Hôm nay,  

New York, Mùa Hội Ngộ

13/06/201600:00:00(Xem: 12462)

Tác giả: Việt Thao Đào Đức Chương
Bài số 3840-17-30340-vb6061316

Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán, làm Giám Học trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, Bình Định. Là một cựu tù nhân cộng sản, định cư tại San Jose từ 8- 7- 1993, ông được tặng Giải Nhì về thơ Hội Tết Giáp Tuất (1994) tổ chức bởi Liên Hội Người Việt Quốc Gia Bắc California. Cũng từ đây, ông trở thành một tác giả quen biết của làng báo hải ngoại, có một số tác phẩm đã xuất bản. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.

* * *

blank
Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia ở Huế.

Thời Việt Nam Cộng Hòa có hai nơi đào tạo ngành Nữ Hộ Sinh Quốc Gia (Sage-femme dÉtat), một ở Sài Gòn và một ở Huế.

- Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Sài Gòn, thành lập năm 1947, là một dãy nhà dài, đúc bê tông, lầu ba tầng. Tầng 2 và 3 dùng làm nội trú cho sinh viên, mỗi tầng chia làm hai dãy, mỗi dãy có 1 phòng ngủ tập thể rộng, phòng tắm và phòng vệ sinh. Tầng trệt dùng làm văn phòng, phòng điều hành, phòng khách và cầu thang, phòng ăn và nhà bếp. Trường sở tuy nằm trong khuôn viên Bệnh Viện Từ Dũ số 284 đường Cống Quỳnh, nhưng biệt lập, có cổng ngõ và lối đi riêng thông ra đường Hồng Thập Tự.

- Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Huế ở số 1 đường Trưng Trắc, thành lập năm 1957, gần Bệnh viện Trung Ương Huế. Cơ sở gồm khu nội trú lầu 2 tầng, khu giảng đường là căn nhà trệt rộng, khu ăn uống, và có một nhà tiếp khách riêng biệt.

Hằng năm, hai trường thu nhận 90 sinh viên (60 cho Sài Gòn và 30 cho Huế) trong lúc thí sinh cả vài ngàn, nên phải qua một kỳ thi tuyển. Khóa trình ba năm, có cấp học bổng và quy chế nội trú. Ra trường, phục vụ ít nhất là 10 năm, nếu nghỉ việc trước thời hạn, phải bồi hoàn tiền ăn học.

Lúc nào trường cũng có ba khóa sinh viên cùng có mặt: năm thứ ba sắp ra trường, năm thứ hai đang giữa học trình, và năm thứ nhất mới nhập môn. Chính vì gần gũi nhau trong học tập và sinh hoạt, nên họ rất quen thân trong thời gian dài. Rồi khi ra trường, phân phối về các tỉnh, mỗi người một nơi, ít có dịp gặp nhau.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam bị bức tử. Phần lớn các cựu Nữ Hộ Sinh có chồng tham gia vào các ngành của chính quyền Quốc Gia, và trong các binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên sau Tháng Tư Đen, những “nàng tiên áo trắng” đã hóa thân “cái cò” lặn lội “gánh gạo nuôi chồng” trong các trại tù “cải tạo.” Nơi sơn lâm chướng khí, nước độc, lao động quá sức, lại thiếu ăn, bệnh tật rình rập, nhiều người đã bỏ mạng trong trại tù. Số còn lại, kéo lê kiếp sống cho đến ngày mãn tù trong thân thể tàn tạ, trở về với vợ con nơi vùng kinh tế mới hẻo lánh xa xôi.

blank
Ông Trần Đình Trường (áo trắng) và các cựu NHSQG Việt Nam.

Bài “Đường Lên K 18” của Kim Ba, một giáo chức biệt phái, gợi nhớ những năm tù “cải tạo” đằng đẵng, héo hắt tuổi thanh xuân:

...Xa xa kìa dốc Bà Bơi
Còng lưng mang nặng nghe lời đắng cay!
Phải chăng ta chuỗi lưu đày,
Dốc cao cao mãi chân tay rã rời
Có lẽ đây đường lên trời
Hay là sạn đạo một thời xa xưa…

(Theo Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Từ Điển: “Sạn đạo là đường làm bằng cây gỗ bắc lên nhau để đi ở trong núi hiểm trở.”)

Rồi không ai bảo ai, họ đều cùng chí hướng tìm đường tị nạn. Họ đến được bến bờ tự do bằng nhiều cách: vượt biên trên những con thuyển nhỏ bé mong manh, một số lại theo đường bộ qua Campuchia rồi băng rừng vào Thái Lan. Dù là thuyền nhân hay bộ nhân, đều phải chọn cái sống trong cái chết, và vô số người đã bỏ thây dọc đường. Về sau, có chương trình HO, như một phép lạ, cứu tinh những gia đình cựu tù “cải tạo” đang bị đối xử phân biệt ngay trên chính đất nước của họ.

Nhưng rồi, một trở ngại đối với các cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia khi định cư tại Mỹ, vì chương trình đào tạo Nữ Hộ Sinh Quốc Gia là hậu thân của Nữ Hộ Sinh Đông Dương từ thời Pháp thuộc. Ở Mỹ, không có chương trình này, nên cái mộng đi học lại để tiếp tục nghề cũ đã không thành. Họ ra đi với hai bàn tay trắng, hơn nữa con cái họ đã nhiều năm thất học vì cái lý lịch “cải tạo” của cha; vì vậy, thiết thực hơn hết là tìm việc làm ngay để nuôi sống gia đình, và lo cho đàn con kịp tiến thân trên con đường học vấn. Khi cuộc sống tạm ổn định, tình Thầy xưa Bạn cũ trổi dậy, thúc dục họ phăng tìm những cựu đồng nghiệp. Không gì quý bằng “tha hương ngộ cố tri,” mừng lắm! Lần hồi, có những cuộc họp mặt càng ngày càng đông ở cấp vùng, tổ chức tại New York, Houston, Nam Bắc Cali… và những bản tin hay đặc san cũng bắt đầu góp mặt trong nền Văn Học Việt Nam Hải Ngoại.

blank
Vợ chồng tôi rời tàu Rockport Boat Line, trên sông St Lawrence, trở lại New York, Hoa Kỳ.

Rồi nhiều đề nghị, cần có một Đại Hội Cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Việt Nam Hải Ngoại toàn thế giới. New York là địa điểm trung tâm nhất, để tất cả cựu đồng nghiệp định cư rải rác các nước ở châu Âu, Á, Mỹ, Úc có dịp gặp nhau. Và thể theo yêu cầu của nhiều người, chị Đỗ Minh Tham, NHSQG khóa 7 ở Huế, cựu Nữ Hộ Sinh Trưởng tỉnh Khánh Hòa, kiêm cựu Trưởng Phòng Hộ Sinh Bệnh Viện Toàn Khoa Nha Trang, đứng ra đảm nhận việc tổ chức. Để kéo dài cuộc hàn huyên, Đại Hội được kết hợp với du lịch, từ ngày 31 tháng 8 đến 10 tháng 9 năm 2006. Thầy xưa, Bạn cũ được dịp gặp gỡ, trò chuyện, vui sống bên nhau trong mười ngày. Lịch trình sinh hoạt như sau:

1/ Các nơi về họp mặt:

Trong hai ngày 31 tháng 8 và 1 tháng 9 năm 2006, các phái đoàn cựu NHSQG Việt Nam trên toàn thế giới về tại khách sạn Carter ở 250 West 43rd Street, New York, NY 10036. Ngày đầu đã có 100 người đến, chiều hôm ấy Ban Tổ Chức đưa đi ăn cơm gà Mã Lai. Ngày hôm sau, khoảng 100 người nữa đến tiếp. Phái đoàn ở San Jose, chúng tôi có 5 cựu NHSQG và 4 thân nhân, khởi hành ngày 1- 9 và về ngày 9- 9- 2006.

Nhờ tài ngoại giao khéo léo của chị Minh Tham, Trưởng Ban Tổ Chức, chủ nhân khách sạn là ông bà Trần Đình Trường sẵn sàng cung cấp phòng ở miễn phí suốt thời gian Đại Hội và du lịch. Mỗi cựu NHSQG, nếu có thân nhân đi theo, được lãnh phòng riêng; nếu độc thân thì ghép hai người ở chung một phòng. Rồi những lời chân tình thăm hỏi, những tâm sự buồn vui trong cuộc đời tỵ nạn, những chuyến vượt biên hãi hùng, những cơ cực trong lao tù, những khó khăn ở vùng kinh tế mới, và những ai còn ai mất trong cuộc biển dâu… bấy lâu chứa chất trong lòng, thì giờ đây, Mùa Hội Ngộ, đều được san sẻ nhau, cho vơi bớt nỗi lòng trống vắng của kẻ ly hương.

Khách sạn Carter có 700 phòng, nằm trong khu vực đặc biệt, gọi là Times Square. Nơi đây được chọn làm lễ đón giao thừa hằng năm, và cũng là khu ăn chơi của thành phố New York. Đường 42 West Side có nhiều mục hấp dẫn cho khách du lịch, đèn điện rực rỡ, người qua kẻ lại tấp nập suốt đêm không ngủ.

2/ Thăm Trụ sở Liên Hiệp Quốc:

Sáng thứ bảy ngày 2- 9- 2006, phái đoàn cựu NHSQG Việt Nam và thân nhân đi bộ từ khách sạn Carter ở đường 43, qua 42 và theo đường này đi về hướng Đông. Lần lượt qua ga xe lửa lớn thứ 2 của New York City, gặp khách sạn Hyatt toàn bằng kính; thấy trụ sở hãng Pfizer là viện bào chế được thành lập 1849, đứng hàng đầu trên thế giới từ 1928 khi kỷ nguyên penicillin ra đời, và nay nổi tiếng với nhiều loại thuốc đặc trị như Lipitor, Viagra, Lyrica… Rồi đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc (United Nation). Tòa nhà cao tầng kiến trúc hình hộp, tọa lạc trên một khu đất rộng nhìn ra East River, thuộc khu phố Turtle Bay của quận hạt Manhattan. Đây là trụ sở chính thức của Liên Hiệp Quốc, được hoàn thành năm 1952, có khuôn viên với giới cận: Đông giáp East River, hướng Tây là Đại lộ 1, Nam giáp đường 42, Bắc cận đường 48.

Du khách muốn vào thăm phải mua vé, qua trạm kiểm soát có máy dò tìm vũ khí và chất nổ. Khách viếng, ghép thành từng toán 20 người, phát huy hiệu gắn lên ngực để tránh sự trà trộn, và giao cho một hướng dẫn viên phụ trách hướng dẫn thăm những phòng họp của Hội Đồng, xem những triển lãm, trưng bày trong tòa nhà này. Đi giáp một vòng, toán chúng tôi nộp lại tấm huy hiệu cho người hướng dẫn, vào nhà hàng ở tầng hầm (basement) ăn trưa, rồi ra về.

3/ Đêm Đại Hội:

Năm giờ chiều cùng ngày, 4 xe bus đỗ trước khách sạn Carter đón chúng tôi đến địa điểm Đại Hội, tổ chức tại nhà hàng Chinatown Sunrise, ở số 27 Division Street, New York, NY 10002.

Điều khiển chương trình Đại Hội do hai MC: Nhạc sĩ kiêm nhà báo Phan Đình Minh đến từ Dallas (Texas), và cô Mai Linh, Hoa Hậu Á Châu Quốc tế 1992, đến từ Massachusetts.

Các phái đoàn cựu NHSQG cả hai trường Sài Gòn và Huế về tham dự, tuy không đầy đủ, nhưng nơi nào cũng có người đại diện:

- Ngoài Hoa Kỳ, đến từ Châu Âu, ở các nước Pháp, Ý, Hòa Lan; đến từ Canada ở Montréal, Toronto, Ottawa và Vancouver.

- Trong Hoa Kỳ, đến từ Washington DC và các tiểu bang Miền Đông Bắc như: Indiana (IN), Maryland (MD), Virginia (VA), Connecticut (CT). Đến từ các tiểu bang Miền Nam và Đông Nam Hoa Kỳ: Florida (FL), Louisana (LA), và Texas (TX) ở các thành phố Dallas, Austin, Houston. Đến từ các tiểu bang Miền Tây Hoa Kỳ như: Washington (WA) ở thành phố Seattle; Oregon (OR); Bắc California (CA) ở các thành phố Sacramento, San Francisco, San Jose; và Nam California ở các thành phố San Diego, Westminster, Garden Grove, Santa Ana, San Gabriel, Los Angeles.... Cuối cùng là phái đoàn đến từ các tiểu bang Miền Bắc Hoa Kỳ như: Montana (MT) và Michigan (MI).

Phần văn nghệ và dạ vũ do ban nhạc One Man Band ở New York đảm trách, với sự tham gia của hai MC, và các ca sĩ địa phương giúp vui. Ngoài ra, còn có các nghệ sĩ phương xa như: Huỳnh Nuôi và Nhật Tân đến từ New Jersey, Kiều Nga đến từ Virginia, Thái Hòa đến từ Washington DC, Phương Hồng Loan (ái nữ của nhạc sĩ Văn Phụng) đến từ Ottawa (Canada), Trịnh Viết Thái và Dương Thái Lai đến từ Florida, và nhiều cựu NHSQG sở trường về văn nghệ.

Dạ hội khai mạc lúc 7 giờ 30, có hơn 250 người tham dự (gồm quan khách, thân hữu và gia đình cựu NHSQG), với 25 bàn tiệc, đến 12 giờ khuya mới mãn, và 4 xe bus chờ sẵn chở người về khách sạn.

4/ Thăm viếng di tích lịch sử:

Chủ nhật ngày 3- 9- 2006 là một ngày du lịch đầy thú vị, dành hết thì giờ viếng cảnh ba nơi mang ý nghĩa lịch sử.

Tám giờ sáng, 4 xe bus đến khách sạn Carter chở chúng tôi đến Battery Park để mua vé đi ra Liberty Island xem tượng Nữ Thần Tự Do. Người Mỹ quen gọi Statue of Liberty, nhưng tên chính thức là Statute of Liberty Enlightening the World. Đảo Liberty rộng 12 mẫu, nằm trên sông Hudson, và tượng Nữ Thần Tự Do là quà tặng của nhân dân Pháp cho nước Mỹ, khánh thành ngày 28- 10- 1886.

Đến xế, chúng tôi rời đảo có Tượng Nữ Thần, dùng tàu Circle Line đến Ellis Island, cũng ở trên sông Hudson. Nơi đây, trước kia tất cả những di dân khi vào định cư đất Mỹ, đều phải vào đảo này để làm thủ tục nhập cư. Tại nhà trưng bày, còn lưu giữ những vật dụng, những chiếc rương và giỏ xách của người di cư từ bao đời xa xưa.

Rời đảo Ellis, trở lại Battery Park, chúng tôi vội lên 4 chiếc xe bus chờ sẵn để kịp thì giờ viếng Ground Zero, tòa nhà Tháp Đôi bị phá hủy trong vụ khủng bố 9/11 năm 2001. Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (Word Trade Center) là hai tòa cao ốc 417 mét và 415 mét, mỗi nhà có 110 tầng, khánh thành năm 1972, trị giá 1 tỷ Mỹ kim, cao vút trên nền trời New York. Nơi đây, một thời phồn thịnh nhất thế giới, phút chốc đã thành bình địa! Đứng trước cảnh tàn phá, nhìn hàng chữ “Here Remembering 9/11,” mọi người bùi ngùi xúc động, nghĩ đến 2996 người đã chết và mất tích trong bốn vụ thảm sát này.

Trời đã về chiều nhưng chưa tắt nắng. Chúng tôi đi bộ về hướng phố Tàu, dùng cơm chiều, đáp tàu điện ngầm đến đường 42, rồi lững thững về lại khách sạn mà lòng còn vương vấn…

5/ Du lịch trên sông:

Sáng thứ hai ngày 4- 9- 2006, chúng tôi đi bộ dọc theo đường 43 về phía Tây, ngược chiều với hướng đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc, để đến bến cảng. Rồi đáp tàu Circle Line, du hành trên sông Hudson trong ba tiếng đồng hồ, xem những tòa nhà chọc trời ở hai bên bờ, và ngắm cảnh đảo Manhattan (Mã Nhật Tân). Những công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, vươn mình trong nắng đầu thu, kết hợp cảnh sắc thiên nhiên lồng lộng trời cao, dải mây điểm nhạt, hàng cây soi bóng, sóng nước dặt dìu, tạo nên bức tranh hài hòa kỳ diệu, thu hút lòng người ngoạn cảnh.

Tâm hồn còn mãi say sưa với cảnh đất trời Mã Nhật Tân thì đã đến giờ đi Broadway show, xem vở kịch Mamma Mia tại nhà hát nằm trên góc đường Broadway và 50th, mà chị Minh Tham đã đặt mua vé trước.

6/ Một ngày dạo phố New York:

Thứ ba ngày 5- 9- 2006 là ngày cuối cùng còn đông đủ chị em cựu NHSQG, theo lịch trình chúng tôi dạo phố Tàu New York. Lúc 9 giờ sáng, đoàn người rời khách sạn. Việc di chuyển bằng xe điện ngầm cho một tập thể 200 người là điều khó khăn. Chị Minh Tham phải bỏ ra 4 ngày để mua vé (Metro card) trước. Việc cà thẻ để qua cổng vào ga đồng loạt, nhiều người còn lúng túng, Ban Tổ Chức phải đứng ra làm giúp, mới có thể kịp giờ cho toàn bộ đoàn người lên xe số 2 đi đến khu South Street See Port.

Nơi đây, có bến tàu thủy chở khách sang State Island, có nhà hàng Ý rất lớn, và nhiều quán ăn để khách dùng bữa trong trong ngày du lịch; còn có chợ bán đủ mặt hàng, như chợ Việt Nam, tìm mua bất cứ thứ gì cũng có.

Rời bến tàu, chúng tôi viếng thăm đường Fifth Avenue, và đến Building Rockefeller Center sang trọng, nổi tiếng bởi những tòa nhà đồ sộ cao vút trời xanh, có tượng người to lớn mạ vàng, đặt trong công viên. Vườn này là nơi giải trí cho công chúng, mùa hè dựng quán giải khát, mùa đông làm sân trượt tuyết.

7/ Hành trình du lịch đường dài:

Sáng ngày ngày 6- 9- 2006, tất cả cựu NHSQG từ xa đến dự Đại Hội, đều có mặt tại tiền sảnh của khách sạn, chỉ có vài người vì bận việc riêng, phải chia tay bạn bè, đón xe taxi lên phi trường trở về nhà. Còn phần lớn ở lại đến phút chót để tham gia du lịch đường xa, chia làm hai hướng: một lên mạn Bắc, một xuôi về Nam.

- Du lịch Niagara Fall và Canada, thời gian 3 ngày 2 đêm, có 100 người nhập cuộc. Họ lên hai xe bus của hãng du lịch LL Tours, chờ sẵn trước khách sạn. Một xe, do cựu Không quân Phan Đình Minh phụ trách, ông Jack (người Mỹ gốc Hoa) làm hướng dẫn viên, và ông Peter tài xế. Xe kia, cô Minh Tham điều hành, có ông Benjamin (người Tàu) hướng dẫn, và ông Louise tài xế.

- Du lịch Washington, thời gian 2 ngày 1 đêm, chỉ có 20 người tham gia, không đủ cho một chuyến xe, nên phải đến địa điểm 89 Bowery Street ở khu phố Tàu để nhập chung với đoàn du lịch khác, cũng do hãng LL Tours chuyên chở.

Trên đường lên hướng Bắc, xe dừng lại ở Corning Glass Center Museum, vào thăm tòa nhà trưng bày những vật dụng cổ làm bằng sành sứ và thủy tinh. Được xem tận mắt các lò than đá đun nóng chảy thủy tinh, những công nhân biểu diễn cách làm chai lọ truyền thống, trải qua các giai đoạn thủ công ngày xưa.

Đoàn người lên xe, tiếp tục cuộc hành trình, đến khách sạn Ramada lúc xẩm tối. Chúng tôi lên phòng cất hành lý, rồi đi bộ ra bờ sông xem Niagara Fall, một kỳ quan của thế giới.

Thác Niagara nằm trên đường biên giới hai nước, Canada và Mỹ. Phần thác bên Mỹ, thuộc thành phố Niagara, tiểu bang New York. Phần thác bên Canada, thuộc thành phố Niagara, tỉnh bang Ontario. Thác Niagara thông giữa hồ Erie và hồ Ontario, mà hồ Erie cao hơn hồ Ontario đến 1 mét 2, nên nước không bao giờ ngừng chảy và dòng thác rất mạnh, tiếng động rền nhưng ngày 29- 3- 1848 đang đêm cả vùng Niagara bỗng im bặt, làm mọi người thức giấc. Thì ra, có một tảng băng khổng lồ cản nước bít kín, làm thác ngưng hoạt động trong nhiều giờ.

Đứng trên phần đất Hoa Kỳ, xem cảnh Niagara Fall, tiếng gầm rú long trời lở đất của muôn vàn khối nước từ trên cao trút xuống trong ánh đèn màu quyện vào sương khói lung linh, hòa lẫn tiếng nổ bập bùng của những chùm pháo bông thi nhau lóe sáng trên nền trời đen nghịt, tạo cho cảnh thác về đêm càng thêm hãi hùng, chen lẫn cái hùng vĩ và huyền ảo.

8/ Vào thăm đất Canada:

Sáng sớm ngày 7- 9- 2006, xe chờ sẵn chở đoàn du lịch vượt biên giới sang Canada để quan sát chính diện thác Niagara. Trước hết, mua vé thưởng thức màn Skylon Tower, có thang máy đưa lên tháp cao hình nấm. Nơi đây, thấy được toàn diện cảnh thác, là một bức tường nước thẳng đứng màu trắng, dựng cao, trải dài nối kín hai bờ xa tắp. Khói nước xóa mờ chân thác, là là trải rộng mặt sông, làm tăng thêm nét hùng vĩ lạ thường.

Kế đến, chúng tôi tham dự chuyến Maid of The Mist, đi tàu dọc theo chân thác luồn qua khói sóng. Du khách được phát áo tơi nylon màu xanh, phủ kín từ đầu đến chân. Thuyền có hai tầng, tầng dưới ít bị sóng nhồi và đỡ bị nước xối, tầng trên lãnh đủ sự gian khổ nhưng đầy thú vị. Thuyền từ từ tiến về chân thác, nước gầm thét càng lớn, sóng càng dữ, sàn tàu lắc lư càng mạnh, rồi màn bụi nước, rồi nước bắn tung tóe mỗi lúc một nhiều, như trận mưa rào khủng khiếp, mờ mịt cả đất trời... Thuyền đỗ bến, mọi người lảo đảo lên bờ, lân lân vào hồn một cảm giác mạnh về cái thác nổi tiếng nhất trên địa cầu.

Với Niagara Fall, còn xem một pha nữa là Imax Movie, chiếu trên màn ảnh nổi về cảnh thác qua các mùa thời tiết, và những cuộc mạo hiểm lịch sử của con người với thác này.

Chào tạm biệt Niagara Fall, xe chạy vòng lên hướng Bắc chừng 1 giờ 30 phút thì đến thành phố Toronto. Ban Tổ Chức đã đặt trước hai bữa tiệc, trưa và tối, với nhiều món ăn ngon miệng, tại nhà hàng Forestview Chinese Restaureant, ở địa chỉ số 466- 468, Dundas Street W., Toronto, Ontario.

Suốt cả buổi chiều, chúng tôi dạo khu phố Tàu. Quán xá ở đây, giống như Chợ Lớn của Việt Nam. Hai bên đường, nào dãy hàng trái cây, nào dãy chuyên bán đủ loại hải sản sấy khô; những gian phố này, bày hàng bán lan ra vệ đường. Ở Mỹ, chúng tôi chưa hề thấy việc buôn bán lấn ra lề đường như vậy. Một điểm đặc biệt nữa, Canada có bán đủ các loại trái cây của miền nhiệt đới, không ướp lạnh, cuống lá còn tươi như mới vừa hái xuống, mùa nào quả nấy, nào sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nhãn lồng, mãn cầu ta, mãn cầu xiêm, vú sữa, hồng xiêm, xoài tượng, mít, dừa, thanh long, chuối sứ, mận, khế... và có thể còn nhiều loại trái khác chưa thấy hết được.

Chiều hôm ấy, trong đoàn du lịch có 23 người tham gia tour CN Tower, được xe chở đến địa điểm, rồi thang máy đưa lên tháp cao, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Toronto.

Sau khi dùng cơm tối, xe chở đi về hướng phi cảng của thành phố (Toronto Airport), đến khách sạn Belaire Hotel ở địa chỉ 240 Belfield Road, Toronto, Ontario M9W 1H3, Canada. Mọi người vào phòng, ngủ sớm, ngày mai phải dậy lúc 4 giờ sáng cho kịp đi thăm thắng cảnh cuối cùng trong chương trình du lịch, cách thành phố này 3 giờ rưỡi lái xe.

9/ Trên đường trở lại New York:

Sáng ngày 8- 9- 2006, chúng tôi rời khách sạn lúc trời vừa rựng sáng. Xe chạy về hướng Đông, men theo hồ Ontario để đến Rockport, vào thăm khu Thousand Islands, trên sông St Lawrence; con sông dẫn nước từ hồ Ontario xuyên Montréal, qua Québec rồi đổ ra biển Đại Tây Dương. Thousand Islands là một quần thể gồm hơn 1800 hòn đảo lớn nhỏ, và chừng 3000 chỗ nông (shoals), trải dài 80 cây số (tức 50 dặm). Khu quần đảo này nằm về phía Đông hồ Ontario, ở phía Bắc tiểu bang New York (Hoa Kỳ), và phía Nam tỉnh bang Ontario (Canada).

Đi tàu Rockport Boat Line trong hai giờ, trên đoạn sông chia ranh giới hai nước, bờ Bắc của Canada, bờ Nam thuộc Mỹ. Mặt sông rộng, nước trong xanh, sóng gợn lăn tăn, đó đây nhô lên vô số đảo. Lớn nhất là đảo Volfe, thuộc tỉnh bang Ontario của Canada, rộng 124 km² (48 dặm vuông), có đảo lại quá bé chỉ bằng cái thúng. Phần lớn các đảo ở đây nhỏ gọn, vừa đủ xinh xắn, đầy thơ mộng, tưởng chừng như những hòn non bộ trong bể cạn. Các nhà tỷ phú mua những đảo này, cất biệt thự sang trọng, xây lâu đài tráng lệ, đủ kiểu đủ dáng; hàng năm vào mùa hè, họ đem gia đình ra đây nghỉ mát. Từ năm 1938, cầu Thousand Islands năm nhịp bắc qua đảo và sông, nối hai miền đất Ontario và New York, tạo cho lượng du khách qua lại miền này trong mùa hè càng thêm tấp nập.

Trước khi qua biên giới, xe dừng lại Durty Free, mọi người vào mua vài món quà lưu niệm cho chuyến du lịch. Nơi đây, ngoài những mặt hàng đặc trưng của Canada, còn bán đủ loại, từ áo quần, nữ trang, đồ gia dụng, bánh kẹo, máy móc,... giá lại rẻ và không thuế.

Rời Canada trở về Mỹ, qua trạm gác trình giấy hộ chiếu. Tất cả trái cây ở Canada và hạt giống, phải vứt bỏ, tuyệt đối không được mang vào đất Mỹ.

Bảy giờ tối, xe về đến trung tâm thành phố New York, chỉ còn vài phút nữa là đến khách sạn Carter. Chúng tôi, cả hai xe, đồng ca bài chia tay trong bùi ngùi, lưu luyến:

“Vui một đêm nay, rồi mai lên đường, Vui buồn ai hay, Sầu thương không lường, Mai về quê hương, Trăng ngà yêu thương. Lòng còn vấn vương, Lòng còn nhớ thương...”

Mặc dù trải qua ba ngày du lịch đường dài, mệt mỏi, nhưng một số người còn muốn níu kéo thời gian cuối cùng của cuộc họp mặt. Họ về phòng cất hành lý, rồi lên xe bus của ông Jack, tham gia chuyến New York By Night. Phái đoàn có 50 người, anh Phan Đình Minh và chị Minh Tham hướng dẫn, thay nhau giới thiệu từng khu phố. Suốt hai tiếng rưỡi, xe chạy khắp các đường chính của New York, mọi người chiêm ngưỡng một lần nữa, sự sống về đêm của một thành phố nổi tiếng trên đất Mỹ.

10/ Giã từ Đại Hội:

Sáng sớm ngày 9- 9- 2006, chúng tôi trả chìa khóa phòng, chào tạm biệt bạn bè, thuê xe taxi lên phi trường cho kịp chuyến bay về San Jose.

Phần lớn các cựu NHSQG ra về trong hôm nay, chỉ còn 20 người ở lại đợi chuyến bay ngày mai. Riêng Minh Tham, Trưởng Ban Tổ Chức, phải ở lại khách sạn Carter với 2 người bạn từ Pháp sang dự Đại Hội, còn lưu luyến New York đến ngày 24- 9- 2006 mới về.

Dư âm ngày Đại Hội và chuyến du lịch còn vang vọng trong nhiều tháng, qua các cuộc điện đàm, qua nhiều bức thư, qua nhiều bài thơ gửi đến Ban Tổ Chức khen tặng, cảm ơn.

Thời gian không dừng lại, sự tàn tạ tăng dần với tuổi tác tháng năm, nhưng hình ảnh Thầy Xưa, Bạn Cũ trong DVD Mùa Đại Hội còn mãi. Và những ngày họp mặt, đã đi vào ký ức bằng những kỷ niệm thân thương của người cựu NHSQG Việt Nam ở Hải ngoại.

Đào Đức Chương

Ý kiến bạn đọc
11/11/202105:46:29
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">can ubuy cialis on streets</a> cialis 20mg
10/07/202123:08:42
Khách
chloroquine vs chloroquine phosphate https://chloroquineorigin.com/# how long has hydroxychloroquine been used
21/02/202120:31:07
Khách
erectile curvature <a href=https://plaquenilx.com/#>plaquenil medicine</a> order erectile dysfunction pills from india
19/02/202116:12:21
Khách
arthritis medication hydroxychloroquine <a href=https://hydroxychloroquinex.com/#>hydroxychloroquin</a> lupus usmle
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,328,968
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.