Hôm nay,  

Báo Xuân, Hội Xuân, Và Khách Văn

04/04/201800:00:00(Xem: 9201)
Tác giả: Khôi An

Bài số 5353-19-31194-vb4040518


Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và  hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô. Hình ảnh tại Hội Tết Mậu Tuất, San Jose, California.

image001
Hàng Cờ ở Cổng Vào.


image003
Bàn Tưởng Niệm của Cuộc Tàn sát Tết Mậu Thân, 1968.


image002
Và gian hàng sách & báo xuân Việt Báo.

***
 

Thấm thoát mà tháng Giêng đã trao mùa Xuân cho tháng Hai.

Bánh chưng và các món ăn ngày Tết đã hết, áo dài cũng đã cất đi, nhưng niềm vui đầu năm vẫn còn ở lại. Tết năm nay có nhiều điều đáng nhớ. Chỉ những điều nho nhỏ thôi, nhưng đầy ý nghĩa.

 
Báo Xuân
 

Năm nay, 2018, là kỷ niệm một trăm năm tờ báo Xuân đầu tiên ở Việt Nam: Giai Phẩm Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918 của hai vị chủ bút Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác. Một thế kỷ đã qua từ sáng kiến của hai nhà báo lừng lẫy vào bậc nhất Việt Nam, và báo Xuân đã trở thành một phần không thể thiếu của Tết.

Trước năm 1975, chẳng những các tờ báo chuyên nghiệp ở miền Nam có báo Xuân, mà các trường Trung học lớn cũng làm báo Xuân.

Báo Xuân là đúc kết của những tài hoa, sáng tạo trong giới học sinh, và là niềm tự hào của mỗi trường. (Tôi biết một nhân vật khá thành công trong xã hội, nhưng thành tích duy nhất mà anh ấy “khoe đi khoe lại” là trước năm 1975, anh từng làm trưởng khối báo chí trường Nam Trung Học Petrus Ký, Sài Gòn và đã được dẫn đầu phái đoàn đi bán báo Xuân – rất đắt hàng, vui nhất là ở các trường của con gái như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt…)

Ra đến hải ngoại, dù số người đọc ít ỏi, nhưng hầu hết những tờ báo lâu đời trong cộng đồng Việt đều duy trì truyền thống báo Xuân.

Nhưng, đến cuối thập niên 90, cuộc nhảy vọt về kỹ thuật đã đưa đến một hệ lụy, đó là “văn hóa thưởng thức sản phẩm tinh thần miễn phí”. Người ta quen với chuyện không trả tiền nhưng vẫn được nghe nhạc, đọc sách, báo trên mạng. Văn chương được cắt, dán từ trang chủ qua nhiều trang khác, đi cả một vòng thế giới, người xem năm châu chẳng ai tốn đồng nào.

Việc phát hành sách, báo bị ảnh hưởng rất nhiều từ đó.

Cách đây vài năm, một vị trong ban biên tập báo Xuân Việt Báo đã chia sẻ rằng tờ báo được thực hiện với nhiều tâm huyết và công sức nhưng giá tiền chỉ gói gọn bằng một cái bánh chưng.

Thời đó, bánh chưng mười đồng một cái.

Tết Mậu Tuất năm nay, một cái bánh chưng đã tăng thành mười lăm đồng, nhưng tờ báo Xuân Việt Báo vẫn giữ nguyên giá cũ, mười đồng.

Đôi khi tôi cũng có chút bùi ngùi cho văn chương, nói chung, và sách báo, nói riêng. Nhưng ý nghĩ đó biến đi khá nhanh, bởi tôi tin vào văn học, nghệ thuật. Những tác phẩm giá trị luôn luôn có một chỗ đứng riêng, vượt trên mọi xô bồ và cả thời gian.

Báo Xuân Việt Báo luôn có bìa màu đỏ pháo, ở góc phải là hình vẽ con giáp của năm bằng nét đen đậm, tựa như nét bút lông. Cách trình bày không thay đổi từ bao năm đã trở thành biểu tượng của tờ báo. Ngay từ tấm bìa, tờ báo đã có vẻ đặc biệt, đơn giản mà mỹ thuật, nhẹ nhàng nhưng vẫn có nét kiêu kỳ lặng lẽ, giống như một kẻ sĩ “biết người, biết mình”.

Mỗi năm, báo Xuân Việt Báo đều có một chủ đề liên quan tới lịch sử. Chủ đề lịch sử năm nay, Mậu Tuất, 2018, là sự kiện lừng lẫy: “1030 năm chiến thắng Bạch Đằng”.

Đọc những bài trong báo Xuân về ba lần giặc xâm lăng phương Bắc đền tội trên sông Bạch Đằng, lòng tôi bừng lên cảm giác tự hào. Tôi nhớ lại câu chuyện sứ giả nước Việt là Giang Văn Minh đã trả đũa sự trịch thượng của vua nhà Minh bằng chiến thắng Bạch Đằng.

Năm 1637, để làm bỉ mặt Việt Nam trong một buổi triều kiến có rất nhiều sứ bộ trên thế giới, vua Minh đã nhắc lại cây cột đồng do Mã Viện chôn ở nước Nam sau khi đánh bại Hai Bà Trưng bằng vế câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục", nghĩa là “Cột đồng đến giờ rêu vẫn xanh”.  Chánh sứ Giang Văn Minh đã hiên ngang đáp lại: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", nghĩa là “Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ”. Ba lần chiến thắng Bạch Đằng để trả lời một lần Mã Viện khoe công, câu đối đã làm vua Minh tím mặt.

Ngoài lịch sử, báo Xuân Việt Báo luôn có nhiều bài vở phong phú và rất giá trị bao gồm từ chính trị, khảo cứu, văn học, nghệ thuật, cho tới chuyện cộng đồng. Thời sự dĩ nhiên là cập nhật, mà văn học cũng theo sát những đề tài nóng hổi trong năm. Xuân Đinh Dậu, báo giới thiệu Ocean Vương, nhà thơ gốc Việt được giải Whitting Award 2016. Xuân Mậu Tuất, báo có truyện của Giáo Sư Nguyễn Thanh Việt, người về đầu năm 2017 của giải văn chương Pulitzer, giải thưởng lâu đời và cao quý vào hàng đầu của Hoa Kỳ.

Điều quý nhất, đối với tôi, là Báo Xuân Việt Báo luôn có nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lão thành, những người đã từng gắn bó với thời huy hoàng của văn học miền Nam 1954-1975. Có khi là bài viết từ xưa, có lúc là bài mới, nhưng tôi thích nhất là những bài dựa trên ký ức vui buồn từ mấy mươi năm trước. Tôi cảm thấy như người viết đang mở tim ra để chia sẻ những điều quý nhất trong thời hoa niên rực rỡ của họ với người đọc. Cứ mỗi năm, số tác giả đó lại bớt đi một vài người. Họ đã đến nơi mà ai cũng sẽ đến. Điều đó không thay đổi được, nhưng nó vẫn làm tôi bâng khuâng. Và càng cảm được rõ hơn cái giá trị độc đáo của Báo Xuân Việt Báo.

 
Hội Tết & Gian Hàng Sách Báo
 

Tôi không khéo bán hàng. Nói rõ hơn, tôi không thích quảng cáo dài dòng hay vận sức mời mọc người mua. Tôi chỉ mời nhè nhẹ và muốn rằng khách có thể nhìn phong cách của người bán mà hiểu ra giá trị của món hàng. Đó là một suy nghĩ chủ quan và thường đưa tới kết quả là… bán ế. Tôi biết thế nên chẳng bao giờ dám mơ làm giàu bằng đường thương mại.

Vì vậy, có người thắc mắc: thế nhưng bạn vẫn bán sách báo trong hội chợ Tết?

A, bán sách. Đó là chuyện khác. Với tôi, đem những quyển sách giá trị tới tay người đọc không phải là buôn bán, mà là làm văn hóa.

Hội Xuân mà không có một vài gian hàng văn học, nghệ thuật thì như ngày Tết mà thiếu hoa, như người đẹp mà kém duyên. Vì thế, từ hai năm nay, nhóm Việt Bút Bắc California bán báo Xuân Việt Báo và sách Viết Về Nước Mỹ ở hội Tết. Đó là cách chúng tôi đóng góp cho cộng đồng.

Tuy vậy, khi chạm vào thực tế, chuyện đóng góp cũng không đơn giản.

Ở San Jose, Bắc California, năm nào cũng có vài hội chợ Tết. Năm nay, Tết rơi đúng vào cuối tuần nên có hai hội chợ thật hào hứng, đông vui. Tuy nhiên, cả hai nơi đều thu lệ phí gian hàng: hai trăm đô la là giá “ủng hộ” cho các hội đoàn phi lợi nhuận. Số tiền đó có thể nhiều hơn tiền lời bán sách nên chúng tôi chỉ đi tìm các hội chợ cho phép các hội đoàn tham gia miễn phí.

May sao, trước Tết hai tháng, tôi nghe radio giới thiệu một hội chợ được thành phố San Jose và nghị viên Nguyễn Tâm bảo trợ vào ngày thứ Bảy, 24 tháng 2, tức mùng chín Tết Mậu Tuất. Thế là tôi mừng rỡ đi họp với ban tổ chức tại Trung Tâm Cộng Đồng Việt Mỹ, nơi hội chợ sẽ diễn ra.

Thứ Tư, ba ngày trước hội Tết, tôi đã xếp sẵn sách báo trong xe, và các anh chị trong nhóm Việt Bút Bắc Cali cũng đã sẵn sàng “ra quân”.

Rồi mãi đến chiều tôi mới chợt nhớ ra…

Năm 2018 là đúng năm mươi năm sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, 1968. Làm văn hóa mà không có gì để tưởng niệm các nạn nhân của biến cố này thì là một thiếu xót rất lớn. Mặc dù trong Báo Xuân có mấy bài về biến cố Mậu Thân, nhưng gian hàng phải có một thứ gì để khách du xuân dễ dàng nhìn thấy và nhớ lại. Chọn lựa tốt và nhanh nhất là quyển Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhà Văn Nhã Ca với bản Anh ngữ Mourning Headband for Hue do Giáo Sư Olga Dror chuyển dịch.

Vì không còn thời giờ để lấy sách từ quận Cam, tôi viết email cầu cứu nhóm Việt Bút Bắc California. Chị Iris cho mượn ba quyển, cộng với hai quyển của tôi. Thế là vấn đề được tạm giải quyết.

Tối thứ Năm là buổi họp cuối cùng của Ban Tổ Chức hội Tết. Khi bàn đến mục nghi lễ trước bàn thờ quốc tổ do Hội Người Việt Cao Niên Vùng Vịnh đảm trách, một cụ ông chuyển ý kiến của cụ Trương Đình Sửu về việc lập thêm một bàn tưởng niệm nạn nhân năm Mậu Thân. Đề nghị này đã được cả hội trường nhanh chóng đồng ý, làm cho tôi thấy rất ấm lòng.

Cám ơn các cụ cao niên đã đóng góp một điều ý nghĩa nhất và đẹp nhất của mùa lễ hội năm Mậu Tuất.

Bàn tưởng niệm là nơi để những người chưa quên đến nghiêng mình nhớ đến các nạn nhân của cuộc xâm lấn năm xưa. Bàn thờ đó thay cho lời tuyên bố của cộng đồng người Việt hải ngoại: khi nào giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Sản chưa cúi đầu ăn năn trước lịch sử thì tội ác của họ và những oan khiên Mậu Thân vẫn chưa tan.

Không khí của buổi họp cuối cùng khá rộn ràng. Cô Hạnh, trưởng ban tổ chức còn rất trẻ nhưng khéo léo và đầy năng lực đã sát cánh cùng mấy chục tình nguyện viên làm việc thật nhịp nhàng. Trước khi ra về, ban tổ chức mời mọi người ngày mai đến dựng cây cảnh và trang trí cho hội Tết, họ làm tôi nhớ đến cái tưng bừng, thân thiết của những ngày giáp Tết xa xưa khi bà con trong làng họp nhau cùng mổ heo, gói bánh.

Năm nay, nhóm Việt Bút Bắc California chung gian hàng với nhóm Văn Thơ Lạc Việt như năm ngoái. Ngày thứ Sáu, anh Thái NC (thành viên của cả hai nhóm) và tôi đã hăng hái ghé Trung Tâm Sinh Hoạt Việt Mỹ tới hai lần, nhưng vì chúng tôi đến quá sớm nên ban tổ chức còn chưa kịp dựng lều cho gian hàng. Thế là hai người lại hẹn nhau ngày hôm sau ra sớm để sửa soạn trước giờ khai mạc.

Thứ Bảy. Trời nắng ngời ngời nhưng lạnh tới co ro, nhất là khi có luồng gió thổi qua thì tím môi, tê má. Tuy vậy, mới sáng sớm không khí tại hội Tết đã rất tưng bừng. Hai bên lối vào là hai cây mai, đào đầy hoa làm bức nền rực rỡ cho hàng quốc kỳ Mỹ, Việt đang tung bay trong gió. Cổng vào cao vút với hai câu đối; nhạc Xuân và tiếng pháo phát ra từ loa phóng thanh, rộn ràng.

Khi tôi đến gian hàng thì anh Thái NC vừa căng xong biểu ngữ. Anh Thái NC là “gươm lạc giữa rừng hoa” của nhóm Việt Bút Bắc California hiện nay, vì thế mỗi khi cần phải làm việc gì nặng nhọc, “thanh gươm” đều có mặt. Cũng may, có một thân hữu Việt Bút tên Sơn luôn hết lòng giúp đỡ. Dù mưa hay gió, hai anh luôn có mặt đầu tiên để đẩy sách từ xe vào, và ra về cuối cùng sau khi khiêng sách còn lại ra xe. Nhóm văn chương thì cám ơn bằng chữ, vì thế chúng tôi có hai câu đối “tuyên dương” công sức của hai anh như sau:


Mặc gió lạnh, sáng tinh sương Sơn đã ra đẩy chữ

Chấp mưa dầm, chiều nhá nhem Thái vẫn đến khiêng văn.

 

Năm nay, gian hàng của Việt Bút và Văn Thơ Lạc Việt là một trong những gian hàng chưng bày xong sớm nhất. Hình ảnh về giải Viết Về Nước Mỹ - Bé Viết Văn Việt rực rỡ treo phía trước, phía sau là biểu ngữ duyên dáng của Hôi Văn Thơ Lạc Việt, trên bàn là sách báo tươi màu cùng xếp hàng chào đón khách. Sau đó, chúng tôi thảnh thơi ngắm nhìn quang cảnh chung quanh và lấy điện thoại ra chụp hình gởi cho nhóm. Các chị ở nhà chắc cũng náo nức ngóng chờ nên trả lời ngay, khen gian hàng nhà trông đầy khí thế.  Thế là hình ảnh, lời nhắn bay qua bay lại vun vút trên điện thoại, đúng là vui như Tết.

Sau khi đi dạo một vòng, tôi nhận thấy điều đặc biệt nhất tại gian hàng của chúng tôi thì hình ảnh không chụp được, đó là sự “gan dạ” của người trông hàng. Tất cả mọi gian hàng chung quanh đều tặng quà cho khách du xuân; ngay cả gian hàng thư pháp đông khách nhất cũng tặng chữ rồi khách tùy tâm ủng hộ. Chỉ có gian hàng của Việt Bút và Văn Thơ Lạc Việt là bán chứ không tặng. So sánh cho cùng thì quyển sách Viết Về Nước Mỹ chỉ xấp xỉ bằng tiền hai người vào tiệm ăn trưa, nhưng, thời buổi này, biết còn bao người thích xem sách và giữ sách?

Tuy nhiên, tâm niệm của chúng tôi là đem sách báo đến để khách ghé xem, để báo Xuân góp phần cho hình ảnh Tết được trọn vẹn, để khách có chọn lựa nếu muốn đem về một chút văn chương làm kỷ niệm cho buổi du Xuân. Làm được những điều đó là chúng tôi đủ vui. Chút tiền lời bán sách, nếu có, là phần thưởng thêm của cái duyên văn hữu.

 
Khách Văn
 

Mấy năm nay tình hình kinh tế ở vùng Thung Lũng Điện Tử Bắc California rất khả quan nên người ta thoải mái bỏ tiền sắm Tết. Từ hai mươi bốn, hai mươi lăm tháng Chạp, người mua ra vào nườm nượp ở những nơi bán bánh chưng, giò chả ngon có tiếng. Nhân viên bán hàng bận rộn quá, nhiều khi trở thành cau có, khó chịu. Có những nơi khách mua hàng xong lắc đầu tự hỏi sao mình trả cả mớ tiền mà người bán kênh kiệu như vừa mới ban ơn.

Tuy vậy, người mua sách vẫn khá hiếm, và vì thế càng thêm quý. Cái quý nhất không phải là số tiền họ bỏ ra, mà là cái ý muốn đọc những lời trong sách, muốn giữ cuốn sách đó trong nhà. Đó là sự cảm thông giữa người viết và người đọc. Những tác phẩm không phải là hàng hóa mà là sự nối kết giữa người viết văn và khách đọc văn.

Ngày bán sách đầu tiên trong hội Tết Đinh Dậu năm ngoái, trời vừa qua một cơn mưa, gian hàng lại nằm ở một góc khá xa trên bãi cỏ còn ẩm ướt nên khách du Xuân ngại ngùng ít ghé. Trời đã xế, khách càng vắng, chỉ có tôi đứng với đống sách thì bỗng có một người mặc khăn đống áo dài chạy đến mua một tờ báo Xuân. Sau đó mới biết anh ta là thầy dạy tiếng Việt, trông gian hàng của trường Việt Ngữ Văn Lang gần đó. Hành động tuy nhỏ nhưng thật ấm lòng vì nó là lời chia sẻ trong thinh lặng của những người cùng muốn duy trì tiếng Việt.

Năm nay, nhờ chăm chỉ đi họp từ những buổi đầu, tôi đã chọn được căn lều ở ngay ngã ba, nơi nhiều người qua lại nhất. Hội Tết năm nay nhỏ hơn, trời lạnh hơn, nhưng lòng chúng tôi vẫn rộn rã hòa với tiếng trống thúc lân vang dội.

Cũng như năm ngoái, người mở hàng năm nay là anh Hòa, một khách văn rất nhiệt tình và cũng là một bạn đọc lâu năm của mục Viết Về Nước Mỹ. Hôm nay anh cũng đến khi hội Tết vừa mở cửa, và dốc ví mua một túi đầy sách. Anh còn lưu lại gian hàng để chúng tôi có bạn, và chỉ ra về khi mặt trời đã lên cao, lúc hội chợ bắt đầu đông.

Người ta thường nói “văn là người”, nhưng khi bán sách tôi thấy rằng “sách đọc cũng là người”. Có một bác, dáng người nho nhã, dừng lại và cầm ngay lấy quyển Vua Quang Trung của hội Văn Thơ Lạc Việt. Bác nhìn ngắm hình nhà vua ở bìa rồi lật vào trong. Anh Thái NC đến tiếp chuyện và biết được bác là cựu giáo sư Sử Địa ở trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, Sài Gòn. Bác kể rằng bác đã giảng dạy bao nhiêu thế hệ học trò về trận đại thắng quân Thanh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, cùng những việc làm để chấn hưng đất nước của vua Quang Trung, vị vua mà theo ý bác là một trong những hào kiệt xuất sắc nhất của nước Nam. Anh Thái ngỏ lời biếu bác cuốn sách đó, bác nhận lời. Tôi nhìn theo khi bác bước qua gian hàng khác, cảm thấy hạnh phúc vì chúng tôi được đem lại cho bác chút vui nhỏ đầu Xuân, nhưng cũng thoáng bâng khuâng. Bác gợi lại hình ảnh cả một tầng lớp thầy cô khả kính ở Việt Nam thời tôi đi học. Nhớ quá một thời đã qua!

Buổi chiều có chị Mão và chị Thịnh Hương lái xe hơn một tiếng đồng hồ từ San Francisco tới phụ, rồi chị Iris cũng đến cùng với một giỏ cúc vàng tươi thắm làm gian hàng càng thêm rực rỡ.

Không rõ vì trời đẹp, vị trí đẹp, hoa đẹp, nụ cười của các chị rất đẹp, hay tất cả các điều nói trên, mà chiều hôm đó gian hàng của chúng tôi càng thêm đông vui.

Dễ thương nhất là những vị cao niên. Có lẽ các bác vẫn quen đọc sách, báo trên giấy và có nhiều thì giờ hơn để thưởng thức văn chương, vì thế năm nào họ cũng là những khách văn rộng rãi. Các bác gái thường mua báo Xuân, rồi bác trai mua ủng hộ thêm một cuốn sách. Hình ảnh bác trai móc ví trả tiền cho vợ thật là đáng yêu và ấm áp. Mong các bác có thêm thật nhiều mùa Xuân đi hội bên nhau!

Ngoài những bạn đọc của mục Viết Về Nước Mỹ, các bạn đọc từ Facebook cũng đến ủng hộ. Hầu hết họ là người hâm mộ anh Thái NC qua những câu chuyện nhẹ nhàng, đầy tình cảm, nhất là tình gia đình, được diễn tả bằng văn phong duyên dáng, dí dỏm mà sâu sắc của anh.

Có một chị tên Angela, làm trong thư viện của thành phố San Jose, ghé vào tâm sự là chị rất muốn sách Viết Về Nước Mỹ có mặt trong thư viện của mọi thành phố tại Hoa Kỳ. Chị đã từng kêu gọi nhiều người lên trang mạng của các hệ thống thư viện, vào mục “Suggest a Purchase” để giới thiệu sách hay của cộng đồng người Việt hải ngoại (thí dụ tại San Jose thì vào link https://www.sjpl.org/purchase). Những người có thẩm quyền sẽ tuần tự mua các quyển sách được nhiều người yêu cầu. Chúng tôi chuyện trò vui như bạn cũ rồi trao nhau “ước hẹn”: chị sẽ tham gia viết bài còn chúng tôi sẽ quảng bá việc yêu cầu thư viện mua sách.

Có một cặp vợ chồng và cô con gái ghé gian hàng mua một quyển báo và một quyển sách Viết Về Nước Mỹ. Họ nhìn thấy quyển Mourning Headband for Hue và ngỏ ý muốn mua cho cô bé. Tôi và chị Iris nhìn nhau, hơi bối rối. Đây là ấn bản đặc biệt mà chúng tôi đã mua trong đợt phát hành đầu tiên năm 2013, có giá trị cao hơn sách thường khá nhiều.

Thật tình là khi đem sách ra chưng, chúng tôi không định bán những quyển sách bìa cứng quý giá đó. Mục đích của chúng tôi là để khán giả xem tại chỗ và nhớ về biến cố Mậu Thân, với hy vọng là họ sẽ tìm mua sách trên Amazon sau khi về nhà.

Tuy nhiên, tôi chẳng có lòng nào nói không với những người đang vui mà vẫn tưởng nhớ đến những đau thương từ năm mươi năm trước. Gặp được những bậc cha mẹ muốn cho con biết về lịch sử, cội nguồn, và một người trẻ sinh ra ở Mỹ mà vẫn quan tâm đến những biến cố của Việt Nam, điều đó thật sự quý hơn tiền. Sau một chút ngần ngừ, tôi rút điện thoại chụp lại những dòng chữ của chính tác giả Nhã Ca đề tặng tôi, rồi trao quyển sách cho người chủ mới. Cô bé xưng tên là Hoài Diễm và muốn tôi viết thêm vài dòng. Tôi ghi “Để kỷ niệm buổi đi chợ Tết Mậu Tuất, 2018. Mong Hoài Diễm luôn luôn là một cô bé Việt Nam đáng yêu.”

Không biết có phải cuốn sách trên tay Hoài Diễm đã lọt vào mắt của những người đồng cảm khác hay không, chỉ một lúc sau có một anh (sau đó tôi biết tên anh là Tiến) ghé vào gian hàng. Anh chỉ ngay hai quyển Giải Khăn Sô Cho Huế và Mourning Headband for Hue và ngỏ ý muốn mua. Anh đưa ra tờ một trăm đô la và hỏi có đủ hay không. Tôi và chị Iris lại bàn luận với nhau. Cuối cùng, hai chị em cũng lại đồng ý rằng người đã muốn lưu lại tài liệu về Mậu Thân, đã biết đến giá trị của sách thì cũng là tri âm, cũng là người chúng tôi chẳng nỡ từ chối. Tôi đưa ra quyển tiếng Việt còn lại của mình cùng với quyển tiếng Anh của chị Iris. Chúng tôi tặng thêm cho anh tờ báo Xuân vì “báo rất hay, anh sẽ thích lắm!”

Anh Tiến đi rồi, hai chị em cứ cười khúc khích vì “thành tích” bán hàng dưới giá vốn của mình. Tuy vậy, lòng chúng tôi vẫn vui. Đã từng gặp gỡ nhiều người không biết và không muốn biết về sự kiện Mậu Thân, đã từng thấy những người coi những đau thương trong cuộc chiến Việt Nam là chuyện lỗi thời, nhức đầu, không muốn nhắc đến, tôi rất quý những khách văn như gia đình Hoài Diễm và anh Tiến. Họ giúp tôi thêm vững tin rằng trên con đường duy trì và quảng bá hồn Việt, chúng tôi vẫn có bạn cùng đi.

Sáu giờ chiều hội chợ kết thúc. Anh Chinh Nguyên, hội trưởng Hội Thơ Văn Lạc Việt, anh Thái NC, và tôi sắp xếp sách báo, vật dụng lên xe. Rời hội Tết trong những cơn gió chiều càng lúc càng lạnh nhưng tôi tin rằng cả ba đều hài lòng vì đã có một ngày đầy ý nghĩa.

Tôi nghĩ đến những người đã gặp trong hội Tết, nhất là đoàn học sinh, sinh viên đến giúp mọi người dọn dẹp và thu xếp lều vào lúc cuối. Mặt các em rạng rỡ, sức sống của các em ngời ngời tựa như những măng non đang vùn vụt lớn. Tôi thấy rõ họ là tài sản quý báu dường nào của cộng đồng. Chỉ cần chúng ta biết hướng dẫn và làm gương để họ yêu quý nguồn gốc và tự hào về cộng đồng Việt.

Hầu hết khách văn là người lớn, nhưng năm nay đã có Hoàng Diễm là người trẻ ghé gian hàng. Năm sau có cách nào để có thu hút nhiều người trẻ hơn? Làm sao để có thêm tài liệu bằng Anh Ngữ cho những người trẻ muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt? Nếu năm sau chúng tôi đem những tài liệu đó đến, liệu có ai quan tâm hay không?

Ước mơ của tôi luôn luôn đi trước khả năng của chính tôi, và đôi khi điều đó trở thành gánh nặng. Nhưng trong buổi chiều Xuân này, tôi không thấy cô đơn trước ước mơ của chính mình. Vì tôi biết rằng không cần phải có câu trả lời ngay lúc đó. Nếu tôi thường xuyên có mặt, và hết lòng giúp đỡ, thì các em sẽ đến. Chỉ cần chúng ta có lòng và sẵn sàng tìm kiếm thì sẽ gặp được nhân duyên để làm việc hữu ích.

Tôi tin như thế. Ở ngoài kia, có lẽ còn nhiều người, chẳng hạn như những khách văn tôi từng gặp, cũng tin như thế.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
12/05/201805:51:13
Khách
Chào anh Tỵ
Xin anh để lại email ở đây. KhA sẽ hỏi bác Đảo và liên lạc lại với anh
03/05/201821:50:39
Khách
Chào chị Khôi An,
Đọc được bài viết của chị về tướng Lê Minh Đảo làm chúng tôi xúc động và cảm phục. Tôi là Huỳnh Văn Tỵ, có quan hệ quen biết với bác Đảo và cô Thủy . Rất tiếc, bác Đảo và tôi mất liên lạc (mặc dầu tôi tìm kiếm tin tức của bác Đảo khắp nơi). Hôm nay tình cờ đọc được bài viết của chị, tôi mừng lắm! Nếu có thể, xin chị làm ơn cho biết tin tức của bác để chúng tôi có thể liên lạc với nhau như xưa. Xin cám ơn chị thật nhiều!
06/04/201821:24:51
Khách
Người viết xin cám ơn các bạn đọc. Cám ơn chị Iris, chú Trần Van đã khuyến khích, anh Nguyễn Sơn đã đồng suy nghĩ.
Cám ơn bạn Từ Huy vì đã có " những rung động đến ngạc nhiên", đem được điều đó đến cho người đọc tức là người viết đã thành công và , do đó, rất hạnh phúc. Câu Kiều rất đẹp cũng làm cho hạnh phúc đó đáng nhớ hơn.
Theo KhA, lời văn phải hợp với nhân vật. Một ngày kia, khi viết về những nhân vật khác, lời văn có thể sẽ chua chát, sắc xảo, không như "cây quỳnh, cành giao", nhưng mong vẫn đem lại cho Từ huy và các bạn đọc khác những cảm xúc đậm đà.
06/04/201816:26:33
Khách
Một bài viết hay thuật lại việc tổ chức và diễn tiến việc mang những món ăn tinh thần trực tiếp đến với cộng đồng người Việt ở địa phương trong ngày mừng Tết Mậu Tuất.
04/04/201823:23:13
Khách
Tác giả nêu vấn đề này thật đúng. Ngày xưa trước năm 1975 người Việt đọc sách đọc báo rất nhiều, nhà nào cũng có những tủ sách. Trẻ em và thiếu niên thì xem "Tuổi Hoa", "Tuổi ngọc", nhiều khi muốn thành người lớn thì xem luôn mấy truyện chưởng của Kim Dung.
Người lớn thì đọc đủ loại sách báo, nào là trinh thám, tiểu thuyết v.v...
Hàng ngày một nhà đọc vài ba tờ nhật báo. Nói chung ai cũng trân trọng văn chương, thi phú và tin tức thời sự. Bởi vậy những tác giả được trân trọng, vinh danh và ngưởng mộ vừa danh vừa tiền.
Sau 1975 ít ai quan tâm chuyện văn hóa từ trong nước ra đến hải ngoại. Chỉ một số nhỏ trọng tuổi còn giử được lối xưa, cất giử sách quý, xem và truyền tải sách hay v.v....
Đảo một vòng qua facebook thì thấy, những bài văn hay ít ai xem bởi họ lười đọc, chê dài quá đọc mệt. Thậm chí đọc xong cũng không ai cho một cái like cho tác giả được vui...
Thế đấy biết làm sao!
Sơn Nguyễn
04/04/201820:17:14
Khách
Bài viết êm đềm. Bàng bạc như mây nhẹ trôi cho cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng, tưởng như hương xuân, hương người, hương đời thoang thoảng đâu đây.
Thưa chị, tôi biết đến VVNM được khoảng bốn năm nay. Trong khoảng thời gian đó đôi khi tôi cũng được đọc những bài viết của chị. Cũ có, mới cũng nhiều. Chị là người viết cho tôi những rung động đến ngạc nhiên.
Mà khoan, không phải tất cả. Chắc chừng ba hay bốn bài gì đó. Nói về cảm xúc khi đọc những bài đó ư. Một vùng như thể cây quỳnh cành giao (Kiều).
Mong chị giữ mãi những khói cùng sương...
04/04/201815:13:42
Khách
Bài tường thuật hay đã đành, chị rất thích hai câu đối của KA. Hoan hô KA, anh Sơn và ThaiNC. ID rất hãnh diện về những người bạn Việt Bút và thân hữu tài hoa nhiệt tình với văn chương và rất dễ thương hiểu biết. Chúc mừng nhóm Việt Bút Bắc CA, Hội Văn Thơ Lạc Việt, các độc giả, khách du Xuân, và nhất là bạn tổ chức của Hội Chợ Tết Mậu Tuất tại trụ sở Cộng Đồng Việt Mỹ
San Jose!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,323,530
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.