Hôm nay,  

Mối Tình Bông Bưởi

10/06/201601:03:00(Xem: 12326)

Tác Giả: Nguyễn Kim Dục
Bài số: 3842-17-30341-vb6061016

Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Chuyện xảy ra hồi tôi còn ở tù ngoài Yên Bái, lúc đó quân đội còn quản lý, chúng tôi do đoàn 776 trách nhiệm. Trại tôi khoảng ba trăm người, cấp bậc đại úy ở gần đường cái khoảng 3 cây số, còn trại cấp bậc thiếu tá thì ở sâu hơn nữa, còn cấp bậc trung tá ở xa thêm trong rừng. Trong ba trăm người đó họ chia ra từng đội mỗi đội 30 người, rồi từ đó họ phát dụng cụ lên rừng chặt cây về làm cột và chặt nứa về làm mái nhà dựng lều láng mà ở. Tức là khi chúng tôi ra chỉ là bãi đất trống không có nhà cửa trang trại gì cả, tự tay tù xây dựng lên, nhiều người mất tinh thần, ban đêm lấy thuốc ở nhà mang đi tự tử chết, thế là hôm sau họ kiểm tra đồ cá nhân của mọi người, họ thu hết thuốc men mà tù đem theo, hậu quả là sau này nhiều anh bệnh chết vì không có thuốc. Sống ở nơi rừng thiêng nước độc anh em bị sốt rét nhiều mà trại chỉ có độc một món thuốc Xuyên tâm liên bệnh gì cũng phát cho uống, thôi thì phước chủ may thầy.

Thời gian sau các láng trại cũng dựng xong và làm thêm hội trường để lên đó học tập, nào là chính sách khoan hồng của nhà nước, Đế Quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế, ngụy quân ngụy quyền là tay sai của Đế Quốc Mỹ, các anh đã cầm súng chống lại cách mạng, tội các anh trời không dung đất không tha, chỉ đem ra bắn mới hết tội, nhưng nhà nước ta đã tha mạng sống cho các anh và tạo điều kiện cho các anh học tập tốt, lao động tốt để sớm về sum họp với gia đình.

Sau đó họ phân công tôi đào giếng lấy nước uống, đội đào ao thả cá, đội làm rẫy để trồng khoai trồng sắn, đội mộc lên rừng chặt cây to về xẻ ra làm bàn ghế. Riêng tôi ở trong đội chăn nuôi được bố trí đi chăn trâu, vì què chân chỉ đi chăn một con thôi, còn những anh kia thì hai con, ba con. Đi chăn trâu thuộc thành phần tự giác muốn đi đâu thì đi, không có vệ binh vác súng AK đi kèm theo đội. Tốp chăn trâu tôi thân với anh Quang, đại úy không quân, cao ráo đẹp trai. Đại úy chúng tôi gọi là bò tam, bò nhất là thiếu úy, bò lục là đại tá, phải gọi như vậy để tránh học không cho chúng tôi dùng cấp bậc cũ. Dùng bò nói lên cám cảnh của chúng tôi hiện tại, thân phận như trâu bò, còn bò nhí là các anh hạ sĩ quan an ninh tình báo, cảnh sát đặc biệt cũng bị đưa lên miền thượng du Bắc Việt.

Toán chăn trâu không phải lệ thuộc vào giờ giấc, sáng dắt trâu ra khi trời sập tối thì dắt trâu về chuồng,hằng ngày cho nó ăn no tắm rửa đàng hoàng rồi mới cho về, no đói thì làm sao phân biệt được thành ra hàng ngày dắt trâu ra rừng, cột trâu lại lo cho thân mình trước đã, đi tìm đồ cải thiện, từ này họ cũng đặt chỉ được cải thiện linh tinh, nghĩa là đi tìm rau má rau tàu bay, rửa sạch ăn sống, ăn vào cho no bụng. Bọn chăn trâu chúng tôi đâu thèm để ý đến các món đó, phải "cải thiện" những món cao cấp hơn bằng cách đi câu cá hay đột kích vào các rẫy sắn và ngô của trại để thu hoạch, không dám vào rẫy của người Thượng sợ bỏ mạng nơi sa trường. Hồi trước khi đi tù tôi đã tiên liệu. Pháp có câu "Comander c'est prevoir" (Chỉ huy phải biết tiên liệu) nên tôi đã sắm một mớ dây cước và lưỡi câu cho vào hành trang đi tù, thế là bây giờ có dịp thi thố. Tôi có cái mã đi câu sát cá lắm.

Rừng ở đây có những con suối chảy dài vô tận, suối cạn không có sâu trông thấy đáy, nhìn chả thấy con cá nào nhưng dọc theo bờ suối có những cái hang tôi biết trong đó sẽ có cá lóc, tôi đi kiếm mấy con nhái móc vào lưỡi câu nhắp nhắp trên miệng hang mấy cái, cu cậu ở trong miệng hang phóng ra bụp một cái, tôi giật lên, tay rung rung muốn ghị lại giật mạnh lên con cá lóc bằng bắp tay vung lên cao vút trên trời, cảm giác ngập tràn sung sướng, chả trách hồi ông Thiệu còn làm tổng thống, quan nhất nước nhà ta thường ra Côn Đảo câu cá, tôi có thằng bạn cùng khóa tên Mai-Năng-Căn không biết làm chánh đảo hay phó đảo, mỗi lần tổng thống ra phải chuẩn bị đồ nghề cho ngài đi câu, thằng bạn tôi cho biết mấy ông cố vấn tối om đi theo tổng thống bảo kiếm một con cá lớn móc vào cần câu để dưới nước để lát nữa tổng thống giật lên chụp hình khoe thành tích, không ngờ cả bọn bị dũa te tua: Dẹp đi đừng làm trò khỉ, đi câu là tìm cảm giác mạnh khi cá cắn câu, chứ móc sẵn cá vào giật lên còn hứng thú gì nữa. Thật vậy khi giật lên cá đã mắc câu người tê tê cả toàn thân không sao tả xiết.

Khi câu đủ số lượng rồi, chúng tôi đã chuẩn bị bao diêm và muối, thế là đốt lửa lên sau khi rửa sạch xát muối, cắm cá trên cái cây rồi nướng trui vàng um ăn béo ngậy, phải ăn cho hết nếu đem vào trại sợ bể ổ. Đi tù mà có bữa ăn như vậy kể như hoàng gia rồi chả bù các anh em đi theo đội lao động có aka đi kèm thì làm sao cải thiện được nên đói rã họng đói vàng da!

Trên đường chúng tôi dắt trâu đi ngang qua có cái nhà sàn của người Thượng, cũng không biết họ là người Tày, người Mường hay người Thái Trắng, tôi nghĩ là Thái Trắng vì có cô gái khoảng trên hai mươi hằng ngày cứ ra đứng Cô Thái da trắng xinh đẹp ngày nào cũng thấy đứng đó như để chờ chúng tôi đi ngang qua. Mà mắt cô thì luôn luôn hướng về anh bạn tôi một cách say đắm. Anh bạn gà tồ chẳng để ý gì cả, nhưng với con mắt cú vọ méo mó nghề nghiệp của tôi, tôi biết là nàng đã cảm anh chàng này rồi, vì chàng hàng ngày nhờ kiếm, ăn được nên người không còn thân tàn ma dại nữa.

Trong đầu tôi làm việc căng thẳng phải bày binh bố trận sao cho hợp lý hợp tình để đối phương vào tròng mà không nghĩ là bị sắp đặt.

- Ê Quang ngày mai mày dắt trâu đi lối khác đừng qua lối này nhá.

- Chi vậy!

- Thi hành trước khiếu nại sau

Hắn đứng nghiêm chào tay nói " Tuân lệnh."

Tôi quay đi không dám cười vì điệu bộ của hắn.

Ngày mai tôi dắt trâu đi qua nhà nàng, mặt nàng ngơ ngác cố tìm xem hắn có đi sau không nhưng thất vọng mặt buồn xo trông thấy rõ, tôi cứ bơ đi như không có chuyện gì.

Chiều trở về trại gặp hắn tôi nói: Chắc như bắp.

- Gì nữa?

- Ngày mai mày cũng đi lối ấy cho tao.

- Lại giở trò gì nữa với tao vậy?

- Yên chí lớn ngày mai có ăn.

Mặt hắn sáng lên:

- Thật không?

- Bảo đảm 32 phần dầu.

Ngày hôm sau đi qua nhà nàng tôi với khuôn mặt nhu đưa đám làm nàng thất kinh hồn vía thật, bạo dạn bước ra hỏi tôi với cái giọng lơ lớ của người dân tộc

- Cái anh gì đi với anh đâu rồi?

- À cô hỏi anh Quang thường đi với tôi phải không?

- Đúng rồi.

- Anh ấy bị bệnh.


- Trời ơi có sao không?

Tôi liếc trước nhà cô ấy có cây bưởi sai trái, tôi phịa ra liền:

- Nó bị cảm khô cổ họng khát nước đòi uống nước chanh mà trong trại tôi không tìm ra quả chanh nào cả thật tội nghiệp nó.

Liếc chung quanh không thấy ai cô chỉ tôi lại cái bụi đằng kia, anh ngồi đó lát nữa tôi ra gặp lại. Nghĩ bụng chết con rồi con ơi gặp tụi ma đầu cho vào tròng chỉ có thác thôi.

Lúc sau nàng đem ra một bịch gồm 4 trái bưởi, gọi là bưởi vì trái lớn, còn bòng thì trái nhỏ.

- Anh đem về trại cho anh ấy ăn đi.

- Tôi còn phải chăn trâu chiều tôi mới về trại được.

- Trời ơi khổ cho anh ấy quá. Anh hỏi anh ấy có còn gì nữa không?

- Để tôi nói lại mai có gì tôi sẽ cho cô biết sau.

Tôi đem chiến lợi phẩm đi ngược lại để gặp Quang và hai đứa ăn hết một lúc bốn trái

- Mày hay thật ngày mai tao đi với mày được chưa?

- Chưa.

- Sao vậy?

- Để tao nghĩ cách làm ăn dài dài.

- Con lạy bố, tội người ta.

- Nó mê mày thật mà. Mày phải đối xử tử tế với nó, không có chết với tui.

Ngày hôm sau tôi lại đi qua cái nhà sàn của người Thượng, cô gái vẫn đứng ở cửa chờ đợi. Tôi lại gần nói:

- Cám ơn cô hôm qua nhờ có mấy quả bưởi của cô người bạn của tôi đã ăn một cách ngon lành và đã khỏi bệnh, nó nói với tôi cám ơn cô.

- Khỏi rồi sao không đi lao động?

- Vì nó còn yếu lắm không đi vững.

- Anh cứ đi chăn trâu, đi độ trưa trở lại tôi có cái này gởi cho anh ấy.

- Cám ơn cô, tôi hỏi kháy sao cô lo cho bạn tôi quá vậy. Nàng bẻn lẻn không nói gì được.

Trưa trở lại nàng đưa cho tôi một bịch, theo phép lịch sự tôi cầm lấy không dám mở ra xem trong đó có cái gì chỉ nói cám ơn cô lát nữa tôi sẽ đưa cho bạn tôi.

Mong anh ấy hết cái bịnh.

Tôi đi ngược lại phía bạn gặp nó. Mày dở ra xem nó cho cái gì. Một nắm xôi trắng và nữa con gà luộc thêm gói muối tiêu thật là cảm động. Hai thằng đớp liền tại chỗ nó phê làm sao vì lâu quá ở trong trại chỉ cho ăn bo bo và sắn khô thay cơm, đúng là yến tiệc.

- Mai tao đi về phía mày được chưa?

Thấy tôi không trả vốn trả lời gì cả, hắn tiếp lại định dở trò gì nửa hả?

- Thôi được mai mày đi với tao, gặp nàng phải vui vẻ cám ơn sự quan tâm đã lo cho mày mấy ngày qua tao sẽ lãng ra chổ khác để hai đứa tự do nói gì thì nói. Ăn thua tài ăn nói của mày có thể rủ nàng đi sâu vào trong rừng tao ở ngoài này canh cho. Khi có động tịnh gì tao sẽ chắp hai tay lại thổi như tù và thì dang ra mỗi người núp một nơi, không có thì chết cả đám.

- Mày làm như dễ ăn lắm.

- Nó lậm lắm rồi không có làm gì mình có ăn mấy ngày nay. Mà tao dặn kỹ có xào thì xào khô không được tới bến nó ễnh cái bụng ra thì mọt gông tao cũng vạ lây.

- Tao làm tao chịu việc gì liên quan đến mày.

- Họ khép tao vào cái tội vẽ đường cho hươu chạy. Tao thấy tao ngu quá, trong đời có 4 cái ngu mà tao chiếm 2 cái là làm mai và gác ca.

- Thôi mà đồng lao cộng khổ.

- Ê mày sắp đến 2 tháng 9 rồi là ngày lễ Độc lập, cả trại nghỉ cả và làm trâu bồi dưỡng chỉ có bọn mình chăn nuôi phải đi làm, hôm đó mày coi trâu cho tao để tao đi thám-sát địa-thế.

- Mày lúc nào cũng méo mó nghề nghiệp.

- Thật mà có ăn.

- Lúc nào cũng nghĩ đến ăn.

- Đói rã họng không nghĩ đến ăn thì nghĩ cái gì.

Cọng-sản nó đày đoạ cả nước bằng cách thắt bao tử người dân nào là đổi tiền cướp hết tài sản của mọi người, đánh tư sản mại bản, cho đi vùng kinh tế mới, tịch thu nhà cửa tài sản để không còn phương tiện tìm cách chống đối, lo miếng ăn chưa xong nghĩ gì chống phá.

Rồi đến ngày 2 tháng 9 mấy anh nuôi dắt con trâu già ra suối lớn làm thịt. Từ trại ra suối lớn dài khoảng một cây số, tôi biết khi khiêng thịt về thế nào họ cũng dấu một mớ ở chỗ nào đó để làm của riêng rồi ra lấy sau, tôi phải đi điều nghiên xem họ dấu chỗ nào để phổng tay trên nghĩ rằng họ mất cái này sẽ kiếm cái khác. Đây rồi chỗ này vừa vắng vẻ có nhiều bụi rậm dễ cất dấu. Tôi tìm một bụi rậm cách xa đường ngồi rình, gần một giờ sau thấy hai người khiêng một sọt thịt trâu ngừng gần chỗ tôi núp. Tôi khoái quá suýt la lên vì phán đoán của mình như để. Một thằng nói mày đứng cảnh giác cho tao giấu. Đợi cho chúng đi khuất một lúc lâu tôi mới lại thu chiến lợi phẩm đem về khoe chiến tích với bạn. Hai đứa đốt lửa lên tôi thấy thịt nhiều quá bàn với bạn hay là cắt cho nàng một phần coi như có qua có lại và nói đừng cho ai biết.

Thời gian lặng lẽ trôi, một hôm hắn nói với tôi:

- Ê Dục tao có chuyện buồn

- Gì nữa.

- Hôm qua tao mới nhận được thư của mẹ tao cho biết vợ tao giao hai đứa con cho bà nội và đi lấy chồng khác.

Nghe tin này tôi lịm người đi buồn cho bạn, nhưng chả trách người đàn bà vì hoàn cảnh mà phải bước đi bước nữa, làm sao đợi chờ người tù không bản án, tù dây thung chả biết ngày nào ra.

Tôi an ủi bạn đừng buồn nữa, viết thư về cho mẹ, mẹ cố gắng giúp con chờ ngày con về sẽ phụ mẹ lo cho các cháu.

Trong lúc này tôi cũng không dám đả động đến "Mối tình bông bưởi" sợ nó sốc, để chờ cho nó nguôi đi nỗi buồn rồi mới tính.

Thế rồi chuyển trại tôi thuộc diện an ninh tình báo gom lại đưa về trại Nam Hà (Ba Sao) do công an quản lý, hai đứa mất liên lạc từ đó.

Năm 85 ra tù tôi về Sài Gòn cố hỏi thăm tin tức về nó cũng mù tịt luôn. Đến năm 90 thì sang Mỹ theo diện Hát Ô cố tìm nó mà cũng không được coi như Mối Tình Bông Bưởi không có đoạn kết.

Mãi năm 1992 ông mới lò dò sang Mỹ. Lúc đó mới biết Mối Tình Bông Bưởi có cái hậu của nó, người con gái Thượng năm xưa đã lột xác rồi không còn một dấu tích gì của dĩ vãng, người ta bảo gái môt con trông mòn con mắt, chị chỉ nói với tôi cám ơn anh nhiều lắm.

Ông chồng quay sang nói với tôi khi mày đi rồi tao chới với không biết xoay sở làm sao bây giờ vợ bỏ đi rồi bỏ lại hai đứa con chơ vơ không ai chăm sóc tao thật điên đầu nhưng lúc đó ngoài tầm tay của tao. Sau đó tao cho nàng biết để xem phản ứng như thế nào thấy nàng tội nghiệp cho hoàn cảnh của tao. Tao bảo nàng, thằng Duc nó đi rồi mai mốt chắc anh cũng phải đi. Anh muốn chắc một điều và phải nói ra là em có chịu lấy anh không. Nàng nói em là gái Thượng quê mùa sợ anh chê. Không có đâu. Đây, anh đưa cái nhẫn này cho em để làm tin, cái nhẫn này lâu nay anh đã dấu được vậy em giữ lấy khi nào ra tù anh sẽ trở lại đây cưới em. Nàng ôm tao khóc sướt mướt anh đi rồi nhớ viết thư cho em, em cũng biết tiếng Việt.

Năm 1982 tao được thả về nhà trình bày với mẹ xin mẹ cho tiền ra cưới nàng. Lúc đó tao về Cần Thơ không gặp được mày tao chắc mày cũng chưa được ra. Sao sang đây quả đất tròn anh em mình lại gặp nhau.

Không ngờ Mối Tình Bông Bưởi có cái hậu của nó hai đứa mày lấy được nhau tao mừng lắm.

Nguyễn Kim Dục

Ý kiến bạn đọc
13/06/201621:18:51
Khách
Bài viết vui và có hậu. May cho ông đại úy quá có được cô vợ thứ hai thật dễ thương.
11/06/201603:02:21
Khách
Cháu thích chuyên ông viết. Ở tuổi 80 mà ông còn viết mạch lạc, tình tiếc éo le gay cấn, rất là thật. Cám ơn ông cho đọc một chuyện hay
10/06/201616:57:03
Khách
Bài viết dễ thương nhưng giá tác giả thêm là "ngày 2 tháng 9 là ngày độc lập của tụi việt cộng" thì rõ nghĩa hơn.
Mong tác giả tiếp tục viết bài.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,016,869
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến