Hôm nay,  

Lửa Vẫn Cháy

15/06/201800:00:00(Xem: 12230)
Tác giả: Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Bài số 5413-19-31254-vb6061418

 
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.

Bài viết thứ ba của tác giả sau khi nhận giải mang tên Bà Trùng Quang  là câu chuyện về một trong những người khởi xướng các nỗ lực bảo tồn phát triển ngôn ngữ văn hóa Việt trên đất Mỹ suốt 30 năm qua,  từ  Giải Khuyến Học tới Hội Việt Học.
 
viet ve nuoc My (1)
Ban Hợp Xướng Viện Việt Học hát tiễn anh Nguyễn Minh Lân trong lễ Tưởng Niệm.

viet ve nuoc My (2)
GS Đàm Trung Pháp, GS Nguyễn Văn Sâm, và GS Bác sĩ Trần Ngọc Ninh phát biểu trong lễ Tưởng Niệm.

 
***

 
Vạn sự khởi đầu nan
 

 Cuối thập kỷ 70 và những năm 1980… Làn sóng người Việt vượt biểân và được định cư ở Mỹ lên rất nhiều. Trong số những người này, có một gia đình với ông bố và hai con nhỏ, một trai và một gái. Ông và hai con được một người cùng quê bảo lãnh từ đảo về sinh sống ở tận Oregon.  Nơi đây ông đã vào học ở đại học Oregon một thời gian trước khi chuyển về Cali.

Thời ấy, đời sống của người Việt mới định cư tại Hoa Kỳ đối diện nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ. Mấy ai có học tiếng Anh ở quê nhà. Thứ đến là việc làm. Không nói được thì biết tìm việc ở đâu. Rồi đồng lương ít quá. Nhiều chủ nhà từ chối cho thuê nhà. Hai, ba gia đình phải sống chung với nhau mới gom đủ tiền nhà hàng tháng. Khi vừa ổn định, thì phải chắt bóp để có tí chút gửi về giúp bao người đang trông chờ ở nửa vòng trái đất bên kia.

Ông bố của gia đình nhỏ nói trên cũng te tua mới vượt qua những thử thách ban đầu đó. Khi các khó khăn trên có phần giảm bớt thì ông bắt đầu đi tìm chỗ dạy tiếng Việt cho mấy đứa con kẻo chúng lại quên tiếng mẹ đẻ. Cuối tuần nào ông cũng chở mấy đứa bé, có khi cả con hàng xóm nữa, trên chiếc xe rất cũ đi về cả trăm dặm đường mới có một lớp học tiếng Việt cho lũ trẻ. Dần dà ông hội họp những người quen biết, phần lớn là người mới quen, tìm nơi mở lớp tiếng Việt gần hơn để nhiều gia đình có thể cho trẻ con đến học hơn. Ông và vài người nhiệt huyết lại đi hết nhà thờ này đến chùa khác xin mượn phòng. Rồi ông và các người bạn mới quen đó có thêm việc làm mới là thay nhau đứng lớp dạy trẻ em tiếng quê hương.

Khi chuyển về Cali, miền nắng ấm, ông theo học ngành Mechanical Engineering tại đại học California State University, Long Beach. Đây là nơi ông từng làm Chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam lúc bấy giờ, và lòng mong mỏi đóng góp cho sự nghiệp văn hóa giáo dục từ khi ông đặt chân đến nước Mỹ, cũng nẩy mầm từ đó. Ông tụ họp những người bạn Việt trẻ cùng học với ông và nói với họ nỗi niềm tha thiết muốn giữ gìn văn hóa Việt nơi này.

Ông chính là anh Nguyễn Minh Lân, người vừa nằm xuống để lại bao luyến tiếc và thương mến nơi người còn lại.

 
Từ Giải Khuyến Học...
 

Một trong những sinh viên trẻ Cal State Long Beach hồi ấy, Anh Bùi Tú Khanh, sinh viên ngành Hóa học mà hôm nay là khoa học gia ngành sinh hóa, biết anh Lân 35 năm, đã nói rằng khi được anh Lân phó thác việc tổ chức Giải Khuyến Học đầu tiên năm 1984, anh chẳng biết gì về việc này. Nhưng anh Lân cứ khuyến khích, cứ tin tưởng người trẻ. Thế là anh Khanh làm thành công và cho đến bây giờ vẫn là người tích cực hỗ trợ những ước mơ về văn hóa của anh Lân.

Từ ấy đến nay, anh Lân vẫn là bức tường kiên cố của Giải Khuyến Học tức Viet Olympiad và lúc nào cũng âm thầm chia sẻ mọi khó khăn. Những ngày trên giường bệnh, anh vẫn ân cần dặn chị Cao Minh Châu ráng làm cho trọn vẹn Giải Khuyến Học kỳ 29 năm nay. Giải Khuyến Học là giải thưởng thi bằng tiếng Việt các môn Lịch Sử, Địa Lý, Văn Học Việt Nam và Kiến thức đời sống nhằm khuyến khích các trẻ em Việt Nam trong việc phát huy tiếng Việt và mở rộng tri thức với thế giới bên ngoài. Đối tượng nhỏ nhất của Giải Khuyến Học hiện nay vẫn bắt đầu từ các em bảy, tám tuổi, thuộc bậc tiểu học. Được biết  Giải Khuyến Học ở hải ngoại bắt đầu ra đời tại miền Nam California là từ nỗ lực này,  năm 1984. Còn sớm hơn cả nỗ lực phục hồi và tổ chức Giải Khuyến Học ở trong nước kể từ 1975.

Anh cũng là người đề nghị và sáng lập Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại các trường đại học California mà khởi đầu là các Hội Sinh viên Việt Nam.

 
...tới Viện Việt Học.
 

Qua môi trường Giải Khuyến Học và cùng lúc các lớp tiếng Việt cho trẻ em ở Quận Cam đã đủ mạnh để trở thành nhiều Trung Tâm Việt Ngữ khác nhau, anh Lân lại thao thức trước vấn đề làm sao cho tuổi trẻ Việt Nam ở ngoài nước thấy ham thích cái học về nguồn gốc và không nghĩ  rằng  học chữ Việt đi ngược với cái học  Âu Mỹ. Rồi lại trăn trở “Tài liệu ở đâu?”, “Nhân sự nào để chăm lo nội dung đầy thử thách trên?” Trước khủng hoảng này, năm anh chị em trong số thành viên các Ban Tổ Chức Giải Khuyến Học, qua thời gian cùng làm việc gần 20 năm, đã vận động nhiều nơi. Và anh Lân đã viết đề án thành lập Viện Đại Học Việt Nam Hải Ngoại. Đó là bước đầu dẫn đến việc thành lập Viện Việt Học, Institute of Vietnamese Studies, ở thành phố Westminster, miền nam Cali, tháng 2 năm 2000.

Nói đến chữ “Viện”, nhiều người liên tưởng đến những tòa nhà nhiều từng, nơi làm việc của các khoa học gia hay các học giả hàn lâm. Viên Việt Học thì khác xa như thế. Chỉ là một cái suite  với một hội trường nhỏ mà do tài chánh eo hẹp, được sửa chữa lần hồi để có sân khấu. Vì Viện Việt Học là một tổ chức không lợi nhuận, không có tài trợ từ bất cứ tổ chức nào ngoại trừ sự đóng góp thiện nguyện của những người hỗ trợ, trước tiên là bởi chính 5 thành viên vận động sáng lập.

Chính tại đây, những người trẻ và những người lớn tuổi, những người tâm huyết với tiền đồ văn hóa và ngôn ngữ dân tộc nơi xứ người đã ngồi lại với nhau để cùng giữ gìn lửa Việt cho con cháu các thế hệ mai sau. Bao nhiêu cuộc hội thảo, thuyết trình, triển lãm về lịch sử, văn học, ngôn ngữ, văn hóa Việt đã tổ chức với sự tham gia của nhiều học giả từ các nơi khác và các nước khác đến. Bao nhiêu lớp dạy chữ Nôm để duy trì hồn Việt. Quyển “Tự Điển Chữ Nôm Trích Diễn” mà GS Nguyễn Văn Sâm là một trong những thành viên của ban biên tập đã ra đời ở đây.

Có một thời gian dài người đến sinh hoạt với Viện thường là người lớn tuổi. Thế rồi từ năm 2010, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học ra đời với biết bao nhiêu buổi sinh hoạt trình diễn âm nhạc Việt đã làm thổn thức lòng người Việt tha hương. Từ những bài tốp ca rồi đến hợp ca, anh Lân nhận ra một cái “thiếu”:  Anh chị em Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học có thể hát những bài ca quê hương theo phong cách “thính đường”, và như vậy đòi hỏi khả năng hợp xướng! Anh Lân cho rằng những bản hợp xướng nhạc quê hương dân tộc sẽ đem lửa Việt đến nhiều thế hệ trẻ. Thế là Ban Hợp Xướng Viện Việt Học ra đời với sự tham gia của người lớn.  Khi anh Lân thay mặt Hội Đồng Điều Hành Viện Việt Học mời nhạc trưởng Trần Chúc, có hai mục tiêu được đưa ra, hướng dẫn lớp hợp xướng (thanh nhạc), sau là thành lập Ban Hợp Xướng Viện Việt Học. Chỉ một năm sau, Ban Hợp Xướng Thiếu Nhi cũng ra đời.

Về lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt, năm 2008, Viện bắt đầu Chương trình Thí điểm Dạy Việt Ngữ bằng Âm Vị  theo hướng dẫn của Gíao sư Trần Ngọc Ninh cùng với tham khảo từ một vài nhà nghiên cứu ngữ học trước đây. Với chương trình này, Viện Việt Học đã tiên phong thực hiện thay cho phương pháp đánh vần thông thường. Đến nay đã có gần 15 trường (trung tâm) giảng dạy Việt ngữ tại một số tiểu bang (miền Đông lẫn miền Tây Hoa Kỳ, kể cả một số trung tâm ở Bắc và Nam California) đã mời VVH đến trình bày, chia sẻ hoặc hướng dẫn phương pháp này.


Năm 2013, chương trình thí điểm này được đổi tên là Chương trình Căn bản Việt Ngữ Viện Việt Học. Kể từ năm 2017, chương trình trên trở thành Trung Tâm Việt Ngữ Việt Học.

Đến sinh hoạt với Viện, từ năm 2010, người ta thấy già trẻ đề huề nhưng cũng không thiếu thành phần trung niên. Có thể nhìn thấy sự có mặt của nhiều thế hệ qua hai khẩu hiệu treo hai bên sân khấu: “Tương Lai của Tuổi Trẻ - Tương Lai của Chúng Ta.” Điều này làm anh Lân vui lắm. Anh chăm chút từng ly từng tý cho những “mầm non, rường cột của tổ quốc” và các em rất gần gũi thân mật với anh.

Có thể nói dù là các hội nghị sôi nổi hay các sinh hoạt nhẹ nhàng hằng tuần như lớp chụp ảnh… bao giờ cũng thấy anh Lân luôn đứng sau, ăn mặc xuềnh xoàng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không nề hà bất cứ việc gì. Cái giản dị, khiêm tốn, hòa ái, và tính âm thầm chịu đựng của anh khiến mấy ai biết được anh là “kiến trúc sư”, và “nhà chiến lược” của Viện Việt Học.

 
Chiến đấu với thử thách…
 

Theo Phật giáo, con người nuôi mình bằng bốn loại thức ăn. Để duy trì sự sống trước hết là thực phẩm ta dùng hằng ngày, gọi là đoạn thực. Người ta cũng nuôi dưỡng mình bằng xúc thực, tức là những cảm xúc, những lời khuyến khích. Loại thức ăn thứ ba để nuôi chúng ta là thức thực. Là phải đọc sách, xem phim, nghe nhạc, giao tiếp nói cười với mọi người. Nếu không có những thứ ấy, đời sống con người sẽ buồn tẻ biết bao.

Chúng ta cũng thấy ở quê nhà nhiều bà mẹ vì hoàn cảnh nghiệt ngã phải tự một mình nuôi một đàn con. Những người mẹ này làm việc liên tục gần như cả đời trong điều kiện kham khổ thiếu thốn. Sức khỏe cùng kiệt, bệnh sắp quật ngã rồi. Nhưng con chưa đủ khôn lớn nên mẹ quyết không được ngã bệnh để nuôi con cho đến lúc lớn khôn đầy đủ. Mẹ đã vượt mọi khó khăn, nuôi mình bằng ước mong được thấy các con trưởng thành, tức là loại thức ăn cuối cùng, tư niệm thực.

Và trong lịch sử Phật giáo, Bồ Tát là người đoạn tận mọi phiền não, hoàn toàn làm chủ sinh tử của mình, đến đi tự tại. Nhiều trong những vị này vì lòng đại bi trước nỗi thống khổ của nhân sinh, nên muốn trở lại cõi đời này cứu giúp. Các vị phải làm một điều gì đó để có lý do sinh lại đời sau. Thuật ngữ Phật giáo gọi là “lưu hoặc nhuận sanh”.

Cách đây mấy năm khi anh Lân bị bệnh, không ai nghĩ anh có thể sống lâu.  Nhưng anh đã sống nhiều hơn gấp đôi người cùng bệnh, cùng thời. Anh đã nuôi dưỡng mình trong thời gian bị bệnh bằng tư niệm thực. Là bằng những trăn trở mong mỏi làm sao phát huy được văn hóa và tiếng Việt cho giới trẻ Việt nơi xứ người. Niềm đam mê giữ gìn văn hóa dân tộc của người đàn ông dẫn các con nhỏ vượt biển đến Mỹ gần bốn mươi năm về trước vẫn cháy bỏng và giúp anh vượt mọi trở ngại của bệnh tình. Ai cũng biết dù bệnh đã lâu, anh chẳng nghĩ đến cái chết, chỉ lo không có người tiếp tay thực hiện lý tưởng. Các con anh đã mua cho anh trọn gói tang lễ. Anh minh mẫn đến phút cuối cùng dù rất đau đớn. Anh đã gọi nhiều người bạn đến chào và dặn dò lần cuối về hoài bão của anh. Anh không muốn tổ chức tang lễ. Anh muốn sau khi anh nhắm mắt thì đưa vào nhà quàn và hỏa táng. Tro tàn thì đem ra sông biển cho gió nước nhẹ nhàng cuốn đi không để lại dấu tích.

Anh thở hơi cuối cùng chiều ngày 30-4-2018.

Mãi đến ba tuần sau mới làm lễ hỏa táng trong phạm vi gia đình, nhưng có một người Mễ cũng đến dự. Đó là ông Mễ già thường giúp việc lao động nặng nhọc ở Viện Việt Học từ khi bệnh anh Lân trở nặng. Ông không biết nói tiếng Anh. Nhưng khi biết anh Lân mất, ông đã khóc. Ngày hôm sau ông dẫn theo một cậu trai nhỏ làm thông dịch. Ông nói anh Lân thật tốt với ông. Mỗi khi ông làm việc cả ngày cho Viện thì những buổi trưa đó anh Lân đều ân cần mời ông ăn trưa bằng những món ăn Việt rất ngon. Ông thương quý anh.

 
Lễ Tưởng Niệm
 

Ngày 2 tháng 6, 2018 vừa qua, Viện Việt Học làm lễ Tưởng Niệm anh Nguyễn Minh Lân trong vòng thân hữu. Có đến hơn trăm người đến dự.

Được biết Giáo sư Cố Vấn Viện Việt Học, Giáo sư Trần Ngọc Ninh tỏ ý Viện cần phải làm lễ Tưởng Niệm.  Đây cũng là điều mong mỏi của những anh chị em từng sinh hoạt với anh Lân trải suốt nhiều thập niên và rất thương mến anh.

Buổi tưởng niệm mang không khí thân mật và trang nghiêm.  Phần phát biểu được lồng vào thứ tự thời gian quá trình sinh hoạt của anh Lân, bắt đầu với lời chia sẻ của anh Bùi Tú Khanh, đại diện các anh chị em cựu sinh viên đại học CSU Long Beach và nhóm cựu Tổng Hội Sinh Viên thời thập niên 80.  Giáo sư Cao Minh Châu, Chủ tịch Giải Khuyến Học Viet Olympiad chia sẻ, “Anh Lân ra đi là một đại tang cho Giải Khuyến Học”, và “Ngay ngày mai này (một ngày sau buổi tưởng niệm anh Lân), Giải Khuyến Học tổ chức cuộc thi năm nay, tôi sẽ dành một ghế danh dự cho anh”…

Xen kẽ giữa các phần phát biểu là khoảng năm bài nhạc mà anh Lân từng yêu thích, do Ban Hợp Xướng Thiếu Nhi Viện Việt Học, Ban Hợp Ca Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học và Ban Hợp Xướng Viện Việt Học trình bày với sự hướng dẫn của nhạc trưởng Trần Chúc và dương cầm thủ Trương Vũ đệm đàn.  Một tiết mục đơn ca duy nhất trong chương trình là bài Những Dòng Sông Chia Rẽ trong trường ca Mẹ Việt Nam của cố nhạc sĩ Phạm Duy được ca sĩ thân hữu Thu Vàng trình bày với trọn tâm hồn, khiến cho không ít bạn hữu anh Lân rơi lệ. Đặc biệt là Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trước khi đàn piano đệm cho Thu Vàng hát đã tạ lỗi trước di ảnh của anh là đã không đàn được cho anh nghe khi anh còn khỏe.

Cô Thuy Minh Hồng, cựu hiệu trưởng Chương Trình Việt Ngữ Thí Điểm Viện Việt Học đã mời phụ huynh, các thầy cô và các em học sinh cùng có mặt khi nói lời tiễn biệt anh Lân.  Các cựu Hội trưởng Hội Mẹ Cha Học Sinh trong chương trình này, ông Đặng Trân và Cao Quế Lâm, những người có nhiều kỉ niệm với anh Lân  khi cùng sắp xếp, chuẩn bị lớp học, đã chia sẻ chân thành  lòng thương mến anh.

Một hình ảnh cảm động khác là hai vị giáo sư đã lớn tuổi lắm rồi cùng dìu một cụ già cao tuổi hơn nữa lên tiễn biệt anh Lân. Cụ già đó là Giáo Sư Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh, nguyên Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa và cũng là Tổng trưởng Văn hoá Xã hội, đặc trách Giáo dục, trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (1966-1967). Giáo Sư Trần Ngọc Ninh nói rằng anh Lân đã từ bỏ tất cả kể cả việc làm để thực hiện giấc mơ gìn giữ tiếng nói và văn hóa Việt Nam dù không nhận được giúp đỡ nào từ chính phủ.

Qua đó, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm cũng nhắc nhở “nghe hành trạng của anh Lân không phải để quên mà để suy ngẫm xem phải làm gì.”

Còn vị thầy khả kính của tôi, Giáo Sư Đàm Trung Pháp, đã nghẹn ngào nói đến tính khiêm nhường, sự gắn bó thân thương, và lòng đam mê mãnh liệt với văn hóa dân tộc của anh Lân.

Người bạn 30 năm trong môi trường sinh hoạt văn hóa giáo dục với anh Lân, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, đã khóc khi nói rằng anh không học với ông nhưng lúc nào cũng nhún nhường gọi ông bằng Thầy. “Nay tôi xin trả chữ Thầy lại cho anh. Và xin gọi anh bằng Thầy.”

Anh Nguyễn Minh Lân thực sự là một người yêu nước, một chiến sĩ tiên phong trong việc bảo tồn tinh hoa nước Việt nơi xứ người,

*

Từ một chiều Ba Mươi Tháng Tư năm nào, nhiều người đã ra đi, không biết về đâu.

Chiều Ba Mươi Tháng Tư 2018, khi anh Lân trút hơi thở cuối cùng, những người Việt lưu vong vì tự do đã vững bước trên quê hương mới. Ngôn ngữ, văn hóa, tinh hoa Việt đang tiếp tục được bảo tồn, phát triển.

Anh Lân ơi!

Anh ra đi thư thái.

Xin an nghỉ, anh nhé. Chúng tôi đang tiếp bước anh. Các con cháu chúng ta sẽ nối bước. Hương Việt sẽ tiếp tục lan tỏa. Lửa Việt nơi nơi vẫn tiếp tục ngời sáng.

Tạm biệt anh! Tạm biệt người luôn khiêm cung đứng sau với khí phách kẻ sĩ!

Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến