Hôm nay,  

Chuyện Tình Từ San Diego

06/07/201700:00:00(Xem: 12278)

Tác giả: Song Lam
Bài số 5160-19-31004-vb5070617

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.

* * *

I.

Meiji không phải là người Nhật hay Mỹ mà là một cô gái Việt quê Bến Tre. Câu chuyện bắt đầu từ 2009 khi cô nhỏ này đến ở sát bên căn apartment của tôi. Chúng tôi ở căn số 8, cô ở kề bên, căn số 9, tại King of Prussia Arms thuộc tiểu bang Pennsylvania.

King of Prussia là thành phố mới chỉ được xây dựng 20 năm nay. Pennsylvania là tiểu bang rộng lớn không thua gì New Jersey hay New York và 3 tiểu bang này nằm sát cạnh nhau. Đây là những tiểu bang nổi tiếng và cũng là những tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ; trong những tháng ngày đầu lập quốc.

Trước đây, King of Prussia chỉ là những thảo nguyên trùng điệp, núi rừng chớn chở. Đặc biệt, nơi đây còn ghi dấu rất rõ nét cuộc chiến tranh Nam Bắc đẫm máu trước khi Hoa Kỳ có Tuyên Ngôn độc lập được đọc tại thành phố Philadelphia năm 1776. Đó là Valley Forge National Park trên một diện tích rộng hằng trăm hecta rừng.

Chúng tôi đang ở cạnh một shopping center nổi tiếng của vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, đó là King of Prussia Mall, hiện nay được mở rộng thêm diện tích, thêm nhiều shop và thêm nhiều du khách!

Vùng này đa số là dân da trắng, Á Châu rất ít, người Việt Nam lại càng ít hơn. Đây là thành phố mới nên nhà cửa đẹp và rất cao giá. Vì thế, những gia đình có thu nhập thấp không kham nổi tiền rent hay mortgage.

Sở dĩ tôi phải tả cảnh dài dòng như vậy để thưa với quý bạn đọc điều này: Tìm được người Việt Nam ở đây đã khó, tìm người bạn Việt Nam lại càng khó hơn. Các con đã lớn khôn, có gia đình riêng, hai vợ chồng tôi cứ lủi thủi vào ra trong cái tòa nhà này với người bản xứ. “Hết ngày dài rồi lại đêm thâu”, hết mùa Đông tê cóng thịt da đến mùa hè nắng nóng hừng hực, rực rỡ nắng vàng, cũng chỉ có hai con khỉ già nhìn nhau nuối tiếc tháng ngày thơ mộng!

Vì thế, làm sao chúng tôi không có nỗi vui mừng khi có Meiji đến ở bên cạnh, nhất là tôi có được người bạn nhỏ đồng hương!

Tôi mừng lắm nên bạo dạn gõ cửa. Trước mặt tôi, Meiji lúc đó tóc tai rũ rượi, mắt đỏ hoe, thần sắc kém tươi. Qua câu chuyện, tôi biết nàng vừa mất mẹ cách đây vài tuần, khổ hơn nữa, Meiji cũng vừa nói “bye bye” với người bạn trai mà nàng yêu tha thiết. Tự nhiên, tôi ôm con nhỏ và nói:

- Thôi, con đừng khóc nữa, bác rối ruột lắm. Hãy tự thương mình. Trong lúc này, con cần điều gì trong khả năng của bác, bác sẽ tận tình giúp con!

Meiji khóc nhiều hơn và sau đó ít ngày cô nhỏ này nói với tôi, giọng nhẹ nhàng:

- Bác cho con xem bác như người mẹ, được không?

Dĩ nhiên là tôi gật đầu, nói mau:

- Được chứ! Bác có hai đứa con gái, nhỏ hơn con vài tuổi. Bây giờ, con là con gái lớn nha?

Trước sự chân thành của tôi, Meiji mỉm cười gật đầu. Sau đó, tôi giục nàng đi cắt tóc, ăn mặc tươm tất hơn, tổ chức lại đời sống.

