Hôm nay,  

Mở Lòng Đón Xuân

28/01/201700:00:00(Xem: 16463)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 5030-18-30730-vb7012717

Chúc Mừng Năm Mới Tết Đinh Dậu 2017. Mùng Một Tết, mừng Nguyên Đán năm con gà, kính mời đọc bài viết của Orchid Thanh Lê, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017, đã phát hành khắp nơi. Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Co sinh tại Sài gòn. Hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ,  Monterey, Calif. 
CaiQuat***

Trao cho ông bọc giấy gói những hột giống mỏng tước ra từ bông vạn thọ khô cất kỹ của Tết năm trước, ông hàng xóm đồng hương dặn dò:

- Ông phải tính toán sao cho bông nở đúng dịp, mà nhớ là thiếu nước thì héo lá, dư nước lại úng thân, rục gốc, nắng gắt lâu sẽ làm bông kém đậm sắc, ít ngát hương còn mưa rả rích làm bông dập cánh, tàn nhụy.

Đưa tay đón bọc giấy gói từ ông bạn già, ông hớn hở ra mặt:

- Lo gì lo dữ! Tui chỉ cần nhớ câu này là đủ: Ai ơi dầu có đi xa/Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười. Còn bằng thời tiết dưng không mà giở quẻ, phải chịu thôi.

Miệng nói vậy mà không phải vậy! Ngay khi đất trời vừa chuyển sang thu là ông hối hả tay cuốc tay cào để xới, tưới cho đất tơi xốp trước khi gieo trồng. Đối với ông, chỉ một rẻo vườn hẹp hơn dải chiếu trúc dọc theo lối đi của khu nhà thuê dành cho người già là đủ giữ quê hương trong lòng người xa xứ. Mấy bụi hành, ngò, rau thơm được tém gọn nhường chỗ cho luống vạn thọ ông ươm.

Vừa khi những lá vạn thọ non mướt nhú lên thì ông giậm lại những cây con cho ngay hàng thẳng lối. Sáng sáng ông bước ra rẻo vườn ngắm hàng cây nhỏ xinh với chiếc lá hình răng cưa bắt đầu nhô khỏi mặt đất. Ông cẩn thận tưới phun, canh bấm đọt gần gốc để cành tiếp tục nứt nhánh cho bông đều về sau. Mơ màng nghĩ đến bức tranh mùa xuân tươi thắm được điểm xuyết bởi những bông vạn thọ ôm tròn, cánh chi chít đều đặn màu vàng chanh hay vàng cam cộng thêm mùi hương hăng nồng rất riêng, ông như nghe được từng hơi thở, nhịp chuyển nhựa qua từng mạch cây, phiến lá.

Từ hôm gieo trồng, cứ bước chân ra đến rẻo vườn là ông đếm ngược thời gian. Gần về cuối tháng Chạp, nắng chuyển sang màu mật ong trong ươm như mứt sên ngày Tết. Bướm bay về, luống vạn thọ lớn phổng, trổ nụ ngấp nghé vàng. Ông tỉa bớt bông đeo cho bông cái được lớn. Thấp thỏm với những con sâu khoan có thể chui vô đục ruỗng bông, ông gọi điện thoại nhắc con mua thuốc xịt sâu gấp cho ba. Tết đến nhà ông trước rồi còn gì! Rẻo vườn bừng lên sắc xuân thấy rõ.

Không vội vã nhưng chẳng hề thủng thỉnh, ai cũng có riêng mình một vài ý định vun vén cho mùa xuân. Từ lúc ông bắt đầu ươm trồng vạn thọ thì bà đã cậy con chở đến nông trại chọn mua mấy con gà nuôi ăn Tết.

Ông cằn nhằn cho rằng phải chi còn ở quê nhà thì nuôi gà để nó cầm canh báo cho nông phu thức dậy lo chuyện đồng áng, đằng này ở bên Mỹ nếu gà gáy ồn sẽ làm hàng xóm mất ngủ rồi họ than phiền. Bà đáp sẽ không nuôi gà trống, hơn nữa hàng xóm phần lớn là người Việt lớn tuổi thì dẫu gà có cất tiếng gáy thì chắc cũng không đến nỗi nào.

Ông vẫn chưa hết càm ràm:

- Vợ chồng già ăn uống là bao, giết gà lại thêm tội sát sanh.

- Ông cứ để tui nuôi ít tháng chớ bao lâu. Đã có người cho chuồng gà cũ. Nuôi đến Tết mần thịt là vừa, con cháu xúm xít lại đông vui.

Bà tự hào rằng mình có tay nuôi gà như ông già tía. Ngày xưa cha của bà là dân chuyên nuôi gà đá. Ông già có thể phân tích rành rọt từng cú nạp, thế mổ, nhịp vỗ, kiểu móc giò hay né gà đòn của gà để phán đoán phản ứng khi nó xoay sở ra đòn. Chỉ cần nhìn thoáng là ông biết gà này có vuốt cong thì bất lợi hay không, con gà kia móng thẳng thì hay dở thế nào, mào rộng dài thì ưu điểm ra sao.

Đá gà là thú vui dân gian trong các ngày hội hè đình đám. Cha của bà luôn biện minh rằng thú đá gà là cách để tự rèn luyện mình luôn giữ vững khí thế trong mọi hoàn cảnh, biết uyển chuyển khi tiến khi lùi. Cũng vì mê đá gà mà nhiều lần ông bỏ vợ con đi biền biệt. Mỗi lần nhắc chuyện xưa, ba thường ngậm ngùi:

- Vậy mà bà già tui cũng hay chín bỏ làm mười với ông già nên nhắc các con thương ổng, đừng buộc những kẻ máu mê đá gà phải rạch ròi phân minh bên gà, bên tình, bên nào mê hơn...

Ông thấy đàn bà sao mà họ độ lượng quá. Mới đây cũng chỉ vì chuyện con gà mà ông giận bà. Mà con gà có bao lớn đâu, vậy thì xem ra điều giận hờn giữa hai người là nhỏ mà. Không chừng ai nghe xong câu chuyện có khi chê ông hờn như mưa dai.

Đó là ngày ông Táo chầu trời, ông ra ngoài uống cà phê nói chuyện tầm phào với mấy ông bạn già. Trở về nhà ông điếng người trước cảnh tượng rẻo vườn bông vạn thọ ông hằng chăm chút đã bị xới tung giày xéo trong khi bà đang quýnh quáng chụp bắt mấy con gà trước đó vừa được thả xổng chuồng cho xả căng ít phút. Bà tin chúng vẫn trong tầm mắt kiểm soát của mình nhưng quên rằng gà bản tính thích bới đông mổ tây để tìm ăn. Chúng lại là loài nhân nghĩa, mỗi khi tìm được mồi thường không ăn một mình mà gọi nhau lại cùng chia xẻ, thành thử ra luống vạn thọ rạo rực sức xuân của ông là chỗ lý tưởng cho lũ gà đào bới.

Ông đi đứng liểng xiểng trước bức tranh mùa xuân của mình bị lấm lem và xé toạc. Bà dồn được mấy con gà trở lại chuồng, nói với ông mà còn thở dốc:

- Chuyện đã rồi ông ơi! Tui rút kinh nghiệm. Từ nay tui không nuôi con gà nào nữa để cũng khỏi sát sanh. Muốn ăn thì đi mua gà làm sẵn.

Ngó thấy bà tâm hơ tâm tâm hớt, ông tức ơi là tức.

- Hừm! Kho kinh nghiệm là vốn quý mà. Kinh nghiệm càng rút càng dài lắm đa.

Nói đoạn ông quày quả bước vô nhà để mặc bà đứng đó ngỡ ngàng.

Vợ chồng già im hơi lặng tiếng với nhau từ bữa đó.

Lại thêm một ngày trôi qua với cái lạnh se sắt không chừa cả cơn đau từ những khớp xương nhức buốc của người già. Gió giục giã tháng Chạp mau đi. Tết đến gần thêm. Rét đậm. Cái rét thì hiện đại mà ông thì cũ rích. Một người hoài cổ mong tìm cái hồn Tết xưa trong ngõ ngách của tiềm thức. Ông lục lọi ký ức với bóng vạn thọ.

Ông nhớ ơi là nhớ ông nội mình Tết nào cũng chọn những cành vạn thọ đẹp từ mảnh vườn trước sân để bày biện bàn thờ gia tiên. Cái tên “vạn thọ” cũng đủ đứng vững trong người. Tết ai chẳng chúc người già sống lâu trăm tuổi.

Quên sao được những lần ông theo chân bà nội  mình cùng gánh hàng đến phiên chợ Tết ở quê, một phiên chợ chắt chiu, dành dụm, nhà ai có thức gì thì mang ra chợ bán thức đó. Gánh hàng của bà nội ông thường là ít củ gừng đào được, rổ ớt, cùng mớ rau tập tàng được xem là lộc của đất trời bởi tự thân chúng mọc lên, không cần nhờ đến bàn tay con người chăm sóc mà chỉ cần vài cơn mưa lất phất là mớ rau quê này đã sinh sôi và phát triển. Thêm vào đó, trong gánh hàng của bà nội ông tại phiên chợ Tết năm nào cũng có hơn chục cây bông vạn thọ mới nhổ rễ vào buổi sớm mai để kịp mang đến chợ; nếu nhìn kỹ thì trên những bông tròn trịa này vẫn còn lấm tấm những hạt sương.

Vạn thọ nở từ giữa tháng Chạp qua tháng Giêng bông mới tàn. Những ngày giáp tháng Giêng, người dân quê ông bắt đầu chưng bông vạn thọ để tiễn ông Táo, kế đến ngày ba mươi rước ông bà, rồi suốt ba ngày Tết, tiếp theo mùng Tám cúng sao, bắt qua mùng Mười cúng đất, rồi sau rốt là rằm tháng Giêng. Ấu là chưa kể nhiều người còn cúng cầu an đợt hai vào ngày 18 Âm Lịch. Lễ chúc mừng thọ cho người lớn tuổi thì lại càng không thể thiếu bông vạn thọ.

Thoáng chốc mà đã bao nhiêu cái Tết qua đi. Mang tuổi mình ra đếm, ông nghe lòng chợt hóa trẻ thơ. Hồn bông vạn thọ theo ông từ thuở chín, mười. Giờ già tóc trắng mà vẫn tương tư mùi hương ngày cũ để níu kéo lòng người về với hồn quê bởi đời ngoài kia trần trụi quá đi.

Có ai nhìn ra rẻo đất trồng vạn thọ bị mấy con gà chết tiệt giẫm đạp mà ứa nước mắt như ông vậy không? Nỗi hân hoan từ lúc gieo hột và niềm hy vọng từ lúc cây đâm lá trổ bông giờ tan chảy thành tiếng thở dài. Tâm sự với ông bạn già hàng xóm, người đã tặng hột giống vạn thọ, ông chờ đợi nhận lời an ủi hay khuyên lơn nhưng rốt cuộc chỉ là sự yên lặng. Ông đành cất tiếng:

- Thường ngày ông nói nhiều mà sao giờ mần thinh?

Ông bạn già hàng xóm lắc đầu:

- Tưởng lúc nào dùng lời cũng thấu sao!

Ông ngẩn người. Nhớ hôm lũ gà giày xéo mấy luống vạn thọ, bà hối hả cho đi vài con, chỉ giữ lại hai con giết thịt ngay sau đó để rồi buột miệng thở dài:

- Khổ thân con gà!

A, mắc mớ gì, chính bà giúp lũ gà hóa kiếp mà bây giờ bà còn thương hại là sao? Vô ngôn lúc đó là phải đạo nhưng ông đã không dằn được:

- Sao khổ vậy bà? Khỗ chỗ nào?

Bà đâm quạu theo:

- Ông muốn khổ chỗ nào thì khổ!

- Đúng là tào lao! Chớ không phải bà rảnh quá tự nghĩ ra vì cái vụ tự nghĩ ra lóng rày thịnh lắm.

Bà nín lặng, buồn xo.

Khi mấy đứa con lục tục về biếu quà Tết, bà than thở với tụi nó:

- Ba bay tự ên giận hờn rồi nằm sải lai không ăn uống gì ráo.

Con gái lớn nghe má kể lại chuyện, chép miệng nói tại ba cứ sống với chuyện ngày xưa mần chi. Thằng út ì xèo:

- Tết nhứt đến nơi. Ba má nhắm chừng không ở đặng với nhau...

Cái thằng ăn nói bất nhơn dữ thần ôn! Mới ngày nào chập chững, miệng còn bập bẹ ba ba má má mà bây giờ đã biết trả treo một cộng một chưa chắc đã thành đôi.

Ông nằm day mặt vào vách, ngó bộ dàu dàu. Chờ mấy đứa con ra về, bà bước vô phòng với tách trà nóng và đĩa mứt gừng, gọi mấy lần mà ông giả tảng mần lơ.

- Mình ơi! Uống ngụm trà cho ấm bụng. Ngày xuân ăn miếng mứt gừng, mà hễ có cái tình trong đó thì dù cay đến đâu chăng nữa, hậu của nó bao giờ cũng ngọt.

Im lặng mà lòng xốn xang. Trời thần! Cũng chính cái giọng nói mía lùi này mà ngày xưa ông theo rù quến cho bằng được. Thôi, hiểu rồi! Xuân của đất trời vẫn bao la, chỉ có tâm con người ngày càng hẹp hòi nên chẳng còn cảm được những ý tình của mùa xuân nữa.

Chờ bước chân bà đi khỏi ông mới lồm cồm ngồi dậy, rón rén bước ra rẻo vườn. Lượm lặt trong cái mớ sắp lớp những cây vạn thọ bị lũ gà mổ ngang, xéo đạp, ông tẩn mẩn gom mấy nhánh cây con kịp nở vài nụ hàm tiếu. Ông đem rửa sạch gốc rễ rồi cắm vào chiếc bình sành đổ ngập nước, định bụng đem chưng nơi góc nhà. Mớ cây dập nát còn lại vô nằm trong thùng rác để về với đất. Cái vòng tuần hoàn của tự nhiên sẽ làm đất hồi sinh khi hột giống vạn thọ được gieo trồng cho mùa sau. Trồng để nhớ và trồng để quên, vậy thôi.

Bình tâm nghĩ lại mới thấy điều đã xảy ra là chuyện nhỏ. Ông cũng không hiểu sao mình hờn giận quá chừng. Có chăng là mình nên tạo một vườn mới trong tâm, ông thầm nhủ, để ngày mai soi tâm thiệt kỹ, thiệt lâu đặng xem mình đã gieo trồng được những gì tốt tươi hay đã vụng về làm rơi rớt muộn phiền cho người và cho chính mình trong cuộc đời vốn đầy rẫy Sắc Không này.

Lần trở vô nhà ông thấy bà ngồi ngó lung buồn hiu. Hình như vợ chồng khi già rồi khó làm lành hơn hồi còn trẻ. Ngập ngừng muốn nói với bà một câu, đại để: “Mình ơi! Mình chính là duyên phận khó khăn nhứt mà tui phải cố gắng suốt mấy kiếp trước mới tìm được.”

Kỳ kỳ. Mắc cỡ. Sến quá, làm nhiều hơn nói sẽ hay gấp bội!

*

Sáng ngày ba mươi Tết, bà thức dậy thấy bên gối nằm có cây quạt lụa hồng điều xếp ngay ngắn. Nhẹ nhàng xòe quạt, bà xúc động với hình ảnh con gà trống cất tiếng “Mình ơi!” gọi con gà mái đang e ấp bên vạt bông cúc. Hèn chi mấy bữa rày ông cặm cụi viết viết vẽ vẽ mà thấy bà bước vô là lật đật cất giấu.

Tết kỳ diệu lắm đó. Tết cất đi giận hờn khiến người người mở lòng đón xuân.

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
07/04/201803:46:57
Khách
Tình càng già ân nghĩa càng nồng đượm như rựu ủ lâu năm. Sao... chuếnh choáng‼️
05/02/201722:22:12
Khách
Chị thiệt ưa cái giọng văn Nam bộ của Ỏchid. Hay quá! Chúc em và gia đình năm mới nhiều sức khỏe.
02/02/201705:50:32
Khách
Soi Tâm. Tạo khu vườn mới. Hỷ xả. Độ lượng. Tác giả mượn câu chuyện của luống hoa Vạn thọ, thứ hoa dân giã, thủy chung để nói lên sâu kín của nỗi niềm hai vợ chồng già làm món quà Mở Lòng Đón Xuân...
Tôi ngạc nhiên với bút pháp mới của tác giả rất là Nam bộ trong mảng này : "Im lặng mà lòng xốn xang. Trời thần! Cũng chính cái giọng nói mía lùi này mà ngày xưa ông theo rù quến cho bằng được...." Thật cảm động.
Chúc chị thêm nhiều bài viết sáng tạo và sâu sắc trong năm mới để độc giả thưởng thức.
29/01/201707:08:16
Khách
Một bài viết nhẹ nhàng dễ thương. Thích hợp để đọc trong 3 ngày Tết.
Cảm ơn tác giả.
P.A.

Tokyo
28/01/201723:22:25
Khách
Đàn ông mà cứ chút lại giận lại hờn thấy kỳ cục sao đâu!
28/01/201711:37:30
Khách
Chào cháu Orchid,
Có thêm một bài viết rất hay và cảm động của cháu đây.
Chúc cháu và gia đình một năm mới an khang, mọi sự như ý, và tràn đầy hạnh phúc.
Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến