Hôm nay,  

Hoa Hẹ

11/09/201600:00:00(Xem: 14307)
Tác giả: Phan
Bài số 4914-18-30614-vb8091116

Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016. Ông là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông cũng là một tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Tháng Ba. Khi trời hết lạnh là những cụm hẹ úa tàn mùa đông lại xanh um lên đến thấy rõ từng ngày. Những sớm chưa tỏ mặt người đã cảm nhận được những ngày nóng đến rồi; Những chiều chạng vạng tia nắng cuối ngày tắt vội sau nhà, đồi bluebonnet tháng tư còn nhấp nháy ánh đèn chụp hình của du khách cố chụp thêm vài tấm ảnh với hoa biểu tượng của Texas sau nhà ta.

Những lúc ấy, anh cảm nhận rõ mùa xuân đã lặng lẽ ra đi để hè về vội vã. Anh tưới rau càng cua với hẹ hơi thiên vị hơn so với những luống rau mùi. Anh nghĩ mãi mới ra nguyên do của sự thiên vị tự nhiên đến tự nhiên như hơi thở ấy. Thì ra rau càng cua đã gắn bó với tuổi nhỏ của anh ở quê nhà. Còn hẹ làm anh nhớ thời đi học; những trưa lang thang với mộng đời trên chiếc xe đạp cho tới buổi hội thảo chiều, hễ thấy gánh gỏi cuốn là thể nào em cũng hỏi, “Anh có muốn ăn không? Món ruột của anh kià!”

Ôi cái món gỏi cuốn, giá đủ tiền thời ấy thì anh có thể ăn hết cả gánh. Nhưng hôm em giàu thì mua được bốn cuốn; thường thì hai cuốn thôi. Hôm mua được bốn thì anh ba em một; hôm hai... anh hay tiếc của trời vì em chỉ cắn một miếng rồi không muốn ăn tiếp cái gỏi cuốn của em nữa. Nhưng cho dù mua được mấy cuốn thì em cũng rút cọng hẹ trong cuốn gỏi của em để cho anh. Vì… em không thích ăn hẹ!

Cho đến hôm còn mãi. Anh đã rà xe đạp đến gánh gỏi cuốn quen ở góc đường. Chị hàng rong đã đon đả đón khách quen, nhưng em thúc anh đi ngay! Hoá ra em quên giỏ xách, quên tiền ở trường; còn anh thì có bao giờ có tiền đâu mà quên. Nên mới có hôm gần đây, nhớ đôi mắt u huyền như mây thấp thật gần mà vời vợi cuối chân mây. Nửa đêm anh đi tìm lại những tấm ảnh trắng đen mà anh đã chụp khi còn đi học. Tìm mãi không ra, chỉ thấy lại mảnh bằng xưa đã ố vàng; anh ngồi “ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ trăng giang hồ…” một hồi. May là cái điện thoại hết pin chứ còn, nó hát tiếp thì anh chết mất. Anh đọc hai chữ “sư phạm” trên mảnh bằng nhạt nhòa, nó hiện thân hai chữ “mồ côi” em ơi! Ôi cái bằng mồ côi của anh lại mồ côi thêm lần nữa vì cô bảo mẫu không còn.

Nhớ cái hôm hú viá ấy em nhỉ. Giá ăn xong mới nhớ ra quên tiền ở trường thì thật là nan giải. Anh đạp xe về trường lặng lẽ đến quên cả em đang ngồi sau. Không chừng anh ghét người ngồi đọc sách tỉnh bơ trên lưng thằng phu đạp đang cắn gỏi cuốn tưởng tượng. Nó thả hết đầu óc đi tao loạn với chị bán gỏi cuốn. Bởi điều thứ nhất nhớ đến chị là chị ấy đẹp, đôi mắt đẹp mê hồn, vẻ mặt quê quê một chút, nhưng làn da bánh mật do một nắng hai sương lại làm cho chị duyên dáng hơn người. Chị lại thật thà, có nụ cười tha nhân nhất mà anh từng thấy. Hay bởi bao giờ anh xin thêm cọng hẹ để chấm cho hết chén tương; rồi xin thêm chút tương để chấm cho hết cọng hẹ ăn dở. Chị đều rộng lượng với anh, lại bao dung đời này cho anh một nụ cười duyên mới ngấm ngầm làm sao!Anh tin là gỏi cuốn của chị ấy ngon nhờ nụ cười. Đã bao năm rồi không về Sài thương em nhỉ…

Đến… “đêm thấy ta là thác đổ” Em còn nhớ giọng hát của TDK chứ. Cô bạn của em có giọng khàn như Khánh Ly, lại chỉ hát nhạc Trịnh, chơi guitar hay… Hôm đó sinh nhật em. Cả đám bạn bè say sưa nghe TDK hát nhạc Trịnh ngoài phòng khách. Riêng anh riêng một góc trời nhà bếp. Anh chơi hết dĩa gỏi cuốn hồi chiều còn lại. Anh còn nhớ chị Hai của em có hỏi, (khi chị xuống bếp lấy ly cà phê đá của chị trong tủ lạnh. Chị hỏi anh, “em muốn ăn thêm vài cuốn nữa không, để chị cuốn thêm cho em…” Trời ơi! Mắc cỡ trân mình.

Nhưng chỉ đến tết Mùng năm năm ấy. Cái ngày Vua Quang Trung đại phá quân Thanh cũng là ngày anh lên ngôi hoàng tử của lòng em! Trên bàn ăn chỉ có hai đứa ở nhà em đã có dĩa gỏi cuốn. Ngon. Trên cả tuyệt vời là khi anh biết do chính em làm. Em học giỏi trong trường anh không phục mấy đâu, vì anh học kỹ nên ở lại lớp để kèm thêm cho em. Chứ học giỏi dễ ẹt với anh hà. Nhưng em học giỏi làm gỏi cuốn thì anh phục sát đất. Nhờ trời thương cho anh biết nếm ân tình qua ẩm thực, nên anh mới biết gỏi cuốn em làm có vị nhân duyên. Bánh tráng vừa dẻo, không khô, không rách. Bún vừa mềm, không cứng, không sượng. Lá xà lách Đà lạt còn sương non ủ ẩn chuyện tình đầu, rau mùi dậy hương đồng, gió nội thơm con tôm vừa lửa mới ngon ngọt ời ơi. Lại còn hai lát thịt ba chỉ trắng hồng chín tới như môi nào hãy còn thơm… bên phòng khách vẳng qua phòng ăn làm đậm đà thêm chén tương chấm - thấy đã bắt thèm. Màu nâu trong sáng của tương lấp lánh những hạt dầu thơm mùi tỏi phi li ti như kim tuyến, mấy sợi cà rốt bào ngâm chua như sợi toơhồng vắt qua đời này…

Từ đó em thành trùm của món gỏi cuốn trong bạn bè. Có tiệc tùng nào từ thời còn đi học, đến khi chúng ta nên gia thất thì bạn bè vẫn yêu cầu em làm món gỏi cuốn khi họp mặt. Gỏi cuốn đưa em lên ngôi vị độc tôn của cả hai bên nội ngoại, và danh bất hư truyền đến gỏi cuốn có trong vali biêt xứ của hai ta là mấy xấp bánh tráng. Ơi em, một món ăn dân dã quê mình đã đi vào lịch sử một chuyện tình…

Anh nhớ mãi. Gỏi cuốn trên bàn ăn trong căn apartment một đêm đông anh đi làm về trễ. Lòng riêng anh rất buồn cho cuộc sống đổi thay vì anh không còn được thấy em mặc áo dài mỗi ngày đi dạy; anh không còn những chiều chở con đi đón mẹ ở chính ngôi trường mới hôm nào anh còn lớ ngớ dưới sân chào cờ cho buổi học đầu tiên. Mỗi sáng nơi thiên đàng Mỹ quốc, anh chỉ còn thấy em vội vội vàng vàng pha ly cà phê, chải vội mái tóc không cần soi gương nữa. Chui vô cái quần jean đôi chân mặc áo dài mới khốn nạn đời anh. Anh ngồi nhìn mãi lên vách tường đêm cũ kỹ của căn apartment đèn vàng, những trang Phạm Công Thiện tự giở ra trong đêm, “tập làm quen với những gì không có, tập sống với những vết hoen ố trên tường…” Nhưng anh chỉ thấy ba nén hương cắm lên dĩa gỏi cuốn. Nỗi buồn anh sẽ qua đi theo lọn gió hương tàn. Nhưng gió đông tàn buốt trái tim đêm là còn em ở lại.

Anh còn nhớ đêm đông ấy, ngồi nhai một mình từng cuộn đời khô xảm với đổi thay. Chấm tương như chấm bể dâu này. Nhưng anh tỉnh ngộ được hoàn cảnh là thử thách. Ngày xưa hai người chỉ có hai cái gỏi cuốn cũng sống qua một ngày yêu nhau, nên yêu đời thiết tha... Bây giờ một người có hai mươi cái gỏi cuốn trên bàn ăn thì lại không muốn ăn là sao? Anh chưa bao giờ hết yêu em và hoàn cảnh nào anh cũng có gỏi cuốn để ăn vì anh đã thuộc về người làm gỏi cuốn với một tấm lòng. Anh vỡ oà như nắng xuân lùa đi tuyết giá.

Đêm vỡ tung tư tưởng tù đày. Gã khờ tỉnh thức hơn thức tỉnh sau đêm lạnh giá. Tạ ơn em mùa về với những cuốn gỏi cuốn tri âm đã giúp anh gầy lại những gì đã mất. Vì thế chúng ta mới có gỏi cuốn bằng hẹ nhà trồng lần đầu. Anh còn nhớ? Hôm đó anh vui với bó hẹ cắt từ vườn sau vào một sáng cuối tuần. Đợi em thức dậy là anh nói ngay, “hẹ tươi non quá em ơi! Làm gỏi cuốn đi em.” Anh nhớ em nheo mắt, cái bẫy tình mà hết đời anh không qua nổi cái nheo mắt trẻ con muôn năm ấy! Em nói lời tiên tri, “Bây giờ có đất cắm dùi ở Mỹ rồi, chảnh dữ ha. Ăn hẹ nhà trồng chứ không thèm ăn hẹ mua chợ nữa…”

Nhưng trưa hôm đó, em cũng vẫn rút cọng hẹ nhà trồng trao cho anh trước khi chấm tương cái gỏi cuốn của mình. Chỉ lạ đời khi em ghép đến hai ba cọng hẹ, chấm tương, ăn kèm với cái gỏi cuốn bị rút hẹ. Nhìn em ăn ngon miệng như trẻ ăn kem. Anh không nhớ mình đã ăn bao nhiêu cọng hẹ nhường từ khi còn đi học. Vì ai em đã nhường đến thành thói quen là trên bàn ăn cả bó hẹ, vẫn rút cọng mồ côi trong cái gỏi cuốn ra trao anh như rút lòng em sợi chân tình.

Từ đó em ăn hẹ nhà bù đắp cho xa xưa, hẹ xào giá với huyết, hẹ nấu canh đậu hũ non, hẹ ngâm chua thay dưa giá…

Em à! Hẹ giống ở nhà cũ đã xanh hè nhà mới mấy mùa rồi, em biết không? Hôm về lại nhà cũ dọn dẹp vườn sau cho con, anh nhìn hẹ mồ côi buồn buồn tủi tủi. Không có cha chăm mẹ nom, mấy thân hẹ thiếu nước ốm tong như cỏ dại. Về lại nhà mình, nhìn những thân hẹ xanh mướt đến lấp lánh ánh mặt trời. Nhưng anh đã quên chăm sóc người làm gỏi cuốn bằng một tấm lòng. Nên đã mấy mùa hẹ lại ra hoa… rồi uá tàn.

Phan

Ý kiến bạn đọc
05/10/202004:35:17
Khách
Tuấn Trần chịu khó đợi 20 năm sau rồi đọc lại lần nữa
Hy vọng là bạn sẽ hiểu được
Nhưng chỉ hy vọng thôi
Vì đàn gảy tai ....
10/07/201710:16:25
Khách
quá hay cái ông Phan nầy , đọc đến đâu nhói tim đến đó !!! :)
01/11/201612:53:06
Khách
Tuâń Trâǹ nghĩ sao vâỵ?Đunǵ là có Vấn đề..kg biêt́ thương̃ thưć thì t̀ôt́ nhât́ đưng̀ viêt́ lung tung..
21/09/201606:04:16
Khách
Bài viết hay, đọc xong thấy cay cay trong mắt. Mọi người cũng đừng trách Tuan Tran lý do chắc hắn ta còn nhỏ tuổi, cái thực dụng của thời hiện đại đã thấm vào máu thịt nên khó lòng cảm thông cái nỗi ưu tư của những người sống qua 2,3 chế độ ấy là chưa kể cái thân phận xa xứ dù vẫn canh cánh trong lòng cái tình cảm quê cha đất tổ, cái tình cảm vợ chồng, trai gái thương nhau thật lòng, chia ngọt xẻ bùi... chứ đâu phải cái thời mà đụng cái là bỏ nhau, mặc cho con cái thua thiệt hay học đâu cái hay của Tây phương là tự trọng, tương thân tương ái....mà học cái dỡ nôm ma của từ Lady first khiến cho cái cảnh chia lìa đôi lứa nó bình thường như thay cái áo, cái quần lỗi thời?!
Cảm ơn tác giả. Mong bài viết sau.
14/09/201620:36:27
Khách
Tuan Tran là Tuân,Tuấn hay Tuần Trần người ngợm ra sao, thế hệ sỏi đá nấu thành cơm, chó nhẩy bàn độc.Câu chuyện đẹp và dễ hiểu như vậy mà không cảm nhận được thì đem bắn bỏ đi thôi.
13/09/201623:47:54
Khách
Tuấn ơi đọc bài này phải thả hồn theo gió,mường tượng đến những tháng năm ở quê nhà thì mới thấm ban thực tế quá ,trừu tượng không hiều thì nên tìm các tác giả hiên thực mà đọc chứ đưng nên khuyên bảo tác giả tội lắm,vả lại ai cũng thích chỉ có một mình bạn là không,
13/09/201623:09:40
Khách
ở Mỹ đặc biệt ở Little Saigon, thì xài tiếng Mỹ và tiếng việt là chuyện bình thường. Climax ở đời thường dùng khác, trong văn chương gọi là "thăng hoa" đấy. Bác hiểu chưa, chắc có lẽ bác chưa học văn chương ở Mỹ, cố gắng đi bác, không thì con cháu nó cười đấy. Không ai chấm bài thi về lỗi chính tả, nội dung bài viết quan trọng hơn lỗi chính tả. Mấy bài này chỉ có người nào rãnh rỗi mới đọc, mà đọc không rõ người viết nói cái gì, thì đọc làm gì. Phải viết sao cho người đọc hiểu, lời văn rõ ràng, viết kiểu này cho mấy đứa cháu đi du học nó đọc. Nó nói viết vớ vẩn, ai đâu đọc làm gì mất thời gian, biên tập thì hết bài rồi, nên cứ việc đăng lên.
12/09/201610:46:41
Khách
Bài viết rất thâm thúy. Chỉ những người thuộc lớp cũ mới hiểu rõ được tác giả nói gì. Cái hay ở đây,là tác giả đã dùng một câu chuyện về những lá hẹ, để nói lên được cả tấm lòng thương nhớ của mình với người bạn học, bạn đời đã không còn tiếp tục chung bước nữa.
12/09/201606:18:19
Khách
Tác giả viết về gỏi cuốn để kể lại tình yêu của đôi trai gái ...... họ đã chia nhau , nhường nhau những lá hẹ trong cái gỏi cuốn nnnho nhỏ ngày còn đi học
Sau đó họ lập gia đình với nhau ...... hẹ vẫn còn được yêu thương trân trọng , mặc dầu họ đang ở xứ người
Môt hoài niệm , đang được tác giả kể lại với thương yêu đầy ắp dành cho một nửa kia của tác giả , một nửa kiacó lẽ đã không còn nữa cho nên đã mấy mùa

hẹ lại ra hoa rồi tàn úa....
Bài viết thật dễ thương , xin cám ơn tác giả
12/09/201604:58:57
Khách
Tuan Tran phê bình người khác mà không xem lại bài viết của mình trước khi đăng, dù chưa tới 10 câu mà đã có nhiều lỗi. Trích: "người Mỹ thường nói ,"What he talking about". Viết tiếng Mỹ cũng trật: thiếu động từ "IS" or "WAS" (He IS / WAS talking...). Viết tiếng Việt cũng sai: Trích: "mục địch bài viết không rõ ràng", "mục ĐÍCH - là dấu sắc chứ không phải dấu nặng.
Tác giả Phan viết bài "Hoa Hẹ" theo lối viết Tùy Bút. Nếu Tuan Tran chê cách viết này của Phan thì tôi cũng chê đoạn Tuan Tran viết "...Đề tài không rõ ràng, người Mỹ thường nói ,"What he talking about", mục địch bài viết không rõ ràng, cách viết không lôi cuốn người đọc, trong câu chuyện không có climax, từ ngữ dùng khó hiểu và lối viết viễn vông không thực tế, chắc tác giả cũng viễn vông và không có thực tế..." là dài dòng, luộm thuộm, nên cho thêm dấu chấm vào để chia ra những câu ngắn hơn. Chưa kể đang viết một tràng tiếng Việt, lại chêm thêm chữ tiếng Anh vào (Climax); tại sao Tuan Tran không chịu khó tra tự điển xem chữ "Climax" dịch sang tiếng Việt là gì?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,334,455
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.