Hôm nay,  

Xuân Bất Tái Lai

16/06/201200:00:00(Xem: 208695)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Vì không thể rời nhiệm sở tại Alice Springs, Northern Territory, Úc Châu, tác giả đã không thể trực tiếp dự buổi họp mặt nhận giải. Mãi tới, ba năm sau, 2011 lần đầu tiên, vị Linh mục nhà văn và Việt Báo mới có dịp gặp gỡ lần đầu. Sau đây là bài viết mới nhất của nhà văn linh mục nhân mùa Fathers Day: Chuyện một ông bố từng có ý nghĩ giết bà vợ phụ bạc.





…Chữ rằng: “Xuân bất tái lai”
Bà Huyện Thanh Quan


Trời lạnh. Người tự nhiên nổi sần sượng, ngứa! Ngứa gãi sướng tay sướng chân. Cứ thế mà gãi. Càng gãi những vết sần sượng càng đỏ tươi, nhìn như ghẻ, nhìn thấy sợ, nhìn thấy ngán. Lấy lotion bôi. Da bớt khô nhưng vẫn nứt ngang dọc tương tự ruộng lúa ngày nắng hạn, như đường đào bới ngổn ngang của con cái ghẻ.

Trời lạnh. Làn da xám đen rủ nhau nổi dầy cộm tương tự người phong cùi. Phong cùi? Con cái nhà cửa có mà cũng như không. Đành phải giã từ, chui vào trại cùi, ngày ngày phơi nắng trước sân, ngước mắt nhìn trời ngậm ngùi tiếc xót. Phong cùi? Thà là nhảy sông nhảy suối. Chết đi, xác trôi lềnh bềnh ba ngày ba đêm, tấp vào bờ vào bụi biến thành thằng chổng. Phong cùi? Chẳng lẽ tại mình ở dơ? Sáng Thái tắm. Tắm xong, bớt ngứa, bớt gãi, vết đỏ sần sượng bớt gồ ghề kéo đồi kéo núi. Nhưng một tiếng sau, chó đen lại hoàn mực đen. Ghẻ đội mồ sống dậy. Ngứa! Gãi! Sướng da sướng thịt!


Trời lạnh. Mây đen mây xám kéo thấp bầu trời. Bước xuống xe, Thái co ro bước thẳng tới cafeteria của sở,

— Một ly cà-phê đen, please.

Thâu ngân viên mắt xanh tóc nâu gốc Mễ Tây Cơ sau quầy tính tiền nhanh nhẹn,

— Amigo uống cà-phê Mỹ hay cà-phê Việt Nam?

— Amiga cũng biết pha cà-phê Việt Nam???

— Biết chứ, manager Việt Nam mới chỉ tuần rồi.

— Thôi, con lậy mẹ! Mẹ pha cà-phê Expresso thì họa may.

Hên Thái nói tiếng Việt, con gái Mễ không hiểu chi. Đã thế cô ta còn nhìn Thái, ái ngại,

— Amigo đau hả?

— Giỡn chơi!

— Sao nhìn mệt mỏi như mới ốm dậy vậy?

— Well, I guess… Im S.A.D.

— Sad?

— Nope!

— Not sad? Vậy sao nói “sad”?

Tính gãi, nhưng ngại. Ai lại làm chuyện mất thể diện thế kia trước mặt người đẹp. Cầm ly cà-phê Mỹ đi vội tới văn phòng. Ngồi xuống ghế, Thái len lén cúi xuống gãi bằng thích. Trời lạnh, ngứa. Trời lạnh, xìu. Đứng dậy bật hết bốn năm ngọn đèn trong văn phòng. Xìu bởi S.A.D. (Seasonal Affective Disorder).

Tiếng gõ cửa vang vang. Thái ngưng gãi ghẻ, nhe hai hàm răng vàng khói thuốc, cười tươi chào đón đồng nghiệp tóc vàng,

— Biết chi không? Hôm qua Danny ghé vào văn phòng tâm sự ngang xương. Hắn hăm he đưa mi ra phiên họp toàn ban tuần tới...

Nhận được hung tin, tự nhiên hết ngứa, ngứa biến tan. Cơn ngứa biến mất nhường chỗ cơn giận. Thái tính mở miệng chửi thề văng tục. Phải chửi toáng lên cho đã nư, hả cơn giận. Đã mở miệng ra rồi. Lời nói dâng cao đầu môi, câu chửi thập thò chót lưỡi. Nhưng thôi! Nuốt vào! Nhịn! Nhịn như nhịn không gãi khi bị ghẻ hành hạ một tuần nay.

Cô người Nga độc thân ăn tiền trợ cấp có hẹn sáng nay lúc 10 giờ. 9 giờ gọi vào,

— Thái ơi, con đang nằm trong bệnh viện, xin gặp tuần sau, được không?

Đóng sổ lại, Thái đi ra cafeteria ăn sáng.

Người đẹp amiga Mễ biến mất. Giờ này thanh niên gốc Việt ngáp ngắn ngáp dài trông quán,

— Xếp uống chi?

— Đại ca! Cho ly nước lạnh, thật lạnh và cái menu.

— Ủa, không cà-phê sao?

— Sáng chơi một ly rồi...

— Nghe nói Sở An Sinh Xã Hội đang kiếm Trưởng Văn Phòng. Có người nói xếp và Danny hai con bài sáng giá. Có ăn khao, đừng quên em nhé xếp.

— Cũng nhậy tin dữ. Làm ơn cho xem cái menu.

Thâu ngân viên gốc Việt đưa ra menu. Nhìn tới nhìn lui. Sao hàng chữ nhảy múa rồng rắn thế kia? Đưa sát vào mặt, hàng chữ nhòe nhoẹt. Đưa menu ra xa xa, rồng thôi nhảy, rắn thôi múa. Đưa ra xa hơn nữa, hàng chữ đen đen hiện rõ nguyên hình. Chết rồi! Chẳng lẽ viễn thị? Không phải đâu. Chắc tại trời âm u. Thái nhìn chung quanh ngỡ ngàng nhận ra đèn trắng bật sáng khắp nơi. Đưa menu dí sát ngay mắt, mờ ảo lại hiện ra. Đẩy menu ra xa, chữ đen đen lại hàng hàng xếp lớp. Vậy là ngay chóc. Viễn thị rồi!

Thái nhớ lại tuổi mười lăm, mê phim chưởng Hồng Kông, trốn ông bà bô coi lén trong bóng tối. Thường xuyên! Cho tới hôm ngồi hàng ghế đầu lớp Tiếng Việt, nhưng thấy hang chữ phấn trắng mờ mịt sương mù. Nhưng lạ chưa, quay sang, Thái thấy bạn bè còng lưng tí toáy, viết như điên.

Phục Ba Tướng Quân Mã Viện mang quân đuổi theo Hai Bà Trưng. Cùng đường Hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tự vận ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão, 43 A.D.

— Ủa! Sao tao không thấy chi hết? Chữ trên bảng mờ như thế mà mày cũng thấy. Chữ đó chữ chi? Phục hay phúc? Phục hả? Thế mà lại tưởng cô giáo hôm nay loạn, viết tiếng Việt lộn tiếng Anh.

Lúc đó biết mình cận thị. Chià tay xin tiền mua kính, ông bà bô mắng cho mấy mắng, “Đấy, nói không nghe. Giờ mù dở!”.

Giờ này bốn mươi mốt, viễn thị ghé ngang hỏi thăm. Hèn chi tuần trước, trong phòng họp, tới giờ thuyết trình, Thái cầm giấy chuẩn bị đọc nhưng tự nhiên thấy chữ nhảy múa. Nghĩ là tại ngồi lâu, dán vào màn ảnh computer, mắt mỏi, Thái gỡ kính cận ra dụi đôi mắt, lại thấy sáng chói như cũ. Thái nhớ tới mấy người bị bifocal, phải đeo kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm nhìn thấy dị. Bây giờ cũng dám tới phiên mình, mắt lõm mắt lồi!

Ác mộng viễn thị chưa qua, giờ ghẻ ồn ào kéo tới!

Ghẻ kéo lên cả da mặt. Ghé vô phòng vệ sinh soi gương. Trời lạnh mây xám âm u, mặt mày Thái xám đen xám xịt. Chân tóc kéo cao lộ trán bướng. Tóc vuốt một cái rụng đầy cả nắm. Nhìn vô trong gương một lần nữa, Thái nhận ra bao nhiêu khoảng trống lộ thiên giữa chân tóc. Thái nhìn tới nhìn lui, phòng vệ sinh không có ai. Đưa mặt sát gương, Thái nhận ra gầu bám dọc ngang da đầu tựa lá mùa thu phủ ngập sân cỏ. Tóc lưa thưa như mới ốm dậy, như người chạy chemotherapy. Tình hình như vầy chẳng mấy chốc hết tóc. Hói, hành trình không thể chạy trốn!

Thái nhìn xuống, bụng to tướng. Thời gian gần đây quần 32 nhảy vèo 35. Ban đầu Thái không tin, nghĩ nhìn lộn, thử tới lui. Nín thở, hít bụng, mặt đỏ căng căng, quần 32 chật cứng. Thái liều, nhắm mắt thử quần 35. Vừa y!

Giáng Sinh vừa qua, Thái gặp bạn trung học. Nếu không được báo trước, Thái sẽ không nhận ra hai người bạn tuổi mười tám. Hai tên tóc rụng lưa thưa nhìn như cháy rừng Nam Cali. Một tên mập, lùn, tròn hột mít, bệnh gan. Tên kia tệ hơn, mập, bụng thùng nước lèo, tiểu đường, cholesterol. Đã hói, tóc bạc, còn bị đụng xe rụng hết nguyên hàm răng trên. Tuyệt vời!

Thái nhe răng ra, nhìn! Răng tạm được. Hai hàm răng đều thật, không đồ giả. Răng thật, chân răng không bị viền đen bám chung quanh. Nhưng ông nha sỹ nói nướu răng của Sir bắt đầu mòn. Tiện tay, ông trám lại lỗ sâu nằm phía trong, mắt thường dân nhận không ra. Tiện miệng, ông khen Sir răng tốt, chân răng mòn nhưng lợi đỏ hồng hồng. Tiện chuyện, ông khuyên bỏ hút thuốc, bớt cà-phê, bởi răng Sir khói thuốc cà-phê bám vàng khè.

Bước ra khỏi phòng vệ sinh, Thái lẩm bẩm,

— Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!

oOo

Thái lái xe về nhà, nhà trống trơn. Cơm nước nguội lạnh. Mảnh giấy kẹp dưới tàn thuốc viết, “Thiêns sick. Im with Thảo in Cedar Creeks Hospital”.

Thái hốt hoảng phóng tới cửa Cấp Cứu. Người nhân viên mặt khó đăm đăm không buồn ngước nhìn, hỏi như máy,

— Tên?

Thái lắp bắp như ngọng,

— Thiên… Trần Thiên.

— Phòng 832.

Thái phóng tới thang máy. Phòng 832 ngay góc. Thằng Thiên nhắm mắt ngủ say trên giường bệnh. Con Thi đứng hôn thằng bồ mùi mẫn sau cánh cửa. Con Thảo ngồi bệt dưới đất ngủ gật. Thấy bố, con Thi đẩy thằng con trai ra, mặt bơ bơ,

— Hi, Daddy.

Thằng con trai xa lạ nhìn Thái, bước ra ngoài, hiên ngang, vững vàng. Con Thi lẽo đẽo đi theo sau, sát ngay lưng.

Nghe tiếng động, con Thảo mở mắt nhìn. Ơi, mặt mũi con bé dơ như chó con bị ghẻ. Con Thảo ôm bụng, nước mũi thập thò, giọng nhão cơm nếp nát,

— Bố ơi, con đói…

Thái nén cơn giận nhìn con Thi lại đang xà nẹo với bồ. Nhìn con, Thái nhận ra hình dạng người vợ thuở nào. Nhớ tới vợ, Thái bấm bẩy số. Chuông điện thoại vang lên, reng, reng, reng... Không ai bắt phone. Thái liếc nhìn, con Thi vẫn chưa buông rời thằng con trai tóc xanh tóc đỏ tòng teng xỏ đầy hai lỗ tai, nhìn cực kỳ văn minh. Thái thở dài,

— Vợ là tội. Con là nợ.

Tự nhiên Thái thấy mình ngu quá cỡ thợ mộc, biết thế hồi xưa cạo đầu đi tu.

Vợ Thái hồi đó học lớp Mười; con gái mặc quần jean căng phồng, chơi bi-da đi hai cơ, game over. Vợ Thái lớp Mười Một chơi bóng chuyền; con gái nhảy cao, đập xuống, con trai đứng ngẩn ngơ nhìn theo, chảy nước miếng hai bên mép. Vợ Thái hồi đó lái xe số tay ngoài freeway; xe cảnh sát hú còi,

— Young lady, vận tốc tối đa 65, cô chạy 95 dặm một giờ. Cho xem bằng lái.

Vợ Thái lớp Mười Hai chớp chớp mắt, òa khóc nức nở. Tóc dài con gái rối tung. Người cảnh sát ngạc nhiên, e dè hỏi. Vợ Thái nghẹn ngào, tiếng được tiếng mất, nói mẹ đang hấp hối trong bệnh viện. Tưởng thật, người cảnh sát tha tào cho cái ticket. Thái ngồi bên cạnh, khen,

— Em đóng kịch giỏi ghê.

— Kẹt quá đành chơi đại. Ông cảnh sát gọi vào bệnh viện Cedar Creeks hỏi có mommy trong đó hay không là vỡ mặt.

Cuộc tình càng lúc càng căng thẳng, đơm hoa trổ nụ. Hai đứa mê nhau như điếu đổ, yêu nhau như tài tử Holywood. Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói,

— Không!

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời. Thiên hạ lắm kẻ tán phét, thế mà thế giới xúm vào, tin. Thế nào mà bền vững được? Tình yêu, love at first sight? Excuse moi! Tình dục, lust at first sight thì có. Mà chuyện đương nhiên. Con người là chi? Cũng chỉ động vật. Hồi xưa trong rừng Phi Châu leo trèo phá phách. Bất ngờ, bữa đó hứng hứng đứng lên chơi chơi. Đứng được một lần, đứng tiếp, đứng tiếp nữa. 6, 7 triệu năm trôi qua, khỉ thành người. Động vật dù là động vật cao cấp cũng vẫn động vật. Tình dục để duy trì nòi giống là bản tính tự nhiên Ông Trời ban cho. Thời mới lớn, người ta yêu hay người ta dục? Tình dục, đương nhiên, lust at first sight. Chấm hết! Thỏa mãn rồi, chán nhau. Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải tình yêu mà tình dục. Dục nghĩa vợ chồng. Dục hết, nghĩa kéo tới. Nghĩa không ghé thăm, bankruptcy! Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm.

Thái biết tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi. Thì thôi! Giữ lại gót sen làm chi? Thái quyết định giữ ba đứa con.

Vợ Thái ở cách một phố, sống một mình. Năm ghé về nhà xưa một lần, tối 25 tặng con quà Giáng Sinh, rồi thản nhiên bỏ đi. Thái nhìn theo vợ, tiếc.

Hồi vợ mới bỏ đi, Thái nhớ, gọi mấy lần. Khuya, tiếng người nhấc điện thoại đàn ông, giọng mệt lả, thở không ra hơi. Máu ghen nổi lên, Thái nghĩ tới án mạng. Chắc phải đổ máu. Chắc phải lên trang nhất báo địa phương. Phải cho người tình phụ bài học. Phải nhìn mặt người đàn bà bội phản trợn tròn, chớp chớp hối hận, giọng thều thào,

— Anh!... Anh! Em biết em có lỗi. Em phụ một lời thề. Em không hối hận nếu được chết trong bàn tay của anh. Mai này, nhớ em, ra mộ, trải hoa hồng lên mộ là hồn em vui…

Không được! Người cảnh sát ngày xưa khờ dại, nhưng Thái không dại khờ. Thái tính toán, trong hoàn cảnh này nhất định phải quay mặt đi; nhất định không để ánh mắt giai nhân lung lạc; nhất định phải vung tay lên, cương quyết đưa xuống, nhanh, gọn, để ánh mắt kia lạc thần, mờ lại, bạc thếch, trắng xóa mắt ma!

Tốt nhất là căn vào lúc nàng đi làm về, Thái đứng núp sau bụi cây cạnh ngay cánh cửa chung cư. Phải đợi nàng vặn khóa, mở cửa, Thái đeo mặt nạ đen Ninja, nhào ra, tay bịt miệng, tay kia đẩy nàng vào nhà. Phải khóa cửa thật lẹ. Không nhìn ánh mắt giai nhân, không nói gì hết, tay vung cao, hạ xuống. Không cho nàng cơ hội mở miệng nói một lời, nếu không hỏng bét. Ánh mắt giai nhân chớp chớp một lần, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc.

Càng nghĩ về dự án sát thê, lòng Thái càng mềm đi. Sát khí trong người hạ nhanh. Thái nhớ lại, hồi còn trung học, báo Mỹ đăng tin người đàn ông Việt Nam bắn chết vợ, lên ghế điện, mấy đứa con bơ vơ mất cả bố lẫn mẹ. Thái với mấy thằng bạn ngồi ăn trưa trong cafeteria trường trung học cười hô hố, nói ông nội khùng, ai mà khờ, chết vì gái!. Thế mà giờ đây Thái đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Lên ghế điện, Thái chẳng ham. Sát khí tan, Thái bỏ qua dự án tương lai.

Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác.

oOo

Thái bật bếp điện nấu nước phở. Con Thi nói dấm dẳng tựa chó cắn ma, con không ăn tối. Giờ này “bà nội” ngồi trong phòng, chắc lại đang ôm điện thoại. Thái dọn ra ba tô phở cho thằng Thiên, con Thảo và chàng. Con bé Thảo sáu tuổi, giờ tươi như hoa, thơm mùi xà bông đu đủ, sạch sẽ mịn màng như công chúa Mỵ Nương sau khi được gà trống Hùng Thái Vương tắm rửa.

— Bé Thảo đói chưa?

— Con đói...

— Bé Thảo ăn phở hay hambuger?

Con bé cười toe toét,

— Con “thít” phở.

Thằng Thiên, mặt còn xanh, đang nằm trên giường nhìn Thái giỡn với em gái. Nó cười khanh khách, nhõng nhẽo,

— Bố ơi! Con cũng ăn phở.

Thái bế con Thảo trên tay, tay kia sờ trán thằng nhỏ, nhiệt độ đã hạ. Thái mừng rơn,

— Mười phút nữa Phở Thái mới mở cửa.

Thái bỏ con bé Thảo xuống, lại ngứa. Tính gãi cho đã, nhưng nhớ đang đứng trước mặt con, Thái dừng lại, di di ngón tay trên vết ghẻ, đi thẳng lên lầu,

— Thi, xuống ăn tối.

“Bà nội” từ trong phòng hét tướng,

— I told you Im not hungry!

Thái đi xuống, lắc lắc đầu. Con bé này hỏng toẹt! Mở miệng là sổ tiếng Hồng Mao. Tiếng Việt không biết một chữ gãy đôi. U a u ơ như Mỹ nói tiếng Việt. Thái hối hận hồi đó không chịu dạy dỗ con nhỏ. Thái chép miệng! Hồi đó ham làm, mất vợ. Giờ này ngơ ngơ ngác ngác gà trống nuôi con. Làm găng với con Thi, nó bỏ đi hoang, mất con. Mai mốt nó về, vác theo của nợ quẳng cho ông ngoại nuôi. Thôi! Nhịn nó một chút như nhịn gãi ghẻ. Sang năm con Thi vô đại học, xong nợ.

Thái chép miệng, phải đổi chiến thuật, phải chịu khó dậy cái giống họ Trần đang ngồi trên giường húp xùm xụp tô phở nói tiếng Việt.

— Bố ơi, mai con có đi học không?

— Thôi, ốm, ở nhà.

— Con cũng ở nhà với Thiên.

— Con phải nói…với anh Thiên…

Con bé máu tếu như bố, lại cười toe toe,

— Con cũng ở nhà với anh Thiên.

— Giỏi. Con gái rượu của bố tuyệt vời. Ngày mai cho hai anh em ở nhà chơi. Mai khỏi đi học, khỏi đi làm. Mai bố ở nhà dậy tụi con tiếng Việt. Bây giờ người lính trẻ đánh vần trước. Còn nhớ chữ Việt đánh vần làm sao hay không?

Cái giống họ Trần ngừng húp phở, ngân nga,

— Vờ, i, vi, …ê, via, …tê, viết, …nặng, …Việt.

Thái vỗ tay,

— Giỏi, giỏi quá.

— Còn chữ Nam?

— En nờ, a, …na, em mờ, …Nam.

Con Thảo làm nũng với bố,

— Bố ơi, bố dạy con tiếng Việt đi.

oOo

Bác sỹ nói,

— Ông bị dị ứng với thịt bò. Ông càng ăn thịt bò, ông càng bị ngứa.

Thái trợn tròn mắt,

— Bác sỹ nói… Cả đời tôi ăn thịt bò mà có thấy chi đâu?

Không nói them chi, ông bác sỹ lật hồ sơ cá nhân của Thái lên, cười nhếch mép, chậm rãi nói, giọng hơi đểu,

— Ông năm nay bốn mươi mốt, đã toan về già. Ông còn ăn thịt bò, còn ngứa dài dài. Ông nhìn đi. Mề đay nổi đầy người. Ông tiếp tục ăn thịt bò, có ngày mất mạng. Ông trên bốn mươi rồi, tôi đề nghị kỳ tới ông lấy hẹn khám prostate đi.

Nghĩ tới lúc phải cong lưng xuống cho ông bác sỹ khám tuyến tiền liệt, Thái rùng mình, rụt xương sống, mặt xanh lại. Chàng chấp nhận gà trống một mình nuôi con, chấp nhận tóc hói, chấp nhận mặc quần 35, chấp nhận giã từ thịt bò; nhưng chết thì chết, chàng nhất định không chịu cong lưng xuống; chết thì chết, chàng nhất định không chịu đeo kính, kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm.

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
26/06/201210:03:18
Khách
Bài này tác giả linh mục đột xuất viết xuất thần, bút pháp na ná như ĐOÀN THỊ, LÊ THỊ, nhanh gọn, sỗ sàng, dí dỏm, nhìn đời với thái độ ung dung tự tại của người am hiểu 2 chữ VÔ ngã trong triết lý Phật, tỉnh bơ trước cuộc đời đổi thay hư ảo, không phê bình, không chỉ trích, không giận, không buồn, không vui, không khen, không chê...
Khâm phục... Khâm phục...
28/06/201210:03:25
Khách
Có sự bứt phá rất ngoạn mục về bút pháp. Một cố gắng rất đáng trân trọng. Hy vọng tác giả đã gãi đúng chổ ngứa của mình. Rất mong ông gãi tiếp!
16/06/201205:20:42
Khách
Xuân bất tái lai

Cái câu "chữ rằng xuân bất tái lai" được cho là của Hồ Xuân Hương chứ không phải của Bà Huyện Thanh Quan.
16/06/201220:16:36
Khách
Bốn muơi, đối với người VN chúng ta là ngưỡng cửa của tuổi già mà tác giả đã cảnh báo; quá là đúng.
Một bài viết dí dỏm, diễn tả cảnh một đời thường na ná như hoàn cảnh đa số di dân VN hiện nay.
Thật là thâm thuý! Bội phục
21/06/201221:52:20
Khách
Xin lỗi nha tác giả; chữ rằng"Thuốc đắng đả tật,lời thật mất lòng";không ngờ bài này mà lại là của Nguyễn trung Tây!

So với những bài trước bài này KHôNG PHảI của Nguyễn trung Tây.

Nói ít hiểu nhiều là được rồi .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 841,501,518
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.