Hôm nay,  

Chuyện Bob Du: Bob ơi là Bob!

31/03/201623:51:00(Xem: 12355)

Tác giả: Tim Lê
Bài số 3787-17-30287vb5033116

Tác giả sinh năm 1942, hiện là cư dân Santa Ana. Ông định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO đầu thập niên 90, nơi đến là Boston. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện “Tôi Yêu Bà Bảo Trợ” đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

Bob là người Việt, tên "Lại Phước Du"; Nó thường khoe ai cũng nói tên Bob của nó nghe rất hay.

Một hôm, đang giờ giải lao trong hãng, thằng Du đến bên cạnh nói:

- Chú Năm, con vừa nhận được giấy mời phỏng vấn nhập Quốc tịch Mỹ, rồi nó tiếp:

- Chú đặt cho con một tên khác đi.

Tôi nói ngay:

- Tên của con hay lắm rồi, đặt tên khác làm gì.

Thằng Du giải tích:

- Tên của con là Du, người Mỹ đọc chữ D là Đ, lại thêm âm dấu sắc nữa... nghe kỳ thấy mồ.

Vậy con muốn đặt tên Việt hay tên Mỹ?

- Tên Mỹ chớ Chú; nhập gia tùy tục mà.

Tôi lơ đảng nhìn quanh.

- Chú không rành tiếng Anh, nếu đặt tên có ý nghĩa không hay, lại làm trò cười cho thiên hạ...

Đến đó, giờ giải lao đã hết, thằng Du nói vội:

- Thôi để từ từ Chú nhé!

Hơn một tuần lễ sau, cũng trong giờ giải lao, thằng Du tìm tôi và nói nhanh:

- Con tìm được tên rồi chú à.

- Tên gì...tôi hỏi. Thằng Du nói ngay:

- Tên "Bob" (Bob, Phước Lại hay gọi tắt là Bob, Lại); nghe cũng được chớ Chú? Tôi chưa kịp trả lời thì nó tiếp:

- Tối hôm qua con xem TV, thấy Ông Bob Dole đi vận động tranh cử chức Tổng Thống với Ông Bill Clinton. Con thấy tên Bob cũng hay hay, nên con quyết định lấy tên này. Mặc dầu, Ông Bob Dole không đắc cử Tổng Thống, nhưng dẫu sao ổng củng là Nghị sĩ và ứng cử viên Tổng Thống chứ đâu phải nhỏ.

Thằng Du cũng ghê thật, nó củng bắt chước mấy ông ở quê mình, đặt tên thật oai cho con là: Tổng, Quận, Tỉnh... Khi lớn lên ai củng kêu là ông Quận, ông Tỉnh thật....

Thằng Du, sau ngày tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ, nó vào hãng, dõng dạc tuyên bố:

- Kể từ nay, các bạn gọi tôi là Bob nhé! Tên mới đấy.

Những ngày sau đó, cái tên Bob đã đem lại nhiều trận cười thoải mái cho anh em trong hãng. Một hôm, bà Supervisor người Mỹ, đến đứng cách chừng 5 mét, gọi nó hai ba lần, nhưng nó không nghe. Bà đến vỗ vai:

- Mầy nghĩ gì, tao gọi mấy lần mà mầy không nghe?

Thằng Bob đứng phắt dậy "sorry" liên tục. Có lẽ, bà cũng đã quen với trường hợp tên mới / tên cũ này, nên chỉ cười nhẹ, rồi bỏ đi.

Mấy tuần sau, cũng bà Supervisor này, bà đứng ở đầu phòng gọi tên Bob hai, ba lần, nhưng nó cũng không nghe. Tức quá, bà gọi luôn cả tên cũ và mới: Bob/Dú, Bob/Dú... Cả phòng cười rộ lên, làm bà ngỡ ngàng... Anh công nhân ngồi gần, đến bên bà giải thích. Hiểu ra...bà cười ha hả rồi bỏ đi;

Bob ơi là Bob!

*

Chúng tôi quen biết Bob từ hồi còn ở trại tị nạn bên Philippines. Nó vượt biển một mình, lúc mới 18 tuổi. Gặp nó lần đầu, ai cũng tưởng chừng 15-16 tuổi, vì nó đen thui và ốm tong teo. Nó, nhỏ hơn vợ chồng tôi những 20 tuổi, gọi chúng tôi là "chú thiếm Năm"; nó thường lui tới chỗ chúng tôi ở và thích chơi với hai đứa con tôi, mặc dầu nhỏ tuổi hơn nó.

Một hôm, tôi đang chơi cờ tướng với mấy người bạn cùng trại. Du hớt hải chạy về, thở hổn hển nói:

- Chú Năm, Chú Năm. Con được... đi Mỹ rồi!

Hỏi ra thì được biết: Sáng nay, văn phòng Trại gọi nó lên gặp phái đoàn phỏng vấn, rồi nó nói một hơi:

- Sau khi xem xét các giấy tờ, một ông Mỹ to tổ chảng hỏi con: (qua người thông dịch viên).

- You muốn định cư ở đâu?

Con trả lời ngay:

- Mỹ... đó là ước nguyện của cha tôi! Nghe tôi nói: Ông Mỹ này, nhìn ông Mỹ kia nghẻo đầu cười, rồi nói: "OK".

- Con mừng quá Chú Năm ơi! Con không biết nói gì; con qùy xuống lạy các ổng 3 lạy như lạy Phật. Thấy con lạy, các ổng cười ngả nghiêng...

Tôi nhớ lại, những giấy tờ trước khi nộp cho trại, nó có đưa cho tôi xem: Một giấy "Chứng nhận 3 tháng học tập cải tạo" của Ba nó, do Chính quyền cộng sản cấp. Giấy thứ hai là giấy "Chứng nhận tại ngũ" của ba nó là Trung sĩ X., lúc còn ở trong Quân Lực VNCH, có chữ ký và đóng dấu đỏ của nơi cấp. Sau cùng là một tấm hình đã ố vàng; trong đó, Ba nó mang "máy truyền tin" đứng sau lưng hai ông Mỹ; mặt sau tấm hình có ghi ngày, tháng và nơi chụp ở vùng núi phía Tây tỉnh Phú Yên. Thằng Du nói:

- Ba con làm việc với các ông cố vấn Mỹ đó.

Thật tình... lúc đó tôi không hy vọng mấy, vì nghĩ rằng các giấy tờ này rất khó được xác minh.

Nay nó được chấp thuận, tôi lại có cái lo khác là: Nếu nó đi định cư khác chuyến thì sao? Tội nghiệp cho nó; một thân trơ trọi, không bà con, bạn bè, thân thích.

Tôi biết, trong lòng nó có ý muốn nương tựa với chúng tôi; nhưng nếu khác chuyến tàu, thì làm sao liên lạc được.

Mấy ngày qua, thằng Du tuy vui mừng, nhưng có lúc thấy nó buồn buồn; có lẽ nó lo sợ... chúng tôi và nó sẽ chia tay vĩnh viễn!

Những lúc rảnh, nó thường ngồi một mình dưới gốc cây to trước Trại nhìn ra biển; thấy nó có vẻ u buồn, đôi mắt đỏ ngầu... Tôi đến ngồi bên cạnh và hỏi:

- Con đang nghĩ gì vậy?

Tôi vừa dứt lời, nó khóc òa lên, như đứa trẻ lên ba và nghẹn ngào nói:

- Con nhớ Ba Mẹ và các em con lắm!

Tôi im lặng, để nó khóc; trong nước mắt, nó bệu bạo kể:

- Con nhớ, ngày Ba con đưa con đi vượt biên. Chặng cuối cùng là từ nhà ông bà nội con. Tờ mờ sáng hôm đó, hai cha con cải trang như người đi làm ruộng, rẩy, mặc quần áo cũ rách, Ba con ì ạch đạp xe trên con đường gồ ghề sỏi đá, mồ hôi ướt đẩm cả lưng ông. Con ngồi phía sau, vai mang cái túi bằng lá đệm, đựng chai nước, mấy vắt cơm và muối đậu phọng; Vai bên kia, vác thêm cái cuốc. Đến khoảng hơn 10 giờ sáng thì đến nơi. Ông tạt vào một khu rừng, rồi nhanh chóng đút chiếc xe đạp vào bụi rậm. Sau đó, hai cha con rẽ sang hướng khác, chui vào một lùm cây rậm rạp hơn; hình như ông đã đến đây xem trước hoặc có ai đó... hướng dẫn, nên trông ông rất thành thạo. Suốt ngày hôm đó, hai cha con im lặng: ăn, ngủ tại chỗ; trong bụi cây có ổ kiến hôi quái ác, nó cắn và bò tứ tung rất khó chịu, nhưng không dám dời đến chỗ khác, vì sợ bị lộ. Đợi quá nửa đêm, ông lay nhẹ con dậy, dưới ánh trăng lờ mờ, cùng đi lần về hướng biển. Hôm đó, trời yên, biển lặng chỉ nghe tiếng nước rì rào vỗ nhẹ vào bờ... Trước khi bước lên thuyền, ông nắm chặt tay con, nhìn vào mặt và nhỏ giọng nói, “Con nghe lời ông chủ tàu. Cố gắng xin định cư ở Mỹ. Nhớ báo tin về cho Ba Mẹ. Chúc con bình an...”

Kể đến đó, thằng Du khóc thút thít. Chú ạ! Lúc đó con không biết nói gì, chỉ hỏi: Tại sao Ba không đi với con? Ông buông tay con ra và nói: Ba... phải ở lại với mẹ và các em của con! Nói xong, ông xoay lưng bước nhanh; ông chủ tàu củng hối thúc con lên thuyền.

Trong nghẹn ngào... miệng nó lảm nhảm:

- Chú năm ơi! Làm sao về thăm Ba mẹ. Con nhớ quá!

Nhìn nó, lòng tôi cũng đau thắt; khi ra đi, ai cũng có những nỗi khổ riêng. Tôi cũng nhiều đêm không ngủ; nhớ về cha mẹ; anh chị em, bạn bè, xóm làng; nhớ từng lùm cây, khóm chuối... Không biết giờ này họ sống ra sao, dưới chế độ cộng sản. Trong khi mọi thứ chúng đều vơ vét; các ưu tiên, quyền lợi đều dành cho bản thân và gia đình họ.

Tôi đang nghĩ vẫn vơ, thằng Du đập nhẹ tay tôi:

- Chú Năm, nước Việt Nam mình ở hướng nào?

Tôi chỉ tay ra biển:

- Ở bên kia...

- Chú biết không, trước ngày con vượt biên; cộng sản cưỡng bách gia đình con đến ở "Khu Kinh Tế Mới"; nhưng họ lại nói: đây là "ưu ái" của chính quyền cách mạng.

Nơi đó, cách xa phố Huyện hơn 30 cây số; đường đi đến đó rất khó khăn, nhiều chỗ không thể đi xe đạp, phải đi bộ, lội suối, hoặc chui qua các khu rừng rậm...

Gia đình nào bị đưa đến đó, cũng có 1-2 người bị bệnh sốt rét. Nhưng, không có trạm y tế hoặc thuốc men gì cả; người này hỏi người kia, hái lá hoặc đào gốc rễ cây cỏ gì đó... nấu uống qua ngày. Con nhớ, lúc đó Ba con đang bệnh, vì bệnh cũ tái phát; nhưng ông vẫn phải cố gắng làm việc. Con có nghe ông kể: lúc còn ở trong Quân Đội VNCH, ông bị thương khi đi hành quân...

Nhờ Trời thương, Phật độ. Thằng Du củng được đi định cư cùng chuyến với chúng tôi đến Camp Pendleton, California.

Ngày từ hồi mới tới trại tạm cư, tôi đã liên lạc với người bạn cũ. Trước ngày 30.4.1975, anh ta còn độc thân nên nhanh chân "dzọt" được qua Mỹ. Tôi yêu cầu hắn giúp bảo trợ gia đình tôi về Tiểu Bang Massachusetts, vì tôi không có quen biết ai ở nơi nào khác. Thằng Du biết chuyện này, nó như muốn khóc, năn nỉ vợ chồng tôi cho nó đi cùng, vì ở đây, con chỉ có... Chú thiếm và các em mà thôi!

Thật tình, tôi không biết tính ra sao. Ông bạn chỉ cho biết sơ sơ: Ở đó ít thiên tai, nhưng mùa đông thì lạnh lắm và nhiều tuyết. Nhà thương, Trường học thì rất tốt. Còn các phương diện khác, Tiểu Bang nào củng vậy thôi, ăn thua do mình...Tôi xoay qua, thấy vẻ mặt nó buồn xo...tôi bảo:

- Con chuẩn bị đồ đạc đi với chú thiếm... đến đó rồi tính.

Nghe tôi nói, thằng Du vụt đứng dậy, đưa cánh tay gạt hai dòng nước mắt; nhảy cửng lên, lộ vẻ vui mừng hớn hở.

Khi đến nơi, vợ chồng Chú bảo trợ hướng dẫn chúng tôi đến Phòng An Sinh Xã Hội, lập hồ sơ xin trợ cấp. Thằng Du cũng thuê được một căn phòng trong chung cư, cách nhà chúng tôi ở không xa.

Hằng đêm, Chú-cháu gặp nhau ở lớp học Anh văn (ESL). Cuối tuần, nó thường chạy đến nhà tôi, có khi mang theo gói khô mực hay khô bò... Bà vợ tôi củng làm thêm chút gì đó... trải mấy tờ báo cũ ra sàn nhà, hai chú cháu ngồi lai rai...

Tôi và nó làm việc cùng Hảng điện tử ở Town kế cận. Bà vợ tôi củng tìm được việc làm ở hảng may quần áo. Lúc này, dưới thời Tổng Thống Bush (cha), kinh tế Mỹ down đến tận mắt cá, lương thấp lè tè; ai tìm được việc làm là hên rồi...

Lương hằng tháng của hai vợ chồng tôi, sau khi trả tiền thuê nhà, còn lại vừa đủ tiêu, có tháng dư được vài chục dollars. Do vậy, bà vợ tôi cứ mong đến ngày khai thuế.

Bởi vì, năm nào hai vợ chồng tôi củng kiếm được 1-2 ngàn tiền "tax refund" vì income thấp.

Con người... khi có dư dả chút đỉnh, thì tỏ ra khoan khoái; bà vợ tính nhẩm, số tiền này nếu quy ra tiền Việt lúc bấy giờ, chắc cũng thuộc hàng giàu nhất xóm, trước khi đi vượt biên.

Nỗi mừng chưa hết, thì ông chủ nhà (người Mỹ) đòi tăng tiền thuê mỗi tháng. Nghe ổng nói, bà vợ tôi dậm chân thình thịch như điện giật:

- Không tăng, không đóng; tiền đâu mà đóng; muốn giết người ta hả!

Nhưng ông Mỹ đâu có hiểu gì, còn tôi chỉ biết lặng thinh... không tăng, không đóng thì ở đâu và làm sao đây! Do đó, trong đầu tôi lúc nào củng lo nghĩ...

Còn thằng Du thì thỉnh thoảng đến than vãn những bất đồng với các người ở cùng chung cư; đại khái như giành chỗ đậu xe, uống rượu la lối, hoặc mở nhạc hết cỡ volume, bất kể giờ giấc, ngày đêm.

Thấm thoát, chúng tôi ở Mỹ đã được hơn 5 năm. Một hôm, tôi đang ngồi làm việc ở trong hảng, thằng Du đến ghé sát tai nói nhỏ:

- Giờ giải lao, con có chuyện này nói với Chú.

Bửa cơm chiều hôm đó, sau khi mọi người ngồi vào chổ, tôi tằn hắn nhẹ rồi nói:

Hồi trưa nay, thằng Du có nói: Trên đường đi làm, nó thấy ở khu kế cận có một căn nhà Duplex, còn tốt, đang treo bảng bán. Tôi vừa dứt lời, không khí nơi bàn ăn như thay đổi hẳn, vẽ mặt mọi người vui tươi thấy rõ. Sau vài phút suy nghĩ, bà vợ cất tiếng:

- Ông coi... thử coi, nếu được thì mua; chứ tôi ghét cay, ghét đắng thằng cha chủ nhà này lắm rồi! Còn hai đứa con thì cười hí hí thúc vào:

- Mua đi Ba, mua đi Ba.

Thật sự, lâu nay việc mua nhà chúng tôi chưa hề tính tới, vì nghĩ rằng: Việc này chưa tới phiên mình, dù trong giấc mơ củng chưa có! Thời gian qua, trong những dịp bạn bè tụ tập như: Đám giỗ, cook out, mừng con ra trường... chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất... kể cả chuyện tiếu lâm; nhưng cũng không quên bàn đến chuyện nhà cửa.

Nhiều ý kiến cho rằng: mua nhà là cần thiết cho việc ổn định gia đình. Nhưng, không nên vội vã... nếu chưa có "job" vững chắc và chưa tích lủy được chút ít... Bởi vì, sau khi mua nhà có rất nhiều khoản chi tiêu mà chúng ta không thể tính trước được.

Ý kiến khác thì: Không nên mua nhà hai, ba tầng hoặc nhà duplex, dùng để ở và cho thuê. Tuy có thu nhập, đỡ phần nào cho Mortgage, nhưng sẽ gặp rất nhiều điều phiền phức... Ngoại trừ, mua để gia đình và con cháu ở.

Những điều bạn bè nói, suy đi nghĩ lại củng không phải là không có lý. Nhưng dù sao... thằng Du lâu nay xem nó như là con cháu, không lẽ nó không nghe lời mình... và hy vọng những điều không hay... sẽ không xảy ra.

Việc mua nhà, được tiến hành và không có gì trở ngại. Trước khi dọn vào, thằng Du nhường vợ chồng tôi chọn trước. Chúng tôi chọn căn bên phải, hai bên có vách ngăn riêng biệt. Nhà tuy không rộng bằng nhà thuê, nhưng cảm thấy thoải mái hơn; có lẽ... đây là nhà của mình.

Nhà vừa dọn xong, thì bọn bạn nhậu cũ mới của thằng Du bắt đầu kéo tới, chúng nó chúc tụng, ca cẩm thằng Du hết cỡ: nào là có job, có nhà và có xe nữa... Tiếng "yeah, yeah" và vỗ tay vang lên; tiếp theo là tiếng khui bia lốp bốp, chén-đĩa va chạm rổn rảng... nhất là những ngày cuối tuần, tiếng "dzô, dzô" long trời, lỡ đất; thậm chí còn mỡ nhạc hết cở, ca hát nhảy nhót suốt ngày đêm... Đã vậy, một thằng trong nhóm còn to họng:


- Thằng Du bây giờ là năm bờ oan của bọn mình; nhưng nó vẫn còn thiếu... ngừng một chút hắn tiếp: Con người ta chỉ có 60 năm cuộc đời; đã cơm no thì phải có... bò cỡi nữa.

Cả bọn hào hứng vỗ tay hô bò bò bò bò rồi cười hô hố. Thằng Du lúc này như diều gặp gió... hừng chí tuyên bố:

- Từ nay tao sẽ dốc toàn lực... tìm vợ!

Cả bọn lại vỗ tay hoan hô, hoan hô.

Mặc dầu, hai nhà có vách ngăn riêng biệt, nhưng tiếng ồn ào vọng qua mồn một. Bà vợ tôi cứ đi ra, đi vào; hết xì xịt, thì tặc lưỡi; người ta bảo đừng mua nhà Duplex mà không tin! Tôi phải trấn an bà bằng cách: Hứa sẽ khuyên nó chấm dứt tình trạng này. Thật tình, thì tôi cũng quá mệt; thiếp đi lúc nào không hay và cũng không biết chúng nó chấm dứt... lúc nào!

Những tuần lễ sau đó, tôi chỉ gặp thằng Du ở hãng, còn các thời gian khác không biết nó biến đi đâu. Bổng nhiên, một buổi sáng cuối tuần, khi vợ chồng tôi vừa buông đũa sau bửa ăn sáng, thì có tiếng gõ cửa. Té ra thằng Du đợi ở ngoài nhìn qua ô kiến, chờ chúng tôi ăn xong thì tiến hành.

Hôm nay, thằng Du ăn mặc có vẽ chỉnh tề, tươm tất hơn những ngày khác. Một tay cầm cái "nhạo" (cái bình nhỏ đựng rượu, thường thấy ở các Đình-Miếu khi cúng kiến). Tay kia bưng một cái đĩa có hai cái ly nhỏ. Không biết nó tìm những thứ này ở đâu trên xứ sở này.

Nó trịnh trọng đến trước mặt chúng tôi, đặt ly-nhạo lên bàn và chuẩn bị rót rượu. Tôi đưa tay ngăn lại.

Thằng Du chấp tay như bái lạy. Bà vợ tôi khoát tay và nói:

- Cháu có chuyện gì... cứ nói với chú thiếm.

Thằng Du tằng hắnh nhẹ, như để lấy thêm nghị lực, giọng run run nói:

- Con xin Chú-Thiếm vui lòng làm "Chủ hôn" cho con.

Bà vợ tôi hỏi ngay:

- Nói thiệt hay giởn đó Du?

- Dạ, con nói thiệt. Xin Chú-Thiếm giúp cho con!

Đến đây... thấy sự việc không còn là chuyện đùa nữa. Tôi ra dấu bảo thằng Du ngồi xuống cái ghế bên cạnh. Bà vợ tôi tánh bộc trực hỏi ngay một lèo:

- Sao! Con bé thế nào? Tên gì? Bao nhiêu tuổi? Đang làm gì? Con của ai, ở đâu? Nói chú thiếm nghe coi.

Thằng Du sửa lại thế ngồi, rồi bắt đầu:

- Cô ấy tên Liên, con chưa hỏi tuổi, nhưng có lẽ bằng tuổi con hoặc xê xích chút ít. Cô ấy qua Mỹ theo diện... "con lai".

Theo lời thằng Bob kể, Liên đúng là con lai Mỹ nhưng có nước da ngăm ngăm, chắc là giọt máu rơi của một chàng lính Mỹ đen hoặc gốc la-ti-nô bỏ lại Việt Nam. Mẹ Liên đã qua đời khi còn Liên còn nhỏ. Sau đó, cô bé Liên sống nhờ sự đùm bọc hờ hững của bà Dì em của mẹ. Sau chiến tranh, cả miền Nam khốn khó, cảnh nhà bà dì cũng bữa đói bữa no. Một hôm, Liên thấy có cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng đến nhà, nói chuyện to nhỏ với Dì-Dượng. Sau mấy lần gặp, bà Dì bảo Liên thu xếp quần áo đến ở với hai bác này. Bà Dì còn nói thêm: Con về thành phố ở, không phải làm gì cả, nhà hai bác giàu lắm và sẽ cho con đi học.

Bà Dì bảo sao thì Liên nghe vậy. Suốt thời gian ở nhà hai bác đó, Liên không làm việc gì, nhưng không được đi đâu, chỉ làm theo những điều hướng dẫn, kể cả tập ký tên.

Sau mỗi lần dạy bảo, ông bà chủ không quên dặn dò: Con cố gắng làm đúng những điều đã dạy, thì sau này đời con sẽ được sung sướng.

Nghe nói vậy, thì Liên mừng thầm và nghĩ rằng có lẽ do Mẹ phù hộ... Cuối cùng thì Liên cùng gia đình ông bà chủ được lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ.

Khi đến Mỹ, thời gian đầu Liên củng được họ đối xử tương đối tốt; nhưng thực tế thì như là một "người ở", vì mọi việc trong nhà đều do Liên làm hết. Từ việc quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn, rửa bát kể cả việc đến các cơ quan từ thiện nhận thức ăn trợ cấp. Còn vợ chồng ông chủ và hai người con thì suốt ngày chăm lo quần áo cho hợp thời trang, học Anh văn và học lái xe... hoặc đi chơi chỗ này chỗ khác.

Sau hơn 3 tháng, mọi việc trong gia đình có phần ổn định, thì thái độ của mọi người trong nhà đối với Liên dần dần thay đổi; hay nói đúng hơn là "ngược đãi" thấy rõ.

Họ không còn nói gần, nói xa nữa. Một hôm bà chủ gọi Liên đến và gằn giọng nói:

- Kể từ nay, tôi không muốn chứa chấp người không tốt trong nhà; cô muốn làm gì thì đi ra ngòai.

Nghe bà chủ nói, Liên không biết ất-giáp gì... Sau đó, cô nhớ ra; mấy hôm trước, trên đường đi chợ về, có một tên thanh niên da đen, đầu tóc bù xù, mặc quần jean đáy tới tận gối, lẽo đẽo theo tán tỉnh. Liên đâu có biết tiếng tây, tiếng u gì mà trả lời. Có lẽ, lúc đó có người trong gia đình nhìn thấy báo lại với bà.

Rõ ràng là họ mượn cớ, chớ cô Liên đâu có quen biết tên đó hoặc hẹn hò gì với ai! Đúng đây là "kiểu" của các gia đình lợi dụng con lai. Khi được đến Mỹ rồi, thì họ sẳn sàng tống đi cho khuất mắt, vi sợ người ta hiểu lầm: "Bà đó trước kia lấy Mỹ".

Không còn cách nào khác; Liên phải ra đi! Vì không thể sống mà cứ bị nhìn xiên, nhìn xéo, chưởi chó mắng mèo và những cái tô, cái chén không tội tình gì... cứ bị dằn mạnh xuống bàn.

Trong cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa, Liên đã tìm đến các cơ quan từ thiện mà trước kia cô từng đến nhận thức ăn. Nhờ sự giúp đỡ của họ, cô Liên từ từ tìm được cuộc sống. Hiện nay, Liên sống một mình và củng có việc làm ổn định.

Ngừng một chút... thằng Du hạ giọng:

- Mong Chú-Thiếm giúp cho chúng con!

Nó vừa dứt lời, thì nước mắt của vợ tôi đã chảy dài xuống má; lòng tôi củng dâng lên niềm thương xót, cho số phận của những đứa trẻ mồ côi, những đứa con lai... Tôi đưa tay vổ nhẹ vai nó và nói:

- Con yên tâm, Chú Thiếm sẽ giúp con; nhưng Chú muốn nhắc con một điều: Làm đàn ông, phải bình tỉnh suy xét kỷ lưởng, trước khi quyết định việc gì. Vì đây là việc quan trọng, ăn ở suốt cuộc đời chứ không thể mai kia, mốt nọ lại thay đổi. Còn việc giàu nghèo, sướng khổ thi tùy thuộc vào sự cố gắng và số phần của hai đứa...

Đám cưới của thằng Du và con Liên được tổ chức đơn giản, vì cả hai đều không có bà con thân thích và tiền bạc củng giới hạn. Lễ cưới, cử hành ở nhà thờ trong Town. Buổi chiều, một bửa tiệc nhỏ được tổ chức phía sau nhà, chứ không đải bạn bè ở nhà hàng như các đám cưới khác.

Khách dự tiệc gồm: một số bạn bè trong hảng và bạn riêng của hai đứa. Gia đình tôi đảm trách việc nấu nướng thức ăn, vừa là khách vừa là phục vụ cho bữa tiệc.

Tối hôm đó, con Liên ở luôn với thằng Du. Vợ chồng chúng tôi rất mừng, từ nay chúng nó có đôi có bạn chung sống với nhau. Người ta thường nói "nồi nào, úp vung nấy" thật đúng với hai đứa nó.

Hai tuần lễ liền sau đám cưới; căn Duplex bên cạnh im lặng như tờ, như không người ở. Thỉnh thoảng mới nghe vài tiếng động nhỏ. Chúng tôi mừng thầm, ở nhà Duplex củng không đến nổi phiền phức như người ta nói...

Nỗi mừng chưa hết, thì cuối tuần lễ thứ ba tiếng ồn bắt đầu nổi lên. Tôi sực nhớ, trong bửa tiệc mấy thằng bạn của nó có tuyên bố: Cho vợ chồng thằng Du một thời gian "Shutdown"; như vậy, nay chúng nó... hết hạn!

Từ đó, những buổi chiều đi làm về và những ngày Weekend chúng đều tổ chức nhậu, ồn ào lại như trước. Tuy vậy, chúng tôi củng đành cắn răng chịu đựng, chứ đâu dám nói gì!

Thằng Bob đã vậy, gặp phải con Liên vợ nó củng thật là "vô tư"; nó muốn gì, cần gì thì cứ qua bên tôi "tự nhiên" lấy về dùng. Nhưng, sau đó nó không tự nhiên đem trả, hỏi 2-3 lần, mới chịu đem trả; nhiều lần như vậy, làm bà vợ tôi bực bội không ít.

Một hôm, tôi vừa về đến nhà, bà vợ hỏi ngay:

- Ông có hái mấy trái dưa leo sau vườn không?

- Không, tôi hái làm gì, nó còn nhỏ mà.

Nghe tôi nói thế, bà vợ lộ vẻ tức giận, dằn mạnh từng tiếng:

- Con Liên...chứ không ai vào đây! Ngừng một chút bà tiếp:

- Tôi không nhỏ nhen, trái ớt, trái dưa với chúng nó; nhưng trái còn đang lớn. Nỡ lòng nào hái cho đành...chờ nó lớn đã chớ! Thật tình... không biết nói làm sao nữa!

Mỗi lần nhớ đến chuyện vợ chồng thằng Bob, mặc dầu có bực bội nhưng cũng tức cười: Chúng nó như "Chó với Mèo" vậy. Lúc chúng nó thương nhau thì... long trời, lỡ đất; đùa giởn muốn sập nhà, sập cửa. Làm mình phát ghen... vì chưa bao giờ được như chúng nó.

Lúc chúng nó cãi nhau thì cũng lỡ đất, long trời. Chén bát bay vèo vèo; chồng la, vợ khóc bù lu, bù la; như cha chết. Không ít lần, vợ chồng tôi phải đứng ra can ngăn. Tôi ôm thằng Bob, vợ tôi ôm con Liên; nếu không thì... vợ chồng nó đánh nhau dập đầu, vỡ trán không chừng.

Không đứa nào chịu thua đứa nào, mà sự việc có gì đâu. Chẳng qua chỉ là nghi ngờ, không chứng cớ gì ráo. Bên kia giải thích, bên nọ không chịu nghe. Ức quá, nói liều cho bỏ ghét "Ừ, tôi vậy đó, có sao không", muốn làm gì thì làm đi...Thế là trận giặc nỗi lên. Mà không phải một hai lần. Vợ chồng nó như sóng biển đại dương, cơn này hạ xuống, thì cơn khác lại lên.

Có lần, sau vụ cải; thằng Bob bỏ nhà đi mấy ngày liền. Con Liên chạy qua ôm vợ tôi khóc sướt mướt... như chồng nó chết; chúng tôi phải an ủi nó. Khi thằng Bob lò mò về, hai đêm đầu không nghe tiếng động đậy của vợ chồng nó. Chúng tôi rất mừng, tưởng chừng chúng nó tìm được thuốc chữa hay sau cơn mưa trời lại sáng...

Nào ngờ, đến đêm thứ ba thì giông tố, bão bùng lại dữ dội hơn mấy lần trước. Sau những tiếng ầm ầm rung chuyển nhà cửa. Bà vợ tôi lay mạnh:

- Ông ơi! chạy qua cứu chúng nó...

Bổng nghe tiếng thằng Bob la lớn:

- Tao đốt nhà...Tao đốt nhà...

Bà vợ tôi phát hoảng, đòi kêu các con thức dậy và chuẩn bị chạy, tôi phải trấn an bà chờ coi ra sao đã.

Sau tiếng la, tình hình bên đó... tự nhiên im bặt. Chúng tôi củng im lặng nghe ngóng, khoảng 5-6 phút sau bà vợ tôi giật mạnh:

- Ông ơi! qua cứu chúng nó; coi chừng chúng nó đã...

Tôi trấn an:

- Bình tĩnh...bình tĩnh; không có gì đâu!

Miệng nói vậy, nhưng thật sự trong lòng tôi lo lắng vô cùng. Nếu nó đốt nhà thật...thì mình "chết chắc". Rồi đây sẽ ăn đâu, ở đâu, màn trời chiếu đất!

Người ta nói đúng...ở nhà Duplex, không bị chết cháy thì củng can ngăn, phân xữ mệt nghĩ. Bây giờ, củng đã quá nữa đêm! Thôi đành chịu...hồi hộp nằm chờ...

Không biết giấc ngũ đến từ lúc nào. Khi tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên. Tôi vùng dậy, mỡ to đôi mắt: Nhìn xung quanh, nhà vẫn còn... chưa cháy!

Vào sở làm, tôi gọi thằng Bob ra phía sau nhà kho. Bắt đầu bằng một vòng tình cảm chú-cháu, sau đó mới đi vào nội dung chính:

- Cháu nên suy nghi và cố gắng thu xếp. Việc nào cháu sai thì thành thật xin lỗi vợ. Việc nào đúng thì bình tỉnh giải thích cho con Liên rỏ. Dằn bớt cơn nóng giận, để gia đình được yên vui, hạnh phúc. Chứ mỗi lần hai đứa cải nhau Chú-Thiếm buồn và lo lắng quá...

Tôi vừa dứt lời, thằng Bob nghiên nghiên khuôn mặt, miệng meo méo cười nhẹ rồi nói:

- Con "hù" nó thôi; Chú-Thiếm yên tâm.

Trời đất! Mình lo muốn chết, mà nó nói "tỉnh bơ". Tin được không đây? Ông Trời!

Về đến nhà, không thấy bà vợ ở đâu. Tôi mỡ cửa ra phía sau nhà, thì thấy bà ngồi ở bậc cấp của cái deck nhìn ra khu vườn; hình như bà đang suy nghĩ điều gì đó.

Hồi trưa tôi có nói chuyện với thằng Bob về cái vụ nó... đòi đốt nhà tối hôm qua. Bà vợ cướp lời:

- Nó nói sao?

- Nó nói: nó hù con Liên thôi, bà đừng lo.

Bà vợ vụt xoay qua, nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Ông tin nó à? Tôi cho Ông biết: Cho dù thằng Bob không đốt thì con Liên củng đốt, khi nó chịu hết nổi. Ông đừng tưởng bở...

Thấy bà vợ phản ứng quá mạnh, nên tôi củng đớ...một chút; vuốt nhẹ lưng bà và nói:

- Bà nói củng có lý...vây nhờ bà "đồng minh" phụ tôi giải quyết việc này...

Bổng có tiếng điện thoại reo trong nhà, tôi đứng dậy vừa bước đi vừa nói:

- Mình cố gắng giải quyết nhanh chuyện này. Ở chung nhà khổ quá! Nhà cửa vùng này... chỉ cần một tiếng "xè" (của diêm quẹt) là xong ngay!

Hôm nay cuối tuần, tôi đang ngồi lách cách trên Computer mấy vần thơ "con cóc", thì nghe tiếng rì rầm của bà vợ ở đằng sau. Thỉnh thoảng, nghe tiếng dạ, nho nhỏ của con Liên; tôi đoán biết bà vợ đang làm công tác "tư tưởng" (cụm từ của cs) với con Liên.

Tôi không nghe rõ bà nói gì...nhưng sau đó nghe tiếng con Liên khóc:

Con...Con thương anh ấy lắm, con không muốn mất ảnh!

Mấy tuần lễ sau đó, tình hình chiến tranh ở lảnh thổ bên cạnh, vẫn chưa thật sự bình yên, vẫn còn lúc nắng lúc mưa; nhưng, không nặng hạt như trước.

Tuy vậy, đó củng là chiều hướng tốt... đáng mừng. Nói theo ngôn từ của quân đội "vẫn còn chạm súng lẽ tẻ". Củng dể hiểu thôi, vì bất cứ cuộc chiến tranh nào, dù đã được tuyên bố "đình chiến" hẳn hoi, nhưng củng không tránh khỏi những va chạm nho nhỏ sau đó.

Tối nay, tôi đi ngũ sớm vì trên online không có tin tức gì hấp dẫn, đáng đọc.Tôi vừa nằm xuống thì bà vợ xoay qua nói nhỏ:

- Ông... có biết gì không?

- Chuyện gì? Bà chưa nói làm sao tôi biết.

- Con Liên có bầu rồi... nó nói với tôi hồi chiều.

Tôi ôm chặt bà vợ vào lòng:

- Tôi mừng quá...Tôi mừng như chính bà có bầu vậy.

Hứ, bà vợ đẩy tôi ra:

- Tôi già rồi...bầu bì gì mà nói.

Hòa bình đã tái lập; vợ chồng thằng Bob có con. Chúng tôi được thăng chức: Ông nội-Bà nội. Rồi đây căn nhà Duplex này hy vọng sẽ không còn tiềng cãi vã ồn ào nữa, mà chỉ có tiếng cười và tiếng la hét của trẻ thơ...

California, March. 2. 2016.

Tim Le

Ý kiến bạn đọc
25/04/201619:06:30
Khách
Đọc mà cũng ...rầu cho tác giả....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến