Hôm nay,  

Một Ngày Chớm Thu

21/07/201600:00:00(Xem: 9326)

Tác giả: Mộng Thường
Bài số 4872-18-30572-vb5072116

Tác giả là cư dân Toronto-Canada từ 1979, nhưng Bà có những người con làm việc tại Hoa Kỳ, trong số này có “cậu út” làm việc tại trụ sở World Trade Center, New York. Khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 9-11-2001, bà viết bài này và lần đầu gửi Viết Về Nước Mỹ “Để tưởng nhớ ngày này năm ấy...”

* * *

Mỗi buổi sáng thường lệ, khi đến sở, tôi thường pha một ly café nóng để vừa nhâm nhi vừa làm việc. Dân đi làm như tôi thì buổi sáng thứ Ba dù sao cũng vẫn đỡ hơn là buổi sáng thứ Hai. Vì thế sáng thứ Ba hôm đó, tôi cũng không mấy bận bịu cho lắm. Đang ngồi nói chuyện tầm phào với hai người bạn cùng phòng, thì một người bạn ở dept. khác hớt hải chạy sang bảo với chúng tôi:

- Các bạn có biết gì không? Có một máy bay vừa chúi đầu đụng phải toà building cao nhất ở thành phố New York.

Tôi vọt miệng hỏi ngay:

- Hồi nào vậy? Sao bạn biết?

Cô ta vừa trả lời vừa chỉ tay vào chiếc radio để trên bàn:

- Tôi vừa nghe tin tức trong radio.

Tôi nghiêng người về phía bàn của mình để với tay mở radio, nhưng một trong ba người bạn kia đã kéo chúng tôi đi ra phòng lunch để mở TV xem coi sự tình như thế nào.

Qua TV chúng tôi được biết đây không phải là tai nạn máy bay mà là một sự khủng bố của nhóm không tặc vào toà building World Trade Center. Đến lúc này chân tay tôi run lẩy bẩy, khi nghĩ ngay đến đứa con út của tôi, Mike, hiện đang làm việc ở khu vực này. Có điều là tôi không biết đích xác Mike làm ở toà building nào. Tôi chỉ biết Mike đang làm viêc cho một công ty tài chính ỏ Wall Street mà thôi.

Tôi đứng bất động, mồm há hốc, mắt cứ dán sát vào màn ảnh TV. Thấy cả một bầu trời lửa cháy, khói đen ngất trời, thấy những người ở trên đường đang tháo chạy. Không biết bao nhiêu là xe chữa cháy và cứu thương ào ạt đổ về để cứu giúp những người bị nan. Và đến lúc này thì… Kìa! Lại có thêm một cái máy bay khác đâm vào toà buiding thứ 2. Đầu óc tôi chao đảo. Tôi níu áo, lắp bắp hỏi người bạn làm cùng phòng:

- Bà có biết trong 2 toà building đó có văn phòng làm việc của công ty tài chánh nào không?

- Làm sao tôi biết đươc. Trong đó đông người làm lắm, có cả trăm công ty đủ mọi dịch vụ…

Trả lời tôi nhưng mắt bà ấy vẫn không rời nhìn lên màn ảnh truyền hình. Đến lúc ấy họ mới chợt nhớ ra tôi cũng có đứa con đang làm việc ỏ bên đó. Họ xúm xít quanh tôi để bàn tán, để hỏi han. Trên khuôn mặt của họ, ai cũng lộ rõ vẻ kinh hoàng và lo lắng.

Tôi không dám nhìn TV nữa mà cuống quít chạy ngay về phòng làm việc của mình để gọi phone cho con tôi. Chuông reo nhưng không có ai trả lời, chỉ có voice mail bảo tôi để lại lời nhắn mà thôi. Lòng tôi nóng như lửa đốt, tôi ngồi bất động trên ghế mà không biết mình phải làm gì.

Tôi không thể phone nhà tôi được, bởi sáng nay anh ấy có cuộc họp ỏ head office, dĩ nhiên là tôi cũng không thể liên lạc bằng cell phone với anh được nữa rồi. Vậy thì tôi phải làm sao bây giờ? Tôi cứ tự hỏi như vậy mà không biết mình phải làm gì đây. Tôi cứ ôm cái điện thoại mà quay số của con, măc dù số phone không ai trả lời cả. Sốt ruột quá, tôi phone đến sở cho đứa con lớn và các em tôi, dặn họ là phải thay phiên nhau phone làm sao mà liên lạc được với Mike để tôi biết được tin của nó càng sớm càng tốt.

Đầu óc tôi đang bấn loạn, thì chuông điện thoại ở bàn tôi reo vang. Tôi nhấc vội phone lên, có tiếng gọi:.

- Mẹ, con đây.

Tôi mừng rú lên vì nhận ra được giọng nói của con.

- Ồ! Bé! (tôi vẫn quen gọi Mike như vậy)

- Không, con là Tú!

Thì ra đó là đứa con thứ hai của tôi, đang làm việc ở Los Angeles. Giọng của anh em chúng nó giống nhau quá, bình thường khi nói chuyện trong phone tôi và mọi người đều lầm, huống chi là trong lúc này, lòng tôi chỉ nghĩ đến đứa con út mà thôi.

- Mẹ có tin tức gì của Bé chưa?

Giọng tôi nghẹn ngào có pha nước mắt:

- Chưa, mẹ đã goi điện thoại nhiều lần cho Bé rồi, nhưng không có ai ở đó cả. Mẹ lo quá, không biết Bé ra sao?

- Con đang ngủ thì dì Loan phone bảo con là mở ngay TV ra xem ở thành phố New York đang bị khủng bố, và Mẹ đang lo không biết Bé thế nào.

- Thế con có biết đích xác là Bé làm việc ở building nào không? Có phải hai cái building bị nạn không?

Tôi hấp tấp hỏi một hồi như vậy không để thời gian cho Tú trả lời:

- Mẹ! Mẹ từ từ, đừng hốt hoảng quá. Bé không có làm ở hai toà building đó. Bé làm ở building Stock Exchange, nhưng con nghe nói cũng gần đó, bởi vì cùng chung một khu vực.

Tôi nghe đến đây cũng đủ thấy đầy lo lắng rồi, bởi vì cùng một khu vực như vậy mà bây giờ lửa cháy ngất trời, mọi người đang hốt hoảng tìm đường tháo chạy tứ tung như vậy thì không biết số phận con Út tôi ra sao.

Sau khi nói lời phủ dụ an ủi tôi là đừng có lo, để chờ thêm tý nữa xem coi có liên lạc được với Bé không thì Tú sẽ cho tôi biết ngay, và Tú cúp phone.

Vừa mới gác phone với Tú xong, lại đến lượt đứa con trai lớn của tôi, Vũ, dáng chừng từ nãy giờ Vũ đã cố gắng phone cho tôi mà số bị bận. Giọng Vũ đầy vẻ khẩn trương và nghiêm trọng:

- Mẹ, Mẹ phone bảo ngay hai đứa em con dọn về Toronto đi, không nên làm việc bên đó nữa. Bây giờ ở Mỹ không có an toàn đâu. Loạn to rồi chẳng riêng gì ở NY mà còn ở vài nơi khác cũng đang bị khủng bố nữa đó.

Tôi đang là sợ hãi mà đứa con lớn lại còn chêm thêm vào, làm tôi cuống quít chẳng biết đâu mà lần. Để lấy lại bình tĩnh, tôi trở lại với tư thế cũ là ngồi bất động trên ghế để chỉ biết niệm Phật mà thôi. Tôi có thói quen mỗi khi có sự gì không ổn trong tâm, tôi hay niệm Phật. Trong khi mọi người vẫn còn ở phòng lunch để theo dõi TV, kể cả những người làm trong plant, hôm nay cũng được ông Boss tôi cho phép họ vào ngồi xem những diễn tiến hãi hùng đang phơi bày trên màn ảnh TV. Không ai có thể ngờ được đó là cảnh thực. Họ ngồi xem mà cứ tưởng như đang xem một phim xi nê đầy gay cấn.

Sáng nay kể như tôi chưa làm một tý gì cho công việc của sở cả. Vì mới bắt đầu giờ làm việc thì đã xảy ra cớ sự này rồi…

Chuông điện thoại của tôi reo không biết là bao nhiêu lần, do những anh chị em tôi và một vài người bạn biết tôi có con đang làm việc bên đó. Chỉ có khi nào tôi dùng phone thì mới không nghe thấy tiếng điện thoại reo mà thôi. Lại điện thoại reo nữa, mỗi lần reo là mỗi lần tôi chộp vội lấy ngay.

Lần này một giọng lạ của đàn ông ở đầu giây bên kia dùng ngôn ngữ bản xứ để hỏi tôi:

- Thưa có phải bà Lê không ạ?

Tôi khựng lại một giây, giọng lạc đi, và lắp bắp:

- Vâng..vâng! Tôi là Lê đây. Có chuyện gì không ạ?

Tôi hầu như nín thở, chân tay tôi bỗng dưng lạnh ngắt để chờ người gọi đến cho tôi biết một tin gì đó:

- Tôi là Danny đây, đang ở sở làm. Mike vừa mới phone tôi, nhờ phone cho bà nói rằng Mike nó bình an. Nó sẽ liên lạc với bà sau...

Danny nói một hồi liên tu như vậy, như thể nó sợ nếu nó chậm chạp quá, tôi sẽ đứng tim vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra…

Tôi đã oà lên khóc. Cô bạn người bản xứ làm cùng phòng với tôi đã ở bên cạnh tôi từ lúc nào mà tôi cũng không hay. Có thể từ lúc cô ta nghe được những lời tôi đối đáp với Danny. Cô ấy đã ôm lấy vai tôi dịu dàng:

- Đươc rồi, Judy. Hãy bình tĩnh lại.

Tôi đã nói trong tiếng khóc vì sung sướng,

- Carol! Con tôi nó bình an.

Carol đã xiết chặt vòng tay của cô ta trên vai tôi để tỏ sự chúc mừng. Tôi cứ để nước mắt tuôn rơi như vậy. Bởi vì trong giờ phút này đây, không có gì cho tôi sự vui mừng bằng những lời mà tôi vừa nghe được từ Danny. Tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã cảm được những lời cầu xin của tôi mà ban cho tôi cái tin vui này.

Khi đã lấy lại được bình tĩnh, tôi mới nhớ ra Danny là đứa bạn thân nhất của thằng Út từ hồi tiểu học. Chúng thân với nhau như tình anh em kết nghĩa.

Tôi tự hỏi:

“Sao Danny lại biết số phone ở office của mình, chỉ vì vậy mà lúc nãy tôi đã không nhận ra giọng nói của nó."

Carol đã cho những người đồng sự của tôi biết là tôi đã được tin con tôi bình an rồi. Họ đến chúc mừng tôi, trong khi tôi còn đang mải lo phone đến cho hai đứa con lớn của tôi, và các anh chị em tôi để báo tin cho họ biết để họ yên tâm. Tôi cũng phone đến sở của nhà tôi, nói với cô thư ký rằng nếu nhà tôi có phone về sở hoăc ở sở có liên lạc được với anh ấy thì cho anh ấy biết là thằng Út của chúng tôi bình an, để anh ấy bớt lo lắng...

Không đầy nửa tiếng sau tôi nhận được điện thoại của nhà tôi. Cũng như tôi, anh đã được yên tâm khi biết về tin tức của nó, và hẹn rằng sau khi họp xong anh sẽ cho biết.

Trong khi đó, trên TV lửa vẫn còn đang cháy ngút trời, và tới đây lại có tin là 2 toà building đó đã bị sập, đã chôn vùi biết bao nhiêu người chữa cháy và những người còn kẹt lại trong 2 toà buidings đó nữa…

Tin bình an của con tôi vừa mới nhận được không lâu, thì lại tiếp đến tin tức này. Tin này đến với tôi lại

làm tôi lo lắng trở lại. Tôi không hiểu con tôi đã thoát hẳn ra khỏi khu vực lâm nạn đó được chưa? Bởi vì bây giờ mọi người ở khu đó chắc là hoang mang lắm, chẳng biết đằng nào mà chạy nữa cũng nên.

Tôi úp mặt vào lòng hai bàn tay để nhất tâm niệm Phật. Bây giờ tôi chỉ còn niềm tin nơi Đức Phật cứu khổ cứu nạn chúng sinh mà thôi. Thực tâm mà nói, lúc nãy khi được tin con tôi bình an mà tôi đã bật khóc, một phần cũng vì sung sướng được nhẹ gánh âu lo. Một phần tôi cũng thương cho những thân nhân của người bị nạn khi họ nhận được tin buồn đó. Ôi! Đời quả là bể khổ. Bể khổ này đã do chính con người tạo ra để hãm hại lẫn nhau.

Bữa cơm trưa hôm nay hầu như chẳng ai ăn được. Bởi ai cũng đều dán mắt lên màn ảnh TV, và sự kinh hoàng đã làm cho mọi người không thấy đói, huống chi là tôi, mang trong lòng sự lo âu như thế thử hỏi làm sao tôi nuốt cơm vào bụng đươc.

Sự đăm chiêu và lo lắng đã hằn lên nét mặt. Trong khi chung quanh tôi, những người bạn cùng sở vẫn còn bàn tán mãi về 2 máy bay và những người bị nạn ở trong hai toà building này.

Cứ một lát lại có tin nóng sốt đưa ra số người bi thiệt mạng và mất tích lên đến bao nhiệu. Tôi không còn lòng dạ nào để góp chuyện với người ta. Điều tôi đang lo lắng là không biết con tôi bây giờ như thế nào.

Kể từ giây phút nhận được điện thoại của Danny, bỗng dưng tôi thấy trong lòng tủi thân khi nghĩ đến thằng con. Tại sao Danny lại nhận được tin nó trước tôi. Vẫn biết tụi nhỏ ở ngoại quốc này chúng nó coi bạn một đôi khi còn hơn là những người thân của chúng nó. Nhưng trong hoàn cảnh này chính ra tôi hoặc bố nó phải là người nó liên lạc trước nhất chứ. Tôi có thể tha thứ cho nó nếu nó không liên lạc được với nhà tôi, bởi vì hôm nay nhà tôi không có ở sở. Nhưng còn tôi thì sao? Cứ nghĩ như vậy tôi vừa buồn thằng con mà vừa lo cho sự an toàn của nó.

Chuông điện thoại ở bàn tôi lại reo vang. Tôi uể oải nhắc phone lên. Hôm nay hầu như chẳng ai muốn làm việc gì cả, dù những người chẳng có thân nhân hay bạn bè làm việc ở khu vực bị nạn này. Nhưng có lẽ sự kinh hoàng về những gì đã và đang xảy ra đã làm mọi người mất hết nghị lực.


“Hello” một vài câu, tôi chẳng nghe thấy có ai trả lời, bực bội cúp phone xuống, vừa dợm quay lưng để đi lấy nước uống, vì cả ngày hôm nay tôi mới chợt nhớ ra là mình chưa có gì vào bụng, thì điện thoại lại reo vang. Lần này nhấc phone lên, tôi không trả lời theo kiểu greeting như bài bản nữa, vì tinh thần quá mệt mỏi, tôi hello một câu ngắn gọn, thì ở đầu giây bên kia có tiếng gọi dồn dập:

- Mẹ, Mẹ hả? Con đây!

Nhân ra tiếng thằng Út, nhưng frequency của đường dây nghe lao xao y như có luồng gió thổi bạt mất giọng nói của người gọi, lúc nghe được, lúc lại không, tôi hấp tấp trả lời:

- Ừ... ừ, Mẹ đây! Con đang ở đâu vậy? Trời ơi! Mẹ lo quá Danny vừa gọi phone cho mẹ nói là con bình an. Nhưng sau đó lại có tin là 2 building đó bị sập...

Chưa để tôi nói hết những gì tôi muốn nói, thằng con đã cắt ngang:

- Mẹ, con không dùng phone được lâu, vì con mượn cell phone của người chạy nạn với con. Con chỉ muốn nói với mẹ là con không sao để mẹ yên tâm. Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố. Con đã cố gắng liên lạc với ba mẹ, nhưng số phone của mẹ bị bận hoài. Con đã phone đến Danny để bảo nó liên lạc với mẹ dùm con, phòng hờ con không có cơ hội.

Hiện giờ con đang di tản về đến cây cầu ở New York cùng với cả ngàn người được thoát nạn như con. Ngay sau khi máy bay thứ hai đâm vào building thì chúng con được lệnh di tản gấp ra khỏi nơi con đang làm việc, vì thế không ai mang theo được gì cả, bỏ của chạy lấy người thôi.

Ngừng lại để thở, Mike tiếp tục:

- Mẹ ơi! Thật là hãi hùng chưa từng có. Chính mắt con đã nhìn thấy chiếc máy bay thứ hai lao từ ngoài bờ hồ vào building. Con đã nhìn thấy những người ngồi trong máy bay này khi nó bay qua building của con, và con cũng nhìn thấy người ta văng ra khỏi tầng lầu cao đó. Ôi! Mẹ ơi! Thật là kinh hoàng, con không thể tưởng tượng nổi, con không thể tin được…

Giọng nói của con tôi có đầy nước mắt. Tôi nghĩ thương thằng nhỏ quá. Thì ra không phải như tôi đã tưởng lầm là nó đã nghĩ đến bạn nó trước, mà chính vì nghĩ đến sự lo lắng của Mẹ, nên nó đã phone đến bạn để nhờ bạn phone cho tôi biết tin về nó.

Phải công nhận là thằng con nhanh ý, nếu không có Danny phone tôi trưa nay thì trong suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua, tôi đã phải sống trong sự lo âu hoang mang như thế nào khi chưa nhận được tin con. Có thế chứ! Tôi vẫn biết nó là thằng con rất tình cảm, nó luôn luôn biết là tôi hay lo lắng dù cho chuyện nhỏ cũng có thể làm tôi băn khoăn huống chi là chuyện thảm khốc này.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thấy nhà tôi phone lại. Tôi không biết là anh có biết tin hai toà buildings này bị sập chưa. Tôi mong cho đến giờ tan sở để gặp anh, bởi tôi cần anh lúc này, tôi cần chia xẻ với anh những tin tức mà con tôi vừa cho tôi biết để anh được yên tâm.

Giờ tan sở, vừa thấy xe anh trờ tới, tôi đã lao ngay ra:

- Anh ơi! Mike vừa phone em trên đường di tản ra khỏi khu vực bị nạn. Anh có biết hai toà buildings bị sập không?

Nhà tôi kể buổi sáng sau khi nhận được tin bình an của Mike. Lúc họp xong, anh lại được biết tin hai toà nhà sụp đổ. Anh cũng run trong bụng, không biết là số phận thằng con mình như thế nào, nhưng không dám phone cho tôi để nói về chuyện này (vì anh tưởng tôi chưa biết), bởi nếu để tôi biết tôi sẽ tăng thêm phần lo lắng. Thà cứ để cho tôi ôm ấp cái tin bình an của nó hồi sáng để tôi đừng lo âu sốt ruột, và anh đã chạy thẳng về nhà để một mình liên lạc với thằng nhỏ, tìm hiểu trước tôi xem coi nó bây giờ thế nào. Nhưng tất cả mọi đường dây điện thoại đều đã bị ngưng hoạt động, có lúcđược, có lúc không. Anh đâu có ngờ là tôi đã được nói chuyện trực tiếp với Mike như trên.

Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi khóc vì thương thằng con bơ vơ một mình ở bên đó không có người thân với tâm trạng bàng hoàng của một người đã mục kíchđược những thảm cảnh chết chóc kinh hoàng. Nhìn nhà tôi với ánh mắt thành khẩn, giọng tôi quả quyết:

- Em muốn mình bay sang NY anh ạ. Nghĩ thương thằng con quá. Bây giờ đơn độc một mình ở bên ấy. Trong hoàn cảnh này, nếu có mình ở bên cạnh thì cũng an ủi con được rất nhiều.

Nhà tôi lắc đầu một cách thiểu não:

- Làm sao mà đi được. Bây giờ mọi phương tiện đi sang bên đó đều bị ngưng trệ hết, kể cả việc gọi phone cũng vây. Em có biết là suốt buổi chiều hôm nay anh đã quay số điện thoại của con mà không được không? Anh nghe TV và radio nói hiện giờ mọi chuyến bay đều đình chỉ và tất cả gõ biên giới để vào Mỹ đều bị đóng cửa. Em phải bình tĩnh, biết được nó bình an rồi là điều chính yếu, việc thăm nom phải để từ từ. Một lát nữa về đến nhà, mình sẽ tiếp tục phone cho nó để xem coi nó đã về được đến chỗ ở chưa.

Trên suốt con đường về, tôi băn khoăn và lo lắng quá. Những hình ảnh trên TV sáng nay cứ nhảy múa trước mắt. Phần vì lo cho con, phần lại thương cho những người bị nạn, tôi chẳng biết làm gì hơn là thầm cầu nguyện mà thôi. Xe vừa ngừng ở gara, tôi lao ngay vào nhà, quay liền số điện thoại ở condo của Mike. Quả đúng như lời nhà tôi nói, đường dây rất khó gọi. Tôi loay hoay với cái điện thoại phải đến gần hai tiếng đồng hồ mới nghe được tiếng chuông reo. Nhưng sao reo lâu quá mà không có người nhấc, đang định cúp phone thì tôi nghe được tiếng trả lời “hello" đầy mệt mỏi. Tôi hớn hở qua điện thoại:

- May quá, con đã về đến nhà rồi? Ăn gì chưa?

- Con mệt quá mẹ ạ. Con đã đi bộ nguyên buổi chiều nay để về nhà, vì moi ngả đường đều bị cấm

xe, kể cả những chuyến xe công cộng. Tinh thần con bị căng thẳng quá, nên chẳng thiết ăn uống gì cả.

Tôi hỏi thăm qua sự tình xem chỗ làm việc của Mike có gần chỗ xảy ra tai nạn không thì được biết như sau:

- Building của con đối diện với hai toà bulding tower này nên khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào, mọi người không ai biết, chỉ thấy đám cháy bùng lên và khói bay ngút trời, ai cũng tưởng đó là một tai nạn máy bay và building bị hoả hoạn. Trong khi mọi người ở building bên con đang bàn tán xôn xao thì bỗng dưng chúng con thấy một chiếc máy bay khácđang bay là đà ở trên mặt hồ, nơi có

tượng Nữ Thần Tự Do. Rồi đột nhiên chiếc máy bay này tăng tốc lực và hướng thẳng vào hai toà building đang bốc cháy. Phòng làm việc của con ở tầng lầu thứ 33 nên độ cao cũng bằng chiếc máy bay này, vì thế con đã nhìn thấy được những người ngồi trong khung cửa kính của chiếc máy bay thứ hai khi nó bay ngang qua building của con. Do đó con thấy được người trong máy bay đó và người ở rong building đó văng ra ngoài không biết họ nhảy ra hay là vì sự va chạm mạnh mà bị văng ra ngoài từ trên những tầng cao đó...

Mẹ ơi! Kinh hoàng lắm. Chính mắt con đã được nhìn thấy cảnh tượng này. Những người mà con vừa nhìn thấy chỉ tích tắc có vài giây thôi, mà họ đã tan xương nát thịt. Con không tin đây là sự thật mà tưởng mình đang xem trên màn ảnh xi nê.

Ôi! Con mong muốn nó chỉ là một giấc mơ hãi hùng thôi, dù sự hãi hùng đó có thế nào đi chăng nữa, nhưng ít ra nó không phải là sự thật...

Kể đên đây giọng Mike lại càng xúc động nghẹn ngào:

- Nhưng đây lại là sự thật, và sự thật đó chính mắt con đã được mục kích, thử hỏi làm sao con có thể dối với ý nghĩ của con được.

Thấy con đau khổ, tôi vỗ về con qua điện thoại:

- Mẹ biết con đau khổ như thế nào khi nhìn được cảnh tượng đó, nhưng con không thể nào làm khác được sự thật. Hãy chấp nhận nó rồi thời gian sẽ làm con nguôi ngoai.

- Không thể được Mẹ à, mặc dù trong đầu con cứ tự nhủ với mình rằng đây chỉ là một giấc mơ khủng khiếp mà thôi.

Tôi nghe có tiếng thở mạnh trong điện thoại, như thể con tôi đang dằn cơn xúc động. Tôi thấy thương

con quá. Mike là người rất nhạy cảm, vì ngẫu nhiên chứng kiến được những người vô tội chết thảm như vậy, làm sao mà tinh thần nó không bị tổn thương cho được.

Nhà tôi nãy giờ đứng chờ để được nói chuyện với con. Nghe được lời đối thoại của mẹ con tôi như vậy, anh ra dấu với tôi để anh nói chuyện với nó. Trước khi trao phone cho chồng, tôi cố nói vớt vát:

- Bây giờ con nói chuyện với Ba nhé! Sau đó con nên ăn một ít gì đi, rồi đi tắm và ngủ một giấc để lấy lại tinh thần, và rồi mọi chuyện sẽ ổn đinh thôi.

Nói vậy chỉ để an ủi vỗ về con, chứ thật tâm tôi biết tinh thần Mike đang bị giao động dữ dội bởi những gì Mike đã được mục kích sáng nay.

Trong đời tôi cũng đã từng đối diện với cảnh chết chóc tương tự nhưvậy lúc mang các con đi vượt biển tìm tự do. Những cảnh cướp của giết người, hãm hiếp xong rồi vứt xác xuống biển của tụi hải tặc đã làm cho một số người bị khủng hoảng tinh thần khi mục kích cảnh tượng đó.

Mặc dù sự ra đi tìm tự do ai cũng đều ngầm hiểu rằng bắt buộc phải trảmột giá nào đó cho sự sống còn, tuỳ theo sự hên xui, may rủi và phúc đức của mỗi người được hưởng hay không. Không ai bảo ai cũng đều phải chấp nhận những sự nguy hiểm, thậm chí ngay cả cái chết phải đến với mình, mà họ còn bị tác động mạnh đến tâm lý như vậy, huống chi sự khủng bố giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Giết cả hàng ngàn người giữa một nơi phồn hoa đô thị trong một nước đầy văn minh như vậy. Thử hỏi làm sao mà mọi người có thể ngờ được và có thể chấp nhận đây là sự thật?

Tôi chỉ xem tin tức hình ảnh trên TV sáng nay thôi, mà đã thấy kinh hoàng. Cứ tưởng tượng ra những người ngồi trong hai chiếc máy bay đó biết mình sắp phải bị lao đầu vào hai toà building cao nhất thế giới, tôi thấy trong người mình hụt hẫng, hồn phách phi tan.

Biến cố này đã làm mọi người trên thế giới bàng hoàng. Ai cũng đều xót thương cho những người bị tử nạn. Mike cũng có một người bạn đồng nghiệp, có vợ làm ở một trong hai toà buildings đó đã bị tử nạn. Sáng nay khi người bạn đó nhận được hung tin này, anh ta đau khổ và ngẩn ngơ như người mất trí.

Tin tức cho biết đã có trên dưới năm ngàn người chết trong đống gạch vụn đó. Kẻthù cũng như người vô tội đều đã cùng nhau tan thành tro bụi để được những gì trong khi những người thân của họ còn ở lại phải chịu cảnh đau đớn phân ly?

Biết bao nhiêu nước mắt đã nhỏ xuống cho sự chết chóc thảm khốc này, và đã có biết bao nhiêu gia đình tan nát chỉ vì một nhóm người cuồng tín đó sao?

Còn những người may mắn được thoát nạn như con tôi sẽ phải mang sự ngậm ngùi này cho đến bao giờ mới nguôi ngoai được?

Kể từ đêm đó, tôi đã niệm Phật hàng đêm trong suốt 49 ngày để cầu nguyện cho những người bị nạn, linh hồn được siêu thoát. Dù không biết họ ở tín ngưỡng nào, nhưng ít ra tôi cũng đã làm được một cái gì để chia xẻ với họ, và đồng thời cũng để tạ ơn Trời Phật đã phù hộ cho con tôi.

Sau này khi về thăm nhà, tôi đã được nghe Mike tâm sự:

- Mỗi buổi sáng đi làm ngang qua chỗ hai building bị nạn. Con đều cầu nguyện cho những người đã oan ức bỏ mình nơi đây. Mong họ đã tìm được miền đất vĩnh cửu, nơi chỉ có tình thương và lòng nhân từ duy nhất mà thôi.

Mùa Thu 2001

Mộng Thường

Ý kiến bạn đọc
21/07/201615:41:14
Khách
Bài viết làm sống lại hình ảnh hải hùng khi hai phi cơ đâm vào tòa nhà đôi khiến hàng ngàn người tử vong, mọi người bàng hoàng đau khổ! bài viết về nước Mỹ thì chỉ biết về nước Mỹ, nhớ lại 40, 50 năm trước tại miền Nam Việt-Nam, số người tử vong trong cuộc chiến chống quân xâm lăng Bắc Việt ( một bọn với Nga-Trung) lên tới 250 ngàn hay 300 ngàn quân lính chưa kể thường dân, năm 1972, trận An Lộc khoảng 10 ngàn quân dân tử thương, trận Quảng Trị lấy lại thành hy sinh 5 ngàn quân . . . . bà Mộng Thường ơi con bà may mắn thoát chết mà tâm trạng bi thương như vậy huống chi các bà Mẹ hay bà vợ ngươi Việt-Nam có con hay chồng tử trận . . . đau khổ biết bao cho thân nhân, lúc đó có ai thương xót đến những góa phụ hay những bà Mẹ Việt-Nam hay không?
Đọc bài viết của tác giả mọi người mới biết cảm giác sắp mất chồng con và thân nhân ra sao. Mặc dù viết về nước Mỹ nhưng chúng ta nên có vài lời chia buồn hay thương tiếc những kẻ đã chết trước kia trong chiến tranh để chúng ta được sống sót cho đến hôm nay. Không cùng có hoạn nạn đau khổ bi thương thì không biết nổi đau của người khác. Cám ơn tác giả Mộng Thường, trùng tên với người yêu của Hàn Mặc Tử.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến