Hôm nay,  

Con Gà Chọi và Ước Mơ Đi Mỹ

03/02/201800:00:00(Xem: 16640)
Tác giả: Phùng Annie Kim

Bài số 5303-19-31149-vb7020318

 
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
 

***
 

Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm con gà. Con gà chọi “Bát Tô” của thằng Đực bây giờ chắc đã già lắm hoặc đã... sụm bà chè. Có lần Đực gọi điện thoại cho tôi báo tin má nó mất sau cơn tai biến mạch máu não lần thứ hai. Miếng đất vẫn còn tranh chấp giữa nó và thằng Đực Em chưa bán được. Nó vẫn còn lui cui nuôi gà chọi  và hẹn gặp tôi ở Cali.

Nghe lời hẹn gặp nhau ở Mỹ của Đực, tôi nhớ chuyện ngày nào.

. . .
 

Xe tắc xi dừng trước cửa. Tôi bước xuống xe đã nghe giọng oang oang của bà Ba Lành chửi thằng Đực:

-Đ...m...Giờ này mày còn ôm bà nội mày. Một đống giày nằm chình ình mày không lo đi giặt để một mình thằng Đực-em làm. Làm vậy lấy cái gì nhét vô họng mầy hả. Mày cưng bà nội mày quá héng. Chọc giận tao có ngày tao bẻ cổ cho mầy hết nuôi, hết đá.

Thằng Đực- anh, tên thật của nó là Hùng đang ôm con gà chọi trên tay. Nó hất mặt về phía bà Lành:

-Đ...m... Tui ôm gà bị má chửi.Tôi ôm “gà móng đỏ” cũng bị má chửi. Má muốn tui suốt ngày ngồi giặt giày hả? Má phải cho tui chơi chớ. Nói má nghe, má thử bẻ cổ gà của tui coi tui có để yên cho đám giày của má hông. Má dám hông. Đừng có hăm thằng này nha.

Nói rồi Đực nhìn bà Lành với đôi mắt hằn học như thách thức.

Biết thằng Đực ưa ngọt, bà Lành xuống nước:

-Thằng ông nội. Thôi, tao lạy mày. Mày đi giặt dùm tao đôi giày đen này rồi “tút” liền đi. Thứ hai họ tới lấy.Thằng cha này tới mà chưa rồi nó chửi sập tiệm. Mày nhốt con gà cho tao nhờ.

-Ờ, bà nói ngọt tui đây còn chưa muốn làm huống chi bà hăm he chửi rủa tui.

Đực tươi nét mặt, một tay bưng con gà, một tay cúi xuống vuốt ve bộ lông màu đỏ tím và rờ rẫm hai cái cựa màu vàng có hai cái móng cứng quặp xuống. Nó không đánh bài, không hút sì ke, ma túy. Có vài con bạn gái nó hẹn hò vớ vẩn nhưng không kết với đứa nào. Bia, rượu, nó chỉ lai rai chút đỉnh vào cuối tuần.Thuốc lá phì phò ngày một gói. So với mấy con “gà móng đỏ”, Đực mê con gà chọi đặt tên là “Bát-Tô” hơn. Niềm vui của nó chỉ có bấy nhiêu: “Bát-Tô”. Chọi gà.

Đực nhẹ nhàng đặt con gà trong chiếc lồng tre lớn đặt ở góc cửa tiệm bán giày hiệu “ Cô Ba Lành” là tên cúng cơm của má nó. Nó rót một chén nước từ trong chai để cạnh con gà rồi úp cái lồng tre nhốt con gà vô trong. Thấy con gà nằm yên trong lồng, Đực kéo chiếc ghế thấp ngồi cạnh thằng Đực- em đang giặt giày trong chậu nước đen thui, đục ngầu để cạnh lề đường. Đực đeo găng tay, ngắm nghía một hồi đôi giày màu đen má nó để sẵn. Nó dùng bàn chải lớn, bàn chải nhỏ chăm chú kỳ cọ tỉ mỉ đôi giày ngâm trong chậu thuốc tẩy. Đây là những đôi giày “xịn” bọn ăn cắp chôm được từ chỗ đông người. Có những nơi khi đi vô phải tháo giày, khi đi ra, giày không cánh mà bay. Chúng bay …vào tiệm giày của  bà Ba Lành. Bà Lành chuyên nghề tiêu thụ loại giày “xịn” chôm chỉa này với giá rẻ mạt. Người mất giày có khi ghé tiệm bà mua đôi giày mới mà không biết đó là đôi giày bị ăn cắp được thằng Đực “tút” lại. Chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, những thứ hóa chất và vật liệu, nó sẽ biến những đôi giày cũ thành mới, ít nhất cũng mới bảy, tám mươi phần trăm. So với giá mua vào, tiền lời bán những đôi giày “xê-cân- hen” loại “xịn” này có khi gấp mười lần.

Con gà bỗng vươn cánh ngửa cổ lên trời cất tiếng gáy ò ó o o o o thật lớn. Thằng Đực ngừng tay quay đầu ngắm con gà. Con gà chọi có cái mồng to đỏ như cái nón đội trên đầu. Da cổ sần sùi, màu đỏ tím, trụi lủi vì không còn miếng lông nào mọc kịp sau những trận đi chọi. Hai con mắt sâu và nhỏ, đằng đằng sát khí giống thằng Đực mỗi khi khẩu chiến với bà Lành. Cái mỏ to và nhọn mổ đâu trúng đó. Bộ lông màu đỏ pha nâu tím phủ lên các cơ bắp khỏe, thon, gọn và cứng cáp. Đôi chân mạnh mẽ, các ngón chìa ra vững chãi, bao bọc bởi những chiếc vảy cứng màu vàng xếp lớp như vảy cá. Lại thêm cái đuôi dài cong vòng làm cho con Bát-Tô đi đứng thêm phần oai nghi bệ vệ. Đây là con gà chọi đẹp thuộc loại gà tuyển. Thằng Đực bỏ ra ba triệu mua nó về lúc nó cân nặng ba ký.

 Con gà đâu chỉ gáy một lần. Nó gáy liên tiếp một tràng dài. Âm thanh  của tiếng gà gáy buổi trưa hè vang lên nghe mệt mỏi và buồn ngủ như chọc tức thêm cơn giận của bà ba Lành lúc nãy. Thằng Đực liếc sang nhìn má nó. Bà Lành ngồi trên chiếc ghế mây lim dim tự lúc nào. Nó quay cổ khoái trá nhìn con gà ngỏng cổ cao, tiếng gáy mạnh mẽ, ngân nga, hai cánh đập phì phạch. Nó hài lòng khi thấy con “Bát –Tô” ra vẻ một con gà chọi chuyên nghiệp và hiếu chiến.

Trời nắng chang chang. Không khí  ngột ngạt. Không một cơn gió. Những giọt mồ hôi ướt đẫm và lăn dài trên trán  hai đứa. Nó nói với thằng Đực- em:

- Dũng, chiều nay tao có độ với thằng Khôi. Mày phụ bả nhen mậy. Đ…m... lần nào tao đi độ bả cũng chửi. Bả chưa trả tiền lương cho tao tuần này. Mày đưa tao mượn ít trăm, mai có tiền tao trả.

Nhìn anh một hồi, Đực-em miễn cưỡng lục trong túi xách:

- Có nhiêu đây. Mai có lương nhớ trả tui nha ông. Ông còn nợ tui sáu trăm ngàn chưa trả đó.

Thằng Đực- em, tên thật của nó là Dũng, người thấp bé, nhỏ con, nét mặt trông hiền lành và xấu trai hơn thằng Hùng. Hình như ít ai gọi tên cúng cơm của hai anh em nó. Đực- anh cao, to, vai u thịt bắp, có cái mặt láu cá và đẹp trai. Nó còn ngầu hơn khi nhuộm cả mái tóc vàng khè, chải vuốt ngược lên như một mảng đinh nhọn. Bà Lành gọi  màu “cứt chó”  hay cái “đầu cứt”. Bà càng chửi, nó càng “phăng”, có khi mái tóc màu tím bà gọi là màu “dái cà”, màu hồng bà gọi là màu “bê đê”.Có lần thấy nó thay đổi màu tóc, tôi hỏi Đực nhuộm chi đủ màu, nó nói nhuộm vậy chọc cho má ngứa mắt, má chửi nghe chơi. Đỡ buồn!

Hai đứa là hai anh em cùng mẹ khác cha, đứa nào cũng giống tía nó y hệt về hình dáng và tính tình. Bà thương thằng Đực-em hơn vì nó chí thú làm ăn và ít khi cãi bà. Bà khắc khẩu với thằng Hùng trong chuyện làm ăn, tiền bạc, nhà cửa và gà chọi. Mùa Tết đắt hàng, đông khách, có khi Đực bỏ hết công ăn việc làm để đi tỉnh chọi và cá độ gà đến nỗi phải mắc nợ. Nhưng nó là đứa kiếm ra tiền và bảo kê cho bà trong việc làm ăn với đám giang hồ cầm đồ và mượn nợ. Bà chửi đó rồi lại phải vuốt ve, xuống nước năn nỉ nó.  Thằng Đực biết điều này nên trận cãi vả nào với bà nó đều làm căng và bà là người làm hòa với nó trước.

Trước bảy lăm, hai cửa hàng này là tiệm đàn Phùng Đinh của ba tôi. Sau bảy lăm, ba tôi ngăn đôi căn nhà, một căn bị cải tạo tư sản, sau này lấy lại được, ba tôi  cho ông anh cả còn  căn kia cho cậu em trai.Thời ngành du lịch mới mở cửa, chị lớn và cô em tôi thuê lại hai căn này làm dịch vụ du lịch. Mười năm hành nghề làm ăn khấm khá đến khi không cạnh tranh nổi với nhà nước Việt cộng, hai chị em dẹp tiệm về hưu. Sau đó bà hai Hiền và bà ba Lành đến thuê hai cửa hàng sát nhau, cùng bán và sửa giày tính đến nay đã sáu năm. Hai bà còn làm thêm dịch vụ cầm đồ và cho vay lấy lời. Nếu không làm thêm như vậy, mỗi tháng lấy đâu trả mỗi căn hơn hai mươi triệu tiền nhà tương đương với cả ngàn đô la.

 Nghe bà Lành kể hồi cha mẹ đẻ hai chị em sinh đôi vào cuối năm cọp, có lẽ vì muốn cho con gái có được cái hiền lành nết na nên cha mẹ đặt tên cho con là Hiền và Lành. Ai ngờ càng lớn, hai bà Hiền và Lành không hiền lành chút nào. Bà Lành coi bộ còn dữ hơn và ăn hiếp bà chị. Cả hai bà mở miệng ra là chửi thề. Có khi hai bà chửi lộn nhau vì một người khách hàng. Có khi bà này chửi con, bà kia chửi cháu. Có khi cả hai bà chửi mấy đứa thợ phụ làm dối, ham chơi, chửi khách hàng cà chớn, mánh mung, chửi buôn bán ế ẩm, chửi chó mắng …gà…

Sinh hoạt của cái tiệm giày cho thuê này đầy ắp những tiếng chửi thề. Có những tiếng chửi toàn là những từ ngữ tục tĩu của bộ phận sinh dục nam nữ tuôn ra trơn tuột thành từng tràng. Người đi xa về như tôi nghe xa lạ và khó chịu, tưởng rằng các từ ngữ khó tìm trong tự điển này đã bị bỏ quên trong ký ức từ khi qua Mỹ. Nào ngờ khi chúng tình cờ lọt vào lỗ tai, hóa ra  thứ ngôn ngữ này vẫn sống với những con người ở đây, vẫn tồn tại trong căn nhà này, tại đất nước này. Biết đâu nó giúp giải tỏa những ẩn ức về tâm sinh lý của hai người đàn bà, một bà có hai đời chồng mất sớm khi còn trẻ còn bà kia không chồng.

Còn thằng Đực, chuyện chọi gà chỉ là cái cớ. Nguyên nhân chính nó kiếm chuyện hục hặc với bà Lành vì bà không bán miếng đất của ba nó để lại. Nếu bán, nó sẽ được chia một số tiền lớn. Nó ôm ước mơ qua Mỹ. Nó hay thủ thỉ với tôi ước mơ của nó và dấu bà Lành đi học thêm tiếng Anh vài buổi tối. Nó hỏi thăm tôi có quen ai giúp nó làm hôn thú giả theo diện bảo lãnh vợ chồng. Tôi nói tôi không có tay làm mai mối và không quen làm chuyện này. Tôi hỏi sao Đực hay chửi thề đ...m.... Nó nói vì ở gần má hồi nhỏ nghe quen rồi và... trả thù má không cho bán đất. Tôi nói sao không nhường má, cãi lộn hoài. Nó nói nhường má, má lấn. Biết đâu nó chửi thề cũng là một cách để xả ước mơ đi Mỹ bị dồn nén không thực hiện được. Hai mẹ con nó ghìm nhau như hai kẻ thù. Họ là oan gia của nhau nhưng vẫn sống bên nhau, nương dựa vào nhau.

Tất cả chuyện tôi biết về gia đình bà Lành và chuyện buôn bán của tiệm giày “Cô Ba Lành” là do bà chị dâu của tôi mặn chuyện kể lại mỗi khi tôi  có dịp về Việt Nam. Họ là hàng xóm rất gần ở ngay trong nhà. Có khi sáng sớm hay chiều mát, cửa hàng vắng khách, nếu không đi đâu, tôi hay xuống sân ngồi ở vỉa hè nhìn ông đi qua bà đi lại. Có khi ngồi nghe thằng Đực vừa cho gà ăn vừa thì thầm kể chuyện giang hồ trong cuộc đời và ước mơ đi Mỹ của nó. Có khi tôi ngồi quan sát thằng Đực ngồi “tút” giày và kể cho nó nghe về đời sống Mỹ. Có khi tôi ngồi thật lâu nghe những câu chuyện tâm tình của bà Lành hoặc bất ngờ nghe hai mẹ con gây gỗ chửi bới nhau vì những chuyện lặt vặt không đâu.

 Những ngày ở Việt nam, sáng nào tôi thường có thói quen ngồi uống cà phê ở quán “cà phê cô Út” cách nhà tôi hai căn, trước đây là tiệm đàn của bác Đông Thành, ăn món quà vặt thời thơ ấu là món tàu hũ nước đường, xôi nếp cúc, bánh mì giò chả gánh ngang qua, mua vài tờ vé số của anh thương phế binh, liếc qua vài cái tin không đáng tin của vài tờ báo.Thương nhớ nhất vẫn là  kỷ niệm, những chuyện dây mơ rễ má về những “người muôn năm cũ” của phố hàng đàn, ai còn, ai mất, bây giờ chỉ là những khuôn mặt và giọng nói xa lạ. Con đường đã thay tên đổi chủ. Họ là ai? Là những ông bác, ông chú, bà thím, bà cô, là ba má tôi, những bà con họ hàng làng Đào Xá di cư tiên phong vào Nam năm một chín bốn hai, xây dựng thành một con phố có tên phố  hàng đàn Hồ Văn Ngà. Thế hệ sau này còn ai? Chỉ còn hai gia đình thâm căn cố đế còn bám rễ ở con đường này là gia đình cô Út bán cà phê và gia đình anh tôi cho thuê bán giày.

*

Thằng Đực xẹt qua gọi ly “cà phê cô Út” rồi kéo ghế ngồi cạnh tôi hỏi nhỏ:

-Cô, chiều nay cô có đi đâu hông? Cô muốn coi đá gà hông ? Chiều nay con có độ nè. Con “Bát-Tô” đá với gà của thằng Khôi. Tụi con đá trên sân thượng phòng thằng Khôi đó. Cô đi coi cho biết con gà “Bát- Tô” của con đá “ngon” lắm. Bên Mỹ đâu có đá gà. Pô- lít nó bắt ở tù thấy mẹ. Chừng nào đá, con chạy lên kêu cô nha.

Chà, chiều nay tôi cũng đang ế độ chưa biết đi đâu. Tôi không thích cái gì đấu đá hay tranh giành.Vì vậy tôi không thích xem bóng đá. Đá gà còn dã man nữa. Những con gà sau màn chọi, con nào con nấy trầy da tróc vẩy, máu me nhễu nhão thấy tội nghiệp. Nghe thằng Đực rủ rê cũng có lý . Coi cho biết con gà “chì” “Bát- Tô” của nó. Bên Mỹ đâu có màn đá gà. Sẵn dịp lên sân thượng thăm chỗ ở của đứa cháu đích tôn họ Phùng vừa lấy vợ. Năm ngoái, đám cưới vợ chồng nó, tôi có về dự nhưng chưa hề đặt chân lên thăm tổ ấm của nó.

Từ khi ba tôi mất, ông anh tôi sửa chữa nhiều và bảo trì kỹ lưỡng “cái nhà là nhà của ta. Ông cố ông cha lập ra” nên phòng ốc, sân thượng, vườn tược, cây cảnh mới được khang trang như thế này.  Phòng của vợ chồng Khôi -Thụy được sửa sang lại  có máy lạnh, nhà vệ sinh riêng nằm trên tầng lầu thứ ba. Căn nhà có chiều dài sâu nên khoảng sân thượng, ông anh tôi làm một cái vườn cây cảnh nho nhỏ, còn lại là cái sân rộng mênh mông làm chỗ phơi quần áo. Thằng Khôi nuôi gà chọi ở đây và chỗ đá gà của nó cũng tại cái sân này.

Tôi leo lên vài bậc thang, đứng hồi lâu, nhìn chiếc cầu thang sắt dẫn lên sân thượng, nhớ lại kỷ niệm hồi ba tôi còn sống và khỏe mạnh, mỗi buổi sáng, ông thường leo lên tập thể dục và tưới cây. Một hôm ông bị trật chân té khi leo xuống những bậc thang cuối cùng. Cũng may đầu ông dập nhẹ vào thanh sắt. Nằm nhà thương theo dõi vài tuần, khi được về nhà cũng là lúc trí nhớ ông kém dần. Căn bệnh sau này được gọi là “Alzheimer” bệnh lú lẫn của người già. Cây hoa sứ đỏ hồi đi Mỹ, tôi đã bứng lên gửi ba tôi trồng trong chậu ở sân thượng này. Mười lăm năm sau, khi tôi trở về, ba tôi khuất bóng rồi mà cây hoa sứ vẫn sống, cành lá sum suê, hoa đỏ nở rực rỡ.

Thằng Khôi thấy tôi đứng ở sân thượng tỏ vẻ mừng rỡ:

- Mẹ lên chơi hả mẹ ? Mẹ xuống đây cho mát, coi phòng con nè. Mẹ ở đây lát nữa coi đá gà nha. Độ nhỏ thôi. Gà của con đá với con “Bát Tô” của thằng Đực. Bên Mỹ đâu có vụ đá gà. Coi đá gà căng lắm. Mẹ coi một hồi mê liền.

 Mấy đứa cháu trong gia đình tôi từ nhỏ vẫn gọi năm chị em tôi bằng “mẹ” chứ không gọi là cô hay dì. Tôi leo xuống cầu thang nhìn cái chuồng gà của Khôi:

- Sao con không đặt cho con gà cái tên như con “Bát-Tô” của thằng Đực?

Thằng Khôi cười :

- Có chớ. Gà của con tên là “Vít -Tơ”.Con muốn lúc nào nó cũng chiến thắng.Tên “Bát –Tô” nghe kỳ cục. Chắc thằng Đực nó ghiền thuốc lá.

Nó mở lồng, tay ôm, tay vuốt con “Vít- Tơ” chỉ cho tôi xem:

- Gà con là gà Cao Lãnh nha mẹ.  Mẹ thấy cái mặt nó hung dữ chưa. Nó mạnh và đá ngon lắm. Con đặt mua ba triệu. Từ hồi bắt về, cứ khoảng năm hay bảy ngày con cho nó đi “xổ” một lần cho quen với sân đá. Thằng Đực nói gà của nó chính gốc Cao Lãnh. Gà của con là gà lai. Con thấy con này chơi dữ dằn quá, trận nào nó cũng thắng, con cho đá thử kỳ này với con “Bát-Tô” coi gà nào là Cao Lãnh thứ thiệt.

Tôi vuốt bộ lông màu đỏ tía láng mướt của con “Vít-Tơ”. Con gà khá lực lưỡng không kém gì con “Bát Tô” của thằng Đực. Cái  mồng đỏ hoét, đầu nó lắc lư,  hai con mắt to, láo liên trông hung dữ ra mặt . Cái mỏ nhọn hoắc gục lên gục xuống như muốn mổ đối thủ. Bàn chân của nó chỉa ra hai cái cựa lớn đáng nể.

- Rồi con nuôi làm sao? Có cực không? Thụy có thích nuôi gà không?

- Cũng cực lắm. Con nuôi hai con nhưng nhốt riêng chuồng. Lúc đầu con cho nó ăn tấm. Sau này con cho ăn lúa. Lúa phải ngâm nước qua đêm cho nó dễ tiêu.

Thằng Khôi mở cái hộp có con thằn lằn chìa cho tôi xem:

- Nó ăn thứ này nữa nè mẹ. Đồ ăn của nó có đủ thứ món trùng đất, dế, cào cào… Cứ hai ngày con cho nó ăn thêm đồ ăn ngon như tép, tròng đỏ hột gà, hột vịt lộn. thịt bò, chuối xiêm, cà chua, đậu nành cho nó có sức để đá. Sáng sớm cho nó uống nước chai. Lâu lâu con tỉa lông cổ, cánh cho gọn để đi đá nó không bị vướng. Thụy không muốn con nuôi gà.Thụy nói lẫy nuôi gà khỏi cần nuôi con.

Tôi rờ cái ức gà thon của con “Vít- Tơ”:

- Sao gà đá không thấy con nào mập vậy? Thỉnh thoảng có cho nó đạp mái không ?  Con có tắm cho gà không?


Khôi lắc đầu:

- Mẹ cho ăn nhiều, gà mập, dư mỡ, di chuyển chậm chạp sao đá nổi. Tuyệt đối không cho nó đạp mái, động dục, đá chỉ có nước “xịt”  dài. Thua chạy là cái chắc. Gà kỵ nước lắm. Tắm nước là nó trúng liền. Con cho nó tắm sương, lấy khăn sạch lau khô,  phun rượu toàn thân cho nó bay hơi rồi con “vô nghệ” cho nó ấm.

Tôi rờ cái cổ gà, da của gà chọi dầy và nhám như có gai:

- Sau mỗi lần đi đá về, nó bị thương, con tẩm bổ gì cho con “Vít- Tơ” khỏe lại ?

Thằng Khôi cho tôi xem hộp nghệ giã nhỏ:

- Con “vô nghệ” cho nó rồi xoa bóp như mình làm mát-xa. Chỗ nào bị thương con sát trùng, bôi thuốc. Đá xong, gà cũng bị nhức mình nhức mẩy đau đớn dữ lắm. Mình sao gà vậy. Gà bị thương rồi phải cho nó ăn đồ bổ, nghĩ dưỡng vài tuần để lấy sức rồi mới cho “xổ” tiếp. Con Vít- Tơ này nó giỏi chịu đòn. Càng đau nó càng đá bạo. Con “Bát Tô” cũng thuộc loại gà “chiến”. Nó có cú đá độc lắm.

Nó nhìn tôi một hồi rồi cười tủm tỉm:

- Mẹ muốn cá độ chơi cho vui không. Sương sương thôi. Chừng trăm ngàn. Lát nữa có ba đứa tới, tụi nó giàu, cá tới bạc triệu.
 

Chưa bao giờ tôi xem đá gà.Tôi chưa biết cá độ là gì. Chỉ biết cá độ đá banh có người sạt nghiệp. Chỉ cần thấy cảnh hai con mổ nhau là tôi đã phát sợ nhưng sự tò mò thúc đẩy tôi:

- Khôi nè, lần đầu tiên mẹ coi chọi gà và cá độ đó nha. Có lần mẹ thấy mấy con gà chọi đá bị thương tội nghiệp quá. Mẹ không có máu cờ bạc nhưng trăm ngàn khoảng năm đô thì được. Chơi thì chơi. Mẹ bắt con “Vít- Tơ” nha. Gà nhà mà.

Tiếng dép lạo xạo chạy trên cầu thang. Đám chọi gà tới rồi. Thằng Đực tay ôm con “Bát-Tô” và ba thằng nữa cũng bằng tuổi nó đang phóng lên sân thượng sửa soạn sân đá. Thằng Khôi tay ôm con “Vít -Tơ”, tay xách nước đủng đỉnh lên sau.Tôi tìm một cái ghế ngồi xa xa. Thằng Khôi nói tôi ngồi làm chi, lát nữa gà đá, tôi cũng đứng và chạy lòng vòng theo gà.

Hai con gà được thả ra trên sân đấu. Chúng chạy vòng vòng một hồi. Con này nhử con kia. Chúng gườm gườm nhìn nhau hồi lâu. Bỗng nhiên con “Bát Tô” cất giọng gáy vang lừng. Tiếng gáy của nó mạnh mẽ, hùng hồn như tiếng còi ra trận làm người cá độ như tôi bắt con “Vít-Tơ’ cũng thấy hơi nao núng, Con “Vít -Tơ” cũng không vừa. Nó nhào vô tấn công trước bằng một cú mổ vào cổ “Bát- Tô” thật mạnh. Thế là hai con vào trận xáp lá cà. Chúng đá, mổ, móc giò, tấn công nhau như vũ bão. Chúng phóng tới, bay lên, tấn công nhau, thụt lùi, giãn ra, đi vòng vòng rồi tiếp tục quần nhau.

Hai con gà ngang sức, bên tám lạng bên nửa cân. Mỗi con có một thế đá riêng. “Bát -Tô” như thằng Khôi nói, nó có cú đá độc, đó là cú đá song phi như trong võ hiệp, hai cựa sắc nhọn của nó phóng tới giống như hai lưỡi dao làm cho con “Vít- Tơ” chới với, lảo đảo. Đá càng lâu càng thấy “Bát-Tô” luôn luôn ở thế thượng phong. Nhưng  Vít-Tơ” là con lì lợm, chịu đòn giỏi. Lâu lâu, nó trả đũa bằng một cú ngoạn mục, lừa mổ vào đầu “Bát -Tô” làm “Bát- Tô” phải thụt lùi. “Bát-Tô” giãn ra một hồi rồi tiếp tục tấn công. Nó có sức bền trong khi con“Vít-Tơ” có vẻ thấm mệt. Hai chân của nó bắt đầu run. Chắc nó đau lắm. Nó vẫn đứng yên không bỏ chạy. Có những con gà khi bị đau nó đá mới ác liệt.

Trán của thằng Khôi đẫm mồ hôi và nét mặt nó đanh lại. Thằng Đực có vẻ bình tĩnh hơn. Ba đứa chơi cá đang bàn luận sôi nổi về  những thế đá nhất là tình hình bất động của con “Vít- Tơ”. Căng thẳng. Lo âu. Tội nghiệp con “Vít-Tơ”. Tôi ngồi thở dốc. Con “Vít-Tơ” có mòi thua thấy rõ.

Cuối cùng, sức bền và đòn hiểm bằng cú đá song phi của con “Bát -Tô” tấn công liên tiếp đã làm cho con“Vít-Tơ” bỏ chạy. Trận đấu kết thúc. Cái tên “Vít-Tơ”của thằng Khôi đặt cho con gà hết linh rồi. Con “Bát-Tô” mới chính là gà Cao Lãnh thứ thiệt. Sau trận đấu, niềm vui của kẻ chiến thắng và nỗi buồn của người thất bại hiện ra trên nét mặt. Cuộc chơi dã man và tàn bạo quá. Cả hai thằng chơi đều có chung một cái tâm tàn ác và hiếu chiến.

Tôi ngồi yên lặng nhìn hai thằng chủ ngồi vuốt ve hai con gà. Không biết chúng có tội nghiệp và xót xa cho hai con gà không. “Tâm bình thế giới bình”. Làm sao có hòa bình khi chiến tranh xảy ra từ cái tâm tàn ác và hiếu chiến này.Từ phạm vi nhỏ hẹp, cái tâm tàn ác và hiếu chiến có từ mỗi cá nhân, trong gia đình, ngoài xã hội và ảnh hưởng đến toàn nhân loại trên thế giới. Chiến tranh không phải đang xảy ra khắp mọi nơi trên trái đất này và đang dần dần tiêu diệt loài người là do tâm tàn ác và hiếu chiến này hay sao?

Tối hôm đó tôi lên lầu thấy Khôi nét mặt bí xị đang ngồi trong phòng bôi thuốc, bóp rượu và mát-xa nghệ cho con “Vít-Tơ”.Con gà bị nhiều cú đá khá nặng. Da cổ bị trầy rướm máu. Lông cổ và cánh tơi tả lòi cả thịt. Chân đi khập khiểng hình như nó bị gãy xương. Con gà ủ rũ tỏ vẻ thấm mệt. Thỉnh thoảng nó kêu ục ục nhỏ trong miệng như tiếng rên la đau đớn từ những vết thương. Tôi nghĩ đến niềm vui của thằng Đực. Giờ này chắc nó đang khoái trá ngồi bóp giò bóp cẳng cho con “Bát- Tô”. Mai này nó có dịp khoe về con gà Cao Lãnh và trả nợ cho thằng Đực-em.

Tôi không biết phải an ủi thằng Khôi bằng cách nào. Tôi biết nó buồn. Phải chi nó đi thi rớt đại học tôi còn vớt vát câu “Học tài thi phận”. Phải chi nó thua vì thi đấu thể thao hay ngành gì đó, tôi còn có câu “Một bài học”. “Rút kinh nghiệm”. Không lẽ tôi khuyên nó đừng chơi đá gà. Nó đã từng nói nửa đùa nửa thật, con trai họ Phùng như nó không mắc vào tứ đổ tường là ngoan lắm rồi.

Tôi đành phải an ủi…con gà và trả tiền cá độ cho thằng Đực.

- Vài tuần nữa vết thương sẽ lành con à. Xương gà liền nhanh lắm. Cho mẹ gửi một trăm ngàn trả cho thằng Đực .

Khôi xua tay:

- Con trả cho nó rồi. Mẹ giữ đi. Cá cho vui thôi mà.
                                                                *

Thằng Đực ôm theo con “Bát-Tô” nói với bà Lành nó nghỉ vài bữa đi Cao Lãnh mua gà. Nó trúng độ khẳm kỳ này không thiết gì với nghề “tút” giày nữa. Có số vốn, nó định mua gà giống về nuôi bán kiếm lời. Nó nghe nói nhiều người giàu nhờ làm nghề nuôi gà chọi. Hai mẹ con cãi nhau một trận dữ dội. Bà Lành đóng cửa tiệm về sớm. Bà Lành cản gì thì cản, thằng Đực lần này về mang theo hai con gà chọi nhỏ nuôi cùng với con “Bát -Tô”, tổng cộng ba con, ba cái lồng chiếm hết lối đi vào cửa hàng.

Đực chán nghề “tút” giày thật. Nó nói thẳng với bà Lành nó bỏ nghề giày để nuôi gà chọi. Suốt ngày nó chỉ quanh quẩn với ba con gà. Việc “tút” giày  bây giờ đã có thằng Đực-em thay thế nhưng tay nghề và sự khéo léo của Đực- em làm sao bằng nó được. Bà Lành bị khách hàng mắng vốn. Bà phải thuê thợ phụ giặt giày.  Công việc dồn dập thằng Đực-em làm không xuể. Khách hàng ra vô tấp nập không ai tiếp. Một mình bà Lành tả xung hữu đột lại còn phải nuôi cơm cho Đực và chứng kiến cảnh thằng Đực nuôi ba con gà trước mắt bà. Nó chiếm hết cái vỉa hè để nuôi gà, không còn chỗ cho khách gửi xe vào mua hàng làm cho bà  nhiều phen nổi khùng. Bà tức thằng Đực mà không làm gì được nó. Bà không còn sức chửi lộn với nó nữa. Bà cũng không thể đánh nó vì nó đâu còn nhỏ như hồi xưa. Mỗi ngày bà nhìn con “Bát-Tô” như cái gai, máu xâm của bà dồn lên đầu làm bà nảy sinh ra cách để thằng Đực hết nuôi gà chọi.

Sáng hôm đó tôi đang ngồi ở quán “cà phê cô Út” thấy thằng Đực dựng ba cái lồng gà trước cửa hàng. Nó cho gà uống nước một hồi rồi phóng xe đi. Thằng Đực em bận bịu dọn hàng trong nhà. Bà Lành quét sân, tưới mấy chậu cây kiểng. Bà lom khom dọn dẹp linh tinh cạnh ba cái lồng gà gần đó.

Thằng Đực đi khá lâu, mang về một túi trùn đất và mấy cái hột vịt lộn cho gà ăn. Nó mở lồng thấy con “Bát-Tô” không đứng nổi, đầu ngã về một bên, sùi bọt mép. Nó ôm con gà kêu thằng Đực đứng gần đó. Giọng nó lạc đi.

- Đ…m…con gà bị gì vậy Đực? Chết mẹ rồi. Sao nó đơ vậy Đực. Mầy lấy cho tao chai dầu gió coi.

Tiếng la của thằng Đực làm mọi người gần đó bu lại xem chuyện gì xảy ra trong đó có tôi. Thằng Đực- em mặt mày xanh dờn, vạch mắt con gà. Hai con mắt lờ đờ, mi mắt nó sụp xuống.

- Nó bị trúng gió rồi anh hai ơi. Anh có cho nó ăn tầm bậy thứ gì không?  Tui sợ nó ngủm quá.

Thằng Đực mặt mày đỏ ửng, ngồi phịch xuống ghế, yên lặng quan sát con gà rất lâu. Con gà nằm yên trên tay thằng Đực, thỉnh thoảng co giật từng chập. Máu trong mũi nó xì ra vài giọt. Thằng Đực vuốt  nhẹ cái đầu nó ngoẻo qua một bên. Nó vạch đám lông ức gà thấy thịt nó tím đi, lấm tấm những chấm nâu.

Đực vẫn ngồi yên lặng. Mọi người bàn nhau chắc con gà bị trúng gió hay bội thực gì đó. Có người hỏi sao nó chết nhanh quá vậy. Hết người này đến người khác thắc mắc hỏi Đực về cái chết của con gà nhưng nó ngồi bất động, không trả lời ai. Lát sau, nó mở cốp xe lấy cái khăn lông quấn con gà lại, cho vào cái giỏ rồi đi vào nhà.

Tiếng cãi cọ, chửi bới, la hét của Đực và bà ba Lành càng ngày càng lớn. Đực-em là người chứng kiến kể chuyện Đực vô nhà chỉ mặt bà Lành hỏi : “Má thuốc con gà tui chết phải không”. Bà Lành nói: “Tao thuốc cho mày hết nuôi gà”. Bà Lành còn thách thức: “ Mày có giỏi làm gì tao. Giết tao mày ở tù”. Bà nhắc lại nỗi ấm ức lâu ngày của nó: “Mày đừng hòng tao bán đất cho mày tiền”.

Thằng Đực nhào tới dùng hai tay bóp cổ bà Lành. Bà Lành thụi vào mặt thằng Đực túi bụi. Hai bên giằng co, vật lộn, xô đẩy một hồi bà Lành trượt chân ngã, đầu đập vào cây cột nhà, bà lăn ra đất, máu chảy lênh láng. Thằng Đực-em chạy lại đỡ  thì bà Lành bất tỉnh. Chở vô nhà thương, bà Lành bị chảy máu não phải mổ cấp cứu. Hiện giờ bà Lành vẫn trong tình trạng hôn mê.

Bà Lành nằm trong bệnh viện mười ngày rồi mà vẫn chưa tỉnh.Thằng Đực ốm đi thấy rõ. Nó đi đứng như người mất hồn. Nó lầm lì ít nói. Nào ai biết cái đầu nó đang suy nghĩ gì. Nó hối hận vì gây gỗ với má nó mà gây ra tai nạn hay thương tiếc con gà chọi bị thuốc. Ngày nào nó cũng ra vô bệnh viện rồi về tiệm, chẳng thiết việc buôn bán, bỏ lơ luôn hai con gà chọi nhỏ. Bao nhiêu khách quen nó đẩy hết cho má hai nó là bà Hiền bên cạnh.Tiệm giày vắng tanh, yên lặng như cái chùa.

Từ ngày tiệm giày “Cô Ba Lành” gặp chuyện không… lành, tôi ít khi xuống ngồi ở cửa hàng la cà để ngắm ông đi qua bà đi lại nữa. Tôi cũng ít khi gặp nó. Ngày tôi sắp về Mỹ, tình cờ gặp nó ở quán “cà phê cô Út”, tôi hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bà Lành và gửi lời chào tạm biệt. Ánh mắt nó hiện lên một niềm vui khó tả. Nó kéo tôi qua chiếc bàn bên cạnh hỏi nhỏ:

- Cô cho con địa chỉ và số phone của cô ở Mỹ nha cô.

- Chi vậy?

- Con qua Mỹ gặp cô. Cô chờ con nha. Cô cháu mình sẽ gặp nhau ở Mỹ.

- Ủa, Đực đi bằng cách nào? Sao hay vậy?

Nét mặt nó lúc này buồn buồn. Nó xuống giọng:

- Con chờ má con tỉnh rồi bắt bả ký tên bán miếng đất cho con. Rủi má con chết, miếng đất đó cũng thuộc về con à. Con đi hỏi luật sư . Con được hưởng quyền thừa kế. Con bán đất, có tiền, con lo vụ hôn thú. Có người bà con hứa giúp con rồi.

Nó cúi mặt ngậm ngùi:

- Phải chi hồi đó má con bán miếng đất thì giờ này đâu xảy ra nông nỗi.
                                                           *

Bà chị dâu của tôi mặn chuyện kể tôi về Mỹ được khoảng vài tuần thì bà Lành tỉnh dậy. Bà không còn nhớ gì hết. Bà không nói được. Một bên tay phải và chân trái bị liệt không còn cử động. Bà phải ngồi xe lăn.

Toàn bộ cửa hàng giày sang cho má hai nó là bà Hiền tiệm giày bên cạnh. Thằng Đực-em qua làm cho bà Hiền.Thằng Đực- anh bỏ nghề “tút” giày, làm nghề nuôi và bán gà chọi cũng có ăn. Còn miếng đất đứng tên bà Lành, anh em thằng Đực đang tranh giành nhau, phải nhờ luật sư can thiệp, bán được phải cưa đôi. Cửa hàng bán giày bà chị dâu tôi đã tìm người khác cho thuê làm văn phòng.

Còn ước mơ đi Mỹ của thằng Đực, chỉ có tôi và nó biết. Ước mơ đó không phải chỉ có riêng thằng Đực, một thằng viết tiếng mẹ đẻ đầy lỗi chính tả, vốn tiếng Mỹ “học hoài không nhớ”, chỉ có đôi bàn tay khéo, cái nghề “tút” giày và nuôi gà chọi lận lưng, thèm khát bán miếng đất để lấy tiền lo giấy tờ đi Mỹ, suýt nữa phải đổi mạng sống của bà mẹ để rồi cuối cùng ước mơ ấy vẫn chưa thực hiện được.

Đó còn là ước mơ của  không biết bao nhiêu người Việt nam, người nghèo lẫn người giàu, đàn ông, đàn bà, trẻ, già, trai, gái, “phó thường dân” lẫn các quan to chức lớn. Có những người đã từng hô to khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thế mà bây giờ nhờ những “phi vụ” béo bở, họ đã thực hiện được ước mơ đi Mỹ bằng cách cho con cái lấy chồng, lấy vợ có quốc tịch Mỹ, cho con đi du học Mỹ hay đi lao động xứ Mỹ rồi tìm cách ở lại Mỹ. Nếu có trình độ thì xin học bổng Mỹ, tốt nghiệp xong ở lại  Mỹ làm việc để có thẻ xanh, sau năm năm sẽ tự động vô quốc tịch, làm công dân Mỹ.

Đó cũng là những doanh gia, đại gia, các quan chức cao cấp tai to mặt lớn, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, nhờ các hiệp ước thương mại và  những hợp đồng làm ăn hay buôn bán từ hai phía, họ đi Mỹ như đi chợ, chuyển tiền và rửa tiền như rửa tay hoặc chỉ cần bỏ vốn cỡ nửa triệu đô la đầu tư ở Mỹ là có cái thẻ xanh “hạ cánh an toàn” tại “đế quốc”. Đó cũng là những người trở nên giàu có nhờ đất đai ông bà để lại, làm nghề mua bán nhà đất hoặc có nhà cho ngoại kiều thuê, xài đô la Mỹ như xài tiền đồng Việt. Họ giàu “sổi”, hãnh tiến với mớ tiếng Anh học vội để xài đỡ trong những chuyến đi du lịch Mỹ để đời và hãnh diện về đẳng cấp tư sản đỏ lẫn tư sản mới. Làm giàu, có tiền, “hóp- bi” cao cấp để tiêu tiền là đi du lịch trong đó phải đi  Mỹ một lần cho biết cái cầu Golden Gate,White House, thăm các sòng bạc ở Las Vegas, khu Little Saigon... Đó cũng là cái “mốt” thời thượng, thay vì xóa bỏ giai cấp, bây giờ là phân biệt và khẳng định đẳng cấp để đánh giá trị con người .

Thằng Đực ôm ấp ước mơ đi Mỹ chỉ có một miếng đất vườn của ba nó để lại. Nó cũng chỉ mong một chuyến đổi đời tại một đất nước huyền thoại. Qua những câu chuyện về xứ Mỹ, nó biết qua Mỹ không sung sướng gì, phải cày như  trâu để sống còn chứ không phải “ăn trên ngồi trước” hay “chỉ tay năm ngón” nhưng nó vẫn muốn đi Mỹ. Có thể nó cũng mơ hồ nghĩ đến nước Mỹ là nước có nhiều cơ hội  chứ chẳng quan tâm gì về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, bầu cử, chính sách di dân....

Tình hình nước Mỹ có nhiều chuyển biến khi vị Tổng Thống mới Donald Trump đã ký sắc lệnh mới về vấn đề giới hạn di dân trong bảy nước Hồi Giáo. Hàng loạt những chính sách khác như trục xuất di dân bất hợp pháp, xây tường biên giới Mexico, cứu xét trường hợp các “dreamers” là các trẻ em di dân sinh ở Mỹ, được vào quốc tịch Mỹ... Rồi đây việc chấp nhận di dân của các quốc gia trên thế giới đến nước Mỹ sẽ chậm và khó khăn hơn.

Tôi không kể cho thằng Đực nghe chính sách mới của chính phủ Mỹ về vấn đề di dân. Thôi, cứ để cho nó chắp cánh ước mơ đi Mỹ với miếng đất còn trên giấy tờ của bà Lành.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
29/04/201804:20:55
Khách
Thưa các bạn đọc,
Trước hết cho Annie gửi lời cảm ơn những đóng góp chân thành và qúy báu của các bạn.
Annie có tật ít khi xem lại những bài viết cũ. Vừa rồi có một người bạn quen ,đọc , gọi và nhắc sao không thấy Annie trả lời bạn Khách có một câu hỏi về đường Hồ Văn Ngà?
Mong bạn Khách tha lỗi cho vì sự chậm trễ mãi đến hôm nay mới có câu trả lời cho bạn .
Dạ, đúng như vậy. Đường Hồ Văn Ngà trước 75 ,đầu đường là Cầu Ông Lãnh, cuối đường là nhà Chú Hỏa băng qua bên kia cầu Camette là quận tư.
26/02/201811:52:01
Khách
Tác giả rất đúng. Bọn nhà giàu ở VN nhất là bọn tư sản đỏ và đám con ông cháu cha cs bây giờ chỉ mê cái quốc tịch Mỹ. Nếu chúng làm ăn lương thiện thì cũng ok nhưng hầu hết chúng giàu là do tiền ăn cắp , đục khoét tài sản của dân ,của thiên nhiên và đất nước VN. Ai cũng thấy điều đó.
Luật nhân quả không phài ở kiếp này thôi đâu. Cứ enjoy mà hưởng của cải không phải do mồ hôi, sức lao đông của mình.
Bọn vô thần có ngày sẽ sáng mắt.
22/02/201807:52:08
Khách
Bài viết hay và hấp dẫn trong đó có tâm sự của tác giả.
18/02/201801:43:18
Khách
Kể chuyện chơi đá gà mà nói chuyện lớn về thời sự và tâm tình của người mất quê hương.Bài viết hay vì cách kể chuyện sinh đông và tình ý sâu sắc.
10/02/201801:31:07
Khách
Ngoài chuyện đấu đá gà theo suy nghĩ của tôi đây là chuyện hay và buồn vì tác giả viết về một ngôi nhà còn lại ở con đường đã thay đổi.. Đất nước Việt Nam bây giờ đã thay ngôi đổi chủ rồi. Bây giờ có trở về chì buồn thôi. Chỉ là dấu vết của kỷ niệm.
04/02/201801:58:27
Khách
Cái cột đèn nếu biết nói, nó sẽ nói rằng nó cũng muốn đi Mỹ
03/02/201820:35:04
Khách
Tôi thích đoạn kể đá gà. Tôi trước đây ở Vn có chơi đá gà và mê lắm khi qua Mỹ tôi bỏ rồi. Tác giả kể chuyện nuôi gà và đá gà lý thú lắm. Cám ơn tác giả
03/02/201820:30:19
Khách
Bi kịch gia đình của thằng Đực tôi thấy xảy ra ở VN rất nhiều.Tôi nghĩ đây là chuyện có thật.
Khi nào thằng Đưc qua Mỹ, tác giả viết một bài kể chuyện thằng Đực nữa nha.
Bài viết rất sinh đông.lôi cuốn người đọc vào câu chuyện kể hay.
03/02/201820:21:43
Khách
Tác giả kểcâu chuyện thằng Đưc mê đá gà nhưng có tính chất thơi sự ở mỹ. như di dân, làm hôn thú giả, du lịch mỹ, rửa tiền đều là chuyện có thật cả.
Xin hỏi tác giả đường hồ văn ngà trước 75 có phải gần nhà chú hỏa bên này cầu camette không?
03/02/201820:11:28
Khách
Cách viết của tác giả trong bài này khác lạ so với những bài trước phù hợp với nhân vật thằng Đực.chuyên môn chưởi thề.
Câu chuyện lôi cuốn, tình tiết ly kỳ.Trân đá gà thật là hấp dẫn. Bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,196,270
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến