Hôm nay,  

Một Yoga Picnic Đáng Nhớ

12/07/201600:00:00(Xem: 9423)

Tác giả: Sao Nam Trần Ngọc Bình
Bài số 4865-18-30565-vb3071216

Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Tháng 1-2015, ông có bài viết Trò Truyện về Yoga với Nữ Chủ Nhân cùa một Yoga Studio. Bài mới là chuyện Yoga Picnic của mùa hè 2016.

* * *

blank
Tác giả và Bà Allison.

Cuối tháng năm, Bà Allison, Chủ Nhân Yoga Ninety 90 Degrees Club ở Greenville, South Carolina email cho tôi, báo tin Thứ Bảy June 4, 2016 các học viên Lớp Huấn Luyện Viên Yoga sẽ picnic tại Paris Mountain Park, như là một lễ tốt nghiệp “mi-ni” để cả lớp chung vui, từ giã nhau sau khi mãn khóa.

Nhân dịp này Bà sẽ phát bằng tốt nghiệp cho các học viên.

Lớp Huấn Luyện Viên Yoga này sĩ số chỉ có 5 người, một con số quá nhỏ vì khi điền đơn xin học trong đơn đã có câu “Không bảo đảm có việc làm”nên sự quyết định là tùy vào đương đơn.

Chính vì “không bảo đảm có việc làm” nên những học viên học lớp này kể như phải mang “áo giáp chống đạn” mới dám học!

Bà Allison cho biết sẽ mang theo các thứ như napkin,nĩa, dao, nước uống còn về phần các học viên tùy ý mang theo món mà mình thích để cùng chung vui theo kiểu Potluck rất thông dụng ở Mỹ.

Cứ mỗi người 1 hay 2 món, tùy ý, sẽ “Góp gió thành bão,” mà “bão”đây là bữa tiệc chung vui, ai ai cũng góp phần nên không ai phải chịu gánh nặng một mình.

Lối Potluck này rất tiện lợi vì không ai nợ ai nên không ai phải lo “trả nợ miệng”như trong lối sống của người Việt ta.

Hơn nữa ở xứ Mỹ này mọi người luôn bận rộn thì dùng cách Potluck là tiện lợi nhất vì nếu cứ “nợ” nhau thì lại phải lo sắp xếp thì giờ giữa “con nợ” và “chủ nợ” sao cho thuận tiện cho cả hai phe thì nhiều khi chờ nhau không biết đến bao giờ. Đây là một việc không phải dễ dàng! Ngay cả ở Việt Nam thời trước 30/04/75 chứ đừng nói đến ở Mỹ!

Mừng hết lớn tôi trả lời cho Bà Allison và các bạn đồng khóa là tôi sẽ mang tới cánh gà chiên cùng bánh bò nướng do bà xã tôi tự làm.

Trong các bạn bè của tôi và các học viên của Yoga 90 Degrees Club, hai món này được chiếu cố tận tình mỗi khi Club có buổi nói chuyện về đề tài Yoga mà vợ chồng chúng tôi được mời tham dự hay mua vé vào cửa.

So sánh với cánh gà chiên của các tiệm Mỹ thì cách họ chế biến khác hẳn, cứ như tôi biết, họ tẩm bột mì rồi chiên không nêm gia vị gì cả nên khi chiên thì mùi thơm bay ra khác hẳn hay không ngửi thấy mùi thơm!

Cách chuẩn bị làm món cánh gà chiên của Việt Nam cũng thật công phu. Bà xã tôi phải đi mua cánh gà từ sáng hôm trước, để cho rã đông rồi tẩm gia vị, để qua đêm, lối 12 tiếng, sáng hôm sau mới chiên.

Khi chiên mùi thơm bay ra nức mũi, làm người nào ở gần cũng đều muốn “xáp lại”ăn ngay!

Các bạn đồng khóa và các học viên các khóa Yoga người Mỹ tại Club đều trầm trồ hít hà ngay khi cắn vào miếng cánh gà chiên đầu tiên, mặt mày người nào cũng rạng rỡ, thích thú gật gù thưởng thức mùi thơm và tiếng vỡ dòn tan của da gà!

Đến bánh bò Việt Nam mới là lạ đối với khẩu vị của những người bạn Mỹ!

Nếu hai chữ “bánh bò” tạm dịch ra tiếng Anh là “ brown-like ox skin cake” thì cái cake này của người Việt khi người Mỹ có dịp thưởng thức họ sẽ thấy cái cake này vừa mềm lại vừa dẻo khác hẳn cái cake của người Mỹ.

Một đằng thì làm bằng bột mì, trứng gà còn đằng kia thì làm bằng bột năng, bột gạo, trứng gà, nước dừa!

Cái cake của người Mỹ có nhiều loại khi cắn vào thì miếng bột khô khốc vỡ ra trong miệng nên rất khó nuốt!

Chả thế mà David, vị cựu Đại Úy người Mỹ bạn của tôi, khi mời tôi ăn loại cake này ông thường không quên kèm theo mấy miếng táo đã được xắt lát để cho dễ nuốt!

Người Mỹ có biết bao là loại bánh ngọt, cake, thế nhưng những bà cô người Mỹ này lại thích những miếng bánh bò làm theo kiểu Việt ta!

Họ ăn ngon lành thấy mà mê!

Thế mới vui, mới hãnh diện chứ!

May mắn là bà xã tôi lại rất thích làm bánh này, nên mỗi khi có dịp để “trình làng”Mỹ thì cái món khoái khẩu của người Việt ta lại xuất hiện trên bàn tiệc của Yoga 90 Degrees Club.

Mà quả thật món ăn ngon cũng là nét văn minh của một dân tộc.

Đến hẹn, tôi xăng xái đóng gói và mang món ăn chế biến theo cách của người Việt đi Paris Mountain Park để khoe với bạn bè Mỹ cùng khóa và các vị khách được mời!

Paris Mountain Park là một trong ba mươi chín Park của Thành Phố Greenville, South Carolina.

Số Park này chiếm một diện tích tổng cộng lối 400 acres.

Paris Mountain Park có rất nhiều nơi để người ta chơi thể thao và giải trí, nơi thì dành cho người thích chèo thuyền, có nơi lại để cho những học viên môn này đến tập dượt, nơi thì cho môn bơi lội và những người mới tập bơi.

Nhiều lối đi, những con đường mòn là chỗ dành cho khách jogging hoặc đi bộ để thư giãn và rèn luyện thân thể.

Còn muốn chơi bóng rổ, bóng chuyền thì đều có chỗ để thi đấu.

Có thể nói là chính quyền Thành Phố Greenville luôn luôn dành mọi phương tiện cho người dân để họ có thể chăm sóc sức khỏe của mình một cách lành mạnh hầu giảm thiểu số người thích chơi cần sa, ma túy, một tệ nạn của xã hội.

Tệ nạn này là do những người dân quá sung sướng, quá tự do nên vướng vào những thứ tai hại cho bản thân mà không hề nhận biết.

Nếu những người này có dịp qua các xứ nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới họ sẽ nhận ra rằng có được ngày 2 bữa cơm đã là ân sủng của Thượng Đế, của Trời, của Phật, của Chúa rồi. Không nên đòi hỏi gì hơn nữa!

Đất nước Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ này quả thực đã hình thành một chính phủ vì dân, thương dân, lo cho dân! Chính quyền của đất nước tự do như bà mẹ hiền dấu yêu luôn luôn lo lắng cho đàn con, tuy rằng trong đám con ấy vẫn có đứa hư hỏng, như bàn taylàm sao che hết được ánh sáng mặt trời.

Chưa hết, Paris Mountain Park còn có cả một khu Parking rộng rãi dành cho khách du lịch với chỗ đậu xe dành cho xe RV.

Nhiều khách từ Tiểu Bang Đầy Ánh Sáng Mặt Trời, Bang Florida, đã vì thích cảnh sơn thủy hữu tình của Tiểu Bang S.Carolina, nhất là của Paris Mountain Park, nên thường lái xe đến đây để nghỉ qua đêm!

Để thưởng thức cảnh tịch mịch của đêm trường nơi Miền Cao Nguyên hiền hòa!

Tuy vậy hàng năm vẫn có nhiều cư dân S.Carolina lại mò xuống tận Bang Florida để tắm biển và tắm nắng!

Thật đúng là “nhân tâm tùy mạng mỡ,” như các cụ ta thường nói giỡn!

Khi tôi đến nơi thì Bà Allison đã có mặt.Hôm nay trông Bà thật tươi tắn, hạnh phúc, chắc vì đã hoàn thành xong một khóa học trong số rất nhiều khóa Yoga của Bà.

Bà làm chủ 3 cơ sở.Ngoài Yoga Ninety Degrees Club thành lập năm 2006 ở Greenville,SC Bà còn sở hữu hai cái nữa một ở Ashville N.Carolina thành lập năm 2013 và một ở Anderson S.Carolina vào năm 2014.

Thường thì những người thành công trong trường đời là do thiên phú hay do sự cố gắng trau giồi những kỹ năng mà mình không có để thành công.

Bà Allison thuộc loại thiên phú.Bà có tài nói năng lưu loát, không nghỉ lối từ 1 đến 3 giờ.Bà chỉ cần một cái dàn bài!

Cái tài đó cộng với cái khả năng nhận xét bén nhậy người đối thoại khiến Bà đã thành công trong việc điều hành 3 Yoga Club ở cách xa nhau.

Bà biết rõ khách hàng quan tâm về sức khỏe của Bà thuộc loại người nào.Lớp học của Bà luôn luôn liên tục từ 6 giờ sáng và kéo dài cho tới chiều tối.

Bà có một đội ngũ huấn luyện viên đáng tin cậy ngay tại Yoga Ninety Degrees Club để thay thế Bà mỗi khi Bà đi đến 2 Club kia để huấn luyện!

Yoga Club của Bà còn có những buổi thuyết trình của các diễn giả do Bà mời, có hay không có nhạc Thiền đi kèm để thay đổi không khí làm cho học viên cảm thấy thú vị!

Những buổi thuyết trình này đều có bán vé học viên không bao giờ từ chối tham gia!

Thế mới là tài!

Trường dạy nghề duy trì được sĩ số đã là chuyện khó nói chi đến Yoga Club lại càng khó hơn vì học viên phải bỏ tiền túi ra trả học phí!.

Thế mà Bà Allison thành công trong việc duy trì 3 Club mà Club ở Greenville này đã được 10 năm.

Đây không phải là chuyện dễ làm!

Khi tôi mới định cư ở Greenville tôi có đến một Yoga Club mới mở và có hân hạnh nói chuyện với Ông chủ của cái Club này nhưng chỉ một năm sau thì đã thấy Ông ta cho treo bảng đóng cửa để trở về với cái Club của Ông ở Bang Arizona.


Tình trạng này giống như người Việt ta ở Cali có câu “Tưng bừng khai trương. Âm thầm đóng cửa! ”

Khi Bà Allison mở lớp đào tạo Huấn Luyện Viên Yoga Bà ngỏ ý nếu tôi thích học Bà sẽ chào mừng tôi vào học mà không phải trả tiền!

Tôi thật sự xúc động.

Một tấm chân tình,quả là tử tế và hiếm có đối với người “bạn Yoga” mới quen không bao lâu như tôi.Tôi cũng từng ao ước được có cơ hội để học thêm, tìm hiểu thêm về Yoga.

Cho nên “Được lời như cởi tấm lòng,”tôi nhận lời ngay.

Và quả thật khi vào học tôi mới thấy thật đáng công và tôi đã “sáng mắt ra.” Trước đây tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản là Yoga chỉ tập thở, cùng với các thế asana để rèn luyện cơ thể chống lại bịnh tật mà thôi.

Trong quá khứ, tôi đã nhờ tập Yoga theo quyển Phương Pháp Dưỡng Sinh của Bác Sĩ Nguyễn Văn Hưởng nên tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi phải vào nhà đá sau cái ngày chết tiệt 30 tháng 4 ấy.(Xin mời đọc “Tập Yoga Để Bảo Vệ Sức Khỏe” trên Vietbao online)

Tuy nhiên trong tác phẩm của mình Bác sĩ Hưởng cũng chỉ mới nói có một nửa cái hay, cái tốt,cái đẹp của Yoga còn phần kia, phần rèn luyện tinh thần,theo thiển ý, nếu đưa vào thì CS độc tài sẽ không cho sách của Ông được xuất bản vì CS chỉ muốn “nhồi xọ” người dân trong nước bằng chủ nghĩa CS mà thôi!

Do đó khi học khóa này tôi mới biết Yoga gồm hai phần.Đó là phần rèn luyện thể xác với các thế tập asana, luyện thở pranayama và phần rèn luyện tinh thần để cho thân tâm luôn luôn hòa hợp.

Phần rèn luyện tinh thần dạy ta không sát sinh,không tham lam, biết kiềm chế tình dục, trung thực, biết thế nào là tự đủ, không trộm cắp, khổ hạnh, từ bỏ cảm xúc để quay vào cái tâm của mình.

Chính là quay vào trong, vào cái tâm của mình mà ta có hạnh phúc.

Hạnh phúc không ở đâu xa. Mà ở ngay cái tâm tĩnh lặng của ta! Cả hai phần này phối hợp với nhau giúp ta có sức khỏe tốt như trong câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thế xác tráng kiện”mà người Việt ta thường hay nói.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó quên trong khi theo học lớp này.

Tôi tiếng là Phật tử nhưng tôi không rành nhiều về triết lý của Đạo Phật thế nhưng những cái thông thường theo thiển ý, tôi biết.

Một hôm trong lớp học Bà Allison bỗng hỏi tôi:

Làm thế nào để hết giận người khác?

Không dài dòng tôi chỉ vắn gọn:

Bà cứ nghĩ rằng, nếu Bà tin vào luân hồi thì trong kiếp trước Bà đã làm điều gì khiến người đó phật lòng thì kiếp này Bà phải trả quả thôi.Nhân quả luôn luôn theo nhau như hình với bóng.Nghĩ như thế thì Bà sẽ có được cái từ tâm mà sẵn lòng tha thứ lỗi lầm của người khác một cách dễ dàng.

Được như thế tâm hồn Bà sẽ luôn luôn thanh thản!

Đây mới là hạnh phúc đích thực của cuộc sống! Tôi cũng cho bà biết, theo tôi, có lẽ đây mới chính là điều mà vị Tổ Sư của Yoga muốn đệ tử của mình noi theo khi tập Yoga để có được sức khỏe toàn diện về Thể Xác cũng như Tinh Thần!

Bà Allison và các bạn tôi nhiệt tình tham gia vào buổi Picnic này.

Mọi người sắp thức ăn ra chiếc bàn picnic dài dưới một tàng cây xanh rậm rạp như mái nhà, bóng mát bao trùm cả một khoảng rộng. Đó đây còn nhiều bàn ghế và lò barbecue được đặt sẵn rải rác khắp nơi trong khu Park.

Một khay gồm nhiều thứ rau kiểu Mỹ to tướng ở giữa bàn với các màu xanh đỏ vàng tím. Nhìn các màu sắc hấp dẫn này ai ai cũng ứa nước miếng là cái chắc. Nơi đầu bàn, khay gà chiên tẩm bột nằm kề khay bánh bò nướng.Ngoài ra còn rất nhiều món bánh ngọt khác, cùng các loại trái cây tráng miệng.

Toàn bộ đều là thức ăn truyền thống của người Mỹ.

Thế nhưng với món bánh bò và cánh gà chiên, thì mọi người lại nhào vô để “chiến đấu” tận tình trước.

Một chị vừa cắn miếng cánh gà, nhai xong thì tròn mắt kêu lên:

Wow yummy! Tuyệt vời! Món này ngon hết biết! Chị ta vừa tiếp tục nhai vừa hỏi: -Làm cách nào mà món cánh gà này lại giòn và ngon đến thế? Anh phải cho tôi cái recipe mới được!

Tôi cười:

Là bà xã tôi làm đó, cũng không khó gì.Nếu chị muốn tôi sẽ hỏi bà ấy và gửi cho chị sau.

Bà Allison tiếp lời tôi bằng nụ cười tỏ sự đồng ý!

Mọi người vui vẻ nhiệt tình thưởng thức các món ăn.

Tôi cũng ăn thử mấy món Mỹ và khen ngợi vì thấy cũng ngon. Những người bị ở tù như tôi, bị đói, bị khát nên khi ra khỏi nhà tù, nói về cái ăn, chúng tôi đều dễ tính, nên thấy món ăn nào cũng ngon miễn là nó không phải là đất.

Nhưng trong lòng thì lại nghĩ không có món nào thiếu nước mắm mà lại hợp khẩu vị của “dân đầu đen”như tôi.

Lạ một điều, món có nước mắm của tôi lại được các bạn Mỹ chiếu cố tận tình!

Lúc tôi còn dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội, đối diện Tổng Y Viện Cộng Hòa, một anh bạn Mỹ có lẽ vì mến thức ăn Việt nên anh ta nói với tôi:

Các nhà hàng Mỹ đều xạo hết, họ nói không xài nước mắm của Việt Nam nhưng nếu không có thì làm sao cho món ăn của họ ngon được.

Nếu đúng như lời anh bạn Mỹ của tôi thì anh này mới là “bốn xạo” chứ không phải là ba xạo nữa.Vì quá thích đồ ăn Việt nên anh mới nói thế.

Trước tháng 4 /75 làm gì có nước mắm Việt bày bán trong siêu thị trên toàn nước Mỹ!

Ngay cả giá sống mà các chàng trai Việt có may mắn được du học Mỹ như các anh em Giảng Viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội tụi tôi còn phải “tự biên tự diễn” để cho ra những ngọn giá sống lùn tè ăn cho đỡ nghiền mà!

Cuối cùng khi còn lại mấy miếng bánh bò, một người bạn Mỹ đã hỏi tôi để chị đem về cho mấy đứa con vì hương vị lạ mà ngon.

Chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò râm rang. Buổi picnic thật đầm ấm chỉ diễn ra giữa Thày và Trò trong khung cảnh mát rượi của tàng cây xanh, xanh một màu nơi Miền Cao Nguyên!

Thân mật làm sao!

Trong cảnh núi rừng trùng trùng điệp điệp này bên cạnh những bạn đồng khóa tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến cảnh tù đầy năm xưa bụng đói chân run vì bị cái đói hành hạ triền miên ngày cũng như đêm nơi núi rừng Miền Việt Bắc!

Người mà tôi nhớ nhất là Bà Hai ta cứ gọi thế cho dễ gọi, nơi khi ho cò gáy Miền Bắc, đã cho tôi và anh Hùng những lóng mía của bụi mía mà Bà ấy trồng ngang hông căn nhà đơn sơ của Bà.

Khi chúng tôi từ giã Bà còn chạy theo để nhét vào bàn tay của tụi tôi những lóng mía mà Bà mới chặt thêm. (Xin mời đọc “Tình Người Nơi Miền Bắc” trên Vietbao online!)

Trước khi ra về tôi thu dọn rác bỏ vào một cái túi và cầm theo để kiếm thùng rác.

Bất ngờ Bà K., cùng lớp Huấn Luyện Viên Yoga với tôi, nhẹ nhàng cầm lấy túi rác từ tay tôi và nói:

Ông để tôi mang đi đổ cho!

Trước đây khi tiếp xúc với người Mỹ tôi cứ nghĩ rằng người Mỹ quá tôn trọng sự bình đẳng qua lối xưng hô khi dùng đại danh từ như “I” và “You” nên không phân biệt trẻ, già.

Nay tôi thấy mình thật là sai lầm khi Bà K.giành lấy túi rác từ tay tôi để mang đi đổ có lẽ vì Bà biết tôi hơn Bà ấy lối khoảng 30 tuổi!

Bà K.cũng đã hành động như câu “Kính lão đắc thọ” của các cụ Việt Nam ta đấy chứ!

Không những Bà K. mà cả anh T. cũng tự động xếp tôi vào loại “không còn trung niên”nữa khi anh mang khăn lạnh cho tôi lau mặt sau buổi tập rồi chờ tôi lau xong anh mới lấy lại và mang đi!

Còn Bà C. thì khi gập tôi bất kỳ ở đâu Bà cũng chào tôi một cách rất trịnh trọng!

Cũng nhờ Bà K., anh T., Bà C. tôi mới biết tôi đã được xếp loại vào hàng “cụ” nhưng trong khi học trong lớp thì tôi vẫn nghĩ là tôi “trẻ mãi không già!”

Các bạn cùng lớp người Mỹ của tôi ai ai cũng mến và trọng tôi!

Vì không khí trong lớp Huấn Luyện Viên lúc nào cũng vui như Tết nên tôi đã quên đi là tôi đã thuộc hàng được họ xếp vào loại được cư xử đặc biệt!

Nên tôi cứ vô tư mà trẻ mãi không già!

Như 4 bạn cùng lớp của tôi!

Khi tới lúc cuối ngày Bà Allison trao bằng Tốt Nghiệp cho từng Học Viên-Huấn Luyện Viên cùng với những lời khích lệ nhỏ nhẹ, ngắn gọn.

Riêng đối với tôi Bà nói:

Ông Bình, tôi luôn luôn mến trọng Ông.Hãy cố gắng tiến tới phía trước để thành công và đạt được những gì ông muốn!

Lời nói ấy của Bà trong buổi picnic, phù hợp với cách cư xử một cách trang trọng của Bà đối với tôi trong suốt thời gian tôi theo học!

Từ biệt Bà Allison, Chủ nhân Yoga Ninety Degrees Club và các bạn đồng khóa, tôi lái xe ra về mà thấy tâm hồn lâng lâng với thật nhiều kỷ niệm.

Khóa học Yoga, và buổi dã ngoại tốt nghiệp này quả là một kỷ niệm khó quên đối với tôi!

Sao Nam Trần Ngọc Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến