Hôm nay,  

Chiếc Bánh Chưng Chiên

08/02/201700:00:00(Xem: 11815)

Tác giả: Kim Chi
Bài số 5039-18-30739-vb4020817

Tác giả từng nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Cô tên thật là Ngọc Diệp. Từng là diễn viên sân khẩu ở Saigon trước khi đi vượt biển năm 1985. Hiện đang định cư ở thành phố Melbourne, Australia, nhưng cũng từng là công dân Canada một thời gian khá lâu...."

* * *

Mấy ngày Tết ở xứ người qua thật nhanh. Trước đó, tôi phải chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, gọn gàng. Tôi lo đi chợ búa mua trái cây, mua hoa trưng bày trong nhà, làm thức ăn cho mâm cơm cúng ông bà...… Càng ở xứ người lâu, tôi càng thấm thía buồn mỗi mùa Tết. Tôi gắng mua cho đủ lễ vật cúng trên bàn thờ cho giống những ngày Tết nơi quê nhà dù có nhiều món gia đình tôi không ăn (như mứt và hạt dưa….) mà tôi có cảm tưởng giống như tôi bỏ tiền ra mua cho tôi cái Tết được một vài giờ….Rồi sau đó mỗi năm, tôi gia giảm từ từ vì tôi chợt nhận ra Tết chỉ còn đến trong lòng của tôi mà thôi!

Hôm nay, sau Tết đã vài ngày, tôi vẫn còn ít cái bánh chưng. Tháo gở những chiếc lá dong đã héo úa phai màu, tôi đặt bánh chưng vào chảo, ép dẹp xuống để chiên giòn ăn, trước là để đổi khẩu vị, sau là để nghiền ngẫm lại cái giấc mơ kỳ lạ, một giấc mơ mà tôi cứ nhớ lại mỗi lần ăn bánh chưng chiên mùa Tết, hay bên cạnh mâm cơm cúng ngồi chờ nhang tàn, tôi như cụm mây xám trôi về thuở niên thiếu vàng son, và tôi nhớ ba tôi thật nhiều...

*

Khi tôi còn sống bên Canada từ năm 1986, ba má và tất cả anh chị em của tôi thì đang sống ở Úc. Ngược hẳn với thời tiết tháng hai ấm áp của xứ Úc, Canada vẫn còn là mùa Đông, vẫn còn vài trận bão tuyết, đường sá rất trơn trợt. Từng ụ tuyết hai bên lề đường màu trắng ngà, trộn với màu nâu của sình đất, lớn, nhỏ lụn tàn dần khi có một cơn mưa rắc lên. Khắp nơi, đất trơ một màu nâu xám xịt, phơi những cây khô cằn cỗi trụi lá. Từng nhánh cây như từng nỗi đau đớn của con người và vạn vật, run rẩy vì cái giá rét căm căm của đất trời, cố gắng chống chọi với những trái ngang, khắc nghiệt để hy vọng một mùa Xuân hạnh phúc và ấm áp đang sắp ghé thăm...

Năm ấy là năm 1998, sau Tết hơn mười ngày. Thành phố Toronto mùa ấy nhiệt độ ngoài trời trung bình cỡ chừng âm 15, 20 độ Celcius. Trong nhà tôi để máy sưởi chạy tự động 22 độ cho ban ngày, ban đêm thì chỉ 18 độ vì đã đắp mền ấm áp. Tôi dọn dẹp đồ cúng kiếng đã từ vài ngày trước, trên bàn thờ chỉ còn vài thức ăn như dưa hấu, cam, quýt... ít mứt và hạt dưa… Tôi lấy cái bánh chưng cuối cùng cất trong tủ lạnh ra để hấp sơ lại rồi chiên giòn ăn. Gia đình tôi thích ăn món này hơn ăn bánh chưng tươi. Sau đó, khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi tắt đèn đi ngủ. Trong giấc ngủ, tôi đã nằm mơ thấy một giấc chiêm bao quá sức là kỳ lạ và huyền hoặc, đã ảnh hưởng đến sự ra đi vĩnh viễn của ba tôi…

*

Tôi mơ thấy tôi đang nằm ngủ trên lầu của căn nhà yêu dấu thuở xưa ở Việt Nam. Cái giường ngủ ngày xưa của tôi bằng sắt sơn màu xanh nước biển, mặt của tôi hướng nhìn ra ngoài balcony. Đêm ngủ, chúng tôi hay mở toang hai cánh cửa cái trên lầu vì đã có hai cửa lưới chặn muỗi. Dù ban ngày nóng cách mấy, nhưng ban đêm nhà tôi rất mát. Ngủ phải đắp chăn dày.

Bỗng dưng, đang nằm ngủ (trong giấc mơ), tôi nghe tiếng chân ai lọc cọc thật đều như đi diễn hành ở ngoài balcony. Trong mơ, tôi choàng tỉnh và nhìn ra cái cửa lưới của balcony. Ngọn đèn đường hắt vào đã cho tôi thấy khá rõ có hai người đứng dậm chân ở đó. Người đàn ông mặc nguyên bộ đồ bốn túi màu trắng, chính là ông ngoại của tôi. Và một người đàn bà mặc bộ bà ba màu đen có vẻ xa lạ, tôi chưa thấy rõ mặt được vì bà ta đội một nón lá lụp xụp…

Tôi bật ngồi dậy liền và reo lên:

- “A! Ông ngoại! Ông ngoại về… Để con ra mở cửa…”

Tôi chạy lại cửa. Tôi chỉ cần đẩy nhẹ cái cửa lưới là cửa mở ra ngay vì nó chỉ khép hờ thôi. Bên ngoài trời gió mát lắm, gió ùa vào trong nhà theo bước chân của ông ngoại, mang theo hương thơm thoang thoảng của cây hoa sứ, bụi dạ lý hương mà tôi trồng ngay trước cửa nhà.

Ông ngoại tôi có mái tóc bạc trắng xoá được cắt rất ngắn. Gương mặt ông hình chữ điền, với một bên má lúm đồng tiền to và thật sâu, giống y hệt cái đồng tiền của má tôi. Nhìn ông ngoại trạc 75 tuổi, không có nét già nua lụ khụ, mà chỉ thấy ông rất khỏe mạnh, hồng hào, đẹp lão. Bộ đồ bốn túi nửa tây, nửa ta, làm ông ngoại thêm nét phương phi và rất khí phách.

Khi ông đứng đợi ngoài cửa balcony, ông chỉ nhấc chân lên, để xuống, lên… xuống, lên xuống... thật đều đặn như ta đi diễn hành. Tôi còn nhìn thấy rất rõ đôi guốc vông ông ngoại mang màu trắng ngà, khi ông nhấc chân lên, để xuống, đã tạo nên âm thanh “lộc, cộc, lộc cộc…” Rồi ông bước vào trong nhà cũng với bước chân diễn hành đều đặn 1, 2, 1, 2…. Lộc, cộc. Lộc, cộc… Cánh tay ông đánh nhịp đằng xa, đong đưa cũng đều đặn như bước chân quân hành của ông…

Tuổi thơ của tôi không được sống gần ông ngoại bao nhiêu. Lúc tôi lên bốn, ba tôi bị đổi từ Saigon ra làm việc tận Quảng Trị, mà ông ngoại thì ở Cai Lậy, Mỹ Tho… Khi tôi tám tuổi, ba tôi được rút về làm việc ở Bình Dương mới có một năm thì ông ngoại qua đời. Nếu tôi chỉ mơ thấy ông ngọai, thì chắc cũng không đến nỗi ngạc nhiên. Nhưng mà tôi muốn kể về người đàn bà, người đàn bà đứng kế bên ông ngoại trong giấc mơ.

Bà đứng cạnh ông ngoại, đội một chiếc nón lá dù lúc ấy là ban đêm. Nhìn bà trạc tuổi 60, mặc nguyên bộ bà ba màu đen, tương phản với ông ngoại thật rõ rệt. Cái quần Mỹ A đen mun dưới ánh đèn đêm, chiếc áo bà ba của bà thì bằng vải “xoa” đen có hai cái túi, mặc chồng trên một áó màu trắng bên trong. Bà cũng giống như ông ngoại, bà dậm chân, dậm chân, đều đặn, cùng nhịp điệu, cùng tiết tấu với ông ngoại, “lộc, cộc, lộc, cộc, …1, 2, 1, 2..."

Tôi nhìn bà định nói một câu chào hỏi. Trong giấc mơ, dưới ánh sáng của ngọn đèn đường hắt vào, và dưới cái nón lá rộng vành kia, tôi thấy thật rõ mặt của bà chỉ có MỘT con mắt, vỏn vẹn một con mắt mà thôi. Tôi không thấy được con mắt còn lại, tôi không biết tại sao tôi chỉ thấy cái mặt của bà chỉ có một con mắt mà thôi…. Tôi sững sờ, chăm chăm nhìn thật lâu vào mặt bà để tìm xem còn một con mắt kia.. đang… ở đâu.

Tôi chưa kịp chào hỏi bà, thì bà đã lên tiếng:

“Bà đói bụng quá! Bà muốn ăn bánh chưng. Con có bánh chưng lấy cho bà ăn đi….”

Tất cả có 18 chữ. Trong câu nói này vỏn vẹn có 18 chữ. Nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu cho đến bây giờ, không bao giờ quên được.

Tôi giật mình. Dù bà không quen biết, dù bà chỉ có một mắt, nhưng vì bà đi chung với ông ngoại nên tôi vẫn lễ phép với bà, tôi trả lời:

- Thôi chết rồi bà ơi… Ôi! Con mới vừa ăn cái bánh chưng cuối cùng sáng nay, Con đã chiên nó lên và lở ăn hết rồi.. Nhưng, không sao đâu bà, để con dẫn bà và ông ngoại xuống lầu rồi con kiếm món gì khác cho bà với ông ngoại ăn nha ?!. Hay là con làm cho bà mì xào nhé ?!”

Trong giấc mơ, thâm tâm của tôi lúc ấy thật là áy náy vô cùng vì không còn cái bánh chưng nào cho bà nữa. Tôi tự nhiên thấy ân hận vì sao mình lại ăn đi cái bánh chưng cuối cùng này?! Mà, tại sao bà lại xin đúng cái bánh chưng vậy không biết nữa….

Tôi nhanh nhẹn dẫn đường ông ngoại cùng bà xuống lầu. Ông ngoại và bà im lặng đi theo tôi mà không hề nói gì. Tiếng guốc của ông ngoại và bà khách vẫn gõ đểu đặn “lộc-cộc, lộc-cộc,… 1-2, 1-2,…”

Trong mơ, tôi mở tủ lạnh ra, loay hoay lấy bông cải trắng, cà rốt, hành, tỏi, mì để ra ngoài bàn bếp. Đến đây thì tôi bỗng giật mình choàng tỉnh giấc mơ. Như một cuốn phim đang chiếu bỗng bị cắt ngang, rồi đèn rạp hát phực sáng…

Tôi tỉnh giấc, ngồi thẫn thờ trên giường một hồi lâu rồi mới bật đèn lên. Đồng hồ trên tường lúc ấy chỉ đúng 4 giờ sáng của thứ tư. Cả nguyên người của tôi ướt như vừa tắm xong mà chưa kịp lau khô mặc dù nhiệt độ trong nhà đang lạnh 18 độ. Tôi nhìn quanh tôi để biết chắc chắn rằng đây là nhà ở Canada của tôi, chứ không phải nhà ở VN. Mà sao tôi vẫn cảm thấy như vẫn còn ở VN, tôi vẫn còn nhớ rõ ràng gương mặt chữ điền của ông ngoại, tiếng guốc gõ nhịp diễn hành, và con mắt, cái con mắt trên khuôn mặt của người đàn bà trung niên, người đàn bà đi cạnh ông ngoại tôi chỉ có một con mắt. Tại sao tôi chỉ thấy có một con mắt ? Con mắt kia đâu sao tôi không thấy ?

Tại sao tôi vẫn nhớ rõ mồn một từng chi tiết rất nhỏ như gió thật mát với hương thơm của bông sứ, dạ lý khi tôi mở cửa ? Tôi nhớ hết những đồ đạc trong căn phòng mà tôi đã không còn sống nơi ấy cũng đến hơn mười mấy năm rồi! Cái máy may Singer màu đen nằm ngay giữa nhà, cây đàn bandjolin của má tôi treo bên cạnh bức ảnh của dì Bảy, cái mền tôi đắp là mền lính Mỹ, màu rêu xanh, có chất len nên lúc đắp vừa ấm, vùa ngứa ngáy … Tôi cũng nhớ lại cái cảm giác khi mở tủ lạnh ra, tôi cầm củ cà rốt mát lạnh tay, bó hành hương như còn phảng phất mùi trên tay tôi… Và tại sao bà kia chỉ có một con mắt ? Còn một con mắt nữa của bà… ở đâu ??. Dưới vành nón lá kia đã dấu đâu một con mắt?!

Chồng tôi lồm cồm thức dậy. Anh thường rất khó tính đến khó chịu khi đang ngủ mà bị thức giấc.. Nhưng, anh nói, sao mặt của tôi quá xanh, chưa bao giờ anh thấy mặt tôi xanh như vậy từ khi lấy nhau. Và đúng thật là bất thường, mái tóc dài của tôi ướt nhèm nhẹp, mồ hôi vẫn còn đầy trên trán, lăn dài xuống mặt tôi, quần áo đang mặc sũng nước thật lạ kỳ, toàn thân tôi ướt như vừa tắm sauna xong trong căn nhà mùa Đông đã làm anh cũng lo lắng, rồi yên lặng lắng nghe tôi kể lại giấc mơ lạ lùng. Anh cũng thắc mắc giống như tôi về con mắt của người đàn bà trong giấc mơ. Lấy nhau bao nhiêu năm, tôi đã mơ vài giấc mơ lạ kỳ và sau đó là có chuyện tốt có, xấu có đã linh ứng xảy ra ngay sau giấc mơ. Anh an ủi và dịu dàng bảo tôi gọi điên thoạị qua Úc hỏi má tôi liền đi. …

Bên Úc thời gian đi trước Canada 16 tiếng, hay 14 tiếng tuỳ mùa. Ở Canada đang 4:AM thứ tư, nhưng bên Úc lúc ấy đã là 6: PM (cũng thứ tư). Khi tôi phone qua thì má tôi đang bận rộn cơm chiều cho đám cháu ngoại. Nhưng nghe tôi nói tôi vừa mới mơ thấy ông ngoại với một người đàn bà chỉ có một con mắt, má tôi đã ngưng tay lại, và chăm chú, im lặng nghe tôi kể. Tôi kể rất chi tiết giấc mơ và cuối cùng, tôi gặng hỏi má tôi có ai trong gia đình, bà con của mình chỉ có một con mắt không? Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi, má tôi buồn-buồn bảo… có, đó là bà Mười, là bà họ, hay rõ hơn, bà là em họ của ông ngoại tôi. Má tôi kể, trong chiến tranh bà bị miểng mìn nổ văng vào con mắt, nên bị hư mất một con. Bà mất sớm hơn ông ngoại, mất khi chúng tôi đang còn ở Quảng Trị nên tôi chưa thấy, chưa biết tới bà bao giờ !!!….Tôi hỏi ngược lại má tôi vậy thì tại sao tôi lại thấy bà trong mơ ? Má tôi không trả lời được, chưa ai trả lời được…. Má tôi chỉ biết bảo tôi đi mua ngay bánh chưng cúng liền đi.

Tôi không thể ngủ được, chờ trời sáng là tôi lái xe đi ngay ra chợ VN để mua vài cái bánh chưng về đặt lên bàn thờ thắp nhang.

Trong lúc ấy, ở bên Úc, sau cú phone của tôi, ba tôi bỗng dưng đau bụng cả tuần lễ. Lúc đầu lâm râm, rồi sau đó quặn đau nhiều lên. Má tôi và các anh chị em bên Úc quyết định chở ba vào bệnh viện. Ba tôi bị bịnh suy tim nên mỗi ngày phải uống thuốc trợ tim. Bác sĩ nói ba vì uống thuốc trợ tim có chất acid nhiều nên bào mỏng ruột của ba đến loét, chảy máu. Máu chảy trong ruột của ba làm ba bị đau bụng. Ba tôi vào bệnh viện vào ngày thứ sáu của Úc. (Thứ năm bên Canada). Đêm thứ Sáu ấy, tất cả các anh chị em, tất cả dâu rể, tất cả cháu chắt đều vào thật đông. Ba tôi rất vui dù đang ở trong nhà thương, chỉ thiếu có mình gia đình tôi đang sống ở Canada, không hề hay biết gì…

Đến rạng sáng hôm sau, thứ bảy, vào lúc hai giờ sáng, ba tôi đang ngủ, chợt tim yếu dần, yếu dần, rồi ba… đi luôn. Khi chị Cả chở má tôi vào bệnh viện thì người ta đang ráng nhồi tim, hô hấp nhân tạo cho ba tôi, nhưng không có kết quả…

Ba tôi mất lúc ông 83 tuổi. Mất sau giấc mơ lạ lùng của tôi đúng 10 ngày. Tôi mơ hồ cảm thấy cái giấc mơ kỳ lạ kia phải có một kết nối tới sự ra đi của ba tôi. Sau đó, tôi nghiên cứu về ý nghĩa của những giấc mộng, thì tôi mới biết rằng: Nằm mơ thấy những người thân khuất mặt trong bà con quyến thuộc của mình về thăm và XIN ĂN gì đó… Nếu trong giấc mơ mà mình không cho, thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu mình mời ăn hay cho đồ ăn, nó đồng nghĩa là mình cho phép họ dẫn một người thân trong nhà đi theo họ về thế giới của họ.

Bây giờ, cứ mỗi lần Tết đến, không bao giờ tôi quên món bánh chưng để tôi cúng cho cả tháng Tết. Tôi cất trong ngăn đá vài cái để ra Giêng tôi vẫn còn để cúng! (Tôi thầm nhủ nếu có nằm mơ lần sau, tôi sẽ nhất quyết… không cho ai … đồ ăn của tôi nữa cả…)

Ngồi ôn lại và viết xuống câu chuyện này, tôi vẫn còn cái cảm giác rợn người, bàng hoàng

Tôi bắt đầu tin rằng có một thế giới huyền bí, linh thiêng sau lưng chúng ta, mà chúng ta không thể nhìn thấy nó được. …Tôi ôn những kỷ niệm vui buồn đặc biệt giữa tôi với ba tôi… Nhớ cái miệng ba cười nhếch một bên khi tôi làm vỡ một cái bát vì cái vụng về của … tuổi dậy thì. Ba đã không la tôi, mà còn chọc tôi bằng câu nói của người Tày: ” Kin mi kin, nòn mi nòn, kin chắc mà nòn” có nghĩa là “ăn không ăn, ngủ không ngủ, không thiết gì cả”. Nhớ bước chân ba tôi.. lê lết, mỏỉ mệt,.. đôi mắt lặng lẽ, rươm-rướm lệ mỗi lần nhận thực phẩm thăm nuôi của gia đình trong trại học tập… Nhớ cảnh người anh một cha khác mẹ từ ngoài Hà Quãng, Cao Bằng vào trong Nam để được thấy ba tôi hầu như là lần đầu tiên trong đời khi tuổi anh đà trên 30. Ba và anh, một già, một trẻ, một tóc bạc trắng, một mái đầu xanh trong cái chốn gọi là "trường học " đầy rào kẽm gai ôm nhau khóc ngất, nức nở… Như tôi, cũng đã khóc ròng rã như thế sau mười ngày thấy giấc mơ huyền hoặc quỷ quái kia…

Và cả hôm nay, sắp đến giỗ của ba, con xin ba, xin ông ngoại, bà Mười đang ở thế giới nào đó hãy linh thiêng về đây phù hộ cho chúng con …

Nam mô A Di Đà Phật....

Kim Chi

Ý kiến bạn đọc
08/02/201715:38:38
Khách
Đã khá lâu mới được đọc lại một bài của tác giả. Vẫn hay như các bài trước. Xin cám ơn chị Kim Chi. Tôi đã từng gặp những trường hợp tương tự như của chị nên rất tin và hiểu. Chúc gia đình chị luôn được bình an và may mắn.
08/02/201714:59:01
Khách
Kim Chi ơi, đã là giấc mơ thì làm sao từ chối không cho ăn,mà đó là người thân ruột thịt.
Cứ nghĩ rằng đó là điềm báo trước, và mừng cho cha có bạn đồng hành khi về miền miên viễn.Vì chuyện ra đi của cha là điều không thể tránh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,311,696
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.