Hôm nay,  

Người Ở Giữa & Những Chàng Du Sinh

09/03/201700:00:00(Xem: 16736)

Tác giả: Y Châu
Bài số 5064-18-30764-vb4030917

Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.

* * *

1. Người Ở Giữa

Trái đất vẫn quay không ngừng, chung quanh mặt trời. Mỗi mùa trong năm luôn luôn ảnh hưởng dây chuyền lên mùa kế tiếp: Hè dài Thu ngắn, Đông già Thu muộn. Thoáng chốc mà mà đã qua Đông, chúng ta bước sang năm con gà với nhiều dự tính.

Sau một ngày bận rộn, tôi bật truyền hình lên xem, chuẩn bị đi ngủ sớm thì sư huynh Thiệt từ Bắc California gọi:

- Hôm nay sao ngủ sớm vậy em! Có tin tức mới: Tình, ngày trước ở chung với mình đó, vừa được xe cấp cứu chở vào bệnh viện. Nghe đâu bị sạn thận và nhiều chứng bịnh già khác.

Thời gian qua nhanh, lúc đó Tình học khóa sau tôi, ra trường về đơn vị lại gần nhau. Tình dong dỏng cao, nói ít cười nhiều, được mọi người yêu mến. Chúng tôi như luồng gió mới, làm cho những cánh mai vàng nơi núi rừng nở rộ lúc xuân sang. Thế rồi cũng một mùa xuân, đổi đời, mỗi người mỗi ngả...

Một hôm, có một người bạn làm ở sở xã hội gọi, hỏi thăm: có biết một người vừa mới qua tên Tình?

Không may mắn cho Tình, được đến Mỹ thì vợ con bỏ đi, không còn sống chung nữa. Nó phải đi ở trọ nhà của một đồng hương. Vừa ghi tên đi học lại vừa đi làm thêm, để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống đắc đỏ ở xứ nầy. Nhiều người hiến kế, Tình nên đi "remoling", để thay đổi "hình tượng", rồi về VN rước một cô qua để hủ hỉ,...

Tình nghiêm túc kể lại rằng: Người vợ nầy là bạn gái của Tình khi là SVSQ, đi công tác CTCT ở Ninh Hòa. Họ cùng nhau trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, mà dễ dàng chia tay, huống hồ gì những mối tình mới! Chỉ làm thêm khổ, Tình quá mệt mỏi rồi.

Cũng nhờ Tình mà tôi tìm được thêm những người xưa: sư huynh Thiệt, sư huynh Ma Hoàng, Hữu Hoa, Lê Chuyên,... để thăm hỏi, chia sẻ những vui buồn nơi xứ lạ quê người, trong những ngày xế bóng của đời người.

Trở lại chuyện của sư huynh Thiệt, sau ngày tan hàng, huynh bị đưa đi miền Bắc, hơn mười năm sau được tha về. Anh quyết định đi Mỹ định cư cùng đứa con trai nhỏ. Vợ anh nhất quyết không đi, ở lại Việt Nam cùng với những đứa con lớn đã có gia đình, an phận sống lây lất qua ngày.

Hai cha con anh đùm bọc nhau sống trên quê lạ xứ người, với số vốn liếng Anh ngữ vừa đủ nghe: "Thank You, Yes, No". Nhờ trời thương, đứa con sáng dạ, lại chịu khó; nó thành tài lập gia đình, cho anh hai đứa cháu nội dễ thương.

California, đã nhiều năm hạn hán, đất đai nứt nẻ, những hồ chứa nước khô cạn. Chánh quyền luôn luôn nhắc nhở người dân tiết kiệm nước tưới cây kiểng, trong sinh hoạt gia đình... Bỗng nhiên, mưa lũ kéo đến Bắc, CA, nước tràn đập Oroville, cách SF 240 km về hướng Đông Bắc, gần 200 ngàn dân cư sống ở hạ lưu phải di tản,...

Một hôm ông Thiệt đi chợ Việt Nam, vì mải mê nhìn lên kệ tìm hàng, đụng phải một bà đang đẩy xe mua đồ trong của chợ. Ông lẹ miệng:

- Xin lỗi. Rồi cúi xuống lấy bịt hàng vừa rớt cho bà ta, khi nhìn lên, bốn mắt gặp nhau, hai người cùng la lên:

- Anh Thiệt - A Lìn...

Hơn 40 năm trước, anh Thiệt đi thụ huấn một khóa đặc biệt ở Vũng Tàu. Anh yêu một cô gái dịu dàng, nhu mì, mắt một mí, người gốc Trung Hoa tên là A Lìn, đã cùng nhau thề non hẹn biển. Nhưng tía của nàng nhất định không gã cho anh, vì không tin tưởng chàng trai Việt Nam hào hoa. Theo kinh nghiệm của ông: Người Việt Nam lúc cơ hàn thì rất dễ thương, khi có quyền thế, tiền của thì nảy sinh ra nhiều tật xấu... "tứ đổ tường"

Ngày mãn khóa, A Lìn cho người đưa anh một lá thơ, khi về đơn vị anh mới có dịp đọc bức thơ của nàng. Xem xong anh gục đầu xuống:

- Tôi đã làm khổ A Lìn, nàng đã mang giọt máu của Thiệt rồi.

Anh tìm đủ mọi cách để liên lạc với nàng, nhưng vô vọng, chắc gia đình nàng đã dời đi nơi khác?

Sau năm 1975, nàng theo tía rời Việt Nam, hy vọng gặp lại anh, giao lại hòn máu cho cha nó.

Nhưng "bóng chim tăm cá", đến lúc không còn hy vọng thì ông trời còn thương cho gặp lại anh. Đứa con của anh và A Lìn đã có gia đình; bà nội ở nhà hủ hỉ với cháu, niềm vui còn lại của tuổi già. "Năm khi mười họa" mới đi chợ, anh lại lù đù xuất hiện, như hơn 40 năm trước anh xuất hiện ở Vũng Tàu.

Sau buổi trùng phùng bất ngờ, họ đồng ý giữ bí mật, chờ dịp thuận tiện sẽ công khai với mọi người.

Không biết do đâu mà câu chuyện bí mật của hai người, càng kín thì càng hở, đến tai người con trai của ông.

Một hôm đứa con nói với ông là mẹ nó đổi ý, muốn qua Mỹ định cư, và nó đã làm đơn bảo lãnh từ lâu, bà sắp qua.

Đứa con trai không gạt ông, nó nói thiệt, mấy tháng sau vợ ông đến Mỹ.

Từ khi vợ ông qua đoàn tụ, vợ con ông làm mặt lạ với ông. Còn đối với mẹ con A Lìn không lẽ ông đoạn tuyệt, vứt bỏ ra đi như 40 năm trước ở Vũng Tàu. Tất cả những lỗi lầm nầy đều do ông gây ra, hậu quả là đến tuổi về chiều ông phải gánh chịu, luôn phải đứng trước ngả ba đường!

Sau khi được nhiều góp ý, ông Thiệt quyết định mướn một căn "Studio" ở giữa hai nhà, để tiện việc đưa đón mấy đứa cháu nội đích tôn đi học, mà ông rất yêu quí.

Hai câu chuyện khác nhau, Tình - Thiệt, đi đến hồi cuối đều khác nhau. Một thì đơn côi một người một bóng, một người thì phải nằm ở giữa. Chưa chắc ai sướng hơn ai, chưa chắc ai muốn cũng được đâu à!

Nắng mưa là chuyện của trời
Khi thời nắng hạn, khi thời nhiều mưa
Làm sao cho đủ, cho vừa
Bình bình ở giữa, nắng mưa lo gì.

***

2. Những Chàng Du Sinh

Miền Nam tiểu bang "Sunshine", vào những ngày lễ cuối năm, những ngày bắt đầu năm mới se lạnh, nhiệt độ trên dưới 70 - 50 độ F. Những cơn mưa bụi chợt đến, vội đi, mặt đường nhạt nhòa, trơn trợt,... Bãi đậu xe vắng vẻ, tôi đang dò tìm số điện thoại, để hỏi thăm những thân hữu, bỗng nhiên có một chàng trai trẻ nhanh nhẹn mở cửa cửa hàng bước vào, rồi tự giới thiệu:


- Chào chú, con là Liam Le Huỳnh, Sales Agent, của hảng Angius, chuyên gắn máy nhận thẻ: credit, debit,...

Đợi cho Liam huyên thuyên hết bài bản quen thuộc, tôi bắt chuyện làm quen:

- Nghe giọng nói, chắc là cháu quê ở miền Trung Việt Nam? Chàng trai vội vàng đỉnh chính:

- Ai cũng nói là con nói tiếng Việt giọng miền Nam cả, con quê ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tôi vả lả:

- Nghe giọng nói của cháu tôi chỉ đoán chừng..., nhưng không ngờ cháu là người Nha Trang.

Liam là một du sinh Việt Nam, ở Mỹ hơn ba năm, đã lấy bằng Master (Cao học) ở NY về thương mại quốc tế; có được một hợp đồng với hảng Angius. Cháu cũng cho biết là nếu về Việt Nam, rất khó tìm việc làm! Tôi hỏi cháu về trở ngại Anh ngữ, mà những du sinh quốc tế đến Mỹ thường gặp, là nghe được hiểu được. Cháu nói lúc đầu thì có, nhưng với con, họ học một con học mười!

- Phục cháu luôn.

Trời mưa càng nặng hạt, gió lớn làm cho bên ngoài càng thêm lạnh, như muốn giữ Liam lại, để cùng tôi trở về cái thuở xa xưa, hơn 40 năm.

Thuở đó, chúng tôi là những học sinh, sinh viên, mộng ước tràn đầy, sáng kinh chiều sử,... Con đường học vấn mở rộng cho mọi người, để mở mang kiến thức. Còn có những ông thầy bà cô, đầy tài năng đức độ: Đồng Thanh Thảo, Vũ Quốc Thúc, Đào Quang Huy, Bửu Lịch,...

Nếu muốn đi du học ở nước ngoài, thì phải có những điều kiện như:

Những sinh viên suất sắc, đậu tú tài 2 phải từ hạng: bình, ưu, tối ưu thì có thể nạp đơn lên Bộ Giáo Dục xin đi du học. Hầu hết du học sinh sau khi thành tài, đều muốn trở về quê hương, vì họ sẽ được trọng dụng, vì họ không bao giờ quên được lũy tre làng, hàng cau,... quê hương.

Nếu có đủ tiền của, thì xin đi du học tự túc. Một người bạn thời trung học, Tấn Nguyên, sau khi đậu tú tài xin đi Nhật Bản du học tự túc. Gia đình của Nguyên nổi tiếng về nghề tơ tằm, dệt lụa. Sau năm 1975, anh có về Việt Nam, nhưng nghề tơ lụa không còn được yêu chuộng anh trở lại Nhật, làm giàu cho xứ người!

Không may mắn cho thế hệ chúng tôi phải: "xếp bút nghiên theo việc kiếm cung", mộng ước không thành; nhưng không bao giờ vơi đi, nếu có dịp. Nếu ở HQ, KQ thì có nhiều cơ may hơn. Theo anh YenDinh (SQKQ/72), được qua San Antonio, TX, trong khoá huấn luyện 16 tháng (phải vượt qua khóa Anh ngữ 6 tháng, trình độ tương đương với trình độ tiếng Anh của học sinh tốt nghiệp High School của Mỹ - Trung Học). Sau khi tốt nghiệp anh trở về Viêt Nam, qua Mỹ định cư theo diện nhân đạo HO.

May mắn thay, các con của anh, đã cùng anh trải qua nhiều cay đắng; là một động lực, giúp các cháu đều thành đạt, rất ngoan ngoản và hiếu thảo. Hy vọng thế hệ kế tiếp, giữ gìn tinh thần của những chàng du sinh...

Gần đây, vào một buổi chiều điện thoại reo vang, bên kia đầu dây là một chàng trai nói tiếng Việt Nam, hỏi tôi xin ở trọ khoảng 2 tháng, để học một khóa chuyên môn về thận ở UM. Cháu tên là Phú Lương, là du học sinh ở Pháp, đã tốt nghiệp MD. Tôi hỏi, sao cháu lại biết địa chỉ và số điến thoại? Cháu nói là lên Google*, tìm nhà người Việt Nam gần chỗ con học, thấy tên chú là Y, ngộ quá nên hỏi cầu may!

Tôi từ chối, vì nhà không dư phòng, và cũng phòng xa vì nhà tôi chỉ có những nàng "công chúa". Dù không ở trọ nhà tôi, trong thời gian học ở UM, nhưng tôi cũng đưa Lương đi vài nơi. Hỏi Lương về việc ăn uống thế nào, có quen không? Lương kể:

- Cơm là món chánh, cho chắc bụng, lâu đói.

Cách nấu cũng đơn giản: Vo gạo, để cho ráo nước, cho vào bọc ny-lon đặt vào "microwave", vài phút là có cơm nóng hổi, nấu bắp cũng tương tự,...

- Tôi từng học qua về mưu sinh thoát hiểm, cũng được nghe người thượng du, nấu cơm bằng ống tre ống nứa; nhưng không biết nấu cơm bằng "microwave". Thua xa mấy chàng du sinh.

Sau khi học khóa ở UM, Lương có liên lạc với tôi cho biết là một trường ở Boston nhận cháu vào học, rồi đi thực tập ở tiểu bang Azirona,... Và Phú Lương đã ở lại Mỹ!

Hơn 40 năm trước tôi từng học ở Nha Trang:

Nền trời trong, biển một màu xanh
Bạc đầu, sóng vỗ ở đầu Gành
Hà Ra, Tháp cổ cùng soi bóng
In hằng kỷ niệm tuổi xuân xanh.

Thùy dương thanh thoát gió đưa cành
Rù Rì nắng cháy nhớ không anh?
Sương muối rơi nhiều, làm ướt áo
Nặng trĩu đôi vai khách lữ hành.

Em nằm xõa tóc ở Nha thành
Trông xa mờ mịt bờ biển xanh
Hải Dương đâu còn hình bóng cũ
Duy Tân dìu dặt một màu xanh

Nha Trang còn đó, khách lữ hành
Ly hương viễn xứ, tóc còn xanh?

Sau khi đọc xong bài thơ, tôi hỏi Liam, "em nằm xõa tóc chờ", là ở đâu? Liam trả lời:

- Là dãy núi phía sau khu Đồng Đế, Thôn Ba Làng An.

Đồng Đế thay đổi nhiều nhiệm vụ, nay là... nghĩa trang!

Tôi nói thêm:

- Trước dãy núi "em nằm xõa tóc...", còn có một ngọn đồi, trên đỉnh đồi là tượng "đứng thao diễn nghỉ", về đêm có đèn "pha", ánh sáng lung linh huyền ảo. Chúng tôi từng leo lên đỉnh đồi đó, dưới làn sương muối làm ướt vai:

"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xõa tóc đợi chờ ai?"

*

Thế kỷ XXI, khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực, thông tin nhanh chóng chính xác chỉ cần mở "internet" là được cập nhật đầy đủ; quả đất dường như bị thu nhỏ lại, mọi con người trên thế giới gần gũi nhau hơn.

Theo Open Doors của viện Giáo Dục Quốc Tế Mỹ, niên khóa 2015 - 2016, du sinh của Việt Nam tại Mỹ là 21,400; đứng hàng thứ 6 năm 2016, so với vị trí thứ 9 năm 2015. Những học sinh sinh viên dễ dàng đi du học, những người ưu tú, tài nguyên nhân lực để phát triển, là tương lai của quốc gia, sau khi tốt nghiệp không còn tha thiết trở về, có nhiều lý do!

Có phải là những nước Âu Mỹ giàu có chiêu dụ họ. Cái vòng lẩn quẩn đó, mọi người đã biết mà vẫn hăm hở bước vào!

Y Châu

Ý kiến bạn đọc
22/03/201711:13:49
Khách
Chào Bính,
Chào mừng Bính và gia đình viếng thăm Miami.
Câu hỏi của Bính về phương tiện giao thông công cộng ở Miami? Xin trả lời: Cũng giống như những thành phố khác của Mỹ, Miami có xe bus, Metro Rail (xe điện); muốn đi nhanh hơn thì có Cab (taxi) hay Uber, nhưng hơi đắt.
Tôi không rõ, gia đình của Bính ở Đức quốc, còn cháu ở đâu? Nếu ở Mỹ, có bằng lái xe, tôi đề nghị là mướn một chiếc đi đây đi đó rất tiện, nhưng tốn nhiều.
Mến, Y.
20/03/201715:42:40
Khách
chào chú Y Châu,

gia đình cháu sắp từ Đức qua Miami chơi vào dịp phục sinh, vì kg quen biết ai ở Miami mà tình cờ đọc trên Việt báo thấy Chú, nên muốn hỏi thăm Chú về phương tiện giao thông công cộng ở Miami có tiện lợi kg hả Chú.

nếu được Chú vui lòng liên lạc với cháu qua địa chỉ mail: [email protected]
Xin cảm ơn Chú trước.

kính
bính
19/03/201700:59:17
Khách
Chào sư huynh Nguyễn,
Cám ơn sư huynh đã đọc hết bài viết. không mạch lạc, râu ông nọ, cắm càm bà kia của đệ, xin gởi một bài thơ về Đồng Đế, Nha Trang:

Bốn mươi năm Đồng Đế

Bốn mươi năm gặp lại "người xưa"
Trải qua cuộc dâu bể đẩy đưa
Các cụ sao mần răng chi rứa!
Tay ngang tầm mắt, chào tiễn đưa.

Đồng Đế xá gì chuyện nắng mưa
Biển xanh cát trắng, mát bóng dừa
Rạo rực, trông chờ ngày chúa nhật
Tám giờ phép, em vừa ý chưa?

Nghìn trùng xa cách, ta vẫn mơ
Bốn mươi năm, em xõa tóc chờ
Sương muối ướt vai, người còn nhớ
Bóng ai ẩn hiện, khói sương mờ.

Nhớ từ lúc khoát bộ "trây di"
Vũ Đình Trường, quì trước quốc, quân kỳ
Uy nghi, mặt trời và thanh kiếm bạc
Nhạc quân hành, nhịp bước chân đi.

Nghe vang vang bài "hồn tử sĩ"
Lệ ai rơi, đâu phải là uỷ mị
Vì sông núi, lớp người ra đi
Việt Nam ơi, lịch sử khắc ghi!
Trân trọng
Y Châu
09/03/201722:01:44
Khách
Đọc bài nầy nhớ lại thời trai trẻ . Trước khi được gắn Alfa, theo truyền thống, tất cả Tân Khóa sinh bắt buộc phải chinh phục Hòn Khô . Năm giờ sáng bắt đầu di hành , súng cầm tay, con rùa đựng đầy nước đến bãi Tiên , từ đó leo lên đỉnh Hòn Khô đi ngược trở lại Tượng người lính trắng toát đứng trong tư thế thao diễn nghỉ uy nghiêm . Xong xuống núi, về doanh trại tắm rửa ăn uống. Tối đến khi một Trung đội mang máy đèn lên căng lều qua đêm trên tượng người lính thao diễn nghĩ thì tất cả Tân Khóa Sinh mặc đồ tiểu lể (có khóa mặc quân phục tác chiến) ra Võ Trường để làm lể gắn Alfa (được gọi là Dạ Lễ gắn Alfa) . Khi tất cả các Khóa sinh theo lệnh của Sĩ Quan nghi lễ : " Quỳ xuống các ngươi" để các Sĩ Quan gắn cấp hiệu Alfa . Sau đó SQ nghi lễ ra lệnh "Đứng lên các Tân Sinh Viên Sĩ Quan" thì trên tượng đá ở đỉnh Hòn Khô máy đèn chiếu sáng và hằng loạt pháo sáng được thấp lên để chúc mừng những Tân SVSQ đã mang trên đôi vai 3 tín niệm Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm. Cũng nhớ đến Lễ Truy Điệu cờ rủ , súng đầu chân . Quân phục chỉnh tề gát Đài Tử Sĩ . Đèn tắt .Trong tiếng gió hú, tiếng ngâm bi hùng để mời gọi Tử Sĩ những đàn anh, những bậc tiền nhân về chứng kiến các đàn em đang truy điệu những anh hùng đã vị quốc vong thân . Rồi trong ánh bình minh, với bộ đồ đại lễ các SVSQ đã quỳ xuống một lần nữa để nhận lảnh UY QUYỀn CHỈ HUY mà Tổ Quốc đã long trọng trao cho . Trở thành một cấp chỉ huy trong Quân Lực VNCH theo bước chân của các Niên Trưởng trong nhiệm vụ Bảo Quốc An Dân
Đã bao năm trôi qua nhưng hình ảnh những chàng thanh niên giả từ gia đình, giả từ giảng đường , giả từ cuộc vui lên đường mang gươm đi giữ nước . Đâu đây vang vọng "Tiếng sóng nghìn năm vỗ ấm lòng " của Bạch Đằng Giang . Của tiếng thét, tiếng ngựa voi vang vọng ở gò Đống Đa của những anh hùng áo vãi Tây Sơn . Của Bình Định Vương với Lê Lợi vi quân Ngyễn Trải vi thần . Của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thâu được 64 thành trì . Công nghiệp dù chỉ ba năm nhưng lưu danh thiên cổ ...
Vẫn vang vọng trong tim bước chân di hành một hai ba bốn "Anh em ơi , đem sức trai nuôi chí hùng lưu tiếng ngàn thu .... Anh em ơi ta quyết thề đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh "...Những bước chân đầu đời của thời quân ngủ nhưng đã lưu lại trong tâm những chàng trai thế hệ biết bao là cảm xúc đến tận bây giờ ...
Tôi, SVSQ khóa 3/72 Tiểu Đoàn 1 SVSQ . Tác giả khóa mấy ? và Tiểu Đoàn mấy . Xin được gửi lời chào thân ái đến tác giả Y Châu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Năm nay Lễ Tạ Ơn nặng trĩu nỗi buồn với những người lính thủy thuộc chiến hạm USS KIDD, bởi họ phải chuyển nhiệm sở từ San Diego lên vùng Tây Bắc trước đó ba ngày.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Thứ Năm, 24-11 là ngày Thanksgiving 2016. Mời đọc bài viết trong Mùa Lễ Tạ Ơn từ Philippinnes, đất nước 1001 hòn đảo của tác giả Nguyễn Trung Tây, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Mùa Lễ Tạ Ơn 2014, bà có bài “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời,”
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn bắt đầu, mời tiếp tục đọc về Tháng Mười Một, bài thứ 3 của Phan. Chiếc Kính Gãy là chuyện trên đất Mỹ. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Nhạc sĩ Cung Tiến