Hôm nay,  

Đại Hội Thánh Mẫu 2017

21/08/201700:00:00(Xem: 13841)

Tác giả: Hồ Nguyễn
Bài số 5197-19-31040-vb8082017

Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Bài mới lần này của ông một ký sự về Đại Hội Thánh Mẫu tại Dòng Đồng Công Missouri Mừng từ ngày 3-8-2017 tới ngày 6-8-2017, với chủ đề “Làm Bất Cứ Điều Gì Ngài Bảo” và hướng về Kỷ Niệm 100 năm Đức Mẹ Hiện Ra tại Fatima. Giáo dân khắp nơi tại Hoa Kỳ, Canada, và Âu Châu đã về tôn vinh Đức Mẹ.

* * *

blank
Lễ Khai mạc đại hội.

Là người Công Giáo VN tại Hoa Kỳ thì ai cũng đã nghe về Đại Hội Thánh Mẫu Missouri, nhưng người theo đạo khác chắc cũng đã từng nghe phong thanh về đại hội này.

Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức tại dòng Đồng Công ở thành phố Carthage tiểu bang Missouri vào đầu tháng Tám hàng năm. Hầu hết các xứ đạo VN ở nước Mỹ và Canada đều có người về tham dự.

Năm nay gia đình chúng tôi cũng muốn hưởng ứng với mọi người.

Từ đầu tháng Bảy phần đông tín hữu đã hò hẹn với bạn hữu và chuẩn bị mua vé máy bay hoặc lái xe đi. Theo dõi trên mạng mới biết được có nhiều phi trường chung quanh có thể đáp máy bay đến được vùng đồng bằng miền trung Mỹ này. Wichita, Tulsa, Oklahoma, Arkansas...Nhưng có lẽ người lười biếng như tôi thì nên chọn phi trường MCI (Kansas), vì có đường bay thẳng từ Orlando, giá cả phải chăng, mà lái xe từ phi trường này xuống đến vùng đại hội cũng chỉ hơn 2 giờ đồng hồ.

Biết được Đại Hội sẽ có lễ khai mạc lúc 7 giờ tối ngày thứ Năm mùng 3 tháng 8, nên chúng tôi mua vé sẽ đáp Wichita vào 11 giờ sáng, rồi lái xe đến đó sớm một chút để tiện việc chuẩn bị.

Trên đường lái xe, tôi liên lạc và biết được chị Nhiên đã cắm lều (gọi là phòng thông tin của nhóm) ở gần cổng nhà Dòng, nhưng chưa biết chính xác chỗ nào. Gọi điện thoại thì chỉ có máy trả lời. Lúc này máy chỉ đường GVS thông báo còn nửa dặm nữa thì tới địa chỉ 1900 Grand Ave. Trước mặt có những bảng hiệu tạm thời nói về giới hạn tốc độ, các ngõ quanh bị cấm và nhiều viên cảnh sát đứng hướng dẫn du khách và bảo vệ an ninh, trật tự. Hai bên đường hầu như xe cộ đã đậu đầy, bên trong đường đi bộ side walk của các con phố, thì lều vải to nhỏ, màu sắc, kiểu cách khác nhau đã được dựng lên.

Sau này chúng tôi mới biết khách hành hương từ các nơi xa đã rời nhà từ một- hai tuần lễ trước, đến nơi họ phải mướn sân chung quanh vườn nhà những người dân nơi đây để dựng lều sống tạm. Không chỉ con đường này mà tất cả các con đường xung quanh khu nhà Dòng rộng ra hàng cây số đều có khách hành hương dựng lều.

Nhà Dòng Đồng Công chỉ có khả năng cung cấp những lều to cho các các xứ đạo, hội đoàn, các đơn vị tập thể, còn lại các gia đình và cá nhân thì phải tự lo.

Tôi hỏi một viên cảnh sát về việc đậu xe, ông ấy bảo đi vào phía trong, chỉ còn một ít chỗ và sẽ có người hướng dẫn trong ấy.

Đường đi vào phải lái xe chậm vì rất đông người đi bộ đang đổ về phía nhà Dòng, bên kia bãi đậu xe công cộng, hàng mấy trăm chiếc xe mobil home đã đậu một cách trật tự, ngay ngắn. Tôi đoán khu đất nầy thuộc về nhà Dòng vị hệ thống cung cấp và thoát nước đã được làm sẵn, các xe chỉ cần đậu vào đúng vị trí là có thể ráp nối và dùng được.

Phải khó khăn lắm và nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của các viên cảnh sát chúng tôi mới tìm được một chỗ đậu xe. (Những ngày sau phải đậu xa hàng dặm và đi bộ vào).

Từ bãi đậu xe đi vào khu sinh hoạt nhà Dòng phải băng qua mấy block đường, chỉ thấy lều và người, người Việt chen chúc nhau cùng hướng về phía khu trung tâm sinh hoạt.

Phía trên lễ đài, hai biểu ngữ lớn bằng vải trắng có hàng chữ ghi: "Hãy Làm Những Điều Ngài Bảo". "Let Do What He Said".

Là những người Công Giáo có lẽ ai cũng biết đây là câu nói của Mẹ Maria với nhân viên tiệc cưới thành Cana trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu "Nước lã biến thành rượu". Và đây cũng là chủ đề của Đại Hội Thánh Mẫu năm nay.

Phía sau lễ đài là các toà nhà sinh hoạt của nhà Dòng, và trong các ngày Đại Hội là chỗ ăn, nghỉ cho các tu sĩ.

Chúng tôi thấy có nhà nguyện, tượng đài Đức Trinh Nữ Maria, các thánh, khu ghi tên lưu niệm...Có phòng thông tin và đặc biệt là một số hội trường lớn có sức chứa hàng mấy ngàn người khi tham dự hội thảo.

Phía sau nữa là khu ăn uống, hàng chục căn lều không biết được dựng lên từ hồi nào, những lều nầy to nhỏ khác nhau, có bàn ghế đàng hoàng để phục vụ từ hàng trăm, có quán đến hàng ngàn người một lúc.

Thôi thì đủ các thể loại: Bún, cơm, phở, bánh mì, bánh bao, canh chua, cá kho tộ, canh rau đay cà pháo, thịt dê, bê thui, heo rừng v.v.. Nhỏ hơn thì có xe nước mía, có quầy trái cây tươi, có bắp luộc, đậu phọng hấp, có boba tea, tủ kem, đá bào... Cứ như mình đang ở trên chính quê hương VN vậy. Bên cạnh còn có các quầy bán tượng ảnh, dĩa nhạc, tạp hóa, đồ lưu niệm.... Những sinh hoạt này được nhà Dòng giao cho các xứ đạo, hoặc hội đoàn thực hiện để vừa phục vụ cho nhu cầu của Đại Hội, vừa gây quỹ cho đơn vị của mình.

blank
Diễn hành.

Điều đặc biệt là những người ở đây làm việc thiện nguyện, nhưng rất nhiệt tình. Như quán Đồng Hành của Dallas, Texas có trên 300 người làm việc thường xuyên đêm ngày. Riêng các cháu thiếu nhi- nhận lãnh vai trò lấy order và bưng đồ ăn cho khách vừa nhanh nhẹn vừa lịch sự, rất đáng khen ngợi.

Mặc dù rất đông người qua lại, nhưng thật may, chúng tôi đã gặp chị Nhiên khi đi lòng vòng thăm viếng các gian hàng. Chị đưa chúng tôi đến lều của chị, nằm hơi xéo cổng chính nhà Dòng, cách lễ đài độ 3, 4 trăm mét. Nó chỉ rộng hơn chiếc chiếu nhưng chị phải trả 50 đồng 1 ngày cho chủ nhà. Ngồi nơi đây có thể trông thấy lễ đài, nghe được lời các LM chủ tế giảng, theo dõi thánh ca, coi văn nghệ và các sinh hoạt khác...

