Hôm nay,  

Từ Thiện Ở VN: Yes Hay No

25/03/201700:00:00(Xem: 13845)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 5042-18-30742-vb7021117

Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Bài viết mới là tự sự về công việc làm từ thiện tại Việt Nam. Hình ảnh do tác giả cung cấp.

* * *

blank
Nụ cười của trẻ em nghèo khi nhận được một bao gạo từ thiện.

Không phải lúc nào từ thiện cũng được hoan nghinh. Tâm tình con người hết sức là rắc rối. Thương yêu, hờn ghét, ganh tị, oán giận, mặc cảm, dĩ vãng... có thể nở ra những đóa hoa hương thơm ngào ngạt hoặc tua tủa gai nhọn.

Tôi thường cố gắng nhìn mọi người, mọi khía cạnh cuộc đời với con mắt tích cực. Mỗi ngày đều có sáng tối, mỗi chuyện đều có đúng sai, mỗi người đều có tốt xấu. Đất nước và con người Việt Nam, bao năm qua biết bao nhiêu đau thương phẫn hận, nhưng những người đã ra đi, khi có dịp trở về quê cũ, đâu thể không nhìn, không nhớ những con người mà hàng ngàn năm trước đây thân nhân họ đã cùng thân nhân ta ngâm mình dưới nước đóng từng cây cọc nhọn để chọc thủng đoàn thuyền hung hãn của bọn xâm lăng, đã gục ngã trên những mảnh đất khô cằn để máu và mồ hôi thấm sâu từng tấc đất. Họ hiện nay không có con du học ngoại quốc, không có tài khoản ở nhà băng Thụy Sĩ, không có biệt thự trên đồi núi cát vàng.

Họ chỉ cần bao gạo 10 kí lô, thùng mì ăn liền, chai xì dầu rẻ tiền, bịch đường, gói muối để biết chắc rằng vài ngày tới cả nhà sẽ có miếng ăn và người chồng có thể nghỉ khiêng vác để nằm nhà một hai ngày mong làm hạ cơn sốt, người vợ có thể nghỉ gánh gồng một hai ngày để băng bó vết nứt nẻ nơi bàn chân. Bạn ơi, hãy nói “Yes” nha bạn.

Sao cùng là con người mà đứa trẻ ở xứ khác được nâng niu chiều chuộng, còn đứa nhỏ này đang mang bệnh ung thư, da mặt tái mét, đầu cạo trọc lóc, lại phải nằm trên chiếc chiếu sờn rách dưới gầm giường.

Không, tôi không viết trật đâu bạn à. Nó đang nằm đó, trên nền đất, dưới gầm của một cái giường mà trên đó có hai ba đứa trẻ may mắn khác, cũng mang bệnh ung thư như nó đang nằm, một cánh tay khẳng khiu chìa ra với ống kim đâm vào gân máu, một bịch nước hóa chất máng lỏng lẻo ở cây cột giường trên.

Nó nhoài đầu ra khỏi gầm giường, nói nhẹ: “Cho cháu chụp hình với ông bà Mỹ!” Ông bà Mỹ đây là thằng con lai của tôi và cô bạn Mỹ trắng của nó với mái tóc nâu vàng. Tôi dẫn hai đứa, khi chúng về thăm Việt Nam, vô nhà thương ung bướu Gia Định để chúng phát chút quà và học một bài học lớn.

Tấm hình của đứa nhỏ sẽ không có con búp bê Barbie xinh đẹp, không có cái áo đầm vải lanh mắc tiền, không có sợi dây chuyền lắp lánh nơi cổ và chính nó cũng sẽ không nhìn được hình dáng xanh xao rã rời của nó.

Nhưng nó vẫn hạnh phúc vì được chụp chung với bà Mỹ có mái tóc khác màu đang quì xuống sàn gạch cầm tay nó. Đôi khi hạnh phúc thật là giản dị, giản dị đến nỗi làm tim mình rướm máu. “Bà Mỹ tóc vàng” nước mắt rưng rưng...

Tôi không biết chắc là có nơi nào trên thế giới mà các bệnh viện giống như ở Việt Nam? Nơi đây có chen lấn để lấy số, có mời chào bịch mận gói xoài, có làm mối bán chút máu dư thừa, có giành giựt xe ôm, taxi, có thừa cơ móc túi giựt tiền, có chạy theo níu kéo xin chút quà còn sót lại, có nụ cười nịnh nọt nài thêm giọt thuốc, mũi kim, có tiếng chửi tục tằn khi không vừa ý.

Đó không phải là nhà thương, đó là một bãi chiến trường. Bệnh nhân muốn giết vi trùng. Bác sĩ muốn giết lương tâm. Nhân viên y tế muốn giết lòng thương hại. Nhân công muốn giết mệt mỏi. Người nuôi bệnh muốn giết sự bất công.

Ôi, nơi đây đầy những nụ cười gượng gạo và tràn trề nước mắt khổ đau.

Vậy thì bạn ơi, nếu có dịp chia sẻ làm sao ta có thể quay lưng?

Người bị bịnh ung thư sẽ không lây bệnh cho bạn nhưng người nuôi bệnh và người quanh quẩn bên hành lang để kiếm chút quà dư thừa thì có không biết bao nhiêu là bệnh. Nếu bạn là người dễ bị nhiễm trùng xin bạn đừng đến bệnh viện mà hãy đến các nơi nấu ăn từ thiện. Bếp từ thiện của sư cô Như Giác là một trong những điểm phát thức ăn hằng ngày cho thân nhân của người bệnh.

blank
Một em bé ung thư tại bệnh viện ung bướu.

Họ đến từ gần như Mỹ Tho, Cái Bè, quận 1 quận 5, từ xa như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Qui Nhơn, Đà Nẵng. Họ hoặc ngủ la lết bên cạnh đứa con xanh xao vàng vọt trên sàn phòng bệnh hoặc mướn một cái giường đơn trong hẻm nào đó với tất cả thiếu thốn tiện nghi. Họ đã cầm bán đến con trâu cuối cùng hoặc đã ngậm ngùi từ giã căn nhà ọp ẹp trên công đất khô cằn để có tiền chữa bệnh cho con.

Lần này đến bệnh viện với chị Ba, chủ nhân tiệm ăn Thành Mỹ, em Hạnh chủ nhân tiệm ăn PhoNMore ở Long Beach, em Diệu Ánh ở Tổng Hội Cư Sĩ và một vài người bạn, chúng tôi len lỏi lên cầu thang để đến tầng lầu ba nơi chữa trị cho thiếu nhi. Tôi dùng đúng động từ bạn à. Len lỏi, vì thân nhân và cả bịnh nhân ngồi chật cả các bậc thang lên lầu, chỉ chừa một lối đi nhỏ vừa chèn nhét một bước chân! Với các chất nêm nếm độc hại từ Trung Quốc, với dòng nước nhiễm trùng từ chất thải nhà máy, với khói bụi mù bay, trẻ em bây giờ bị ung thư nhiều hơn bất cứ lúc nào.

Chúng tôi đứng trước cửa phòng chờ nhân viên trật tự dẫn đi, nhìn cái hành lang đáng lẽ ra phải trống trải và được quét dọn sạch sẽ, vệ sinh để cho nhân viên y tế đẩy các xe thuốc, các y tá vội vã chạy tới phòng khi chuông reo, các bác sĩ di chuyển thong thả để khám xét bịnh nhân, nay lại chật ních những bịnh nhân và thân nhân, nằm ngồi ngổn ngang, mà cặp mắt đỏ hoe.

Người cha tay trái ẵm con, tay mặt cầm bình nước hóa trị giơ cao khỏi đầu để từng giọt chảy qua cây kim thấm vào dòng máu bịnh hoạn của con, chân bước vòng vòng trong cái không gian nhỏ hẹp, miệng ru nhỏ cho đứa con bớt khóc, bớt đau... ôi con ơi, nếu cha có thể nhận những khối u nần xấu xa đó để cho con được tươi cười chạy nhảy ngoài kia... cha sẽ nhận ngay để đầu con khỏi trọc, để da con khỏi xanh, để con vang vọng tiếng cười thay vì tiếng khóc đau thương.

Những bao thơ đựng chút ít tiền mà chúng tôi trao qua tay họ sẽ không làm họ hết bịnh, hết khổ nhưng đã làm cho họ ngay trong phút đó, ngay trong hiện tại đau thương đó, nở được nụ cười.

Buổi chiều chúng tôi đến bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân để chia sẻ buổi cơm chiều.

Tôi biết chắc là 70 phần trăm các bạn về Việt Nam làm từ thiện đều biết nơi đây. Những thức ăn chay bổ dưỡng, ngon lành, sạch sẽ được các bạn trân trọng và thân mật múc vào “cà mèng” của các thân nhân người bệnh.

Nơi đây có hai loại từ thiện. Một là phát không các buổi điểm tâm, cơm trưa và cơm chiều cho người nuôi bệnh. Hai là phát tiền để mua thêm thuốc. Để nhận được thức ăn, người nuôi bệnh phải có giấy nhập viện của thân nhân. Để nhận được tiền mua thêm thuốc, người nuôi bệnh phải có giấy từ địa phương chứng nhận thuộc diện hộ nghèo.

Rời bệnh viện ung bướu, ngày hôm sau chúng tôi đến trường Tình Thương Ái Linh ở số 119 đường 154, phường Tân Phú, quận 9, Sài Gòn, để tham dự buổi ăn trưa và hớt tóc cho các học sinh tiểu học. Nơi đây do các sơ chủ trương với sự hợp tác của các sơ, các dì và Phật tử. Các cô gái trẻ từ thành phố tới với đầy đủ dao kéo để hớt tóc miễn phí cho các em, từ kiểu ngang vai tới xõa ngang trán, từ cạo trọc lóc cho tới còn vài hàng lơ thơ. Thôi thì các “khách hàng” đòi hỏi đủ mọi kiểu mọi dáng và mọi người đều được thỏa mãn, chỉ thiếu tiền “tip” mà thôi!

Buổi ăn trưa cho các học sinh nghèo với cơm rang và đùi gà lăn bột chiên giòn. Wow, ngon ơi là ngon. Tiền các bạn gởi về họ xài đúng với lương tâm.

Có một em bé trai 9 tuổi, cha mẹ chết hết, ông ngoại nuôi dưỡng, các thầy trong chùa Tân Phú nhận làm đệ tử, các sơ cung cấp buổi ăn trưa với thịt cá bổ dưỡng, các cô thầy Công Giáo dạy kèm thêm cho theo kịp chương trình. Thật là một mắt xích hoàn hảo và tuyệt vời.

blank
Chị Ba Thành Mỹ và Lệ Hoa đang giúp hớt tóc cho các em.

Hạnh phúc vô biên khi ta có thể hòa hợp với một tôn giáo khác. Chúng tôi cám ơn các thiện nguyện viên Phật Giáo, các điều hành viên Công Giáo và ra về với nụ cười rộng mở.

Trên chuyến bay từ Taipei về Việt Nam, tôi ngồi gần một phụ nữ trẻ tên Lan ở miền Bắc California. Sau khi chuyện trò, cô cho biết ở Cái Bè có chùa Kim Phước ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy chuyên nuôi trẻ mồ côi và người già. Ngoài ra còn có một nhóm thiện nguyện nấu ăn miễn phí cho bịnh viện. Thế là cuộc hẹn hò diễn ra.

Từ Sài Gòn xuống Cái Bè vào khoảng hai tiếng. Chúng tôi xuống xe và đi đò qua vàm. Quà cáp đã được các vựa gạo và tạp hóa địa phương giao trước rồi. Cám ơn Trời Phật. Nếu chúng tôi phải mang theo quà thì chắc chắn sẽ thành Người Bỏ Cuộc!

Tới nơi mỗi người được một anh chạy xe ôm chở vô chùa. Tôi chắc chắn các bạn sẽ đồng ý với tôi là không ở đâu mà người lái xe hơi và xe gắn máy giỏi như ở Việt Nam! Trời ơi, con đường làng tráng nhựa nhỏ hẹp, nếu ở bên Mỹ nầy, hai người đi bộ sẽ đụng nhau chan chát, nhưng ở Việt Nam thì một xe chạy hướng Bắc chở đầy bao bố, chuối, dừa xiêm, đu đủ, một xe chạy hướng Nam với chị Việt kiều xanh mặt ngồi sau lưng. Hai chiếc xe ẹo qua ẹo lại, qua mặt nhau cái vù, anh hướng Bắc nhàn nhã hướng về phương Bắc. Anh hướng Nam thong thả hướng về phương Nam. No problem! Chuối dừa vẫn xanh và chị Việt kiều cũng vẫn xanh dờn!

Nhà nuôi trẻ và nhà dưỡng lão ở sát bên nhau. Trước mặt là ngôi chùa. Một bên tương lai. Một bên dĩ vãng. Đối diện là hiện tại. Chúng tôi đem kẹo bánh, quần áo mới mặc cho các em. Bộ đồ đáng giá hai đô la. Nụ cười đáng giá ngàn vàng.

Các bô lão thì vui mừng hể hả vì có người hỏi thăm và “chat.” Các cụ khoe các thời khóa biểu tụng kinh, các hoạt động trong ngày, các tỉnh thành nơi các cụ đã từng sống thời tuổi trẻ... Chúng tôi ngồi lên những chiếc giường tre trải chiếu cói, nắm tay nói chuyện tào lao.

“Bà tám” một hồi tôi ra vẻ thành thật và ghiền ghiền hỏi coi ở đây có cụ nào biết đánh tứ sắc hay không vì tôi ghiền quá rồi. Thế là trận cười như pháo nổ lên. Không cô ơi, ở đây thứ nhất không tiền, thứ hai thầy cấm! Vậy thôi, cháu từ giã các dì nha. Khi nào có tiền và thầy cho phép thì các dì email cho cháu nha. Ủa mà email là cái gì vậy cô? Thỉnh thoảng có y tá tới cho thuốc chớ chưa nghe tới y meo bao giờ! Thôi các dì ơi, biết nhiều khổ nhiều. Các dì hãy nhìn cái dòng sông nho nhỏ ngoài sau bếp kia mà tận hưởng hương vị quê hương, quên cái tên email nhiều chuyện kia đi.

Lại một màn ẹo qua ẹo lại. Từ xa tôi ngắm nhìn cái cầu hẹp vừa đủ để đẩy cái xe đi chợ, nay phải vui vẻ giang rộng vòng tay đón hai chiếc xe gắn máy! Tôi nói giang rộng vòng tay là vì cái cầu không có thành cầu, chỉ chơ vơ một mảng xi măng bắt qua sông và dòng sông thì lúc nào cũng hạnh phúc đón chào bạn, từ chết tới bị thương!

Trong óc tôi thoáng hiện kinh cầu siêu, nhưng tôi chưa chết mà. Lại thấp thoáng kinh cầu an, nhưng tôi có bịnh hoạn gì đâu. Hay là nên sám hối những tội lỗi đã gây ra? Tôi còn đang chọn lựa thì vù một cái, chiếc xe đã băng ngang cầu, nó vẫn nổ máy, tôi vẫn xanh lè.

Lên xe hơi (cám ơn Chúa và Phật), chúng tôi thẳng tiến về Cần Thơ và tới Hậu Giang. Hình như các chùa thuộc phái Nam tông và Khất Sĩ không được chánh quyền ủng hộ lắm vì họ chỉ thờ duy nhứt một vị Phật Thích Ca. Các chùa thuộc Bắc tông thì thờ nhiều Phật khác nhau, nhứt là Phật Quán Thế Âm thành ra dễ dàng cho nhiều người tới hành hương, cầu xin, cúng dường, lễ bái, v.v..

blank
Nhà sư và các em.

Và chúng tôi chọn một chùa Nam tông ở Hậu Giang nằm giữa cộng đồng Miên Việt vì họ nghèo thật sự. Nước mưa ngập chùa, các sư cởi trần trộn hồ, đấp nền, xây cảng. Đâu có đại gia hoặc tai to mặt lớn của chánh quyền tới cúng bái đâu mà có tiền mướn nhân công. Phật thương chúng sanh. Chúng sanh phải tự thương mình! Gạo, bánh, đường, xì dầu, quần áo trẻ em được các bạn cùng các sư tưng bừng trao qua tay.

Đã lâu tôi không thấy những bàn chân đen đủi, nứt nẻ với những ngón cái phồng to và hơi quặp về phía trái vì đi bộ và gánh vác nặng nề. Ngày hôm đó những bàn chân này như những mũi kim nhọn đâm vào tim tôi khiến tôi nhớ đến những món ăn béo bổ dư thừa mà tôi đã đổ vào ống cống và nghiền nát...

Tôi nhớ lại bài báo tôi vừa đọc quảng cáo các đại gia Việt Nam ăn chén yến 500 đô la, các nữ doanh nhân thành đạt xách cái bóp Hermes 10,000 ngàn đô! Tôi và họ có khác gì không? Chắc là không. Vì tôi và họ đã cùng ăn chén cơm nguội, đã dùng hết cái phước đức đã tạo ra từ kiếp trước mà kiếp này chẳng nấu được chén cơm nóng nào...

Sư cả là một người trẻ tuổi, đã có bằng cử nhân về tâm lý học ở thành phố Saigon. Sư đã qui tụ các trẻ mồ côi, lang bạt, quậy phá trong phường về chùa, dạy chúng Phật pháp, văn hóa và cho chúng qui y. Người dân trong phường rất vui mừng và biết ơn sư vì đám trẻ không còn trộm cắp phá phách như xưa mà lại biết tu học và giúp đỡ mọi người. Các sư non này nói tiếng Việt và Miên, đọc kinh tiếng Phạn và bập bẹ tiếng Anh. Vì tôi làm việc ở Long Beach với nhiều người Miên nên tôi cũng quơ quào được vài chữ Miên. Thế là một “trận chiến” Miên-Việt-Anh giữa tôi và các sư non diễn ra, thôi thì mạnh ai nấy cười vì hiểu được có, hiểu lầm có, hoàn toàn không hiểu có, hiểu được chết liền cũng có luôn…

Các sư giương dù tiễn tôi ra khỏi hẻm với những câu thank you, good bye, see you again, ôkun, cám ơn vang dội. À há, không phải nơi đâu tôi cũng khóc. Đời còn cho ta nhiều dịp để cười nếu chúng ta biết mở trái tim. Thật là hạnh phúc khi ta có thể hòa đồng với một giống dân khác, một văn hóa khác, một hệ phái khác. Chân trời thật là rộng.

Chùa Kỳ Quang 2 ở 154/4A Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp là một quần thể Phật Giáo kiến trúc khác lạ với chánh điện là những thạch nhũ nhân tạo màu xám cho ta cảm giác của sự khám phá và thiên nhiên. Tất cả tượng Phật trong lòng điện đều tạc bằng đá trắng, từ Phật Thích Ca, các vị Phật khác cho tới 18 vị La Hán và các vị tổ. Có những hang động nho nhỏ thờ Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Quán Thế Âm, ta có thể lặng lẽ ngồi đầm ấm đối mặt với các Ngài trong một không gian nhỏ nhắn và an tịnh, lòng lắng dịu để thong thả trở về...

Hậu điện là nhà bếp và các dãy phòng dùng để nuôi các trẻ mồ côi và bại não. Phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng. Các chị phụ bếp, nuôi trẻ dịu dàng, nhân hậu. Nhưng những đứa trẻ lại làm mắt bạn cay cay. Những cái đầu lớn hơn hai trái dưa hấu, gương mặt già cỗi của một người 70 tuổi (dù cháu chỉ mới 5 tuổi), bàn tay bị da bao dính lại, hai tai cái xệ cái nhổng, xương sống không chống đỡ nổi thân hình chỉ nặng 5 kí, những đứa trẻ này suốt ngày, suốt đời nằm đó, không nói năng, không nghe ngóng, không nụ cười. Chỉ có tiếng rên nho nhỏ và ánh mắt dại khờ.

Các chị nuôi trẻ đút từng muỗng cháo nghiền nát với rau xanh vào miệng để giữ cho tim cháu đập... Người Việt Nam bị nhồi sọ, cho tới giờ phút này, sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm cũng vẫn còn đổ thừa mọi bịnh hoạn cho chất độc da cam! Hình như đổ thừa cho Mỹ với chất độc da cam (dù đã bị thua kiện ở tòa án quốc tế) thì dễ hơn là đổ thừa cho các chất hóa học nêm nếm độc hại từ Trung Quốc.

Chúng tôi tặng chùa sữa, tã, đường, bột ngọt và tiền cho các chị nấu bếp và phục vụ.

Các em mồ côi hạnh phúc trong quần áo mới.

blank
Tác giả Lệ Hoa Wilson (giữa) và các trẻ em nghèo.

Chúng tôi gặp một cô gái Tây phương trẻ tuổi vào phòng. Nói chuyện với cô mới biết cô và một nhóm bạn đến từ một hội thiện nguyện Công Giáo ở Barcelona, Spain. Họ ở Việt Nam ba tháng để thăm viếng và làm việc với các chùa chiền có nuôi dưỡng các cháu khuyết tật. Họ vỗ về, an ủi và chuyện vãn với các cháu. Không biết các cháu có hiểu gì không khi họ nói líu lo nhưng chắc là tâm linh của các cháu sẽ cảm nhận được tình yêu thương nhân loại mà họ chia sẻ với các cháu.

Xin cám ơn Chúa và các con chiên của ngài.

Nơi cuối cùng chúng tôi viếng cũng là một chùa Khất Sĩ, tịnh xá Ngọc Huệ 210/3 Quốc lộ 1A, Khu 3, phường 2, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Chùa đã thông báo đến các hộ dân và hơn trăm người khiếm thị đã ngồi chật phòng họp khi chúng tôi đến. Họ gồm đủ đàn ông, đàn bà từ già tới trẻ. Họ sắp hàng vịn vai nhau. Tôi và một vài thiện nguyện viên nắm tay dẫn họ đến trước bàn nơi các bạn phát cho họ bao thơ đựng tiền.

Có người mất thị giác bẩm sinh, có người bị bịnh không tiền chữa, có người bị thương nơi chiến trường. Tôi ngạc nhiên khi nói chuyện với họ và biết có nhiều người trong số họ bị mất thị giác khi là chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa. Có một người vừa mất hai con mắt vừa mất cả chân trái.

Tôi trân trọng đặt tay lên vai anh nói lời cám ơn, người chiến sĩ đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trận cho những kẻ hậu phương như tôi. Lần này thì tôi không cười mà lại rưng rưng nước mắt, bệu bạo nói lời cám ơn. Anh không thấy cặp mắt tôi ướt đẫm nhưng nghe được giọng tôi nghẹn ngào. Anh chỉ cười nói, “Thôi cô ơi, đã lâu rồi, còn gì nữa.”

Phải rồi, còn gì nữa hả bạn? Còn chớ, còn nhiều lắm bạn à. Còn những dòng sông hôi thúi vì chất thải, còn những khói bụi mù bay trong hơi thở, còn những hóa chất gây ung thư đầy trong thức ăn, còn những thước đất lùi sâu về Bản Giốc, còn những đồng tiền xót ruột vào túi công an, còn những bao thơ dầy cộm chạy chức, chạy tội, còn những cô gái cúi đầu từ giã quê hương, còn những uất hận của bao chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa... còn nhiều lắm bạn ơi...

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
02/06/201705:26:11
Khách
Không phải là khoe khoang hay gõ chiêng đánh trống . Mà bài viết đã thể hiện trọn tâm tình , và những hình ảnh làm cho mọi việc như liên kết lại , như " cảm " được rằng chính mình cũng đang cùng hòa tiếng cười , chung giọt nước mắt với Lệ Hoa . Thông thường con người ta hay phê phán những gì mình .... không làm được , như là sự ngụy biện cho những thờ ơ vô cảm của mình .
Nhưng nếu như ( tôi cân nhắc khi dùng từ này ) những người làm thiện nguyện vì họ muốn đánh bóng tuổi tên , hình ảnh . Thì vẫn là sự đáng quý cần khuyến khích . Bởi vì , " Nhờ " thế mà những con người khốn khổ kia có thêm chút gạo tiền , chút ấm lòng và nụ cười vui mừng thấp thoáng trên mắt , trên môi .... Việc thiện từ sâu thẳm trong lòng hay chỉ là hình thức , điều đấy cũng không phải là điều mà bạn hay tôi phán xét . Chúng ta đều là kẻ trần ai mắt thịt , hãy chỉ nên thấy những việc hiện tiền trước mắt . Và nếu cần , thì chỉ nên tự vấn lương tâm rằng : Liệu mình đã làm được những điều như họ ( như chị Lệ Hoa ) làm được hay chưa ????? Cái cây xà trong mắt mình lớn thế mà sao chẳng thấy , cứ lăm lăm nhìn vào mắt người khác để tìm kiếm một mảnh dầm . ....
13/04/201707:10:42
Khách
Làm từ thiện ở VN: Yes hay No.
NO.
Làm với mục đích khoe khoang hình ảnh và viết cho người đọc biết điều mình làm thì càng KHÔNG NÊN LÀM.
30/03/201702:08:08
Khách
Tôi có đọc bài này từ lâu trên báo Người Việt. Nay Có dịp đọc lại và muc này có phần góp ý tôi xin góp vài ý kiến mong các bạn đọc và tác gỉa bỏ qua nếu phiền lòng. Thật ra làm từ thiện đúng nghĩa không nên làm ồn ào khua chiêng gõ trống chưng hình chưng ảnh làm gì Thây thương , tội nghiệp , họ nghèo quá , khổ quá cứ âm thầm về làm .Làm mà không ai biết đó mới làm vì người còn thì xét cho tận cùng mình làm cũng vì mình như có bạn góp ý để thỏa mãn và bày biện cái tôi được ca ngợi vuốt ve mà thôi.
29/03/201709:03:23
Khách
Xin đọc thêm: http://bookhunterclub.com/lam-tu-thien-khong-co-nghia-la-lam-viec-thien/
27/03/201702:22:19
Khách
Bài viết vừa cảm động lại vừa dí dỏm, cám ơn tác giả!
26/03/201718:26:15
Khách
Mỗi người mỗi ý cũng khó mà nói. Hãy làm theo tiếng nói của lương tâm và con tim mình bảo phải làm.
26/03/201707:16:47
Khách
Nếu trí nhớ tôi không lầm thì hình như bài viết này đã đăng trên báo người Việt khá lâu và tôi đã đọc rồi?
26/03/201705:48:29
Khách
Cám ơn hai bạn Tám Khổ Qua và Ben Nguyen đã đồng ý với tui.

Bạn Ben Nguyen nêu câu hỏi :"GIẢ SỬ...ÔNG CÒN SÓT LẠI MỘT NGỪỜÌ EM RUỘT Ở VN GIA ĐÌNH KHÔNG KIẾM ĂN NỔỈ DỨỚÍ THIÊN ĐỪỜNG XHCN VÀ LẠI MẮC BỊNH UNG THƯ THÌ ÔNG SẼ LÀM GÌ ??".

Bạn Ben Nguyen ơi, ý chính của bài chủ là " Từ Thiện Ở VN: Yes Hay No", chớ không là " Giúp đỡ người thân túng thiếu lại mang cơn bệnh ngặt nghèo ở Việt nam: Yes hay No".
26/03/201705:43:10
Khách
Đề tài từ thiện này luôn luôn là đề tài tranh cãi. Thôi thì ai có tình thương thì cứ giúp, ai có sự hận thù thì cứ chống đối, nhưng phải nói có văn hóa và đừng nên hằn học. Ở đâu thời nào cũng có người khổ và có người tốt sẳn sàng san sẻ một chút cho người khổ. Ở Mỹ đây, có hàng chục triệu người trước đây không có bảo hiểm y tế. Nhiều người chết oan uổng vì không được chữa bệnh, giờ có Obamacare giúp đỡ, nếu bỏ thì ít nhất cũng 24 triệu người mất bảo hiễm, vậy mà có những kẻ vô cảm vẫn chống đối Obamacare đó thôi. Còn ở Việt Nam, bây giờ xin thưa quý vị có cho từ thiện hay không cho từ thiện thì CS vẫn không giúp cho đồng bào của mình, mà đói quá thì đâu ai còn dám chống đối gì. Vậy mình nên giúp bà con mình một chút như tia sáng hy vọng và tình người. Xin chỉ có thiển ý chút đó thôi.
25/03/201721:36:20
Khách
NGUYỄN HƯNG CÓ LÝ MÀ BÀ LỆ HOA CŨNG CÓ LÝ .LỆ HOA NHÌN TRÊN KHÍA CẠNH TÌNH THƯƠNG GIỬA NGỪỜÌ VỚÍ NGỨỚÍ ,ĐẶC BIỆT CÙNG LÀ ĐỒNG BÀO ,NDÙ KẺ Ở MỸ NGỪƠI Ở VN.NGUYỄ HƯNG NHÌN "BAO QUÁT" VÀ NHÌN THEO LÝ,MÌNH THƯƠNG LO CHO NGỪỜÌ DÂN KHỐN KHỔ ĐỂ CSVN RẢNH TAY LÀM GIÀU HƠN,TÀN ÁC HƠN ,LÁO KHOÉT HƠN TỨC KHÔNG CHỊU ĐỰỢC.TOÀN BỘ NHÀ NGUYẼN HƯNG ĐÃ Ở MỸ NHƯNG GIẢ SỬ...ÔNG CÒN SÓT LẠI MỘT NGỪỜÌ EM RUỘT Ở VN GIA ĐÌNH KHÔNG KIẾM ĂN NỔỈ DỨỚÍ THIÊN ĐỪỜNG XHCN VÀ LẠI MẮC BỊNH UNG THƯ THÌ ỦÔNG SẼ LÀM GÌ ?? XIN BỎ QUÁ CHO Ý KIẾN THÔ THIỂN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,317,326
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.