớ mỗi buổi sáng ai dẫn Tám đi học, nhưng lại nhớ thật rõ Ba rước Tám về mỗi ngày trên đường từ sở về nhà ăn trưa. Có lẽ Tám nhớ vì trước khi về nhà Ba ghé xe sinh tố ngoài đầu đường mua ly chè đậu đỏ bánh lọt cho Tám ăn, trước khi quẹo vô nhà. Lần nào Ba cũng nói, “thưởng cho Tám.” Món này tới giờ Tám vẫn thích ăn, nhưng bây giờ biết tự nấu lấy. Tám nhớ có lần Ba tới rước trễ, trong lớp chỉ còn ba đứa, đứa nào cũng sợ bị bỏ quên, sợ đến muốn khóc, vừa nghe tiếng xe chạy vô, cả ba đứa ùa ra xem có phải ba mình đến, không phải Ba, đó là Ba của thằng nhỏ cùng lớp. Hai đứa còn lại trở về bàn ngồi ủ rũ. Một hồi lại nghe tiếng xe, lại chạy ra coi đứa nào được về trước, còn lại mình Tám, lúc đó chắc thấy Tám muốn khóc thiệt nên cô giáo dỗ,“chờ thêm chút xíu nữa nhe, nếu Ba không tới đón thì cô sẽ đưa em về, đừng khóc nhe.”

Mặc cho cô nói, Tám vẫn mếu khóc sợ Ba quên không tới rước, nhưng chỉ một chốc lát thì thấy xe môtô của Ba đằng xa, Tám chạy ra cửa, “Ba tới rồi! Ba đâu có quên Tám!” Cô giáo mỉm cười chào Ba. Sau này Ba dặn mấy chị tới đón Tám mỗi khi Ba không về kịp. Có vài lần chị Bảy đón Tám về, hai chị em đi bộ về nhà, không bao giờ quên ghé ăn ly chè. Chị Bảy chỉ hơn Tám ba tuổi.

Cầm một tấm hình lên nhìn một lúc, chị Ba xoay qua hỏi Má:

- Ủa, hình này chụp ở đâu mà chỉ có Ba, Ma, Sáu và nhỏ Tám vậy?

Má chưa kịp trả lời thì Tám mau miệng dành kể chuyện xưa:

- Oh..oh .. để Tám kể cho nghe, hôm đó Ba chở Má, anh Sáu và Tám đi chơi xa, tận Biên Hoà, Ba chở bằng chiếc môtô đen. Tám ngồi phía trước, anh Sáu làm nhân ngồi giữa Ba và Má. Ba lái xa lắm, có khúc lên cầu, chiếc môtô đang chạy lên dốc ngon lành thì từ từ chậm lại. Ba ráng rồ máy hết ga nhưng nó không lên nổi con dốc cao, Ba bảo Má và anh Sáu leo xuống để Ba dắt xe qua khỏi đầu cầu. Trời nắng chang chang, trán Ba lấm tấm mồ hôi,. Ba hì hục đẩy xe, đẩy được một quảng thì có đoàn xe cam nhông chở đầy nhóc lính chạy ngang. Ba dừng lại có lẽ nghỉ mệt và cùng thể đợi đoàn xe lính chạy qua. Tám nghe tiếng la “hê.. hê ..” từ trên xe vẳng xuống, mấy người lính dơ tay chào Ba, Ba dơ tay vẩy chào lại, vừa lúc chiếc cam nhông chạy qua, có một người lính liệng cái gì đó xuống, nó rớt trên đường, Ba dựng xe lại, khum xuống lượm, thì ra là cái nón. Ba phủi bụi, rồi đội lên đầu Tám, cũng vừa lúc Má và anh Sáu đi tới.

Ba nói với Má:

- Tội nghiệp mấy người lính trẻ, nó cho mình cái nón vậy thì có một đứa không có nón đội.

Ba đẩy xe qua khỏi đầu cầu, Má và anh leo lên xe đi tiếp. Tám nhớ đó là cái nón vải màu xanh lá cây đậm, rất rộng, vẫn còn khét mùi mồ hôi của anh lính nào đó. Ba nói:

- Không sao, đội cho đỡ nóng.

Tám thích cái nón đó lắm, cứ đội suốt.

Không nhớ Ba chạy bao lâu thì dừng lại, thấy dưới tàng cây phía trong xa xa một ngôi nhà.

Từ cổng vào tới nhà cũng một khoảng xa, Ba vừa dắt xe thì gặp một bác mặt áo dài rất chỉnh tề ra đón. Ba kêu Tám cuối đầu chào Bà Ngoại. Sau này lớn lên hỏi mới biết Bà không có họ hàng gì với Ba hay Má, đó là vợ của bác Hai Lê, còn được gọi là ông Phán Lê, bạn làm chung với Ba, đã về hưu. Hai bác không có con. Tám chỉ nhớ gặp bác gái nên không biết mặt bác Hai. Chắc Bà mừng khi gặp Ba Má nên Bà cứ ôm và nắm tay Má hoài. Bà dẫn cả nhà đi xem vườn, rộng mênh mông, anh Sáu leo lên cây hái ổi, mận, soài… ôi nhớ lại vẫn còn mê!

Ngôi nhà xây theo dạng thời Pháp thuộc, với ban công xung quanh, căn nhà này rất to so với nhà của Ba. Hồi đó Tám rất thích nhà này vì cái vườn trái cây, đủ loại cây ăn trái trồng tùm lum không theo thứ tự bao chung quanh nhà. Và hôm đó là lần đầu tiên trong đời thấy được bụi khóm. Tám thấy nó từ đằng xa, hình như kế bên cây mận, chỉ vài bụi thôi thân mỏng ốm, lưa thưa nhưng có nhiều nhánh nhọn mọc chĩa đủ hướng. Nó lạ lắm với lại lần đầu thấy nên nhớ hoài. Lá xanh thiệt dài và nhọn, có rất nhiều gai như những lao kiếm sẳn sàng bảo vệ và tấn công những ai tới gần hái trái non. Khi đến gần mới thấy cả chục trái khóm non xanh, cỡ bằng núm tay dể thương lắm. Đố ai dám thò tay vô mà hái, nhất định sẽ bị lá chém cho mấy nhát đứt tay.Tám mà ở đây chắc suốt ngày hái trái cây ăn trừ cơm.

Sau này có dịp ra rẫy nhà bà con thấy bụi khóm lần nữa, nhưng nó khác với bụi khóm nhà Bác Hai mà Tám thấy hồi nhỏ, được biết giống này nhập cảng từ nước ngoài, rất sai trái với những trái non màu sắc tươi sáng ửng đỏ, trông thật đẹp và quyến rũ. Có lần khác ra ngoài vườn khóm thấy những bụi khóm trồng thẳng hàng, thấp nhưng xum xuê, không giống như bụi khóm khẳng khiu gầy còm mà Tám nhớ hồi đó.

Căn nhà đó kế bên có bờ sông. Má nói đó là sông Đồng Nai. Tám nhớ lúc ngồi trên cây ổi chơi chờ Má rửa rổ trái cây mới hái, nghe Bà ngoại nói đất này là đất lở vì cây ổi hồi xưa mới mua rất xa bờ sông, sau mới mấy năm, nó chỉ cách bờ sông còn chừng vài thước. Tám nghe sợ quá chừng, sợ đang hái ổi bờ lở, sụp xuống thì rớt xuống sông chỉ có nước chết đuối…….

Hôm đó về Bà cho thật nhiều trái cây chất đầy giỏ. Trí nhớ của Tám chỉ có bao nhiêu đó về Bà Ngoại và căn nhà nằm trên khu đất lở, còn một người khác Tám gặp hôm đó là Bà Cụ, tóc bạc trắng, lưng còng ốm nhom nhỏ xíu, ống quần bên cao bên thắp để hở ống chân chỉ còn da bọc xương. Cụ lững thững đi ra đi vô, vừa đi vừa khóc hù hụ như đứa bé nhớ mẹ. Thấy Tám sợ núp sau lưng Ba, Bà Ngoại cười nói:

-Hông sao đâu, con đừng sợ, Bà khóc vì Bà sợ chết.

Nghe câu này Tám không dám đến gần Bà Cụ, chỉ đứng ôm Ba nhìn Bà đi qua đi lại trong sân. Bà Cụ là mẹ chồng của Bà Ngoại. Về sau, ông Phán Lê mất, còn lại hai bà cụ, mẹ chồng nàng dâu sống với nhau, trong ngôi nhà rộng với vườn cây ăn trái. Bởi phải gánh nước tưới, Bà Ngoại lưng còng cúp xương sống!

Nhớ có lần, Má đọc báo, Má nói:

-Lúc này việt cộng nằm vùng bị bắt nhiều quá há mình? thiệt là đáng sợ.

Ba đứng trên ghế lau chùi bàn thờ, đám nhỏ lăng xăng hỏi đủ thứ, “Ba ơi! Họ là ai?” Đứa khác hỏi, “họ có đuôi không Ba?” Có đứa lại nói “bạn con nói họ có sừng đó Ba ơi!” Ba vừa phủi bụi vừa trả lời, “họ là người cũng như mình, người thì đâu có sừng, đâu có đuôi.” Đám nhỏ không tin, “vậy sao ai cũng sợ họ?”

Buổi sáng năm Mậu Thân, đám nhỏ chính mắt thấy họ lần đầu tiên trong đời. Sau khi Ba bị bắt và bị bắn chết, chị Ba và chị Tư đã đem xác Ba về nhà, Ba nằm trên ghế bố trong phòng khách trước bàn thờ, bàn thờ Ba mới lau chùi hôm trước. Hàng xóm trong cư xá đã tản cư đi hết rồi chỉ còn vài bác nhất định ở lại giữ nhà, đám nhỏ nghe mấy người lớn nói họ đã về tới cư xá rồi, họ đang ở xóm trong. Xóm trong đây là khu cuối cư xá nhà Tám. Thấy phe lớn không để ý, mặc dầu rất sợ nhưng đám nhỏ mở cửa lẻn ra sân, núp sau lưng bức tường chỗ có kẻ hở ngồi đợi họ. Không bao lâu đám nhỏ thấy họ đi tới. Họ đi một nhóm hai người, không mặc đồng phục như lính mà Tám thường thấy nhưng trên tay cầm khẩu súng dài chỉa vào từng ngôi nhà lúc họ đi ngang. Da mặt họ xanh mét, áo sơ-mi phai màu cũ rách, trên cổ quấn khăn sọc ca-rô, chân mang đôi dép rất lạ, chưa bao giờ Tám thấy qua. Họ đi ngang nhà Tám, dừng lại, nhìn vô nhà lẩm bẩm gì đó rồi tiếp tục đi theo hướng đường cái. Đám nhỏ ráng nhìn coi họ có sừng hay đuôi không. Không thấy! Ba nói đúng, họ cùng là người. Bên ngoài Tám thấy họ rất giống như mình, nhưng tại sao họ lại giết Ba?

Mặc dầu lúc đó còn nhỏ nhưng mỗi lần nhớ tới Ba sao Tám nhớ khuôn mặt Ba rất rõ. Ngày cuối cùng còn nhìn thấy Ba là buổi sáng ngày 28 tháng năm, năm Mậu Thân, một buổi sáng oan nghiệt, mỗi lần nhắc tới cả gia đình buồn muốn khóc ....

Sau khi Ba mất, Má na bầy con tản cư đến ở ngôi nhà nhỏ gần mấy dì, trong xóm có tên là Hẻm thuốc Basto vì gần hãng chế tạo thuốc lá hiệu Basto, dưới dốc, bên kia Cầu Ông Lãnh. Đây là khu lao động, những gia đình nghèo sống chen chúc trong cái hẽm nhưng tấm lòng rất tốt, giúp gia đình Tám rất nhiều khoảng thời gian đó. Tám nhớ có Bác Ba gái, Bác sanh tới tám con trai, chắc vậy nên người bác ốm nhom, khẳng khiu như cây tre, nhưng ai cũng nói Bác “khỏe như trâu”. Mỗi ngày Bác gánh nước đổ vô cái lu trong bếp, ngồi nói chuyện an ủi Má lâu lắm, trưóc khi đi Bác hay nói, “nước đầy đủ mặc sức cho mấy mẹ con xài.”

Đến lúc đủ tuổi đi học, chị Ba dẫn Tám vô trường Tiểu Học Trung Thu gặp Bà Hiệu Trưởng xin cho Tám học mẫu giáo. Tám bắt đầu đi học nhưng Tám lo lắm vì Ba đâu còn để đưa và rước Tám đi học nữa. Tám nhớ dạo đó có một anh hay đưa rước Tám đi học, Má nói đó là anh Như, con trai Bác Ba. Dạo đó anh đi lính bị thương nên ở nhà, chắc anh đang để ý phe con gái lớn. Tám nhớ anh hay mặc áo sơ mi trắng quần tây xanh đậm, anh là người dẫn Tám đi học mỗi ngày, khi đi bằng xe xích lô đạp, lúc thì xe Honda anh chở, hôm nào cũng ghé ăn ly kem hay da ua trước khi về nhà, Tám thích lắm. Nhưng sao anh không biết Tám nhớ ly chè đậu đỏ bánh lọt ngoài đầu đường Ba cho ăn hồi còn sống? Gia đình Tám ở đó gần sáu tháng mới dọn trở về nhà ở Phú Lâm. Lần cuối anh Như đưa Tám đi học trong bộ đồ lính. Sau đó lâu lắm Tám không gặp anh nữa. Má nói anh Như ra trận kỳ đó là lần cuối. Anh Như tốt như Ba của Tám vậy. Thế nào anh cũng gặp Ba.

Tám yêu mái ấm gia đình ngày xưa lúc cả nhà còn Ba. Nhà lúc nào cũng nhộn nhịp rất vui. Sau khi ăn cơm tối, Ba hay chở Má và đám nhỏ ra bờ sông ngồi hóng gió mát tới tối. Tám không nhớ đó là bờ sông nào, Má nhắc, “đó là bến Bạch Đằng” Tám chỉ nhớ Ba trải chiếu cho Má ngồi lúc đó Má ẵm nhỏ út, anh Sáu chạy mua bắp nướng, mía ghim, lúc thì mua khô mực, mấy con mực nướng được bỏ vô máy kéo mỏng thiệt là dài, chấm tương ớt, ngon sao lạ! Nhớ những lúc Ba chở đám nhỏ đi công viên chơi, có lần thấy cầu tuột cao thiệt là cao, cao tận trời xanh, Tám sợ không dám leo lên, Ba nói, “con leo lên đi, rồi tuột xuống giống như chim bay vậy nè, xuống đây Ba sẽ chụp, không sợ gì hết.” Tám không sợ vì Ba đứng phía dưới chờ.

Ở Mỹ gần hai chục năm, lần đó Tám về thăm VN, nhớ đến ngôi nhà xưa, cũng bao lần Tám trở về ngang khu cư xá, nơi vẫn còn ngôi nhà mang số 12 của Ba mua cho gia đình ở chung thật đầm ấm, nơi đó Tám có mấy đứa bạn hồi thuở còn bé, nhưng không hiểu sao chưa bao giờ Tám trở lại ngôi nhà, dù chỉ một lần. Tám chỉ có thể đứng ngoài đường lớn, nơi mà ngày xưa có xe sinh tố mà Ba ngồi chờ Tám ăn trước khi về nhà. Nhìn xe qua lại, bây giờ xe cộ rất đông, mọi người hối hả, nhà cất nhiều lan lấn ra cả đường, Tám ngồi đó không muốn quẹo vô, bởi vì tánh Tám rất ích kỷ, không muốn nhìn thấy người lạ ở trong nhà của Ba.

Nơi đó trên con đường một lần thắm máu của Ba....Tám nhớ Ba lắm.

Ba ơi, gia đình mình bây giờ đông lắm, mấy chục người. Đám con của Ba, phe lớn và đám nhỏ, đã có gia đình, học hành thành công, việc làm vững chắc, tụi con sống đùm bọc lẫn nhau bao quanh Má. Cuối tuần phe lớn nấu món này món nọ thiệt ngon để dụ khị đám nhỏ tới ăn, để kể chuyện xưa, để nhắc đến Ba. Paul, cháu ngoại đầu tiên của Ba bây giờ oai lắm, năm ngoái thăng chức Commander trong Hải Quân. Mỗi lần về thăm mẹ, không bao giờ quên thắp nén nhang cho ông ngoại. Đám cháu của Ba, những đứa cháu Ba chưa thấy mặt qua nay cũng lên tới 20 đứa rồi, thành một đám nhóc. Có mấy đứa trong đám nhóc đã lập gia đình, và có con, đám tí hon đứa nào cũng dễ thương, tương lai của đám tí hon này không biết là bao nhiêu đứa nữa, chắc không nhiều vì sau này gia đình đám nhóc rất ít con. Đại gia đình của Ba đang mong đợi thêm một tí hon ra đời, còn tới 4 tháng lận.

Tám mất Ba lúc còn quá nhỏ. Tám biết nó ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống của Tám và tất cả anh chị em trong gia đình. Nhưng dù gì đi nữa những kỷ niệm của gia đình lúc còn Ba và mọi thứ Ba đã làm, với Tám, đã ở trên và vượt ra ngoài thời gian, những ký ức đây là một bộ nhớ Tám sẽ luôn luôn cất giữ như kho báu.

Mỗi buổi sáng uống ly sữa và viên dầu cá Tám lại nhớ câu Ba hay nói: “ráng học giỏi.”

Tuổi thơ của Tám là vậy đó.

Trương Kim Hoàng Thư

Ý kiến bạn đọc
17/11/201308:00:00
Khách
Thành thật cám ơn PTN, LTT, và Hạt Me với những lời chia xẽ thật dễ thương. Có nhiều chuyện xảy ra trong đời mình không bao giờ quên được.
TKHT
19/12/201203:07:12
Khách
"BA CỦA TÁM" là người Ba tuyệt vời. "TÁM CỦA BA" là người con ngoan, không nhỏng nhẻo nhưng thích ăn quà vặt và thỉnh thoảng . . . khóc nhoè. Tuổi thơ tác giá sống với Ba quá ngắn ngủi nhưng nhớ rỏ nhiều kỷ niệm đẹp và dể thương. Tác giả đã vẽ lên hình ảnh một gia đình hạnh phúc và đầm ấm. Hy vọng "TÁM CỦA BA" có thêm nhiều sáng tác mới. (Cali, 18-12-2012)
25/11/201218:35:59
Khách
Cô Tám viết bài nầy rất dễ thương. Tuổi nhỏ của cô với Ba tuy không nhiều nhưng tràn ngập tình thương . Ba của tám thật là một người cha tuyệt vời.
28/11/201207:08:57
Khách
Chiến tranh VN có bao nhiêu đứa bé mất cha? Bài viết làm tôi nhớ thời Ba tôi còn sống. Tôi cũng mất cha lúc còn bé. Rất thấm thiết. Cám ơn tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,548
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.