.. Tòa giải tội đã được đặt ở nhiều nơi, trong đó một số đã có các LM ngồi sẵn và nơi nào có LM ngồi thì nơi đó có người sắp hàng để được hòa giải với Chúa. Trên loa truyền thanh luôn phát đi lời mời gọi các LM sắp xếp để đến ngồi tòa. Nhưng hình như nơi đây không cần tòa giải tội, chúng tôi thấy rất ít người quỳ trước tòa mà chỉ thấy các LM mang khăn choàng tím ngồi trên ghế, đối diện các ngài là "tội phạm" ngồi trên một chiếc ghế khác, hai người thì thầm nói với nhau, kẻ nói người nghe một hồi thì thấy cha giơ tay ban phép lành, "tội phạm" cúi đầu cầu nguyện rồi chào đi ra với nụ cười hạnh phúc, thoải mái.

Trong suốt 3 ngày đại hội, trừ các giờ có thánh lễ đại trào, lúc nào cũng có vài trăm LM ngồi tòa và lúc nào cũng có rất đông người sắp hàng chờ được nhận lãnh bí tích Giải tội.

Quanh chiếc lều thông tin, chị Nhiên luôn nhắc nhở những người mới tới đi xưng tội.

Ông Tiến kể: Sau khi xưng tội thấy cha toát mồ hôi, còn mình thì đứng dậy xiêu xiêu! Hỏi sao vậy? Bởi vì tội của mình bây giờ đã chuyển hết sang vai các cha rồi!

Còn ông Chung kể: Tớ xưng tội xong thì cha quát lên: Tội lỗi đầy rẫy như vậy mà bây giờ mới xưng. Tớ bảo: Nhưng mà ông Hiền với ông Hồ còn nhiều tội hơn con mà cũng bây giờ mới xưng...

Chiều thứ Năm trời nắng, gió nhè nhẹ thổi mang không khí trong lành. Thánh lễ khai mạc lúc 7 giờ tối, có một Đức Giám Mục người Mỹ làm chủ tế và trên 200 cha đồng tế, gần 200 Sơ cùng tham dự với rất đông khách hành hương. Sở dĩ chúng tôi có con số các tu sĩ vị các Ngài được ngồi riêng trên cánh trái của lễ đài. Lúc rước kiệu mình thánh từ nhà nguyện đi ra, linh mục đoàn đi ra mãi mà chưa hết nên chúng tôi thắc mắc, rồi sau lễ lên đếm ghế thử coi...

Phía trái lễ đài là ca đoàn tổng hợp, được phối hợp từ nhiều ca đoàn của các xứ đạo, có hàng trăm ca viên, được tập đợt hàng ngày và điều khiển bởi các ca trưởng, cũng là những nhạc sĩ tài ba. Phải công nhận tài năng của các ca đoàn này. Mỗi thánh lễ phải trên 2 giờ đồng hồ, thời gian dài mà mọi người rất sốt sắng tham dự nhưng không cảm thấy mệt mỏi khi được nghe những nhạc phẩm trầm bổng, bi hùng, giọng ca solo thánh thót và điệu đánh nhịp của các ca trưởng. Tôi không đủ ngôn từ để nói về đề tài này, chỉ biết rằng hầu hết những người tham dự rất hân hoan theo dõi và tham dự một cách sốt sắng trong cả ba thánh lễ đại trào.

Khởi đầu mỗi thánh lễ là phần giới thiệu chương trình, các vị khách quan trọng, lời chào mừng của Cha Giám Tỉnh... Đặc biệt mỗi thánh lễ đều có một cha đại diện Toà thánh đọc án lệnh ban ơn Đại Xá của Đức Thánh Cha Phanxicô cho những ai đến tham dự Đại Hội Thánh Mẫu năm nay, với điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý đức Giáo Hoàng.

Hôm lễ kính Mình và Máu thánh Chúa. Có người thắc mắc: Ơn Đại Xá có những lợi ích gì? Sơ Mai Toản giải thích, khi nhận Ơn Đại Xá thì được tha tất cả các tội đã phạm từ trước đó. Khi được hỏi tại sao như tháng các Linh Hồn hàng năm thì có khi được lãnh Ơn Đại Xá mỗi ngày, điều này có cần thiết không? Cũng Sơ Mai Toản trả lời: Một là Ơn Đại Xá được ban có điều kiện, vì vậy nhiều khi mình chưa làm đầy đủ các điều kiện nên chưa chắc chắn, nên phải làm đi làm lại cho chắc ăn. Khi được hỏi ơn Đại Xá có thể chuyển giao được không? Thí dụ khi ông Thăng lãnh Ơn Đại Xá có thể chuyển cho bố mình là Cụ Đa Mình mới qua đời được không? Thì câu trả lời con chờ đợi các vị thông luật...Vì Sơ Mai cười bảo: Ơn Thánh mà sao cứ như buôn bán vậy?

Ngày thứ Sáu có lễ sáng, sau đó vẫn có rất nhiều nguời xếp hàng ở khắp nơi chờ đợi được xưng tội. Trên loa phát thanh cứ thấy nhắc các cha mau trở lại tòa để ban bí tích giải tội. Ngồi ăn phở kế bên, nghe thấy ông Chung Mốc lẩm bẩm: Chắc mấy Cụ nầy ngủ quên hay sao mà cứ phải chờ nhắc nhở. Gặp tớ là tớ ngồi suốt ngày...

Một tiết mục quan trọng trong các ngày đại hội là các chương trình hội thảo. Nói là hội thảo chứ thực ra là các cuộc giảng thuyết của các LM về hai để tài: Đời sống gia đình và ý nghĩa, bổn phận của việc sống đạo, hay nói khác đi là việc tuyên xưng đức tin của các tín hữu Ki Tô Giáo. Phần thắc mắc của khách hành hương cũng có nhưng không đáng kể. Năm nay hai cha được nhiều người theo dõi lắng nghe là LM Vũ Thế Toàn và LM Nguyên Khắc Hy. Thời gian cho mỗi buổi hội thảo khoảng 2 giờ và thường bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Xen giữa các giờ hội thảo là ẩm thực và các cuộc tìm kiếm thăm hỏi thân nhân được rao liên tục trên loa phát thanh.

Vẫn thứ Sáu, buiổi chiều, có lễ kính các thánh Tử Đạo Việt Nam. Sau bản tuyên bố ban Ơn Đại Xá của tòa thánh, có hai Giám mục đồng tế. Trong bài giảng lễ, Đức giám mục nói về các Thành Tử Đạo và ca ngợi lòng dũng cảm của các Ngài, đây cũng là tấm gương sáng chói cho không chỉ GHCG VN mà cho toàn thế giới, Ngài cũng khuyến khích mọi người tiếp tục cầu nguyện để dân tộc VN có được tự do, nhân quyền và cuối cùng là tìm được hạnh phúc.


Sau lễ có biểu diễn văn nghệ do MC Nam Lộc và LM Hải Đăng điều khiển chương trình, cùng với các nghệ sĩ, ca sĩ thuộc trung tâm Asia đóng góp. Đặc biệt có hai tiết mục hoạt cảnh về lịch sử VN của Giáo xứ Thánh Philiphe Phan Văn Minh thuộc Orlando chúng tôi, hai tiết mục này tập luyện rất công phu và trình diễn độc đáo được nhiều người khen ngợi.

Tin tức cho biết ngày thứ Bảy sẽ có mưa giông suốt ngày, buổi sáng thức dậy đã thấy Trời mưa nặng hột. Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần nên khách hành hương ở gần Missouri mới đến tham dự, từng đoàn, từng đoàn người tiếp tục tiến vào khu vực hành lễ. Trên sân lễ đài những người xếp hàng xưng tội càng dài hơn. Theo thông lệ, hôm nay sẽ là ngày đông người nhất, vì là ngày rước kiệu và lễ kính viếng Đức Mẹ. Sau rất nhiều thánh lễ Misa được quí cha cử hành ở các địa điểm khác nhau, các sinh hoạt hội thảo diễn ra như thường lệ. Nhưng đến trưa thì Trời trong sáng trở lại. Lúc 4 giờ chiều thì loa kêu gọi mọi người vào hàng để bắt đầu cuộc rước..

Đoàn rước Thánh tượng được bắt đầu bằng lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cờ Tòa Thánh Vatican, cờ Vàng VN, Thánh Giá Nến Cao. Đặc biệt cần nhắc đến phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (TNTT) đã được hình thành và phát triển rộng rãi tại Hoa Kỳ. Nhìn đoàn thanh thiếu niên trẻ trung, gọn gàng trong bộ đồng phục, nhanh nhẹn hoạt bát thi hành các khẩu lệnh của các trưởng, nhất là rất nghiêm chỉnh trong mọi việc lúc phục vụ cộng đồng và cả khi rước kiệu, chúng tôi cảm thấy rất vui, vị các em rồi đây sẽ là những phần tử tốt lành cho xã hội và cả giáo hội nữa.

Lộ trình rước kiệu đã được ban tổ chức định sẵn, có chiều dài khoảng 5-7 cây số, trên một số những con đường quanh trung tâm đại hội. Tất cả lối vào khu vực rước kiệu đều có cảnh sát canh giữ, còn các ngã ba, ngã tư chỗ đoàn rước đi qua thì có xe tải loại lớn (trên xe có đá) đậu chắn ngang không cho xe cộ lưu thông để giữ an toàn cho đoàn rước,

Trên nhiều cây cột điện cứ cách khoảng vài trăm thước lại có treo cặp loa phát thanh và người dẫn chương trình luôn thông báo cập nhật tình hình cuộc rước...Phải nói là số lượng người tham dự cuộc rước này quá nhiều, chúng tôi chưa từng thấy ở đâu có một lễ hội mà người tham dự đông đảo như vậy, đoàn người với quần áo đủ màu sắc, cờ hiệu, bảng tên các hội đoàn...rồng rắn kéo nhau đi nghiêm trang, trật tự không để ngắt quãng. Vừa đi vừa đọc kinh, hát thánh ca trên quãng đường dài 5-7 cây số, với hàng ngang khoảng từ 10 đến 15 người. Khi Thánh Giá Nến Cao (dẫn đầu đoàn rước) về đến lễ đài thi Kiệu Đức Mẹ vẫn chưa bắt đầu rời khỏi, Phía sau kiệu vẫn còn dăm, bảy ngàn người đi theo, trong đó có 5 Giám mục, trên 300 Linh mục, cùng khoảng chừng ấy Tu sĩ... Đoàn rước đã kéo dài 2g40 phút. Ấy là chưa kể số bô lão như ông bà Chánh Thọ, ông Chung ...Vì già yếu bịnh hoạn nên không thể đi bộ lâu và xa như vậy. Họ ngồi ngồi chờ trên sân lễ đài hoặc đứng gần các ngã ba đường gần trung tâm Đại Hội nhưng vẫn hát thánh ca hoặc đọc kinh cùng với đoàn rước. Số người này cũng lên đến hàng chục ngàn người.

Khi thánh tượng về đến lễ đài thì một tràng pháo dài nổ vang dội, hai chùm bong bóng bay được thả ra mang theo hai là cờ: Cờ Vàng và cờ Hội thánh Công Giáo tung bay phấp phới lên cao, kế tiếp là hàng ngàn quả bóng khác đủ mọi màu sắc bay theo và ca đoàn cất cao những bài hát tưng bừng để chào kính Mẹ Maria. Đoàn người giờ đang đứng chen chúc nhau trên cái sân rộng trước lễ dài và lan tràn ra đầy tất cả các con đường chung quanh, hình như trên những gương mặt đẫm ướt mồ hôi đó vẫn rạng rỡ, hân hoan để cùng hiệp dâng lời tung hô Mẹ nhân ái.

Đại lễ kính mừng Trinh Nữ Maria được bắt đầu lúc 8g tối, với 5 Giám Mục đồng tế và nhiều, nhiều lắm các Linh mục và Tu sĩ cùng hàng trăm ngàn người tham dự. Nhóm chúng tôi hỏi nhau: Thông thường ở các xứ đạo, nếu các cha giảng dài một tí, hoặc lễ lâu hơn một giờ thì thế nào cũng có cụ kêu ca, càm ràm...Vậy mà ở đây trong những ngày đại hội, lễ nào cũng kéo dài trên dưới 2 giờ đồng hồ, mọi người vẫn vui vẻ nghiêm trang, không những không kêu ca mà còn hồ hởi tham dự trong niềm hào hứng trào dâng.

Tối nay LM Nguyễn Khắc Hy giảng lễ, Ngài là một trong số ít các cha giảng phòng rất lôi cuốn, được nhiều người theo dõi không chỉ trong đại hội Thánh Mẫu hàng năm, mà còn nhiều dịp lễ quan trọng khác ở khắp nơi. (Có thể tìm nghe các bài giảng của Ngài trên u-tube).

Một điều may mắn là chỉ sau lời cám ơn của ban tổ chức thì trời mới chuyển mưa, nên mặc dù tối nay cũng có mục văn nghệ do MC Thuỳ Dương và LM Hải Đăng điều khiển nhưng chỉ còn ít người ngồi lại.

Chuyện bên lề Đại Hội:

Nhà dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc có mua một miếng đất dùng làm Nghĩa Trang. Chú Thăng tuy ở Wichita nhưng rất quen thuộc với khu vực và việc nhà dòng. Chú ấy dẫn chúng tôi đi thăm viếng một số danh lam thắng cảnh ở đây và đặc biệt khu nghĩa trang có một số danh nhân của giáo hội và lịch sử Việt Nam;

1- Đức Cố Giám Mục Ngô Đình Thục.

2- Cha Cao Văn Luận Viện Trưởng Sáng Lập viện Đại học Huế, tác giả bộ sách Bên Dòng Lịch Sử, xem hình mộ phần.

3- Triết gia, Linh Mục Lương Kim Định.

Mọi ngôi mộ tại đây đều có hình thức giống nhau. Ai có nhu câu tim tòi lịch sử thì xin tìm hiểu thêm.

Thay lời kết

Chuyện kể rằng : 40 năm trước các LM dòng Đồng Công (nay gọi là dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc) bắt đầu tổ chức lễ hội mừng kính Đức Trinh Nữ Maria tại đây. Ngày ấy cơ sở vật chất của nhà đông còn nhỏ bé, số người tham dự lúc bắt đầu từ con số trăm, rồi vài ngàn...Mươi năm trước cũng chỉ vài chục ngàn. Thế mà hôm nay số người tham dự đã lên tới trên trăm ngàn. Cơ sở vật chất mặc dù đã rất to lớn nhưng còn thiếu thốn rất nhiều so với nhu cầu của đại hội.

Lạ một điều, trong tất cả các thánh lễ từ đại trào đến "tiểu trào" đều không xin tiền hoặc không có thùng xin tiền trong khuôn viên đại hội, chỉ có một quầy rất khiêm tốn ở góc phía sau tòa nhà ghi: Xin lễ, xin khấn hoặc dâng cúng.

Nhiều người thắc mắc: Tại sao nhà Dòng không tổ chức xin tiền dầu, nến trong các thánh lễ? Vì đây cũng là điều thường tình ở bất cứ nơi đâu và những người tham dự chắc sẽ sẵn sàng đóng góp nghĩa vụ của mình để nhà Dòng có ngân sách mà chi phí cho những dịch vụ, phục vụ người tham dự, nếu còn dư thi phát triển cơ sở vật chất, để nơi đây có thêm phương tiện phục vụ cho các nhu cầu ngày càng to lớn.....Đến đây tôi lại nhớ đến lời Cha Cố Đa minh Vũ Ngọc An đã nói với chúng tôi thủa sinh tiền: Việc của Thiên Chúa thì Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và lo liệu." Những suy nghĩ và toan tính của chúng ta thuộc về trần thế nên khó được chấp nhận.

Cho đến giờ chót nhà Dòng mới có cuộc sổ số để gây quĩ. Trên khán đài Cô Thuỳ Dương cho biết, chi phí cho đại hội năm nay tốn hết trên nửa triệu USD. Tôi trộm nghĩ mình đến đây mấy ngày này đón nhận quá nhiều hồng ân mà chưa đóng góp gì, trong túi còn chút ít tiền mặt xin dâng cúng để nhà Đòng tuỳ nghi sử dụng cho những việc công ích, có lẽ làm được như vậy mới hợp đạo lý và lòng mới thanh thản ra về.

Chuyện cũng kể rằng: Trong những năm đầu người dân ở địa phương này cũng rất khó chịu với những sinh hoạt đặc thù chủng tộc và tôn giáo của đại hội. Nhiều người dân ở đây còn thưa kiện vì nhiều lý dó...

Mà không phàn nàn hoặc khó chịu sao được? Khi tiếng loa bi bô với ngôn ngữ khác suốt ngày. Dòng xe cộ và cả người đi bộ choáng ngợp làm cản trở các sinh hoạt hàng ngày của họ. Số người tụ họp, huyên náo cả tuần lễ có thể làm mất an ninh trật tự của khu vực họ đang sinh sống...

Nhưng rồi theo thời gian, cả chính quyền lẫn người dân nơi đây không chỉ chấp nhận mà còn hợp tác, thậm chí hầu hết đều vui vẻ giúp đỡ người tham dự.

Chính quyền thì giúp về an ninh trật tự. Người dân thì chia sẽ chỗ ăn, ở. Một số người cho thuê luôn căn nhà họ đang ở và đi vacation trong những ngày đại hội... Nói chung ngày nay cả chính quyền và hầu hết người dân nơi đây đều chấp nhận lễ hội này như một sinh hoạt hằng năm của địa phương mình, để chính quyền thì làm bổn phận của họ, còn người dân thì hoặc vui vẻ hợp tác hoặc im lặng chấp nhận. Một số rất ít không hợp tác nhưng số này không đáng kể.

Đối với cộng đồng VN, có được một ảnh hưởng và dư luận ngày càng tốt đẹp, phải kể đến tài năng tổ chức của nhà Dòng, sự đóng góp công sức của rất nhiều thiện nguyện viên. Thí dụ những người đi thu dọn và đổ rác phải làm việc cật lực ngày đêm để khu đại hội lúc nào cũng sạch sẽ. Các nữ tu phải chia nhau đi dọn đẹp và lau chùi nhà vệ sinh, và còn rất nhiều những công việc không tên khác mà nếu không có sự tổ chức điều hành hay không có nhiều người hy sinh, dấn thân phục vụ thì không thể có được ngày hôm nay. Mặt khác phải kể đến ý thức và sự hợp tác của người tham dự, họ biết tôn trọng nội qui của nhà Dòng, ý thức trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh chung. Điển hình như việc sắp hàng thứ tự trong mọi trường hợp, giữ và làm vệ sinh ngay sau khi sử dụng: Sân cỏ, nhà vệ sinh, hội trường. v.v.

Đối với người Công Giáo, chúng tôi tin rằng: Ơn trên đã ban cho một cách đặc biệt để bao nhiêu năm qua với 40 lần đại hội, hoặc không có, hoặc có rất ít biến cố đáng tiếc xảy ra. Dù tin hay không tin chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục gìn giữ những truyền thống tốt đẹp này để không chỉ mang lợi ích cho chính chúng ta những người tham dự, mà danh dự người VN, danh dự của giáo hội CGVN cũng được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.

Có người hoặc nghi ngờ thật hoặc phao tin rằng: Trong số cả trăm ngàn người tham dự đại hội, phải có rất nhiều (30-40%) không phải Công Giáo, họ đến vì tò mò, ham vui hay một lý đó nào đó? Bởi vì thử hỏi tất cả số người VN ở Mỹ có khoảng 2 triệu. Cứ cho rằng người CG có 40% trong số ấy thì được 800 ngàn. Vậy mà đại hội năm nay có đến cả trăm ngàn là 1/8 dân số, ở đâu mà nhiều người vây?

Chúng tôi không có con số thống kê để trả lời câu hỏi này. Nhưng số lượng trên dưới 100 ngàn người tham dự là có thể thấy được. Những người tham dự đều rất tích cực trong mọi sinh hoạt nhất là các thánh lễ đại trào, họ đến tham dự với tinh thần nghiêm túc, thành khẩn, với niềm tin thể hiện bằng ý thức và hành động... Vậy thì dù trên danh nghĩa họ có là người Công Giáo hay không cũng không thành vấn đề. Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng một lễ hội mà mọi sinh hoạt nơi đây đều mang lại lợi ích tinh thần cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng.

Xin cảm ơn tất cả.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
13/07/201820:58:40
Khách
Xin cảm ơn tác giả đã cho đọc lại bài viết về Đại Hội Thánh Mẫu 2017, bài viết rất chi tiết và sẽ giúp đỡ ít nhiều cho những ai sắp chuẩn bị đi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu sẽ được tổ chức từ ngày thứ Năm mồng 2 đến ngày Chúa nhật mồng 5 tháng 8 năm 2018 sắp tới . Gia đình tôi ở tiểu bang Arkansas chỉ mất khoảng gần hai tiếng đồng hồ lái xe đến Dòng Đồng Công, chúng tôi đi tham dự từ ngày Thánh Mẫu đầu tiên số người tham dự lúc đó không đông mấy nhưng mỗi năm mỗi tăng, đồng bào Công Giáo cũng như không theo Đạo Công Giáo theo tôi nghĩ phần nhiều họ đến với Mẹ Maria giống như nắng hạn gặp mưa rào, như thuyền nan gặp Sao Biển trong cuộc hải hành và mang về niềm tin nơi lòng từ bi luân tuất của Mẹ Thánh Maria và Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh .
22/08/201716:34:40
Khách
Tạ ơn Chúa "Bác Hồ" vẫn còn... sống và tái xuất giang hồ trên trang VVNM với bài viết thật ý nghĩa cho những ai chưa có dịp tham dự Đại Hội Thánh Mẫu. Rất mong có dịp được gặp lại anh!

Thy & Phương Dung
21/08/201715:53:53
Khách
Cám ơn tác giả đã có bài viết về Đại Hội Thánh Mẫu. Dù đã xem được một số hình ảnh trên Youtube, tuy nhiên bài viết có thêm những chi tiết lý thú.

Ít năm trước, nghe nói người bản xứ chào đón Đại Hội Thánh Mẫu của người Việt vì không những người đi tham dự biết giữ gìn sạch sẽ cho khu vực mà còn mang lại lợi lộc cho những tiệm ăn, motel, hotel, trạm bán săng, v...v...ở đó.
21/08/201715:01:56
Khách
Anh Hồ tường trình hay quá! Rất tỉ mỉ chi tiết và cho biết thêm về lịch sử, tầm vóc của sự kiện, cũng như ảnh hưởng tốt đẹp trên cộng đồng Việt tị nạn và cả dân bản xứ. Tôi chưa tham dự bao giờ, nhưng khi đọc và xem hình cũng có thể hình dung được quang cảnh và cảm nhận được phần nào sự nô nức vui tươi và linh thiêng của đại hội. Mong được đọc thêm những bài khác của anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,231,200
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến