Hôm nay,  

Nước, Nhà

22/02/201600:00:00(Xem: 12709)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3759-17-30259vb2022216

Bài trích từ báo xuân Việt Báo Bính Thân 2016

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà đã nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi” và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

blank
Tác giả với buồng chuối bên hè.

Tôi sống trên đất Mỹ hơn 43 năm. Đã qua nhiều tiểu bang nhiều thành phố và làm chủ dăm ba ngôi nhà. Ba căn trước đã bán rồi, một căn thì sang qua cho con trưởng, căn thứ năm đang ở.

Ngôi nhà đang ở nằm sát bên Tiểu Sài Gòn. Đó cũng là lý do tôi mua căn nhà nầy. Khi tìm nhà mua cũng đã coi vài căn ngay tại Tiểu Sài Gòn nhưng giá cả không phù hợp với căn nhà hay căn nhà không có đủ tiêu chuẩn mình tìm nên sau cùng, khi bước vô coi căn nhà nầy, 10 phút sau, ngồi trong xe, hai vợ chồng bàn tính, đồng lòng mua ngay.

Chúng tôi ký hợp đồng mua nhà ngày 3 tháng Năm, dọn vô ở ngày 15 cùng tháng. Chính bà trung gian mua bán nhà đã nói, -đây là căn nhà bà bán được trong thời gian ngắn nhứt.

Hơn bốn chục năm qua một cái vù, như ngôi sao băng. Nhưng dù xẹt qua một cái vù, ngôi sao cũng để lại một vệt dài.

Phải nhìn ngược lại, bỏ đi mấy năm lủng củng, chỉ tính từ đầu tháng 5 năm 1975 cho tới nay, đủ thứ chuyện.

Năm ấy, SàiGòn mất, Má và các em tôi đã được cầu không vận của Thủy quân lục chiến đem sang Hoa Kỳ.

Tháng năm 1975 khi từ Camp Pendleton đưa Má và các em ra, chúng tôi tất cả 11 người sống tạm trong căn nhà một phòng ngủ, tại thành phố Reno thuộc tiểu bang Nevada. Tuy chui rút trong căn nhà nhỏ tí tẹo nhưng cả gia đình rất hạnh phúc và vui vẻ vì vừa qua một cơn khủng hoảng và lo sợ, tâm trạng của những nguời mất nước.

Vợ chồng chúng tôi đem má và ba đứa em lớn vô hãng may làm việc.

Cả nhà thường ngồi may từ sáng sớm cho tới tối, ghé chợ mua hai con gà, về luột gà ăn với nước mắm ớt và cơm, ngon hết biết. Ăn như thế cả tháng không ngán.

Nhờ biết dành dụm tối đa cho nên hai tháng sau có đủ sức mướn một căn nhà lớn hơn, 4 phòng ngủ trên đường Flint, cận trung tâm thành phố Reno. Ngôi nhà nầy là của hai chị em bà Mỹ, cả hai đều có mái tóc trắng như tuyết. Mấy chị em có chụp mấy tấm hình chơi với tuyết trên sân cỏ phủ đầy tuyết và một tấm ngồi chật bên nhau trên mấy bậc thềm trước cửa nhà.

Năm 2014 chúng tôi đã trở lại lối cũ, Má tôi muốn thăm lại ngôi nhà xưa.

Chúng tôi lại chụp thêm tấm hình nữa, cũng ngồi chen nhau trên các bậc thềm xưa. Lần nầy thì phải kẻ đứng người ngồi vì ai cũng “trưởng thành quá khổ”!

Cái sân cỏ đầy tuyết ngày xưa nay đã trở thành sân tráng xi măng làm bãi đậu xe vì cả dãy nhà trên con đường ngắn nầy đã trở thành khu văn phòng luật sư.

Những ngôi nhà nằm trên con đường nầy họ muốn giữ nguyên vẹn lịch sử cấu trúc kiểu xưa nên họ không thay đổi hình dạng. Tuy hiểu được ý nghĩa của việc giữ gìn “căn nhà cổ” nhưng nhìn kỹ hơn, ngôi nhà không ít nhiều chịu sự tàn phá của thời gian, giống như chúng tôi, cũng đã trầy vi tróc vẩy phần nào, lòng thật rất bồi hồi.

Trở lại chuyện xưa năm ấy, nhờ dành dụm, có đủ tiền, tháng 2 năm 1976 chúng tôi mua căn nhà đầu tiên và hai chiếc xe.

Căn nhà nằm trong khu dân cư khá yên tịnh, có 3 phòng ngủ một phòng tắm rưởi, trị giá 37 ngàn mỹ kim. Theo người trung gian thì chồng tôi có thể mượn tiền của quỹ cựu quân nhân nhưng chồng tôi đã quá ngao ngán cho sự hững hờ lạnh nhạt của dân chúng cùng chính phủ Mỹ thời đó đối với cựu quân nhân từ Việt Nam trở về nên anh nói thôi, muợn nhà băng tư cho rồi dù tiền lời có cao hơn nhưng không phải chờ đợi lâu lắc.

Từ khi sống trong căn nhà mua, lòng tự tin cũng khá hơn. Cả nhà có sáu người lớn đi làm hằng ngày, năm đứa nhỏ đi học, đứa con gái tôi mới sanh mướn người tới tận nhà giữ, cuộc sống từ từ khá lên, tài chánh đủ để trả những món nợ nhà nợ xe.

Khi chúng tôi được hãng gởi qua Los Angeles, California để mở chi nhánh, chúng tôi bán nhà để dọn đi.

Rất tiếc, đã bán hố căn nhà. Năm ấy, 1976, casino MGM mới xây, nhà tự dưng lên giá mà chúng tôi không để ý cũng không thèm nghe lời bàn của người hàng xóm. Thay vì nhà trong khu ấy có trị giá trên 50 ngàn, người môi giới có ra ý kiến nên cho mướn, tiền cho mướn đủ trả tiền nhà và tiền cho công ty trung gian bảo quản nhưng chúng tôi quyết định bán gấp vì không muốn dây dưa, cho nên đã bán căn nhà chỉ 39 ngàn cho công ty ấy. Một năm sau, họ bán lại với giá gần 100 ngàn.

Dọn tới California, đại gia đình, lần nữa sống chung trong ngôi nhà mướn, đã được sửa từ ba phòng thành 5 phòng, đủ chứa 12 người lớn nhỏ. Cả nhà sống chung như thế cho tới cuối năm 1977 thì lại lục đục dọn xuống tiểu bang North Carolina để mở một chi nhánh hãng may khác.

Vợ chồng tôi bay xuống đó trước coi tình hình và mua ngay một ngôi nhà hai tầng mới xây xong, nằm trên mảnh đất gần một mẫu, trị giá 52 ngàn mỹ kim tại ngoại ô thị trấn Monroe. Mãnh đất nhà nầy có con suối nhỏ chảy qua, có cây đại thụ Cedar gỗ thơm, có bao nhiêu cây cỏ lạ. Khi một người bạn Việt tới chơi, y đã nói “nhà chị có mấy bụi sâm rất quí, chị có biết hông?” dĩ nhiên là tôi đâu có biết vì bận đi làm, có bao giờ ra sân sau đâu mà biết?.

Lúc ấy thị trấn nầy chỉ có hai gia đình người Việt mà thôi, qua năm 1980, các nhà thờ mới bảo lãnh thuyền nhân, thêm cả trăm người.

Thời gian sống ở North Carolina, thấm thoát cũng gần 8 năm. Tuy kiếm được tiền nhưng đời sống quá buồn tẻ, quả thật, lúc ấy, tiền không mua được tiếng cười, các con lại bị sự kỳ thị chủng tộc trong trường học. Chịu hết nổi, tháng 8 năm 1984 chúng tôi quyết định trở về California.

Ngôi nhà lầu cho mướn, năm sau bán lại, chỉ 53 ngàn mỹ kim cho người mướn nhà.

Lại một sai lầm thứ hai vì nhà cửa ở vùng đó bắt đầu tăng giá vì dân tị nạn bắt đầu túa về đông hơn mà chúng tôi không để ý.

Lần về Cali ấy, cả đại gia đình lại sống chung với nhau trong một căn nhà có bốn phòng ngủ tuy dân số trong nhà đã tăng lên 18 người lớn nhỏ và một con chó với một con mèo. Như vậy có nghĩa là, mỗi gia đình tụm lại trong một phòng, chó và mèo ở ngoài sân, một cái sân rộng.

Nhà nầy trong một khu bình dân cho nên rất phức tạp. Hằng ngày có những tiếng súng nổ, có đèn pha từ máy bay trực thăng quét xuống tìm kẻ gian, đi ngoài đường ban đêm rất nguy hiểm, con cái đi học thường xuyên bị đám con nít bản xứ ăn hiếp cho nên chúng tôi lại phải tỏa ra, mỗi gia đình phải tìm nhà khác, ở khu vực khá hơn.

Vợ chồng tôi, nhờ một căn nhà mobile home của mẹ chồng để lại, chúng tôi đem nó ra đổi, mua ngay một căn townhouse hai tầng lầu mới xây, bốn phòng ngủ ba phòng tắm rưởi nhà ga hai xe tại trung tâm thành phố Montery Park. Đáng lẽ căn nhà trị giá 225 ngàn nhưng vì chúng tôi mua căn nhà làm mẫu nên được bớt xuống còn 222 ngàn thôi.

Gần đó Má và các em cũng mua căn nhà khu El Monte và La Puente. Như vậy, cả đại gia đình cũng tạm gọi là “an cư”. Nhưng “lạc nghiệp” thì chưa. Đây là thời gian khủng hoảng tinh thần nhứt cho đại gia đình.

Bây giờ nhìn lại mới thấy những sai lầm của mình và bao cơ hội đã ngu dại bỏ lỡ.

Chồng tôi hay dùng câu ngạn ngữ nầy “chúng ta chậm một bước và thiếu một đồng”

Năm 1977 là năm dân Việt tị nạn bắt đầu tụ lại vườn dâu vườn cam để sau nầy gầy dựng thành Tiểu Sài Gòn nổi danh khắp thế giới của cộng đồng Việt nam lưu vong, thế mà chúng tôi lại rời xa.

Quẩn quanh North Carolina, phí đi 8 năm trời, khi trở về Cali, thấy dân tị nạn mình đã vượt lên quá xa quá giỏi còn mình thì cả đám đang thất nghiệp. Cơn khủng hoảng kéo dài gần hai năm.

Rồi cũng qua.

Năm 1990 vợ chồng tôi cho mướn căn townhouse, mua thêm căn nhà ở El Monte, trị giá hai trăm ngàn. Nhà có sân trước sân sau rộng rãi, có ba phòng ngủ hai phòng tắm trong một khu yên tịnh gần trường học nhà thờ và chùa.

Nhà nầy vợ chồng tôi sống cho tới năm 1997, bỗng dưng chồng tôi vào tuổi hồi xuân, muốn thay đổi. Cũng may anh ta không đổi vợ, chỉ sắm xe Corvette, mua một chiếc du thuyền, rinh bà vợ không biết lội dọn xuống sống luôn cho tới năm 2003, còn căn nhà thì để lại cho gia đình con trai trưởng. Ngôi nhà có căn guest house để thằng con thứ còn độc thân ở, con gái thì dọn ra ở riêng.

Thời gian nầy chúng tôi rất thoải mái trên tàu neo trong “Boat City tại Marina del Ray. Hằng ngày khi đi làm về được hít thở bầu không khí trong sạch của biển cả, tinh thần và thể xác rất hài hoà.

...

Bảy năm trôi qua. Tôi bắt đầu thấy bị tù túng trong chiếc du thuyền chiều ngang 13 feet và chỉ dài 42 feet ấy, cho dù xung quanh có là trời nước minh mông. Tôi nhớ cây cối bông hoa. Nói tóm lại, tôi nhớ đất. Rồi chỉ vì cái vụ hoàn cầu thông thương kinh doanh, đa số những dịch vụ về hàng vải đã nhập cảng từ các nước khác vào Mỹ cho nên công ty của chúng tôi bị lỗ vốn phải đóng cửa.

Rồi chồng tôi bị tai nạn gãy chân không thể điều khiển con tàu được nữa vợ chồng tôi phải bán chiếc tàu, lấy căn townhouse cho mướn lại, sang qua cho thằng con thứ còn chúng tôi lên bờ ở trong căn nhà nhỏ sau lưng nhà con trưởng.

Năm 2009, chúng tôi bắt đầu tìm nhà mua. Chúng tôi đi coi gần 30 căn, muốn sống gần biển, vòng vòng khu Huntington Beach, mắc quá, phải tìm rộng ra xa hơn.

Đối với tôi, cách xây dựng nhà của Mỹ rất tiện lợi và phân biệt từng phòng kín đáo, nhưng tôi chưa bao giờ thích cái bếp của họ. Bởi vì, hễ vô bếp là tôi phải mang dép cao gót mới làm bếp rửa chén vừa tầm. Tất cả những cái tủ cũng vậy, cái nào tôi cũng chỉ xài được có hai ngăn dưới cùng mà thôi. Bởi vì cái bếp họ làm quá cao đối với chiều cao của tôi. Chồng tôi hứa mua nhà xong sẽ phá cái bếp ra xây cái “bếp lùn” cho vừa với tôi. Vậy mà, sống trong nhà nầy hơn 6 năm rồi, tôi vẫn còn mang dép cao gót khi vô bếp vì tiền bạc đâu mà phí phạm và ai nỡ lòng nào, tự dưng cái bếp toàn bằng gạch men trên tường và gạch bông dưới nền mà phá bỏ để xây cái khác?

“Đừng phí của. Cái gì không hư thì đừng sửa” Ba Má tôi thường nói như vậy.

...

Hồi khuya, chợt bừng tỉnh, tai nghe tiếng nước chảy xối xả ngoài cửa sổ, làn gió mát lan vô phòng. Mừng quá, vậy là mưa, mưa mong đợi, cả tháng nay. Nói đúng hơn là cả năm nay, cả năm vừa rồi nữa. Nhưng, cả mấy tháng mới có trận mưa, thấm vào đâu?

Nạn thiếu nước trầm trọng ở tiểu bang California khiến mọi người lo ngại, sau cùng, khi chính phủ cảnh báo, nếu nhà nào xài quá số lượng nước thì sẽ bị phạt. Nói về chuyện bị phạt ở xứ Mỹ nầy, không nhẹ đâu, vì vậy, ráng tiết kiệm nước. Tắm không quá lâu, đánh răng rửa mặt, một tay cầm cây bàn chải đánh răng, một tay thủ sẵn cái nút vặn tắt nước, rửa chén không để nước xả không không, đại khái mọi sự cần tới nước đều phải cẩn thận không phí phạm.

“Theo báo Sacramento Bee, trong khi hầu hết các nơi trong tiểu bang đều giữ đúng chỉ tiêu tiết kiệm nước hằng tháng trong Tháng Chín, bốn khu thủy cục, Beverly Hills, Indio, Redlands và Coachella Valley vi phạm khá nghiêm trọng.

blank
Và bản đồ chữ S trước nhà.

Đọc báo thấy tin tức nói rằng

“Theo Hội Đồng Kiểm Soát Nguồn Nước Tiểu Bang, nơi điều hành việc sử dụng nước ở California, mỗi nơi bị phạt $61,000.

Ông Cris Carrigan, giám đốc hội đồng, nói: “Cả họ lẫn cư dân trong khu vực họ đều không có nỗ lực hạn chế nào.”

Theo ông Carrigan, cả bốn khu thủy cục đều không hề ghi giấy phạt cho bất kỳ cư dân nào không chịu tuân hành. Nói chung, kể từ Tháng Sáu, họ “phí phạm” khoảng 2.3 tỉ gallon nước, riêng Coachella Valley đã phí đến 1.4 tỉ gallon.”

Kể từ Tháng Sáu, dân California đã giảm bớt được 28.1%. (TP)

Thêm một tin khác:

“Los Angeles thả 96 triệu bóng nhựa xuống hồ ngăn nước bốc hơi. Giới chức thành phố Los Angeles thả 96 triệu quả bóng nhựa xuống các hồ chứa nước để ngăn bốc hơi, trong bối cảnh toàn bang đang phải đối mặt với hạn hán lịch sử.

Những quả bóng nhựa màu đen được thiết kế để chống bụi, mưa, hóa chất, thú rừng, dự kiến sẽ ngăn chặn hơn 1,1 triệu m3 nước bốc hơi mỗi năm. Những quả bóng sẽ nổi lên mặt nước, chặn ánh sáng Mặt Trời làm nước bốc hơi, cũng như ngăn các phản ứng hóa học tạo ra hợp chất gây ung thư bromate. Những quả bóng tạo thành rào cản, bảo vệ mặt nước khỏi chất thải của chim chóc, động vật hoang dã. Lần lượt từng hồ chứa nước ở Sylmar, Upper Stone, Elysian và Ivanhoe sẽ được thả bóng nhựa bao phủ 85-90% bề mặt. Tổng dự án trị giá 34,5 triệu USD.

Giải pháp thả bóng nhựa ngăn nước bốc hơi do tiến sĩ Brian White, quan chức về hưu của Sở Điện lực và Nguồn nước Los Angeles (LADWP) nghĩ ra. Từ năm 2008, LADWP đã sử dụng phương pháp 57 này để ngăn chặn hiện tượng tảo nở hoa, phản ứng hóa học và ánh sáng Mặt Trời ở nhiều hồ chứa nước lộ thiên. Mỗi quả bóng có kích thước tương đương một quả táo to, giá 0,36 USD. Chúng có màu đen vì đây là màu duy nhất có thể làm chệch hướng tia UV. Mặt hồ chứa nước rộng hơn 70 hecta ở Sylmar hôm qua được phủ kín bởi hơn 20.000 quả bóng nhựa."Trong bối cảnh California đang đối mặt với hạn hán lịch sử, giải pháp này giúp bảo vệ nguồn nước lên mức tối đa," Thị trưởng thành phố Eric Gracetti phát biểu. Dự án này sẽ tiếp kiệm được 250 triệu USD so với những giải pháp khác để bảo vệ nguồn nước như xây đập ngăn đôi hồ chứa và đặt hai tấm phao nổi bao phủ mặt hồ - tốn kém tới 300 triệu USD. Ngoài cắt giảm việc cho hóa chất vào nước để ngăn tảo bùng nổ, những quả bóng này sẽ ngăn chặn 1,1 triệu m3 nước bốc hơi, đủ cung cấp nước uống cho 8.100 người một năm," ủy viên hội đồng thành phố Mitch Englander cho biết.

Như vậy cho thấy, chính phủ Mỹ đã lo lắng cho tương lai kỹ lưỡng như thế nào. Họ chịu bỏ tiền ra để bảo vệ môi trường, còn mình, tại sao lại phí phạm? Tôi tiết kiệm từ chút. Nước rửa rau thì chịu khó bưng cái thau ra tưới chậu kiểng ngoài sân, rửa chén không để nước xả liên tục mà phải chứa trong bồn, khi tắm thì không được đứng dưới vòi bông sen ca cho hết bản nhạc, cho nước chảy triền miên phí phạm như trước kia nữa. Tiền nước mỗi tháng đã giảm đi một nửa.

Từ lo ngại thành lo lắng khi trái cây rau cải trong chợ đều bị tăng giá và không còn tốt tươi như xưa. Và rồi, bắt đầu thấy bãi cỏ nhà tôi đổi màu.

Cái sân trước nhà tôi, trước kia là một thảm cỏ xanh mướt, trồng nhiều loại cây hoa lá bông hoa rực rỡ. Nhìn từ trên xuống, hình ảnh ngôi nhà của mình, xanh muớt. Từ hồi ông trời không chịu nhỏ giọt nước nào, từ hồi chính phủ ra lịnh dân chúng phải tiết kiệm nước, nếu không sẽ bị phạt, mà ở xứ Mỹ nầy khi bị phạt thì mức phạt rất… mắc, cho nên, từ hồi ấy, tôi đã tuân thủ theo lịnh của chính phủ, cúp nước tưới cỏ tự động, chỉ thỉnh thoảng tưới bằng vòi, cây cối cố sống quay quắt mà thôi.

Như vậy có nghĩa là, cái sân trước của nhà tôi bắt đầu thiếu nước. Thiếu nước tưới, bãi cỏ bắt đầu lốm đốm nửa vàng nửa xanh. Từ nửa màu nầy nửa màu kia tới lúc vàng cả sân, rồi thì, khô cháy. Những cây lớn như cây đào, cây mơ, cây bông vàng, cây thông kiểng, bông sứ, cây lựu và rặng hoa lan đều quéo quắt lá, héo hon. Tưới kiểu đó làm gì cho phỉ? tại vì đất xứ nầy lạ lắm, có khi mình tưới nước cả buổi, nếu lấy cây xẻng lật lớp đất bên trên lên cỡ hai ba phân thì lớp đất bên dưới khô queo, nước không thấm tới rễ cây đâu, cây cối tưới hao nước lắm.

Tôi bàn với chồng tôi rằng:

- Mình à, hay là mình đổi sân cỏ thành sân trồng xương rồng? xương rồng cần ít nước, hạp với đất xứ nầy. Có công ty kêu gọi, họ thay sân cho mình thành sa mạc, không tốn đồng nào kìa. Làm hông?

Chồng tôi nói:

-“Cưng” muốn làm gì cứ việc tự do, miễn đừng bắt tui phải ra xới đất đào lỗ là được.

Tính chắc trong bụng rồi, tôi bắt đầu suy nghĩ, tưởng tượng ra một cái sân toàn xương rồng. Xương rồng nhiều loại trổ bông rất sặc sở rất đẹp, lại có thể sống mạnh mẽ trong bất cứ môi trường khắc nghiệt nào. Nhưng, tôi không muốn sân nhà mình hoàn toàn rập khuôn như công ty miễn phí kia quảng cáo.

Tôi nhờ một người quen thân với gia đình, tới thay đổi cái sân. Trước hết, y đem mấy người thợ từ Home Depot tới, đào nguyên cái sân cỏ lên bỏ, xong rồi thì dùng cuốc xẻng cào xới làm cho bằng phẳng những chỗ lồi lõm. Lấy lớp cỏ lên rồi mới thấy cái sân nầy không được bằng thẳng cho lắm, hèn chi hồi trước mấy đứa cháu nội chạy chơi trên cỏ hay bị vấp té. Phần nầy xong rồi, y mới cho hai xe cát về đổ đống giữa sân rồi bắt đầu ban ra cho đều. Cát màu vàng, mịn làm tôi nhớ tới bãi biển Cam Ranh. Lạ thiệt, cát Nha Trang màu trắng xám còn ở Cam Ranh lại màu vàng tươi.

Phần việc nầy cũng mất mấy tuần vì y chỉ làm được một hai ngày một tuần mà thôi. Tôi cho y biết thật sự tôi rất muốn có hình bản đồ chữ S, bản đồ Việt Nam trên sân.

Thế là tôi lên internet tìm bản đồ chữ S in ra cho anh ta về nhà nghiên cứu. Sau nhiều ngày đào xới, thấy dễ mà không phải dễ, căng dây, xẻ rãnh, cưa từng cục gạch, bản đồ chữ S cũng được hình thành, tuy rằng cái mũi Cà Mau không được đúng mấy nhưng tôi cũng mừng vì mỗi lần đứng trong bếp nhìn ra sân nhìn thấy cái bản đồ hình chữ S, tôi vui lắm. Y có óc thẩm mỹ, tuy cái sân cát là chính, y còn chừa lại cây đào, cây mai, cây điệp vàng, chèn thêm 5 hòn đá to, tượng trưng cho gia đình tôi hai vợ chồng và ba đứa con. Y làm thêm con đường đi ngoằn ngoèo lót gạch rất mỹ thuật.

*

Nhớ lại từ hồi cả nhà 12 người sống trong căn nhà chỉ có một phòng ngủ cho tới bây giờ mỗi gia đình đều có nhà cửa, quả là một sự thay đổi quá xa.

“Phải tập sống thích nghi với hoàn cảnh và môi trường”, tôi thường tự nhủ. Nhà mình ở đây, bếp quá cao thì mang dép cao gót vào, cỏ thiếu nước thì làm sân cát lót tấm cỏ giả, cũng đẹp vậy. Muốn tiết kiệm điện lực thì chuyển qua gắn hệ thống solar, xài năng lượng mặt trời giúp môi trường sạch cho thế hệ sau thì bây giờ mình phải biết để ý từng chút. Lon coca để một thùng, chai nuớc lọc để riêng một thùng để đem tới recycle, bao ny lông không được thải bỏ bừa bãi.

Giữ gìn và tuân theo luật pháp, đó là điều tôi học được từ người chồng. Từ những ngày xa xưa khi ở đảo Cam Ranh, thấy người ta đào bãi cát lấy hết trứng con Vích, là con rùa biển hằng năm lên bờ đẻ trứng, anh đã than “ăn hết trứng như vậy thì rùa nầy sẽ bị tuyệt chủng, sao người ta không chừa lại vài cái trứng?” Anh không hiểu, ở xứ nghèo, trứng ấy là thức ăn cho biết bao người.

Năm 1971, lúc mới bước chân lên xứ Mỹ, khi xe ngang qua những ngọn đồi ở Tucson Arizona, thấy hằng hà sa số cây xương rồng, tôi muốn hái, đã bị chồng tôi dạy cho một câu nhớ đời “cây cối bông hoa của tiểu bang, không được đào không được hái dù chỉ là một bụi cây hay một cái bông, phạt 500 đô la” Phải rồi, ai cũng đào cũng hái còn gì cho con cháu chiêm ngưỡng?

Từ đó về sau, tôi biết tôn trọng của công, biết nghĩ về môi trường và thế hệ sau.

Hơn bốn mươi năm trước, chúng tôi với hai bàn tay trắng đã vượt qua tất cả bằng chính sự tự tin và cố gắng không ngừng. Bây giờ tôi có ngôi nhà với hệ thống Solar tiết kiệm điện lực trên mái, tiết kiệm hơn phân nửa tiền điện mỗi tháng, với sân cát vàng tiết kiệm nước trước sân, tấm bản đồ chữ S thân yêu trồng xương rồng, nằm ngay tầm mắt và hơn thế nữa, có bụi chuối sau hè, có cây mai trước ngỏ để mỗi năm cho tôi lặt lá ép mai nở vàng ngày Xuân và mùa thu vẫn còn được quét lá vàng từ nhà hàng xóm bay qua, bao nhiêu đó quá nhiều để an ủi lòng kẻ tha hương. Còn muốn gì hơn?

Với lại, đợi cho tới khi các khoa học gia chuyển nước thải thành nước uống, đổi nước biển thành nước ngọt, hay là khi Nasa nào tìm ra được một hành tinh nào đó có nuớc để đem con người hay nửa nguời máy lên sinh sống thì còn quá xa, hiện tại, con cháu không còn bãi cỏ xanh để chạy chơi trước sân nhà rồi, không tiết kiệm sao được?

Phải giữ nước cho thế hệ mai sau.

Quả là phải tự hào được sống trong lòng quảng đại, con cháu lớn lên trong một môi trường tốt đẹp như nước Mỹ.

Cảm tạ đất nước Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của tôi. Cảm ơn “nhà tôi”, nhà tôi như cái gối ôm,

Gối ôm hơn bốn mươi năm
Đêm nằm ôm lấy tình thâm một đời./.

Cuối năm 2015

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
26/02/201615:20:00
Khách
Anh Thời thân mến
Dọn nhà đi theo việc làm mà quên không nghĩ tới tâm tình của con cái. Tụi nó còn nhỏ, mỗi lần dọn là mỗi lần các con phải dời trường đổi bạn, học hành cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Khi hiểu ra, hòn đá lăn hoài khó đóng rêu thì đã muộn anh ơi, điều nầy làm tôi rất hối hận.
Như anh chị ở một chỗ cả 35 năm, sướng thiệt. Rồi khi hưu trí cũng ở luôn trong cái nhà đầy kỹ niệm của vợ và con, qúy quá chừng.
Dạ, cảm ơn anh, vợ chồng tôi sống trong an bình, gần con cháu .
26/02/201615:15:15
Khách
ĐThị mến,
Chừng nào qua lại Cali? Có ai mà không nhớ quê hả ĐThị?
Việt Nam là mối tình đầu với hình chữ S và khuôn mặt những người của quá khứ, luôn sống trong tim tôi
Hoa Kỳ là mối tình cuối, chung thủy và lâu dài.
Bính Thân bên nớ có gì vui?
25/02/201605:07:06
Khách
Chị Tiểu Long Nữ ơi!
Người mình thường nói: " Ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà". Chị dời nhà liên miên mà vẫn vững như bàn thạch. Thật đáng nễ lắm! Chẳng bù với tôi, 5 năm nhà thuê, 35 năm nhà mua cững vẫn ở căn nhà nầy, thành phố nầy; không dám dọn đi đâu.
Bài viết của chị lôi cuốn tôi đọc tới hai lần. Cảm ơn chị, và cầu chúc anh chị an bình. nht
22/02/201620:45:19
Khách
Hay quá chị Xuân ơi, đi theo chị từ Reno xuống tới Sàigòn Nhỏ thấy vườn chữ S và buồng chuối mà nhớ quê nhà da diết.
Chúc chị và gia đình năm Bính Thân Như ý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.