Lúc này, Meiji vẫn đang làm việc cho một công ty lớn. Nàng chỉ làm việc ở nhà, trên computer.

Tôi thích nấu ăn, sẵn dịp muốn an ủi con nhỏ nên mang thức ăn cho nó hàng bữa. Lần nào nó cũng chụp hình dĩa thức ăn post lên facebook khoe với bạn. Hai bác cháu có được những ngày vui.

Có một chi tiết trùng hợp đến không ngờ giữa hai chúng tôi: Meiji nhỏ hơn tôi hai con giáp cùng tuổi Sửu (Meiji tuổi Quý Sửu 1973), cùng cầm tay trái, cùng mê văn chương và cùng có… nhiều trật vuột trong tình trường!

Trong những tháng ngày ở bên tôi, hai bác cháu thường tâm sự với nhau, phần lớn là tôi muốn tìm hiểu thêm về Meiji để an ủi cháu hơn là tò mò. Ở đứa con gái này mà tôi coi như con mình tôi thấy nó có nhiều ưu điểm và hết sức giỏi giang.

Qua Mỹ từ lúc còn nhỏ khi còn học lớp 6 ở Bến Tre do cha ruột bảo lãnh mẹ và các anh chị em năm 1984, chỉ 7 năm sau Meiji đã xong Trung học, tiếp tục học kỹ sư Toán và tốt nghiệp ưu hạng về Toán học năm 1995.

Công việc ban đầu của Meiji là Computer programming ở thành phố West Orange, New Jersey. Cách đây 20 năm Computer Science còn là công việc “đắt giá” bậc nhất và lương cao lắm. Sau đó vài năm, Meiji kết hôn với người Mỹ gốc Do Thái tên Andrew từ công ty cô làm việc.

Cuộc hôn nhân tưởng chừng như hoàn hảo nhưng nàng là người tự trọng, không chịu nổi sức ép từ phía gia đình chồng, dường như có chút ít về sự kỳ thị chủng tộc. Cuộc hôn nhân tan vỡ sau 12 năm. Dù Andrew hết mực thương Meiji nhưng lại là người thiếu bản lĩnh, không muốn có con với nàng, chính Meiji quyết định ly hôn. Lúc đó nàng đang ở Saint Louis, Missouri.

Năm 2004 trong một chuyến du lịch với bạn tới San Diego; nàng bỗng nảy ra ý định dọn đến nơi này vì khí hậu ôn hòa không quá nóng hay quá lạnh như những vùng Đông Bắc mà nàng đã sống và làm việc hơn 20 năm qua. Và, Meiji thật sự “đóng đô” ở San Diego từ năm 2006. Cuộc đời nàng đã rẽ qua một chặng đường khác, nàng đã tìm thấy được một tình yêu thật sự của cuộc đời mình. Nàng gặp người đàn ông Mỹ trung niên tên Richard.

San Diego 2
Richard và Meiji ở San Diego.


Người viết xin dừng lại một chút để nói về căn bệnh bẩm sinh của Meiji và cái nick name của nàng.

Tên Việt và tên Mỹ của Meiji rất đẹp đều bắt đấu bằng chữ K, nhưng tôi vẫn thích gọi nàng bằng Meiji. Trước 75, con nít Việt Nam ngoài bú sữa mẹ người ta thường cho chúng uống thêm sữa hộp đặc có đường hiệu ông Thọ hay sữa Nestle con chim. Sữa ngoại nhập thì có Guigoz của Pháp, sữa SMA, Meiji của Nhật. Cô nhỏ này chỉ thích hợp với Meiji nên có tên từ lúc ấy.

Meiji là đứa con gái thông minh, từ lúc nhỏ đã thể hiện xuất sắc trong học tập. Các cô giáo, thầy giáo ở Bến Tre rất mực yêu quý. Dáng cao, nhỏ nhắn, gương mặt sáng, giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng mang căn bệnh bẩm sinh khó chữa. Ở Mỹ này, bác sĩ gọi đó là căn bệnh "Bipolar disorter", tạm dịch là bệnh trầm cảm. Căn bệnh này là bệnh tâm lý phức tạp, đôi lúc vui quá độ và cũng có lúc buồn thê thảm dẫn đến mức muốn tự tử.

Chuyện này xảy ra với Meiji năm 1996, lúc cô 23 tuổi.

II.

Buổi chiều cuối thu ở đây thật đẹp. Lá vàng rực khắp phố phường. Nắng chiều còn ẩn núp bên kia sân banh, chỗ các em học sinh đang thi đấu môn côn cầu. Hai bác cháu ngồi trên chiếc xích đu ngoài công viên, nhìn ngắm cảnh chiều rơi thật chậm. Meiji nói tiếp:

- Con gặp anh ấy trong một tiệm sách ở San Diego. Quyển sách con muốn đọc quá xa tay với, vì nó được đặt trên giá thật cao. Tự nhiên có một bàn tay rút quyển sách đưa cho con và hỏi “Phải cô thích quyển sách này không?” và người đưa cho con quyển sách đó cao hơn con một cái đầu, chắc phải hơn 6ft. Tên anh ta là Richard, gọi là Rick cũng được nha Bác.

Tôi chăm chú nghe. Hai người này có hoàn cảnh giống nhau, sở thích giống nhau và cái tia nhìn đầu tiên như một định mệnh; họ đến với nhau cũng là lẽ thường tình. Họ nói chuyện trong tiệm cà phê, rồi hẹn hò gặp gỡ… và họ yêu nhau. Rick đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, nghĩa là đang sống ly thân với vợ chờ ngày phán quyết của tòa với tờ giấy ly hôn. Rick có ba đứa con, hai trai một gái, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, và anh ta vẫn còn theo lệnh tòa phải trả tiền nhà cho vợ con và chi trả child support.

Khi biết được Rick đang “hẹn hò” với một cô gái Việt Nam, lòng ghen tỵ nhỏ nhen của đàn bà bỗng dưng nổi dậy. Bà C- vợ Rick- muốn trở lại với chàng để xem thử có “nối lại tình xưa” được hay không. Biết chuyện này Meiji tự ái, chia tay với Rick về Pennsylvania. Mẹ Meiji mất sau đó vài tuần, Meiji dọn đến ở căn nhà số 9, kế bên apartment của vợ chồng tôi.


Tôi hiểu nỗi buồn của cô nhỏ này, nên lặng thinh. Nàng nhìn tôi hỏi:

- Rick định lên đây thăm con, Bác nghĩ sao?

Tôi nhìn vào mắt Meiji và nói:

- Con phải tự hỏi lòng mình chứ sao lại hỏi Bác? Con có còn yêu nó không?

Meiji gật, rơm rớm nước mắt…

Tôi ôm vai nó như ôm đứa trẻ thơ:

- Bác sẽ đi với con ra phi trường đón Rick!

Từ King of Prussia đến phi trường Philadelphia phải mất gần hai giờ lái xe. Hai bác cháu đi giữa đêm khi trời cuối thu nên hơi lạnh. Tôi thấy Meiji với gương mặt vui tươi, bừng sáng hơn mọi ngày và suốt đoạn đường dài, vừa lái xe nàng vừa líu lo nói chuyện với tôi.

Cổng số 5 vừa mở, Meiji đẩy tất cả đồ trên tay nàng cho tôi giữ, chạy ào tới Rick khi thấy người Mỹ trung niên này vừa bước qua khỏi cổng. Người đời thường nói “Tình yêu không biên giới” thật đúng trong lúc này: Một bên là anh chàng Mỹ cao to sừng sững và một bên là cô gái Việt thấp bé mỏng manh.

Sau vài phút xúc động tràn ngập giữa hai người bạn tình, họ mới nhớ ra là còn một bà già Việt Nam đang chờ họ. Vẫn biết đi với Meiji đón Rick đêm nay là tôi đang làm “kỳ đà cản mũi”, là trái độn vô tích sự, nhưng thương đứa con gái yếu ớt đi giữa đêm trường một mình nên tôi mạnh dạn đi theo. Chắc hai đứa này sẽ tức cười ghê gớm khi thấy tôi đang ôm cứng ngắt con thỏ nhồi bông, bó hoa hồng và đặc biệt là cái bong bóng bự có ghi chữ “I love you” màu đỏ chói!

Lượt về, tôi ngồi băng sau, im re vì không muốn chen vào “câu chuyện tình yêu” của họ. Hai đứa nói cười rúc rích như cặp tình nhân trẻ mười tám đôi mươi. Tình yêu thật nhiệm màu… Tôi nghe tiếng Meiji:

- Chắc bác L ngủ rồi!

Đến nhà gần 3 giờ sáng. Meiji trách yêu tôi:

- Bác làm tour guide mà Bác ngủ nên tụi con lạc đường.

Tôi cười ruồi thú nhận:

- Ờ, Bác hơi mệt vì đường xa!

Thật ra tôi nào có ngủ vì tôi biết mình là kẻ thứ ba không cần thiết trong thời gian về nhà.

Rick lưu lại căn nhà số 9 của Meiji vài hôm rồi phải quày quả về San Diego. Theo lời Meiji, Rick còn nhiều việc phải lo, phải giải quyết. Khi Rick nói lời cảm ơn tôi đã lo lắng, an ủi, khích lệ Meiji mấy tháng nay như tình mẹ con để Meiji được vui sống, tôi mạnh dạn nói với nó rằng:

- Nếu cậu thật sự yêu thương Meiji, cố gắng thu xếp gia đình, kết hôn với nó. Còn không thì chia tay, mỗi người mỗi ngả. Nó khổ lắm rồi, cậu đừng làm nó khổ thêm!

Cái chuyện này tôi nói với Rick như câu ca dao kinh điển của Việt Nam khi người con gái nói với người tình yêu dấu:

“Liệu bề thương được thì thương

Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em.”

Rick bắt tay tôi, từ giã và hứa hẹn ngắn gọn:

- I will.

Ở người đàn ông trung niên này tôi tìm thấy sự thành thật, và trong câu trả lời tôi: “I will” đó tôi cũng đọc được sự quả quyết, chắc nịch!

Vài tuần sau, Rick trở lại Pennsylvania giúp Meiji dọn nhà, đón nàng về lại San Diego. Rick đã giải quyết xong chuyện gia đình và ít tháng sau, chúng tôi nhận được thiệp cưới từ hai người bạn trẻ, đúng ra chỉ là trẻ hơn tuổi hai con khỉ già như chúng tôi.

Lẽ ra câu chuyện đã có thể ngừng ở đây được rồi vì kết thúc đã có hậu, happy ending.

III.

Nhưng, theo thiển ý của người viết, nếu không thêm phần “hậu” không công bằng với Rick, người đàn ông Mỹ mà tôi nghĩ rằng ít có trong xã hội này.

Người đời, khi nói về người Mỹ, hay cho rằng “người Mỹ lạnh lùng”. Với tôi, Rick là “người Mỹ lạ lùng”.

Sẽ không có gì lạ với cặp vợ chồng Mỹ Việt sống hạnh phúc bên nhau và ít li dị. Điều đó thật dễ hiểu. Vì người phụ nữ Việt Nam có những ưu điểm trong hôn nhân mà người đàn bà Mỹ ít người có.

Meiji và Rick kết hôn tháng 8/2010, nghĩa là sau bốn năm yêu nhau sóng gió. Họ đã vượt qua được những rào cản của tôn giáo, gia đình và nhất là căn bệnh bẩm sinh của Meiji. Chính Rick là bác sĩ điều trị cho nàng mà không cần ai khác. Meiji nói rằng từ mười một năm qua từ ngày gặp Rick, không có ngày nào chàng thiếu email cho nàng. Mà phải đâu họ trẻ trung mười tám hai mươi gì cho cam? Lúc gặp nhau Meiji 33 và Rick 40. Bây giờ cặp đôi này đã trên dưới 50.

Sống chung với nhau được 5 năm, căn bệnh quái ác kia của Meiji bùng nổ lần 2: Meiji một lần nữa bị trầm cảm, đưa đến ý muốn tự tử. Đó là tháng Tư 2005. Biết được nỗi khó khăn này, muốn cho Meiji được vui, Rick đã tổ chức Public Wedding, nghĩa là cầu hôn ngay ngoài đường đông người qua lại. Dĩ nhiên là anh chàng độc đáo này đã “ra hiệu” cho bè bạn làm người “công chứng”: Quì xuống giữa đường demander la main với chiếc nhẫn cưới và bó bông hồng tổ bố, chỉ có Rick vì yêu quá đổi Meiji mới làm được việc này!

San Diego 1
Màn cầu hôn trên vỉa hè.


Chưa hết. Hiện nay, mỗi đêm trước khi đi ngủ, Rick đều nhắc Meiji uống thuốc và khuyên vợ ngủ sớm, đúng giờ. Rick còn làm thơ nữa chứ. Hàng trăm bài thơ nói về tình yêu, nói rõ tấm lòng của chính mình với vợ, và làm thơ hàng ngày. Trời đất ơi, trên đời này chưa có người đàn ông nào “lạ lùng” đến như thế!

My Heart
(1/21/16)

If only my heart could speak,
It would sing a song of love to you.
If only my heart could paint,
It would paint a portrait of your beauty.
If only my heart could move,
It would dance the night away with you.
If only my heart could touch,
It would engulf you in a sweet tender embrace.
If only my heart could talk,
It would tell you over and over that I love you.

My Love For You
(5/26/15)

No one else will ever know the depth of my love for you.
Some may glimpse it, some think they know
But only you know that my love for you is stronger than the winds of a storm.
In all the world, only you know the sound of my heart from the inside.
On the inside, you can see that there is more love for you than stars in the sky.

Gần mười năm nay, tôi quen biết hai bạn nhỏ này mà tôi coi họ như là con cái trong nhà, tôi vẫn chưa hiểu nổi sao có một người đàn ông Mỹ tốt đẹp như thế? Đó là người Mỹ có tâm hồn Việt: yêu chuộng con người, trân trọng tình yêu, biết nhìn người để quan tâm và tha thứ. Trong gần mười năm, năm nào cũng vậy, những ngày lễ lớn như Thanksgiving, New Year, Mothers day, Fathers day… họ đều gởi quà, gởi thiệp chúc mừng cho chúng tôi. Ngay cả ngày sinh nhật của hai ông bà già này họ đều ghi nhớ.

Năm ngoái chúng tôi cùng đi vacation với Meiji và Rick ở Texas do lời mời của Rick. Họ lo lắng đủ điều cho chúng tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi ái ngại. Rick nói, giọng chân thành:

- Tụi con xem hai bác như cha mẹ, thì việc take care cha mẹ là việc dĩ nhiên rồi. Bác giữ giúp Meiji trong giai đoạn khó khăn nhất tụi con không bao giờ quên ơn bác đâu!

- Trời đất, Rick, sao con lại nói quá lời như vậy? Đó là việc nhỏ, đó là tình cảm của người mẹ, ai cũng có được mà…

Ngừng một lát như suy nghĩ điều gì, Rick cười thố lộ:

- Meiji và Bác đem đến cái lucky cho con. Hiện nay, con có hai business, một ở San Diego và một ở Chula Vista. Hai company ấy con và Meiji đồng làm chủ.

Tôi nói như reo:

- Vậy là bác chúc mừng hai con!

Mới đây, ngày Mothers day, hai đứa này gởi cho tôi tấm thiệp chúc mừng ngày lễ với nguyên văn như thế này:

Dear Bác,

Thank you for being a part of our life. We love and appreciate you very much.

Rick + Meiji

Tấm thiệp chúc mừng đó làm tôi vui cả ngày hôm đó. Dĩ nhiên tôi còn được quà của hai cô con gái “thượng viện, hạ viện” của tôi nữa với lời ngắn gọn: “Happy Mothers day Mom. Thank you for all you do!”

Cuối tháng 5/2017

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
08/07/201703:48:54
Khách
Bạn Kim Ho ơi,

Phụ nữ da trắng/ da đen không để ý đến đàn ông Việt vì đàn ông Việt vóc nhỏ .

Đàn ông Việt không để ý đến phụ nữ da trắng/ da đen vì họ có vóc to - đó là trường hợp của tôi lúc trước, khi được lọt vào mắt xanh của hai nữ đồng nghiệp da trắng. Thế nhưng tôi đành phải khéo léo khước từ, bởi vì hai nàng có kích thước tới gấp rưỡi tôi- cho dù có ăn kiêng. Chớ nếu không biết đâu tôi chẳng có được một gia đình hạnh phúc như cặp Meiji -Rick ?
08/07/201702:39:25
Khách
Dday la cong chua Meiji do nhe. :) Cam on bac Song Lam viet cau chuyen ve hai con. Anh Rick va con rat la cam ddong khi dduoc ddoc bai nay cua bac. Bac nho con upload cai proposal video cua hai con nen con upload no len dday:

www.tamandhiep.com/proposal.mp4

Con biet con rat la lucky dduoc gap anh Rick. Con nghi rang anh ta dda thieu no con tu kiep truoc... :)
07/07/201722:54:12
Khách
Em that tham lam qua' uoc gi` dduoc xem hinh` cua? ddoi vo chong nay` nhi?
Anh Nguyen~ Van " chong chua' vo toi" chi? la` mot phan` , Nhu anh dda~ noi' ddan` ong VN dang' nho? co' le~ ddung' hon .Em co' vai` nguoi ban nam co' vo ngoai quoc' , nguoi` da trang' rat' khoe? chuyen chan goi' " ddem bay? ngay` ba , vao` ra khong ke? " ddi lam` 2 job cong them job over time o? nha` chiu khong noi~ , duong co` trang thoi .
"Ta ve ta tam' ao ta , du` trong du` dduc ao nha` van~ hon " cac' anh oi !
Kin Ho
07/07/201721:28:33
Khách
Cô công chúa Meiji đã tìm được nửa kia của cuộc đời. Và anh chàng Rick cũng vậy. Bài thơ tặng vợ là điều xa xỉ với số đông người Việt (trừ ra mấy ông nhạc sĩ và thi sĩ ) họ ít bày tỏ như Tây Phương, có lẽ ảnh hưởng Khổng Nho đã thâm vào máu chăng?
Chị Song Lam có tài se duyên tơ hồng nữa, giờ mói biết. Chúc chị nhiều niềm vui. Thân.
07/07/201704:58:31
Khách
Ở tiểu bang nơi tôi cư ngụ, thỉnh thoảng thấy những cặp vợ chồng, vợ người Việt, chồng người da trắng hoặc da đen, chớ không thấy vợ người da trắng hoặc da đen và chồng là người Việt. Có lẽ một phần do ở vóc dáng đàn ông Việt thường là nhỏ hơn so với phụ nữ Mỹ- đa số phụ nữ Mỹ ngày nay khoảng tuổi 30 trở lên có vóc dáng ngồn ngộn, cơ thể đẫy đà, phần khác là đàn ông Việt thường có bản tính " chồng chúa vợ tôi" không được phụ nữ Mỹ chấp nhận .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,966,661
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa