Hôm nay,  

Đường Về Ca Li

05/04/201600:00:00(Xem: 11114)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số: 3791-17-30291vb3040516

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Người chồng sĩ quan VNCH sau nhiều năm tù đầy, hiện bị tâm thần suy nhược, và hai người con khi trưởng thành đều là lính Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Bà Chín không sao ngủ được. Từ mấy hôm nay bà vừa bệnh vừa lo.

Chẳng là bà thương mấy cây thanh long sau vườn. Trồng đã 2 năm mà cứ èo uột không ra một nhánh bông làm thuốc.

Con gái bà hăm he:

- Má! Coi mấy nhánh thanh long chán quá. Nó chiếm đất mà không giống ai. Thôi nhổ bỏ, trồng thứ khác.

Mấy nhánh thanh long này bà Chín đem về trong một lần bà đi thăm người bạn. Hôm đó là một cuộc gặp gỡ đặc biệt với Hoàng Duy Liệu, Cẩm Tâm, Tuyết và Mai, những người bạn Ngô Quyền thân thiết nhưng ở xa. Lần đầu tiên đến thăm vườn nhà chị Tuyết, bà Chín mê mãi nhìn những gốc thanh long với những hoa thật nhiều, cây bưởi sai oằn những trái và nhất là cây phượng trồng bên lề đường cạnh side walk. Khu vườn nhỏ nhưng dưới bàn tay săn sóc của chủ nhân nó rực rỡ những nụ hoa và trái ngọt.

Khi về chị Tuyết đã cắt cho bà Chín mấy nhánh thanh long làm quà. Bà Chín rất quý nên trồng ngay bên hông hàng rào và tưng tiu chăm sóc.

Vậy mà hai năm rồi mấy nhánh thanh long vẫn không được như ý. Nó lên èo uột, mấy nhánh đâm ra yếu đuối, xấu xí. Đất vườn sau hiếm hoi, cho nên bà Chín đành phải ra tay thanh toán nó trước, chứ thằng con rễ bà mà ra tay nó sẽ lôi ngược tất cả lên bỏ vào thùng rác. Mấy nhánh đẹp, bà dời về một gốc duy nhất, còn lại thì đào bỏ, trả đất lại cho con gái muốn trồng cây gì thì trồng.

Vì mãi miết làm việc dưới ánh nắng chói chang đầu xuân, bà Chín bị cảm. Những cơn ho làm bà mệt mõi, người khi lạnh khi nóng, đầu choáng váng, nước mũi cứ muốn chảy ròng ròng và hắc xì liên tục. Bà sợ ông chồng bị lây nên phải dùng khẩu trang cả ngày và giới hạn tiếp xúc với ông nếu có thể được. Ông chồng bà có ý giận khi bà luôn né và quay mặt đi những lúc gần gũi chăm sóc ông. Bà phải dịu dàng giải thích cho ông hiểu lý do. Bởi nếu bà bệnh, bà có thể vượt qua dễ dàng, nhưng nếu ông chồng bệnh bà phải săn sóc còn mệt hơn. Nhất là sức khỏe của ông không tốt, bệnh cảm sẽ làm ông suy sụp nhanh chóng.

Thế nhưng dù cẩn thận, ông vẫn bị lây. Những cơn ho và tiếng rên của ông làm bà cuống cuồng. Bà canh chừng cho ông uống thuốc đúng giờ và theo dõi sức khỏe của ông rất kỹ. Bà nấu cháo cảm rồi xay ra cho ông húp. Ngồi một bên ông để phục vụ cho ông không bị đói mất sức. Bà mong ông thật sớm bình phục, bởi lẽ bà không thể để hai vợ chồng ảnh hưởng tới đứa cháu nội cưng sẽ về thăm nhà.

Số là thằng Út của bà được lệnh nhận nhiệm sở ở SanDiego Base. Trên chuyến xe nhỏ hai vợ chồng, đứa con và con chó trực chỉ từ Virginia về lại Cali. Bà Chín lên bản đồ tìm hướng đi. Bấm tới bấm lui và thấy có nhiều con đường nhưng không biết nó đi con đường nào. Chắc chắn là nó sẽ đi con đường gần nhất.

Ngày đầu tiên bà gọi cho con. Con không bắt máy vì bận. Bà tự nhủ:

- Thôi thì nó bận bịu dọn đồ. Rảnh nó sẽ gọi.

Rồi bà lo công chuyện nhà nhưng trong đầu hành trình của thằng con cứ như ẩn như hiện. Không biết tại sao mình lại lo lắng chi cho vô ích. Con trai lớn rồi, nó sẽ quyết định và làm tốt mọi chuyện. Nhưng lý trí và con tim cứ thôi thúc bà không thể quên đi hình ảnh gia đình nhỏ bé của con trên con đường xuyên bang dài thăm thẳm.

Tới chiều, thằng con Face Time, chúng đang ở khách sạn. Bà mừng muốn reo lên khi thấy cháu nội nở nụ cười tươi. Nụ cười thật dễ thương làm híp kín đôi mắt với hai má bầu bĩnh, bụ bẫm.

- Con đã tới đâu rồi?

- Con chưa qua hết Virginia má ơi, vì thủ tục quân đội làm hơi trễ. Trưa con mới xuất phát để đi. Thôi! Con mệt và đói bụng quá, con đi kiếm gì ăn cái đã. Con gọi về cho má biết tin để má khỏi lo cho con.

Thằng con đã muốn tắt máy mà bà Chín còn nói ráng:

- Vậy đi đường em có ngoan không?

- Em ngoan. Tội nghiệp nó rất mệt. Thôi, trong lúc cháu bú, con đi kiếm gì ăn, rồi còn ngủ để sáng mai khởi hành sớm.

- Ờ! bye con.

Bà Chín tắt máy! Thương cháu quá. Mới 4 tháng tuổi ngồi suốt trong cái car seat chắc là mệt và tù túng lắm. Bà lại mở Ipad, coi lại bản đồ rồi lẩm bẩm.

- Nó chưa qua qua khỏi Virginia vậy thì ngày mai nó sẽ tới Tennessee. Nhìn trên bản đồ và ghi chú thì đường đi phỏng độ chỉ có 1 ngày và 15 hours với đoạn đường dài 2,750 miles. Bà Chín lại tẩn mẩn làm tính. Như vậy họ dự trù chạy xuyên suốt không nghỉ với tốc độ khoảng 76 miles một giờ. Trời đất! với đứa cháu còn nhỏ, phải cho bú và thay tã, con bà chạy cũng phải cả tuần mới về tới nhà. Bà thở dài ngao ngán, cơn ho lại kéo đến. Một chập sau bà và chồng hòa điệu bản nhạc "Cơn ho mùa cảm cúm".

*

Ngày thứ hai qua đi. Bên Virginia chị Oanh Trịnh Email về cho biết cơn bão đang đến, mưa nơi đó tầm tã. Không biết các con trên đường đi có thuận lợi không. Bà lo lắng mở bản đồ rồi lại đoán..., lại tính.

Buổi chiều thằng con lại face time mẹ trong khách sạn. Nhìn đứa cháu ngủ say và gương mặt mệt mỏi của con trai bà thương chúng quá.

- Má ơi! hôm nay cháu ngoan, con chạy được khá nhiều.

- Thế có bị bão và mưa không con?

- Có mưa nhiều. Con chạy trong cơn mưa mù mịt. Nhưng má đừng lo, con chạy cẩn thận. Thôi, báo tin cho má biết, con đi ngủ mai còn đi tiếp.

Bà Chín tắt máy và nhìn đồng hồ. Mình cách nó 3 tiếng, vậy giờ này bên đó cũng đã tối rồi. Bà lại lẩm cẩm nhẩm tính. Hôm nay ngày thứ hai chắc nó chạy được cũng cả ngàn miles rồi. Bà đỡ ông dậy uống thuốc rồi nói với chồng:

- Ông ráng uống thuốc. Thằng Út sắp về tới. Mình phải dứt bệnh chứ không lây cho cháu tội lắm.

Tội nghiệp ông chồng bà gầy đi thấy rõ, mới có mấy hôm mà ông đã xơ xác vì ăn không ngon. Cứ tối là bà cho ông uống thuốc để ông ngủ, còn bà không dám uống thuốc night time sợ ngủ say không ai lo cho ông.

Bà nhìn vào bản đồ, sau khi qua Virginia sẽ tới Kennessee rồi tới Arkansas, bà đoán già đoán non ngày mai con bà sẽ tới Arkansas.

Thêm một ngày qua đi trong hành trình của con, bà Chín nóng ruột lại mở bản đồ. Bà lấy giấy ghi lại từng freeway con bà sẽ đi qua. Bà nhủ thầm:

Như vậy nó đi nhiều nhất là freeway 40, có một đoạn 35 rồi về freeway 15. Úi chà! Freeway 15 ghi rõ 1216 miles. Như vậy phải đi cả 2 ngày hơn ở freeway này. Hôm nay nó chắc đang trên đường của tiểu bang Oklahoma rồi sẽ qua New Mexico.

Bà trông mãi mà tới chiều không nghe thằng con gọi. Bà gọi con dâu và con trai nhưng không liên lạc được. Trong đầu bà suy nghĩ đến những điều xấu trên đường. Có thể trời mưa đường trơn trợt, hay bể bánh xe? Gì thì gì tới khách sạn cũng gọi cho bà biết tin chứ. Hay là xe nó gặp trục trặc ở giữa đoạn đường núi nên nó không thể nhận tin nhắn của bà.

Buổi tối bà không thể nào ngủ, cái đầu cứ lo đâu đâu. Bà lại nhắn tin bảo phải trả lời cho bà ngay. Một chập sau, có tin thằng con nhắn lại:

- Má ơi! Con đang ngủ. Chúng con OK.

Bà yên tâm trả lời:

- OK! Thôi ngủ đi con.

Bà cười với mình và như trút được gánh nặng. Bà chỉ cần chúng bình an là bà yên tâm. Bà sửa lại cho chồng nằm ngay ngắn rồi về giường ngủ.

*

Hôm nay thằng con đã đi được 4 ngày đường. Buổi trưa thằng con Face time cho mẹ nhìn cháu. Hai vợ chồng dừng lại nghỉ trưa và mua thức ăn. Nó nói hôm qua chạy tới 8 giờ tối mới tới khách sạn. Quá mệt và cháu đã ngủ nên không gọi điện thoại cho mẹ. Bà hỏi các con đã tới freeway 15 chưa? Chúng cười ngất nói với nhau - Má hỏi tới freeway 15 chưa kìa? Má ơi! tới 15 là con dọt về nhà rồi - Con dâu cười mệt mỏi:

- Còn dài lắm má ơi! Chưa tới 15.

- Vậy hai đứa đang ở đâu?

- Tụi con đang ở New Mexico

- Sau New Mexico là tụi con sẽ vào Arizona phải không?

- Đúng rồi đó má. Tới Arizona là gần về tới nhà rồi. Má mặc sức mà hụi hai cái má bầu của cháu nội.

Vậy là chúng cũng đã đi một đoạn đường khá dài, múi giờ chỉ cách bà có 1 tiếng. Bà thắc mắc. Như vậy sao nó nói tới 15 là gần về nhà. Bà lại mở máy coi lại. Thì ra trong bản đồ ghi Freeway 15 là 1216 miles nhưng thực sự là từ 40 nối với 15. Còn bắt đầu freeway 15 vào Barstow là đã tới ranh giới California rồi. Cở chừng chưa tới 100miles là về tới nhà.

Bà bước vào căn phòng chuẩn bị cho vợ chồng thằng con về ở tạm và xem lại có cần gì nữa không? Bà liên tưởng đến con bé, đứa cháu nội Út của bà với hai má bầu, bụ bẫm luôn cười toét miệng dễ thương. Bà muốn có nó một bên, ôm vào lòng và chọc cho nó nói chuyện. Nhưng bà đang bệnh. Thiệt là tức. Cái điệu này làm sao bà dám bồng và nựng cháu đây.

Đứa con gái hỏi:

- Má chuẩn bị thức ăn gì cho tụi nó? Bà cười:

- Nếu chạy giỏi, tối mai nó mới tới nhà. Để má nấu cho tụi nó nồi bún riêu chay.

Bà nghĩ đến con dâu út. Con dâu bà hiền lành và dễ thương lắm. Bà đã từng làm dâu, cho nên bà thương con dâu như con gái. Con người ta sinh ra, nuôi nấng biết bao khó nhọc, cho ăn học rồi về làm dâu nhà mình, mang họ mình, gọi mình bằng má. Như vậy mình phải hết lòng yêu thương nó. Còn chuyện sinh hoạt riêng tư của chúng nó thì tự chúng phải đối diện và giải quyết. Mình không nên xen vào để tránh mâu thuẫn không tốt.

Một lần tiếp xúc với một nhóm người bị bệnh ung thư, tóc tai rụng hết, con dâu bà về nhà suy nghĩ và tặng mái tóc dài óng ả cho những cô gái tội nghiệp đó.

Khi bà ngạc nhiên nhìn mái tóc cắt ngang cụt ngủn của nó. Nó ấp úng giải thích:

- Mấy cô gái đó tội nghiệp lắm má, tóc họ rụng hết. Con tặng tóc cho hội để kết làm tóc giả cho các cô đó. Mấy cổ vui lắm. Con sẽ có mái tóc dài trở lại.

Trong một lần con trai bà chở vợ nó đi đến một trại chăn nuôi, vì con trai bà rất thích thú vật. Sau đó nó tình cờ xem một clip video về những công đoạn làm thịt gia súc. Nó về nhà cứ tội nghiệp cho các con vật đáng thương và tự nguyện từ nay không ăn thịt nữa. Ban đầu bà tưởng nó nói đùa hay bốc đồng vài ngày hay giỏi lắm một năm là xong. Nhưng bà không ngờ nó không ăn thịt đến bây giờ. Khi có mang, nó vẫn giữ vững lập trường, ăn cá ăn cheese để thế phần thịt. Mấy con chị chồng cứ sợ kiêng thịt cơ thể sẽ thiếu chất, em bé sẽ ốm yếu. Nhưng trái lại, con bé cháu nội của bà bụ bẩm sổ sữa dễ thương. Thì ra rau cải, cá vẫn đủ dinh dưỡng cho cả mẹ lẫn con.

*

Buổi trưa, bà còn đang loay hoay với ông chồng thì có phone thằng con.

- Hi Má, Con mệt quá, chắc tới khuya con mới tới nhà. Má chờ cửa con nghen má.

- Ờ! Đừng lo. Má sẽ chờ.

- Nhưng má có muốn bồng cháu không?

- Thằng khỉ! Về tới nhà mới bồng chớ.

- Thì con về tới nhà rồi nè. Má ra bồng cháu đi.

- Cái thằng khỉ! Lại chọc má mầy hả?

- Thì ra trước nhà xem. Mở cửa cho con vào.

- Cái thằng... Bà vừa giữ phone trên tay vừa chạy xuống lầu. Mở cửa nhà rồi chạy ra phía trước sân. Không có xe nào tới.Bà chửi

- Cái thằng khỉ gió! Xe đâu mà xe? Chừng nào mới tới.

- Thì con tới nhà rồi nè.

- Thằng khỉ? Sao má không...

Có tiếng thằng con và con dâu cười giòn trong phone. Bà vừa muốn nổi giận thì nhìn qua bên kia đường thấy xe nó đang đậu và vợ nó cầm máy quây phim đang quây cảnh bà đứng chưng hửng, ngỡ ngàng. Thì ra vợ chồng nó dành cho bà một niềm vui bất ngờ đoàn tụ.

Xe được lái vào parking lot trước nhà và dừng lại. Con dâu vẫn cầm máy quây phim mẹ chồng. Bà Chín mở cửa xe và nhìn cháu đang toét miệng cười. Ôi chao! Đứa cháu được sinh ra gần 5 tháng bà nội mới gặp mặt. Con trai và con dâu ôm lấy bà mừng rỡ, Chúng mở dây belt và đem cháu nội vào nhà. Bà vội lên lầu mang khẩu trang vào vì không muốn cháu bị lây.

Căn nhà như có thêm sức sống, một cái gì mới mẻ, hạnh phúc lan tỏa. Nụ cười và những tiếng ê a của cháu hòa thêm những tiếng nói đả đớt của mọi người khiến không khí lạ hẳn ra. Bà Chín có mấy ngày hạnh phúc bên con và dâu. Đời lính không cho phép nó ở lâu với gia đình. Đơn vị cho nó 8 ngày đường. Nó chạy tối đa để rút ngắn thời gian và dành cho mẹ những phút giây đoàn tụ.

Hai vợ chồng dẫn ông bà đi cắt tóc, mua cho bà cái máy chụp hình mới làm quà sinh nhật. Mời ông bà đi ăn tiệm và chăm sóc tận tình. Nó cứ hỏi bà cần gì nữa không? có muốn đi đâu không? Thằng con chở bà đi xuống San Diego để coi nhà nó dự định mua. Chở vào trung tâm mua sắm của hải quân để mua thêm đồ dùng cá nhân. Nó hỏi bà thích món gì cứ chọn, con là lính mua đồ ở đây không có thuế. Nó chở bà đi ngắm biển và ngắm hồ nơi nó sẽ mua nhà gần đó.

*

Hôm nay thằng con lại lên đường. Ngày mai nó phải đến trình diện đơn vị. Đêm qua nó thức ủi cho xong những bộ đồ lính. Nhìn con thật cẩn thận ủi từng nếp áo, nếp quần bà lại nghĩ đến cha nó ngày xưa. Mỗi lần về phép bà chăm chút ủi cho chồng những bộ đồ lính thẳng nếp. Đôi giày đáng bóng và mọi thứ sẳn sàng.

Bây giờ thằng con hơn cha nó lúc trước. Tự nó làm mọi thứ. Tự lo cho mình những việc cá nhân. Biết giúp đỡ và săn sóc vợ, biết thay tã cho con, biết nấu ăn và không quan niệm chuyện nhà là của phụ nữ như cha của chúng.

Nó chuẩn bị cho mình đồ dùng cá nhân dùng cho 15 ngày trên tàu. Hỏi tại sao con sắm nhiều quá vậy? Nó trả lời. Má ơi! tàu con là loại tàu USS nên trên đó rất đông lính. Má cứ vào Google search sẽ biết. Con phải sắm cho mình quần lót, vớ, áo thun xài trong vòng 10 đến 15 ngày mới luân phiên giặt một lần. Rồi nó cười cười. "Lính mà má".

Phải rồi, ai đã từng thăm viếng những chiến hạm thì đã biết. Tàu thì thật khổng lồ nhưng trên đó có phi cơ chiến đấu, xe tăng và cơ man nào là súng ống, đạn dược. Nhưng nơi ăn ngủ của lính thì thật tội nghiệp. nhỏ xíu, chật hẹp, tối tăm. Tàu mỗi lần rời cảng đi công tác có khi 6 tháng đến một năm. Cuộc sống con trai bà Chín bắt đầu như vậy. Cực khổ, gian lao nó biết như vậy, nhưng nó yêu thích và tự hào về binh chủng của mình. Hai túi quân trang to kềnh đầy ngập những đồ, nó mang xuống lầu mà bà Chín có cảm giác như hai vai bà thật nặng.

Bà Chín nghĩ thầm trong đầu: Con ơi! Má gánh gồng cuộc sống gia đình bao nhiêu năm. Má chăm sóc con vất vả để con trưởng thành. Bây giờ con đã gánh trên vai trách nhiệm đối với tổ quốc, đất nước và gia đình. Gánh nặng thật đó, nhưng con đã đứng thẳng, mạnh dạn một cách tự tin. Má mừng lắm khi thấy con thật sự độc lập. Vẫn vui vẻ, nói tiếu lâm như ngày nào. Vẫn bình thản sắp xếp chuyện gia đình vợ, con đâu ra đó để má khỏi lo âu khi con đi công tác. Con xứng đáng là người lính, người chồng, người cha. Má hãnh diện và an lòng vì con.

....

Con trai bà Chín đã lái xe ra khỏi nhà. Bà Chín vẫn còn đứng đó tần ngần. Đời lính là vậy. Về nhà được vài bữa rồi đi. Con dâu bà rồi sẽ giống như bà Chín ôm con mõi mòn chờ đợi. Con bé bây giờ mới biết lật, khi cha nó thăm nhà có lẽ nó đã biết đi, biết nói. Không biết nó có lạ và cho cha nó bồng hay không?

Bây giờ con trai bà được bố trí về căn cứ hải quân SanDiego. Từ nơi bà đến nhà nó cũng phải hơn 2 giờ lái xe. Nhưng dù sao nó cũng gần rất nhiều so với những ngày nó ở Illinois hay Virginia. Bà sẽ có dịp đến thăm con, thăm cháu thường hơn.

Còn thằng anh nó ở tuốt bên Nhật. Muốn đi thăm quả thật khó khăn. Bà Chín lại mỉm cười khi nghĩ đến một ngày, bà và ông chồng đặt chân tới phi trường Tokyo để thăm thằng con trai lớn. Bà nhớ con, nhớ dâu, nhớ cháu quá rồi...

Ngày ấy sẽ đến thật gần. Bà chẳng đã có trên tay hai vé máy bay rồi còn gì.

Mong rằng ông chồng bà sẽ thật khỏe để cùng bà lên đường.

Bà thật ấm lòng và hết sức hạnh phúc khi có những đứa con hiếu thảo cuối đời.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
05/04/201609:56:07
Khách
Một câu chuyện hay và một bà mẹ chồng thật dễ thương ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến