Hôm nay,  

Lơ Lửng Giữa Trời

08/03/201700:00:00(Xem: 13198)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 5063-18-30763-vb4030817

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu.

* * *

Người Việt mình ít ai để ý đến môn giải trí bay lên không trung với Khinh Khí Cầu vì trò chơi này hơi nguy hiểm. Riêng tôi thì đã có dịp được “thử nghiệm” cái thú bay lơ lửng giữa trời ở tỉnh Cappadocia trong chuyến đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ với công ty AV mấy năm trước.

Trước khi đi Turkey, tôi cũng lên mạng tìm hiểu về trò chơi “bay bổng với Khinh Khí Cầu” này cho biết. Theo tin tức tôi đọc được từ Wikipedia thì tôi hiểu đại khái về Khinh Khí Cầu như thế này: “Khinh Khí Cầu có thể là hậu thân của ngọn đèn trời Khổng Minh. Đèn Trời hay Thiên Đăng (còn gọi là Khổng Minh Đăng) là một loại đèn làm bằng giấy, dùng để thả cho bay lên trời sau khi đốt nóng. Những ngọn đèn này được đốt lên trong dịp Tết Nguyên Đán, để cầu mong cho cuộc sống được nhiều may mắn. Phương thức đốt đèn Khổng Minh cũng rất đơn giản, châm lửa vào bấc đèn nhờ lửa làm loãng không khí trong lòng đèn, khí nhẹ làm cho đèn từ từ bay lên, gặp gió nhẹ đèn sẽ bay cao, bay xa, đèn có thể bay cao 1 km và bay xa 5 tới 10 km.

Nhưng cái phát minh của Khổng Minh đã bị mai một. Mãi đến năm 1783, một khoa học gia tên Pilatre De Rozier, đã theo phương thức đèn trời để cho bay thử Khinh Khí Cầu mang tên “Aerostat Reveillon” và dùng những con vật như trừu, gà trống, và vịt để làm hành khách thí nghiệm. Nhưng cái Khinh Khí Cầu này chỉ bay được 15 phút ngắn ngủi, rồi đâm xuống đất. Hai tháng sau, anh em Joseph và Etienne Montgolfier đã tự bay thử trong một Khinh Khí Cầu cất cánh từ trung tâm Paris. Chuyến bay đó đã kéo dài được 20 phút và đáp xuống an toàn.

Hồ hởi với bước tiến của anh em nhà Montgolfier, nhiều khoa học gia và Khinh Khí Cầu gia (balloonists) trên khắp thế giới đã bắt chước để thực hiện những chuyến bay ngắn hạn, dài hạn khác, nhưng không phải người nào cũng thành công. Dần dà rồi những chuyến bay Khinh Khí Cầu này chỉ còn là những môn giải trí xa xỉ của những người to gan, bạo phổi.

Cho đến khoảng 50 năm trở lại đây thì môn giải trí “đứng trong giỏ nhờ gió đưa đi chơi” mới được thịnh hành. Tuy không phải là một môn giải trí an toàn (vì có nhiều tai nạn thảm khốc đã xảy ra), nhưng nó vẫn được bành trướng trên toàn thế giới.”

*

Trở lại với kinh nghiệm bay Khinh Khí Cầu đầu tiên của tôi. Hôm đó là ngày thứ nhì chúng tôi ở tỉnh Cappadocia. Đêm hôm trước, trong bữa ăn tối, ông giám đốc AV đã dặn mọi người là đừng thức khuya quá bởi vì sáng mai phải dậy sớm. Xe của hãng Discovery Balloons sẽ đến khách sạn đón đoàn khoảng 4 giờ rưỡi, để kịp cho chuyến bay lên không trung vào lúc 6 giờ. Ông còn dặn dò kỹ lưỡng là sáng sớm, lên cao lạnh nên mọi người phải mặc quần dài, áo dài tay, chuẩn bị đầy đủ khăn, nón len, găng tay cẩn thận. Tốt nhất là mặc thêm một cái áo chắn gió ở bên ngoài, để có thể cởi ra nếu cảm thấy nóng khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ông cũng nói thêm:

- Nếu có anh chị, cô chú nào không muốn bay bổng với Khinh Khí Cầu thì cứ ở lại khách sạn nghỉ ngơi, ăn uống cho thoải mái. Còn người nào chỉ muốn đi theo nhìn cho biết, mà không muốn bay lên thì cứ ở dưới đất chờ, nhưng balloon sẽ đáp xuống ở một vùng đất khác, khá xa, nên hãng Discovery sẽ đưa truck tới để chở những người chờ ở dưới đất sang đó.

Tôi im lặng. Tôi là kẻ chỉ muốn... dậm chân thình thịch trên đất bằng, không thích thú lắm với cái cảm giác mạnh, lơ lửng giữa trời. Hôm AV mới book tour, nhìn qua cái chương trình thì tôi cũng chẳng có gì thắc mắc vì cái mục “bay lên không gian” này là tùy theo ý thích, ai muốn thử thì trả tiền thêm, nhưng khi AV tìm một công ty khác để có giá rẻ hơn thì cái món ăn chơi này lại được bao gồm trong giá tour vì cuộc vui “bay lên ngắm đất trời” bằng Khinh Khí Cầu (hot air balloon) là một trong những điểm đặc biệt của vùng thung lũng Cappadocia, và đã được nhiều người yêu cầu là… phải có. Tôi cũng không hiểu tại sao cái món ăn chơi “lơ lửng giữa trời” này lại hấp dẫn dữ vậy! Ai mê “bay bổng” thì tôi không biết, chứ như tôi, vốn dĩ cầm tinh con thỏ đế, nên cứ mỗi lần đi chơi xa là tôi chăm chú đọc kinh cầu an từ lúc máy bay từ từ ra phi đạo bay lên, rồi ngồi ngủ gà, ngủ gật nhìn theo đường bay trên màn hình Ti Vi, cho tới khi mấy cái bánh xe của cánh chim sắt cạo rào rào trên đường xi măng, đáp xuống.

Nhưng nếu ở lại khách sạn thì cũng chẳng có việc gì để làm, chẳng có nơi nào chung quanh đây để cho tôi đi thăm viếng, ngắm cảnh, hay shopping, bởi vì cái khách sạn này được tọa lạc ở một vùng... đồng không mông quạnh, chỉ toàn là đất với đá.

Tôi nhìn quanh, thấy chẳng có cánh tay nào giơ lên “tình nguyện” ở lại, không bay. Mấy ngày đầu tiên ở vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ không có gì hấp dẫn nên chắc mọi người trong đoàn đang chờ đợi cơ hội thưởng thức cuộc vui đặc biệt này. Ông chồng tôi hù:

- Em không đi thì ở dưới đất chờ xe truck chở qua bên landing đợi balloon xuống. Anh phải thử. Đây là kỷ niệm nhớ đời.

Con nhỏ bạn áo tím của tôi thản nhiên nói:

- Nó không muốn đi thì cho nó ở dưới đất học “đón balloon” với mấy anh chàng Turkis.

Bác 8 Hùng, chồng con bạn tôi ở xứ A con Sò trấn an tôi:

- Đi đi, sợ gì bà. Có chuyện gì thì mình... go down together, chứ có phải chỉ mình bà đâu mà sợ! Nói vậy chứ đâu tới nỗi nào, họ cũng phải biết lo an toàn cho khách hàng chớ. Nếu không ổn thì cái món ăn chơi này đâu có tồn tại và phát triển tới ngày nay. Bà biết tôi chờ đợi cái cơ hội này bao nhiêu năm rồi không? Một co-worker của tôi có cái hot air balloon cho mướn, hắn hứa khi nào… không có người mướn thì hắn sẽ cho tôi lên thử, nhưng chờ hoài cũng không thấy hắn gọi mình. Kỳ này tui chụp mấy cái hình lơ lửng giữa trời, mà lại ở tận bên Turkey, gửi về cho hắn coi, bõ ghét.

Tôi ngồi im suy nghĩ. Nếu không đi thì mình “lỗ”, vì cái món tiền này đã được tính trong giá thành rồi, chứ có ai cho mình “free” đâu. Theo mấy tờ quảng cáo rải rác trong tiền sảnh của khách sạn thì cái mục lơ lửng giữa trời này cũng phải mất hơn 100 Euro cho mỗi đầu người (bao gồm tiền chuyên chở, bảo hiểm, ăn uống nhẹ, rượu champagne liên hoan, và giấy chứng nhận đã tham dự vào một chuyến bay). Thôi cũng liều, giày dép còn có số thì chắc mình cũng có số…

Bốn giờ ba mươi sáng, cả đoàn chúng tôi đã tề tựu đông đủ ở phòng khách của khách sạn. Người nào người nấy cũng chuẩn bị đầy đủ khăn trùm đầu, áo lạnh, găng tay, đủ màu đủ sắc. Sở dĩ chúng tôi phải đi sớm như vậy vì tảng sáng gió còn chưa mạnh lắm, và trời cũng chưa đến nỗi oi bức.

Khoảng 10 phút sau thì hai cái xe bus nhỏ của hãng Discovery Balloons đã đến đậu ngay cửa khách sạn để đón chúng tôi. Xe chạy qua những con đường thành phố nhỏ hẹp có những căn nhà xây bằng đá xám, có hàng rào song sắt bao bọc khu vườn nho nhỏ, nằm sát cạnh nhau rất là ấm cúng. Vậy mà cái khách sạn của chúng tôi đang tạm trú lại được xây ở một chỗ hoang vắng, đất đá khô cằn, không có lấy một bóng cây. Sau nửa tiếng đồng hồ chạy vòng vòng trên những con đường vắng lặng vì dân cư thành phố còn say sưa trong giấc nồng, xe cũng đưa chúng tôi đến một vùng đất to lớn, trống trải, nơi bong bóng sẽ được thổi lửa bay lên. Thấy trời còn tối mờ, tối mịt, chúng tôi nghĩ là mình đến sớm nhưng không ngờ đã có rất nhiều nhóm người đã đến trước chúng tôi, đang xếp hàng lấy nước trà, café, bánh ngọt ăn dằn bụng trước khi bay bổng lên trời. Tuy là cũng có hơi đói, và lạnh cóng chân tay, nhưng tôi cũng chỉ dám ăn 1 cái bánh nhỏ lót lòng, uống chút trà nóng cho tan giá, vì sợ cần phải “tháo dạ” ra bất tử khi đang lơ lửng giữa trời.

Đúng sáu giờ thì họ cho balloons khởi hành. Cũng nhờ ông bà giám đốc AV lẹ làng với “thủ tục đầu tiên” nên đoàn chúng tôi được đi chuyến sớm nhất, với ông Pilot mà họ đã quảng cáo là giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất. Cái giỏ balloon của chúng tôi bay hôm nay lớn thật, lớn gấp ba, bốn lần mấy cái giỏ tôi thấy trong quảng cáo. Nó có đến 8 khung vuông, mỗi khung chứa được khoảng bốn người. Cái giỏ lớn quá, mà cả đoàn tour của tôi chưa tới 30 người, còn dư vài chỗ, nên có vài người đi lẻ được theo lên.


Vì lo mải mê chụp hình với mấy cái bong bóng đang được thổi lửa căng phồng mà tôi quên mất là mọi người trong đoàn tôi đã dần dần leo hết vào trong giỏ. Bốn khung vuông ngay giữa, nằm ở dưới lò gas thổi lửa bập bùng đã đầy người, vì ai cũng muốn ở gần lò để sưởi ấm. Cuối cùng thì tôi và Thảo cũng leo vào được cái khung nhỏ còn trống ở phía ngoài bìa.

Trong khi chờ đợi cho balloon đủ nóng, căng phồng để có thể bay lên thì nhân viên của hãng Discovery Balloons đã dành 10 phút để chỉ dẫn chúng tôi về phương thức an toàn và luật lệ áp dụng cho chuyến bay. Luật thứ nhất là chúng tôi phải đứng bên trong giỏ, không được leo lên những cái khung vuông nho nhỏ hai bên thành giỏ (bậc thang để leo vào, leo ra) để có thể nhoài người ra chụp hình khi Khinh Khí Cầu đang lơ lửng trên không. Điều này thì không cần phải dặn vì cho vàng chúng tôi cũng không dám “leo trèo” để rớt xuống đất như sầu riêng rơi rụng. Luật thứ hai là không được chen lấn, che khuất tầm nhìn của những người chung quanh để ngắm cảnh, chụp hình.

Sau đó thì họ hướng dẫn cho chúng tôi cách thức “landing” an toàn khi Khinh Khí Cầu hạ xuống. Mặc dù họ sẽ cố gắng để điều khiển cái balloon hạ giỏ êm đềm, nhưng trong trường hợp cái bong bóng bị gió bốc ngược, kéo cái giỏ “đựng chúng tôi” xềnh xệch trên mặt đất trước khi nó chịu ngừng lại thì chúng tôi cũng phải biết cách chống đỡ. Cho nên, cái thế landing là phải ngồi “nửa vời” trên cái ghế vô hình, chân hơi khuỵu xuống, “tấn” lưng vào lưng giỏ, hai chân “bấm chặt” vào đáy giỏ, hai tay nắm chắc sợi giây thừng trước mặt, để lỡ có bị gió nhồi thì chúng tôi cũng đỡ bị chấn thương.

Lửa nóng đã được thổi đủ vào trong lòng cái bong bóng căng phồng. Bong bóng từ từ bay lên. Vừa điều khiển cho Khinh Khí Cầu di chuyển theo chiều gió, ông Pilot vừa giảng giải cho chúng tôi nghe về chuyến bay ngắn hạn trên không trung mà ông bảo rất nhiều thú vị. Ông cũng cam đoan với chúng tôi là về mặt kỹ thuật thì Khinh Khí Cầu rất an toàn, vì đã được thiết kế với những sợi dây cáp to lớn, có sức kháng kéo trên 300kg một dây, và Discovery Balloons là một công ty lớn có đội ngũ phi công tinh thạo với chứng chỉ quốc tế và kinh nghiệm dày dặn.

Ông cho biết chuyến bay của chúng tôi chỉ vào khoảng một tiếng đồng hồ thôi, nhưng cũng đủ cho chúng tôi nhìn ngắm vùng thung lũng đất đá có một kiến trúc lạ lẫm có một không hai trên thế giới. Ông nói đoàn chúng tôi gặp hên, vì ngày hôm nay trời quang đãng, gió thổi nhẹ, nên chuyến bay của chúng tôi sẽ rất là êm ả. Bình thường thì Khinh Khí Cầu bay không cao lắm, cách mặt đất khoảng chừng 500 mét thôi, nhưng khi gió êm, nó có thể bay cao cách mặt đất đến hơn 1000 mét. Khoảng chừng 15 phút sau khi bong bóng bay lên thì ông bảo chúng tôi nhìn thẳng ra ngoài trời, cười thật tươi để chụp hình, thì ra họ đã gắn hai cái máy chụp hình tự động ở hai bên khung sắt trên nóc cái giỏ, để chụp hình cho du khách. Ông cũng cho biết là ngoài máy chụp hình, hãng balloon còn trang bị máy quay phim tự động, để quay tất cả những hình ảnh tuyệt vời giữa lưng trời khi Cappadocia lung linh tỏa sáng với muôn màu sắc trong ánh bình minh (trong đó có chúng tôi). Họ sẽ chuyển sang DVD cho khách hàng “tậu” về làm kỷ niệm.

Ông Pilot điều khiển nhiệt độ lửa của Khinh Khí Cầu tùy theo sức gió. Khi lửa đã đủ nóng cho cái bong bóng từ từ trôi thì ông tắt lửa. Ông cho Khinh Khí Cầu nương theo chiều gió, vào gần đến những núi đá có hình thể, màu sắc độc đáo để chúng tôi có thể nhìn rõ hơn những căn nhà nho nhỏ như chuồng chim câu được đục ẩn sâu vào trong lòng vách núi, nghe nói đây là nơi trú ngụ đầu tiên của người bản xứ. Tưởng là sẽ bị rét run vì làm màn chắn gió cho mọi người, nhưng không ngờ chúng tôi đã “chọn” được cái chỗ đứng “ngon lành” nhất để ngắm cảnh. Chúng tôi khoan khoái chào đón một ngày mới an bình trên vùng thung lũng Cappadocia với hằng loạt những chiếc bong bóng nhiều mầu sắc ở chung quanh, với những khu vườn xanh ngắt của thung lũng Cappadocia thấp thoáng dưới chân. Tôi quên mất cả sợ hãi, lia lịa chụp hình đồi núi với những cái bong bóng đủ màu đang nhịp nhàng trôi…

Giờ phút hạ balloon mới là giờ phút “gay cấn” đây. Còn cách mặt đất khá xa, tôi đã nhìn thấy cái xe truck chở Khinh Khí Cầu và cả một đoàn tùy tùng đứng chờ sẵn. Theo dự tính, cái giỏ Khinh Khí Cầu của chúng tôi phải rơi xuống, “đáp” ngay ngắn trong lòng chiếc xe truck đang nằm chờ dưới đất. Tôi hồi hộp, nếu lỡ mà nó trượt “phi đạo” thì chắc là chúng tôi sẽ… rơi rụng như sung. Ông Pilot tắt lửa cho chiếc Khinh Khí Cầu tà tà rơi xuống. Ông ra lệnh cho chúng tôi sẵn sàng, tấn lưng vào thành giỏ, nắm chặt giây thừng…

Cái giỏ balloon của chúng tôi rơi gọn lỏn, êm ru, trong lòng chiếc xe truck. Những nhân viên có trách nhiệm nhanh tay kéo dây giữ cho nó nằm im trong vị trí. Chúng tôi phải đợi một thời gian ngắn nữa cho cái bong bóng “xì hơi” hẳn, rồi mới theo hướng dẫn của đoàn tùy tùng từ người một leo ra khỏi giỏ. Chúng tôi dùng mấy cái lỗ vuông nhỏ trên thành giỏ làm bậc thang, đu người lên với lấy bàn tay của nhân viên hãng balloon đang đứng ở bên ngoài phụ kéo chúng tôi ra. Chờ mọi người xuống hết dưới đất rồi thì ông Pilot và những người phụ tá mới trao cho chúng tôi những ly champagne nước táo, phát cho chúng tôi giấy chứng nhận của công ty Khinh Khí Cầu Discovery, chúc mừng chúng tôi đã tốt nghiệp chuyến bay Khinh Khí Cầu đầu tiên trong đời.

Chúng tôi hân hoan nâng ly cầu chúc nhau đã đáp xuống đất bình an, rồi rủ nhau ra chụp hình với ông Pilot và đoàn tùy tùng, cùng chiếc xe truck chở cái Khinh Khí Cầu đang nằm rạp, xìu lơ vì hết lửa.

Bây giờ đã 8 giờ sáng, chúng tôi đã đói bụng lắm rồi đây. Hai chiếc xe bus buổi sáng đang chờ đợi, sẵn sàng đưa chúng tôi trở về khách sạn để ăn điểm tâm và sửa soạn tiếp tục cuộc hành trình thăm viếng thành phố Cappadocia ngày hôm nay.

Thật là một kinh nghiệm thú vị để đời. Sau khi trở về khách sạn, trong lúc ăn sáng, chúng tôi chuyển hình đã chụp trên không cho nhau xem. Nhìn những tấm hình của mình tươi cười hớn hở dưới ánh bình minh, tôi cũng thấy “phục” mình quá cỡ vì đã có gan leo vào trong cái giỏ bong bóng để bay lên lơ lửng giữa trời. Tôi gửi những hình ảnh này về cho hai người bạn trong nhóm nhỏ, vì thời gian không cho phép họ cùng chúng tôi du lịch Turkey chuyến này, nên họ đã bay sang Albuquerque một cuối tuần để tham dự cuộc vui ngắm mặt trời hừng sáng trên không trung trong ngày đại hội Khinh Khí Cầu thế giới tháng 10 ở New Mexico. Mấy hôm sau tôi nhận được email của họ gửi lại, bảo tiếc hùi hụi vì đã không có cái may mắn như đoàn chúng tôi ở Cappadocia. Hai buổi sáng tinh mơ của tuần lễ đại hội, họ cũng cũng chuẩn bị nón len, áo ấm, găng tay, sẵn sàng bay lên, nhưng những chuyến bay của họ đã bị hủy bỏ vì gió quá lớn.

*

Nếu bạn muốn thử bay lên lơ lửng giữa trời ngắm ánh bình mình để có một kinh nghiệm thích thú như tôi hay chỉ muốn ngắm nhìn thấy rợp trời Khinh Khí Cầu với muôn ngàn màu sắc thì hãy tham dự 1 lần trong mùa hội Khinh Khí Cầu thế giới: “The Albuquerque International Balloon Fiesta” ở tiểu bang New Mexico đi. Đây là một đại hội quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 10 hàng năm. Ngày đại hội Khinh Khí Cầu thế giới của năm 2016 sẽ bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 10 ở Albuquerque và sẽ kéo dài cho đến mùng 9. Bầu trời New Mexico sẽ được tô điểm rực rỡ với những quả “bong bóng hơi nóng” muôn màu, muôn sắc, muôn hình thể, được cất cánh từ công viên Khinh Khí Cầu Alburquerque.

Còn nếu bạn ngại ngần vì đường xa… quá xa, thì hãy lên mạng tìm hiểu xem có ngày hội Khinh Khí Cầu nào được tổ chức ở tiểu bang bạn đang cư ngụ hay không. Tiểu bang California của chúng tôi cũng có nhiều công ty tổ chức những chuyến du hành lơ lửng trên không ở rất nhiều nơi, từ thủ phủ Sacramento, tới những thung lũng vườn nho Sonoma, Napa, Temecula… cho đến những thành phố biển Santa Barbara, San Diego…

Giá cả thì chắc… cũng phải chăng.

Bảo Trân

Ý kiến bạn đọc
09/03/201716:40:58
Khách
Là người thường không ít lần đi đó đây bằng đường hàng không, tuy nhiên, chưa một lần muốn thử cái môn giải trí bay lên trời bằng khinh khí cầu . Bài viết của tác giả với lời văn gọn gàng, dễ hiểu có lẽ sẽ thúc đẩy tui " đi thử một lần cho biết" . :)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,401,338
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến