Hôm nay,  

Đánh Đuổi Ung Thư và Thần Chết

27/06/201700:00:00(Xem: 13479)

Tác giả: Dong Trinh
Bài số 5154-18-30754-vb3062717

Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai, dạy môn Anh văn ở Bình Dương, sang Mỹ năm 1985, hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas. Với 8 bài viết trong năm, tác giả có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bài viết mới của tác gia, kể lại kinh nghiệm của bà khi chiến đấu và chiến thắng bệnh ung thư. Tựa đề được đặt lại theo nội dung bài viết.

* * *

Đang quét nhà, tôi chợt nghe đau nhói từ sống lưng chạy dài. Không thế đứng được, tôi từ từ ngồi xuống đất, cố lết đến sofa rồi ráng níu thành ghế để ngoi lên. Tối đó, tôi không tài nào ngủ được vì đau nhức, mỗi lần nghiêng người qua một bên là lại muốn la làng.

Sáng hôm sau, tôi lập tức gọi Bác Sĩ, sau khi nghe tôi kể tình trạng, ông gửi tôi đi làm MRI. Ngày hôm sau, y tá gọi lại cho tôi biết đã có hẹn với một Bác Sĩ chuyên về xương.

- Căn cứ vào kết quả MRI cô có thể bị myeloma, một loại ung thư xương!

Trời ơi... tại sao? Mắt tôi mờ đi vì nhòa lệ, mà chẳng nói được lời nào.

- Hãy để tôi cầu nguyện cho cô!

Tiếng nói của vị Bác sĩ kéo tôi về thực tại. Tôi như cái máy, để ông nắm tay, miệng lâm râm cầu kinh...

Thêm một đêm không ngủ vì đau nhức, vì đau khổ khi nghe Bác Sĩ tạm thời chẩn đoán. Sáng hôm sau tôi được yêu cầu đi làm lại MRI lần nữa.

- Cô có một cái bướu ở cột xương sống, cần phải giải phẫu để làm biopsy xem là có phải cancer không.

Bác sĩ John từ tốn cho tôi biết kết quả MRI và ông cho hẹn để giải phẫu.

Sáng ngày hẹn, chị Tư chở tôi lên bệnh viện ái ngại giây lát rồi ra về. Những giây phút một mình chờ đợi, suy nghĩ vẩn vơ nặng nề trong đầu tôi.

Cô y tá ra đẩy tôi vô trong, thay áo bệnh viện, đo huyết áp, chuyền IV... Tôi như cái máy, để mặc cho người ta đưa đẩy. Trong phòng phòng mổ, máy lạnh mở ở độ cao, tôi được đắp 2 cái mền hấp nóng mà vẫn chưa đủ ấm. Lại đo huyết áp, EKG để coi nhịp tim. Cô y tá bắt đầu cho tôi thở dưỡng khí. Một vị Bác sĩ đến bên tôi cho biết sẽ cho tôi ngủ để tiến hành giải phẫu. Tôi khẽ gật đầu, và niệm kinh “Nam Mô Đại Từ...”. Mắt tôi nhắm dần, mê man.

- Are you OK?

Tôi mơ màng nghe tiếng người bên cạnh. Không mở mắt ra nổi, tôi chỉ gật đầu.

Cô Y tá (tôi đoán vậy, vì cô nói tiếng Anh với tôi, thì đâu thể là người nhà tôi được!) lại đo huyết áp cho tôi lần nữa.

Sau đó, họ đẩy tôi về phòng. Tôi tiếp tục mê rồi tỉnh, một thân một mình trong phòng rộng, không xê dịch được vì vết mổ sau lưng. Nửa đêm thuốc bắt đầu hết hiệu lực, tôi nghe từ phía lưng đau buốt, muốn uống nước, muốn đi tiểu... không một bóng người! Lát sau, y tá vô, tôi nói những điều mình cần... họ chỉ cho tôi cái nút đỏ bên giường để gọi và chỗ bịch IV có một bịch morphin nhỏ, một sợi dây ngắn vừa tầm tay mình để khi cần thì kéo, thuốc sẽ vô trong máu dẫn vào cơ thể giúp giảm đau nhanh, tuy nhiên chỉ được sử dụng mỗi mười lăm phút một lần mà thôi.

Ba ngày sau, tôi được thông báo chính thức là mình thực sự bị ung thư.

Tôi hiểu vậy là mình chính thức bị tuyên án tử hình... Đầu óc bắt đầu hoảng loạn, không biết nói gì, không biết mình đang là ai. Những ngày nằm chờ “bản án” ở bệnh viện, tôi đã nghĩ nhiều về căn bệnh, nghĩ đến cái chết đang dần tới, đến hai đứa con, một đang ở New York, một ở Illinois. Tôi kêu tên hai con: Khương ơi, Bình ơi.

*

Sau một ngày khủng hoảng, đột nhiên tôi thấy mình bình tĩnh và rồi tôi tự nhủ: mình đã thật may mắn được ở Mỹ, một nước văn minh, y học tiến bộ hàng đầu, sao lại bi quan? Thôi thì giao sinh mạng này cho Bác sĩ vậy.

Hôm sau, Dr. Hinkle đến gặp tôi và cho biết cách thức điều trị. Giai đoạn đầu là phải qua mười lăm lần xạ trị (radiations) được chia làm ba tuần...

Sau mỗi lần xạ trị, tôi bị chóng mặt dữ lắm. Ảnh hưởng tiếp là da bị đen sậm, mặt đầy lông, lúc đó ai nhìn thấy cũng hỏi sao mặt mày kỳ vậy, tôi cứ phải nói là đi biển về nên bị ăn nắng... Rốt cuộc rồi cũng qua, ngày cuối cùng hoàn tất xạ trị, các Y tá, bác sĩ tặng cho tôi một bó hoa tuyệt đẹp để chúc mừng tôi.

Tiếp theo, được cho uống thuốc. Mỗi ngày một viên Revlimid và mười viên Dexamethasone trong vòng một năm.

Không phải làm chemotherapy, tôi mừng vô hạn vì như vậy tôi sẽ không bị rụng tóc, không bị chất hoá học của thuốc hành.

Tuần lễ đầu trôi qua nhanh, đến tuần thứ nhì, khi vừa uống thuốc xong, tôi bắt đầu nghe chóng mặt, sau đó ói tất cả những gì vừa ăn xong...và ngày này tiếp nối ngày kia, ăn không ngon miệng, ăn xong lại cho ra hết. Có một đêm nọ, lối 2 giờ khuya, tôi chợt thức giấc, nghĩ không biết mình có uống thuốc chưa, thế là tôi ngồi dậy, lấy tất cả mười một viên thuốc cho vô miệng cùng lúc. Uống xong, tôi trở vô phòng tiếp tục ngủ. Năm phút sau, toiu nghe chóng mặt dữ dội, rồi bắt đầu ói...ói đến khoing còn gì để ói, nước từ trong bao tử vẫn cứ ráng tuôn ra... hôm sau tôi thuật lại cho chị Tư tôi nghe, chị nói vậy là mày uống rồi mà lại uống nữa, hên là ói ra hết, không thôi nguy hiểm lắm, lập tức, sáng chị đi mua cho toii một hộp đựng thuốc có ghi rõ bảy ngày trong tuần chia ra sáng trưa, chiều tối...từ đó, tôi không bao giờ bị điên đầu vì quên với nhớ nữa. Kéo dài cả năm trời chịu đựng, nhưng tôi nhất định không ngã gục, tôi phải can đảm vì bổn phân, vì trách nhiệm với các con tôi... Thỉnh thoảng, chị Tư tôi nói:

- Mày giỏi. (chị hay gọi tôi thân mật vậy) Nhiều người uống thuốc như vậy, bị hành quá họ cũng bỏ không uống tiếp. Tôi nói với chị tôi còn ham sống lắm, tôi phải ráng.

Sau một năm, Bác sĩ nói tôi giờ không cần uống thuốc nữa, tế bào ung thư đã bị chận đứng... Tôi bắt đầu ăn uống lại được bình thường, tuy nhiên, mỗi tháng vẫn phải đi khám định kỳ...

Một ngày nọ, Bác sĩ của tôi chuyển đi bệnh viện khác, thay vào đó là một Bác sĩ đến từ Little Rock, thủ phủ của tiểu bang nơi tôi ở.

Vừa bước chân vô phòng khám, ông nói ngay:

- Cô còn trẻ lắm (Trẻ gì ông, tui trên 50 rồi... Tôi nói trong bụng) ở đây không đủ phương tiện trị bệnh này đâu, cô phải đi Little Rock, nơi đó có một bệnh viện chuyên trị Myeloma nổi tiếng trên thế giới.

Nghe vậy, tôi lại bắt đầu lo. Bác sĩ trước đã nói tế bào ung thư trong cơ thể tôi đã bị khống chế rồi, sao tôi lại còn phải đi đâu nữa?

Ông bảo tôi suy nghĩ và cho ông biết càng sớm càng tốt. Lúc bấy giờ, con trai tôi đang ở New York, con gái tôi đã lập gia đình và ở cách nhà tôi khoảng mười phút lái xe. Tôi bèn gọi và nói với Bình, con gái tôi, về đề nghị của Bác sĩ, nếu tôi đồng ý thì phải ở đó năm ngày. Nghe xong, Bình trả lời ngay: - Được, con sẽ xin nghỉ phép để đưa mẹ đi...

Thật ra, từ nhà tôi đi Little Rock chỉ 2 tiếng 30 phút lái xe nên cũng không khó lắm.

Đến Little Rock, chúng tôi tớ khách sạn, sáng sớm con gái đưa tôi vô bệnh viện, chiều chở về. Mỗi ngày tôi được làm đủ thứ xét nghiệm... Bone marrow là cái test tôi hãi hùng nhất... họ rút tủy ở xương mông, bằng những cây kim dài cả tấc, có vòng xoắn nhỏ li ti. Tôi được chích thuốc tê nhưng vẫn đau thấu xương (thì đúng là đau thấu xương chứ còn gì nữa, vì tủy phải được rút ra từ xương). tôi ngậm chặt miệng lại, tôi cắn răng, tôi bấu cứng vào nệm để ráng chịu đau.

Rồi năm ngày cũng qua mau, tôi về nhà chờ kết quả. Lại phập phồng, lo lắng, nhưng rồi mọi kết quả thử nghiệm đều tốt.

Từ đó, mỗi ba tháng tôi trở lại Little Rock để khám định kỳ, vẫn là những cái test như lần đầu, vẫn là những cơn đau muốn khùng lên, khi bị lấy tuỷ từ trong xương.

Bây giờ, da tôi bắt đầu hồi phục, không còn đen đúa nữa nhưng lông mặt thì vẫn không hết, tôi phải đi wax nhiều lần mới khỏi hẳn.

Ngày tháng lặng lẽ trôi. Cứ mỗi ba tháng tôi lại đi Little Rock tái khám. Hồi hộp, lo lắng... và thở phào nhẹ nhõm khi nghe kết quả. Bệnh tình có vẻ diễn tiến tốt, tôi không còn lo sợ vẩn vơ nữa.

Cho đến một ngày kia, khoảng tháng Mười 2010, tôi bỗng nghe đau nhói chân phải, mỗi lần cần di chuyển, tôi không nhắc chân lên nổi, con tôi vội gọi Bác sĩ và nói tình trang vừa xảy ra.

Một tuần lễ sau khi trở lại Little Rock làm các xét nghiệm giống như những lần trước, đến ngày chờ kết quả, nhìn vẻ nghiêm trọng của bác sĩ khi ông nói chuyện với con tôi, không cười đùa như mấy lần trước, tôi lắng nghe hai người nói chuyện.

Tôi run rẩy toàn thân khi Bác sĩ nói với Khương là tôi phải làm chemotherapy (hóa học trị liệu). Sau đó, ông cho chúng tôi xem hình một bộ xương người. Ông chỉ cho chúng tôi coi những lỗ tròn nhỏ đều khắp cơ thể, ngay xương sọ, gần bên phổi, tay, chân, xương sống. Tôi lạnh mình, tôi muốn té xỉu!

Bác sĩ cho biết tôi phải ở Little Rock điều trị ngọai trú trong ba tháng! Tôi không có thân nhân nơi đó, vậy thì trong ba tháng, tôi ăn đâu, ở đâu? Rồi tiền bạc? Trăm mối khó khăn đó đã làm tôi quên đi chuyện bệnh trở lại mới là vấn đề chính cần phải lo.

Khi về nhà, nói chuyện với các anh chị em trong gia đình, tôi thật sự thấy, trong nỗi bất hạnh của mình, vẫn còn gặp an ủi từ các người thân. Tôi nhận được những món tiền, những lời an ủi từ tình thương của anh, chị, em, cháu, gửi đến giúp đỡ.

Suy nghĩ nhiều ngày, tôi gọi cho Thầy Thích Viên Quang, Trụ trì chùa Phổ Minh ở gần nhà, thưa với thầy về tình trang của tôi và xin thầy cho tôi quy y. Sau khi nghe tôi bày tỏ, thầy chọn ngày cho tôi đến chùa.

Hôm đó, là ngày thứ Tư trong tuần, thường những ngày này chùa vắng, Phật tử chỉ đến chùa vào ngày Chủ Nhật. Vậy mà khi tôi tới, thật cảm động vì Thầy đã gọi rất nhiều Phật tử đến để dự lễ quy y của tôi. Sau khi đặt cho tôi Pháp danh Nhật Phước, thầy cắt một nhúm tóc tượng trưng cho tôi vì tôi muốn xuống tóc để không nhìn thấy xơ xác do hậu quả của chemotherapy. Hôm sau, tôi gọi Bình cạo tóc cho tôi trước ngày đi Little Rock.

Nhìn những mảng tóc rơi vung vãi trên sàn nhà bỗng tôi thấy lòng thanh thản lạ, phải chăng tôi đã thấu hiểu hai chữ vô thường?


Bắt đầu việc chữa bệnh dài hạn, con tôi thuê khách sạn, loại trung bình, mỗi tuần gần 50O US$.

Buổi sáng đầu tiên, Bác sĩ đã tiến hành mở một cái port ở phía trên ngực bên trái của tôi để tiện việc chuyền IV (nước biển). Cách này không cần tìm tĩnh mạch, chỉ việc ghim kim vào port là xong. Người ta cho bịch IV vô trong một túi xách, có máy nhỏ trong túi gắn liền với dây chuyền thuốc vào cơ thể. Tôi phải đeo túi xách này 24 /24 tiếng, tối ngủ thì để sát bên vì thuốc vẫn đang cho vào.

Buổi chiều, ngay ngày đầu tiên, tôi trở lại trạng thái của mấy năm về trước, nghĩa là ăn không vô. Tôi phải cố nuốt, vừa ăn, vừa để túi ói bên cạnh, do kinh nghiệm trước đây. Quả thật, chỉ hai phút sau, ruột gan như đập lộn, thức ăn chạy ngược trở ra. Tội nghiệp Khương, mỗi lần tôi ói, cháu lo lắm, cứ đứng cạnh hỏi: mẹ nghe sao, có mệt không? Tôi vừa ói vừa nói: - Đừng lo, không hề gì con à!

Tôi hiểu là mình phải cố mà ăn nếu muốn sống. Món này nuốt không vô phải nghĩ tới món khác. Tội nghiệp thằng con, mỗi ngày, ngoài giờ đưa mẹ đến bệnh viện, Khương còn phải tất tả chạy mua thức ăn cho mẹ mà không một tiếng phàn nàn...

Xin nói thêm, khi trở về chăm sóc cho tôi, con trai tôi không thể đi làm toàn thời gian vì phải lo chăm sóc cho mẹ. Cháu thi vô làm thông dịch viên cho toà án tiểu bang, dù sang Mỹ khi mới 10 tuổi nhưng đến giờ Khương vẫn viết và nói tiếng Việt lưu loát... Khi phải ra toà thì Khương gọi con gái tôi, đi tơi chỗ tôi đang trị bệnh để lo cho tôi. Tội nghiêp, lúc đó, Bình vừa học college vừa đi làm, chiều vừa tan sở là con bé chạy ngay lên Little Rock (165 miles) để sáng sớm chở tôi đi bệnh viện, đến chiều Khương đi làm về là Bình lại phải tất tả trở về nhà để hôm sau đi làm...

Ngoài ăn uống không được, đau nhức mình mẩy, cứ một, hai ngày tôi lại bị đau bụng xé da, đau từng cơn như sắp sanh, tôi cứ cắn răng mà ôm bụng suốt đêm, lâu lâu thì lại ói..con trai tôi, năm giường bên cạnh cứ nói: - con đưa mẹ đi nhà thương nha. Tôi phải trấn an con tôi là không sao... ngày nó đã cực khổ lo cho tôi, đêm tôi không muốn vì tôi mà phải thức đêm thức hôm nữa...đó..đó phản ứng phụ của hoá trị đó các bạn

Mỗi sáng đúng bảy giờ, hai mẹ con tôi bắt đầu vô bệnh viện để thay thuốc khác... tháng mừơi hai trời lạnh cắt da, sáng nào cũng phải lau kiếng xe vì sương, vì giá... đến nơi, việc đầu tiên là phải ngậm cho hết một ly nước đá, bụng đói cồn cào, sáng lạnh gần chết mà cứ phải ráng thanh toán cho hết, tôi muốn nổi khùng lên, tôi đổ cọc, tôi muốn lén đổ ly đá.... con tôi như đoán được ý tôi nên cứ ngồi một bên canh chừng như canh tội phạm...

Sau khi cạo tóc được vài hôm thì đã mọc ra tiếp được chừng 0.5 cm, tôi sờ lên đầu... tóc tôi đã biến thành cỏ khô, mục...sờ nghe cứng, nắm kéo ra không nghe cảm giác, tóc theo tay, bung ra từng chùm.... Sau sáu tuần đầu của đợt chemo, tôi được về nhà nghỉ hai tuần... Đây là những ngày thần tiên nhất đời tôi vì vai không nặng gánh (thuốc chuyền vô tĩnh mạch), miệng không ngậm thuốc mỗi sáng, không...không... đủ thứ. Nghe thật là đã luôn!

Hai tuần ở nhà, tôi lại tiếp tục công việc mỗi ngày. Trước khi trở lại Little Rock tôi còn xào mì, chiên cơm, chiên chả giò và làm Buche de Noel để mang cho các Bác sĩ và y tá nửa.

Trong lúc tôi đang chờ y tá thay bịch thuốc mới, các bác sĩ, y tá, chạy lại chỗ tôi khen ngon và cám ơn rối rít, nhiều người khác hỏi tôi sao họ không có phần. Người Mỹ họ rất tự nhiên, khi tôi vừa mang thức ăn đến, họ tự nhiên ăn, không chần chờ mời mọc.

Bắt đầu đợt điều trị thứ nhì... Như thường lệ, tôi vẫn phải tiếp tục vô hoá chất y như sáu tuần đầu, ngoài mũi Velcade cho vô bịch nước biển (sao gọi là nước biển?) bây giờ bắt đầu làm stem cell transplant người ta lấy hết bạch huyết cầu trong cơ thể tôi ra. Giai đoạn này, tôi rất yếu vì không còn bạch huyết cầu, phải mang khẩu trang 24/24 vì sợ bị nhiễm trùng... mỗi sáng lại lãnh thêm một mũi Neopogen chích ngay bụng để cấy lại Bạch huyết cầu...

Người tôi bây giờ như cọng bún thiu... ăn uống không vô, không có bạch huyết cầu trong cơ thể, lại phải chuyền máu... thỉnh thoảng, đang chuyền thì mặt mày tôi sưng đỏ lên, thế là lãnh thêm một mũi Benadryl. Mỗi ngày ít nhất là một cái test... sợ nhất vẫn là bone marrow, lấy tủy để xét nghiệm.

Những ngày đầu khi mới tới bệnh viện, tôi phải qua một cuộc phỏng vấn, dù tôi biết tiếng Anh, dù có Bình (con gái tôi) cháu rất thông thạo tiếng Việt, nhưng vẫn phải có thông dịch viên và được thu băng đầy đủ... Người ta có hỏi tôi, mỗi lần thứ máu và lấy tủy, tôi có đồng ý cho lấy nhiều hơn mức bình thường để sinh viên thực tập không? Tôi trả lời không đắn đo: 'Yes.' Tôi thực lòng muốn được góp một phần nhỏ trong y học. Sau mỗi lần rút máu và tủy ra, tuy mệt nhoài, đau đớn nhưng tôi vui vì mình thấy cũng làm được chút xíu việc tốt.

Ngày Bác sĩ tuyên bố chemotherapy đã hoàn tất, mọi diễn tiến tốt đẹp, những lỗ tròn nhỏ trong xương đang lành lại... Vậy là không uổng công chịu đựng trong suốt ba tháng trời. Trước khi trở về Fort Smith, bác sĩ dặn dò đủ chuyện và cho ngày hẹn tái khám....

Không cần gì hơn, miễn được về là mừng rồi...từ đó, sáng thứ hai, tôi bắt đầu ra bệnh viện gần nhà để tiếp tục vô thuốc, mỗi tuần một lần trong hai năm....Ồ! chuyện nhỏ thôi! Giai đoạn đầu ba tháng gian nan tôi đã vượt qua được, giờ đây mỗi tuần một lần thì đâu nhằm nhò gì... tôi tự tin nên nghĩ vậy.

Trước khi rời Little Rock, người ta đã lấy cái port ở phía trên ngực tôi ra rồi, vì vậy khi về đây vô thuốc trở lại, y tá phải vô theo đường gân máu...

Tôi được chuyền calcium, thêm một bịch IV có cho mũi velcade....tưởng về đây thoát nạn...dè đâu... vẫn tiếp tục những cơn ói đến lã người, chóng mặt ngất ngư, đã trở lại. Vô thuốc xong, tôi không tài nào lái xe về nổi, đành phải phone cho Dũng, em trai tôi đến chở về, bỏ xe lại trưa nhờ cháu cùng đi với một dứa khác chạy về giùm....và cũng lại bắt đầu cho những ngày ăn uống không được....

Cũng trong thời gian này, tóc tôi đã bắt đầu mọc, như bác sĩ có nói trước, những sợi tóc quăn queo như là đi tiệm uốn... từ nhỏ tôi đã không thích tóc quăn vì thế tôi rất bực mình, cứ mong cho dài ra để cắt bớt, đó là do một người bạn Mỹ chỉ tôi cũng - đồng bệnh - bà ấy đang có mái tóc dài óng mượt, người đã đi trước tôi một quãng đường dài, đã chiến đấu với bao chông gai để lấy lại mạng sống của mình từ nơi căn bệnh quái ác.

Mỗi tuần vô thuốc đều đặn như vậy riết rồi mấy cái gân máu trên tay tôi sợ quá trốn mất, có tuần phải ghim đến năm lần mới được. Sau cùng, bạc sĩ lại phải đặt một cái port khác phía trên ngực tôi để dễ vô thuốc...

Trong thời gian này, tội nghiệp Khương, mỗi khi ăn vô, ói ra thì Khương lại lo lắng hỏi tôi có thể ăn được gì để cháu mua...nhiều lúc mười giờ khuya tôi lại nghĩ đến món pizza, Khương cũng vội đi mua vì cháu không muốn tôi kiệt sức... có lẽ chính nhờ tôi cố ăn nên từ khi bệnh, trong quá trình làm chemo, tôi rất bình thường, không mất cân...

Một phản ứng phụ khác của thuốc, đó là tôi bị chóng mặt, cả ngày cứ như lâng lâng, bay bỗng...nhất là về đêm, mỗi khi thức giấc, ngồi lên, mười đêm tôi té hết bảy đêm. khi té xong, tôi lòm còm bò dậy, cố không lên tiếng, không kêu la dù đau chết được. Có lần, té không ngồi dậy nổi, tôi ráng lết tới giường, ngồi dựa cho đến gần sáng, không muốn kêu Khương cho đến tối hôm sau, đau quá tôi mới chỉ cho cháu coi. Thằng con lập tức chở tôi đi bệnh viện. Kết quả X-ray là tôi bị nứt hết mấy cái xương sườn... Ngày qua ngày với những cơn đau bụng xé da, nổi đỏ mặt mày, ói mửa, té lên, té xuống... tôi vẫn làm bánh, vẫn làm những việc hằng ngày. Tôi nhất định không coi mình là người bệnh cần nghỉ ngơi, vừa làm công việc, tôi vừa nghêu ngao ca hát.... tôi phải có nghị lực để giành lại sự sống.

Xin kể thêm, lúc BS nói trong sống lưng tôi có cái bướu, không thể lấy ra được vì nó nằm trong hốc xương sống, tôi phái làm 15 lần radiations. Song song với cách điều trị trên, tôi uống nha đam mỗi ngày. Mỗi lần uống, tôi nín thở uống một hơi vì đắng quá. Ròng rã uống một tháng, công với radiations, kết quả MRI cho thấy cục bướu trong lưng tôi đã tan theo mây khói... mừng quá!

Mấy năm trôi qua. Tôi may mắn trở lại cuộc sống bình thường, giờ chỉ còn đi tái khám định kỳ.

Xin cho phép tôi có đôi dòng cảm tạ những người thân quen, đã đem nghị lực đến cho tôi, để tôi còn có thể dìu dắt các con tôi. Xin cám ơn các Bác Sĩ, Y tá bệnh viện UAMS LITTLE ROCK, ARKANSAS, Bệnh viện SPARK, FORT SMITH, ARKANSAS... đã tận tâm điều trị cho tôi.

Các anh chị em khác, nhất là anh Thọ, đã mất cách đây 9 tháng... tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì anh đã ra đi... Anh Út ơi! (không hiểu sao dưới anh còn 3 đứa em mà ba má tôi lại gọi là Út) em vẫn nhớ và rất thương anh.

Dũng thì cách vài hôm lại nấu súp cho tôi... lạ một điều là mỗi lần ăn súp của Dũng nấu, tôi nghe ngon miệng lắm, dù sau đó thì cũng phải cho ra... Khi tôi mới bệnh, Thư, bạn của Tú con gái chị Tư tôi, người Công giáo, đã lập tức phone qua thành phó Carthage, tiểu bang Missouri để xin các cha giật chuông cầu nguyện cho tôi... rồi Linh Mục Lê Thanh Quang, quản nhiệm giáo xứ Mẫu Tâm ở Fort Smith đến thăm, cho tôi toa thuốc uống nha đàm để trị cancer. Thầy Thích Viên Quang, Trụ Trì Chùa Phổ Minh, mỗi tuần chủ Nhật đều tụng kinh cầu an cho tôi...

Xin cám ơn tất cả... Quí Cha, Quí Thầy, bạn bè, anh chị em, đã cầu nguyện cho tôi. Cám ơn các anh chị em, các cháu đã ân cần trợ giúp. Cám ơn các con tôi đã không quản ngại cực khổ, lo lắng tận tình, bỏ hết công ăn việc làm để cùng tôi đánh đuổi ung thư, đánh đuổi ông thần chết...

Xin cám ơn nước Mỹ đã cưu mang và cho tôi có điều kiện trị lành bệnh... xin cho tôi được nói lên muôn ngàn lời cám ơn.

Fort Smith, Feb 28, 2017

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
27/06/201717:10:50
Khách
http://m.baomoi.com/nha-dam-va-lo-hoi-giai-phap-cho-ung-thu-giai-doan-cuoi/c/13863326.epi

Thưa các bạn, đây là toa thuốc của Linh Mục Romano zago, xin phổ biến đến các bạn. Lúc BS cho tôi biết kết quả MRI toiu có cái bướu to cỡ cái trứng ngỗng trong sóng lưng, không thể lấy ra được nên phải xạ trị. Đồng thời, cha Lê Thanh Quang, quản nhiệm nhà thờ Mẫu Tâm ở địa phương nơi tôi cư ngụ, đến thăm và cho tôi toa thuốc trên. Cùng lúc xạ trị và uống nha đam trong một tháng, sau khi làm MRI lại, cái bướu đã hoàn toàn biến mất. Xin cảm ơn những lời chúc với cùng quý báu của các bạn đã gởi đến cho tôi nhé, đó là những liều thuốc tinh thần mà tôi rất trân quý .
27/06/201715:08:45
Khách
Ôi, đời là một bể khổ ! Cám ơn tác giả đã viết thuật lại cho bạn đọc về kinh nghiệm khủng khiếp của mình đối với căn bệnh quái ác ung thư xương. Và cũng chúc mừng tác giả đã chiến thắng đuổi được Thần Chết.

Đề nghị Viết Về Nước Mỹ trao tặng giải thưởng cho bài viết đặc sắc này .
27/06/201714:59:57
Khách
Rất cảm phục sự chịu đựng của bà trong lúc chữa bịnh.
Cầu chúc bà được hoàn toàn dứt bịnh ,an vui và mạnh khoé .
Xin bà vui lòng cho biết toa thuốc nha đam chửa ung thư để phổ biến cho bà con
cần ,xin cảm ơn bà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Một sáng sớm mùa đông ở tiểu bang lạnh, trời mù mù trong tuyết, đùng đục trong sương. Những hoa tuyết to, lớn như bông bưởi rơi mau và nhanh chóng hòa vào cánh đồng tuyết ngập kín những bãi cỏ, bít kín các lối đi, phủ trắng cả vạn vật.
Mai Hồng Thu tức Donna Nguyễn là tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985,là cư dân Bắc California, cô dự giải Việt Báo từ 2008.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ năm 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2010.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Nhạc sĩ Cung Tiến